Hải quân Nhật chia làm hai phái: Phái Hiệp Ước (Faction du Traité) hay còn gọi Phái Dĩ Hòa hoặc Phái Thỏa Hiệp chủ trương phát triển quốc gia trong phạm vi các hòa ước và tôn trọng hiến pháp, các động thái quan trọng phải do chính phủ dân sự quyết định với chuẩn y của Thiên hoàng. Phái Chủ Chiến, còn gọi Phái Viễn Dương (Faction de la Flotte) tin Thiên hoàng bị đám chủ bại thao túng, cần đánh đổ giai cấp kỹ trị hèn mạt vì sứ mạng của Hải quân là mở rộng “Con đường Đế quốc”. 

Lục quân Nhật cũng chia hai: Phái Ôn Hòa “Toseiha”, còn gọi Phái Tự Kềm Chế (Faction du Contrôle), tin cần nghị hòa với Anh-Mỹ vì yếu tố phát triển kinh tế là ưu tiên do Nhật Bản không đủ sức thư hùng với nhiều đế quốc cùng một lúc. Ngược lại Phái Diều Hâu “Kodoha”, còn gọi Phái Vọng Đế Quốc (Faction de la Voie Impériale), chủ trương mở mang biên cương lên Bắc Á và nếu cần, sống mái với các cường quốc phương Tây. Tinh thần võ sĩ đạo xem cái chết nhẹ tựa lông hồng thì vì sao phải sợ hãi?

Trong hai thập niên 20 và 30, hàng loạt ám sát và đảo chánh nhắm vào sinh mạng các thủ tướng cũng như các bộ trưởng dân sự Nhật liên tiếp diễn ra. Ngày 4 tháng 11-1930 Thủ tướng Hamaguchi vì thất bại trong thương thuyết Hội nghị Giải trang Luân Đôn bị bắn trên sân ga Đông Kinh. Ngày 15 tháng 5-1932, 11 khóa sinh sĩ quan đột nhập vào tư thất của Thủ tướng Tsuyoshi Inukai. Ngay khi bước vào, hét lớn: “Không thể cải cách mà không đổ máu!” Vị thủ tướng già 77 tuổi van lơn: “Hãy cho tôi giải thích chính sách quốc gia, các anh sẽ hiểu phối cảnh thế giới.” Các khóa sinh ngắt lời: “Đối thoại vô ích!” rồi rút kiếm chém chết thủ tướng Tsuyoshi. Ngày 26 tháng 2-1936 hàng trăm sĩ quan trẻ của Lục quân tiến hành ám sát hàng loạt các viên chức chính phủ: Bộ trưởng Tài chánh, Tổng Thanh tra Giáo huấn Quân sự, Bộ trưởng Công lý đều bị chặt đầu. Thủ tướng đương nhiệm thoát hiểm vì nhóm phiến quân sát hại nhầm anh rể. Dân chúng Nhật không kết án những động thủ này vì tin chúng được thực thi trên tinh thần Yamato-Damashii  nhằm phục hưng các giá trị của quốc gia cùng linh hồn Nhật. Yamato-Damashii là tâm thức cổ xưa của Nhật Bản.

Những biến cố trên giúp Phái Chủ Chiến dần chiếm lĩnh các vị trí quan trọng trong hệ thống cầm quyền, loại đi Phái Chủ Hòa và giai cấp kỹ trị dân sự. Xã hội Nhật trở nên quân phiệt hóa và chiến tranh chỉ còn là thùng thuốc súng đợi châm lửa.

Ngòi nổ đầu tiên phát cháy dưới chân cầu Marco Polo (Lư Câu Kiều), khi quân Nhật chạm súng với Tự Vệ Thành Bắc Kinh. Ngòi nổ thứ nhì phát hỏa ở Thượng Hải khi một sĩ quan Nhật bị Nghĩa Dõng Đoàn Trung Hoa sát hại. Quân đội Thiên hoàng lập tức đổ bộ lên Thiên Tân, Thanh Đảo, Phúc Châu và Quảng Đông.

Hải quân Thiếu tá Tameichi Hara lĩnh nhiệm vụ chuyển quân đến Thượng Hải. Hồi ký của Hara ghi lại biến động này, trên nền thảm sát Nam Kinh sắp xảy ra.  [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Kỳ 8

Chương VIII

Giai đoạn từ năm 1931 đến 1937, nước Nhựt đã gặp phải hàng loạt xáo trộn trong nội bộ và ngoại bộ đáng lưu ý. Những xáo trộn này lúc bấy giờ được xem có hại hơn là có lợi và đưa đến hậu quả lớn nhứt là cuộc chiến Thái Bình Dương. Trong suốt giai đoạn này tôi đã không đo lường đúng mức có phải những xáo trộn là bước sơ khởi gây ra chiến tranh hay không, bởi vì tôi đang bận tâm với công việc nghiên cứu riêng và nhiệm vụ trên tàu của tôi. Nhưng nhìn lại một dọc biến cố quan trọng của những năm này cho thấy Nhựt Bản đang vội vã đi trên con đường thẳng đến chiến tranh.

Xem thêm:   Hang gấu

Vào ngày 18 tháng 9 năm 1931, quân đội Nhựt đụng độ với quân đội của Thiếu soái Trương Học Lương (Chang Hsueh Liang), là con trưởng của Trương Tác Lâm (Chang Tso-lin),  gần Phụng Thiên (Mukden) phía Nam Mãn Châu. Ngọn lửa chiến tranh lan rộng nhanh chóng trên khắp lãnh thổ xứ này. Lực lượng Nhựt tiêu diệt các lực lượng đối kháng của Trung Hoa và thiết lập một đế chế bù nhìn ở đây, với Hoàng đế Phổ Nghi.

Ngày 15 tháng 5 năm 1932, một nhóm sỹ quan bộ binh và hải quân Nhựt ùa vào văn phòng của Thủ tướng Nhựt Tsuyoshi Inukai và sát hại vị thủ tướng bảo thủ này.

Tháng 3 năm 1933, Nhựt Bản rút khỏi Hội Quốc Liên sau khi tổ chức này lên tiếng tố cáo Nhựt xâm lăng Mãn Châu.

Tháng 12 năm 1934, Nhựt lưu ý Hoa Kỳ và Anh Quốc là Nhựt xem như thỏa hiệp giải trang hải quân không còn giá trị nữa.

Tháng 8 năm 1935, Trung tá Saburo Aizawa, một tay cực hữu cuồng tín, đột nhập văn phòng Ðại tướng Tetsuzan Nagata, Giám đốc Văn Phòng Sự Vụ của Bộ Quốc Phòng, và dùng gươm đâm chết ông này.

Vào ngày 26 tháng 2 năm 1936, các sỹ quan cuồng tín thuộc Ðệ Nhứt Sư đoàn âm mưu đảo chánh. Chia ra là nhiều tốp nhỏ, họ tràn vào nhà một chánh trị gia cao cấp Nhựt và sát hại 4 người. Biến cố này được xem là biến cố nội bộ dữ dội nhứt của Nhựt, nhưng chỉ gây rối loạn quốc gia một thời gian ngắn.

Với cấp bậc Thiếu tá, lần đầu tiên tôi được bổ nhiệm vào chức hạm trưởng của một khu trục hạm vào ngày 1 tháng 11 năm 1934. Hai năm, 1934 và 1935, tôi còn giữ thêm một nhiệm vụ trong một tòa án quân sự hải quân với tư cách dự thẩm, do đó tôi đã thâu thập được một số kiến thức về luật pháp.

Âm mưu đảo chánh năm 1936 gây cho tôi sự xúc động mạnh mẽ. Khu trục hạm của tôi, chiếc Nagatsuki (Nguyệt Thu), được sáp nhập Hạm đội Hỗn hợp, và lúc ấy đang hoạt động quanh phía Nam Kyushu. Thiên hoàng Chiêu Hòa Hiro Hito ra lịnh hạm đội tiến sát vào vịnh Ðông Kinh. Một cuộc đảo chánh đang hình thành và Ngài ra lịnh cho hải quân và lục quân đập tan nhóm người âm mưu, tức các sỹ quan của Ðệ Nhứt Sư đoàn. Thật may, nhóm phản loạn đã đầu hàng trước khi chúng tôi nổ súng. Nhưng tình thế đen tối này đã gây cho tôi sự chán nản. Tôi không thể sống tách rời với tình thế và chuyên tâm vào các công việc nghiên cứu riêng như mong muốn.

Cái gọi là “Nạn Trung Hoa” bắt đầu vào ngày 7 tháng 7 năm 1937, ở cầu Marco Polo, gần Bắc Kinh. Quân đội Nhựt đã dập tắt những rắc rối xảy ra tại các vùng phụ cận của thành phố này, nhưng phong trào bài Nhựt ở Trung Hoa dâng cao dữ dội, gây hỗn loạn tại nhiều nơi khác.

Vào ngày 23 tháng 8 cùng năm, tôi nhận lễ rửa tội theo Thần đạo Shinto trong một buổi lễ ít người tham dự nhứt từ trước đến nay. Trong tháng đó, nhiều nhóm quân vô kỷ luật thuộc lực lượng của Tưởng Giới Thạch bắt đầu tấn công các kiều dân Nhựt ở Thượng Hải. Lực lượng phòng thủ của Nhựt ở thành phố này có khoảng một sư đoàn thủy binh gồm toàn binh sỹ hải quân được huấn luyện cho các cuộc hành quân trên bộ. Sư đoàn Thủy binh Nhựt đã can thiệp và chống trả mạnh mẽ các nhóm quân Trung Hoa quá đông đảo này. Tuy nhiên quân Nhựt dần thất thế, và họ yêu cầu phái một hải đội gồm 4 chiếc khu trục hạm để đưa quân tăng viện từ Nagoya đến Thượng Hải.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Một trong bốn khu trục hạm này là một loại tàu mới nhứt, chiếc Amagiri (Thiên Sương). Và mặc dù lúc ấy tôi được thừa nhận là chuyên viên ngư lôi giỏi nhứt của Nhựt, tôi vẫn được chỉ định làm hạm trưởng của chiếc tàu này. Ðó là một nhiệm vụ gây cho tôi sự thích thú và kinh ngạc to tát.

Amagiri nặng 2,370 tấn, được võ trang tận răng, đã chở 300 binh sỹ Nhựt ngồi chen chúc như cá mòi, cùng với ba khu trục hạm khác âm thầm rời khỏi Nagoya, một thương cảng lớn của Nhựt, vào lúc nửa đêm, vượt 1,000 dặm đường biển với tốc độ 20 hải lý đến Thượng Hải hai ngày sau đó. Chiếc Amagiri có thể lên đến 38 hải lý là 70 cây số giờ nhưng tôi cho hải hành chậm để đến đúng vào lúc khuya.

Nương bóng đêm, chúng tôi lẻn vào cảng Thượng Hải, và tàu của tôi lặng lẽ đến đậu dưới một chân cầu xe lửa ở Woosung. Nhanh nhẹn, binh sỹ từ  trong tàu đổ bộ dưới dạ cầu. Nhưng bất ngờ, hàng loạt đại liên từ phía trên bắn rải xuống chúng tôi. Pha với tiếng súng trường và hàng tràng liên thanh. Sáu khẩu pháo 127 ly của Amagiri đáp trả dữ dội, nhưng chỉ có tánh cách phỏng chừng, vì chẳng thấy bóng dáng địch quân ở đâu. Tối đen như mực. Tôi ra lịnh dùng đạn lửa để gây đám cháy giúp quan sát. Ðịch vẫn bắn rát rạt nhưng cũng may là địch quân, hiển nhiên là du kích hoặc thân binh của quân đội Trung Hoa, đã nhắm không trúng mục tiêu, nên không ai trong chúng tôi bị trúng đạn. Tôi ra lịnh cho tàu lui ra xa khỏi chân cầu khi thấy binh sỹ của chúng tôi đổ bộ hết lên bờ, và đang bắt đầu thi hành nhiệm vụ của họ. Chiếc Amagiri tiếp tục yểm hỏa bằng hải pháo.

Chúng tôi thất  bại trong việc tạo ra yếu tố “bất ngờ”, nhưng cuộc đổ quân vẫn xem là thành công. Bốn khu trục hạm tiếp tục chở các cánh quân khác thuộc Ðệ Tam Sư đoàn từ Nagoya. Thêm hai sư đoàn bộ binh nữa được đưa từ Kyushu đến Thượng Hải. Các nỗ lực này đã lật ngược tình thế, quân Trung Hoa bị đánh tan và bị đẩy bật ra khỏi Thượng Hải.

Nếu các lực lượng Nhựt ngừng ở đây, tai họa tiếp liền sau đó đã không xảy ra. Nhưng lúc ấy Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt đã không nắm vững quyền chỉ huy, nên các lực lượng Nhựt vẫn tiến xa hơn về phía Tây và đánh chiếm Nam Kinh vào tháng 12 năm 1937. Trái hẳn với hy vọng của các sỹ quan lục quân, Tưởng Giới Thạch vẫn không đầu hàng khi kinh thành này thất thủ. Ông ta chỉ triệt binh về Hán Khẩu, kế đó là Trùng Khánh, và đề kháng liên tục hơn 8 năm.

Trong khi bộ binh Nhựt tiến về Nam Kinh, hải đội của tôi giữ nhiệm vụ phong tỏa duyên hải Trung Hoa. Công việc này tỏ ra không hợp lý, vì lúc đó các tàu chiến của chúng tôi đi lại dọc ngang trong các hải phận này mà không gặp sự chống đối nào. Mỗi tuần hai lần, chúng tôi chận và khám xét các tàu buôn. Nếu tìm thấy các tàu này mang hàng lậu, chúng tôi cho các thủy thủ rời khỏi tàu và ban một vài quả trọng pháo là xong. Như tôi đã nói, công việc này không làm một ai phấn kích.

Vào tháng 11, tôi đưa chiếc Amagiri về Nhựt, và tháng kế đó, tôi được bổ nhiệm làm hạm trưởng chiếc Yamagumo (Sơn Mây), một khu trục hạm tối tân khác, mới tinh vì vừa hạ thủy. Sau khi bàn giao, tôi và chiếc Yamagumo trở lại hải phận Trung Hoa và tiếp tục công việc phong tỏa như cũ. Trong khi chiến tranh diễn tiến liên tục trên đất liền, tôi vẫn thi hành nhiệm vụ hàng ngày một cách nhàm chán và theo dõi tình hình thế giới trong sự lo âu.

Quân Nhật hạ tượng Tôn Trung Sơn

Hiệp ước Munich diễn ra vào tháng 9 năm 1938. Quyền lực của Hitler đang gia tăng tại Âu châu. Tháng 11, tôi được thăng cấp trung tá, nhưng nhiệm vụ nhàm chán của tôi ở Trung Hoa vẫn phải tiếp tục cho đến cuối tháng 3 năm 1939. Sau đó, tàu của tôi được lịnh đến căn cứ hải quân Nhựt ở Chinhae, Nam Triều Tiên, để tái huấn luyện.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ ở Âu Châu vào ngày 3 tháng 9 năm 1939. Hai tháng sau đó, tôi được chỉ định vào một nhiệm vụ trên đất liền. Tôi trình diện yếu cứ hải quân ở Maizuru, và công việc của tôi nơi đây là huấn luyện các hoạt động chiến đấu cho các thuyền trưởng thương thuyền. Công việc này hiển nhiên là nhằm để chuẩn bị đối phó các “biến cố bất ngờ” có thể xảy ra, và không có nghĩa Hải quân Hoàng gia Nhựt lúc ấy đã sẵn sàng chuẩn bị tấn công Trân Châu Cảng. Các tàu hàng được huấn luyện chẳng qua là để đáp ứng với cuộc chiến đang phát triển ở châu Âu.

Ba nội các Nhựt đổ chỉ trong vòng năm 1939, chứng tỏ những khủng hoảng chính trị của Nhựt đến lúc trầm trọng. Vào tháng Giêng năm 1940, một nội các mới ra đời cầm đầu bởi thượng cấp cũ đáng kính trọng của tôi. Ðó là Ðô đốc Mitsumasa Yonai. Ðô đốc Yonai hiểu rõ Nhựt Bản sẽ dấn thân vào cuộc chiến lập tức nếu liên minh với các cường quốc khối Trục. Ông đã cố gắng hết sức chống đối thỏa ước Tam Phương.

Các tay quá khích thuộc Lục quân Nhựt tin tưởng khối Trục sẽ chiến thắng, và chiến tranh sẽ sớm chấm dứt, lúc đó chỉ có Ðức và Ý chia nhau tất cả “chiến lợi phẩm”. Khi họ nhận thấy không thể thuyết phục Yonai liên kết với phe Trục, họ quyết định quấy rối nội các của ông và kết quả Bộ trưởng Chiến tranh rút lui. Theo hiến pháp cũ, Bộ trưởng Chiến tranh Nhựt phải là một quân nhân lục quân, và khi tướng Shunroku Hata từ chức vào giữa năm 1940, không tướng lãnh nào chấp nhận tham gia nội các của Yonai, chẳng khác nào hòn đá ngăn chặn con đường dẫn đến cuộc chiến Thái Bình Dương đã bị dẹp sang một bên. Trùng hợp với biến cố này, năm đó Franklin Delano Roosevelt tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ thứ ba. Không lâu sau, Hoa Kỳ và các cường quốc Ðồng Minh khác bắt đầu gây áp lực với Nhựt Bản. Những áp lực này nhắm vào các nhà lãnh đạo quân sự, đã điều khiển quốc gia từ khi nội các của Yonai sụp đổ, nhưng không có hiệu quả.

Nội các kế đó, dưới quyền lãnh đạo của hoàng thân Fuminaro Konoye, ký thỏa ước Tam Phương với Ðức và Ý vào tháng 9 năm 1940. Trong một năm, Konoye đã cố gắng chống chọi với các tay quân phiệt diều hâu Nhựt và các áp lực kinh tế của Ðồng Minh, nhưng cố gắng này vẫn không đi đến đâu, nên vào tháng 10 năm 1941 ông rút lui.

Tuần sau:  Phần II

Chiến Tranh 

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships