“Tokyo Express” là danh hiệu phía Hoa Kỳ đặt cho những khu trục hạm Nhật vận chuyển binh lính lên đảo Guadalcanal, hằng đêm và hằng đêm… Không thật sự là một giải pháp tối ưu, vì tuy các khu trục hạm Nhật hải hành với vận tốc 30 hải lý có thể tránh né các tấn công của máy bay và tàu ngầm Mỹ (so với các hải vận hạm không võ trang di chuyển chậm chạp không quá 10 hải lý), thì sức chứa tối đa của một tàu khu trục không quá một tiểu đoàn; trong lúc một dương vận hạm nặng vận tải một trung đoàn với ba tiểu đoàn chỉ trong một chuyến.

Yếu kém khác, Nhật không có loại tàu há mồm Landing Ship Tank (LST) với đáy bằng phẳng, để có thể cặp sát và thải khí cụ lên bãi cát. Các khu trục hạm Nhật phải ném những kiện hàng bọc kín buộc phao xuống biển với hy vọng thủy triều sẽ đẩy vào bờ cho bộ binh thâu nhặt. Một process hãy còn thủ công và là lý do khiến bộ binh Nhật thiếu vũ khí nặng. “Những chuyến tàu tốc hành Đông Kinh” còn bị giới hạn thời gian: chỉ có thể tiếp tế ban đêm và phải rời khỏi Guadalcanal trước 3 giờ sáng để thoát ra ngoài chu vi oanh kích của máy bay Mỹ sẽ cất cánh khi mặt trời lên. Là một trong những nguyên nhân làm trận đánh dằng dai.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXIV

Các “Chuyến tàu tốc hành Ðông Kinh” của Ðề đốc Gunichi Mikawa, qua 8 chuyến chuyên chở vào những ngày từ 2 đến 11 tháng 10-1942, đã đổ 10 ngàn binh sỹ của Sư đoàn 2 Bộ chiến Sendai lên Guadalcanal một cách suôn sẻ và thành công đến nỗi gây kinh ngạc cho Ðồng Minh bắt đầu nhìn thấy “xà trận”.

Thời gian này chỉ có một cuộc đụng độ nhỏ vào ngày 11 giữa Hải đoàn 6 Tuần Dương hạm của Ðề đốc Aritomo Goto và Task Force 64 của Ðề đốc Norman Scott. Nhóm chiến hạm hộ tống Nhựt bị lực lượng của Scott phục kích ở eo biển nằm giữa đảo Savo và đảo Guadalcanal, trận đánh đi vào lịch sử dưới tên thủy chiến Mũi Hy Vọng (Cap Espérance). Hải lực Hoa Kỳ gồm 4 tuần dương hạm và 5 khu trục hạm trong khi Nhựt chỉ có 3 tuần dương hạm và 2 khu trục hạm. Cuộc quần thảo dữ dội kết thúc với 2 chiến hạm Nhựt là Furutaka bị đánh chìm và tuần dương hạm Aoba bị hư hại nặng, phía Hoa Kỳ có khu trục hạm Duncan chìm, khu trục hạm Farenholt và 2 tuần dương hạm Salt Lake City và Boise hư hại nặng. Sự thiệt hại to tát của Nhựt trong trận đánh này là cái chết của Ðề đốc Goto, nhưng cũng có cái lợi là đuổi sạch tàu Mỹ trong hải vực. Do đó, Phó Ðô đốc Takeo Kurita có thể đưa 2 thiết giáp hạm Kongo (Kim Cương) và Haruna (Ðỉnh núi Haruna) của ông áp sát bờ biển Guadalcanal vào đêm 13 tháng 10 để pháo kích vào cạnh sườn địch.

Ðây là bước đầu phế bỏ chánh sách “cất giữ” thiết giáp hạm do Yamamoto chủ trương trước đây. Trong các cuộc hành quân đã qua, ông luôn từ chối đưa các thiết giáp hạm “quý giá” đến gần các khu vực chiến đấu. Và trong cuộc hành quân này, Yamamoto cũng tận dụng không yểm, phát xuất từ một sân bay ở Bougainville, cho thấy lá bài quyết định đã được đánh xuống.

Lúc 23 giờ ngày 13 tháng 10, hai thiết giáp hạm Kongo và Haruna, mỗi chiếc 37 ngàn tấn, tiến sát bờ biển trong vòng một dặm, với vận tốc trung bình 18 hải lý, và cả 16 khẩu trọng pháo 356 ly đồng loạt nả 918 quả đạn lửa vào căn cứ Henderson Field của địch quân. Sân bay bốc cháy suốt 24 tiếng đồng hồ. Trước màn ngoạn mục này, các binh sỹ đã đổ bộ lên Guadalcanal đều phấn kích và thúc giục Yamamoto “trình diễn” thêm một lần nữa. Yamamoto đồng ý, và đêm sau 2 tuần dương hạm Chokai và Kinugasa của Ðề đốc Mikawa chạy dọc theo bờ biển, dập phi trường địch thêm 753 trái pháo 203 ly nữa.

(Thiết Giáp Hạm Kongo và Haruna hạ thủy năm 1915, cùng lớp thiết giáp hạm Hiei và Kirishima, trang bị 8 đại bác 356 ly, 16 pháo 150 ly, đạt tốc độ 30 hải lý với 1,437 thủy thủ đoàn, cả 4 chiếc đều bị đánh chìm trong cuộc chiến Thái Bình Dương. Hiei và Kirishima chìm ở Guadalcanal, Kongo chìm trong trận Leyte còn Haruna sau khi đào thoát về quân cảng Kure cũng không thoát khỏi các phi cơ của Task Force 58, bị đánh chìm vào ngày 28 tháng 7 năm 1945, chưa đầy một tháng trước khi Nhựt đầu hàng).

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Trong các ngày này Hải quân đảm trách những công tác nhẹ nhàng, chỉ có một nhiệm vụ được xem là quan trọng là tải võ khí nặng cho quân đổ bộ. Vào lúc đó, Task Force của Hoa Kỳ bắt đầu quay trở lại. Ngày 15 tháng 10, phi cơ Mỹ đã đánh chìm 6 hải vận hạm Nhựt. Vào sáng sớm ngày 17, hai khu trục hạm của US Navy  đã bắn cháy nhiều tàu tiếp tế của Nhựt, và buổi trưa cùng ngày, 7 oanh tạc cơ Hoa Kỳ trở lại “dọn dẹp” thêm một lần nữa. Vì thiếu phương tiện cơ động để nhanh chóng chuyển đồ tiếp tế từ tàu lên bờ, cất vào những chỗ an toàn nên Nhựt phải chịu đựng thiệt hại nặng nề. Chúng tôi chỉ biết nhìn ngọn lửa bốc cao mà lắc đầu.

Task Force Hoa Kỳ sau hoàn tất nhiệm vụ đã rút lui và chỉ bị phát hiện cách phía Nam Guadalcanal 110 dặm nhưng Ðệ Nhị Hạm đội của Ðề đốc Kakuta lại nằm cách phía Bắc hòn đảo 200 dặm, thành thử không thể nào đuổi kịp.

Khi Yamamoto tăng cường hải lực Nhựt trong khu vực, Hoa Kỳ đã hành động đúng theo chương VII của Binh Pháp Tôn Tử: “Ðương đầu với một địch quân mạnh mẽ, phải chờ lúc tinh thần đối phương suy vi để đánh… Một kẻ địch vừa phất cờ giống trống ra quân bao giờ cũng hăng hái, nên tránh né. Ðối thủ sẽ mệt mỏi và biếng nhác hẳn trên đường trở về điểm xuất phát, là lúc đánh.”

Hai hạm đội Nhựt đã ở trên hải vực phía Nam quần đảo Solomon hơn một tuần lễ mà không hề đụng một trận nào gọi là dữ dội, thành thử đã bắt đầu uể oải, tinh thần hăng hái trước đó tan biến dần. Ðồng thời, đến ngày 20 tháng 10, chúng tôi cũng đã hết kiên nhẫn trong việc chờ đợi các đơn vị đổ bộ lên Guadalcanal mở một cuộc tấn công toàn diện. Sư đoàn 2 Bộ chiến Sendai, hiện có mặt trên đảo Guadalcanal, chính là sư đoàn chiếm đóng Nam Kinh trong cuộc chiến Hoa-Nhựt trước đây, đã gây nhiều tai tiếng không tốt cho Nhựt qua các hành động dã man và hãm hiếp của họ trong thành phố này. Mới đây, sư đoàn này cũng đã đánh chiếm Java một cách dễ dàng. Nhưng ở Guadalcanal, cho dù thâm niên nhứt Lục quân Nhựt, thành lập từ 1871, Sư đoàn Sendai đành bó tay một cách không ngờ trước khí hậu độc địa và địa thế hóc búa trên hòn đảo này. Hiện tại, với hơn phân nửa trang bị vừa mới đưa đến đã bị chiến hạm và phi cơ Mỹ thiêu rụi, sư đoàn này đang chiến đấu trong tình cảnh nguy ngập thực sự.

Nhưng mặc dù tình thế của bộ binh nguy biến như vầy, cuộc tổng phản công dự định vào ngày 20 tháng 10 lại đình hoãn, trong lúc Hải quân đã thấy chán nản vì bị chôn chân một chỗ. Và không may hơn nữa, hàng không mẫu hạm Hiyo (Phi Ưng), soái hạm của Ðề đốc Kakuta, bị trục trặc máy móc vào ngày 22 tháng 10, sửa chữa cách nào cũng không được. Hiyo nguyên thủy sử dụng máy của tàu vận tải, vì vậy trước đó cũng không đầy đủ khả năng của một hàng không mẫu hạm. Kakuta phải dời bộ chỉ huy sang mẫu hạm Junyo (Chuẩn Ưng) và ra lịnh cho chiếc Hiyo trở về Truk. Trên hải trình trở về, chiếc Hiyo không thể nào chạy quá 6 hải lý một giờ. Kakuta vừa bị chặt một cánh tay.

Cùng lúc Hoa Kỳ sắp xếp một cuộc tấn công dữ dội nhắm vào Hải quân Nhựt hơn là vào Bộ binh Nhựt đã đổ bộ lên đảo Guadalcanal. Hiện thời Ðệ Nhị Hạm đội của Kakuta chỉ còn một hàng không mẫu hạm. Chiếc Zuiho (Thụy Phụng) đã tăng phái cho Lực lượng Ðặc nhiệm Nagumo trước đó. Kakuta bị chặt nốt cánh tay còn lại, ông chỉ còn hai chân là chiếc Junyo và các khu trục hạm. Như thế, khúc đuôi của “con rắn” trong “xà trận” của Tôn Tử đã mất hết 2/3 sức lực. Trong lúc các Task Force mạnh mẽ của Hoa Kỳ đã vào thế sẵn sàng khai hỏa.

Quá trưa ngày 24 tháng 10, Phó Ðô đốc Chuichi Nagumo ngồi trầm ngâm trong cabin trên hàng không mẫu hạm Shokaku (Tường Hạc). Sau thảm bại Midway, Nagumo trở nên cằn cỗi, tóc ngả sang muối tiêu, gương mặt hốc hác và luôn cau có. Ông liếc nhìn hai mảnh giấy trên bàn. Ông đã đọc hàng trăm lần để cố gắng hiểu ý nghĩa của những dòng chữ chứa trong hai mảnh giấy ấy. Một mảnh trích United Press, đề ngày 20 tháng 10, cho biết Hải quân Hoa Kỳ đang chuẩn bị một trận đánh phối hợp quan trọng ở Nam Thái Bình Dương. Nagumo tự hỏi không hiểu có đúng hay không, hay là tin đánh lừa và là một chiếc bẫy gài?

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Mảnh giấy thứ hai là con số những chiến hạm địch do phi cơ thám thính của Nagumo phát hiện, theo đó từ 12 đến 24 tháng 10, hàng không mẫu hạm của địch vắng bóng, ngoại trừ hai chiếc Enterprise và Hornet kết hợp một lần duy nhứt vào ngày 13. Thiết giáp hạm nặng của địch cũng ít ỏi, vài ba chiếc và nhiều nhứt là 5 chiếc vào ngày 24. Con số tuần dương hạm nhiều hơn, nhưng nhiều nhứt là 8 chiếc vào ngày 16. Riêng khu trục hạm của địch có con số đáng kể, 15 chiếc vào ngày 16 và 19 chiếc vào ngày 24.

“Như vậy các hàng không mẫu hạm địch vắng bóng trong khu vực suốt một tuần lễ.” Nagumo lẩm nhẩm. “Sự vắng mặt này là ý gì?”

Nagumo bật dậy bước qua lại trong phòng. Ông chợt dừng lại và nghĩ đến lời khuyên của Tôn Tử: “Trước một kẻ địch hăng hái nên né tránh, hãy chờ cho kẻ này chán nản và trễ biếng rồi hẳn đánh.”

Tiếng gõ cửa, một trong những sỹ quan tham mưu của Nagumo bước vào phòng. Là Trung tá Toshitane Takada. Sau khi chào, Takada lên tiếng: “Thưa Ðô đốc, bên Truyền tin báo cáo là thình lình họ bắt được một số công điện dồn dập không thể giải mã, nhưng rõ ràng là những mật điện trao đổi giữa tiềm thủy đĩnh và phi cơ địch lai vãng gần đây.”

Nagumo gật đầu: “Tốt! Hãy gọi Tham mưu trưởng Kusaka lập tức.”

Ðề đốc Ryunosuke Kusaka, một sỹ quan năng động và to con, ba chân bốn cẳng chạy đến.

Nagumo hỏi: “Việc tiếp tế cho tàu bè chúng ta đến đâu?”

Kusaka đáp: “Thưa Ðô đốc, tất cả đang nhận nhiên liệu từ các tàu chở dầu.”

Nagumo gật đầu: “Tốt! Báo cho tất cả các hạm trưởng biết họ sắp sửa nhận nhiệm vụ quan trọng. Các tàu đã lấy dầu xong thì phải trở về đội hình ngay.”

Cũng khoảng thời gian này, trên hàng không mẫu hạm Junyo, Ðề đốc Kakuji Kakuta, đang nghe tin tức của đài phát thanh Hạ Uy Di. Theo đó, một trận đánh quan yếu sắp xảy ra gần Solomon được xướng ngôn viên địch xác nhận. Kakuta cũng đã xem qua hai mảnh báo cáo giống y như của Nagumo. Kakuta khịt mũi và day lại sỹ quan điều không của mình, Thiếu tá Masatake Okumiya: “Tốt! Masatake, anh nghĩ gì?”

Viên sỹ quan thông minh và hoạt bát, đôi mắt long lanh trên khuôn mặt bị nám đen do một tai nạn rớt phi cơ gây ra trước đây, hắng giọng và nói một cách nhỏ nhẹ: “Thưa Ðề đốc, ngày 27 tháng 10 là ngày sáng lập Hải quân Hoa Kỳ. ”

Kakuta, một tay chiến đấu không biết mệt, nhảy dựng lên và cất tiếng cười ha hả: “Tuyệt hảo! Tuyệt hảo! Hãy chuẩn bị gấp món quà Navy Day hậu hỉ cho mấy tên Yankee tự phụ này! Cho chúng một bài học!”

Trên soái hạm Shokaku, Nagumo vẫn họp với Kusaka. “Thế trận của chúng ta hiện tại đã dàn như thế nào?” Nagumo hỏi. Kusaka đáp: “Hai thiết giáp hạm Hiei và Kirishima, tuần dương hạm Chikuma và 7 khu trục hạm của Ðề đốc Koki Abê, cách phía trước chúng ta 60 đến 80 dặm hướng Nam. Tuần dương hạm Tone và khu trục hạm Terutsuki (Nguyệt Rạng) của Ðề đốc Chuichi Hara ở hướng Ðông cách đây 200 dặm. Ðệ Nhị Hạm đội của Ðề đốc Kakuta cách 300 dặm hướng Tây.”

“Có tin tức gì về các hàng không mẫu hạm địch không?” Nagumo chau mày.

“Dạ không!”

Một khoảng im lặng ngắn ngủi bị Nagumo phá vỡ bằng câu nói có hơi lưỡng lự và nghĩ ngợi: “Ở Midway, địch đã chọn đúng thời gian đánh chúng ta. Hiện tại chắc họ cũng làm như vậy, những mục tiêu mà họ nhắm vào chúng ta đã rõ như ban ngày, nhưng chúng ta vẫn đui mù.”

Thiếu tá Takada, một sỹ quan tham mưu, lên tiếng: “Xin lỗi Ðô đốc, tôi có thể mạn phép đề nghị gởi một công điện cho Yamato (tức soái hạm của Yamamoto lúc đó ở Truk) để xin huấn thị?”

Nagumo im lặng. Kusaka nhắm mắt một lát, sau đó mở bừng ra nói: “Phải, Takada, hãy chuyển một công điện như sau: Kusaka, Tham mưu trưởng Ðệ Nhứt Không Hạm đội gởi Phó Ðô đốc Matome Ugaki, Tham mưu trưởng Hạm đội Hỗn hợp. Tôi xin mạn phép đề nghị ngừng bước tiến về phía Nam của chúng ta cho đến khi nào chúng ta nhận được tin tức dứt khoát cho biết Lục quân đã chiếm các phi trường ở Guadalcanal. Hình như chúng ta càng lúc càng chui đầu vào rọ nếu chúng ta cứ tiếp tục dấn bước thêm.”
Nagumo chăm chú lắng nghe và gật đầu để chứng tỏ sự đồng ý của ông. Công điện được gởi đi và cabin chìm trong nỗi im lặng nặng trĩu. Nagumo với bộ tham mưu quyết định bất động để chờ hồi đáp.
Khu trục hạm Amatsukaze của tôi lúc đó đang chạy cách tả mạn soái hạm Shokaku của Nagumo 2,000 thước. Tàu của tôi, thêm một tuần dương hạm và 9 khu trục hạm là nhóm hộ tống bao quanh chiếc Shokaku và 2 hàng không mẫu hạm Zuikaku và Zuiho thuộc Ðệ Nhứt Không Hạm đội. Nagumo và Kusaka cùng học bài học cay đắng và đắt giá ở Midway, nên cả hai không dám khinh suất lần này.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 7 tháng 3 năm 2024

Quá nửa đêm, phúc đáp đến từ Truk: “Ugaki gởi Kusaka: Lực lượng của ông tiếp tục tiến nhanh về phía Nam. Các lịnh hành quân vẫn duy trì.”

Kusaka bặm môi. Takada kêu trời. Nagumo khịt mũi, và sau đó nói một cách trầm tĩnh: “Ðược, ra lịnh cho các hàng không mẫu hạm lấy thêm nhiên liệu.”

Ba hàng không mẫu hạm chạy chầm chậm để lấy dầu trong bóng đêm. Bình minh ngày 25 tháng 10, mọi việc đang xúc tiến đều đặn thì một báo cáo bay đến cabin của Nagumo làm đảo lộn tất cả. Nagumo lúc đó còn đang ngủ. Là báo cáo của phi cơ tuần phòng trên đầu chúng tôi.

“Vừa bắn hạ một máy bay thám thính của địch!”

Nagumo chồm ngay dậy: “Ngưng tiếp dầu! Quay đầu! Quay đầu! Hướng chánh Bắc!”

5 giờ 30 sáng, hai hạm đội của Nagumo và Kakuta tháo lui, vận tốc 20 hải lý, hướng Bắc-Ðông Bắc. Khi tiếp nhận báo cáo, Nagumo hiểu ngay là địch đã biết rõ vị trí, đội hình của chúng tôi. Ðô đốc Halsey không đoán ra việc thối lui bất ngờ của Nagumo (điều mà Nagumo không làm ở Midway) – nên khi các đội tấn công của Halsey lao đến, vài giờ sau, hạm đội của chúng tôi không còn ở đó.

Mọi người đều bàng hoàng, và hiểu là chúng tôi đã thoát bẫy của địch quân chỉ trong gang tấc. Nếu chúng tôi tiếp tục tiến về hướng Nam mà không xoay hai lần để chạy về hướng Bắc, Task Force Hoa Kỳ đã đánh tập hậu chúng tôi, và chúng tôi sẽ rước thêm thảm bại nhục nhã.

Trên đài chỉ huy của soái hạm Shokaku, Phó Ðô đốc Nagumo bớt căng thẳng lần đầu tiên sau nhiều giờ lo âu. Ông ra lịnh cho phi cơ cất cánh. Mọi người đã học được bài học ở Midway, nếu vì ngần ngừ một phút thì thảm họa có thể ập xuống. Hai hàng không mẫu hạm Shokaku và Zuikaku tung 40 oanh tạc cơ và 27 chiến đấu cơ lên trong vòng 15 phút. Sự nhậm lẹ này trái ngược hẳn với sự chậm chạp như rùa của chiếc Ryujo cách hai tháng trước đây cũng trong khu vực này.

Hai phi cơ thám thính của Hoa Kỳ bỗng xuất hiện, bay vượt qua đầu chúng tôi và bỏ vài trái bom xuống ngay hàng không mẫu hạm Zuiho. Một trái bom nổ tung trên sàn phi đạo và phát hỏa. Ngọn lửa được dập tắt ngay nhưng sân bay của Zuiho bị hư hại nặng.

Hạm trưởng của Zuiho cho biết phi cơ của ông vẫn còn cất cánh được nhưng không thể trở về. Sau khi cho cất cánh tất cả các chiến đấu cơ, Nagumo ra lịnh cho chiếc Zuiho thối lui.

Những chất dẫn hỏa trên sàn tàu của tất cả chiến hạm được lịnh dọn dẹp, và mọi thùng đựng nước để chữa cháy đều mở nắp. Ðịch quân đã biết vị trí của hạm đội chúng tôi và sẽ ồ ạt xuất hiện không biết lúc nào. Chúng tôi căng thẳng cực độ.

Vào lúc 6 giờ sáng, Nagumo tung làn sóng tấn công thứ nhì bao gồm 16 chiếc Zéro của chiếc Zuiho và các máy bay của hai chiếc Shokaku và Zuikaku. Hiện tại, tất cả các hàng không mẫu hạm Nhựt không còn một chiến đấu cơ nào bao che. Nhưng chúng tôi phải ra tay trước, đánh phủ đầu địch quân. Các đám mây dầy bay chập chờn trước mắt tôi chứa đầy nguy hiểm. Trận đấu sắp bùng nổ.

Tuần sau:  Chương XXV 

Mãng Xà trận Santa Cruz

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships