Bật TV xong bà thả người nằm dài xuống giường. Chiếc nệm êm ái đón lấy tấm thân tròn trịa của bà. Một cảm giác thư thái, thảnh thơi, tràn ngập thân thể làm bà cảm thấy tâm hồn nhẹ hẫng. Hai mươi năm hơn sống trên đất Mỹ, chưa bao giờ bà đặt chân đến khách sạn. Nếu như ngày hôm nay không vì giận dỗi đứa con gái thì làm sao bà biết được sự thú vị đến lịm người khi đặt chân vào căn phòng sang trọng này.

Tối hôm qua, sau trận cãi vã với con, bà vào phòng gọi điên thoại cho cô em út khóc sướt mướt. Bà nói không muốn ở đây nữa, muốn sang bên đó với em và quan trọng hơn hết là bà muốn ra khỏi nhà ngay tức khắc. May mắn là thằng con trai của cô em đang công tác nơi thành phố bà đang sống, nên cô gọi con, bảo nó đến đón dì Hai về khách sạn ở tạm với nó, rồi cuối tuần đưa dì  sang đây với mẹ. Cô em còn lạ gì tính tình của chị mình. Ngay lúc bà đang nổi giận thì cứ chiều ý bà rồi vài ngày sau đâu sẽ vào đấy.

van-con-la-cau-hoi

Thắm Nguyễn

Nhưng bà thì không nghĩ vậy. Lần này bà nhất quyết đi thật. Bà giận thằng rể, rồi giận luôn Hải Hà – con gái của bà. Nhiều lúc, tận mắt chứng kiến thái độ bất kính của chồng đối với mẹ mình, nhưng nó lại giả lơ như không thấy. Bà ức lắm nhưng không muốn nói. Dù sao, bà cũng đâu muốn vợ chồng nó xào xáo. Nhưng chiều nay, tình cờ bà nghe thằng rể trời đánh nói chuyện điện thoại với bạn. Ðúng ra, bà cũng chẳng biết nó đang nói hành, nói tỏi gì bà, mà chỉ khi bước ra hiên sau để chuẩn bị chiên cá thì bà nghe nó cười nói oang oang “Cái gì? con là nợ, vợ là oan gia, bà già vợ là con khỉ già. Ha ha!!! câu này hay à nha”. Chắc nó định nói thêm nữa, nhưng chợt nhìn thấy bà, nên chuyển sang nói tiếng Mỹ. Bà giận sôi gan. Vậy là nó ám chỉ bà chứ ai. Bà kể cho con gái nghe, đáng lý con nhỏ phải chỉnh lại cách ăn nói của thằng chồng, đằng này nó còn gân cổ trách bà “Sao má nghe lén ảnh nói chuyện làm chi”. Trời ơi! ngó xuống mà coi, chuyện nhà làm không hết, bà có rảnh đâu mà rình rập để nghe lén. Rồi bà nghĩ, cả chục năm nay bà ở trong căn nhà này, làm tôi mọi cho vợ chồng, con cái nó, nhưng chưa hề than vãn một lời. Có những khi trở trời, bà ngầy ngật, ê ẩm cả người, chỉ muốn nằm dài trên giường, nhưng nghĩ lại tội nghiệp con, đi làm vất vả cả ngày mà về đến nhà còn phải lao đầu vào bếp chắc mệt lắm, nên bà cố lê lết ra bếp, nấu bữa cơm chiều. Vậy mà chưa bao giờ nó tỏ ý cám ơn, bây giờ lại còn cả gan gọi bà là con khỉ già. Bà ở đây, đỡ đần cho tụi nó biết bao nhiêu chuyện, vừa nấu nướng, vừa trông coi, chăm sóc, dạy dỗ ba đứa cháu ngoại từng lời ăn tiếng nói, để đi đến đâu người ta cũng xuýt xoa khen ngợi “Cháu bà ngoan ngoãn, lễ phép quá, ba má nó thật khéo dạy”.

Xem thêm:   Bị chôn sống

Ðang miên man nghĩ ngợi, bà giật mình khi nghe điện thoại reo nghèn nghẹt trong chiếc xách tay. Nghĩ bụng, chắc Hải Hà đang hớt hải tìm kiếm nên bà không thèm bước xuống giường. Nhạc điện thoại lại reo thêm lần nữa. Ngần ngừ một chút bà bắt máy. Bên kia đầu dây là tiếng nói quen thuộc của cô em út.

– Chị sao rồi? Có khỏe không? đang làm gì đó?

Cơn giận chợt bùng lên, bà cao giọng:

– Trong lòng không vui thì làm sao mà khỏe được!

Rồi bà tiếp tục kể lể những điều đã kể hôm qua. Cô em im lặng một lúc rồi nhẹ nhàng nói:

– Hồi sáng này Hải Hà có gọi cho em. Nó rất buồn và lo lắng.

Bà cười khẩy với giọng mỉa mai:

– Lo là phải, tao đi rồi lấy ai nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ rửa chén cho nó. Kiếm đâu ra được con sen siêng năng, chịu cực, chịu khó như tao, hầu hạ vợ chồng con cái nó khác nào một đứa đầy tớ trung thành.

– Chị Hai.. chị nói gì mà nghe nặng nề quá vậy!

Mới nghe đến đó bà đã bù lu, bù loa.

– Có nặng bằng cái gánh tao mang trên vai mấy mươi năm nay không. Qua tới Mỹ chẳng bao lâu ba nó đã theo ông, theo bà. Chữ nghĩa không có, tao làm đủ nghề chân tay cực khổ, nuôi nó ăn học. Mong đến khi nó thành tài, có công ăn việc làm ngon lành để tao được ngồi không mà hưởng nhàn, ai ngờ lại làm thân trâu bò kéo cày tiếp. Biết vậy, hồi đó tao lấy chồng, rồi đưa nó về bên nội, để coi cuộc đời nó ra sao. Tưởng nuôi con để nhờ cậy lúc tuổi già, ai ngờ vô phúc. Tao còn ở lại, lỡ mai mốt bệnh hoạn nằm một chỗ, thế nào nó cũng nghe lời thằng chồng mà quăng mẹ vào nhà dưỡng lão.

Nói đến đây bà tủi thân khóc hù hụ. Cô em gái vẫn nhẹ nhàng:

– Cũng tại chị giành làm hết mọi chuyện trong nhà. Em biết Hải Hà không phải là đứa tệ. Lúc trước nó nói với em, nó muốn đặt cơm tháng để chị có thời gian nghỉ ngơi mà chị không chịu. Em nói chị nghe, mình cực khổ cỡ nào tụi nhỏ cũng nhìn thấy và hiểu hết. Nhưng cứ mỗi lần giận hờn lại lôi ra kể lể thì tụi nó rất khó chịu và một lúc nào đó quá bực bội, nó sẽ nói những lời không hay làm đau lòng mình và sứt mẻ tình mẹ con. Quan niệm ngày xưa, cha mẹ nói gì con cái cũng phải nghe lời, hoặc có bị rầy, bị chửi, dù không đúng cũng phải khoanh tay đứng nghe, không được trả lời, bây giờ không còn thích hợp nữa. Nếu không thay đổi cách suy nghĩ là tự mình làm khổ mình. Cái lối nói lẫy, nói hờn vô căn cứ chỉ khiến con cái mỗi ngày một xa mình thôi…

Xem thêm:   Má Mi Deborah

– Là con Hải Hà nó nói với mày như vậy hả?

Thiệt hết nói, điều bà mong muốn là cô em thông cảm và an ủi bà chứ đâu phải lên giọng thầy đời, dạy dỗ bà cách giáo dục con cái theo xứ sở văn minh, không có tôn ti trật tự này.

– Nó không nói những điều đó mà chỉ khóc. Một bên chồng, một bên mẹ, nó không biết phải làm sao. Chồng thì hời hợt, vô tư, tiếng Việt lại không rành, nên nói năng lạng quạng, dễ gây hiểu lầm. Mẹ thì khó khăn, bắt bẻ từng chút. Rốt cuộc người khổ là nó, nhiều khi nó chỉ muốn chết cho xong.

Bà nổi điên hét lên, rồi cúp máy cái cụp. Cơn giận khiến bà muốn nghẹt thở. Bây giờ thì bà giận luôn cô em. Bà quyết định không sang bên đó nữa. Chỉ mới lên tiếng nhờ cậy là nó đã coi bà không ra gì. Bà lục lọi trong đầu để tìm chỗ khác nương thân, trong khi miệng không ngớt rên rỉ, trời ơi sao tôi khổ quá vậy nè.

Ngay lúc thằng cháu mở cửa phòng bước vào dặn dò, sáng mai mình đi sớm nghe dì Hai, thì bà chợt nhớ đến người bạn thân mà bà có thể tá túc được. Ừ! ở với người dưng coi bộ dễ chịu hơn, chứ sang bên đó, người nói tới, kẻ nói lui, không khéo chị em lại mích lòng rồi mất tình ruột thịt. Bà nghĩ vậy nhưng không nói vội, chờ đến sáng hôm sau bà sẽ điện thoại cho bà Trinh – người bạn thân mấy mươi năm đang ở một mình trong căn nhà rộng thênh thang, vì vợ chồng thằng con trai đi Pháp thăm gia đình bên vợ cả tháng mới về – lấy địa chỉ, rồi nhờ thằng cháu đưa đi.

Từ bữa nay tao cắt đứt hết, không mẹ  con, không chị em gì nữa. Bà lầm thầm một mình. Ừ! cái số của tao là số canh cô mồ quả, tử vi nói không sai mà. Bà ôm gối lăn qua lăn lại, lau nước mắt cả đêm, mong trời mau sáng.

o O o

– Má về đi, con đang làm thủ tục ly dị với ảnh. Sau nhiều đêm suy nghĩ con thấy má nói đúng, chồng thì bao nhiêu cũng có, nhưng mẹ thì chỉ có một. Con sẽ làm theo ý má. Má về đi, bé Vi nhớ má lắm, đêm nào cũng khóc đòi bà ngoại.

Giọng đứa con gái như nghẹn lại, bà nghe một tiếng nấc rồi máy tắt ngang. Bà buông điện thoại xuống, thẫn thờ dựa vào thành ghế, lòng hoang mang không biết mình nên vui hay nên buồn. Hải Hà nói đúng, từ trước đến nay, mỗi lần hai vợ chồng nó gây gổ hay bà nổi giận với thằng con rể thì bà lại gay gắt xúi biểu, bỏ quách cái thằng trời đánh đó đi, sống một mình như má mấy chục năm nay có phải khỏe thân không. Ðứa con gái làm thinh, nhưng sau khi thằng chồng vùng vằng xách xe đi, đứa con gái lại tỉ tê “Nhưng con không muốn ba đứa nhỏ phải thiếu tình thương của cha như con đã thiếu hai mươi mấy năm nay. Ảnh có nhiều tính xấu, nhưng bù lại, ảnh thương yêu con cái hết lòng và sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho nó. Vả lại, bé Vi đeo ảnh lắm… làm sao con nỡ cắt đứt tình cha con.

Xem thêm:   Arkhom

Bà chợt nhớ, mỗi lần thằng rể làm thêm giờ là đứa cháu ngoại út của bà cứ đứng bên cửa sổ chờ. Bà mang thức ăn đến, nó lắc đầu. Bảo xem TV, nó cũng từ chối. Nhiều lúc bà nổi quạu, nạt ngang khi thấy con bé cứ thút tha, thút thít “Vậy chứ con muốn cái gì?”. Nó đưa tay gạt nước mắt, mếu máo nói “Con muốn ba”. Bà thở dài, nếu cha mẹ nó chia cắt, biết mấy đứa nhỏ có chịu nổi không? Còn lỡ tụi nó đòi theo ba, thì bà với Hải Hà làm sao sống? Bà ôm cái đầu đang đau buốt mà nghe lòng dạ xốn xang.

Có tiếng mở cửa lịch kịch, bà Trinh bước vào nhà với nét mặt rạng rỡ. Bà không hỏi, nhưng ánh mắt như chờ đợi. Ðến tủ lạnh hứng một ly nước mát, bà Trinh nói với giọng hân hoan:

– Yên ổn cả rồi.

– Chuyện gì?

– Chuyện vợ chồng thằng Triết. Tụi nó lục đục rồi đòi ly dị cả năm nay, tôi rầu gần chết. Ðợt này, bà sui bệnh nặng, tôi nói với thằng Triết, muốn gì thì muốn cũng phải đi thăm bà già vợ cho phải đạo. Không dè nhờ chuyến đi này tụi nó mới có thời gian gần gũi, chuyện vãn với nhau để giải tỏa những gút mắt mà từ trước đến giờ cứ để trong bụng, rồi oán trách lẫn nhau. Làm cha mẹ có ai muốn con cái mình, vợ một nơi, chồng một ngả, nên ngày đêm tôi không ngừng cầu nguyện cho gia đình nó được êm ấm. Tạ ơn Trời Phật đã cho tôi toại nguyện. Thật lòng, tôi cũng không ưng con vợ thằng Triết. Nhưng thôi, đã thương con, thương cháu nội thì cũng phải ráng bỏ qua hết để mà thương con dâu cho tụi nó vui vẻ. Tụi nó vui thì mình mới vui được phải không bà?

Vậy chẳng lẽ, chỉ có mình bà muốn con gái bỏ chồng? Nếu không, thì bà cũng phải ráng thương thằng rể, như bà Trinh đang ráng thương con dâu à? Không biết sau này thì sao, chứ bây giờ, nhớ câu nó nói “Bà già vợ là con khỉ già” bà còn giận căm gan.

NB