Năm 1974 đọc chương thứ 6, tôi có cảm giác Hara là một “kỹ sư đào mỏ” vì đã bỏ Utamaru tuy là kỹ nữ nhưng đã yêu Hara thiết tha, để kết hôn với Chizu mà “của hồi môn là năm căn nhà rộng lớn đang cho mướn ở Kamakura”…

Bốn thập niên sau đọc lại, hiểu ra chính Chizu, là hiền thê chính thức và duy nhất, đã cho Hara sự ổn định tâm trí giúp hoàn thành lý thuyết phóng ngư lôi cùng lợi hại về sau trong các trận thủy chiến. Bên cạnh Utamaru hát hay, xinh đẹp và yêu kiều, không chắc Hara sẽ hoàn bị binh nghiệp. Đa phần là Hara sẽ phải ra khỏi hải quân như cảnh cáo của thượng cấp. Thế chiến sẽ diễn ra thiếu lý thuyết ngư lôi và không có sự tham chiến của Hara mà Hoa Kỳ đánh giá là hạm trưởng không thể đánh đắm, “The Unsinkable Captain”.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương VI

Ngày 1 tháng 12 năm 1926, tôi được thăng cấp đại úy và phải tu nghiệp khóa nâng cao ở Yokosuka. Khóa học suốt một năm này dành cho những người được tiến cử để thành hạm trưởng các khu trục hạm trong tương lai.

Yokosuka nằm cách Kuré 300 dặm đường chim bay, khung cảnh và không khí đã làm tôi thay đổi. Ở đây, tôi có thể quên dần buổi chia tay ảm đạm đầy sầu thảm với Utamaru. Tôi không quên nàng nhưng các môn học mới mà tôi đang theo đuổi đã lấp đầy nỗi phiền muộn riêng tư. Tôi vẫn muốn trở về căn phòng trọ của mình và nằm trên mặt nệm futon bên cạnh Utamaru, được gối đầu lên làn da bụng trắng mát của nàng  nhưng chương trình học bắt tôi tập trung.

Ngoài ra lúc ấy sự căng thẳng ở Trung Hoa càng lúc càng gia tăng khiến tôi bận tâm theo dõi.

Hoa Lục vào những ngày này đang xảy ra cuộc tranh chấp giữa hai tay chiến tướng quan trọng. Tưởng Giới Thạch ở phía Nam và Trương Tác Lâm ở phía Bắc. Ðầu năm 1927, lực lượng của Tưởng tỏ ra trên chân của Trương, và đã chiếm giữ Nam Kinh vào ngày 24 tháng 3. Lực lượng của Tưởng tạo ra một sai lầm quan trọng, là khi chiếm Nam Kinh đã phóng tay cướp phá, tràn cả vào các lãnh sự quán và gây khó dễ cho các quốc gia Nhựt, Anh, Mỹ và Pháp.

Ba tàu chiến Hoa Kỳ đã nã trọng pháo vào Nam Kinh. Hải quân Nhựt đổ bộ một lực lượng đặc nhiệm lên Nam Kinh để bảo vệ kiều dân Nhựt. Những sự việc này đã khiến Tưởng Giới Thạch phải ngỏ lời xin lỗi các quốc gia vừa nói và quy tội cho Cộng Sản Mao. Trong thực tế Mao đã bị Tưởng đánh bại trước đó và đã phải vạn lý trường chinh lui về mật khu.

Tháng 5 năm 1927, Nhựt Bản đổ bộ các đơn vị bộ binh lên bán đảo Sơn Ðông (Shantung) ở Hoa Bắc nhằm ngăn chặn các biến cố khác. Tuy nhiên hành động này càng đẩy mạnh các phong trào quá khích bài Nhựt ở Trung Hoa.

Ðối với độc giả hiện tại chắc chắn sẽ cho rằng việc đổ bộ vừa rồi là hành động vụng về. Tuy nhiên sự thực Trung Hoa lúc ấy là một xứ sở đã rách nát bởi các cuộc nội chiến, hai chánh phủ Quốc-Cộng cùng không có uy quyền tối thượng. Quyền trú quân của Nhựt Bản được công nhận từ chiến thắng Hoàng Hải buộc nhà Mãn Thanh chấp nhận và sau khi cuộc chiến Nga-Nhựt kết thúc với chiến thắng Ðối Mã của hải quân Nhựt, chánh phủ Tôn Dật Tiên cũng thừa nhận nhưng nay là vấn đề. Một cách trung thực, binh lính Nhựt vẫn thường có những hành động khiêu khích dân Trung Hoa, và cả hai chánh phủ Dân Quốc và Cộng Sản đều khuyến khích các cuộc biểu tình bài Nhựt.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Vào mùa Xuân năm 1927, hội nghị Tài binh Giải trang lần thứ hai được mở ra ở Genève. Nhựt Bản đã cứng rắn đòi hỏi tổng số trọng lượng các chiến hạm Nhựt phải gia tăng cao hơn giới hạn 60% so với Anh và 70% so với Hoa Kỳ, do hội nghị lần thứ nhất đưa ra. Hai cường quốc hải quân hàng đầu bác bỏ đòi hỏi này, và hội nghị đổ vỡ. Năm cường quốc phải dàn xếp trên căn bản thỏa hiệp Hoa Thạnh Ðốn 1921.

Những biến cố thế giới này đã thúc đẩy mạnh mẽ sự cố gắng làm việc và học hỏi của tôi. Vào thời gian tôi nhận bổ nhiệm mới, các khu trục hạm và tuần dương hạm được nâng lên địa vị quan trọng chưa bao giờ thấy trong thời Ðệ Nhứt Thế Chiến.

Sau khi tốt nghiệp Trường Chỉ huy Khu Trục hạm, tôi được giao phó công tác trên tàu, với tư cách sỹ quan ngư lôi trưởng của khu trục hạm Susuki (Hòa Thảo). Tôi đã giữ nhiệm vụ này trên hai năm, lâu hơn bất kỳ nhiệm vụ nào mà tôi từng giữ trước đây. Chiếc tàu hoạt động trong hải phận Trung Hoa, hầu hết ở Hoa Bắc và đảo Ðài Loan, thường buông neo ở Thanh Ðảo (Tsingtao), hải cảng then chốt của bán đảo Sơn Ðông, và bán đảo này cũng chính là mồi lửa của các cuộc xung đột Nhựt-Hoa ở hiện tại.

Khu trục hạm của tôi đến Cơ Long (Keelung), Ðài Loan vào ngày 1 tháng 4 năm 1928 vừa lúc tôi nghe tin Tưởng Giới Thạch đang bắt đầu xua quân hướng về Sơn Ðông. Tin tức này khiến các tàu phải trực chỉ Thanh Ðảo. Nhưng ở đây tình hình có vẻ êm dịu, vì vậy ngày 15 tháng 4, chúng tôi quay lại đảo Bành Hồ (Pescadore) ở phía Tây Ðài Loan.

Biến cố Tế Nam (Tsinan, còn gọi Tể Nam hàm nghĩa phía Nam của sông Tể Thủy) đầy nhục nhã xảy ra hai tuần sau đó. Ðạo quân Hoa Bắc của Trương Tác Lâm bắt đầu giở trò cướp phá thủ phủ của Sơn Ðông, nhưng đã bị thảm bại không lâu sau đó khi họ Tưởng tiến đánh và chiếm giữ thủ phủ này vào ngày 1 tháng 5. Nhưng quân của họ Tưởng vẫn tiếp tục cướp phá, giống như họ đã làm vào hai năm trước đây ở Nam Kinh. Mười bốn kiều dân Nhựt bị sát hại và hơn hai mươi người Nhựt khác mất tích, và tất cả 114 ngôi nhà của người Nhựt đều bị cướp bóc và thiêu hủy hoàn toàn.

Lục quân Nhựt được rút từ Mãn Châu và Triều Tiên để đưa đến nơi xảy ra biến cố và đã vãn hồi trật tự. Tuy nhiên chánh sách “cây roi lớn” này chỉ khiến cho người Trung Hoa phẫn nộ thêm, và gieo mầm mống cho cuộc xâm chiếm quy mô của Nhựt xảy ra sau này.

Cuối năm 1928, tôi ở Kobé và gặp anh Cả Sakutano. Anh đã thúc giục tôi lập gia đình. Tôi cười to: “Em đã từng mang tiếng xấu rồi, bây giờ anh có chắc là em tu chỉnh chưa?”. Tôi nói mà vẫn nhớ đến Utamaru.

Anh Sakutano, từ trước đến nay vẫn là một người anh hiền của tôi, đáp một cách nghiêm trang: “Ðể anh tìm một số ứng cử viên đoan trang cho em”. Tôi nói anh cứ tiến hành nhưng tôi nghĩ chắc anh chẳng có chút may mắn nào. Tôi vẫn nghĩ đến Utamaru với tất cả hy sinh của nàng.

Khoảng một tháng sau, tôi nhận được thơ của anh kèm theo một tấm ảnh với lời ghi chú ngắn, theo đó “người trong ảnh” xứng để trở thành “phu nhơn” của tôi.

Cô Chizu Asayama, 22 tuổi, là con nuôi một chủ xưởng chế tạo vật dụng bằng da thuộc lớn nhứt của Nhựt Bản. Trong thơ cho biết bà mẹ nuôi của nàng muốn có một người rể là sỹ quan hải quân, bởi lẽ bà ta muốn sống gần con, và dĩ nhiên một sỹ quan hải quân với các chuyến hải hành vắng mặt dài lâu cho phép bà đến thăm con.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Dưới mắt tôi người trong ảnh quả có nhan sắc. Nàng tốt nghiệp trường Nữ Cao Ðẳng nổi danh Ochanomizu. Một cô con gái gia đình giàu có, anh tôi viết, tất nhiên “trâm cài lược giắt” và quan trọng hơn hết là của hồi môn, gồm có “năm căn nhà rộng lớn đang cho mướn ở Kamakura,” một thành phố bờ biển của giới thượng lưu gần Yokosuka.

Cả câu chuyện đối với tôi đầy bất ngờ. Tại sao một cô gái đủ điều kiện như vậy lại ưng thuận làm vợ của tôi? Sao nàng không chọn một sỹ quan ưu tú, để hy vọng trở thành “Ðô đốc phu nhơn” tương lai, có hơn không? Gia đình nàng chắc chắn đã thuê thám tử tư điều tra quá khứ mối tình kỹ nữ của tôi với Utamaru và họ đã biết tất cả. Vì vậy, tôi nghi ngờ nàng có những khuyết điểm gì đó, không thích hợp với các tay thanh niên khác.

Tôi trao thơ cho hạ sỹ quan tùy viên thân cận của tôi và hỏi ý kiến của anh ta. Viên hạ sỹ quan đã đáp một cách nghiêm trang: “Ðại úy, anh của tôi là một cảnh sát điều tra, nếu Ðại úy muốn, tôi sẽ nhờ anh ấy điều tra giùm cho.”

Tôi đồng ý. Một tháng sau, người anh của hắn cung cấp đầy đủ hồ sơ chi tiết cho tôi, theo đó: “Cô Chizu Asayama chẳng phương diện nào đáng chê hết. Từ dung nhan đến vóc dáng, hạnh kiểm và học vấn.” Tay hạ sĩ huýt sáo khi trao hồ sơ như thể đó là một mỏ vàng khiến tôi phải trừng mắt cho hắn biến đi.

Tôi gặp nàng lần đầu vào tháng 3 năm 1929. Cuộc gặp gỡ quan trọng này kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ với sự hiện diện của đầy đủ quyến thuộc hai bên. Ngày sau đó, tôi trả lời ưng thuận với gia đình nàng, và nàng cũng vậy. Hôn lễ được sắp xếp theo đúng nghi thức cổ truyền của Nhựt Bản. Người ở Tây phương sẽ lấy làm lạ khi thấy một vấn đề quan trọng như vậy lại được quyết định chỉ sau một cuộc gặp gỡ. Và đồng ý của hai phía sau vỏn vẹn 24 tiếng. Nhưng phải nói rằng các cuộc hôn nhân sắp xếp theo lối này đã chứng tỏ thành công hơn những cuộc hôn nhân thường cho là có sự tìm hiểu trước ở các nước khác. Gặp gỡ giữa đôi trai gái thường diễn ra sau khi cả hai gia đình đã có sự thỏa thuận trước, vì vậy mà ít khi xảy ra việc từ chối, trừ phi một bên khám phá ra khuyết điểm nào đó đã bị che đậy.

Hôn lễ cử hành tại đền thờ quốc giáo Shinto ở Ðông Kinh vào ngày 25 tháng 5 năm 1929, trong khi chiếc khu trục hạm của tôi buông neo ở Yokosuka. Tôi được cấp hai ngày phép. Ngay sau hôn lễ chúng tôi đi hưởng một ngày trăng mật ở suối nước nóng Atami cách Tây Nam Ðông Kinh khoảng 50 dặm. Ngày hôm sau tôi trở về tàu một mình. Cô vợ mới của tôi xuống xe lửa ở Oiso, một thành phố ven bờ biển khác nằm giữa Atami và Yokosuka, nơi gia đình nàng đang sinh sống. Tôi đã sống một đời sống hôn nhân lạ lùng vì kể từ đó trong nhiều tháng tôi mới gặp gỡ vợ tôi một lần. Ngay trong hôn lễ tôi vẫn nghĩ đến Utamaru và cảm thấy có lỗi với nàng.

Sáu tháng sau đó, tôi được thuyên chuyển đến Alikazé (Thu Phong), một khu trục hạm 1,500 tấn, vận tốc 39 hải lý, 4 pháo 120 ly. Lần này tôi vẫn giữ chức vụ cũ, sỹ quan ngư lôi trưởng, đúng một năm.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Tháng 4 năm 1930, Anh quốc và Hoa Kỳ tiến đến một thỏa hiệp giải trang mới ở Luân Ðôn, đặt định giới hạn trọng lượng của các tàu hộ tống. Các loại tàu khác vẫn duy trì giới hạn của thỏa hiệp năm 1921. Kết quả hội nghị mới này khiến cho các sỹ quan hải quân Nhựt nổi nóng. Như vậy, tổng số trọng lượng của tuần dương hạm hạng nặng Nhựt chỉ bằng 62% so với Hoa Kỳ. Riêng tổng số trọng lượng của tiềm thủy đĩnh, theo thỏa ước, hai quốc gia đều bằng nhau.

Lúc bấy giờ khó mà giải thích tại sao các kết quả này đã không làm hài lòng hải quân Nhựt Bản. Nhựt Bản đã cố đòi hỏi gia tăng số trọng lượng các tuần dương hạm hạng nặng ít nhất 70% so với Hoa Kỳ. Nhưng sự đồng đều về tiềm thủy đĩnh theo thỏa ước đã không được giữ đúng, bởi vì lúc đó tổng số trọng lượng của loại tàu này của Nhựt Bản đã là 77,900 tấn so với 52,700 tấn của Hoa Kỳ.

Tất cả những lời bàn tán này đã chứng tỏ sự ngây ngô sau đó, khi khả năng sản xuất tàu chiến của Hoa Kỳ gia tăng đến mức độ đè bẹp hẳn Nhựt Bản trong cuộc chiến Thái Bình Dương. Nhựt Bản khó thể chạy đua võ trang với Anh-Mỹ nhưng vào năm 1930, các sỹ quan hải quân Nhựt đã không lưu tâm về việc này. Họ nhấn mạnh Nhựt Bản đã bị áp lực quá dễ dàng của Hoa Kỳ ở Luân Ðôn. Bấy giờ họ xem Hoa Kỳ không chỉ là một kẻ thù ngấm ngầm mà còn là một kẻ thù ra mặt. Kể từ đó về sau, tất cả những cuộc động binh đều đặt trên mặt lý thuyết nhằm vào “kẻ thù giả định” là Hoa Kỳ.

Vào ngày 8 tháng 11 năm 1930, vợ tôi sanh đứa con gái đầu lòng, được đặt tên là Yoko. Bốn tuần sau đó tôi được chỉ định giữ chức vụ sỹ quan ngư lôi trưởng trên khu trục hạm Fubuki (Bão tuyết), trọng tải 2,000 tấn, 6 pháo 127 ly, 9 phóng ngư lôi, vận tốc 38 hải lý. Suốt một năm phục vụ trên chiếc tàu này, tôi đã kết bạn với một người trong đời tôi không bao giờ quên được. Ðó là vị chỉ huy Hải đoàn Khu trục hạm của chúng tôi, Ðại tá Chuichi Nagumo.

Nagumo từng là một giảng viên của trường hải quân Yokosuka. Sau đó ông đi tu nghiệp một năm ở Hoa Kỳ và vừa mới về nước. Ông là một trong những chiến thuật gia khu trục hạm tài ba nhứt trong Hải quân Hoàng gia. Kiến thức tôi được mở mang khá nhiều trong một năm gần gũi ông. Nagumo khuyến khích tôi chuyên cần học hỏi bằng cách cho tôi mượn khá nhiều sách vở ông mang về từ Hoa Kỳ. Ông rất mến tôi, và ông nói thế nào tôi cũng sẽ được theo học trường Cao Ðẳng Tham Mưu.

Lúc đó tôi không bao giờ tưởng tượng Nagumo, sau này là Phó Ðô đốc, sẽ chỉ huy lực lượng đặc nhiệm vĩ đại của Nhựt Bản tấn công Trân Châu Cảng. Nhưng tiếp theo đó, trận đại bại Midway xảy ra, và Nagumo trở thành đề tài của mọi loại chỉ trích. Tuy nhiên trong ký ức của tôi, ông vẫn là một sỹ quan tài ba và nhiệt tâm.

Kỳ sau:  Chương VII 

Lý thuyết Phóng Ngư lôi 

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa Japanese Imperial Officers during World War II