Cách nay hơn 10 năm, tôi đi thăm dinh thự Đốc phủ Hải ở Gò Công, Đốc phủ Kiểng ở Thạnh Phú, Bến Tre, Đốc phủ Kiên ở Tây Ninh và Đốc phủ Cao Minh Thạnh ở Bạc Liêu để thu thập tài liệu thực hiện cuốn sách Nhà xưa Nam bộ viết về kiểu cách kiến trúc những ngôi nhà to lớn lai Á- Âu còn sót lại. Nhưng điều tôi hứng thú nhất là biết được cách sinh hoạt thường nhật của các “đại gia” hồi xưa. 

Nhà ông Tổng đốc Đỗ Hữu Phương ở Chợ Lớn xây theo kiến trúc Pháp (Nguồn: Manhhaiflick) 

Giai thoại thì nhiều, chuyện đời thực được ghi chép lại thì hiếm. Nay, tôi bắt gặp tài liệu của các quan chức Pháp viếng thăm tư dinh của ông Tổng đốc Ðỗ Hữu Phương ở Chợ Lớn, thật là có giá trị. Ðây là cái nhìn của những người ngoại quốc đối với cách sống và sinh hoạt của các quan lại người Việt hoà nhập theo lối sống mới. Các tài liệu này do nhà nghiên cứu Nguyễn Ðức Hiệp trích dịch. Tôi xin cóp nhặt hiệu đính lại để trình bạn đọc biết được phần nào về sinh hoạt của Tổng đốc Phương, một nhân vật tiếng tăm được dân chúng xếp hạng thứ hai về mức độ giàu có. Tên tuổi cùng chức vị của ông đã được đặt tên cho một con đường ở trung tâm Chợ Lớn từ thời Pháp thuộc (Châu Văn Liêm ngày nay).

Bá tước Pierre Barthélemy kể lại khi ông và các bạn của ông đến viếng tư gia của Ðỗ Hữu Phương như sau:

Khi viếng Chợ Lớn, không thể không ghé thăm một ông Phủ giàu có danh tiếng của thành phố này. Ðó là điều chúng tôi làm cùng với sự tháp tùng của vài người bạn Saigon của ông ta. Ông Ðốc phủ tiếp chúng tôi thật nồng nhiệt. Ông là một người An Nam, tuổi khoảng 50, vẻ mặt thông minh và hầu như luôn mặc bộ đồ Tây lịch lãm.

Nhà ông là một sự pha trộn lạ kỳ giữa Âu và Á. Sân trong thiết kế theo kiểu Trung Hoa, chung quanh sân là các phòng kiểu An Nam mà một phòng khách rất đáng chú ý. Ðối diện với phòng khách này là một biệt thự kiểu Âu. Bàn thờ được cẩn xà cừ, trong phòng khách An Nam này là một công trình tuyệt diệu. Những cột nhà làm bằng gỗ teck rất quý, trụ mái nhà của phòng khách này trông rất thanh tao và trên một bàn làm bằng gỗ quý là những chai rượu Absinthe, Amer Picon và những sản phẩm khác của Pháp. Ông Phủ thích đãi khách các món ăn đặc biệt, và ông ta cũng biết thưởng thức các loại rượu của chúng ta. Nếu phải diễn tả hết tất cả sự giàu sang của nội thất An Nam này, thì phải viết rất nhiều trang giấy. Tôi thấy đủ hài lòng để chỉ kể lại buổi ăn trưa mà ông chủ nhà đáng mến chiêu đãi cho chúng tôi thưởng thức. Thường thì ông phủ Chợ Lớn ăn đồ ăn Tây ở nhà, nhưng chúng tôi hôm đó dùng vài món ăn An Nam và kết thúc với các món ăn Tàu. Chủ nhà mời chúng tôi ngồi vào bàn ăn, vui vẻ chỉ cho chúng tôi tập dùng đũa để gắp thức ăn vào dĩa. Thực đơn gồm các món ăn như sau:

Một nhà khách cất theo kiểu Tàu trong khuôn viên nhà lớn (Nguồn: Bưu thiếp)

– Cháo tổ yến

– Cá kiểu An Nam (với các chén cơm) (cá này có ướp nước mắm)

– Thịt heo kiểu An Nam (có nước mắm)

Ðuông dừa (sâu dừa) nướng

Xem thêm:   Một chút cảm nhận

– Dưa chua với thịt heo theo kiểu Âu

-Trứng chiên với fromage kiểu Âu

– Tráng miệng: Vải, xoài, và các trái cây nhiệt đới khác

Những món ăn này hợp với khẩu vị Âu của chúng tôi; duy chỉ có một món làm chúng tôi lo âu, đó là món đuông dừa (sâu dừa). Nhưng chúng tôi biết rằng một món như vậy rất là quý, rất khó tìm các con đuông này. Ðể có các con đuông, người ta phải chặt nguyên cây dừa và lấy từ ngọn một loại sâu đặc biệt sống ở đó. Một cây bị đốn chết, và vì thế người ta nhận ngay ra là thật tốn kém như vương giả để có một con sâu nướng. Vì thế chúng tôi phải nếm món này như một kiểu ăn mới. Hương vị của nó giống như sa lách đọt dừa, con sâu ăn rất ngon và chúng tôi không do dự tuyên bố rằng món này thật ngon và xứng đáng là món ăn đặc khẩu đầy thi vị.

Bên trong nhà khách trang trí chạm khắc gỗ kiểu Tàu và bài trí hai bộ sofa kiểu Pháp (Ảnh: Báo Le Monde Artiste)

Tuy vậy, sau buổi ăn chúng tôi được mời hút thử ống vố thuốc phiện thì xem ra không hợp khẩu vị. Chúng tôi không thể bì kịp với ông Phủ biết hưởng thụ thú vui hút thuốc. Kế đó, ông dẫn chúng tôi viếng toà nhà villa kiểu Âu. Một phòng tiếp khách lớn nằm ở trung tâm toà nhà. Ở giữa phòng khách này là một cái bàn chưng một cặp ngà voi thật tuyệt đẹp. Chung quanh là các tủ kính chứa đầy các vật bằng ngọc thạch và các đồ mỹ nghệ đắt giá. Lúc này chúng tôi không thể không mỉm cười khi thấy các bức màn và giấy phủ trên tường theo kiểu bắt chước mode mới nhất ở Paris. Nhưng ta không thể quá khắt khe về việc này và Paris thì quá xa Saigon.

Lúc trở ra, chúng tôi phải chiêm ngưỡng một bộ sưu tập hình thú bằng sành đặt trên hòn non bộ nằm chính giữa mà chung quanh là suối nước chảy: đó là một trong các vật trang trí trong vườn với vài cây nhỏ bé (bonsai) được làm từ Nhật Bản. Ông Phủ rất lấy làm hài lòng dẫn chúng tôi đi xem toàn bộ tư dinh và cuối cùng chúng tôi từ giã ông với lời cám ơn nồng nhiệt”.

Xem thêm:   Mát-xa tại…nhà

Còn Toàn quyền Paul Doumer, trong Hồi ký về Ðông Dương, có nói về Nam Kỳ và ông Ðỗ Hữu Phương như sau:

“Ông Phủ ở Chợ Lớn tiếp khách người Âu trong nhà ông, mời uống rượu Champagne và bánh petits beurres de Nantes, cho khách xem mệt nghỉ một vài sản phẩm đặc thù lạ kỳ của người An Nam, và tổ chức buổi hát tuồng tại tư dinh theo sự mong muốn của khách (đây chắc là hát bội). Ðó là hình ảnh Nam Kỳ, một chút kiểu cách và bóp méo trong cách diễn tả của người ta và được dùng phổ biến, ngay cả những người ngoài cuộc không biết nhiều. Ông Ðỗ Hữu Phương đã đến Pháp nhiều lần; ông ta được tiếp đón ân cần và ông trở thành nổi tiếng ở Paris, từ nhà hàng Durand đến Café de la Paix. Ông ta là một trong những người phụng sự cho chúng ta trong những ngày giờ đầu tiên, là học trò ngày xưa của các nhà truyền giáo Ky Tô, vì thế được chúng ta ban tặng những huân chương và sự nghiệp thành đạt, có được sự giàu có.

Ông Đỗ Hữu Phương ‘đại gia’ xếp hàng thứ 2 trong “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” ở  Sài Gòn Chợ Lớn (Ảnh: Bưu thiếp)

Con trai của ông, một sĩ quan dễ mến của quân đoàn Lê Dương, vừa mới tốt nghiệp trường võ bị Saint-Cyr, tiếp đón chúng tôi ở nhà cha, gồm các toà nhà riêng biệt xây xung quanh một sân rộng lớn hình chữ nhật. Ở sâu trong toà nhà, nơi tiếp khách, trong một loại nhà sảnh lớn là nơi gia đình cư ngụ. Trên bàn, ngự trị bức tượng Phật, và cạnh đấy là những bức ảnh của các thành viên gia đình, giữa các bình thuỷ tinh chưng hoa. Chung quanh là các đồ vật đủ loại rất là khác nhau. Chỗ này là đồ nội thất cẩn xà cừ, cổ xưa và rất đẹp, các đồ mỹ nghệ Âu Châu không đáng kể, được mua rẻ tiền trên các kệ của một chợ nào đó; còn có một cái bàn con, trên đó có mớ cau, vài ba lá trầu xanh và bình vôi đỏ mà người An Nam rất thích nhai.

Trong một góc nhà, có một hộp âm nhạc to lớn phát ra từng nốt các giai điệu Ðông Dương lạ kỳ. Các âm điệu, bao gồm bốn hoặc năm nốt, đôi khi nhạt nhẽo, đôi khi kỳ lạ, đôi khi hài hoà, kế tiếp nhau mà không có phối hợp dựa trên một đơn điệu. Nó trông giống như một giai điệu chơi bởi một đàn “orgue de Barbarie” cũ, với các xi lanh mòn xóa đi một số nốt nhất định, thay đổi các âm vực của chúng một chút với các nốt khác, và chỉ phát ra một giai điệu sơ khai.

Lúc này, các con gái của ông Phủ đến tham gia tiếp chuyện với chúng tôi. Ðây là những thiếu nữ trẻ tuổi dễ thương, được dạy dỗ tốt bởi các bà sơ và nói tiếng Pháp rất chuẩn. Họ kể vui với chúng tôi rằng họ đi dự tiệc khiêu vũ ở dinh Toàn quyền mà mặc y phục truyền thống, mang giày đế gỗ thì không thể khiêu vũ được…”.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Trích hai đoạn của các quan Pháp viết về cuộc viếng thăm tư dinh của ngài Tổng đốc Ðỗ Hữu Phương, mới thấy người Pháp họ cũng chẳng coi trọng người An Nam cho dù có làm quan lớn phục vụ nước đại Pháp đi nữa. Họ xem những người giàu có xứ thuộc địa cũng chỉ là giới trưởng giả học làm sang.

TN