Ngày còn nhỏ, tôi học trường tiểu học Ðồ Chiểu, một ngôi trường nhỏ dành cho nữ sinh tại Tân Ðịnh, sát tường với trường Nam Tiểu học Tân Ðịnh, nơi anh tôi theo học. Anh tôi mặc đồng phục nam sinh, quần tây xanh dương, áo sơ mi trắng. Tôi mặc đồng phục nữ sinh toàn trắng, áo bà ba hay cổ cánh sen. Tôi còn nhớ những năm lớp nhỏ, nhiều lần vẩy mực tím dính đầy quần áo lỗ chỗ như con chó đốm. Không hiểu sao mẹ tôi vẫn giặt tẩy trắng tinh tươm trở lại cho tôi mặc đến trường.

Hết lớp nhất tôi làm đơn thi vào lớp đệ thất trường nữ trung học Gia Long, và tôi may mắn thi đậu, khiến cha mẹ hài lòng, hãnh diện với bà con chòm xóm và đỡ tốn kém học phí trường tư suốt bảy năm trung học. Như vậy là 5 năm bậc tiểu học và 7 năm bậc trung học đã đóng khung tôi vào thế giới toàn nữ sinh. Tôi xem chuyện này hoàn toàn tự nhiên, theo đúng tinh thần Khổng Mạnh “nam nữ thụ thụ bất thân”.

Chúng tôi ngồi sát cạnh nhau chăm chỉ học hành, cầm tay nhau phụ một nét cọ hay một mũi kim, giờ chơi bá vai hay nắm tay nhau đi dạo trong sân trường, thủ thỉ những tâm tình lụn vụn. Trong lớp chúng tôi tranh nhau ráo riết, giành giơ tay trả lời câu hỏi của thầy cô, la ó vang rân: “Em, cô!”; “Cô kêu em cô!”, túm vạt áo dài chạy chân không lên bàn nộp bài giải trong giờ “Toán nhanh”; chui xuống gầm bàn thay quần phồng chuẩn bị cho giờ thể thao sắp tới trong khi giờ học hiện tại vẫn chưa chấm dứt, để rồi lỡ bị thầy cô gọi lên khảo bài thì đành ngượng nghịu xuất hiện trong vai “bà Táo” quần phồng xanh, áo dài trắng bước lên bục, chẳng giống ai! Trong giờ giảng văn chúng tôi lo chuẩn bị bài thuyết trình thật kỹ lưỡng cho đội của mình, “nghiên cứu đào sâu” để dự đoán những câu hỏi hóc búa của “địch thủ”, ủa quên, đội bạn, hay tranh luận tới tấp, bẻ gẫy lập luận, đè bẹp “phe kia” nếu đội mình đến phiên dự nghe và chất vấn.

Cuộc đời nữ sinh thật cách biệt với ngoài đời đã giúp chúng tôi sống thật hồn nhiên vô tư, đến tuổi dậy thì vẫn chưa biết e ấp điệu bộ, làm dáng làm duyên gì cả. Chúng tôi đúng là “garçon manqué” hay tomboy, tức là con gái mà như con trai.

Dần dà ngoài giờ học tại trường Gia Long buổi sáng, chúng tôi rủ nhau ghi tên học thêm các lớp Toán, Lý, Hóa hay Pháp văn, Anh văn buổi chiều để chiếm ưu thế hơn trong lớp. Bây giờ nghĩ lại ai cũng đi học thêm thì ai hơn ai đây? Chỉ biết là các thầy cô trường công được rảnh tay nhàn hạ hơn vì học trò chẳng những chuyên cần mà còn lo chuẩn bị “đi trước đón đầu” trước khi thầy cô bắt đầu bài học mới.

Tại Hội Việt Mỹ, nơi tôi học thêm Anh văn, các ghế ngồi làm theo kiểu trường Mỹ. Mỗi ghế riêng biệt và trên có mặt bàn gắn vào, dưới có khung sắt như cái rổ vuông để tập vở. Mỗi chiếc ghế là một đơn vị cá nhân, không phải ngồi chung đụng trên băng ghế dài như tại trường công. Dù vậy bọn con gái chúng tôi cũng túm lại ngồi gần nhau cho thân thiết và không cho “phe địch” chen vào. “Phe địch” là học trò nam cũng ghi tên đi học thêm. Tại Hội Việt Mỹ tôi phải sinh hoạt trong một môi trường “lưỡng giới” chứ không còn đơn giới như tại trường công. Sao mà rắc rối phức tạp quá đi! Phải chi toàn nữ sinh với nhau có phải tự do thoải mái hơn không!

Khi vốn liếng Anh văn đã kha khá, tôi tham dự những buổi sinh hoạt ngoại khóa như English Conversation Club để trau dồi thêm khả năng nghe-nói. Ban điều hành Hội Việt Mỹ tổ chức cho những nhân viên dân sự Mỹ hay quân đội Mỹ đang có mặt tại Sài Gòn hướng dẫn những buổi đàm thoại này để giúp học sinh Việt tập nghe người bản ngữ nói chuyện kiểu tự nhiên ngoài đời và tập đối đáp cho trôi chảy. Ðôi khi một đề tài “gây tranh cãi” được đưa ra vì sẽ lôi kéo được nhiều người tham gia với nhiều ý kiến khác nhau. Á, đây là nghề của nàng! Chỉ có tiếng Anh là nàng có phần lọng cọng thua kém, chứ lập luận, dẫn chứng, “vạch lá tìm sâu” thì nàng đây đã có nhiều năm kinh nghiệm tranh luận tại trường rồi nhé.

Bảo Huân

Hôm đó tôi cũng không nhớ đề tài tranh luận là gì, chỉ biết là tôi đang hứng chí con gà cồ, ủa quên, con gà mái, nên “phe kia” đưa ra điều gì tôi cũng gọn gàng bẻ gẫy răng rắc rồi nhìn đối phương nhoẻn miệng cười đắc thắng. Tôi lại được đám đông hưởng ứng và người điều khiển chương trình nhìn tôi với vẻ thiện cảm nên càng cảm thấy khích lệ. Ðến khi hạ màn tôi mới có dịp nhận ra “phe kia” là một con gà cồ, bị tôi là con gà mái hạ bệ trước bá quan văn võ. Anh chàng đỏ mặt quay sang phát biểu với người hướng dẫn: “She speaks very well, but she will have a hard time finding a husband!”

Xem thêm:   Arkhom

Úi trời ui! Quả đất dường như ngừng quay mà cái đầu tôi thì lại quay mòng mòng điên đảo. “What?”, tôi đã phạm tội tày trời à? Tôi quên mất khuôn mẫu tam tòng tứ đức, dịu dàng nhường nhịn của người phụ nữ Việt rồi? Trong lớp chánh toàn là nữ sinh, chúng tôi tranh luận thả ga không có vùng cấm. Nay “ra đời” tôi bị sửa lưng nhẹ nhàng nhưng lại đau thấu trời. Tôi ú ớ không biết mình đúng, phe kia sai, hay là mình đi quá lố và vi phạm quy tắc giao thiệp trong xã hội Việt? Sao tôi muốn xóa bài làm lại, rút lại buổi tranh luận ngày hôm nay quá.

Ngay lúc đó anh chàng người Mỹ phụ trách chương trình, trả lời tỉnh bơ, rất tự nhiên và rất… Mỹ: “That’s none of your business. You don’t have to worry for her!”. Ðến đây khán giả nữ vỗ tay rầm rầm tán thưởng, và mặt tôi từ xanh lét dần dần hồi phục lại vẻ bình thường. Bình thường ngoài mặt thôi, nhưng câu phát biểu khắt khe đầy chất phong kiến đó đã để lại một vết cắt sâu trong lòng tôi.

Từ giã mái trường thân yêu, thế giới “đơn tính”, tôi bước vào thế giới thật ngoài đời tại ngưỡng cửa đại học, thế giới “lưỡng tính” có cả nam lẫn nữ. Tôi thật lọng cọng bối rối. Tôi không biết “công thức” xử thế với phái nam, chẳng bao giờ dám ngỏ lời với họ, chẳng dám đứng gần, ai nhìn tôi như có ý muốn lại gần nói chuyện thì tôi lập tức lảng tránh ra xa. Tôi vụng về một cách tội nghiệp. Tôi không dám sống tự nhiên kiểu tomboy của mình, cũng không biết cách hòa nhã dịu dàng để làm một người thiếu nữ dễ thương. Ôi, sao cuộc đời rắc rối phức tạp thế!

Vài năm sau tôi lại phải bước vào một thử thách lớn hơn. Tôi một thân một mình “bước chân xuống thuyền” vượt biên khỏi Việt Nam. Chung quanh không người thân thích, sống giữa bao người lạ với gia đình của họ tại trại tỵ nạn, tôi quen được một số bạn mới nhưng vẫn càng lạc lõng hơn. Sang định cư tại Mỹ, tôi không có giấy tờ bằng cấp để xin việc kha khá. Tôi đành nhận việc làm không cần bằng cấp, bê dọn chén bát cho một nhà hàng chuyên bán kiểu buffet, tha hồ làm mệt nghỉ. Công việc nặng nhọc không làm tôi ngán ngại, mà những lời nói chì chiết kiểu chủ-tớ của người chủ Việt khiến tôi đau lòng hơn bao giờ. Từ từ tôi mất đi nét tinh nghịch yêu đời ngày xưa, đánh mất tiếng cười khanh khách giòn tan với bạn bè trong lớp, mặt lúc nào cũng dàu dàu nặng trĩu buồn lo. Có lần một bà khách đến ăn tại nhà hàng hỏi tôi: “Are you ok? You look so sad”, tôi mới giật mình cố tươi tỉnh lại, kẻo lại nghe những lời dằn xóc từ người chủ nghiệt ngã.

Ðó là lúc tôi gặp anh tại đại học cộng đồng. Anh cũng đồng hoàn cảnh, một mình đi vượt biên, nhưng có bà chị ở bên này đón anh về. Hai kẻ xa lạ, cù bơ cù bất xứ người nên dễ tương đắc. Anh cũng người Sài Gòn, đang học dở dang thì đổi đời nên chúng tôi có nhiều điều chia sẻ với nhau. Ðôi khi nhìn anh tôi thấy một vẻ quen quen nào đó. Người Việt sang Mỹ tỵ nạn thì dĩ nhiên là có nét quen thuộc hơn người Tàu Hong Kong, người Miên chạy nạn Pol Pot, người M’nong từ vùng cao nguyên, và nhất là người Mỹ trắng và Mỹ đen rồi.

Xem thêm:   Bên bờ ly biệt

– Sao em nhìn anh thấy có nét quen quen?

– Vậy hả, chắc là mình quen nhau từ kiếp trước, kiếp này tìm lại nhau. Anh cũng thấy em quen quen.

Anh cho biết anh là con út trong nhà. Các anh chị lớn đã lập gia đình và tứ tán khắp nơi, như bà chị di tản năm 1975 và đón anh về ở đây.

– Anh là con trai út chắc được cưng lắm hả?

– Ðúng đó. Mẹ anh cưng chìu một mực và bắt các bà chị phải “tận tụy” phục vụ anh.

– Sướng dữ ha! Con trai trong nhà không phải làm gì hết há.

– Mẹ anh lại là người Bắc cổ nên trọng con trai lắm.

– Thế anh có trọng nam khinh nữ như mẹ không?

– Ummm…ngày còn bé anh khác, bây giờ anh đã đổi nhiều rồi.

Tôi im lặng trầm tư. Ừ, chính tôi cũng đã thay đổi nhiều. Bây giờ mà các bạn thuở nhỏ gặp lại tôi chắc là nhận không ra. Mười năm biển dâu, thương hải biến vi tang điền! Tôi đã để lại cái hồn nhiên vô tư của mình nơi nào trên quãng đường lưu lạc?

Tôi tò mò “phỏng vấn” tiếp về nếp sống gia đình anh ngày xưa:

– Thế anh không phải làm việc nhà à?

– Không, anh chỉ ăn rồi học.

– Không đi chợ nấu cơm nhưng cũng phải làm việc gì đó chứ?

– Anh không nhớ nữa.

– Anh có giặt quần áo lấy không?

– Không, cả nhà dồn chung lại rồi bà chị lớn giặt một chậu to mỗi ngày.

– Thế anh có ủi quần áo cho mình không?

– Cũng không, bà chị khác ủi chung cho cả nhà, đỡ tốn điện.

– Thế sang đây chị còn giặt ủi cho anh không?

– Sang Mỹ thì bà ấy lên ngôi “bà chủ” rồi. Chính “ông chủ” cũng phải tự giặt quần áo cho mình và cho vợ luôn. Anh cũng phải tự lo chứ nào dám làm phiền. Anh làm rồi cũng thấy quen, chỉ tội nghiệp các chị ngày xưa cũng đi học đi thi như anh mà còn phải lo bao nhiêu công việc nhà.

– Phải vậy chứ!

– Ừ, bây giờ anh đảm đang lắm rồi. Vợ gọi thì dạ “bẩm bà tôi đây”. Em thử gọi anh đi, anh dạ liền!

– Hứ, em đâu có là gì của anh mà gọi cho anh dạ.

– Thì để anh tập cho quen, mai kia…

– Hứ!

Ðôi khi tôi thấy cộng đồng Việt Nam ở Sài Gòn và ở Mỹ tuy cũng da vàng mũi tẹt, cũng giọng nói Sài Gòn kiểu xưa, cũng đi chợ Việt Nam, nấu nướng những món ăn truyền thống trong gia đình, mà lại khác xa vời vợi. Ở Sài Gòn, quan hệ dây mơ rễ má chằng chịt, ông chú này là hàng xóm của “bên kia” nên cũng biết qua “tình hình gia đạo” của cô dâu sắp cưới. Bà mợ nọ làm chung sở với ông anh chú rể nên có đến nhà chơi và đã gặp hai cụ thân sinh v.v. Cả một hệ thống “điệp viên nhân dân tự vệ” thi nhau vào cuộc, kiểm tra chất lượng kỹ càng, nhưng đôi khi cũng làm tan vỡ mối tình đôi trẻ.

Ở đây tứ cố vô thân, gặp nhau giữa xứ người, tôi nào biết gia đình anh ngày xưa như thế nào, anh học hành siêng năng hay biếng nhác, có cao bồi du đãng không, có vợ con chưa v.v. Thôi đành tin vào những điều mắt thấy tai nghe trước mắt, tin vào linh tính và những cuộc “tra khảo” của mình.

Cả hai chúng tôi được ưu thế hơn những sinh viên Việt khác tại đại học cộng đồng là chúng tôi đã khá tiếng Anh nên không vất vả lắm khi lên lớp, và còn giúp đỡ thêm những bạn bị đuối sức vì cản trở ngôn ngữ. Phải vậy chứ! Tính tôi vẫn còn chảnh, muốn “người của mình” phải đáng khâm phục. Nếu đối tượng của mình mà nói tiếng Anh sai trật ngọng nghịu hay đeo accent nặng chình chịch chắc là tôi… chê rồi!

Xem thêm:   Má Mi Deborah

Một hôm tôi tò mò hỏi:

– Ở Việt Nam anh có luyện thêm tiếng Anh không mà giỏi vậy? Em thấy cách dạy sinh ngữ trong trường phần đông chú trọng ngữ pháp và làm bài tập viết nên học sinh Việt ăn nói không được lưu loát.

– Em nói đúng, anh có đi học thêm tại Hội Việt Mỹ.

– Ủa! Anh cũng học tại Hội Việt Mỹ à?

– Có đấy! Anh học hết tất cả các lớp, lấy cả hai bằng Proficiency và bằng Michigan đấy nha.

– Em cũng học thêm ở Hội Việt Mỹ mà sao không biết anh?

– Anh chỉ đến lớp rồi về, hay lên thư viện ngồi máy lạnh mát rượi học bài.

– Anh không dự các hoạt động ngoại khóa nào à?

– Chỉ có một lần anh vào English Conversation Club nhưng thấy chán phè nên không đi nữa.

English Conversation Club là sinh hoạt ruột của tôi. Uổng quá, ngày xưa anh không đến thường xuyên như tôi. Có thể hai đứa chúng tôi đã quen nhau từ dạo ấy, không phải bỡ ngỡ lúng túng làm quen nơi xứ lạ.

Tôi bất chợt nheo mắt nhìn anh thật kỹ. Cái cảm tưởng hơi quen quen của tôi ngày đầu bỗng trở lại dồn dập, mạnh mẽ, sống động. Cái mũi tẹt tẹt, cái mặt bèn bẹt, lông mày lam nham… “She speaks very well, but she will have a hard time finding a husband!”. Ôi, Trời ơi! “Vết thương lòng” nhức nhối ngày xưa nay hiện ra bằng xương bằng thịt trước mắt tôi!

– Cái lần duy nhất anh dự đàm thoại tiếng Anh đó, sao anh lại chán không quay trở lại?

– Ư… để xem nào, anh nhớ là anh bực mình người điều khiển chương trình thiên vị không công tâm.

– Anh ngồi xem thấy thế à?

– Không, anh làm debate captain đó chứ, nên em nhắc đến là anh nhớ lại ngay.

– Mà sao anh lại bảo người điều khiển không công tâm? Anh có nhớ “đối thủ” của anh không?

– Có chứ, đó là một cô gái tóc dài, mặc áo dài trắng rất nhu mì của nữ sinh trường công, nhưng cái mồm thì hùng hổ cãi toang toang không nhu mì chút nào cả. Ông người Mỹ điều khiển lại bênh cô ta, dẹp phắt lời phê bình của anh.

– Anh phê bình thế nào mà bị dẹp phắt?

– Thôi, bây giờ nghĩ lại anh cũng phong kiến cổ hủ quá, nhắc lại chỉ xấu hổ. Nghĩ mình ngày xưa thật ấu trĩ. Nếu bây giờ gặp lại cô ta anh sẽ ngỏ lời xin lỗi.

Im lặng…Thật lâu…

– Người đẹp đang suy nghĩ gì mà chẳng nói gì hết vậy?

– Anh này! Anh có nhớ lúc trước em bảo thấy anh quen quen không?

– Ừ, anh đã bảo chắc tại mình đã gặp nhau từ kiếp trước mà.

– Hổng phải từ kiếp trước mà từ Sài Gòn trước 75 thôi. Em là cô gái mà anh trù ẻo cho ế chồng đó.

– Thôi chết rồi! Thật không em? Mà ngày đó em tóc dài, bây giờ tóc ngắn… Ngày đó em mặc áo dài trắng… Ngày đó em còn con nít 17, 18 tuổi, bây giờ… Thôi rồi! Oan gia đến đòi nợ! Thế có chết tôi không? Xấu hổ quá đi! Xin lỗi nha!

– Anh có biết là lời phán chắc nịch của anh làm em chới với, đánh mất cả tự tin, và từ đó mặc cảm không dám quen với con trai nữa không?

– Ngàn lần xin lỗi! Tại ngày xưa ở nhà anh cứ nghe mẹ anh nhiếc các chị: “Cái ngữ đểnh đoảng như chúng mày thì sau này ế chồng cả nút đấy con ạ!” nên anh nhập vào cửa miệng lúc nào không biết. Thôi bây giờ anh xin chuộc lỗi cho cái tên cà chớn mồm miệng ăn mắm ăn muối ngày xưa nhé. Anh sẽ không để em ế chồng đâu. Chịu nha?

– Hứ!

T.M