Tôi yêu tiếng nước tôi

Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui

Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…

Tiếp theo kỳ trước, là sưu khảo về các từ Hán-Việt của Trung tâm Ngày Ngày Viết Chữ, dạy Hán văn và nghiên cứu tiếng Việt, ở lầu 3, số 319-B13 Lý Thường Kiệt, Phường 15, Quận 11, Sàigòn. Thay lời phi lộ, ban biên soạn đã viết: “Chúng tôi không dám đi sâu biện giải về nguồn gốc tiếng Việt, rằng thoạt kỳ thủy ngôn ngữ của chúng ta từ đâu ra, vì sao mà hình thành. Chúng tôi chỉ mạo muội bày tỏ rằng, bằng những kinh nghiệm trong quá trình ngày ngày viết chữ, chúng tôi nhận thấy một người có hiểu biết về tiếng Trung sẽ dễ dàng am tường về tiếng Việt hơn hẳn. Tỉ như người biết tiếng Trung sẽ dễ dàng biết “nhân loại”, “nhân ái” và “nguyên nhân” là ba chữ “nhân” khác nhau với ý nghĩa khác nhau vậy. Nếu chỉ biết mỗi chữ quốc ngữ, e rằng đến một lúc nào đó, tất cả chúng ta sẽ có nhiều ngộ nhận về tiếng Việt, không biết rằng có những con chữ diện mạo giống nhau nhưng hàm nghĩa của mỗi chữ hoàn toàn khác nhau. Trong một tương lai xa hơn, chúng tôi kỳ vọng vào việc tiếp cận sát sườn hơn nữa với chữ Nôm – một tử ngữ của tiếng Việt.”

Đồng tình hay không, việc hiểu thêm nghĩa gốc mà cách dùng hôm nay đã biến đổi ít nhiều, là cần thiết. Giúp chúng ta biết thêm ngôn ngữ của người xưa cùng những phát sinh trong đời sống, tuy cũng làm chúng ta băn khoăn thêm về chính tả, như Kiêu Xa hay Kiêu Sa, Cổ Xúy hay Cổ Súy? [Trần Vũ]

Kỳ 2

Tú tài

Từ ghép, chữ Hán viết là , phiên âm là /xiùcái/, trong đó:

– Tú là cây lúa trổ bông, cây cỏ ra hoa, nở hoa thì gọi là tú;

– Tài là năng lực, cũng là cái gì đó vừa xảy ra, mới bắt đầu.…

Tầm nguyên từ điển của Lê Văn Hòe giảng “tú tài là cái tài đang thời nẩy nở như lúa, cỏ đang lúc nẩy hoa”. “Tú tài” là cách gọi người đỗ khoa thi hương (dưới cử nhân), bằng tốt nghiệp trung học cũng gọi là bằng tú tài, vì người đỗ cấp này thường ở lứa tuổi vừa xuân xanh và năng lực cũng dần triển lộ.

Căn cước

Là từ gốc Hán, viết là  trong đó:

– Căn (âm Hán Việt hiện đại là “cân”) là cái gót chân;

– Cước là cái bàn chân (hoặc cẳng chân, nói chung là cái chân).

Khi đi người ta đặt gót chân xuống trước, nên “căn” hàm nghĩa là gốc rễ, lai lịch, khi bước người ta nhấn bàn chân xuống trước, nên cước dùng để chỉ hoạt động, tình trạng đi lại. “Căn cước” vì thế được dùng chỉ quê quán lai lịch, tiểu sử hành tung của một người. Nói thêm cho các bạn dễ hình dung là so với “đi” thì động tác “bước” nhấc chân cao hơn, “đi” và “bước” đều chỉ hành động đưa chân về phía trước nhưng đi thì gót chạm đất trước còn bước thì bàn chân chạm đất trước.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Sa thải

Tại sao đuổi việc lại gọi là “sa thải”? “Sa thải” là một từ gốc Hán, (viết là ). Từ này vốn có nghĩa là “đãi cát” (sa nghĩa là cát), nghĩa bóng là “bỏ cái xấu, giữ cái tốt”. Do cái nghĩa bóng này mà “sa thải” thường dùng trong các trường hợp đuổi việc (Từ điển Ðào Duy Anh, 2005, trang 662).

Lưu manh

«Lưu manh» là gì? Có phải người xấu không? Thật ra, nguồn gốc hai chữ «lưu manh» không phải dùng để chỉ người xấu.

– Lưu  có nghĩa gốc là trôi, chảy, rồi nghĩa phát sinh là rày đây mai đó.…

– Manh  có hai nghĩa, một là “người dân”, xưa dùng để chỉ trăm họ; hai là “dân quê”. Âm xưa của “manh” đọc là “mống” (ví dụ: chết không còn một mống).

– Hai chữ “lưu manh” ghép lại vốn dùng để chỉ người dân không nghề nghiệp, rày đây mai đó, không có công việc làm ăn, rồi dần dần chuyển sang nghĩa là đứa du côn, bất lương. Nói chung, ngày xưa chỉ là “người lưu manh”, trung hoà không tốt không xấu, giờ nghe từ “thằng lưu manh” là thấy không tốt rồi.

Cổ xúy

“Cổ xúy” là gì? “Cổ” nghĩa là cái trống  Xúy (còn có âm khác là xuy) nghĩa là thổi  “Cổ xúy” vốn có nghĩa là “đánh trống thổi sáo”, sau này dùng theo nghĩa là hô hào, vận động, cổ vũ cho một việc gì đó. Hiện nay, “cổ xúy” thường dùng khi phê phán việc hô hào, vận động chuyện gì đó xấu, ví dụ: cổ xúy lối sống hưởng thụ.… Thỉnh thoảng, mình bắt gặp từ “cổ súy”. Ðây là cách viết sai chính tả của từ “cổ xúy”.

Hở hang

Từ ghép, trong đó:

– Hở là không kín, không liền nhau;

– Hang là thông suốt, mà chữ Hán hay chữ Nôm đều ghi nhận là  âm Hán Việt hiện đại là “hanh”, tức thông suốt, là chữ “hanh” trong từ “hanh thông”.…

Cụ thể thì “hang” là một dạng biến thể của “hanh”, ngoài ra còn có một dạng nữa là “hênh” trong “hớ hênh”, nghĩa là hở ra, hớ ra, không kín đáo. Về mối quan hệ của -anh và -ang có thể tìm thấy trong mành – màng, mảnh – mảng, canh/cánh – càng (càng lúc càng…).

Như rất nhiều lần khác, không phải khơi khơi mà ông bà nói một từ, hở hang hay hớ hênh cũng đều có lý do cả. Chỉ vì chúng ta không biết nghĩa của chúng nên mới tưởng lầm chúng là từ láy. Kỳ thực, ở thời xa xưa ấy, chúng không vô nghĩa.

Thằng Tí

Có bao giờ mọi người nghĩ tại sao người xưa hay gọi mấy đứa bé trai là “Tí” không? Nhiều người cho rằng “Tí” là “chuột”, liên tưởng đến hình ảnh mấy đứa con trai nhỏ nhỏ, loắt choắt, linh lợi như chuột chăng?
Thực ra thì, ông bà ta thường không tuỳ tiện mà nói, mà dùng một tiếng, một từ, một ngữ nào đó. Mỗi thứ đem ra dùng âu cũng đều có nguyên nhân cả.… Chẳng nói đâu xa, như cái tên “Tí” này, thực ra là một từ gốc Hán, lại còn là một từ rất phổ biến, tiếng Hán viết là  mà âm Hán Việt hiện đại là “Tử”, nghĩa là đứa con trai.

Xem thêm:   Hang gấu

“Tí” (cũng viết là Tý) là âm Hán Việt xưa của “Tử”, nên “Tí” thường được dùng để gọi mấy đứa bé trai. Mà truy cho xa về trước đó nữa, thì Tí – Tử –  được dùng chung cho cả con trai lẫn con gái. Còn về lý do vì sao sau này Tí – Tử  chỉ dùng cho con trai thì mình chưa rõ lắm, có lẽ là bởi vì chế độ phụ hệ lên ngôi chăng? Ðương nhiên, cũng có trường hợp “Tí” là “Chuột” thật, nhất là khi đứa bé được sinh vào năm Tí, như cái Tí trong “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố) dù là con gái nhưng vẫn theo truyền thống cha Dậu chú Hợi mà gọi tên là Tí.

Tía

Ở miền Tây Nam Bộ, người ta thường gọi cha là “tía”. Từ này, cũng như “cha”, “ba” hay “bố” đều là những từ Việt gốc Hán. Mà cụ thể thì “tía” bắt nguồn từ gốc Triều Châu, viết là  Nghĩa là cha, phụ thân. Lại nói, từ “ba” có thể khá dễ dàng để truy ra gốc Hán của nó thông qua từ  (phát âm là /Bà/). Nhưng “cha” hay “tía” nghe thuần nông như vậy mà có gốc Hán thì cũng bất ngờ thật. Còn “bố”,… từ này vốn là âm xưa của  mà âm Hán Việt hiện đại là “phụ”. Nói tóm lại thì cha ba bố tía gì cũng là từ gốc Hán hết.

 

 

 

 

 

Anh hùng

“Anh hùng” về nguồn gốc có nghĩa là gì?

– “Anh”  là hoa của cây;

– «Hùng»  là con đực của các loài muông thú;

«Anh hùng» vốn là tinh hoa của cây cỏ loài vật, hay là tinh hoa của vạn vật, cho nên dùng để chỉ người xuất chúng.

Do dự

Từ ghép gốc Hán, viết là  phiên âm là /yóuyù/, Thiều Chửu giải thích từ nguyên của hai chữ này như sau:

– do là con do, giống như con khỉ, tính hay ngờ (tức nghi ngờ – NNVC), nghe tiếng người leo ngay lên cây, không thấy người mới lại xuống;

– dự là con dự, một loài thú có tính đa nghi.…

Mặc dù mình không biết con do và con dự trông như thế nào, nhưng các từ điển tiếng Hán cũng thường giải thích đây là hai con thú có tính đa nghi, nên “do dự” thường dùng để chỉ người thiếu quyết đoán, hay đa nghi, hay trù trừ.

Đặc biệt

“Ðặc biệt” là từ gốc Hán, viết là  trong đó:

– “đặc” là con bò (trâu) đực. Các bạn học tiếng Hán sẽ biết chữ “đặc” là bộ ngưu  Trong nghi lễ thời vua Thuấn (một vị vua “điển hình tiêu biểu” của Trung Hoa cổ đại) có một lễ tế chỉ giết một con bò. Nhấn mạnh là CHỈ giết một con bò. Lễ này gọi là lễ Ðặc.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

– “biệt” là riêng biệt, tách ra.

“Ðặc biệt” lúc đầu dùng chỉ những hiện tượng, sự vật đơn nhất, độc đáo nhất, chỉ có một. Về sau từ này được mở rộng ý nghĩa, dùng để nhấn mạnh một hiện tượng, sự vật nào đó.

(Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh).

Thiết tha

Từ gốc Hán (tôi thật sự không thể tin nổi một từ có vẻ thuần Việt như này mà cũng có gốc Hán), viết là  trong đó:

– Thiết là cắt;

– Tha là mài.…

Từ này xuất phát từ bài thơ «Kỳ úc 1» trong Kinh Thi, viết rằng:

“…Như thiết như tha

Như trác như ma.

Sắt hề! Hạn hề!

Hách hề! Hoán hề!

Hữu phỉ quân tử,

Chung bất khả huyên hề!”

Về nguồn gốc, “thiết tha” trong bài này vốn dùng để ca ngợi Vệ Vũ Công (vị vua thứ 11 của nước Vệ – chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Hoa) là người biết trau dồi tài đức nên được nhân dân yêu mến nhớ nhung đến mức trong lòng đau như cắt như mài.

Nhưng khi gia nhập tiếng Việt, từ này lại có nghĩa khác với ở Trung Hoa. “Thiết tha” trong tiếng Việt chỉ sự gắn bó hết lòng, luôn luôn nghĩ đến, quan tâm đến ai đó hay việc gì đó, ngoài ra còn mang nghĩa mong mỏi, mong được đáp ứng, cho nên mới có cách nói “tôi tha thiết mong anh”, hoặc là “tôi chả thiết tha gì nữa”. Nói chung hầu như chẳng còn cắt hay mài gì hết. Ðôi khi “thiết tha” bị đảo thành “tha thiết” và có một biến âm là “da diết”.

Nhuận bút

Tiền “nhuận bút” là tiền trả cho tác giả viết sách viết báo. Từ này có gốc Hán, viết là  trong đó:

– Nhuận là làm ướt, làm thấm;

– Bút là cây bút lông.…

Nhuận bút là làm ướt phần lông bút. Ngày xưa người ta viết bằng bút lông, nếu lâu ngày ngòi bút không được thấm ướt lông sẽ khô, giòn và gãy rụng. Lúc đó nhiều người không biết chữ, có việc cậy nhờ cần đến chữ nghĩa thì người đi xin chữ sẽ trả thù lao cho người viết. Tiền thù lao người ta không nói thẳng là tiền công vì như thế có vẻ khiếm nhã, thiếu tôn trọng, do đó người ta nhã nhặn bảo có chút ít gọi là nhuận bút.

Về sau các nhà xuất bản, tòa soạn trả tiền sách tiền bài báo cho tác giả cũng dùng từ này, dù rằng cả thế kỷ nay người viết đã không dùng bút lông nữa, thậm chí là không dùng bút nữa mà dùng bàn phím. Tuy nhiên, không thể nói tiền “nhuận bàn phím”, vì như thế nghĩa là làm ướt bàn phím, sẽ hỏng đó! Nhưng mà, tiền trả cho ảnh đăng sách đăng báo người ta vẫn dùng tiền “nhuận ảnh”, nghĩa là làm ướt máy ảnh chăng? Ðùa thôi chứ dùng “nhuận ảnh” quen rồi thì cứ dùng. Ngôn ngữ là thứ hễ cứ quen là đúng!!

(còn tiếp)