Người miền Nam nợ người lính VNCH một món nợ ân tình, món nợ sẽ đi suốt cuộc đời, những món nợ vay bằng sinh mạng, bằng tuổi xuân, bằng hạnh phúc của những người lính.
Tháng Tư về, mời bạn bắt đầu theo dõi câu chuyện “Con Nợ Chú Một Đời”, đời thật một người lính biệt kích Lôi Hổ được tác giả Vũ Hoàng Đức Hiếu viết lại như một tiểu thuyết.
(các tiểu tựa của BBT Trẻ)

Bảo Huân
KỲ 26
Cứu mạng người
Em Bình đưa thuốc lên môi rít một hơi rồi bỗng dưng em chỉ tay về phía cô gái nói lớn:
“Tôi nói cho em biết, tôi không có rảnh rỗi lên đây để ngăn cản em nhảy lầu tự tử đâu. Em không muốn sống nữa thì em cứ nhảy xuống không ai có thể ngăn cản được em đâu, cái mạng là của em, sống hay chết là do em quyết định.” Nghe em Bình nói với cô gái mà tôi giật mình thầm nghĩ: “Mình lên đây để khuyên cô gái chứ sao em Bình lại nói như bất cần sự sống chết của cô gái như vậy. Tôi đang phân vân thì nghe em nói tiếp: “Nhưng trước khi em nhảy, cho tôi nhắn gởi vài lời có được không?” Nhìn cô gái im lặng, em Bình mỉm cười và tiến về phía cô gái vài bước thì đứng lại mặc dù cô gái không có phản ứng gì. Em Bình nhìn xuống mặt đường rồi cất tiếng thở dài não nuột, rồi em quay mặt qua nhìn thẳng vào đôi mắt cô gái với giọng nói rất dịu dàng:
“Một khi em nhảy xuống thì cái xác của em sẽ trở thành đống thịt bầy nhầy trước những cặp mắt vô cảm của những người qua đường. Em có biết không? Tại vì họ đâu có biết em là ai sống hay chết cũng không liên quan gì đến họ. Em cứ đặt địa vị mình là kẻ qua đường nhận xét lời nói của tôi có đúng không?” Cô gái vẫn không có phản ứng gì, lại bước thêm một bước nữa gần với cô gái, em nói tiếp: “Ba của em là một đấng anh hùng đã vĩnh viễn nằm xuống để cho người dân được sống trong bình an, cơm no áo ấm, trẻ thơ được cắp sách đến trường. Em không lấy làm hãnh diện khi có một người cha như vậy hay sao? Còn người mẹ của em sống trong cô đơn lẻ bóng, khi tuổi đời của mẹ còn quá trẻ. Mẹ lam lũ thức khuya dậy sớm chăm sóc nuôi nấng nhìn em trưởng thành từng giây phút cho đến ngày hôm nay.” Im lặng một chút rồi nhìn người con gái, em lớn tiếng nói:
“Trong những năm tháng sống bên mẹ, em đã làm được những gì để cho mẹ được tự hào về em chưa? Ðối với em tôi chỉ là một người xa lạ, em sống hay chết không liên can gì đến tôi có phải vậy không em?” Cô gái im lặng nhìn em, rồi em nhỏ nhẹ nói:
“Em ạ… Ðã chừng này tuổi đời rồi, không còn là đứa trẻ lên ba như thuở nào nữa, em không còn sống cho riêng bản thân mình mà em còn phải sống vì mẹ nữa. Ba đã mất rồi nên em phải làm tròn trách nhiệm của một người con, chia sẻ những vui buồn tháng ngày bên mẹ. Trong cuộc sống thì bất kỳ một ai cũng có những điều sai phạm hay những điểm bất đồng, kể cả người mẹ thân yêu của mình cũng không ngoại lệ. Ðó là tôi chưa nói đến chuyện em phải báo hiếu cho mẹ khi tuổi già sức yếu, vì yêu lầm một tên cặn bã mà em muốn kết liễu đời mình hay sao, có đáng hay không hả em? Nếu em chết đi thì ai lo cho mẹ đây? Em có biết khi em đứng ở đây, mẹ em đã ngất đi bao nhiêu lần không? Gào khóc rồi lại ngất đi, mẹ đau khổ biết chừng nào, em có hiểu thấu nỗi lòng của người mẹ không? Còn cái tên sở khanh kia một khi hắn công khai ôm ấp một cô gái khác thì trong mắt hắn không còn hình bóng của em nữa, đừng nói đến chuyện yêu đương.”

Bảo Huân
Cô gái nước mắt đầm đìa, em Bình bước đến nhẹ nhàng ôm lấy cô gái. Tôi vội vàng chạy đến đỡ cô gái vào bên trong thành lan can. Em Bình nhìn tôi mỉm cười rồi nhảy vào bên trong, cô gái lao đến ôm lấy em Bình khóc như chưa bao giờ được khóc. Từ trong cửa, 7-8 người chạy ra, trong đó có người đàn bà cũng chạy đến ôm lấy con gái và em Bình rồi khóc nhưng khóc trong niềm vui sướng. Sơn và Sang bước đến bên tôi, vài phút sau cô gái qua cơn xúc động, em Bình buông cô gái ra, nhưng người mẹ thì cứ ôm cứng lấy em Bình miệng không ngớt nói lời cám ơn. Khi vào bên trong thang máy, cô gái cứ ôm chặt lấy cánh tay em Bình không muốn rời cho đến khi ra khỏi thang máy. Tôi nhìn đồng hồ đã hơn 5 giờ rồi, tôi nói với em:
“Mình phải về Long Bình thôi em, không thì trễ chuyến bay.” Em quay qua nói với cô gái:
“Bây giờ anh em tôi phải đi rồi, em phải ghi nhớ lời tôi. Chuyện xảy ra hôm nay, em cứ xem như đó là một bài học vỡ lòng khi mới tập tễnh bước vào đời. Em phải sống thật kiên cường, phải tự làm chủ lấy bản thân mình, để sau này phải còn chăm sóc cho mẹ khi tuổi già bóng xế. Em nhớ lấy lời tôi nhé.” Cô gái vâng dạ ôm lấy em Bình mà nước mắt không ngừng rơi. Chúng tôi chào hai mẹ con cô gái và những người cảnh sát ở đó rồi ra đường đón taxi về căn cứ Long Bình. . .
Tình hình chiến sự từ ngày Quân Ðội Hoa Kỳ rút khỏi Miền Nam thay đổi rất lớn, những trận đánh cấp số Trung Ðoàn trở lên, hoả lực của quân Bắc Việt rất mạnh, pháo bắn như mưa, quân lại đông cứ hết lớp này gục xuống thì lớp khác lại xông lên, cấp chỉ huy của bọn chúng coi những đồng đội của họ như những con chốt thí. Còn về phía của mình càng ngày càng bị động, không có đủ phương tiện để tiếp tế về mọi mặt như những năm trước, có những lúc chúng tôi phải chia nhau 2 người 1 bao gạo sấy để ăn tạm trong một ngày, đau khổ nhất là những người bị thương nặng trên tuyến đầu, không có đủ trực thăng tải thương như ngày trước nữa. Ở chiến trường thì thuốc men không đủ để cứu, khi mang về đến khu an toàn thì hồn đã lìa khỏi xác rồi, đã như vậy rồi mà trận nào cũng nhận được lệnh rút lui, mà có muốn chiến đấu cũng không được, mặc dù tinh thần chiến đấu của binh sĩ rất cao nhưng làm gì còn đủ đạn để mà bắn. Ngày lại ngày qua Tiểu Ðoàn bổ sung nhiều khuôn mặt mới, không có gì lấy làm lạ vì những khuôn mặt thân quen họ đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại thế gian này nữa.
Kỳ 27
Khi đạt được “thỏa thuận” bỏ rơi miền Nam qua cuộc mật đàm giữa Trung Cộng và Mỹ, CSBV điên cuồng tấn công, chúng hiểu rằng, con mồi QLVNCH đã không còn lối thoát…
(còn tiếp)