Rụt rè bước lên bục nhân chứng, đầu cúi, tay run, một mảnh giấy gấp làm tư làm tám nắm chặt trong lòng bàn tay. Hai con mắt dáo dác nhìn quanh. Hụt chân lúc bước lên cái bục cao, hoảng hốt đưa tay ra trước chờn vờn cố gượng đứng cho vững.

Giữ được thăng bằng rồi, cô lảo đảo bước lên bục.

“Cô đọc và đánh vần tên của cô cho tòa đi,” biện lý nói, con mắt kẻ viền đen sắc sảo nhìn cô đăm đăm.

Cô gái đọc cái tên, rồi đánh vần sai một mẫu tự, cô lắp bắp đọc lại. Cái tên mà sau này nghe kể cha với mẹ đã bàn tới bàn lui không biết bao lâu mới đồng ý với nhau để chọn. Lần đầu tiên nghe tên mình khuếch đại qua máy vi âm, vang vọng đến bốn bức tường màu xám nhạt của phòng xử, đến tai ông chánh án mặc áo đen ngồi uy nghi trên cao phía bên trái cô, đến người thư ký tòa chăm chú gõ bàn phím máy điện toán, đến những người cảnh sát sắc mặt lạnh lùng, đến những phóng viên báo chí chăm chú ghi ghi chép chép, đến bao nhiêu người không quen trong phòng xử, và đặc biệt đến người đàn ông đang ngồi giữa hai nhân viên cảnh sát cách cô chỉ vài bước chân kia. Một tên sát nhân đầy nguy hiểm.

Lần đầu tiên tên cô được xướng lên giữa công chúng, vang vọng và dội lại từ bốn bức tường, cô thấy mình đã hóa thân thành ai khác. Tên sát nhân ngước lên nhìn cô. Ánh mắt ngạc nhiên. Rồi chút ngạc nhiên ấy loãng ra thành nét ân cần dịu dàng. Tên sát nhân ấy, cái người đã nhất định tên cô phải là Angela, bởi Angela đọc lên nghe gần gũi dịu dàng, như thầm gọi một thiên thần. Bởi tên sát nhân ấy nghĩ cô là thiên thần bé nhỏ của gã. Và mẹ cô đã bị thuyết phục để đặt tên ấy cho cô. Tên bị can ấy bị truy tố vì tội sát nhân cấp một.

Những ý nghĩ xô đẩy nhau trong óc cô. Chúng quấn lấy nhau, xoay vòng vòng như cơn lốc nhỏ.

“Cô nói cho tòa biết ngày tháng năm sinh của cô?”

Cô đọc cái câu cô đã thuộc nằm lòng. Ngày, rồi tháng, rồi năm.

“Ô, nghĩa là sinh nhật của cô mới qua đây thôi?”

Cô gật đầu, nói nhỏ như không muốn ai biết về cái ngày buồn thảm ấy. Sinh nhật một mình. Sinh nhật vắng cả cha lẫn mẹ. Một sinh nhật không nên nhắc tới.

Nhưng bà biện lý không buông tha cô. Giọng bà ta thoáng chút reo vui, “Happy birthday!”

Cô cố vạch lên môi một nụ cười. Sinh nhật một mình trong căn phòng nhỏ. Mẹ ở một nơi rất xa, còn cha – chỉ một chặng xe buýt là tới nhưng cách ngăn vời vợi. Sinh nhật ngồi với bản cáo trạng của tòa án, quay cuồng với ý nghĩ mình sẽ phải nói thế nào để thuyết phục quan tòa. Phải viết xuống cho khỏi quên. Những dòng chữ bò trên trang giấy. Rồi co cụm lại theo nhau bay vào giỏ rác ở góc phòng.

“Cô đã phấn đấu với chính mình rất nhiều trước khi đến đây, đúng không?” Giọng nói dấy lên, chặn ngang cơn lốc trong đầu cô, như lúc người ta bấm nút cho đoạn phim ngừng lại trên màn hình.

Người đàn bà mắt viền đen. Giọng nói trong trẻo nhưng lạnh lùng.

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

Cô “Yeah” thật nhỏ nhưng cái microphone vẫn khuếch đại giọng nói cô, thành nụ âm thanh nở bung trong căn phòng có hệ thống khuếch âm hoàn hảo.

Thắm Nguyễn

“Cô còn nhớ…” Giọng nói của biện lý lanh lảnh. Những câu hỏi ném ra dồn dập. Âm thanh vỗ vào nhau như lũ bong bóng xà phòng thuở nhỏ cô vẫn thổi, lấp lánh muôn sắc màu, bay lượn bồng bềnh, chạm vào nhau, nhập chung thành một quả bóng lớn hơn hoặc vỡ thành những chùm ánh sáng đủ màu sắc trước khi biến đi. Những câu hỏi dồn dập thả ra như những bong bóng xà phòng thời thơ ấu và cô là đứa trẻ chập chững quờ tay chụp bắt, những câu hỏi nghe đã quen, đã cũ từ cả năm trời nay, những câu mà cảnh sát đã hỏi, những câu mà trước khi bước lên cái bục này, biện lý đã đặt cho cô, và đã lắng nghe, đã nhắc nhở, đã uốn nắn câu trả lời thật kỹ cho cô. Mục đích để tên sát nhân kia phải bị trừng trị đích đáng. Xã hội này chỉ còn hai chỗ cho tên sát nhân tàn bạo, phi nhân tính kia: cái ghế điện hoặc phòng biệt giam với án tù chung thân.

Trước những câu hỏi đầy tính chất buộc tội của biện lý, cô trả lời như cái máy. Cái máy đã được lập trình sẵn. Chỉ bấm đúng nút, câu trả lời tuôn ra. Câu chuyện máu me. Tội ác kinh hoàng. Cái cưa và những mảnh thịt người giấu trong tủ đá dưới căn hầm âm u mà cả năm cô chưa hề bước chân xuống.

Và cha nói với con gái là mẹ bỏ nhà ra đi. Mẹ bỏ hai cha con lại, để theo tình yêu mới. Và cô đã thù ghét người đàn bà sinh ra cô biết chừng nào.

Cô đưa tay xoa cái trán rướm mồ hôi.

“Ðó là những câu tôi muốn hỏi, cảm ơn cô và một lần nữa chúc mừng sinh nhật cô.”

Bà biện lý nói và trở về chỗ loay hoay ngồi xuống.

Tới phiên luật sư biện hộ cho bị can đặt câu hỏi với cô.

“Tôi lặp lại câu nói của biện lý ban nãy là cô đã phấn đấu nội tâm rất nhiều trước khi nhận lời ra làm chứng trước tòa trong phiên xử chống lại thân chủ tôi, đúng không?”

Cô lại nhỏ giọng Dạ và khẽ gật đầu.

“Và cô biết thân chủ tôi là người không xa lạ gì với cô, đúng không?”

“Ðúng.”

“Cô có thể cho tòa biết thân chủ tôi – người đàn ông này,” ông luật sư quay lại chỉ ngón tay vào bị can. “… là gì của cô?”

Cô tròn mắt ngạc nhiên, nhưng cũng trả lời, “Cha tôi.”

Ông luật sư nhướng chân mày, ra vẻ ngạc nhiên, “Cha cô?”

Cô biết vẻ ngạc nhiên trên mặt và trong âm hưởng giọng nói của ông luật sư là giả tạo, là đóng kịch trước mặt 12 người trong bồi thẩm đoàn và đám phóng viên báo chí đang chen chúc nhau trong phòng xử. Vẻ ngạc nhiên có chủ ý nhằm mồi chài, thuyết phục những người bồi thẩm mặt lạnh đang chăm chú lắng nghe.

Nhưng cô vẫn ngoan ngoãn gật đầu, “Vâng, cha tôi.”

Ông luật sư gật gù, “Và cô cũng biết thân chủ tôi bị truy tố vì tội gì, phải không?”

“Tôi biết.”

“Cô có thể nói cho tòa biết thân chủ tôi bị truy tố vì tội gì không?”

Xem thêm:   Vượt biên đường bộ

Vẫn nét ngây ngô trên mặt và âm hưởng gọi mời trong giọng nói, cô nói nhanh, “Sát nhân cấp một.”

Và trong đầu cô loáng thoáng hình ảnh những cái bọc bó chặt bằng  keo công nghiệp, mà những người thám tử điều tra moi ra từ ngăn tủ đá, xếp cạnh nhau trên nền nhà lạnh băng.

“Sát nhân cấp một?” ông luật sư lặp lại câu nói của cô, hơi nhấn mạnh ở cuối câu để tô lên cái nét ngạc nhiên. Cô ngước mắt nhìn ông ta. Những sợi tóc bạc hai bên thái dương và cặp mắt kính gọng đen khiến ông ta có cái vẻ đạo mạo của một ông thầy giáo đang giảng bài trong lớp học.

Cô nói nhỏ, “Vâng, sát nhân cấp một.”

Ðang chậm rãi bước tới bước lui trong khoảng trống giữa phòng xử, ông luật sư đột nhiên đứng sựng lại, nhìn thẳng vào mắt cô, “Và cô cũng biết nếu bồi thẩm đoàn…” ông xoay người chỉ về phía 12 cái đầu người lố nhố ở hai hàng ghế sát vách tường bên phải phòng xử, rồi quay lại nhìn cô. “… nếu bồi thẩm đoàn kết luận thân chủ tôi có tội, ông ấy có thể bị án tử hình, cô biết điều đó chứ?”

“Vâng, tôi biết.”

“Tôi hỏi lại nhé, cô biết thân chủ tôi là cha ruột của cô, điều đó không ai còn phải thắc mắc gì nữa, đúng không?”

“Ðúng vậy.”

“Và cô yêu thương cha cô, đúng không nào?”

“Vâng tôi yêu cha tôi.” Giọng cô mềm xuống.

“Vậy tại sao cô lại ra tòa làm chứng cáo buộc cha cô?”

“Vì tôi cũng yêu mẹ tôi.” Cô nói, đưa tay lau nước mắt và bật lên tiếng sụt sùi.

Ông luật sư vẫn đứng chôn chân giữa khoảng trống nhỏ hẹp trong phòng xử. Trong cái khoảng trống ấy, ông là sinh vật duy nhất chuyển động, giữa những hình người bất động như những pho tượng.

Ông nhìn sâu vào mắt cô.

“Giữa cha cô và mẹ cô, cô yêu thương ai nhiều hơn?” Ông luật sư hỏi và vênh mặt lên chờ.

“Tôi phản đối,” bà biện lý đứng bật dậy ngắt lời.

Ông chánh án trên cao hất hàm, “Lý do?”

“Chuyện ấy không liên quan gì đến vụ án này, thưa ông chánh án.” Bà biện lý nhanh miệng giải thích.

Ông luật sư gật gù, “Tôi rút lại câu hỏi ấy. Xin cảm ơn, tôi chỉ có bấy nhiêu câu hỏi thôi.”

Rồi ông ta trở về chỗ, ngồi xuống bên cạnh tên sát nhân.

Ông chánh án xoay đầu nhìn cô gái, “Cảm ơn cô, cô có thể ra về được rồi.”

Hai mắt mở lớn, vẻ xớn xác hiện lên nét mặt, cô gái lắp bắp, “Tôi có thể nói cái này được không ạ?”

Ông chánh án suy nghĩ vài giây và khẽ gật đầu, “Ðược.”

Cô gái mở tấm giấy xếp làm tư mà từ lúc bước lên bục nhân chứng đến giờ, cô vẫn nắm chặt trong lòng bàn tay. Cô trải tờ giấy ra trước mặt. Nhìn chăm chú vào mảnh giấy, cau mày, rồi lật tờ giấy ra mặt sau, lại cau mày và lật ngược trở lại.

“Tôi muốn nói…” cô lắp bắp. “Tôi muốn thưa…”

Tất cả những con mắt trong phòng xử đều hướng về bục nhân chứng. Những ngón tay cô run rẩy. Cô nói không ra câu, “Tôi viết trong tờ giấy… tôi quên ở nhà… vội quá, tôi quên… Tôi xin lỗi…”

“Cô có nhớ cô muốn nói điều gì không?”

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Cô gật đầu vội vã như thể chậm một giây cô sẽ đánh mất cơ hội được phát biểu trước tòa trong phiên xử kết tội tên sát nhân máu lạnh kia.

“Cô có thể nói cho tòa nghe được không?”

Cô lại vội vã gật đầu, “Vâng, vâng… Tôi chỉ muốn xin tòa cho tôi một cơ hội. Give me one more chance….”

“Thêm một cơ hội?” Ông chánh án nhướng mắt ngạc nhiên hỏi. Bởi chỉ bị can mới cần van xin để có thêm cơ hội làm lại cuộc đời. Cô gái này là nhân chứng, cô chẳng bị truy tố vì bất kỳ điều gì trước tòa này. Cô đâu cần xin ai cơ hội để làm lại từ đầu. Chắc cô lo buồn quá mức rồi đâm ra quẫn trí chăng.

Nhưng cô gái đã cuống quýt gật đầu, “Vâng, một cơ hội…”

“Thì cô nói đi.”

Cô gái hít một hơi dài, tiếng thở của cô lọt vào hệ thống khuếch âm, phì phò vang vọng bốn vách tường.

“Xin tòa đừng kết án tử hình với bị can,” cô nói.

“Cô có thể cho tòa biết tại sao không?” ông chánh án nói.

“Bây giờ tôi không muốn gặp ông ấy, tôi còn không muốn nhìn mặt ông ấy, tôi không muốn nhắc đến ông ấy bởi ông ấy giết mẹ tôi, tôi không tha thứ cho ông ấy…”

Cô ngưng nói, đưa tay áo quẹt nước mắt. Cô thư ký tòa lách người qua đưa hộp giấy chùi tay cho cô. Cô đón lấy, rút một miếng, chùi nước mắt.

“Nhưng sau này, biết đâu tôi đổi ý muốn gặp cha tôi… Tôi muốn tha thứ cho cha tôi, tôi muốn đến gặp cha tôi, nhưng nếu tòa kết án tử hình cha tôi thì tôi sẽ chẳng bao giờ gặp cha tôi được nữa.”

Cô bật khóc. Và cô chợt nhận ra cả một câu nói dài như thế, cô không lần nào dùng hai chữ “bị can” mà lại thay bằng hai chữ có âm hưởng ngọt ngào “cha tôi.”

Những con mắt vẫn đổ về phía cô hàng chục, hàng trăm tia nhìn có muôn vàn ý nghĩa. Trong số những con mắt ấy, có hai con mắt đỏ sọng, nhập nhòe nước mắt và lấp lánh lòng biết ơn.

“Xin tòa cho tôi một cơ hội… Chỉ một lần này thôi.” Giọng nói cô lắng xuống, nghe như tiếng thì thào của một con người trong cơn hấp hối. “Lỡ sau này tôi đổi ý, muốn gặp cha tôi…”

“Cô còn muốn xin thêm điều gì nữa không?” Ông chánh án hỏi, thoáng chút nôn nóng trong giọng nói.

Cô nhìn ông chánh án rồi quay xuống nhìn vào mắt tên tội phạm. Hai con mắt đỏ sọng nhìn lại cô. Cô chớp mắt. Những giọt nước ứa ra khóe mi, lăn dài hai má. Những buổi chiều vàng vọt ký ức trôi bập bềnh trong không gian. Tiếng đứa con gái nhỏ réo gọi rộn ràng, Daddy, Daddy! Và giọng đàn ông trầm ấm, Angela, đừng lại gần bụi hoa dại có gai!

“Cô còn muốn xin thêm điều gì nữa không?” Giọng ông chánh án kéo cô ra khỏi vũng sương mù ký ức.

Cô nói nhỏ, “Cha tôi vẫn bảo là tôi đổi ý như chong chóng. Tôi cũng biết tôi hay đổi ý, bây giờ tôi thù ghét cha tôi nhưng mai này thế nào tôi cũng đổi ý, thế nào tôi cũng muốn gặp cha tôi. Xin cho tôi một cơ hội. Một lần thôi…”

HC