Là dân Sài Gòn, hẳn mọi người đều biết đến Hồ Con Rùa nằm ở vị trí đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch ngày nay), Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần) và Trần Cao Vân. Hồ Con Rùa có công dụng như một bùng binh giao thông và là một công trường có đài phun nước của trung tâm thành phố. Công trường này mang nhiều ý nghĩa lịch sử hơn so với các bùng binh khác của Sài Gòn cùng thời điểm. Bên cạnh đó, Hồ Con Rùa còn có những câu chuyện hoang đường liên quan đến chuyện trấn yểm đuôi rồng dưới thời Đệ nhị Cộng Hoà.

Hồ Con Rùa có biểu tượng con rùa và bia vinh danh các nước đồng minh của VNCH được dựng vào năm 1972 (Nguồn: Manhhaiflick)   

Tôi nhớ nhất là chuyện “Vụ án Hồ Con Rùa”. Chuyện này không phải tựa phim dựa trên câu chuyện hình sự mang chất chính trị của tác giả Huỳnh Bá Thành đã viết. Số là buổi sáng ngày 2/4/1976 khi tôi đến trường thì ngay lập tức đám bạn cùng lớp rủ rê sau giờ tan học ra Hồ Con Rùa xem tấm bia đá và con rùa đồng đêm qua bị phá nổ. Có nên đến một chỗ lộn xộn trong lúc này hay không, tôi cứ phân vân nhưng rồi cũng không cưỡng nổi sự lôi kéo của mấy thằng bạn có máu phiêu lưu thực tế muốn đi “điều tra” vụ án Hồ Con Rùa.

Khi chúng tôi ra đến nơi thì khung cảnh không giống như lời bà bán xôi trước cổng trường miêu tả “sáng nay bác đi ngang qua Hồ Con Rùa thì thấy tấm bia và con rùa vỡ tan nát thành đống xà bần”. Tấm bia bằng đá hoa cương gẫy đôi còn vỏ đồng lưng của con rùa rách toạc. Nhiều người dân hiếu kỳ trong đó có đám học trò tụi tôi không đến gần được vì bị ngăn cấm chỉ đứng bên các góc đường nhìn sang săm soi bàn luận. Thằng bạn tôi đoán mò: “Chắc là bị ném lựu đạn, chứ lấy đâu ra mìn hẹn giờ mà đi cài đặt”. Tôi không nghĩ là người ta cố ý phá hoại nó bằng lựu đạn ngoại trừ dùng sức công phá mạnh hơn bằng mìn, mà đặc biệt điểm phá ngay dưới bụng con rùa. Nhưng điều tôi nghĩ tiếp là tại sao phải gây sự chú ý của quần chúng tại đây mà không là những điểm khác quan trọng hơn?

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Trong một bản tin ngắn đăng trên tờ Tin Sáng (nhật báo tư nhân đối lập trước 1975 còn cho hoạt động đến 1981) tôi mua ở sạp báo gần đó, tường thuật rằng: “Tối hôm qua, khoảng 8 giờ đêm ngày 1/4/1976, kẻ phá hoại Hồ Con Rùa bị bắn tại chỗ…” (kèm theo hình ảnh của một xác chết). Thực hư câu chuyện đó như thế nào khó mà biết rõ tận tường. Nhưng tôi cho rằng đánh bom phá hoại lúc trời tối mà để bị bắn ngay tại trận thật là điều khó hiểu!

Nếu như vậy, xem ra kẻ phá hoại chẳng qua một tay non. Vào thời điểm xã hội còn ngổn ngang, cái tin phá hoại Hồ Con Rùa hiện ra trên mặt báo rất giật gân khiến nhiều người lưu tâm. Sau này khi tôi đọc “Vụ án Hồ Con Rùa” thì mới biết một chút nguyên do. Chuyện này nhiều người biết, nhất là những ký giả làm việc cho tờ Tin Sáng cho đến lúc giải thể chuyển qua làm việc với các tờ báo khác.

Công trường Chiến sĩ Trận Vong (tức Hồ Con Rùa) cuối thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflicks)

Nguyên do đó là chuyện trấn yểm long mạch do mấy ông cố vấn an ninh của TT. Nguyễn Văn Thiệu gợi ý khơi mào. Chuyện này tôi có lần nhắc đến trong bài viết Bếp ăn của Dinh Ðộc Lập bởi khi nhắc đến Dinh Ðộc Lập là người ta nhớ đến chuyện trấn yểm mà người bạn của má tôi kể cho nghe khi còn làm phụ bếp trong Dinh Tổng thống.

Những chi tiết của câu chuyện trước đó tôi nghe được có nhiều điểm tương đồng với câu chuyện trong Vụ án Hồ Con Rùa sau này do nhà báo Huỳnh Bá Thành thuật lại. Ðó là chuyện Dinh Ðộc Lập xây dựng ngay trên long mạch đầu rồng, còn cái đuôi của con rồng này phải nhờ đến thầy địa lý tướng số dò xét tìm ra ở vị trí cách đó cả cây số. Nơi đó chính là Hồ Con Rùa.

Việc trấn yểm cần phải có con rùa bảo vệ, một trong bốn linh vật Long, Lân, Quy, Phụng để áp chế, bên cạnh khối bê tông có sẵn vươn cao lên trời xanh tượng trưng cho thanh kiếm cắm thẳng xuống đuôi rồng để nó không vùng vẫy làm lung lay đầu rồng (nơi toạ lạc quyền lực cao nhất được trường tồn). Việc cho phá hoại con rùa đồng, chính là diệt thần lực bảo vệ khiến đầu rồng của chế độ mới không yên. Rất tiếc, Sài Gòn không phải là thủ đô, nên Dinh Ðộc Lập sau năm 1975 trở thành Hội trường Thống Nhất sử dụng như một Di tích Quốc gia đặc biệt. Xét ra, mục đích của việc phá hoại Hồ Con Rùa chẳng qua là gây tiếng vang, cảnh cáo.

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Hồ Con Rùa vào thời Pháp thuộc nguyên là Công trường Chiến sĩ mà dân chúng Sài Gòn thuở ấy gọi là Tượng đài ba hình vì có ba hình tượng, một hình tượng thiên thần có cánh ở đỉnh tháp, 2 hình tượng chiến sĩ giữ súng cầm cờ. Công trường này được Toàn quyền Ðông Dương cho xây cất vào năm 1921 để hằng năm dùng nơi đây tổ chức lễ Quốc khánh Pháp (14/7) và làm lễ tưởng niệm binh lính Pháp hy sinh trong Thế chiến thứ nhất. Công trường này có tên chính thức là Quảng trường Maréchal Joffre.

Công trường Chiến sĩ thời Pháp thuộc, đến năm 1964 bị phá bỏ để xây dựng Công trường Chiến sĩ Trận vong thời đệ nhị VNCH (Nguồn: Manhhaiflicks)

Trước khi có Quảng trường Maréchal Joffre, tại đây từ năm 1878 là một đài chứa nước do Pháp xây để cấp nước ngầm cho một góc Sài Gòn vừa mới phát triển, có tên là Place de Château d’Eau. Ðến năm 1886, do nhu cầu cấp nước tăng cao, Pháp cho xây thêm một đài cấp nước nữa cách không xa tháp nước đầu tiên (nay nằm trong khuôn viên Công ty Cấp nước Sài Gòn SAWACO gần Hồ Con Rùa). Ðến năm 1921, Chính quyền thành phố cho phá bỏ tháp nước Place de Château d’Eau vì Sài Gòn lúc ấy đã khai thác được giếng nước ngầm, lắp đặt hơn 30 vòi nước bơm tay trực tiếp trên các tuyến đường chính ở trung tâm thành phố.

Khi ông Nguyễn Văn Thiệu lên nắm chính quyền với vai trò Chủ tịch Uỷ ban Lãnh đạo Quốc gia Việt Nam Cộng Hoà vào giữa năm 1964, ông cho phá bỏ tượng đài này và mở cuộc thi đồ án Công trường bùng binh thay thế. Ðồ án của Kiến trúc sư Nguyễn Kỳ trúng giải. Bùng binh là một hồ nước có lối đi trên mặt hồ, phía dưới đáy hồ là một hệ thống vòi phun nước lên cao, giữa hồ là một cụm 5 trụ tháp bê tông thẳng đứng, phía đỉnh là một mảng bê tông hình tròn tượng trưng cho nhuỵ hoa sen vươn cao khỏi những cánh hoa bằng những tấm bê tông hình chữ nhật cụp góc xoè cánh bên dưới. Cạnh bên trụ tháp là một đài tưởng niệm hình tròn, có bậc giật cấp lên cao, bên trên có một lư hương dùng để hằng năm đốt hương trầm trong ngày Chiến sĩ Trận vong của VNCH. Công trình này hoàn thành vào năm 1966 cùng thời điểm chỉnh trang hàng loạt các tượng đài trong thành phố. Do đó mới có tên gọi Công trường Chiến sĩ Trận vong hay Công trường Ðài phun nước theo cách gọi của giới bình dân.

Đài chứa nước dùng trong sinh hoạt đầu tiên được Pháp xây cất năm 1878 tại vị trí Hồ Con Rùa ngày nay (Ảnh: Tài liệu)

Mãi đến năm 1972, để kỷ niệm các nước đồng minh có thiết lập ngoại giao với VNCH, TT. Nguyễn Văn Thiệu cho Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá thực hiện đài vinh danh 44 quốc gia có đóng góp viện trợ kinh tế, giáo dục văn hoá cho VNCH. Bia vinh danh tại Sài Gòn được làm đặc biệt bằng bê tông, dán đá hoa cương, khắc tên các nước, sơn thếp vàng dựng trên lưng con rùa bằng đồng rỗng ruột, đặt bên trong Công trường Chiến sĩ Trận Vong vào đầu năm 1972 và từ đó công trường này mang một tên mới mà người Sài Gòn gọi là Hồ Con Rùa. Không phải chỉ có bia vinh danh các nước đồng minh dựng tại Hồ Con Rùa, nhiều tỉnh trên khắp miền Nam đều có bảng vinh danh ghi tên nước, vẽ cờ của quốc gia đó nữa. Ngoài ra Hồ Con Rùa còn có thêm một tên mới là Công trường Duy Tân, do con đường “cây dài bóng mát” này cắt ngang công trường đến tận phía Nhà thờ Ðức Bà. Tôi thích cách gọi này hơn, bởi suốt cả thời gian trung học tại trường La San Ðức Minh (sau là Trần Quốc Tuấn), mỗi ngày tôi vẫn đạp xe trên con đường Duy Tân dưới hàng cây cao toả bóng.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Chuyện trấn yểm đuôi rồng ở Hồ Con Rùa để giữ long mạch cho yên chẳng qua là một câu chuyện mê tín hoặc ai đó cường điệu quá đà trở thành chuyện khó tin nhưng lại được nhiều người lặp đi lặp lại. Nó tự nhiên trở thành chuyện khó tin nhưng có thật.

TN

(Fort Worth, TX)