Tôi yêu đất nước tôi

Nằm phơi phới bên bờ Biển Xanh

Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình

Nhìn trùng dương hát câu no lành…

Đất nước tôi

Dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn

Đất Miền Tây chở sức người vươn

Đất ơi!

Đất nước tôi

Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng

Lúa miền Nam chờ gió mùa lên! Lúa ơi!

Tôi yêu những sông trường

Biết ái tình ở dòng sông Hương;

Sống no đầy là nhờ Cửu Long;

Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong…

Trung tâm Ngày Ngày Viết Chữ tìm hiểu ý nghĩa và gốc gác của 10 địa danh quê hương với nhiều kỳ thú.

[Trần Vũ]

Kỳ 5

Mỹ Tho

Ðịa danh gốc Khmer, Mỹ Tho là phiên âm của “mi so” trong cụm “srock mé sa mi so”, nghĩa là “xứ có người con gái nước da trắng.” (theo Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, “Khảo Về Tiếng Ta”, 1943)

Bến Tre

Dân gian thường nói… vui, Bến Tre là xứ dừa sao không gọi Bến Dừa mà gọi là Bến Tre. Thật ra, “Tre” trong Bến Tre không phải là cây tre mà có nghĩa là “cá”.

Ban đầu, người Khmer gọi Bến Tre là Srok Trey (đọc là Sóc Tre). Trong đó:

– Srok nghĩa là xóm, làng (trong Sóc Trăng, Sóc Bom Bo).

– Trey (cũng phiên âm thành Treay) nghĩa là cá.

Srok Trey có nghĩa là Xóm/Làng Cá. Một số tài liệu giải thích rằng do vùng này nhiều cá nên có nhiều ghe (*) chài lưới, mà có ghe thì phải có bến, thành thử Sóc Tre dần dần biến thành Bến Tre (xóm cá biến thành bến cá). Nói tóm lại thì “Tre” trong Bến Tre là “cá” nha mọi người.

(*) ghe tức thuyền, cũng là một từ Việt gốc Khmer.

Cà Mau

“Cà Mau” là từ gốc Khmer, phiên âm tiếng Khmer là “Tưk Khmâu”, trong đó:

– “Tưk” là “nước”;

– “Khmâu” là “đen”

“Tưk Khmâu” nghĩa là “nước đen”. Từ này khi Việt hoá “Kh” biến thành “Cà”, còn “Mâu” biến thành “Mau”, âm tiết “Tưk” thì bị rụng rơi mất. Sở dĩ nước ở vùng này đen là vì lá mục của các cây như tràm, dừa nước… làm nước tối màu.

Đà Lạt

“Ðà Lạt” là từ gốc Cơ Ho (cũng dùng Cờ Ho, Kơ Ho, K’Ho), trong đó:

– “Ðà” (cũng dùng là Ðạ, Da, Dak) là “nước” hay “sông, suối”;

– “Lạt” (cũng dùng là Lat, Lát, Lạch, M’lates) nghĩa là “rừng thưa”, “đồi cỏ”, rồi chuyển sang tên một nhóm người thuộc dân tộc Cơ Ho sống ở khu rừng thưa này.

“Ðà Lạt” nghĩa là “Dòng suối của người Lạt” hoặc là “nước của người Lạt”. Nghe nói dòng suối này chính là dòng suối Cam Ly (mà ta hay biết tới là thác Cam Ly) hoặc là một phần của Cam Ly.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Cần Thơ

“Cần Thơ” là từ gốc Khmer, phiên âm tiếng Khmer là “Kìn Tho”, cũng còn gọi là “cá lò tho”, nghĩa là “Cá Sặt Rằn”. Sở dĩ có tên gọi này là do ở đây sông rạch có nhiều cá này.

Cũng có thuyết nói “Cần Thơ” là từ “Cầm Thi (giang)” hay “Cần Thơm” nói chệch, là không có cơ sở. Và cũng như “Cần Thơ”, các địa danh có chữ “Cần” như “Cần Ðước”, “Cần Giuộc”, “Cần Giờ” đều là từ gốc Khmer.… Có nhiều loại cá sặt, sặt rằn, sặt bướm, và người dân miền Tây thường gọi chung hết là “cá sặt”. Loại cá này thường nhỏ, mình dẹp, nhiều xương. Hồi nhỏ, mỗi lần đi học về giở gác-măng-giê ra lục cơm ăn, thấy nồi cá sặt kho khô là mình nước mắt ngắn dài vì ăn không ngon gì hết. Sau này lớn lên xa quê, muốn ăn cá sặt kho khô cũng không có mà ăn. Nói vậy chứ món “khô cá sặt” thì hơi bị đắt và được mấy ông nhậu thích lắm đó.

Về chữ “sặt” trong “sặt rằn”, mình nhận thấy là hầu hết các trang mạng, kể cả Wikipedia đều viết là “sặc rằn”, “cá sặc”. Mình không hiểu sao lại có sự nhầm lẫn phổ biến đến dường này. Lẽ nào mọi người nhầm với “sặc” là bị nghẹt hơi thình lình trong lúc ăn uống sao? Ðành rằng dân gian vẫn thường truyền nhau câu đố vui: Tại sao con cá sặt tên là cá sặt? Tại vì nó ham ăn hốc uống nên bị sặc (người Nam Bộ phát âm “sặt” và “sặc” giống nhau). Nhưng đây chỉ là cách nói vui thôi chứ tên cá phải là “sặt”. Ðại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của giảng: “Sặt là loài cá đất bưng (bưng là vùng đất thấp ngập nước, đầy cỏ rác), dẹp mình mà nhỏ”.

Không liên quan nhưng ở Cần Thơ có một quận gọi là quận “Cái Răng”, đố mọi người “Cái Răng” nghĩa là gì?

Cái Răng

Chuyện xưa tích cũ kể, hồi đầu thời khẩn hoang, có con quái thú (mà thường kể là con cá sấu) rất lớn dạt vào đây, răng của nó rất lớn, cắm vào miệng đất này nên đất này gọi là “Cái Răng”. Tuy nhiên, đây là cách giải thích của dân gian về một tên gọi, một cách dùng từ, mà không có cơ sở khoa học ngôn ngữ. Vậy “Cái Răng” thật ra là gì?

“Cái Răng” là từ gốc Khmer, trong đó “Cái” nghĩa là “Rạch”, tức con sông nhỏ. Còn “Răng” là từ chữ “Kran”, nghĩa là “cà ràng”.

Cà ràng là gì? Ðây là một kiểu bếp lò của người Nam Bộ. Trong “Tự vị tiếng nói miền Nam”, học giả Vương Hồng Sển miêu tả: “Cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ở siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi”. Ðây là hình dạng cơ bản chứ cà ràng mỗi vùng tuỳ theo tình hình gió nước mà cà ràng khác nhau chút đỉnh, mục đích là để tránh gió tránh nước. Vương Hồng Sển cũng cho biết, ngày trước, người Khmer “chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông Cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm “karan” biến ra “Cái Răng” rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn”.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Theo thuyết này, “Cái Răng” là từ Kran, tức cà ràng. Nhưng xét ở góc độ ngôn ngữ, K- thường biến thành Cà (Crème >> Cà rem) chứ không biết thành “Cái”. Các nhà ngôn ngữ cho rằng, “Cái” phải có nghĩa là sông rạch. Như “Cái Bè” (Tiền Giang) là rạch có nhiều vựa cau khô, trầu, cây đước,… chở bằng bè sang Campuchia bán, sau dần thành địa danh Cái Bè.

Như vậy, “Cái Răng” nếu xét về lịch sử vùng đất và góc độ ngôn ngữ thì có nghĩa là “Rạch Cà Ràng”.

Không liên quan nhưng hồi trước thầy của mình có kể một tạp chí du lịch tiếng Anh khi nhắc đến Cái Răng đã dịch thành “The Tooth”. Nghiệt ngã quá!

Bà Rịa

Có hai thuyết giải thích ý nghĩa tên Bà Rịa. Một là có một bà tên Rịa có công với vùng này nên được đặt tên cho địa phương. Nhưng thuyết này thiếu tư liệu lịch sử nên không có cơ sở khoa học.

Thuyết thứ hai giải thích “Bà Rịa” là tên phiên âm một vị thần người Chăm là Po Riyak, nghĩa là “Thần sóng biển” (cũng dùng “Thần đại dương”). Thuyết này được cho là có lý hơn vì có cơ sở ngữ âm và văn hoá lịch sử.

Trong văn hoá Chàm, Po Riyak là một vị thần quan trọng, thông minh, đức độ. Có nhiều thuyết kể về vị thần này, mình xin kể đại để ra đây một thuyết để tham khảo:

Truyện cổ của người Chàm có kể về chàng Eh Wa, con một gia đình nông dân nghèo đã rời quê hương qua xứ Ả Rập tìm thầy, học đạo. (Cũng có thuyết nói chàng đến xứ Serambi Makah, tức tiểu vương quốc Kelantan của Mã Lai). Lúc đang học thì nghe tin quê hương bị xâm chiếm (nghe đâu chính là Việt Nam đánh Chàm đó) nên chàng xin thầy về quê mà thầy không cho vì đoán được chàng mà tham gia cuộc chiến thì lành ít rủi nhiều. Nhưng mà chàng không nghe thầy, nhân lúc thầy ngủ lén lấy tấm ván của thầy kết làm bè và lên chiếc bè vượt sóng biển trở về quê hương. Thức dậy thấy mất tấm ván, ông thầy đoán ra mọi chuyện, thầy giận quá nguyền rủa đứa học trò không nghe lời: “đi đường bộ sẽ bị rắn cắn, hổ vồ; đi đường biển sẽ bị sóng dập, cá ăn”.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Và lời nguyền của thầy linh thật. Khi Eh Wa gần tới đất liền, bỗng sóng nổi lên đánh vỡ tan chiếc bè, còn chàng Eh Wa thì bị cá mập nuốt sống. Tuy bị chết, nhưng hương hồn Eh Wa nhập vào cá voi (dân gian kêu cá ông) để cứu vớt những ngư dân gặp nạn đắm thuyền. Do bị chết vì sóng nên dân gian truyền tụng và tôn thờ Eh Wa là Po Riyak nghĩa là thần sóng.

Thầy lợi hại quá chàng chưa chết vì chiến tranh đã chết vì bị thầy rủa… Cơ mà nói vậy thì Bà Rịa không phải là Bà nào cả mà là đàn ông mọi người ạ.

Tri Tôn

Là một huyện miền núi có diện tích lớn nhất và dân cư thưa thớt nhất tỉnh An Giang, thị trấn Tri Tôn cách Long Xuyên 52 km về phía tây, cách Hà Tiên 83 km về phía đông, và cách Châu Ðốc 44 km về phía tây nam.

Mọi người nghe hai tiếng “Tri Tôn” thấy có sang không? Giống như “hiểu biết tôn trọng” vậy. Cơ mà nghĩa gốc của nó thì bình dân lắm, giống như đại đa số địa danh của Nam Bộ nói chung.
“Tri Tôn” là gốc Khmer, phiên âm tiếng Khmer là “Sva Téanh” hay “Sva Tôn” mà thường đọc là Xà Tón, nghĩa là “khỉ níu kéo”. Tương truyền xưa kia vùng này hoang dã, khỉ thường quấy rối, trêu chọc khách qua đường.
Sở dĩ Xà Tón bị nói chệch thành Tri Tôn là do hiện tượng “mượn âm” của tiếng Việt. Thường thì, những từ ngữ trong ngôn ngữ khác khi được người Việt sử dụng mà có âm na ná tiếng Việt thì nó sẽ được gán cho cái “vỏ ngữ âm” của tiếng Việt. Ví dụ: Huyện “Kế Sách” (Sóc Trăng) vốn chẳng có nghĩa là mưu mô hay dự tính kế hoạch chính sách gì hết. “Kế Sách” là tiếng Khmer, phiên âm là “Ksach” nghĩa là “cát”. Hay kiểu như khe suối “Bò Ðái” ở Nam Ðàn (Nghệ An). Vốn dĩ nó tên là “Bó Ðảy”, là từ gốc Tày Nùng, nghĩa là “nguồn nước có cây nứa tép”, người Việt đã mượn âm để biến nó thành Bò Ðái.
Nói chung, “Tri Tôn” là một hiện tượng mượn âm, chứ không phải từ tiếng Việt hay âm Hán Việt gì cả.

(còn tiếp)