Một yêu câu hát truyện Kiều…

Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta

Và yêu cô gái bên nhà

Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên

Khi yêu “cô gái bên nhà”, có lẽ thanh niên trong ảnh minh họa đã kinh ngạc nhận ra thiếu nữ “trắng ngần” ấy… nói một ngôn ngữ mà từ vựng gốc Hán chiếm 70%. Nhưng đã thành tiếng của cha mà dân Trung Hoa không còn hiểu được nữa và tất cả chúng ta cùng yêu thương ngôn ngữ ấy. Cảm ơn những giảng giải của trung tâm Ngày Ngày Viết Chữ. [Trần Vũ]

Kỳ 4

Ngang tàng

Gốc Hán, chữ Hán viết là  phiên âm là /ángcáng/, trong đó:

– Ngang là giơ cao, ngẩng lên, như ngang thủ là ngẩng đầu;

– Tàng là chứa giữ, trữ, giấu, nghĩa rộng là giữ trong lòng, hoài bão.…

“Ngang tàng” vốn là từ để chỉ người có chí khí cao, lòng mang hoài bão. “Trường Ca Hành” của Lý Tất (nhà Ðường) viết “ngang tàng nhất trượng phu” nghĩa là người đàn ông chí khí dọc ngang trong đất trời. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thì viết: “Năm năm trời bể ngang tàng, Ðem mình đi bỏ chiến trường như không”. “Trời bể ngang tàng” là để nói về người anh hùng áo vải Từ Hải. Ngày nay “ngang tàng” được hiểu là tính bất chấp không sợ ai.

Thân thích

Gốc Hán, viết là  trong đó: Thân là gần, họ hàng gần, thường dùng chỉ họ bên nội; Thích là bà con khác họ, thường dùng chỉ họ bên ngoại.… Người ta vẫn nói “nội thân ngoại thích” dùng để chỉ họ hàng hai bên nội ngoại. Ngày nay, chữ “thân” thì còn dùng nhiều, khi nói “người thân”, người ta cũng không phân biệt bên nội hay bên ngoại. Nhưng chữ “thích” này ít khi dùng riêng biệt nữa.

Mọi rợ

Thường thì chúng ta đều hiểu “mọi rợ” nghĩa là dùng để chỉ những người còn hoang dã, mông muội, kém văn minh. Như Ðại Nam Quấc âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì giảng “mọi” là “người rừng không biết lễ phép”, ở đây, phải hiểu “lễ phép” là lễ và phép (tức pháp), là những thói ứng xử lễ nghĩa, chứ không nên hiểu cạn “không biết lễ phép” là hỗn hào hay không ngoan ngoãn.

Vậy còn “rợ”?…

“Rợ” là chữ Nôm, viết là  với ý nghĩa tương tự như “mọi”, dùng để chỉ giống người hoang dã, không được ánh sáng văn minh chiếu rọi, cũng là tiếng gọi miệt thị những dân tộc bị khinh khi. Trong Sử ký Tư Mã Thiên, bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Hiến Lê có dùng “rợ Hung Nô” (“Mối lo lớn nhất của nhà Hán là rợ Hung Nô”) để chỉ cách gọi của người Hán với người Hung Nô.

Ngày nay, chữ “rợ” gần như đã mờ nghĩa và ít khi dùng một mình mà hay đi kèm với “mọi” thành tổ hợp “mọi rợ”. Không liên quan nhưng có bạn nào gặp trường hợp bạn mình, đồng nghiệp mình hoặc sếp mình cấm nói “mọi người” vì lý lẽ: “thế ai là mọi, ai là người không?”

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Tuyệt cú mèo

Tại sao nói “tuyệt cú mèo”, cái gì đó tuyệt vời thì liên quan gì đến con cú mèo?

– “Tuyệt cú mèo” nghĩa là “tuyệt vời, rất tuyệt, đạt đến mức coi như lý tưởng, không còn chê chỗ nào được nữa” (theo Từ điển Từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009).

– Nguồn gốc của quán ngữ này là danh ngữ “tuyệt cú”  của tiếng Hán. Theo đó, “tuyệt cú” (còn gọi là tiệt cú, đoản cú), vốn là tên một thể thơ mà mỗi bài có bốn câu.

– Từ này dùng trong dân gian, thay vì tên một thể thơ thì thường hiểu sai thành “câu (thơ) hay”, rồi hiểu rộng ra là “hay”, là “tuyệt”. Và khi nó đã được mặc nhiên hiểu như thế này rồi thì người ta lại đánh đồng chữ “cú” nghĩa là “câu” với “cú” trong tên một loài chim là “cú mèo”. Thế là ta có ba tiếng “tuyệt cú mèo”. Ðây là một hiện tượng thường gặp trong tiếng Việt, người ta thường mượn một từ đồng âm để thêm thắt từ ngữ, kiểu “lý do (gio/tro) lý trấu”, “văn nghệ văn gừng”.

Bùng binh

Ðôi khi, mọi người hay dùng từ “bùng binh” để chỉ nơi giao lộ, vòng xoay hay còn gọi là vòng xuyến. Nguồn gốc của từ “bùng binh” này là gì? “Bùng binh” vốn không phải là giao lộ. Ðây là phương ngữ Nam bộ, vốn dùng để chỉ một địa hình sông nước. Cụ thể, “bùng binh” là chỗ phình rộng giữa sông rạch, đôi khi có cù lao ở giữa, ghe thuyền có thể quay đầu (“bùng” nghĩa là “nở ra”,… “nới ra”).

Ðầu thế kỷ 20, từ “bùng binh” mới được dùng để chỉ nơi giao lộ trong thành phố. Hiện nay, Sàigòn vẫn còn một con đường mang tên Rạch Bùng Binh ở quận 3. Mới nghe qua thấy bùng binh và con rạch chẳng có gì liên quan, nhưng vào thời xa xưa ấy, chúng rất liên quan. (Theo Từ điển Địa danh Sàigòn, Lê Trung Hoa, 2003.)

Ảnh hưởng

Mọi người hay nói việc này ảnh hưởng đến việc kia, người này ảnh hưởng đến người kia, vậy “ảnh hưởng” về mặt nguồn gốc là gì? Ảnh hưởng là từ gốc Hán. Tiếng Hán giản thể viết là  Trong đó:

– Ảnh là cái bóng của vật;…

– Hưởng là âm vang của tiếng.

Ảnh hưởng là từ dùng để chỉ kết quả tất yếu và khách quan, về sau còn được dùng như động từ, chỉ sự tác động của cái này đến cái khác.

Trắng ngần

Ta hay nói nước da trắng ngần, trắng thì hiểu rồi, vậy “ngần” là gì?

“Ngần” là một loại cá mình nhỏ chừng bằng đầu đũa ăn, toàn thân cá màu trắng sữa, mềm, vị ngon, có thể chiên giòn, chiên bột, nấu canh, tất thảy đều ngon.

“Trắng ngần” là trắng như con cá ngần. Thường có câu “trong như giá, trắng như ngần” là vậy. Truyện Kiều của Nguyễn Du viết:

Xem thêm:   Trên lưng trời

Buồng riêng riêng những sụt sùi/ Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân/

“Tiếc thay trong giá trắng ngần,

Ðến phong trần, cũng phong trần như ai!”

Tẻ vui cũng một kiếp người/ Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru/ Kiếp xưa đã vụng đường tu…

Mình từng nói khá là nhiều lần rồi nhỉ, hầu hết mọi ví dụ về nét đẹp tính giàu của tiếng Việt đều có thể tìm thấy trong Truyện Kiều. Hôm nay, mọi người đọc Truyện Kiều chưa?

Hàn huyên

Gốc Hán, viết là  Hàn là lạnh; Huyên là ấm. Xưa con cái trước khi ngủ phải hỏi thăm cha mẹ có lạnh không, sáng hôm sau thức dậy phải hỏi cha mẹ đêm qua ngủ có đủ ấm không. Do đó sau này “hàn huyên” được dùng để chỉ việc hỏi thăm, tâm tình cùng nhau.…

Giải quyết

Gốc Hán, viết là  Giải là cởi các nút thắt; Quyết là khơi chỗ nước đọng. “Giải quyết” là cởi bỏ những nút thắt và khơi thông những chỗ đọng nước làm cản trở bước đi. Do đó “giải quyết” được dùng để chỉ hành động “xử lý” những điều còn vướng mắc, tồn đọng.

Khang trang

Gốc Hán, viết là  trong đó:

– Khang là chỗ ngã năm;

– Trang là chỗ ngã sáu.

“Khang trang” ban đầu dùng để chỉ đường sá to lớn rộng rãi, sau đó mở rộng thêm nghĩa nhà cửa, công trình kiến trúc bề thế đẹp đẽ.

Ngầu

Từ gốc Quảng Ðông, viết là  nghĩa gốc là “trâu” hoặc “bò”.

Có bạn hỏi mình, khi xem một số chương trình Trung Hoa, thấy khen ai đó giỏi thì thường dùng chữ , khi dịch là “ngầu”, cũng có khi để hẳn là “trâu”, kiểu “cậu ta rất trâu”. Theo mình thì nên dịch là “ngầu”. Chữ “ngầu” này vốn là phương ngữ Nam Bộ mà nghĩa gốc là “trâu” hoặc “bò” như đã nói, còn nghĩa phát… sinh của nó là nóng nảy, cộc cằn, dã man, sau này phát sinh thêm nghĩa giỏi, mạnh mẽ, rất “đàn ông”. Chữ “ngầu” như đã nói là từ gốc Quảng Ðông, nghĩa là người Quảng Ðông phát âm chữ 牛 là “ngầu” mà âm Hán Việt đọc là “ngưu”.

Tang thương

Gốc Hán, mà gốc Hán vốn là “thương tang”, viết là  trong đó: Tang là cây dâu; Thương là biển khơi.… “Tang thương” vốn xuất phát từ câu “thương hải biến vi tang điền” tức biển xanh biến thành ruộng dâu, dùng để chỉ sự biến đổi của cuộc sống, cũng dùng để chỉ sự đổi thay của đời người.
Trong tiếng Việt, “tang thương” thường mang ý nghĩa biến đổi xấu đi, kiểu “khung cảnh tang thương”, có lẽ vì bị ảnh hưởng của các từ tang tóc đau thương, nhưng về nguồn gốc “tang thương” hay “thương tang” chẳng qua chỉ để sự thay đổi, không hàm ý xấu tốt, chỉ là có ít nhiều cảm giác mất mát vì những điều xưa cũ không còn. Tiếng Việt còn có một từ Việt hoá “tang thương” là “bể dâu” (đôi khi dùng là “dâu bể”).

Xem thêm:   2 người thợ săn

Đề bạt

Từ gốc Hán, viết là  trong đó:

– Ðề là nâng đỡ, nâng lên, dẫn dắt cho lên trên, kéo cho tiến lên đều gọi là đề;

– Bạt là chọn trong cả bọn lấy riêng ra một người (để nâng lên).

“Ðề bạt” về mặt nguồn gốc mang ý nghĩa đưa người tài giỏi lên để được dùng, nhưng mà ngày nay không phải cứ có tài là được “đề bạt”, đôi khi còn phải …”hiểu chuyện” nữa.

Trác tuyệt

Từ gốc Hán, viết là  đọc là /Zhuójué/, trong đó:

– trác là cao chót vót;

– tuyệt là có một không hai (tuyệt sắc là đẹp không giống ai, hay đẹp lạ).…

«Trác tuyệt» là xuất sắc nhất, vượt hẳn lên, không giống với người thường, như «hạc giữa bầy gà» là một kiểu «trác tuyệt».

Khôi ngô

Từ gốc Hán, viết là  trong đó:

– Khôi là cao lớn;

– Ngô là vạm vỡ. …

Chữ 梧 này có hai âm đọc, một âm là “ngô” (trong “ngô đồng”), một âm là “ngộ” mà lẽ ra, chữ “khôi ngô” này phải đọc là “khôi ngộ”. Mà thôi, bách tính thiên hạ đều dùng “khôi ngô” rồi thì mình cũng đừng nên làm chuyện gì phản xã hội. Lại nói, theo nghĩa gốc thì “khôi ngô” là cao lớn, vạm vỡ chứ không phải mặt mũi đẹp trai sáng láng. Nghĩa là kiểu Người khổng lồ Xanh Hulk thì chính là người khôi ngô đó ạ. Còn các soái ca thư sinh phi giới tính, thậm chí là còn đẹp gái hơn khối đứa con gái (như mình) thì không được gọi là khôi ngô đâu ạ.

Cừ khôi

Gốc Hán, viết là  đọc là /qú kuí/, trong đó: cừ là to lớn; khôi là đầu sỏ, kẻ cầm đầu, cũng có nghĩa là cao lớn.

Mạch lạc

Từ gốc Hán, viết là  đọc là /màiluò/, trong đó:

– mạch là những vật có ngánh thớ mà liền với nhau như mạch nước, mạch núi. Các đường gân trên lá cây gọi là diệp mạch. Trong “mạch lạc” thì mạch chính là “mạch máu”;

– lạc là các (dây) thần kinh và mạch máu ngang trong cơ thể.…

“Mạch lạc” vốn dùng để chỉ các loại mạch máu trong cơ thể người, sau dùng để chỉ những thứ (như văn chương, cách nói chuyện) trôi chảy, có lớp lang suôn sẻ.

Cố chấp

Từ gốc Hán, viết là  đọc là /gùzhí/, trong đó:

– cố là bền, chắc;

– chấp là cầm, giữ.…

«Cố chấp» về nguồn gốc có nghĩa là một kiểu tính cách chắc chắn, không thay đổi. Bản thân «cố chấp» không mang nghĩa tốt hay xấu, ví dụ thủy chung yêu một người là một loại «cố chấp». Tuy nhiên, về sau «cố chấp» thường mang nghĩa tiêu cực, là một kiểu tính cách khăng khăng, giữ nguyên ý kiến không chịu thay đổi kể cả khi mình sai, hoặc là kiểu tính cách hay để bụng những sơ suất của người khác.

(Còn tiếp) 

Trích sưu khảo trong Ngày Ngày Viết Chữ  https://ngayngayvietchu.com