Olena ôm chầm lấy đứa bé, rưng rức. Không hiểu vì những rung động từ bờ ngực đầy, vì những vọng âm chiu chíu ầm ì từ tầng cao dội xuống, vì cái siết mạnh đột ngột, vì hơi người lạ phả quanh, hay vì tất cả những thứ ấy cùng lúc phủ chụp lấy, khiến đứa bé bắt đầu khó chịu, ọ ẹ ngọ nguậy. Con của mình đây mà! Có phải con của mình không? Câu khẳng định và câu nghi vấn cứ đảo lộn trong đầu Olena. Cô quay nhìn chồng rồi lại cúi nhìn kỹ hơn vào khuôn mặt bé bỏng còn đỏ hỏn đang nâng trên tay. Nét nào của anh? Nét nào của cô? Phần máu thịt này chắc chắn của Tatiana, và chín tháng cưu mang có để lại chút dấu vết nào của cô ấy trên gương mặt đứa bé không?

Olena nhớ đến một phim tài liệu, nhắc chuyện nhiều bà mẹ đang mang thai chịu khó tập trung sự chú ý của mình vào bức ảnh một đứa bé xinh xắn, bụ bẫm trong suốt thai kỳ, sẽ có những đứa con hao hao giống như vậy sau khi sinh nở. Nếu Tatiana thường xuyên soi gương thì sao, có tạo ảnh hưởng gì không? Olena biết bạn mình xinh đẹp, duyên dáng, trẻ trung, khoẻ mạnh, đủ các tố chất của một bà mẹ kiểu mẫu. Làm sao mà khuôn mặt tươi vui, tràn đầy nhựa sống ấy lại không cho phép mình tự ngắm trong gương một ngày vài ba lần được chứ ?

Có tiếng nổ mạnh, tầng hầm rung rinh, đèn điện chung quanh chớp tắt liên hồi. Ðứa bé giật mình, oằn người ré khóc. Olena ôm chặt lấy nó hơn và vòng tay rắn chắc của anh quấn tròn bảo bọc quanh hai mẹ con. Tiếng khóc ngằn ngặt của đứa bé khơi dậy nữ tính và vụt nở bừng tình mẫu tử nơi cô. Mẹ đây! Có mẹ đây! Con đừng sợ! Ba mẹ đã chờ đợi bao nhiêu năm, đã vượt qua bao chặng đường gian khổ để đến tìm con, để sẽ đưa con ra khỏi nơi bom lửa giết chóc này. Vira. Cô khẽ thầm thì bên tai đứa bé. Con tên Vira, nhớ không con ? Ðứa con của ba mẹ đủ dũng cảm để chào đời đúng vào lúc chiến tranh đổ ụp xuống đất nước tươi đẹp này.

Trên suốt đoạn đường dài hơn hai ngàn năm trăm cây số đổi qua không biết bao lần tàu xe, ba mẹ đã nghĩ đến nhiều cái tên, và cuối cùng đồng ý đặt cho con cái tên này, Vira bé bỏng, Vira đáng yêu, Vira anh hùng tí hon của ba mẹ. Olena ngước lên. Sau tròng kính loáng trắng, cô đón nhận những tia nhìn âu yếm, ấm áp nơi đôi mắt nâu đậm ánh lục của anh toả xuống cô, xuống con. Sau vài cái vỗ về, đứa bé yên tâm ngủ lại, miệng chóp chép. Olena nhớ mình chưa kịp nhìn thấy mắt con màu gì. Như của anh, hay nâu nhạt trong veo như mắt cô, biếc xanh như đôi mắt to tròn của Tatiana, hay của mẹ Valentina?

– Bé đói rồi!

Olena chợt nhớ đến sự hiện diện cạnh bên của người nữ y tá. Cô nhoẻn miệng:

– Cảm ơn chị… Xin lỗi, em lại quên mất tên chị rồi.

– Galina.

– Em có thể cho bé bú được không?

– Ðể tôi chuẩn bị bình sữa. Ông bà đợi chút thôi.

– Cảm ơn chị.

Bảo Huân

-oOo-

Galina mủi lòng khi nhìn cảnh người đàn bà trẻ tuổi vụng về cầm bình sữa cho đứa bé bú khi đèn đóm trong căn hầm vẫn liên tục chớp tắt. Còn gì hạnh phúc bằng! Không gian tù túng chung quanh đột nhiên biến mất, tiếng gầm gào hung bạo của con quái thú chiến tranh chợt tắt ngấm, mặt trời toả rạng trên những cánh đồng hướng dương bát ngát đang mùa tươm mật óng ả vàng. Cô nhắm mắt lại. Hãy mơ một chút, về những điều bình thường của hôm qua, phút chốc bị tẩy xoá nhẵn nhụi giữa cái tàn khốc của hôm nay. Sự sống vẫn đang nảy mầm, dù cận kề bên cái chết. Ðứa bé sơ sinh được quyền lớn lên. Người đàn bà được quyền hưởng hạnh phúc làm mẹ. Người đàn ông được quyền tạo lập một gia đình đầy đủ vợ-chồng-con-cái. Galina quen việc đã hơn bốn năm ở nơi này. Những đôi vợ chồng hiếm muộn từ nhiều nơi trên thế giới đổ về đây để đánh canh bạc cuối, với hy vọng sẽ thắng được số phận, sẽ giành được lô độc đắc, sẽ mang về cho mình một đứa bé phát triển từ trứng của mẹ và/hoặc tinh trùng của cha. Mầm phôi được cấy vào cơ thể màu mỡ của những thiếu phụ slave, những người đàn bà được sàng lọc, chọn lựa theo các tiêu chuẩn gắt gao để lãnh chức năng làm mẹ thay cho những người đàn bà khác, kém may mắn hơn, nhưng có thể, sẵn tiền của hơn. Một cuộc đổi chác có thể gọi là sòng phẳng. Một bên nhận được báu vật của cuộc sống. Một bên nhận được sự chăm sóc sức khoẻ tối ưu suốt thai kỳ và món tiền tương xứng với việc mang nặng đẻ đau. Hợp đồng ký kết với sự đồng thuận của đôi bên. Hiến pháp cùng các điều luật rõ ràng của xứ sở cô, từ nhiều năm nay, đã cho phép một số tổ chức, bệnh viện chính thức hoạt động theo đường hướng này, dù bị không ít các nhóm bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em trong, ngoài nước kịch liệt chống đối. Dù có là như thế, dù đã bao lần nhìn thấy niềm vui, sự hớn hở lộ rõ trên gương mặt những người lần đầu được diễm phúc làm cha, làm mẹ sau bao nhiêu ngày tháng mỏi mòn chờ đợi với hy vọng dần bị vô vọng rồi tuyệt vọng thay chỗ, nhưng cô vẫn không khỏi bị những ánh mắt thèm khát tình thương yêu của bọn trẻ trong trại mồ côi ám ảnh. Thật sự, có cần phải dốc công, dốc sức, dốc tiền của để tìm cách tác tạo nên những sinh linh mới, trong khi có bao nhiêu đứa bé khác đang mong chờ một mái ấm gia đình, mong một vòng tay ôm, một cái xoa đầu, một lời dịu ngọt, một tiếng gọi ba, gọi mẹ cứ líu ríu mãi trong miệng chẳng biết sẽ được gửi đến ai, hay không? Cho đến gần đây, sau hơn bốn năm làm việc trong trung tâm VittoriaVita nổi tiếng này, cô vẫn loay hoay đi tìm từng câu trả lời thoả đáng cho bao dấu hỏi cứ vướng víu mãi trong đầu, cứ bật nảy ra mỗi ngày khi cô bắt đầu khoác chiếc áo blouse y tá vào người.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Và hôm nay, mối bận tâm của Galina dồn hết vào chuyến đi của Marko. Thằng bé mười một tuổi được mẹ nhét cho vài ngàn uah và một dúm kopeck (*) với thức ăn khô, quần áo, giấy tờ tuỳ thân, sổ điện thoại vào túi đeo vai, lủi thủi theo gia đình hàng xóm tản cư. Chồng tử trận trong biến cuộc 2014, cô cứ ở vậy nuôi con, nuôi mẹ. Không thể để bà cụ bị liệt nửa người ở lại một mình, cô đứt ruột trong quyết định gửi con đi như vậy. Cũng may mà thằng bé đã được hội Hồng Thập Tự quốc tế đưa đến đúng địa chỉ gia đình người chị chồng ở Ba Lan. Tạ ơn Chúa! Thằng Marko lơ ngơ, lộc ngộc thế mà đến được bến bờ bình yên, thằng bé có nụ cười an phận của cô và đôi mắt thăm thẳm xám những ngày mưa của bố nó.

“Stefania, mẹ ơi, con muốn nghe lời hát ru của mẹ…” Cô lẩm nhẩm một mình. Bài hát rộn ràng trùng với tên mẹ cô sẽ được nhóm Kalush Orchestra đại diện cho đất nước này trình bày trong liên hoan âm nhạc Âu Châu Eurovision 2022, nhưng, khi vừa được đưa lên Youtube cách đây vài tuần, đã nhanh chóng lan toả khắp nước, như chất keo dán, thắt chặt tình yêu gia đình, quê hương của người dân xứ sở cô. “Stefania, mẹ ơi…”  Cô nhớ đến dáng nằm nghiêng một bên của mẹ, đến nụ cười hiền từ, đến ánh mắt sáng niềm vui, đến cánh tay còn cử động được vươn ra hướng về phía cô mỗi khi mở cửa bước vào nhà sau giờ làm việc. Thằng Marko đã đi xa, mẹ cô chỉ còn biết suốt ngày đối mặt với truyền hình, gọi điện thoại viễn liên hỏi thăm cháu vào buổi trưa và thỉnh thoảng ve vuốt mấy con Sacha lúc nào cũng xù lông cuộn tròn lim dim ngủ quanh chỗ bà nằm. Như mọi ngày, cô sẽ vừa lau rửa cho mẹ, vừa huyên thuyên chuyện này chuyện nọ ở bệnh viện. Ðổi lại, bà Stefania dông dài kể lại những tin tức nghe được, từ chiến sự, thời tiết, đến các vụ hợp-tan của ca, nhạc sĩ, tài tử điện ảnh nổi tiếng, không quên vài tình tiết hài hước của bộ phim truyền hình «Ðầy tớ nhân dân» đang được chiếu lại hàng ngày trên đài 1+1, mấy hôm nay còn thêm chuyện nhắc đi nhắc lại việc liên lạc điện thoại với thằng cháu cưng, dù biết cô thường gọi cho con ngày mấy lần, dặn dò toàn điều linh tinh. Cô vẫn nhớ ngày báo tin mới đậu vào trường đào tạo y tá, bà Stefania vừa vuốt má cô vừa khuyên: «Con cố chọn ngành điều dưỡng, chăm sóc bà mẹ và trẻ em ở khu sản khoa. Trong bệnh viện, chỉ ở đó mới thấy được sự sinh sôi, niềm vui và nụ cười. Nơi khác, toàn đau đớn, lo buồn, sợ hãi với cái chết lù lù đứng đợi đầu giường». Hình ảnh mẹ hồng hào, tròn trịa ngày ấy, với mẹ teo tóp, ốm bệnh hôm nay khác nhau một trời một vực, nhưng sự trìu mến, yêu thương dành cho con cháu vẫn thế, không chút suy suyển… Lo cho mẹ xong, cô tắm gội vội vàng rồi chuẩn bị bữa tối. Trước khi vật người xuống giường vì mỏi mệt, Galina còn kịp hôn lên di ảnh của Sacha như thường lệ từ 8 năm nay, và bây giờ, hôn thêm ảnh thằng Marko chụp ở trường hồi đầu năm học. Bố con nó có đôi mắt màu thép lạnh, xám như bộ lông mấy con mèo cưng của mẹ, mà, cô cười thầm, vì quý con rể hy sinh cho đất nước, bà Stefania cứ nhất định lấy tên Sacha đặt cho lũ mèo, không phân biệt đực, cái, cứ tuốt tuồn tuột : Sacha 1, Sacha 2, rồi Sacha 3…

Xem thêm:   Vợ cũ

-oOo-

– Chị… Galina, bé bú xong rồi, em gửi lại bình sữa.

– Cảm ơn bà. Cháu ngoan lắm, lúc nào cũng bú hết bình.

– Em tên Olena. Chị chắc hơn em vài tuổi, gọi tên nhau cho thân mật, nhé chị Galina?

– Vâng… Olena…

– Em định hỏi chị vài chuyện.

– Ðợi chút! Chị cho bé đi ngủ.

Olena chuyền đứa bé cho Galina, nhìn theo dáng thoăn thoắt của người y tá vừa khuất sau hành lang. Cô ngồi xuống bên chồng. Anh đang nhắm mắt gật gà ngủ. Ðược học bổng Pháp ngữ, gặp anh ở Paris, sinh viên chung trường, khác khoa, yêu nhau, sống chung và quyết định kết hôn. Cô ở lại, cùng anh chờ đợi những đứa con. Nhưng chờ mãi, lũ cò chở tiếng khóc cười sơ sinh đã bay xa tít, bắp cải đã gặt hái, hồng trồng ngoài hiên đã mấy mùa nở rồi tàn, nhưng lũ bé thơ từ đó chui ra lại thẳng đường sang hàng xóm mà chẳng chịu đến gõ cửa nhà cô. Vì cơ thể cô không chịu nhận chúng, trứng cứ chín, rụng rồi trôi ra ngoài, không nằm lại trong ổ bụng để tượng hình con trẻ. Chạy thầy, chạy thuốc, chạy khắp các bệnh viện lớn nhỏ, vẫn là thất bại này tiếp thất bại nọ. Chỉ còn cách duy nhất, được luật lệ xứ sở cô chấp nhận: cho phép phụ nữ mang thai hộ những cặp vợ chồng vô sinh.

– Olena…

– Chị em mình ra góc kia tâm sự, để anh ấy ngủ yên một chút…

Olena nắm lấy tay Galina kéo đi. Người y tá để yên tay cô trong tay bà mẹ trẻ. Cô đã quen với những cử chỉ thân mật biểu tỏ nỗi hân hoan lẫn lòng biết ơn của những người đàn bà, đàn ông đủ mọi màu da, quốc tịch đổ về đây, lần đầu, cũng nhiều phần là lần cuối gặp mặt, nhưng đã như quen biết từ lâu.

– Chị ơi, cho em hỏi, chị có biết Tatiana, người mang thai hộ em không ?

Galina nhìn người đối diện, tìm câu trả lời thích hợp. Ðược dặn dò phải luôn làm hài lòng khách hàng trong mọi tình huống, nhưng cô vẫn nhớ việc không được phép tiết lộ các bí mật nghề nghiệp.

– Tụi em là bạn cùng lớp từ thời tiểu học. Tatiana lấy chồng sớm. Em đi du học, lập gia đình rồi ở luôn bên ấy. Khi vợ chồng cùng quyết định tìm người mang thai hộ, em mừng quá khi thấy tên và ảnh Tatiana trong danh sách của VittoriaVita. Dù sao cũng là chỗ quen biết, bạn em lại khoẻ mạnh, xinh đẹp. Em yên tâm…

– Từ lúc bắt đầu chiến tranh, chúng tôi đã quyết định nối liên lạc trực tiếp để bố mẹ bé và người mang thai hộ trao đổi thông tin dễ dàng hơn rồi mà.

– Vâng, em có số điện thoại của Tatiana. Hai đứa thường xuyên thăm hỏi nhau cho đến ngày vợ chồng em rời Paris sang đây. Sau đó thì mất dấu. Hôm vừa sinh cháu xong, Tatiana còn khoe với em là bé bụ bẫm, dễ thương lắm, và cho biết không thể ở lại chờ em để trao con mà phải tản cư gấp cùng gia đình. Rồi bặt tin. Em lo quá, chị ơi !

Galina nghĩ ngay đến những thảm cảnh thấy được trên truyền hình trong phần thời sự khi vội vàng nuốt bữa trưa cùng đồng nghiệp trong phòng ăn của nhân viên. Nhưng cô không muốn làm Olena lo lắng thêm.

– Chị không trực tiếp chăm sóc Tatiana, nhưng có chào hỏi nhau mấy lần trước khi cô ấy vội vã rời khỏi đây, người còn xanh mướt. Chiến tranh làm đảo lộn hết mọi trật tự thường ngày. Chắc Tatiana đánh mất điện thoại hay gặp trục trặc với thẻ SIM và lại vô ý không lưu lại số phone của em trong sổ hay trên mạng đó thôi.

– Em cũng mong như vậy. Thời buổi loạn lạc này, chắc đâu còn ai nghĩ đến chuyện đổi điện thoại đời mới, đổi số phone hay đổi hãng điện thoại để mất dấu nhau. Em vẫn thầm cầu nguyện cho Tatiana, xin Chúa che chở, mang bình an đến cho gia đình bạn. Dù sao cũng là người đã nuôi giữ con em trong bụng suốt chín tháng.

– Chị phải chạy đây. Còn ít phút để gọi cho thằng con đang tị nạn ở Ba Lan. Nhiều đồng nghiệp đã rời thành phố, nên người ở lại phải gánh thêm việc. Bác sĩ trưởng sẽ dặn dò vợ chồng em vài thứ. Có những điều trong hợp đồng không thể thực hiện được lúc này, như việc cấp giấy khai sinh cho bé chẳng hạn…

– Vâng, em cảm ơn chị. Thế nào chị em mình cũng còn dịp gặp nhau trước khi vợ chồng em quay về Paris với bé. Chị có thứ gì quan trọng cần trao tận tay cháu không ? Vợ chồng em sẵn sàng…

– Chắc không cần thiết đâu em. Cũng nên chợp mắt một chút để lấy sức, Olena. Trong góc phòng kia còn một chiếc giường trống đó.

Xem thêm:   Tự thú

– Vâng, chị gọi cho cháu đi !

-oOo-

Tatiana không phải là người đàn bà duy nhất mà Olena mất liên lạc từ ngày chiến tranh bùng nổ. Sau khi cô quyết định ở lại Paris, mẹ cũng tái hôn và theo dượng về điều hành một xí nghiệp gia đình gần Saint-Pétersbourg. Thỉnh thoảng, người ở Pháp gọi cho người ở Nga. Lâu lâu, người ở Nga nhắn tin, gửi ảnh cho người ở Pháp. Không mặn mà, chẳng lạnh nhạt. Từ bé, Olena vẫn gần gũi, thân thiết với ba hơn mẹ. Có thể vì phải theo những chuyến lưu diễn thường xuyên của đoàn kịch, nên mẹ không có nhiều thì giờ dành cho cô, không thấy cô lớn lên từng ngày, không biết được những thứ cô mong muốn, không hiểu được những điều cô chờ đợi. Chỉ có ba luôn cạnh bên, lo cho cô bữa tối, chở cô đi học, dẫn cô đi chơi, xem phim, nghe nhạc, nên đương nhiên, người đầu tiên cô nghĩ đến khi cần, là ba, chứ không phải là mẹ Valentina. Chỉ từ hai năm đổ lại, khi dịch Covid-19 buộc mọi người bó chân quanh quẩn trong nhà, mẹ con mới liên lạc với nhau thường xuyên hơn. Olena có cảm tưởng mẹ con cô càng nhích lại gần nhau hơn nữa sau lần cô quay về nước làm thủ tục và ký hợp đồng nhờ người mang thai hộ. Ảnh chụp trên con phố cũ, trước ngôi nhà xưa chắc cũng gợi lên vài kỷ niệm êm, đẹp trong lòng người xa xứ, cô nghĩ thế. Dù đã lớn tuổi, nhưng qua màn ảnh smartphone, Olena thấy mẹ mình vẫn đẹp sắc sảo, trang điểm đậm, ăn nói trau chuốt. Bà thong thả nhả từng chữ, chậm rãi đưa tay, từ tốn nghiêng đầu, khẽ khàng nhíu mày, trong khi cô tuôn chuyện như đang mưa giông sấm động muốn không kịp thở. Thường thì cô nói nhiều hơn nghe, nhưng Olena nhớ như in lần cuối cùng còn gọi được cho mẹ. Cô sững sờ im thin thít trước đoạn độc thoại trầm bổng của bà Valentina, như đứa học trò tiểu học háu mắt nhìn cô giáo khoan thai giảng bài hay người khán giả bị thôi miên, hút hồn trước lời thổ lộ của nữ diễn viên chính trong cao trào vở kịch:

– Con đừng phí công gửi ảnh, gửi phim cho mẹ xem làm gì, toàn những thủ thuật, kỹ xảo dàn dựng của thằng hề và vây cánh bọn hắn, thêm sự hậu thuẫn của tụi Âu Mỹ đó thôi. Con ở Paris, bị chúng bưng tai bịt mắt, thấy một mà chẳng thấy hai. Truyền hình bên này chiếu đầy đủ các cảnh đó con ạ, thằng hề tân phát-xít giết hại dân mình, phá nát nước mình, rồi vấy máu lên tay người Nga. Kịch cả đấy con ơi ! Cô bé bán mỹ phẩm trên mạng giả dạng bà mẹ mang thai oằn oại trước cảnh bệnh viện bị oanh tạc. Bọn đóng vai xác chết nằm dồn đống, vài ba phút sau đã hể hả nói cười. Tin sao được hả con? Binh đoàn Azov trương cờ chữ vạn quốc xã được ngợi ca là anh hùng dân tộc. Lũ chúng nó ruồng bố, đàn áp tinh thần dân gốc Nga, khiến cả gia đình bên dượng phải bỏ của cải, ruộng vườn, vượt biên giới về đây. Anh hùng kiểu gì vậy con? Mẹ hiểu trước giờ tình cảm mẹ con mình chẳng mặn mòi gì, nhưng đừng tiếp tục bắt mẹ phải tranh luận với con, để đẩy mẹ sang bên kia lằn ranh chiến tuyến. Con nghĩ thế nào là việc của con, đối với mẹ, chính thằng hề đó đã tàn sát dân, huỷ hoại đất, là con tốt thí của bọn Âu Mỹ nhắm vào mối an nguy, phát triển của nước Nga. Xí nghiệp của dượng đang gặp nhiều khó khăn trong việc xuất-nhập cảng, công việc đình trệ, nhân viên chỉ còn làm nửa buổi, than vắn thở dài. Mẹ làm sao đồng tình với con được? Gia đình bên dượng mất hết tài sản, bị lính Azov khủng bố tinh thần, sống trong hoảng loạn, làm sao đồng tình với con được ? Mẹ ngừng đây, khi nào thuận tiện, sẽ liên lạc lại.

Màn ảnh điện thoại vụt tắt. Olena hốt hoảng gọi lại, gọi thêm, gọi nữa, mẹ vẫn không nhấc máy. Tin nhắn để lại, e-mail gửi đi như rơi vào thùng không đáy. Facebook, Instagram đã bị chặn ở Nga. Mẹ lại không có tài khoản Telegram hay WhatsApp. Cô không còn biết đường nào mà lần. Hay là, ở đây, may ra… Olena bấm vội số điện thoại, áp sát máy vào tai. Vẫn là câu trả lời tự động: «Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được. Xin vui lòng…». Mẹ ơi, mẹ đang ở đâu, sao không trả lời con? Mẹ vẫn còn giận con hay sao? Mẹ vẫn giấu mình, dối lòng, không muốn nhìn nhận sự thật đang bị cả thế giới lên án hay sao? Nhưng thôi, con chẳng cần, con sẽ không nhắc đến chiến tranh, phe phía, đến người chết, nhà đổ trên kia, con chỉ muốn báo tin vui thôi, con vừa được làm mẹ đây, mẹ ơi!

CN  (Thiais 05.2022)

(*) uah, kopeck: đơn vị tiền tệ của Ukraine