Hệ thống Hải Quân Binh Học Hiệu (Kaigun Heigakko) của Đế quốc Nhật phân làm ba trường chính: Trường Hải Quân Công Xưởng đào tạo cơ khí viên, Trường Hàng Hải đào tạo hoa tiêu và Học viện Etajima đào tạo sĩ quan tác chiến trên biển. Etajima là ngôi trường lừng danh nhất vì là chiếc nôi của Hải quân Nhật nơi đã đào tạo ra bốn Thủy sư Đô đốc Tsuboi Kozo, Ito Sukeyuki (Y Đông Hựu Hanh), Togo Heihachiro (Đông Hương Bình Bát Lang) và Yamamoto Isoroku (Sơn Bản Ngũ Thập Lục) làm nên bốn chiến thắng sấm sét:

“Phong Đảo Xung hải chiến” tháng 7-1894 đánh tan Phân Hạm đội Bắc Dương của Mãn Thanh

“Thủy chiến Hoàng Hải” tháng 9-1894 hủy diệt toàn bộ Hạm đội Bắc Dương của Mãn Thanh

“Hải chiến Đối Mã” tháng 5-1905 đánh chìm 3/4 Hạm đội Bắc Hải của Nga hoàng tại Tsushima

“Không tập Trân Châu Cảng – tháng 12-1941 đánh đắm các thiết giáp hạm của US Pacific Fleet

Nếu hai chiến thắng đầu cho Nhật Bản thuộc địa Cao Ly và Đài Loan mà Lý Hồng Chương và Từ Hy buộc phải nhượng và kể từ đây Nhật Bản thống lĩnh Á Châu đẩy lùi Trung Hoa vào bóng tối, thì chiến thắng thứ ba chứng minh sức mạnh hải quân của Nhật ngang hàng với Anh-Mỹ ở tính hiện đại, thuật hành binh.

Etajima như thế là một học viện tân tiến và hiệu quả. Xây cất năm 1866 tại Nagasaki với từng viên gạch nhập cảng từ Anh nói lên ảnh hưởng của học thuyết thủy chiến Anh đối với hải quân Nhật. Đến năm 1888 trường Etajima rời về Hiroshima nhưng lý thuyết xem thiết giáp hạm là chủ lực của Đề đốc Alfred Thayer Mahan vẫn là kim chỉ nam. Là lý do vì sao Nhật đúc rất nhiều thiết giáp hạm nặng, xem là mũi giáo của một hạm đội. (Cả hai tỉnh lỵ Nagasaki và Hiroshima đều là đất thánh của hải quân Nhật trên nhiều mặt: quân cảng, phân xưởng, thiết kế, huấn luyện và giảng dạy… Có tình cờ khi Hoa Kỳ ném bom nguyên tử xuống hai thủ phủ này?) 

Vào tháng 8-1918 khi tân khóa sinh Tameichi Hara nhập học, Etajima vẫn còn là một giấc mơ sáng ngời tương lai. Nhưng nhanh chóng, cũng như Saburo Sakai ở trường phi hành Tsuchiura, Hara sẽ phải hứng chịu một năm huấn nhục tàn bạo của các huynh trưởng ra tay đánh đập. Ở phương diện này, Võ khoa Thủ Đức và Võ Bị Đà Lạt khá nhẹ tay. 

[Trần Vũ]

Phần 1:

Một samurai chào đời

Chương III

Eta Jima là một thánh địa của Nhựt Bản, tương tợ Annapolis của tiểu bang Maryland nơi đặt Hàn Lâm viện Hải quân Hoa Kỳ, là điểm hội tụ những mộng ước cho nhiều triệu thanh niên Nhựt thời chiến. Mỗi năm, nhiều trăm thanh niên đầy nhiệt huyết, mỗi người đều có học bạ xuất sắc và những giấy tờ chứng nhận ưu điểm, đã đổ xô đến Eta Jima để tranh nhau vài chức vụ công hoặc tư. Người ta hy vọng một thế hệ chọn lọc như thế sẽ sản xuất ra các sỹ quan hải quân sáng chói. Nhưng nhiều người đã tốt nghiệp từ ngôi trường huấn luyện sỹ quan hải quân duy nhứt này đã không phát lộ một điều gì sáng chói, và một số đã hoàn toàn thất bại trong các hành động mà quốc gia đã đặt kỳ vọng vào họ.

Những gì tôi viết về Hàn Lâm viện Hải quân và phương thức huấn luyện và đào tạo, không phải nhằm để đưa ra một sự buộc tội. Tôi chỉ trình bày tất cả sự thật để tùy nghi độc giả phán xét.

Tôi nhập học ngày 26 tháng 8 năm 1918. Ngày đó tôi vận một bộ quân phục màu trắng với bảy nút đồng sáng lóa, mang một thanh đoản kiếm xinh xắn, giống như ông nội tôi đã mang lúc còn trẻ. Tôi đã trở thành một Samurai thật sự.

Ba ngày sau khi tôi nhập học, hôm đó lúc tôi sắp sửa bước vào phòng ngủ, một sinh viên năm thứ 3, khóa đàn anh, đã thét lớn. “Nghiêm!”; khi tôi làm theo lời hắn, hắn nhanh nhẹn tiến đến và hỏi một cách hùng hổ: “Tại sao anh không chào tôi?”

Tôi không biết trả lời sao. Tôi có gặp hắn trước đó bao giờ đâu. Hắn cũng không mang cấp bậc hay phù hiệu gì trên vai áo.

“Coi chừng!” hắn gầm lên. “Ðứng cho vững và chuẩn bị. Tôi bắt đầu tẩy sạch tánh vô lễ của anh!”

Hắn nói, đầy giận dữ và nắm tay đấm vào mặt tôi hơn một chục lần. Nếu tôi không được lưu ý trước, tôi đã đo đất với cú đấm đầu tiên của hắn. Thấy tôi chưa ngã, hắn cung tay và thọi thật mạnh khiến đầu tôi dộng vào tường và lần này tôi ngã dụi. “Nghiêm!”, hắn gầm lên nữa. Tôi vừa loạng choạng đứng dậy, hắn đã quặp năm ngón tay đấm xoáy chín mươi độ vào màng tang tôi và kết thúc bằng nện cùi chỏ xuống đỉnh đầu. Cách đối xử này đã gây cho tôi sự bức thiết mãnh liệt. Với mặt mày bầm giập rướm máu ở lỗ tai và chan hòa máu ở mồm miệng, tôi lê lết vào phòng ngủ. Các khóa sinh khác lấm lét nhìn, không ai dám nói một lời.

Ngày kế đó, trong bữa ăn sáng, một sinh viên huynh trưởng – hai chữ Huynh Trưởng đáng hổ thẹn – khám phá ra bộ quân phục của tôi cài nút không đúng cách, và tôi lại nhận thêm một chục cú đấm vào khuôn mặt đã sưng vù của mình. Lần trừng phạt thứ nhì này mạnh tay hơn cả lần đầu. Lỗ tai trái tôi trở nên điếc câm.

Xem thêm:   Hang gấu

Khi một khóa sinh vi phạm kỷ luật, tất cả các khóa sinh khác trong trung đội của anh ta phải đứng xếp hàng dọc và lãnh mỗi người một cú đấm vào mặt. Tất cả các sinh viên đều nếm mùi hệ thống kỷ luật độc đoán này, hầu như không có lúc nào “thiếu thốn”. Mỗi ngày Chúa Nhựt, 180 sinh viên mới nhập học phải lên võ đường để nghe “thuyết pháp” hàng bốn năm tiếng đồng hồ liền dưới ánh nắng mặt trời. Sỹ quan quân trường và các phụ tá của họ, tức các sinh viên huynh trưởng, đảm trách cuộc thuyết pháp. Bài học ngày Chúa Nhựt này hầu hết được chấm câu bằng những cú đấm như mưa bấc. Không thiếu những cú trời giáng làm ộc máu mũi.

Sau vài tháng trui rèn kiểu đó, những kẻ mới đến đều trở thành những con cừu non ngoan ngoãn. Khuôn mặt của mọi người đều mang dấu vết tàn phá của những gì mà họ phải chịu đựng. Một tai tôi điếc hẳn từ bấy đến bây giờ.

Một số người đã từng bị đối xử theo lối kỷ luật nghiêm khắc này lúc còn ở ngoài đời, họ sẽ không lấy gì làm xúc động. Trong một số gia đình Nhựt Bản, người cha muốn trừng trị con mạnh tay cách nào cũng được. Nhiều trường học thôn quê thầy giáo đối xử với học sinh có thể nói là tàn nhẫn.

Tôi lại khác hơn. Tôi là một đứa con mang niềm kiêu hãnh của một gia đình Samurai. Không ai trong gia đình muốn đánh tôi đến một roi. Trường tôi theo học cũng không bao giờ áp dụng các phương pháp kỷ luật nghiệt ngã như vậy.

Có lẽ vì vậy tôi có phần nào hư hỏng, và có lẽ vì vậy mà tôi không thích ứng kịp với nghiệp binh. Bất cứ kỷ luật nào ở Eta Jima đối với tôi cũng đầy vẻ xúc phạm nhân phẩm khiến cho tôi phải hờn giận. Ngay cả hiện tại tôi vẫn còn nhớ lại những ngày ở Hàn Lâm viện Hải quân với dư vị chua chát.

Chắc chắn các sinh viên huynh trưởng – khóa đàn anh – của tôi là lũ vô tri, thích thú khi được hành hạ kẻ khác, hả dạ khác thường lúc ra tay khủng bố những người mới vào. Các huynh trưởng đánh chúng tôi như đánh kẻ thù, bằng những đòn thù. Cả bây giờ tôi vẫn thấy chán ghét khi gặp lại mấy khuôn mặt này, ngay cả khi chúng tôi đang chia sẻ chung các công việc nặng nhọc, sự khốn khổ do chiến tranh gây ra, và có cùng sự may mắn được sống sót.

Tiếng kèn đánh thức chúng tôi vào lúc 5g30 sáng, và chúng tôi học hỏi tập tành kéo dài đến 9g tối mà không có một phút giây nào để nghỉ ngơi. Trong thời gian này, ngày Chúa Nhựt vẫn phũ phàng như những ngày thường.

Khi những người mới vào chấm dứt giai đoạn 1 và sinh hoạt có phần ít cứng rắn hơn, các hình phạt thường lệ chấm dứt theo với năm thứ nhứt của chúng tôi.

Cuối tuần không có sinh viên nào được phép đi ra khỏi các vùng phụ cận của thành phố. Thường thường ngày Chúa Nhựt chúng tôi phải leo núi, lội bộ quanh đảo hoặc ngồi cú rũ trong câu lạc bộ.

Một trong những bạn đồng khóa xuất sắc nhứt của tôi là Ko Nagasawa, quê ở miền Bắc nước Nhựt. Anh ta có thể nói là một tay có nhiều đặc tính vượt trội, và hình như hắn chẳng thèm lưu ý đến kỷ luật bịnh hoạn của Hàn Lâm viện. Sau mỗi lần nhận lãnh hình phạt tàn bạo bởi các huấn luyện viên hoặc các sinh viên huynh trưởng, Ko Nagasawa vẫn pha trò một cách tỉnh bơ, khiến tôi phải “kinh hoảng”.

Ko Nagasawa và tôi thay phiên nhau dẫn đầu 180 sinh viên. Khi ra trường, Ko Nagasawa phục vụ xuất chúng ở lãnh vực tham mưu và chỉ huy trong suốt cuộc chiến Thái Bình Dương. Năm 1954, anh gia nhập vào Tân Hải quân Nhựt Bản và trở thành Thủy sư Ðô đốc vào năm 1956 (giữ chức vụ Tổng Tư lịnh Tân Hải quân Hoàng gia từ năm 1954 đến năm 1958). Những ngày ở Eta Jima, Ko Nagasawa được tất cả bạn đồng khóa kính mến, nhưng không một ai tiên đoán con đường hoạn lộ của anh lại tiến đến bực ấy.

Tôi biết có một số bạn tôi đã nhìn những ngày ở Hàn Lâm viện Hải quân của họ với nhiều luyến tiếc. Nhưng riêng tôi, bởi vì “cô độc” chịu đựng hình phạt thể xác ở đây, tôi không thể nào chia sẻ cảm nghĩ của họ.

Lúc đó, tôi thường nhận được thơ nhà mang đến những tin tức rối rắm. Ðó là những phiền muộn khác trong những ngày tôi ở Hàn Lâm viện Hải quân. Bức thơ đầu tiên báo cho biết tin buồn người chị lớn của tôi là Uta chết vì bệnh lao. Và bởi lẽ chị tôi đã bỏ lại hai đưa cháu thơ dại, nên gia đình thuyết phục người chị kế của tôi là Kiyo chấp nối với người anh rể. Kiyo viết cho tôi biết chị không đồng ý, nhưng sau đó chị bất ngờ nhượng bộ. Vì tôi rất được chị Kiyo thương mến, nên việc này đã gây lo nghĩ cho tôi rất nhiều.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Một năm sau, chị Kiyo bỏ chồng và các cháu, trở về với gia đình. Vào lúc đó một hành động như vậy không thể chấp nhận được với một người đàn bà Nhựt có đức hạnh. Nhưng tôi không bao giờ quy tội cho chị tôi. Tôi biết rằng chị tôi có những lý lẽ riêng mà chị ấy cho là phải.

Những biến cố như vậy, cộng thêm đời sống ép thể xác như hiện tại khiến hầu hết ba năm học đầu tiên của tôi đắm chìm thường xuyên trong âu sầu và chán nản. Trong năm cuối cùng, Hàn Lâm viện có một tân chỉ huy trưởng. Ðó là Phó Ðô đốc Kantaro Suzuki, một vĩ nhân thực sự trong đời tôi.

Phó Ðô đốc Suzuki vừa nhận chức đúng 3 ngày, ông đã triệu tập ngay một phiên họp toàn trường. Mở đầu buổi nói chuyện, với một giọng phẫn nộ, ông cấm chỉ tất cả những thứ kỷ luật khắc nghiệt đã được áp dụng. Ông nói: “Trường này được thành lập để đào tạo những sỹ quan ưu tú, không phải là chuồng nuôi súc vật.”

Từ đó, Suzuki đưa ra một loạt cải tổ, quét sạch toàn thể hệ thống cũ của Hàn Lâm viện. Ông tìm cách khuyến khích sáng kiến của sinh viên, vì vậy họ rất hứng khởi trong việc học hỏi. Dĩ nhiên tất cả hình thức đối xử dã man không còn nữa.

Do đó, tôi có cảm giác Phó Ðô đốc Suzuki sẽ còn làm được nhiều việc hơn nữa. Nhưng chẳng may cho nhà trường là Suzuki không ngồi lâu. Kích thước ông quá lớn đối với Eta Jima và ngay cả Hải quân Hoàng gia. Ông về hưu sớm để trở thành nội thần của Thiên hoàng. Năm 1945, ông cầm đầu nội các trong thời gian xảy ra cuộc đầu hàng Ðồng Minh của Nhựt Bản. Sau Kantaro Suzuki, các Ðô đốc tiếp nhiệm chỉ huy Eta Jima đều tầm thường và những cải tổ của Suzuki dần dần bị lãng quên.

Vào ngày 16 tháng 6 năm 1921, tôi ra trường với thứ hạng 40 trên tổng số 150 khóa sinh. Song thân tôi vui mừng và kiêu hãnh khi biết tin này. Tuy nhiên, tôi biết, đáng lẽ ra tôi phải đạt được thành quả tốt đẹp hơn. Nếu không có những trận đòn tàn bạo.

Năm tôi nhập học ở Eta Jima là năm đánh dấu cuộc chiến thế giới lần thứ nhứt chấm dứt. Trong cuộc chiến này Nhựt Bản đứng về phe Ðồng Minh. Quốc gia không chịu đựng sự tàn phá của chiến tranh, và các thương gia Nhựt đã làm giàu vượt mức trong suốt cuộc chiến.

Ðình chiến và thế giới hòa bình, nhưng nước Nhựt lại lâm vào cảnh xuống dốc thảm hại. Ngay ở Eta Jima mặc dù tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng do tình trạng tổng quát, sự sa sút kinh tế ở đây nhìn thấy rất rõ rệt.

Trong năm tôi ra trường, lực lượng hải quân của năm cường quốc lúc này là Anh, Mỹ, Pháp, Ý và Nhựt đang đi đến một thỏa hiệp quy định sức nặng tối đa cho các tàu chiến của họ.

Khóa học của tôi gồm 150 sinh viên tốt nghiệp, được phân phối thực tập trên hai khu trục hạm Izumo và Yagumo, trọng tải 6,000 tấn, hai chiếc tàu này là sức mạnh chánh của Nhựt trong cuộc chiến Hoa-Nhựt hai năm 1894–1895. Bất kỳ loại tàu nào đã 25 tuổi đời thật khó mà hoạt động hữu hiệu. Với tuổi đó, một tàu chiến trở thành một gánh nặng hơn là một tài sản quốc gia.

Tuy nhiên bọn trẻ chúng tôi lại không kìm hãm nổi sự thích thú của mình. Bởi chúng tôi được biết không bao lâu nữa chúng tôi sẽ thực hiện một chuyến đi vòng quanh thế giới. Không vật gì có thể nhận chìm được cảm giác bềnh bồng của chúng tôi lúc ấy. Các chiếc tàu trông già nua đáng sợ, nhưng không ai trong chúng tôi để ý đến điều này.

Trong vòng một tháng, hai khu trục hạm thao luyện trong các hải vực quanh Yokosuka. Công việc cá nhân và tập thể của chúng tôi đã đỡ phần vất vả. Nhiều người trong chúng tôi bắt đầu nhìn lại những ngày ở Eta Jima, như nhìn lại thời gian ở mẫu giáo của họ.

Trong Hải quân Hoàng gia Nhựt có một câu nói cũ kỹ: “Thứ bậc của hải quân được xếp hạng từ sỹ quan đến hạ sỹ quan, trâu bò (có nghĩa là lính trơn) và cuối cùng mới là đến các sỹ quan mới ra lò.” Nói khác đi, đời sống tổng quát của một sỹ quan vừa rời khỏi Eta Jima, và nhận nhiệm sở sơ khởi của họ trên tàu còn khốn khổ hơn bất kỳ một anh lính mới nào.

Chiến hạm Nhựt khi chế tạo không bao giờ để ý đến các tiện nghi nào dành cho chỗ trú ngụ của các sỹ quan mới tốt nghiệp. Chỗ ăn ngủ của họ và binh sỹ trên tàu không khác gì nhau. Ban đêm nếu muốn ngủ phải căn võng. Thức ăn gồm có cơm và lúa mạch, với một chút ít cá hoặc thịt hộp. Không bao giờ thay đổi.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Ðời sống của các tân binh trơn hiển nhiên là khốn khổ nhưng ít ra họ cũng có một công việc riêng để học hỏi và chăm chú vào công việc đó. Trái lại một sỹ quan mới ra trường phải học hỏi mọi công việc trên tàu, từ công việc đun nồi súp-de, thông họng đại bác cho đến việc đo giác cự, và phải học cho chính xác. Chúng tôi không có thời gian nào gọi là thời gian cá nhân riêng cả.

Sau một tháng huấn luyện liên tục theo nguyên tắc, hai chiến hạm già nua rời Yokosuka sang Hoa Kỳ, khởi đầu chuyến viễn du thế giới. Hải quân đã hấp dẫn nhiều thanh niên Nhựt phần lớn là do dịp may được đi đó đi đây như thế này.

Khi hai chiến hạm nhổ neo, các tân sỹ quan đã mừng rỡ reo hò ầm ĩ. Chúng tôi nghĩ là đã thoát khỏi kiếp đọa đày. Chúng tôi đã lầm lẫn biết bao. Chúng tôi không chịu nghĩ đến các lượn sóng tàn nhẫn của Thái Bình Dương đang chờ đón chúng tôi.

Hai ngày sau khi rời khỏi Yokosuka, tất cả chúng tôi đều nằm liệt. Ngay cả tôi, một thanh niên có sức khỏe như voi, cũng nôn thốc nôn tháo ngay bước đầu của chuyến viễn du.

Nửa tháng sau, chúng tôi đến Honolulu, sức khỏe của các tân sỹ quan đều xuống dốc trầm trọng. Tôi cảm thấy muốn cúi xuống hôn mặt đất để cảm ơn Thượng đế. “Cá heo”, tên riêng của tôi thời đi học, hình như trong tình cảnh này không còn thích đáng một chút nào. Và con cá này chỉ bị trừng trị trong hai tuần lễ mà sụt đến 30 cân Anh (khoảng 14 kí lô). Nhiều người khác cũng chẳng kém gì tôi.

Phó Ðô đốc Hanroku Saito, chỉ huy chuyến đi, quyết định lưu lại Hạ Uy Di một tuần lễ. Một phần của quyết định này là để đáp lại sự tiếp đón nồng nhiệt và lòng hiếu khách của dân chúng Nhựt trên đảo, nhưng phần quan trọng hơn là để cho bọn “tân binh” chúng tôi lấy lại phong độ.

Hải cảng kế đến là San Diego, từ đó chúng tôi di chuyển về hướng Nam, xuyên qua kinh đào Panama và đến Nữu Ước vào ngày 29 tháng 10 năm 1921. Cuộc họp giải trang và tài binh của năm cường quốc đang diễn ra ở Hoa Thịnh Ðốn. Việc các chiếc tàu cổ lỗ sĩ của chúng tôi đến Hoa Kỳ vào thời gian đặc biệt này có lẽ nằm trong sự tính toán.

Trong thời gian này, Nhựt đã tìm cách che đậy năng lực thực sự của hải quân. Các thiết giáp hạm Nagato (Trường Môn) và Mutsu, hoàn tất vào năm 1920 và 1921, trang bị tám trọng pháo 305 ly, được cho là có trọng lượng 32,600 tấn và tốc độ tối đa chỉ 23 hải lý. Nhưng sự thực, hai chiến hạm này có trọng lượng 35,000 tấn (đầy tải 42,000 tấn) và tốc độ tối đa gần 27 hải lý, võ trang pháo 410 ly, vượt trội hẳn chiếc Maryland cùng loại của Hoa Kỳ.

Nhựt Bản cũng không khoe khoang về chiếc Hosho (Phụng Tường, có nghĩa cú lượn của chim phượng), là hàng không mẫu hạm tối tân đầu tiên trên thế giới, hoàn tất năm 1921, trọng tải 9,494 tấn, mà cũng không tiết lộ cho thế giới biết về chiếc Shimakazé (Phong Ðảo), một khu trục hạm tuyệt hảo loại mới, 3,400 tấn, được võ trang 4 khẩu 127 ly và 15 ống phóng thủy lôi 610 ly, và có thể đạt tốc lực tối đa 40 hải lý (76km/g).

Trong khi đó Nhựt mang biểu diễn quanh duyên hải Hoa Kỳ hai đống sắt vụn trên mặt nước, do một bọn sỹ quan vụng về mới ra trường điều khiển.

Khi chúng tôi đến Nữu Ước, hầu hết dân chúng ở đây đều đón tiếp chúng tôi niềm nở. Chẳng hạn như trong một buổi dạo cảnh, tôi và ba người bạn ghé vào thương xá Wanamaker, một người Mỹ rất vui vẻ và lịch sự, có lẽ là giám đốc, mời chúng tôi chụp chung một tấm ảnh. Rất tiếc là tôi không nhớ tên ông ta.

Trong bốn anh em chúng tôi chụp chung trong ảnh này, chỉ có Matao Machida, sau này là Ðại tá, đứng ở góc trái và tôi là còn sống sót. Machida trở thành một sỹ quan kỹ thuật, đặc biệt trong lãnh vực quang học. Hiện tại Machida sống ở Ðông Kinh, một trong những ủy viên quản trị của công ty máy ảnh Canon. Ông cũng là người chế loại máy ảnh và các thấu kính cực vi nổi tiếng đương đại.

Từ Nữu Ước chúng tôi băng qua Ðại Tây Dương. Chúng tôi chọn hải trình này, gian nan hơn Thái Bình Dương, bởi lúc ấy chúng tôi đã làm quen với biển cả. Chúng tôi thăm viếng Anh và nước Pháp, trước khi xuyên ngang Ðịa Trung Hải và Ấn Ðộ Dương, hướng về quê nhà. Chúng tôi trở về Nhựt ngày 9 tháng 3 năm 1922 sau thời gian gần 7 tháng vắng mặt.

Tuần sau:  Chương IV

Hiệp ước Tài binh Hoa Thạnh Đốn

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính theo bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang Forum Militaire