Vũ Quỳnh Hương

Kỳ 2

Một buổi chiều Thứ Sáu, rẽ vào downtown để đi chợ Việt Nam, ngang qua rạp xi-nê tồi tàn nằm trong khu phố chính, nơi chốn hẹn hò của những thành phần bất hảo, nàng trông thấy con gái chàng cặp tay một tên Mỹ trạc tuổi nó đi vào rạp. Cả hai chải đầu xù và quần áo có trang bị rất nhiều phụ tùng lạ mắt. Trông con nhỏ không giống con gái Việt nữa mà giống một đứa con gái gốc Phi, Tàu, Nhật hay Ðại Hàn gì đó sinh đẻ tại đây. Nàng tức tốc lái xe đến apartment của chàng, gõ cửa phòng để trông thấy chàng đang gò người trên chiếc máy chữ và một núi tài liệu, bản thảo hỗn độn ở chung quanh. Nàng kêu lên, anh không giao cho ai đánh máy thay được sao? Chàng cười nụ rất hiền. Anh viết thì chỉ có anh đánh lại được thôi, anh lại không có thói quen viết ngay trên máy, bởi vậy suốt đời cứ là nhà văn không tác phẩm hoài em thấy không? Chàng vui mừng thấy rõ vì sự có mặt bất ngờ của nàng. Nhưng nàng thì không cười được, hoặc cố để không cười theo. Nàng không muốn bị lạc ra khỏi cái lý do cao cả mà nàng đã mang theo khi đến gõ cửa chàng, nhưng nàng thấy mình hết sức khó khăn khi phải tìm lời nói năng về cái cảnh nàng vừa trông thấy. Vai chàng như trĩu xuống. Chàng nói, cám ơn em.

Chín giờ sáng hôm sau, Thứ Bảy, cái giờ lịch sự tối thiểu mà người Mỹ có thể gọi cho nhau trong hai ngày cuối tuần, chàng gọi nàng. Chàng nói chàng không ngủ được suốt đêm qua. Chàng nói chàng quên rằng sức mình có hạn mà mải mê những chuyện trên trời dưới biển quên mất chuyện trong nhà. Từ lâu rồi chàng không dám nghĩ chàng cần một người chia sẻ với chàng nỗi nhọc nhằn nhưng bây giờ thì chàng biết con gái chàng cần. Nó cần một người đủ tế nhị để lắng nghe những điều một cô con gái không nói với cha. Nó cần một người đủ mẫn cảm để yêu thương nó bằng tình thương của một người mẹ. Em có biết, người đó, nó phải gọi như thế nào không?

Nàng lúng túng ngang. Nàng mất bình tĩnh rõ ràng. Nàng ước gì nàng đang bận áo dài để được vân vê tà áo. Nàng ước gì có một bóng cây để nàng nép mình dưới hoa. Nàng lóng cóng với cái ống nghe trong tay. Nàng nói xin lỗi anh có người bạn đợi em ngoài xe, rồi nàng cúp máy. Sau đó, định thần lại, nàng tự giễu cợt mình, tự đánh giá rằng thật suốt đời nàng chưa hề nói chuyện với ai bằng một cách điệu vô duyên đến như thế.

Nàng tránh hẳn chàng nhiều tuần lễ sau đó.

van-toc-trung-binh4

Mỗi cuối tuần, sau giờ dạy tiếng Việt cho lũ trẻ, nàng lấy cớ về thẳng để tránh bóng chàng đâu đó bận rộn ngoài hành lang. Hai người trông thấy nhau bằng con mắt liếc tràn đầy mặc cảm tội lỗi. Lúc nhìn những đôi mắt trong sáng ngước lên theo nàng trong lớp học, những mái đầu xinh xắn, những mẫu tự Việt Nam bập bẹ ghép tròn từ những đôi môi ngây thơ, nàng không tránh khỏi ao ước con gái chàng nhỏ bé và dễ yêu như thế để nàng có thể dạy dỗ nó lại từ mẫu tự đầu tiên, để cầm tay mà kể cho nó nghe về những câu chuyện cổ tích Việt Nam đã làm nên hoa nên bướm cho tuổi thơ ấu của nàng, để tả cho nó nghe về cảm giác hết sức dịu dàng phủ lên thân thể và lên tâm hồn khi khoác vào người tấm áo lụa đầu tiên. Thật ra nàng biết con gái chàng chưa hư hỏng đến độ không thể cứu vãn. Dù chính nàng cũng không hiểu thế nào là một sự hư hỏng không thể cứu vãn nơi người con gái, định theo giá trị và lăng kính xã hội ở đây. Nó cũng không phải là không dễ thương. Chỉ có điều là nó chưa kịp thương nàng thì đã nhận ra rất sớm, có thể trước cả bố nó, rằng nàng là một mối đe dọa nào đó cho cái tình phụ tử tràn trề mà nó đang được hưởng nên đổi thái độ khiêu khích rõ ràng. Thêm vào đó, nàng cũng chỉ vừa đủ lớn để nó phải gọi bằng chị nên lời lẽ nó dành cho nàng nghe hết sức chua. Nó cũng là con gái với đầy đủ đặc tính vị kỷ nhất của trái tim người nữ. Giá nó là con trai thì mọi sự có lẽ đã dễ chịu hơn. Nàng nghĩ, rồi lại tự giễu cợt mình.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Nàng hoàn toàn không mong muốn một sự dễ chịu hơn để có thể thong dong bước vào đời chàng. Nàng không tin rằng mình đủ khả năng để làm dì ghẻ, làm mẹ kế, làm step-mother của một cô gái hai mươi tuổi, có điều cái tình trạng đang dài giữa cả ba người làm nàng khó chịu. Nàng thấy giống như mình đang sa vào một lỗi lầm nào đó biết trước nhưng không thể tránh khỏi, không thể thoát ra, cũng không thể sửa chữa. Còn chàng thì thất sắc rõ ràng. Chàng đau khổ vì bị dằn vặt dữ dội.

Cuối cùng chàng kể cho nàng nghe về mẹ của con gái chàng. Bà ta đang sống ở Việt Nam với một người khác. Chỉ vài tháng sau ngày bị cộng sản gọi tập trung cải tạo, trên đường chuyển trại ra Bắc, chàng đã trốn thoát được và trở về Sài-Gòn giữa lúc thành phố còn đầy đủ cái dáng vẻ hỗn loạn và phung phá đến cực độ của một cơ chế vừa sụp đổ. Nhà cửa, xe cộ… nói chung gia sản khiêm tốn của chàng vẫn còn nguyên nhưng bà ta đón chàng trở về bằng một sự bối rối kỳ lạ. Thoạt đầu, chàng tưởng bà ta sợ hãi vì sự đe dọa của chế độ mới ngày một bao trùm cuộc sống, vì sự trốn trại trở về của chàng có thể đưa tới những hậu quả không lường hết được cho chính chàng và cho cả gia đình. Nhưng chàng không phải thắc mắc lâu trước khi được chính bà ta thú thật rằng có một gã đàn ông khác đã thay thế chỗ chàng trong thời gian chàng ra đi. Bà ta xin chàng hãy tha lỗi vì chàng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ yêu bà ta, xin chàng hãy ra đi vì chàng không thể ở lại, xin chàng hãy quên tất cả vì một tương lai tốt đẹp đang chờ đợi chàng ở chân trời khác, và nếu có thể, xin chàng hãy để con gái ở lại vì tuy bà không ra gì nhưng vẫn là mẹ nó và con gái thì cần mẹ hơn là cần cha. Lúc này, con gái chàng vừa hơn mười tuổi nhưng đã đủ khôn ngoan để bày tỏ thái độ thù nghịch với người tình mới của mẹ nó. Không nói thêm một lời nào, vài tuần lễ sau, chàng đem con ra đi.

Ðó là lý do khiến gần mười năm sau, chàng khổ sở nhìn thấy cô con gái ngày một bước ra khỏi cuộc sống và tình yêu thương của chàng, cùng một lúc đứng về phía đối nghịch với nàng, tình yêu muộn màng cuối đời của anh, chàng gọi nàng như thế. Vắn tắt về cuộc đời không có chi đáng kể của chàng chỉ có vậy. Bây giờ, quyền quyết định là ở em.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Phải ngồi nghe chàng kể câu chuyện ấy đã là một sự khó nhọc đối với nàng. Ðược mời gọi bước qua một cánh cửa trăm năm đã đầy dấu chân bôi xóa như thế lại còn là một sự nhọc nhằn hơn. Nàng nói thôi anh cho em về. Con đường khuya trở về chàng lái xe vòng qua những dãy phố hẹp nhà cửa hàng quán san sát hai bên đường đẫm đầy hình ảnh những dãy phố Việt Nam hiu hắt đèn vàng. Chàng mở hé cửa xe, bảo nàng cố chịu lạnh một chút để ngửi lấy một mùi hương cây giống như mùi ngọc lan trong vườn khuya một ngôi nhà nào đó. Nàng thèm muốn được dựa đầu vào vai chàng mà khóc, khóc thật lớn như nàng vẫn dựa đầu vào vai mẹ mà khóc những năm trước, khóc cho đến lúc nước mắt đã ngừng rơi mà nàng vẫn nghe được tiếng nấc nghẹn đưa lên từ cổ họng, đưa lên từ một miền thinh lặng nào đó trong trái tim mình. Nhưng nàng đã không khóc, không hề khóc một chút nào. Ðêm hôm đó trở về, nghĩ đến chàng nàng lại giễu cợt, ôi ôi một mối tình muộn màng sau mười năm tắt lửa lòng… Rồi nàng giễu cợt mình, cứ đùa thiên hạ sao con-trai-mê-đàn-bà, con-gái-mê-đàn-ông rồi mình cũng rơi luôn vào đó thì thật nhảm, nhảm, nhảm hết sức.

van-toc-trung-binh3

Nhưng, nàng yêu chàng thật sao?

Nàng tiếp tục tự hỏi.

Một ngày, nàng có việc phải đến văn phòng bà Becker. Chuyện trò sao đó câu chuyện lại đưa đến chàng. Becker đã ở Sài Gòn làm việc cho tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ từ khi quân đội Mỹ đổ vào Việt Nam cho đến khi ký Hiệp định Paris. Rồi, một người với tư cách là bạn đồng minh bên cạnh chàng từ rất nhiều năm trước, còn một người với tư cách là bạn đang sát cánh với chàng trong cuộc chiến đấu bây giờ, cả hai đã nói chuyện về đời tư của chàng rất lâu bằng một mối quan tâm đặc biệt nữ tính. Thật ra thì chỉ có Becker nói thao thao những điều bà ta biết về dĩ vãng của chàng, những điều chàng đã không kể cho nàng nghe, còn nàng thì hướng dẫn Becker bằng những câu hỏi ngây thơ để bà ta nói hết về những điều bà ta biết mà không mảy may nghi ngờ về mối quan hệ giữa nàng với chàng. Theo đó thì chàng gặp người đàn bà sau này được gọi là vợ chàng từ thuở chàng chưa tới hai mươi, khi ở Sài Gòn trọ học, người đàn bà này lớn hơn chàng rất nhiều tuổi. Cậu học trò trẻ tuổi dại dột xa nhà đã lọt vào con mắt xanh của bà chị và mọi chuyện đã xảy ra sao sau đó cho đến khi bà ta tuyên bố là có con với chàng thì chàng biết là mình… có con. Chàng nhận trách nhiệm làm bố. Chàng nhận trách nhiệm đối với một cuộc đời mà chàng chưa hiểu rõ (hay thực ra chàng cũng không đủ bản lãnh để trốn chạy?). Sau đó, chàng đã đủ khôn ngoan để hiểu thêm về cuộc đời, cũng có khá nhiều mối tình văn nghệ rất đẹp đến với chàng nhưng chàng lúc nào cũng vẫn là người đã có vợ cái con cột và những mối tình văn nghệ lúc nào cũng là những mối tình văn nghệ với đầy đủ vẻ đẹp hoặc phù phiếm, hoặc lãng mạn, lý tưởng và tràn đầy hối tiếc của chúng. Becker kết luận: “He was raped by a woman, I can say that”. Nàng ra khỏi văn phòng Becker, mang theo trong đầu âm vang câu nói ngộ nghĩnh khôi hài của bà ta. Mỗi lúc nhớ tới câu nói ấy, nàng lại rũ ra cười. Chàng chắc sẽ giết Becker mất nếu chàng biết bà ta đã nói với nàng một câu như vậy. Nàng tưởng mình tức cười. Cuối cùng nàng thấy miệng mình đắng ngắt.

Xem thêm:   Hang gấu

Từ hôm ấy, mỗi khi nhìn chàng, nàng lại cố tìm kiếm cho được cái bóng dáng còn sót lại đâu đó của một chàng trai chưa đầy hai mươi tuổi, trong trắng, ngây thơ, khờ khạo mà lại quân tử tàu. Trời đất ơi, chàng đã quân tử cho đến nỗi khi bà ta nói bà ta có con thì chàng nhận con, lúc bà ta nói không muốn ở với chàng nữa thì chàng ôm con đi. May mà còn dám ôm con đi chứ không thì cũng đến vượt biển một mình mất… Cuộc đời chàng như vậy là đã đủ bi hài tính rồi còn gì. Thái độ của nàng đối với chàng dường như cũng vì câu chuyện dĩ vãng ly kỳ ấy mà có nhiều thay đổi. Nàng ân cần với chàng hơn, săm soi chàng hơn và giễu cợt chàng hơn, như thể câu chuyện của chàng và nàng là một câu chuyện cười vui hơn sầu đầy, như thể chàng vẫn là một cậu trai tơ chưa tròn hai mươi tuổi. Ðến một lúc chàng phải gắt lên. Anh cần là cần một người vợ chứ đâu cần một mẹ già nữa. Còn nàng thì những lúc chàng làm tuồng như bố nàng, nàng ra dáng bần thần. Anh có con gái rồi, cần gì phải sắm thêm một cô con gái nữa. Cứ như thế, hai người đem tặng cho nhau tất cả những dư vị cay đắng nhất có thể gạn ra được từ đáy lòng mình.

Thật ra, dù sao, chàng cũng vẫn già hơn nàng rất nhiều để tất cả những điều nàng nói, nàng suy nghĩ, tất cả những cách thế, những toan tính của nàng đều trở thành khá cũ đối với chàng. Chàng nói bao giờ anh cũng có một khoảng thời gian để sinh ra, sống, hạnh phúc và đau khổ trước em. Nàng hiểu điều chàng nói theo kiểu một bài hát rất được quần chúng ưa chuộng ngày trước, “Em biết yêu lần đầu mà anh biết yêu lần sau…” Nhưng chàng vẫn tiếp tục lắng nghe nàng một cách đầy bao dung, thú vị và kiên nhẫn, như nàng là cơ hội cuối cùng cuộc đời có thể mang đến cho chàng, để giúp chàng thoát ra khỏi những tai ương mà người đàn bà đầu tiên đã mang tới. Về phần nàng, nàng cũng thường tin rằng chàng may mắn lắm mới gặp nàng vì nàng là một trong những người hiếm hoi còn nuôi dưỡng và theo đuổi một kiểu yêu đương lãng mạn giữa xã hội đã tràn đầy dục lạc này. Mối tình, nếu có thể gọi như thế, kỳ quặc của hai người cứ tiếp diễn lặng lẽ, và nàng tưởng rằng chỉ có chàng là người thứ nhất, nàng là người thứ nhì và có thể con gái chàng là người thứ ba phải bận lòng vì nó mà thôi. Nhưng một hôm nàng nhận được một bức điện tín từ Việt Nam gởi tới. Chỉ cái gốc Việt Nam trên phong bì cũng đủ làm nàng rung tay khi mở. Những mẫu tự được đánh xuyên qua một đại dương đã bị sai lạc khá nhiều, cộng thêm với kiểu ghép chữ sao cho đỡ tốn cước phí làm nàng phải vận dụng hết khả năng suy đoán mới đọc được, nhưng cuối cùng nàng cũng hiểu rõ ràng nội dung bức điện. Mẹ nàng nói: “Con hãy chấm dứt ngay với người đã có gia đình ở Việt Nam. Mẹ của con”. […]

(còn tiếp 2 kỳ)

Trần Vũ đánh máy lại tháng 6-2018 từ bản in trong tuyển tập Trăng Đất Khách, Làng Văn xuất bản 1987. Ảnh tác giả từ trang Gió O.