Gibraltar

Trần Hồng Văn phóng tác

Không ai trong bệnh viện nói cho hắn biết, nhưng Franz Relle, 76 tuổi, biết là mình sắp chết. Hôm qua người ta dời hắn từ khu bệnh viện tổng quát sang khu nhà đặc biệt này rồi hôm nay, mở mắt ra sau cơn ngất xỉu, hắn thấy một tu sĩ ngồi bên cạnh giường.

Ông ta là một người trẻ tuổi, có cái nhìn thật hiền và miệng cười thật tươi. Hắn không biết ông ta là một vị tu sĩ Công Giáo hay Tin Lành nhưng đây là một dấu hiệu đáng sợ. Từ tuổi còn nhỏ, tôn giáo đến với hắn nhưng bao năm qua với những thăng trầm biến đổi của cuộc sống khiến những điều được học trong nhà trường đã trôi theo thời gian như những giọt mồ hôi vậy. Hắn cảm thấy thờ ơ trước sự hiện diện của người tu sĩ này. Ông ta dè dặt hỏi:

– Hôm nay con thấy thế nào, có khỏe không?

Vị tu sĩ này chỉ đáng tuổi con hay cháu hắn thôi, hắn cười gằn miệng lẩm bẩm:

– Khỏe … tôi khỏe.

Thái độ của hắn làm vị tu sĩ trẻ hơi lúng túng.

– Tôi là … Cha … Drobny. Tôi nghĩ là … ông muốn nói chuyện một chút.

Franz lơ đãng nhìn ông ta, người tu sĩ nói tiếp:

– Có thể trong thâm tâm ông có điều gì đó muốn nói … muốn trút hết những điều mà ông giữ kín trong lòng.

vet-seo1

Thắm Nguyễn

Franz ngẫm nghĩ một lát rồi quay đầu nhìn qua khung cửa sổ với hình ảnh mái ngói của những ngôi nhà trong thành phố Prague nơi có bệnh viện này. Hắn không phải sinh đẻ ở đây nhưng đã sống suốt quãng đời trưởng thành ngoại trừ những năm chiến tranh. Dù cho đôi mắt yếu cũng như ánh sáng ngoài kia đã mờ nhạt, Franz cũng mơ hồ phác họa trong đầu những khu phố nơi mà, trở về trong những năm 1939 dưới làn mây mù của trận thế chiến thứ hai mà chính cuộc đời của hắn đã bị cuốn hút vào. Không nhìn viên tu sĩ, hắn  nói:

– Không, thưa Cha, tôi chẳng có gì phải luyến tiếc, chẳng có gì muốn nói cả.

Vị tu sĩ trẻ hiểu là Franz muốn nói với chính hắn. – Tôi biết – ông ta nói, tay gãi cằm như thể đang cố nghĩ xem phải nói tiếp gì đây. Franz nhắm mắt lại giả vờ ngủ để mong Cha Drobny đi ra khỏi phòng. Hắn nghĩ trong đầu: “Tội nghiệp cho người trẻ kia, cuộc đời của một tu sĩ không phải là một vườn hoa hồng”. Một lúc sau hắn khẽ hé mở mắt ra xem ông ta đã đi chưa. Vị tu sĩ vẫn chưa ra khỏi phòng nhưng đã đứng dậy, đang đọc lời cầu nguyện và ra dấu trên thân bệnh nhân. Franz lại nhắm mắt lại. Ồ, ông ta đã mất hy vọng nghe lời sám hối. Vài phút sau chỉ còn một mình trong căn phòng và Franz cảm thấy nhẹ nhõm hẳn, nhưng đồng thời câu nói “Ðiều gì đó nằm trong thâm tâm mà ông muốn trút bỏ …” như vô tình xoáy sâu vào trong ký ức, lôi ra những điều mong quên đi được, những đau thương trong cuộc đời mà hắn mong mỏi càng quên đi được càng tốt.

Tai họa đổ ập xuống nước Tiệp của hắn vào mùa hè năm 1938. Franz cùng với vợ tên Greta cùng thằng con Toni 8 tuổi đang sống tại Prague và là quản đốc trong một hãng dệt vải. Hắn sinh ra tại một tỉnh lỵ nhỏ sát biên giới Ðức gọi là vùng Sudetenland. Tuy mẹ là người Ðức nhưng hắn nói tiếng Tiệp lưu loát. Thỏa hiệp về biên giới ký kết tại Versailles trước kia là một hạt giống gieo những rắc rối cho ba triệu dân sinh sống tại Sudetenland và bây giờ Hitler đang đòi vùng đất này. Ðài phát thanh suốt ngày oang oang những bài bình luận, những nhận định căng thẳng và đa số người dân tại đây bị lôi cuốn bởi một tên mật vụ Ðức là Konrad Henlein đang đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ Tiệp.

Franz không bị những lộn xộn này lôi cuốn. Từ nhỏ hắn đã có một lập trường rất rõ rệt là không bao giờ tin và tỏ ra khó chịu với những lời tuyên truyền của chính quyền phát xít. Vì phương tiện thông tin do chính quyền Ðức nắm giữ nên suốt mùa hè năm đó một chiến dịch bôi xấu nước Tiệp Khắc được dựng lên, cho là chính quyền Tiệp ngược đãi thiểu số dân Ðức sống ở đây trong khi Henlein và một số đồng bọn quấy động tổ chức những cuộc biểu tình khắp nơi.

Khi tình hình chính trị sôi động và ngày càng trở nên tồi tệ, Franz quyết định cùng vợ con rời về Prague, rồi chẳng bao lâu, tới tháng Chín năm đó, dưới áp lực của Hitler, Pháp và Anh buộc phải đồng ý cho Ðức kiểm soát vùng Sudetenland. Việc nhượng bộ này để lại cho dân Tiệp một nỗi đắng cay, người ta còn nghĩ là Hitler sẽ không ngừng ở đó và Franz cũng hiểu rằng tới khi đó thì cuộc đời của hắn sẽ kết thúc trong trại tập trung.

Vào ngày 15 tháng Ba năm 1939, một ngày buồn thảm khi công dân thành phố Prague ngơ ngác nhìn đoàn quân chiến thắng Ðức Quốc diễn hành trên đường phố. Sở mật vụ Gestapo nhanh chóng thiết lập bản doanh và các chi nhánh khắp nơi. Thế rồi một ngày tai ương đổ xuống cho gia đình hắn khi nhân viên sở này tới gõ cửa nhà. Họ cười gằn khi hỏi tên một người mà hắn không hề nghe tới, họ không chấp nhận câu trả lời và sự vô tội của hắn. Họ trói hắn vào chiếc ghế rồi tra tấn trước mắt người vợ để làm cho người vợ phải khai. Rồi thằng bé con Toni đang ở trong phòng vụt chạy ra. Với sự can đảm mà Franz chưa bao giờ thấy ở thằng con, nó lao mình vào tên đang nắm đầu mẹ nó khi đó đang đứng trước mặt người cha. Trong khung cảnh hỗn loạn đó, Franz chẳng làm gì hơn là ngồi im theo dõi, tên tra tấn Franz co giò đá một cái thật mạnh vào đầu thằng Toni khiến nó nằm yên trên sàn. Khi Greta được buông lỏng, cô ta tấn công hắn với một sức lực không ngờ do tình thương của một người mẹ.

Kết quả của cuộc tra hỏi vô lý trên là Toni chết sau đó một tuần do xuất huyết não, còn Greta bị kết án tù khổ sai vì đã đả thương nhân viên mật vụ Ðức khi đang thi hành quân vụ còn Franz thì bị cho vào trại tập trung vì lý do chính trị.

Hắn chẳng bao giờ gặp mặt Greta nữa. Vào năm 1943, nghe tin cô ta chết trong tù vì bị bệnh ho lao. Do lo buồn vì đứa con chết, gia đình phân tán, sự hà khắc của chế độ lao tù khiến sức khỏe của cô suy nhược và bị nhiễm trùng dễ dàng.

Xem thêm:   Tự thú

Vào tháng Ba năm 1945, tại cửa trại tập trung có nhiều lính qua lại, đây là một điều không bất thường nhưng bộ quân phục cũng như những chiếc súng đeo trên vai lại là một điều lạ. Những khuôn mặt hốc hác của đám tù nhân phía bên trong ngơ ngác nhìn ra và không tin vào đôi mắt nữa. Nhưng đây không phải là một giấc mơ mà là sự thực, Hồng Quân Nga đã tới.

Giải Phóng. Tự Do. Sự sung sướng chẳng kéo dài được bao lâu khi Franz nhìn lại tấm thân chỉ còn lại da bọc xương của mình rồi tự hỏi: “Tự do để làm gì?” Nhưng một ý nghĩ khác lại hiện ra trong đầu, hắn ước ao được đối diện một lần với một người mà hắn không biết tên nhưng nét mặt của người này lúc nào cũng hiện rõ trong tâm trí trong suốt những năm tháng trong tù. Ước nguyện này đã đẩy lùi tư tưởng thất vọng và buồn chán, việc giải phóng khỏi lao tù khiến việc tập trung ý nghĩ cho sự sống còn để mong kiếm lại con người đó bây giờ to lớn hơn lúc nào hết.

Sau vài tháng nghỉ ngơi, may mắn cho hắn là tìm lại được việc làm trong hãng vải khi xưa. Sự hủy hoại của chiến tranh khiến những người thợ có tay nghề như hắn bị khan hiếm. Rồi việc tăng chức và cuộc sống bình thường nhanh chóng trở lại, nhưng khuôn mặt kia luôn luôn đeo đuổi và trở thành một ám ảnh, dính chặt lấy hồn hắn. Ngoài đường phố, tại trạm xe điện, trong rạp hát, ở bất cứ nơi đâu tụ họp đông người, hắn thấy như có bổn phận bắt buộc phải quan sát những người có tầm cỡ như hắn. Franz không bao giờ thấy hứng thú với ám ảnh này. Ðôi khi hắn cảm thấy nếu như trở thành một người bị thu hút trong một thói hư nhạt nhẽo nào mà thấy xấu hổ còn tốt hơn là cứ triền miên bị ám ảnh như thế này. Mới đầu cái ám ảnh là muốn gặp mặt đối mặt với nhân viên sở mật vụ Ðức, nó lớn dần dần trở thành một hận thù, rồi mong muốn trả được mối thù này.

Vào mùa xuân 1966, một ngọn gió tự do thổi qua xứ Tiệp và cũng do năng khiếu và tài năng khiến Franz được biệt phái sang làm việc tại xứ Ba Tây với tư cách là một cố vấn kỹ thuật. Ba Tây, đây là một thế giới hoàn toàn khác với môi trường kín mít nằm giữa lục địa Âu Châu và chung quanh là những nước đầy quyền lực lúc nào cũng như có người thở phì phò vào cổ mình. Ba Tây là một nước rộng mênh mông, có những rừng nhiệt đới còn hoang sơ, những nguồn tài nguyên không biết sao mà kể … và chất là chiến tranh chưa từng đặt chân tới. Rio, Sao Paulo, Santos … những thành phố lớn này có sức lôi cuốn làm Franz say đắm. Chúng rộn ràng với một sinh khí hỗn tạp cho dù tại những quận huyện nghèo nàn. Thế rồi một việc xảy ra khiến những cảm giác mới mẻ này bị lu mờ.

Sòng bài với những ngọn đèn màu rực rỡ quyến rũ khách qua đường nằm bên cạnh một vườn cây nhiệt đới trên một mảnh đất cao chót vót bên bãi biển, nó nằm giữa con đường đi từ văn phòng tạm thời của phái bộ Tiệp Khắc tới khách sạn nơi các nhân viên trú ngụ. Franz không thích cờ bạc nhưng một chiều tối kia trên đường trở về nhà, do tính tò mò và cảm thấy hứng khởi, hắn nói người tài xế lái xe vào con đường dẫn vào sòng bài.

Ðã hơn một tiếng đồng hồ, hắn vẫn kiên nhẫn ngồi tại góc quầy rượu đối diện ngay với bàn ru lét đặt trong phòng kế bên. Tối qua khi vào sòng bài hắn tình cờ nhìn thấy một gã đàn ông nhỏ người, sói đầu mang một cặp kính không viền, nét mặt này làm hắn nhớ ngay tới khuôn mặt của gã mật vụ Gestapo, nỗi ám ảnh đã đeo đuổi hắn suốt mấy chục năm qua. Phản ứng ngay sau khi khám phá ra điều này là nỗi thất vọng. Trong vài năm qua hắn đã cố gắng tự kỷ luật để không còn thắc mắc về việc tìm kiếm vô vọng đó nữa và tin là đã thành công. Bây giờ thì không phải thế, hắn không thể giữ im lặng được trong khi những kỷ niệm đau buồn kia đang trỗi dậy trong tâm hồn và hầu như chúng đang vùng lên với tất cả sức mạnh của nó, đánh gục tất cả những lý do mà Franz cố đưa ra để mong trốn chạy.

Với sự nhận xét của Franz thì trong đêm qua gã kia đã thua đậm và tối nay chắc là gã cũng chẳng có một may mắn nào. Franz rời quầy rượu đến ngồi vào bàn máy kéo đặt tại gần cửa, từ nơi này hắn có thể quan sát bàn ru lét rõ hơn. Lim dim đôi mắt như một nghệ sĩ đang thưởng thức bức tranh vẽ, hắn cố tưởng tượng ra con người kia nếu không mang cặp kính cũng như mớ tóc đen còn trên đầu, nhưng hắn vẫn chưa quả quyết được có đúng là người đó hay không, nhưng những nét trên khuôn mặt kia lại khiến Franz quả quyết hơn. Hắn trở lại quầy rượu gọi thêm ly nữa, đầu óc quay cuồng.

Nhìn trở lại bàn ru lét, Franz chợt không thấy người kia đâu nữa. Trong một thoáng, hắn nghĩ là đã để gã xổng mất cho tới khi hắn thấy người đó đang đứng ở quầy tiền. Có vẻ như gã đang trong cơn cãi vã, không phải với nhân viên đổi tiền mà với một người mặc bộ đồ vét màu đen, như thể có thẩm quyền tại nơi này. Một mảnh giấy chuyển từ tay này qua tay kia, như thể tấm ngân phiếu bị từ chối.

Có tiếng loa phóng thanh phát ra: “Ông Strasser, có điện thoại… Ông Strasser, có điện thoại”.

Tim Franz đập rộn rã khi thấy gã kia vội vã băng qua căn phòng để cầm chiếc điện thoại gắn ở nơi đối diện với quầy rượu. Strasser! Một tên Ðức tiêu biểu. Có thể đây là tên thực của hắn. Cựu nhân viên Gestapo không bao giờ có hồ sơ về tội ác chiến tranh. Những cuộc điều tra với lối tra tấn tàn nhẫn dĩ nhiên là không bao giờ được ghi lại trên giấy tờ.

Từ cuối quầy rượu, Franz chăm chú theo dõi người kia như con diều hâu rình mồi. Sau một lát, Strasser bỏ chiếc điện thoại xuống rồi mở cửa bước ra ngoài vườn cây. Franz cố lấy bình tĩnh, từ từ uống cạn ly rượu rồi thong thả đi qua dãy máy kéo. Tới gần cửa ra vào, hắn đứng im một lát rồi đẩy cửa bước ra ngoài. Chiếc sân lát gạch thật rộng chung quanh được cây lá rậm rạp bao bọc. Ðứng yên một lát cho quen với màn đêm dưới ánh sáng vàng vọt, cách đó vài thước có tiếng bật lửa. Franz hướng mắt nhìn người kia và chắc chắn là chung quanh không có ai. Hắn bước về phía chiếc bóng và không một lời, hắn bật lửa cho người đó. Sau khi rít một hơi thuốc dài, người kia tỏ vẻ sảng khoái rồi nói với Franz bằng tiếng Bồ Ðào Nha:

Xem thêm:   Thư cho Thao

– Cám ơn, tôi đã gặp ông bao giờ chưa nhỉ?

Franz trả lời bằng tiếng Ðức:

– Chưa bao giờ, ông Strasser ạ.

Strasser cũng nói tiếng Ðức:

– Ông cũng là người Ðức à?

– Quả vậy. – Franz cố ghi nhận giọng nói của Strasser. Ðã bao năm rồi, giọng nói đó vẫn nằm sâu trong tiềm thức của hắn mà giờ đây mới được nghe lại.

Strasser càu nhàu:

– Nhưng mà … sao ông lại biết tên tôi.

Franz tặc lưỡi, cố đè nén niềm kích thích cũng như làm cho Strasser được tự nhiên:

– Ờ … vài phút trước nghe trong loa gọi ông ra nghe điện thoại ấy mà. Lúc đó tôi đang ngồi trong quầy rượu.

Lời giải thích như làm gã hài lòng:

– À ra thế. – Một lát sau gã lại thắc mắc. – Ông muốn gì đây?

– Chẳng có gì cả. Tôi thích nhìn người ta chơi ru lét và thấy hôm nay ông có vẻ… thua nhiều đấy.

Strasser cau mặt:

– Tôi không hiểu điều đó có phiền ông không?

– Không có gì, hoàn toàn không dính líu gì tới tôi cả … nhưng tôi lại nghĩ là có thể giúp ông được điều gì đó.

– Cái gì? Tại sao ông lại có ý giúp một người hoàn toàn xa lạ như tôi?

Franz dang hai tay tỏ vẻ thành thật:

– Hoàn toàn xa lạ, phải. Nhưng một đồng hương đang cần giúp đỡ thì lại khác. – Ngưng lại để dò xét phản ứng của người kia. Khi không thấy có gì đặc biệt, hắn nói tiếp: – Có thể những tình cảm như vậy không còn hợp thời nữa, tôi không biết nữa nhưng trong lòng tôi vẫn còn lại những tình cảm như vậy.

Strasser nói lảng đi:

– Bây giờ tôi là một công dân Ba Tây rồi.

Franz trả lời với giọng nói thản nhiên:

– Phải, tôi cũng là một công dân Ba Tây, nhưng đó chỉ là một phương tiện thôi. Người ta không thể đoạn tuyệt cội nguồn của mình, điều chắc chắn là cả hai chúng ta đều là người Ðức, đầu tiên và mãi mãi.

Strasser gầm gừ trong cổ họng, còn Franz lại sợ những lời đối thoại vô tình bị sơ hở khiến con mồi bị vuột mất. Bây giờ hắn vào thẳng vấn đề:

– Nghe đây ông Strasser, để tôi nói thẳng ra cho ông biết … tôi là một người có tiền. Nếu ông đang bị khó khăn về vấn đề này thì tôi có thể giúp được.

Sau một lúc im lặng Strasser dè dặt nói:

– Vậy thì ông muốn tôi phải làm gì?

Trái tim Franz như đập nhanh gấp mười lần bình thường. Con cá kia đang cắn phải mồi đây, nhưng đồng thời hắn cũng tự nhủ phải thật bình tĩnh vì một câu nói hớ hênh có thể để vuột mất cơ hội mà hắn đi tìm suốt vài chục năm qua. Hắn nhỏ nhẹ nói:

– Chẳng có gì nhiều, nhưng cứ từ từ mình sẽ nói chuyện này. Ðêm nay đẹp quá, chiếc vườn này lại trồng nhiều hoa quý nữa. Mình đi bộ một chút đi.

– Cũng được. – Srasser miễn cưỡng trả lời.

Trong khi đi, Franz cố nhìn thật gần vào gương mặt kia nhưng đó chỉ là một khuôn mặt tẻ nhạt dưới ánh sáng nhạt nhòa của những vì tinh tú trên cao.

Từ cửa sổ căn phòng tầng lầu thứ tư, Franz chăm chú nhìn chiếc xe Mercedes vừa đậu tại chiếc sân trước khu chung cư. Ba người mặc thường phục bước ra khỏi xe, họ liếc nhìn chung quanh rồi chia nhau đi vào hai lối cửa ra vào.

– Chạy đi, Franz, chạy trốn lẹ đi, mau lên.

Franz chợt nhận ra tại chiếc cửa sổ kia vợ hắn cũng đang nhìn xuống sân. Bước về phía người vợ, hắn kiên nhẫn nói:

– Greta, anh đã nói với em rồi mà…

– Anh có những người bạn tốt, họ sẵn sàng giúp che giấu anh. Còn thằng Toni nó ngoan lắm, em sẽ lo cho nó.

– Em à, hãy dùng lý trí để xét đoán. Nếu chúng nó không kiếm được anh thì sẽ bắt em và con.

Mặt tái mét, miệng méo xệch, cô ta cúi đầu im lặng. Hắn choàng tay lên vai người vợ:

– Họ không giết anh đâu. Anh đã nói với em là anh chưa bao giờ có một hành động khủng bố nào. Còn những hoạt động chính trị thì không có một hồ sơ nào để lại có thể kết tội anh được.

Thoáng nhớ lại chuyện xưa, Franz cân nhắc câu nói hy vọng là Strasser mở miệng:

– Tôi ở trong trung đoàn thiết giáp 23 từ trước đại chiến, từng chiếm đóng Sudetenland rồi Prague.

– Vậy sao?

Franz cân nhắc câu trả lời của Strasser, có phải là câu nói lịch sự bình thường không đây. Hắn tiếp tục nói về chiến tranh và nhận thấy Strasser có vẻ như không hưởng ứng với câu chuyện này.

Họ đi theo con đường nhỏ rồi đến bên bờ ghềnh đá. Ghềnh này được một bức tường đá xây phía dưới chống đỡ. Từ trên ghềnh này hai người có thể thưởng thức quang cảnh bãi biển phía xa dưới bầu trời ban đêm quang đãng với những chòm sao toả ra những tia sáng lấp lánh. Dọc hai bên đường đi là những chiếc ghế đá không người ngồi.

Strasser nhìn vào Franz khi hắn đang im lặng nhìn những ngọn sóng nhấp nhô ở phía xa:

– Thưa ông Dietrich, ông chưa nói cho tôi biết về điều kiện của ông.

Franz cười thật tươi như vui khi nghe thấy giọng nói của người kia thay đổi từ cộc cằn sang lịch sự:

– Này anh bạn, đêm nay đẹp quá. Vội vã làm gì chứ. Một đêm trăng sáng thật đẹp.

Hắn móc gói thuốc ra mời, ngọn lửa từ chiếc máy lửa lần nữa giúp hắn quan sát khuôn mặt kia thật gần. Sau khi nhìn lại một lần nữa hắn thấy nhận xét của hắn không sai. Nhưng sao dám quả quyết là đúng một trăm phần trăm được đây, với lại hắn gặp người đó có một lần thôi, mà lại từ lâu lắm rồi.

Franz mở cửa khi có tiếng đập cửa dồn dập, khẩn cấp. Chẳng nói một câu nào, họ bước vào, tự nhiên như nhà riêng rồi lục lạo khám xét lung tung khắp nơi. Tên nhỏ người nhất mà Franz đoán là người cầm đầu cuối cùng lạnh lùng nhìn hắn:

– Franz Relle?

Franz gật đầu, cánh cửa nhà bếp mở rộng và Greta đang run rẩy lau chén đĩa. Tên mật vụ Gestapo hất hàm về phía cô dò hỏi. Franz gật đầu:

– Vâng, vợ tôi đó.

– Nhà còn ai nữa?

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

– Con tôi, nó đang ngủ.

– Ðược rồi. Nếu anh cộng tác với chúng tôi thì chúng tôi có thể bỏ qua những hồ sơ không tốt về anh.

Franz im lặng. Tên mật vụ nói tiếp:

– Tôi muốn biết một người tên là Ferenc Groz, hiện giờ hắn ở đâu?

Franz lắc đầu:

– Tôi chưa bao giờ nghe tên người này cả.

Tên nhỏ người đảo mắt, gằn giọng:

– Tôi cứ tưởng là anh thông minh. Nghe đây Relle, chúng tôi sẽ tìm thấy hắn sớm thôi. Nếu anh nói ra ngay từ bây giờ…

Franz phản đối:

– Nhưng mà tôi không biết gì cả.

Giọng nói của tên mật vụ cứng rắn hẳn:

– Ðược rồi, muốn vậy hả?

Nói xong hắn ra hiệu cho 2 tên thuộc hạ rồi đi về phía nhà bếp.

– Ngồi xuống, Franz Relle.

Hai tên kia nắm lấy hai vai rồi đẩy cho hắn phải ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Greta  đang run rẩy đứng phía bên kia chiếc bàn trong nhà bếp. Tên cầm đầu có thân hình nhỏ nhắn đứng phía sau cô:

– Rồi, bây giờ hãy nói cho tôi biết Ferenc Groz ở đâu?

Tiếng sóng rì rào kết hợp với tiếng lá cây tạo thành một bản giao hưởng tuyệt vời. Franz chỉ vào chiếc ghế đá rồi nói với người lạ:

– Hãy ngồi xuống đây một lát đi.

Không lời phản đối, Strasser ngồi xuống. Franz xua tay:

– Thật là một đêm tuyệt vời, chỉ tiếc là đêm nay không có trăng thôi.

Lại yên lặng. Strasser đồng ý nhưng không giấu vẻ nóng nảy. Hắn muốn nói rõ là không phải tới đây để thưởng thức cái đẹp ban đêm này. Franz hiểu ngay và nói tiếp:

– Như đã nói lúc nãy, tôi là một người quan tâm tới đồng hương. Tôi cũng không biết rõ hoàn cảnh của anh, nhưng có điều chắc chắn là chúng ta có thể…

Franz nói quanh quẩn nhưng với vẻ hợp lý để cố khai thác cho người kia nói ra. Con mồi này hiện nay nằm ngay trong tầm tay nhưng vẫn còn nhiều nghi ngờ.

Tên mật vụ Gestapo người nhỏ nhắn đặt bàn tay lên vai Greta, một lúc sau cô ta kêu thét lên vì đau đớn, thân hình quằn quại.

Franz giãy giụa vô vọng trên ghế, những giọt mồ hôi đổ ra vì sợ hãi, miệng hắn gào to:

– Buông vợ tôi ra… buông vợ tôi ra. Các ông có hiểu là tôi không biết gì không?

Tên cầm đầu nói với giọng lạnh lẽo:

– Chúng tôi rảnh suốt ngày hôm nay, chúng tôi có thể đợi cho đến khi nào anh nhớ ra…

vet-seo

Thắm Nguyễn

Trước khi dứt câu nói thì có tiếng lạch bạch của đôi chân trần bé nhỏ, Franz kinh hoàng khi thấy thằng bé Toni trong bộ áo ngủ màu xanh từ trong buồng chạy vụt ra rồi lao thẳng vào tên đang khủng bố mẹ nó. Sức lao của đứa bé làm cho tên mật vụ bé nhỏ kia gần như ngã chúi. Nếu thằng bé lớn khôn chút nữa thì nó đã không có hành động như vậy. Như chưa vừa lòng với cú đấm như trời giáng vào thằng bé, tên mật vụ bồi thêm một cú đá vào đầu khi nó còn đang nằm dài dưới đất.

Như một tia chớp chợt lóe trong màn đêm, một ngọn lửa chợt bùng lên trong tận cõi sâu thẳm của tiềm thức, Franz mỉm cười thân thiện với Strasser:

– Sự thực là… anh bạn ơi… tôi có một yếu điểm là…

Hắn nói nhỏ nhẹ, một tay cởi khuy áo trước ngực người kia.

Strasser nhìn hắn ngạc nhiên rồi luống cuống khó chịu trong khi tay của Franz vẫn thọc sâu vào trong ngực của gã. Nhưng sự thúc bách khẩn thiết là làm sao kiếm ra tiền để bù vào việc thua bạc khiến hắn ngồi im không nhúc nhích.

Kìa, con dao nhọn cắt thịt sáng loang loáng đang nằm trong tay của Greta. Chiếc bàn gỗ xưa với ngăn kéo đựng dụng cụ nhà bếp nằm ở cạnh bàn phía cô ta. Tên mật vụ có thân hình nhỏ nhắn lại đứng quay lưng về phía cô, hắn đang cúi người xuống quan sát thằng bé con nằm bất tỉnh dưới đất. Hai tên mật vụ khác thấy vậy vừa chạy ùa về phía cô ta vừa la to để báo cho sếp chúng biết. Nhưng đã trễ, với tất cả sức lực, Greta phóng người về phía tên đó trong khi hắn quay người lại. Hai tên mật vụ giằng lấy con dao đẫm máu trong tay Greta rồi đấm đá túi bụi cho tới khi cô ta ngất xỉu. Cái đâm vụng về vào ngực tên kia không sâu nhưng cũng làm máu chảy ra nhiều khiến chiếc áo nhuộm đỏ. Không biết vì giận hay đau khiến mặt gã tái xanh. Hắn lắp bắp ra lệnh:

– Ðưa hai đứa này đi… Tôi phải vào bệnh xá.

Franz rụt tay lại, nét mặt sáng rực như cục than hồng. Hắn đứng vụt dậy rồi băng qua con đường nhỏ, tựa mình vào bờ tường, mắt nhìn những ngọn sóng đang vỗ vào bãi biển phía dưới. Rõ ràng vết sẹo vẫn còn đó, không thể nhầm lẫn được. Nỗi nghi ngờ cuối cùng đã sáng tỏ, và bây giờ hắn cảm thấy bối rối với quyết định, phải hành động như thế nào đây?

– Dietrich… sao vậy?

Chợt thấy Strasser đứng bên cạnh, hắn nhìn thẳng vào mặt người đó. Có nét lo ngại trong ánh mắt, có lẽ gã chỉ lo Franz đổi ý không giúp hắn giải quyết vấn đề tiền nong nữa. Franz thấy ghê tởm, có gì nghèn nghẹn trong cổ họng và cồn cào trong bao tử khiến hắn buồn nôn. Không nghĩ ngợi, một tay Franz nắm lấy cổ chiếc áo khoác ngoài, tay kia nắm chiếc quần của Strasser rồi nhấc bổng gã lên như nâng chiếc bao đựng đầy những đau thương chất chứa trong mấy chục năm qua, rồi với tất cả sức lực hắn ném gã qua bức tường thấp xi măng, thân hình gã lao vụt xuống phía dưới… một tiếng thét xa dần rồi tắt lịm như đã hoà vào với tiếng xào xạc của cây lá cùng tiếng sóng vỗ trong đêm đen trên vùng biển đẹp này.

Franz đứng im một lát để lấy lại bình tĩnh. Một khoảng trống rỗng tràn ngập tâm trí. Hắn không cảm thấy hài lòng hay hối hận một chút nào. Rồi hắn nghĩ về hậu quả của việc làm này. Nhưng hậu quả gì? Không ai thấy giữa hắn và Strasser có một liên quan. Biết bao nhiêu trường hợp người ta tự tử vì thua quá nhiều trong trò chơi đen đỏ này rồi.

Khi lê những bước chân chậm chạp về phía toà nhà chính, một nỗi chán chường tràn ngập tâm hồn hắn và lần đầu tiên trong suốt nửa thế kỷ sống trong khắc khoải, buồn bực và đau thương, những giọt nước mắt tràn ngập đôi mắt. Hắn nghĩ là đã chẳng giải quyết được gì và vết sẹo kia từng khắc sâu trong lòng sẽ chẳng bao giờ được xoá sạch cho tới ngày hắn nhắm mắt.

THV