Hãng rượu Bình Tây thành lập năm 1902 do công ty sản xuất rượu Đông Dương (Société Francaise des Distilleries de Indochine -SFDIC) điều hành nhằm độc quyền sản xuất và phân phối rượu với mục đích tăng nguồn thu ngân sách cho chính quyền thực dân. Thuở đó, rượu sản xuất thường là rượu gạo có độ cồn cao nhất là 38 độ.

Toà nhà ông Wang Tai (Vương Đại) vua phân phối rượu, ngay góc Bến Bạch Đằng và Đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) bán cho chính quyền Pháp làm Toà Thị Chính đầu tiên ở Sài Gòn (Nguồn: Manhhaiflick)  

Thỉnh thoảng, bạn bè gặp nhau làm vài chai bia, nói chuyện tào lao thế sự trên đời cho vui. Rượu vào lời ra nhưng say sưa thì không bao giờ. Chừng mực vài chai tuỳ tửu lượng từng người. Ðộ cồn bia thấp nhưng uống nhiều vẫn xỉn như thường. Ðem chuyện say xỉn rượu chè ra giải mã thì mấy anh bạn bảo, ngày xửa ngày xưa rượu nấu bằng gạo lên men bằng cây lá thì lấy đâu ra độ cồn cao để mà say. Rượu bia ngày nay lên men công nghiệp qua chưng cất để tăng độ cồn hoặc pha cồn cho nó nặng đô.

Anh bạn kể, hồi trước bố anh làm việc ở hãng rượu Bình Tây ở vùng Chợ Lớn. Nghe đâu, ông ấy làm ở đó từ khi hai mươi tuổi, lúc đó cũng là thời gian quân đội Nhật đánh Ðông Dương, đưa quân vào Sài Gòn. Rượu sản xuất ở hãng cũng chỉ có một thương hiệu là rượu Bình Tây, độ cồn 38 độ. Ðó là độ cồn rượu đã qua chưng cất công nghiệp. Rượu này nướng khô mực thì tuyệt, sau một cuộc rượu là say quắc cần câu.

Bố anh kể lại rằng, khi Nhật vào Sài Gòn thì hãng rượu này không còn độc quyền nữa. Những lò nấu rượu ngày xưa trỗi dậy, sản xuất và bán tự do ra thị trường. Chính sách làm cho dân ta ngu muội bằng thuốc phiện và rượu cồn của thực dân Pháp coi như chấm dứt. Nhưng thay vào đó người Nhật trói buộc bằng sưu cao thuế nặng. Thuế cao nhưng các lò nấu rượu vẫn có việc để làm. Dân mình bán rượu nấu ra gần như chỉ huề vốn, chủ yếu là lấy bã rượu để nuôi heo. Heo ăn bã rượu lớn nhanh vô cùng.

Nhà máy rượu Bình Tây trực thuộc Công ty Rượu Đông Dương ở Chợ Lớn (Nguồn: Manhhaiflick)

Chuyện độc quyền rượu thời Pháp thuộc giết chết bao lò nấu rượu cổ truyền ngót nửa thế kỷ khiến người dân thuở đó sống khó khăn vô cùng. Rượu, hẳn nhiên là thức uống có hại cho sức khoẻ nhưng nếu không lạm dụng nhiều để thành con sâu rượu như Chí Phèo thì lại khác. Rượu là thứ nghi lễ trong đời sống văn hoá từ bao đời, rượu là dược chất đẩy mạnh quá trình tiêu hoá trong bữa cơm hằng ngày; rượu là dược chất trong y học cổ truyền. Thuở đó, hầu hết các lò nấu rượu không dùng cồn công nghiệp làm tăng độ cồn pha thêm vào rượu gạo, nên rượu ủ men Tàu khá lành mạnh, độ cồn không cao.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Người Pháp hồi trăm năm trước gọi men Tàu chẳng qua là cách gọi chung chung chỉ chất men dùng để ủ gạo chín của dân nấu rượu kiểu thủ công ở xứ ta. Mặc dù họ vẫn biết rằng lò rượu ở mỗi miền đều có chất men khác nhau. Như xứ Bắc ngoài men rượu chính có lẫn vài vị thuốc bắc; men làm rượu ở Tây Nguyên được tổng hợp từ nguyên liệu thiên nhiên; miền Nam có men rượu vi sinh trộn vỏ trấu…

Khi mới chiếm Sài Gòn, giai đoạn từ 1870-1889, chính quyền thực dân từng được ông Wang Tai (Vương Ðại), một thương nhân giàu có người Quảng Ðông bán lại toà nhà ba tầng xây bằng gạch ngay góc bến Bạch Ðằng với đường Charner (Nguyễn Huệ) để làm toà thị chính đầu tiên. Nhờ tài “đi đêm” với giám đốc Sở Công quản, ông Vương Ðại trúng nhiều cuộc thầu nhập rượu miễn thuế từ các vùng. Ðồng thời ông được cử làm chủ bang hội quản lý lĩnh vực trưng rượu ở Cao Miên. Ngoài ra, ông còn là chủ nhà máy xay xát lúa gạo rất lớn ở Chợ Lớn, chủ hệ thống tiệm cầm đồ, thuốc phiện, chủ địa ốc, chủ lò gạch gốm. Sự phất lên từ rượu, gạo, cầm đồ, thuốc phiện… đã giúp Vương Ðại trở thành một trong những đại gia sở hữu bất động sản lớn nhất ở Sài Gòn, Chợ Lớn một thời.

Nhà máy gạo Bình Tây cung cấp nguyên liệu cho hãng Rượu Bình Tây nằm ở phía sau lưng tiện việc vận chuyển (Nguồn: Manhhaiflick)

Trong cuốn sách Imperial Intoxication: Alcohol and the Making of Colonial Indochina (Ðộc quyền rượu và chế độ thuộc địa Pháp ở Ðông Dương), tiến sĩ sử học người Mỹ Gerard Sasges viết: “Chuyện “hô mưa gọi gió” nghề rượu của những người Hoa như Vương Ðại bắt đầu thay đổi, khi tháng 2/1891, sĩ quan hải quân Pháp Albert Calmette được cử đến Sài Gòn. Tài liệu ít ỏi cho biết đó là sáng kiến của thứ trưởng phụ trách các vấn đề thuộc địa Etienne, theo tiến cử của nhà khoa học Louis Pasteur. Calmette không chỉ tập trung nghiên cứu về các loại bệnh truyền nhiễm bản địa, ông đặc biệt chú tâm đến tìm hiểu men rượu Việt để đánh dạt men Tàu. Và ông đã thành công với báo cáo dày 100 trang, trình bày chi tiết về men rượu có quá trình đường hoá nằm trong vỏ trấu, bắt đầu mở cánh cửa cho việc sản xuất rượu gạo với quy mô công nghiệp.

Bắt đầu từ năm 1897, cùng với thuốc phiện và muối, rượu chính thức trở thành một trong ba “con ngựa thồ” của tổng ngân sách Ðông Dương tạo ra nguồn thu để chi cho các hoạt động mở mang cũng như chương trình phát triển kinh tế đầy tham vọng của nhà nước bảo hộ. Năm 1900, hãng rượu Bình Tây trực thuộc Công ty Rượu Ðông Dương (Société francaise des distilleries d’Indochine, SFDIC) được xây dựng, bắt đầu hoạt động vào năm 1902. SFDIC thiết lập độc quyền sản xuất và phân phối các loại “rượu bản xứ”; tiếp đến là các cơ quan thuộc Sở Thương chính và Công quản (Département des Douanes et Régies) chịu trách nhiệm quản lý hành chính và thực thi; sau cùng là hàng chục ngàn các đại lý bán sỉ và lẻ phân phối loại này đến người tiêu thụ. Rượu được tiêu thụ với số lượng lớn không giới hạn giới tính, độ tuổi, và giai tầng xã hội lúc bấy giờ.

Ðể đối phó với quần chúng, chính sách độc quyền rượu vẫn cho các cơ sở nấu rượu của dân hoạt động với điều kiện (gây khó khăn): lò nấu rượu phải khai báo xin giấy phép, trình bày phương pháp nấu và nguyên liệu dùng để nấu rượu cho Sở Ðoan (thuế). Cửa ở kho chứa rượu và nguyên liệu phải có 2 chìa khóa, 1 cái cấp cho Sở Ðoan, để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào. Nếu bị phát hiện có sai khác so với đăng bạ thì chủ cơ sở sẽ bị phạt tiền rất nặng. Việc bán rượu và vận chuyển rượu cũng phải được cấp phép. Trong giấy phép ghi rõ dung tích, nồng độ, tên cơ sở, nơi đi, nơi đến, thời gian vận chuyển… Mỗi khi vận chuyển đều phải có xác nhận của cơ quan công quyền ở nơi đi và nơi đến, nếu không thì sẽ bị quy là rượu lậu và mức phạt lên đến 3 năm tù và phạt tiền từ 100-300 đồng Ðông Dương.

Nấu rượu thủ công ở Nam Định (Ảnh: Internet)

Bán rượu không phép cũng bị phạt từ 10-50 đồng, phạt tù từ 8 ngày đến 1 năm. Ai mang theo người trên 2 lít rượu không rõ nguồn gốc cũng bị phạt tiền từ 10-100 đồng và phạt tù từ 8 ngày đến 1 năm.

Nhân viên Sở Ðoan và Công quản được phép kiểm tra cơ sở sản xuất và buôn bán rượu bất kể giờ nào mà cơ sở còn hoạt động. Sản xuất rượu ngoài giờ khai báo cũng bị phạt tiền. Mọi sự phản đối việc kiểm tra đều bị coi là từ chối công vụ và sẽ bị truy tố và phạt tiền, tịch thu tang vật. Nhân viên Sở Ðoan có quyền lùng sục để bắt rượu lậu, mọi hành vi chống đối đều bị nghiêm trị. Giá rượu do chính quyền kiểm soát căn cứ trên giá nguyên liệu, chỉ dao động trong một biên độ nhất định và phải được niêm yết…”.

Xem thêm:   Đông dược

Chuyện độc quyền rượu của chế độ thuộc địa đã gieo rắc bao sự kinh hoàng đến khắp làng quê Việt Nam. Biết bao nhiêu dân lành bị bắt, bị án tù, phạt vạ sau những cuộc lùng bắt rượu lậu. Danh sĩ và là nhà cách mạng yêu nước Phan Bội Châu phải phẫn uất mà thốt lên:

Rượu ta nấu chúng kêu rượu lậu,

Muối ta làm chúng bảo muối gian

TN