Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời

Mẹ hiền ru những câu xa vời

À à ơi ! Tiếng ru muôn đời…

Rời quê khi vị thành niên nên tôi không giỏi tiếng Việt. Năm 1984 tôi bắt đầu đọc nguyệt san Làng Văn xuất bản tại Gia Nã Đại. Tôi ưa mục Bút Chì do Nguyễn Hữu Nghĩa với Nguyên Hương và hình như cùng với học giả Tự Tỉnh đã dịch tiểu thuyết võ hiệp Thạch Kiếm đảm trách. Mỗi kỳ Bút Chì giải đáp thắc mắc của bạn đọc về các danh từ hay các ngạn ngữ. Bút Chì giúp tôi hiểu thêm tiếng Việt. Khi ấy còn là ngôn ngữ của trân quý. Ra đường giữa ngã tư mà nghe một âm Việt là mừng rỡ. Khi ấy, người lớn đọc một chữ Việt như uống chén chè mạn quê xa, lũ thiếu niên như ăn múi mít ngọt lịm. Giờ, với khá đông, tiếng Việt chỉ còn là ngôn ngữ quê mùa của một cộng đồng thiểu số, không bảnh bao sang trọng như tiếng Tây tiếng Anh. Nhưng nghĩa chính xác của quê mùa là gì? Quê đây chắc không còn là quê hương nơi chôn nhau nhưng vì sao Mùa, thì tôi chưa hiểu. Hay Quê là nhà quê? Còn Mùa là mốt, là thời trang của dân quê? Nhưng dân quê là dân Việt.

Bỗng dưng tôi khám phá Trung Tâm Ngày Ngày Viết Chữ ở lầu 3, số 319-B13 Lý Thường Kiệt, Phường 15, Quận 11, Sàigòn. Tôi không biết những vị nghiên cứu chữ là ai nhưng ngã sấp vào các giảng giải. Xin phép giới thiệu công lao sưu tập này. Các trang sưu khảo chừng như là công sức của một tập thể vì không thấy tên người soạn.  [Trần Vũ]

Kỳ 1

Em… Yêu dấu

Mình vẫn thường nói, em yêu dấu, “yêu” thì hiểu rồi, nhưng “dấu” nghĩa là gì?

“Dấu” là một từ cổ, sách Ðại Nam Quấc âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của giảng: “dấu” nghĩa là “yêu mến”. Tự điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (năm 1651) cũng giải thích “dấu” là một từ cổ để chỉ sự thương yêu. Ông cho ví dụ: Thuốc dấu là “bùa để làm cho yêu”… Tục ngữ Việt nói “Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu”, còn Hồ Xuân Hương trong bài thơ Cái Quạt Giấy (bài 2) thì viết “Chúa dấu vua yêu một cái này”. Có thể thấy, “dấu” và “yêu” là hai từ có ý nghĩa tương đương, ngày xưa dùng hai từ độc lập, nhưng bây giờ ta có thể thấy từ “yêu” vẫn còn được viết hay nói một mình, chứ từ “dấu” thì không ai dùng một mình nữa. Giờ mà, thay vì “anh yêu em” mà nói “anh dấu em” thì không khéo lại bị hỏi “anh giấu cái gì?”

Chợ búa

Trong từ “chợ búa” thì “búa” có nghĩa là gì?

“Búa” trong “chợ búa” chắc chắn không liên quan đến cái búa để đốn cây rồi. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ý kiến được xem là vững chắc nhất thì cho rằng “búa” là âm xưa của chữ  âm Hán Việt hiện đại của chữ này là “phố”, nghĩa là cửa hàng, là nơi buôn bán. Chợ búa nói chung là nơi người ta tụ tập mua bán. “Búa” trong tiếng Việt hiện đại đã dần mất nghĩa và không dùng độc lập, nhưng nếu nói nó vô nghĩa thì không đúng. Tiếng Việt có rất nhiều từ cổ bị mất nghĩa khi đứng một mình, nhưng chúng không vô nghĩa.

Cần cù

Có câu, “cần cù bù thông minh”, “cần cù” là từ láy hay từ ghép? “Cù” có nghĩa gì không?

“Cần cù” là từ ghép, cả “cần” và “cù” đều có nghĩa. Ðây là từ gốc Hán, viết là . “Cần” là siêng năng chăm chỉ, “cù” là khó nhọc, vất vả. Chữ “cù” này còn xuất hiện trong từ “cù lao”  chỉ công ơn cha mẹ (thường nói Chín chữ cù lao). Truyện Kiều có câu: “Duyên hội ngộ, đức cù lao/ Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn.” Không nên nhầm lẫn từ “cù lao” này với từ “cù lao” chỉ cồn đất/cát nổi lên giữa sông do phù sa bồi lắng.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Bếp núc

Bếp là nơi nấu ăn; núc là “đồ đắp bằng đất thường làm ra ba hòn, có thể bắc nồi nấu ăn” (theo Huỳnh Tịnh Của, Ðại Nam Quấc âm Tự vị), cho nên có thể hiểu “núc” chính là ông Táo.

Thêu thùa… Vải vóc…

Thêu thùa, đây không phải từ láy! “Thêu thùa” là từ ghép tổ hợp (hay ghép đẳng lập), trong đó cả thêu và thùa đều có nghĩa. Thêu là dùng chỉ màu đính lên bề mặt vải làm ra hoa văn; Thùa là kết chỉ thêm, làm cho đẹp thêm. Về cơ bản thì thêu và thùa giống nhau, đều là hành động thêm hoa văn trang trí trên vải vóc cho đẹp. Nhưng thùa đôi khi còn có nghĩa là hành động mạng lại chỗ vải bị rách cho đẹp. Nói chung, cũng giống như “cần cù”, “gậy gộc”, “hỏi han”, “thêu thùa” cũng là từ ghép dù “thùa” nay đã hiếm khi dùng độc lập. Nhân tiện, chữ “vóc” trong “vải vóc” cũng có nghĩa. Và “vải vóc” đương nhiên cũng là từ ghép. Cụ thể: Vải là chỉ bông hoặc đồ dệt bằng chỉ bông; Vóc là một xấp hàng lụa vừa đủ một quần là sáu thước may. Ngày nay thì vải không nhất thiết là dệt bằng chỉ bông mà có thể dệt bằng nhiều chất liệu khác. Còn vóc thì ít khi thấy dùng một mình nữa, người ta thường lầm tưởng “vải vóc” …là từ láy.

Gậy gộc

Người ta nói “gậy gộc”, “gậy” thì hiểu rồi, còn “gộc”?

“Gộc” là từ mà hiện nay đã không còn nghĩa độc lập. Tiếng Hán, “gộc” là chữ này  Sách Ðại Nam Quấc âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của giảng: “gộc” là “cây củi có khúc đẩn mà lớn” (đẩn, đẵn, đốn có thể là do phát âm vùng miền có ý nghĩa là chặt), và cho ví dụ “ông gộc” là người già cả hơn hết hoặc làm lớn hơn hết trong một xứ. Cũng có tài liệu giảng “gộc” là “đoạn gốc của cây tre, cây… vầu” hay có nghĩa là “to lớn”. Theo đó, gậy gộc nghĩa là những cây gậy lớn, thường dùng để đánh nhau.

Hỏi han

Mình hay “hỏi han” nhau, “hỏi” thì rõ nghĩa rồi, vậy “han” có nghĩa không?

Tương tự như “gậy gộc”, “hỏi han” không phải là từ láy mà là từ ghép đẳng lập, trong đó cả “hỏi” và “han” đều có nghĩa. Ðại Nam Quấc âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích: “han” nghĩa là “hỏi tới”, “nói tới”. Theo đó, “hỏi han” nghĩa là hỏi một việc gì đó, hỏi tới hay nói tới một việc nào đó. Nguyễn Du từng dùng “han” như một từ độc lập, không dính đến từ “hỏi”, trong câu: “Trước xe lơi lả han chào/ Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi…” (khi Kiều rơi vào tay Tú Bà và Mã Giám Sinh). “Han chào” chính là chào hỏi.

Xinh xắn

Mình vẫn nghĩ “xinh xắn” là từ láy và cho rằng chữ “xắn” vô nghĩa. Nhưng không, đây là từ ghép đẳng lập, trong đó: xinh là đẹp, cũng có nghĩa là lịch sự. Ðại Nam Quấc âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích “xinh trai” là chàng trai lịch sự. Xắn là sáng, chói, cũng có nghĩa là đẹp. Chữ “xắn” này, vốn là từ sinh đôi (*) của chữ “xán” trong “xán lạn” có nghĩa là rực rỡ, sáng chói (thường… bị viết sai thành “sáng lạng”). Túm gọn lại thì “xinh xắn” là từ ghép và cả hai chữ đều có nghĩa. (Riết rồi tôi không còn tin vào từ láy nữa, tưởng láy hoá ra không phải láy.)

(*) từ sinh đôi hay song lập thể (doublet) là một thuật ngữ của ngôn ngữ học, tạm hiểu là những cặp từ có chung nguồn gốc nhưng phát âm khác nhau.

Sáng láng

Là từ gốc Hán, viết là  trong đó: Sáng âm Hán Việt đọc là “sảng”. Tên nữ diễn viên Trịnh Sảng chính là chữ này. Láng âm Hán Việt đọc là “lãng”.… Cả “sáng” và “láng” (tức “sảng” và “lãng”) đều có nghĩa là sáng, rõ, trong. Một lần nữa, “sáng láng” là từ ghép đẳng lập trong khi vẫn bị nhầm tưởng là từ láy và chữ “láng” thường không dùng một mình do nhiều người không rõ nghĩa.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Mông muội

Từ gốc Hán, viết là  trong đó:

– Mông là tối, bị che lấp. Chỗ mặt trời lặn gọi là đại mông;

– Muội là mờ mờ, tối tăm.…

“Mông muội” không phải là từ láy mà là từ ghép, ban đầu dùng để chỉ giai đoạn đầu xã hội nguyên thuỷ, khi đời sống con người còn nhiều u mê, như «thời kỳ mông muội». Về sau, «mông muội» còn dùng để chỉ sự ngu ngơ, khờ dại, như “đầu óc mông muội”, «con người mông muội».

Đo đạc

Từ Hán Nôm, trong đó:

– Ðo là tiếng Nôm, viết là  đọc là /đo/, nghĩa là dùng thước để so xem dài ngắn rộng hẹp;

– Ðạc là từ gốc Hán, viết là  (một âm khác là “độ”), đọc là /dù/, nghĩa là ước chừng, mưu tính.…

“Ðo đạc” là từ ghép, đều mang nghĩa là đo, ước chừng, tính toán khoảng cách. Hiện tượng ghép từ đồng nghĩa giữa Hán và Nôm thật ra rất phổ biến trong tiếng Việt.

Thu thập

Từ gốc Hán, viết là  đọc là /shoushi/, trong đó: Thu là bắt, như “thu giám” là “bắt giam”; thập là nhặt nhạnh.… “Thu thập” là từ ghép mang nghĩa là góp nhặt, tập hợp, gom góp lại.

To Tát

Khi mình nói về một chuyện gì đó “to tát” thì “tát” có nghĩa là gì? “To tát” không phải là từ láy mà là từ ghép, cả “to” và “tát” đều có nghĩa. Tuy nhiên, “tát” ở đây là một minh chứng cho hiện tượng dùng sai nhiều thì thành đúng trong ngôn ngữ. “Tát” đúng ra phải dùng là “tác”. “Tác” nghĩa là lớn, mình thường gặp qua từ “tuổi tác”. Khi nói “tuổi tác” thì đã mang nghĩa lớn…

Săn sóc

Từ Việt gốc Hán, trong đó:

– Săn là truy đuổi (trong săn thú, săn đuổi). Tiếng Hán viết là  đọc là /chèn/, âm Hán Việt đọc là “sấn”;

– Sóc là chăn nuôi, nuôi dưỡng. Tiếng Hán viết là  đọc là /chù/, âm Hán Việt đọc là “súc” (trong gia súc).…

“Săn sóc” là từ ghép với nguồn gốc là một “thuật ngữ” của nghề chăn nuôi, chỉ việc săn bắt và nuôi dưỡng thú. Sau này, có lẽ người ta không săn bắt thú nữa (chuyển sang mua bán hết rồi) nên cái nghĩa săn bắt bị mờ dần đi, chỉ còn cái nghĩa chăn nuôi, nuôi dưỡng. Thành ra, “săn sóc” trở thành động từ mang nghĩa chăm nom, chăm sóc.

Trằn trọc

Trong một đêm trằn trọc, mình làm từ “trằn trọc”. Vâng, “trằn trọc” là từ ghép, trong đó:

– Trằn là trì xuống, dằn xuống, đau bụng “trằn trằn” là bụng đau mà cứ trì xuống…

– Trọc, vốn là biến âm của “trục”    nghĩa là do dự, nao núng. Chữ «trục» này còn có một âm khác là “trạc”. Hiện tượng biến âm còn có thể thấy qua “cực nhục”  thành “cực nhọc”, “túc”  thành “thóc”. Như vậy, “trằn trọc” là từ ghép có nghĩa là lẩn quẩn không yên, không dứt ra được. Từ này thường dùng nhất là lúc ngủ mà không ngủ được, cứ day dứt chẳng yên trong bụng.

Đầm đìa

Ðầm là vùng nước trũng, thường có cây cỏ mọc um tùm, nơi chim và cá tụ lại đẻ trứng… Ðìa là ao vũng, chỗ nước moi sâu mà nhử hoặc nuôi cá. Thông thường, “đầm” là vũng nước trũng tự nhiên còn “đìa” là vũng nước trũng nhân tạo. Nói chung, “đầm đìa” là danh từ chỉ hai loại hình thuỷ vực. Nhưng mà dân ta mượn “đầm đìa” để dùng trong các trường hợp ướt sũng, sũng nước, kiểu “nước mắt đầm đìa”, “mồ hôi đầm đìa”.

Lố lăng

“Lố lăng” là một từ ghép (không phải láy) nửa Nôm nửa Hán. Trong đó:

– Lố là từ Nôm  nghĩa là quá mức, thái quá;

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

– Lăng là từ gốc Hán  nghĩa là lấn lướt, xâm phạm, là chữ “lăng” trong “xâm lăng”.

“Lố lăng” là từ dùng để chỉ những gì vượt quá lẽ thường, vượt quá chuẩn mực chung của xã hội, như “hành vi lố lăng”, “ăn nói lố lăng”, “ăn mặc lố lăng”.

Sầm uất

Từ gốc Hán, chữ Hán viết là  phiên âm là /cényù/, trong đó:

– Sầm là núi nhỏ mà cao;

– Uất (còn có âm là “úy”) là tên một loại cỏ, gọi cỏ úy, cũng có nghĩa là cây cỏ xanh tốt, rậm rạp, từ đó nảy sinh thêm nghĩa là hưng thịnh.

Từ điển Nguyễn Quốc Hùng giảng “sầm uất” là “cao và rậm rạp, nói về những cánh rừng rậm trên núi” và cũng dùng để “chỉ sự đông đảo, thịnh vượng”. Ngày nay chúng ta đều dùng theo nghĩa chuyển này.

Giỗ quải

Bữa viết về từ “cô hồn”, mình có nhắc từ “giỗ quải”, thì nay mình nói về từ này luôn.

“Giỗ quải” là từ Nôm, trong đó:

– Giỗ là kỵ cơm, cúng cơm cho vong hồn, làm lễ giáp năm, lễ cúng cơm cho người chết mà có nhắc công lao khi còn sống;…

– Quải là cúng cơm cho tổ tiên, dọn bữa ăn mà có nhắc mời ông bà cha mẹ đã khuất.

Nói chung thì “giỗ” có thể nói chung cho việc cúng cơm người đã khuất thân hay không thân, còn «quải» thì khu biệt chỉ việc cúng cơm cho người trong họ tộc gia đình đã mất.

Tìm hiểu nghĩa của những từ như này thú vị lắm các vị. Cũng có một số từ mình không lý giải nổi, thí dụ từ “Tết nhứt (nhất)”. Cho tới bây giờ, mình cũng chưa tìm được duyên cớ nào cho ra từ này mà mình thấy thuyết phục. Chờ cao nhân giải thích.

Hống hách

Từ gốc Hán, viết là  đọc là /hou xià/ trong đó:

– Hống là gào, thét, gầm, rống;

– Hách là doạ nạt.…

“Hống hách” là từ ghép, ban đầu có nghĩa là lớn tiếng nạt nộ, gào thét để thị uy. Sau này dần biến nghĩa trở thành từ dùng chỉ thái độ ra oai để tỏ rõ uy quyền. Kiểu cán bộ mà tỏ thái độ khinh khỉnh, coi thường dân thì bị cho là có thái độ “hống hách” dù cán bộ không có gào thét gì.

Nói “thái độ hống hách” thật ra không đúng lắm, vì “hống hách” là động từ, không phải tính từ, không thể dùng miêu tả thái độ.

Vậy chứ đố mọi người, “hống hách” và “hách dịch” có giống nhau không?

Hách dịch

từ gốc Hán, viết là  đọc là /hèyì/, trong đó:

– hách là to lớn, lẫy lừng;

– dịch là to lớn, long trọng.

“Hách dịch” vốn có nghĩa là vẻ to lớn, chói loá, thậm chí là dữ dằn khiến người khác khiếp sợ. Sau này dùng theo nghĩa làm ra vẻ oai nghiêm, lên mặt với người khác.

Bồ bịch

Tại sao hai người yêu nhau thì gọi là bồ bịch?

– Bồ bịch là một từ ghép, chỉ hai nông cụ. Bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; bịch cũng là dụng cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn, không đáy mà lấy nền nhà làm đáy. Ca dao có câu: “Bởi anh chăm việc canh nông, cho nên mới có bồ trong bịch ngoài.”

– Tiếng Việt trước đây có từ “bầu” (trong bầu bạn), biến âm của từ “bầu” là từ “bồ”, tương tự như đậu xanh – đỗ xanh, thi đậu – thi đỗ… Cho nên thay vì nói “bầu bạn”, cũng có thể nói thành “bồ bạn”. Vì từ bồ (bạn) đồng âm với từ bồ (cái bồ) nên người ta mượn từ “bồ bịch” để chỉ những người thân thiết, yêu nhau. Ðây là hiện tượng mượn âm trong tiếng Việt. Rồi từ đó có thêm các từ chỉ việc có người yêu như “cặp bồ”, “có bồ”. (Ðương nhiên, “bồ” và “bầu” là hai âm tương đương nghĩa, nhưng từ “có bồ” đến “có bầu” lại là câu chuyện khác!).

(còn tiếp)