Chúng ta đọc có ít chăng? Là câu hỏi làm băn khoăn bao thế hệ nhà văn Việt. Tủ Sách Trẻ https://tusachtre.com/ khai trương được hai tháng, là dịp đọc lại tạp bút của Võ Phiến.

[Trần Vũ]

1

Nhìn lướt qua sinh hoạt văn nghệ thời kỳ 1954-1975, thấy một hiện tượng ngộ nghĩnh: Số tác giả sau 54 ở miền Nam vượt cao hơn hồi tiền chiến toàn quốc rất xa, thế mà độc giả thì không thấy tăng.

Trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến (1), Nguyễn Vỹ có nói về chuyện in sách: các nhà văn tự in lấy tác phẩm của mình và tự phát hành lấy. Ông bảo: “Một số đại lý sẵn sàng gởi bưu phiếu về tác giả, để mua một số sách trừ tiền hoa hồng khá cao, thường thường là 25 phần trăm hoặc 30 phần trăm. Họ có thể mua từ 100 quyển đến 500 quyển hoặc 1000 quyển tùy theo quyển sách mà họ biết trước sẽ bán được nhiều hay ít, và tùy theo địa điểm của họ”. Tôi ngạc nhiên. Ðại lý có thể mua hàng nghìn cuốn sách một lần? Theo Nguyễn Vỹ, có “một số đại lý sẵn sàng” làm như thế, “một số” là bao nhiêu? Thực ra trên toàn cõi Việt Nam chỉ cần được hai đại lý như thế đã đủ làm nên sự lạ, bởi vì riêng hai nhà họ tiêu thụ tất cả số ấn hành trung bình mỗi tác phẩm ở miền Nam sau 1954.

Thật vậy, trong khoảng 54-75 số sách tiêu thụ không lên xuống mấy, đại khái từ nghìn rưỡi đến ba nghìn cuốn mỗi lần in. Ba nghìn là chuyện hiếm hoi, ít khi xảy ra; nghìn rưỡi, vài nghìn là thông lệ. Phải vận dụng mọi cách phát hành mới tiêu thụ nổi chừng ấy sách, làm gì có chuyện hai đại lý gởi bưu phiếu mua hết veo ngay! Nguyễn Vỹ nhớ lầm chăng? Nếu “một số đại lý” mua được mỗi nhà một nghìn cuốn thì tổng số sách bán được e lên đến hàng vạn cuốn mỗi lần ấn hành. Lẽ nào rực rỡ quá vậy?

Cứ theo số lượng ấn hành ghi ở phần nhiều các sách tiền chiến thì đại khái cũng không khác thời kỳ 54-75 ở miền Nam, tức hai nghìn cuốn mỗi kỳ. Như thế đã đáng suy nghĩ rồi.

Mặc dù quần chúng độc giả tiền chiến của Nguyễn Vỹ là quần chúng toàn quốc, còn độc giả miền Nam sau 54 là quần chúng nửa nước, nhưng dân số có gia tăng lớn và cuộc di cư 1954 đã đưa thêm người vào Nam cho nên sự chênh lệch không bao nhiêu. Trước 1945 trên toàn cõi Việt Nam và sau 54 ở miền Nam đại khái dân số cũng xấp xỉ vài chục triệu. Tuy nhiên trong cái số đông của tiền chiến đại đa số là thất học, hạng thoát nạn mù chữ đã ít, kẻ có trình độ trung học rất hiếm hoi (cả xứ Trung kỳ chỉ có bốn trường trung học công lập ở Vinh, Huế và Quy Nhơn!), nói gì đến tầng lớp đại học. Sau 1954 ở miền Nam trường học mở đầy dẫy, trong giai đoạn sau của chế độ sinh viên các phân khoa nhân văn từ Huế vào đến An Giang có đến hàng trăm nghìn: thế mà số người đọc sách không tăng thêm, ít ra là không tăng một cách rõ rệt, đáng kể. Lạ chứ.

Nhớ có lần nói chuyện với một nhà sách kỳ cựu ở Sài Gòn, đã hành nghề dưới nhiều chế độ, theo dõi tâm lý của độc giả trải qua nhiều thời kỳ – tức ông Khai Trí – có nghe ông đưa ra một nhận xét: Quả là sau này người ta ít mua sách hơn thời tiền chiến. Một trong các lý do là cuộc sống bất định của thời buổi chiến tranh. Ngày trước mỗi khi có cuốn sách mới của văn sĩ nổi danh vừa phát hành thường thường độc giả mua ngay, dù có thì giờ để đọc hay không cũng mua. Mua cất vào tủ sách gia đình cho đủ, để đọc dần. Sau 1945 nhiều biến cố liên tiếp xảy ra khiến thiên hạ rời nhà rời quê chạy tán loạn, nay lánh cư chỗ này mai lánh nạn nơi khác, tủ sách gia đình hao hụt dần, mười phần mất bảy còn ba, rồi mất hai còn một! Khắp Nam kỳ Lục tỉnh sau 45, nhất là sau 68, chẳng còn mấy ai giữ được tủ sách gia đình nữa. Ðã không có tủ sách thì sách chỉ mua khi nào cần đọc mà thôi. Nghĩa là ít đi nhiều lắm.

Về các tai họa xảy đến cho sách vở trong thời loạn, có thể nghe qua một vài câu chuyện do ông Vương Hồng Sển kể:

“Một bữa trưa, tháng 2 năm 1946, để tránh nạn “dân Thổ dậy”, tôi và gia quyến đưa nhau đến gõ cửa xin tá túc dưới mái ngói một giáo đường mà cụ cố già trên tám mươi tuổi được đôi bên Miên Việt kính vì và đồng lòng chừa khu vực giáo đường không đốt phá. Trưa bữa ấy, tôi ngồi dưới gác chuông, chiếc nón trên vai, mặt ngó ra sông, xảy thấy một Miên già gánh hai giỏ tre lớn đựng đầy sách vở chữ Hán, từ xa đi lại. Giỏ đi ngang mắt tôi, may thời tôi đọc được hai chữ “…Thi Tập” trên một quyển sách ghép thành bộ có bìa bọc gấm đỏ và gồm có bốn chữ mà tôi đã dốt hết hai! Tôi chạy theo cố nài mua cho được bộ sách ấy. Sau biết lại là bộ “Vĩ dã thi tập của Tuy Lý Vương” (2)

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

“Ðến năm đảo chánh 1945-1946, khi chạy vô làng Hòa Tú một đêm trăng bị binh Tây bố, bắn đạn hỏa châu đỏ trời, chúng tôi sợ quá bỏ nhà chạy vào rừng, cách mươi hôm sau trở về thì tủ sách bị lục phá tơi bời, nhiều sách in trên giấy mỏng, nhứt là loại xuất bản trên giấy bản xứ vào thời chiến tranh Nhựt, đã bị các nông dân cứu quốc trong xóm dùng làm giấy hút thuốc thay cho lá chưn bầu, lá dừa nước non” (3)

Ngoài lý do an ninh, sách còn bị khổ vì lý do chính trị. Sau 1945 ở vùng cộng sản mà chứa sách Pháp hay sách “trong thành”, ở trong thành mà chứa sách ngoài khu; sau 1954 ở vùng cộng sản mà chứa sách quốc gia, ở vùng quốc gia mà chứa sách cộng sản, đều có thể gặp rắc rối. Sách đôi khi thành ra một món nguy hiểm, không tiện chứa chấp, tích trữ.

Lại vẫn nhà chơi sách Vương Hồng Sển góp thêm với chúng ta một mẩu chuyện nữa: “Một ông cưng sách như trứng mỏng, cắp nắp ôm đồm từ những quyển sách học trường lớn bên Pháp đến những tập hai ba xu Việt văn, khi Việt Minh bùng dậy, phá làng đốt xóm, tủ sách ông ra tro. Từ ấy, tóc ông càng bạc thêm, ông chuyên về tu hành, nghiên cứu Phật giáo, những ai dở chuyện sách ra nói, mí mắt ông ướt hồi nào không hay” (4)

Sách mà gần đây không bán được nhiều, cái ấy lại còn có một lý do khác tưởng cũng quan trọng. Sau 1960 tình hình miền Nam mỗi ngày mỗi khẩn trương, thanh niên bị động viên. Muốn được hoãn dịch để tiếp tục học vấn, họ phải lên lớp không ngừng, phải thi đậu liên tiếp. Vì vậy ai nấy lo chúi đầu vào sách giáo khoa, học trối chết, không mấy ai dám “phí’ thì giờ vào các trò nghệ thuật văn chương.

Cùng trong khoảng thời gian ấy sách ở miền Bắc nêu lên số lượng ấn hành cao hơn ở miền Nam: thường thường mỗi nhan đề in đến hàng vạn cuốn.

Những con số ghi trên sách miền Bắc đúng được tới chừng nào? Liệu có nên liên tưởng đến những con số xác “địch” trên chiến trường, số phi cơ “địch” bị bắn rơi v.v. trong các bản thông cáo chiến sự của Hà Nội trước đây chăng? Ở Tây phương người ta vẫn không mấy khi dám tin vào con số thống kê từ các xứ cộng sản. Dù sao, trước khi có chứng liệu rõ ràng hãy cứ cho rằng sách ở miền Bắc phát hành nhiều hơn ở miền Nam.

Có chênh lệch chăng, sự chênh lệch Nam Bắc không do sở thích đọc sách của quần chúng mà là do cách phổ biến sách, do chính sách phổ biến văn hóa mỗi nơi một khác. Ở Nam, viết và đọc sách báo là chuyện tự do của công dân; sách báo lắm khi gây khá nhiều khó khăn cho chính quyền, cho chế độ, vì vậy chính quyền có vẻ không mấy sốt sắng phổ biến, cứ mặc cho nó… tự do. Ở Bắc, sách báo là phương tiện tuyên truyền chủ nghĩa, quảng cáo chế độ, xưng tụng chính quyền, mê hoặc dân chúng; dân càng đọc nhiều càng thấm nhuần công đức nhà nước, càng ngoan ngoãn, càng “hồ hởi”, vì thế nhà nước lúc nào cũng hăng say phổ biến sách báo. Sách nào in nhiều sách nào in ít, sách nào phổ biến rộng sách nào phổ biến hẹp, chuyện ấy không do đòi hỏi của độc giả mà do sự cân nhắc “lợi hại” của nhà nước. Thơ “Bác” với thơ Tố Hữu số in cao hơn thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Hồ Dzếnh là tất nhiên. Cuốn Chữ Nôm của Ðào Duy Anh in 5,200 bản, cuốn Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần in 6,400 bản, cuốn Thơ văn Nguyễn Công Trứ của Trường Chinh in 10,000 bản, mà cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục in 20,500 bản, lẽ nào vì quần chúng ham đọc bí lục hơn xem thơ Nguyễn Công Trứ hay tìm hiểu Chữ Nôm! Ở Bắc nhà nước tha hồ đưa sách xuống tận xã thôn: hễ công văn đi tới đâu thì sách báo đi tới đó. Trái lại trong Nam sách báo chỉ xuống đến tỉnh lỵ là cùng đường. Họa hoằn mới gặp một đôi quận lỵ có tiệm sách bày bán dăm ba thứ kiếm hiệp nhảm nhí. Thiện chí của các tổ chức phát hành tư nhân biểu lộ đến chừng ấy là quá mức rồi: xuống quá tỉnh lỵ nhu cầu không có mấy, lợi lộc chẳng bao nhiêu, mà tình hình an ninh có lúc không tốt đẹp, bảo họ phiêu lưu làm chi? Chính quyền không thiết, tư nhân không ham, chuyện đưa sách báo đến dân quê gặp bế tắc. Trước tình trạng ấy trong các phiên họp Hội Ðồng Văn Hóa Giáo Dục (nhiệm kỳ 70-74) chúng tôi nhiều lần đề nghị thành lập tủ sách xã thôn, bằng cách khuyến khích các xã dành một khoản trong ngân sách hàng năm để mua sách báo cho dân chúng địa phương mượn đọc. Nhưng tình hình đất nước lúc bấy giờ đã quá rối ren, chính quyền bận đối phó với nhiều vấn đề khẩn bách nên chuyện văn hóa bị bỏ qua.

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Ấy miền Nam với miền Bắc sự tình khác nhau như thế, cho nên khó có sự so sánh đứng đắn.

Chúng ta đã đem số lượng độc giả miền Nam thời 54-75 đối chiếu với thời tiền chiến, rồi đối chiếu với miền Bắc. Ðối chiếu tình hình thời chiến tranh với thời thanh bình, đối chiếu tình hình dưới chế độ tự do với chế độ độc tài, không phải để rút ra những kết luận dễ dãi. Chẳng qua chỉ thấy nếu không có sự can thiệp của chính quyền, đồng bào ta đọc chưa lấy gì làm nhiều.

Nếu lại đem so sánh với số lượng ở các nước ngoài, vẫn thấy có sự thua sút đáng buồn. Chẳng hạn ở những nước phương Tây như Anh, Pháp v.v. ở nhiều nước Ðông phương như Ðại Hàn, Ðài Loan, Nhật Bản v.v. tỷ số độc giả so với dân số cao hơn ở ta rõ rệt. Ở ta một tờ nhật báo có uy tín như tờ Chính Luận phát hành mỗi ngày không quá 20 nghìn số, trong khi Ðại Hàn (dân số chừng 30 triệu trước 1975), các tờ Chosun Ilbo và Dong-A Ilbo mỗi ngày in ngót một triệu số. Tạp chí và sách ở Ðại Hàn, Ðài Loan đều được ấn hành nhiều hơn ở ta, vượt ta rất xa. Ở đó có tự do, ở đó người ta đọc là vì thích đọc, không có chuyện nhà cầm quyền dúi sách báo vào tay dân chúng để giáo dục lòng yêu đảng, yêu chủ nghĩa v.v.

Dĩ nhiên Việt Nam là nước văn hiến, nhưng cái văn hiến ấy nó phát huy có phần éo le: kẻ viết càng ngày càng đông mà người đọc cứ thưa thớt mãi, thế có khổ không?

2

Nghĩ ngợi loanh quanh về cái tính ít đọc của đồng bào ta, tôi đoán chừng nguyên nhân của nó không phải chỉ ở gần đây, như chuyện ngoại thuộc với chế độ ngu dân, như tình hình chiến tranh v.v. Có lẽ có những lý do xa hơn.

Chẳng hạn sự xuất hiện muộn màng của văn tự dân tộc. Không hiểu sao mãi tới khi tiếp xúc với Tây Phương chúng ta không chịu đặt ra một thứ văn tự riêng, ta xài tạm chữ Hán, chế biến qua quýt, vừa xài vừa coi rẻ thứ chữ chế biến ấy. Cái gì mà muốn viết được đọc được tiếng ta lại phải biết qua chữ nước người mới xong. Mà chữ Hán đâu phải dễ học! Thành thử trong suốt quá trình lịch sử dài dằng dặc tối đại đa số đồng bào chẳng hề đọc cái gì bao giờ. Những gì họ biết là biết qua tai nghe. Chuyện đọc chữ là chuyện của một số người hiếm hoi trong xã hội. Riết rồi thành thói quen. Ðến khi ta có chữ, có sách, ta vẫn chưa kịp tập được thói quen xem sách. Làng trên xóm dưới, khắp khóm phường khu phố, đâu là một gia đình có sắm tủ sách? Cái kỷ niệm về sách vở đậm đà nhất trong một đời người, cho đến khi đã luống tuổi, đối với một số đông vẫn là mấy bài quen thuộc trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư.

Không viết không đọc được bằng ngôn ngữ dân tộc, quần chúng khó lòng thưởng thức văn chương xứ người, khó lòng vui buồn với thơ phú Trung Hoa, quần chúng chỉ sống với nền văn chương truyền khẩu. Cho nên văn chương truyền khẩu đóng một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử văn học nước ta. Nó rất phong phú, nó lại có sức sống mạnh: lệ thường khi văn học ký tải xuất hiện thì văn học truyền khẩu tàn lụi, nhưng ở ta nó không chịu tàn lụi, nó cứ sống, tiếp tục sống, sinh sôi phát triển cho đến những thời gần đây nhất, cho đến tận ngày nay; nó cứ tồn tại hoài, song song với nền văn học ký tải hiện đại. Ngay bây giờ, bất cứ ở nơi nào trên đất nước Việt Nam, từ Bắc chí Nam, người ta đều có thể nhặt được, những câu chuyện, những câu hát câu ca châm chọc nhà cầm quyền liên quan đến những thời sự mới toanh.

Văn chương truyền khẩu sở trường về vận văn. Có vần có điệu mới dễ nhớ, dễ truyền. Phải chăng vì vậy mà có cái địa vị ưu tiên đặc biệt cho thi ca trong nền văn học quốc âm của ta xưa nay? Mặc dù phát triển trong vòng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa hàng ngàn năm, văn học ta vẫn giữ những nét đặc thù căn bản khác biệt với văn học Trung Hoa; cái đặc thù ấy liên hệ đến thi ca: truyện Tàu không hề bắt nguồn từ thơ, trong khi truyện và thơ của ta cứ dính liền nhau cho đến tận đầu thế kỷ này! Trên thế giới có được mấy nơi mà văn loại tiểu thuyết cứ bám chặt lấy thi ca không chịu rời ra như thế? Thật vậy tác phẩm nổi tiếng nhất của dân tộc, Truyện Kiều, là một truyện bằng thơ, ra đời giữa bao nhiêu truyện thơ khác; thế rồi mãi cho tới gần đây, khi chúng ta đã có những tiểu thuyết gia du học từ Âu Châu về, khi trên lãnh vực tiểu thuyết trong nước đã có những xôn xao bàn luận về trường phái lãng mạn, tả chân, về xu hướng tâm lý, xã hội v.v. tức những món rất hiện đại của Tây phương, thì trong dân gian người ta vẫn cứ còn “nói” vè Thông Tằm, “nói” thơ Sáu Trọng, thơ Thầy Thông Chánh, thơ Cậu Hai Miên v.v. như thời Trung cổ. “Nói” và nghe vẫn còn thích hợp hơn là viết và đọc.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Ngâm nga mãi, chúng ta có hẳn cái khiếu về thi ca. Thơ bàng bạc khắp cuộc sống: buồn làm thơ, vui cũng làm thơ, sinh đẻ có thơ mừng, chết chóc có thơ khóc, thưởng cảnh đẹp có thơ, gặp hoạn nạn cũng có thơ… và mọi người ai nấy đều như làm thơ được cả. Cả dân tộc như thở ra thơ. Gần đây báo chí nói đến một người Gia-Nã-Ðại đi nghiên cứu về thái độ chết của con người khắp nơi đến Việt Nam bỗng ngạc nhiên về một tử tội ê a hát xướng gì đó trong đêm trước buổi thọ hình: hỏi ra thì người ấy ngâm thơ. Ðã lấy gì làm quái dị? Ðêm trước hãy còn xa cái chết chán; trong lịch sử có nhiều người Việt Nam ra đến pháp trường hãy còn ngâm thơ. Người Việt Nam ngâm thơ vào cái lúc thiên hạ đọc kinh cầu nguyện Thượng Ðế. Khắp Âu Mỹ, nhật trình mỗi ngày tuôn ra từng đống chẳng hề có bài thơ nào, trên nhật trình Tàu, Nhật ở Á Ðông cũng không thấy thơ, nhưng ở ta thì có: có một mảnh giấy in ra là có thơ trên đó rồi. Bởi thơ được trau luyện như thế, cho nên ở ta nó vượt bỏ tản văn rất xa. Cùng một thời với nhau mà thơ Kiều đã đạt tới tuyệt đỉnh tinh vi, mà văn xuôi trong các lá thư của vua Gia Long, vua Quang Trung còn thô sơ biết chừng nào. Thậm chí, đến thời Trương Vĩnh Ký, thời Ðông Dương Tạp Chí tản văn Việt Nam vẫn hãy còn xa cái trình độ có thể dùng được vào một công trình nghệ thuật.

Tóm lại, vì nhiều nguyên nhân, người Việt Nam tuy có yêu văn chương, có khiếu thi ca nhưng ít đọc sách, mà thời buổi chinh chiến lại càng thêm trở ngại cho việc phổ biến, lưu trữ sách báo, vì vậy số lượng độc giả ở miền Nam sau 54 không gia tăng mấy. Sự kiện ấy có lẽ cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học, không chừng đến giá trị của một số tác phẩm bấy giờ cũng nên! Nếu đồng bào ta cũng đọc nhiều như người Nhật, người Anh chẳng hạn, nếu mỗi tác phẩm đem lại cho người viết món tác quyền lớn hơn thì những tác giả đã thành danh như Bình Nguyên Lộc, Thụy Vũ v.v. đâu đến nỗi phải chạy đôn chạy đáo kiếm đôi ba công việc, phải dành cái phần thì giờ “ngon lành” nhất trong ngày cho việc làm báo mưu sinh, phải viết văn bằng tay trái? Có nhiều thì giờ hơn dành cho nghệ thuật, chắc chắn họ viết kỹ hơn, và có nhiều hy vọng hay hơn.

Nghe một tác giả nào đó đổ tội viết kém hay cho độc giả lười đọc, ai nấy tha hồ cười cợt mỉa mai. Mặc kệ, tôi vẫn cứ ngờ rằng giá mỗi ngày có thể ngồi nhẩn nha viết tới viết lui, chữa đi chữa lại đôi ba trang sách thì kết quả vẫn có cơ tốt hơn là phải còng lưng viết ào ào mười cái phơi-dơ-tông để kiếm sống.

VP

(1) Khai Trí xuất bản, Sàigòn, năm 1970, trang 508 (2, 3, 4) Vương Hồng Sển, Thú chơi sách, Tự Do xuất bản, Sàigòn 1961, trang 53, 54, 92 và 112.

(*) Trần Vũ đánh máy theo bản in trên tạp chí Văn học Nghệ thuật số 6, tháng 10-1985 do Võ Phiến làm chủ nhiệm và Lê Tất Điều làm chủ bút, Nguyễn Mộng Giác làm thư ký tòa soạn.