Như hầu hết các thiếu niên miền Nam trước 75, tôi ít biết đến Mặc Đỗ. Thế giới của ông trầm mặc hãy còn cách quá xa lứa tuổi thiếu nhi. Chúng tôi đọc duy nhất truyện dịch của ông và say mê Giờ Thứ 25 rồi Ngư ông và Biển cả. Với cá nhân tôi, thành tựu lớn nhất của Văn học miền Nam nằm trong phần dịch thuật. Các dịch giả xưa tài hoa và am tường Anh, Pháp, Hoa đã cống hiến cho tuổi trẻ trong Nam cả một vũ trụ. Biết bao chân trời đã mở ra với những tác phẩm dịch ấy. Phải sang đến Pháp giữa mùa Đông băng giá tôi mới biết đến sáng tác tiếng Việt của Mặc Đỗ. Văn của ông trầm trầm, không sáo ngữ, ít tĩnh từ, không dục tính, tất cả diễn ra trong ý nghĩ thầm lặng của nhân vật. Phải vô cùng kinh nghiệm trong lĩnh vực văn xuôi, chắc tay nghề, mới viết được như vậy vì gần như không có gì xảy ra trong truyện mà vẫn cuốn hút, đặc biệt đẫm không khí của một sự trống rỗng. Phải sống trong khu tam giác Austin, San Marcos, San Antonio của tiểu bang Texas mới cảm thấu hết sức vắng lặng của một dải đất buồn thiu lóa nắng. Không núi, không biển, không rừng rậm, không tiếng động… Là Sinh Nhật, một trong những truyện ngắn đầu tiên Mặc Đỗ viết trên đất lạ. [Trần Vũ]

Kỳ 1

Lũy viết cho Kim trong thư: “Có hai lý do giục Kim nên xuống đây chơi. Thứ nhất, anh muốn giới thiệu với Kim người đã có sáng kiến giúp anh sớm có thể xây dựng với Kim. Thứ hai, để bàn chuyện xây dựng Kim cần biết rõ trước đời sống, khung cảnh sống hiện tại của anh; những lời anh viết trong thư, xúc động của Kim khi đọc, dễ làm sai lạc sự phán đoán. Kim nên xuống đây trước khi chọn lựa giữa hiện tại đang có và tương lai sẽ xây dựng với anh. Quyết định do tình cảm có lẽ Kim đã có, nhưng anh nghĩ cũng còn một khía cạnh quan trọng liên hệ tới mọi chi tiết của đời sống hàng ngày”.

Kim đọc lại đoạn thư của Lũy rồi cười một mình. Lũy thật khéo bày vẽ! Lần thứ nhất Lũy thúc giục, Kim đã nghĩ: Nhớ, muốn gặp thì cứ bảo rằng nhớ là Kim tức khắc lo thu xếp, Lũy tưởng Kim không nao nức sao! Còn bày đặt lý do này nọ. Kim chỉ có một thắc mắc: Mối tình giữa hai người có chân thành hay không? Một khi đã thật bụng yêu nhau mọi hậu quả sẽ được chấp nhận hết, dù tốt dù xấu. Cả Lũy lẫn Kim có ai định trước được một ngày sẽ gặp nhau trên đất này, tại sao còn phải băn khoăn chuyện tương lai? Thiết tha yêu nhau, rồi cùng ra sức cố gắng, sau muốn ra sao cũng được. Ðó là triết lý đơn giản của Kim.


Tên thật là Đỗ Quang Bình, Mặc Đỗ là nhà văn, nhà báo, dịch giả và một trong những tên tuổi của Văn học Miền Nam trước 1975. Ông sinh năm 1915 tại Hà Nội, học luật nhưng không hành nghề mà chọn viết văn… Khởi đầu viết các truyện ngắn, kịch và dịch sách. Sau 1954 di cư vào Nam, cùng với Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan thành lập nhóm Quan Điểm, xuất bản sách của các thành viên trong nhóm. Ông cũng đã cùng với các nhà văn Vũ Khắc Khoan, Tam Lang Vũ Đình Chí, nhà thơ Đinh Hùng, Như Phong Lê Văn Tiến, Mặc Thu Lưu Đức Sinh sáng lập tờ nhật báo Tự Do đầu tiên ở Miền Nam. Sau 1975 ông định cư ở Mỹ và từ trần ngày 20 tháng 9 năm 2015 tại Austin, tiểu bang Texas Hoa Kỳ.

Tác phẩm:

Bốn Mươi (1956), Siu Cô Nương (1958)

Tân Truyện I (1967)

Tân Truyện II (1973)

Trưa Trên Đảo San Hô (2011)

Truyện Ngắn (2014)

trừ Tân Truyện II (1973) của Nxb Văn, sách Mặc Đỗ đều do Nxb Quan Điểm in.

Dịch thuật:

Ngư Ông và Biển Cả / Ernest Hemingway (Quan Điểm 1956)

Con Người Hào Hoa / F.Scott Fitzgerald (Quan Điểm 1956)

Một Giấc Mơ / Vicki Baum (Cảo Thơm 1966)

Người Vợ Cô Đơn / Francois Mauriac (Cảo Thơm 1966)

Thời Nhỏ Trong Gia Đình/ Luvers / Boris Pasternak (Văn 1967)

Tâm Cảnh / André Maurois (Văn 1967)

Anh Môn / Alain-Fournier (Cảo Thơm 1968)

Vùng Đất Hoang Vu / Léon Tolstoi (Đất Sống 1973)

Giờ Thứ 25 / Virgil Georghiu (Đất Sống 1973)

[trích 40 Năm Hải Ngoại – Một Nén Hương Một Bông Hồng Cho Những Nhà văn Nhà Thơ Đã Khuất Núi – NhậtTiến]


Nhưng từ ý định đến thực hiện được ý định Kim đã mất hơn một tháng. Kim làm việc tại một xưởng hoa giả từ hơn hai tháng sau khi định cư. Nếu Kim là người ham có nhiều tiền, cân nhắc kỹ lợi và thiệt giữa những sở làm có thể kiếm được thì Kim đã không ở lâu tại xưởng này tới mười tám tháng. Sau gần bốn tháng chuyên một việc ngồi nắn những sợi dây kẽm đã cắt sẵn thành hình thù cành hoa – một công việc không nặng nhọc nhưng rất cực cho mấy ngón tay của Kim suốt ngày không ngừng uốn những đoạn thép cứng – Kim mới có cơ hội lộ được tài khéo, và tiến hai bước tới khu vực làm việc có giá nhất xưởng, nơi những bộ phận rời – cánh, lá và hoa – được ráp lại rồi xếp trong hộp có lót và phủ giấy lụa. Cùng làm việc tại đó với Kim có năm bà đã lớn tuổi, ai cũng đã làm với hãng cả chục năm. Bà nào cũng giấu kỹ sổ lương lãnh mỗi tháng, nhưng Kim không thấy thái độ thương bảo hoàng hơn vua của họ đối với hãng đủ chứng tỏ mức lương cao, vì coi bộ bà nào cũng thiếu tiêu, bữa trưa ở sở rất đạm bạc. Riêng phần Kim, với mười tám tháng làm việc đều đặn và ba lần lên lương, mỗi giờ làm việc của Kim mới được trả cao hơn số tối thiểu luật định có đúng năm mươi xu. Ở một thành phố lớn và sẵn những hiểu biết về may cắt Kim có thể, như nhiều bạn gái đồng cảnh khác, chịu khó kiếm một chân chuyên môn sửa lại quần áo may sẵn cho vừa với kích thước của từng khách hàng tại các tiệm lớn và được gấp ba số lương giờ hiện tại của Kim. Nhưng Kim đã ở lì tại xưởng hoa giả vì một lý do Kim cho rằng rất lớn, sở làm gần nhà, Kim đi bộ mỗi lần không đầy mười lăm phút, tránh được mọi phiền toái nếu ở xa phải di chuyển bằng bus hay một cách nào khác. Hơn nữa, bà chủ xưởng từ ngày biết được tài khéo và đức siêng năng của Kim đã thường có những cử chỉ săn sóc. Kim hiền và thơ ngây, không như những người làm công đòi hỏi chủ nhân nên săn sóc cụ thể qua tấm séc tiền lương mỗi nửa tháng. Kim đã cho những săn sóc không tốn tiền đó một cái giá tình cảm và không muốn thay đổi. Tháng trước, khi Lũy lần đầu giục xuống chơi, Kim đã dự định xin nghỉ một tuần. Mấy bà đồng sự nhao nhao phản đối, Kim cũng mặc. Nhưng Kim đã vui lòng đổi ý khi đích thân bà chủ giải thích cho biết hàng đang lúc phải sản xuất gấp cho kịp nhu cầu và khuyên Kim nên hoãn lại một tháng chờ qua mùa đã. Kim không nghĩ rằng đã xúc phạm tới mối tình đối với Lũy khi đặt quyền lợi của bà chủ hãng trên sự thúc giục của bạn, không ngớt dựa vào một lý do rất mơ hồ nhưng Kim thấy thấm thía lắm: còn ăn ở với nhau cả đời, lo gì.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Lũy cũng tin tưởng nơi sự lâu bền tương lai, nhưng không bớt ham hố với hiện tại. Sau lần viết thư đề nghị Kim xuống thăm nơi định cư của mình và Kim trả lời đồng ý, trong vòng hai tháng Lũy đã năm lần thúc giục. Lũy cảm thấy có quyền hối hả như vậy. Hai mươi tháng trước, hai người lần đầu gặp nhau ở trại tạm cư. Thời gian hơn một tháng ở trại đủ giúp hai người độc thân hiểu bụng nhau và cũng muốn tiến xa hơn tình bạn. Qua những dịp trao đổi tâm sự thường tỏ lộ sự cảm mến lẫn nhau cộng với một nhu cầu chung, tựa vai vào nhau cho thêm vững trước một tương lai quá nhiều mới lạ. Thái độ quyết tâm nhưng thận trọng của Kim đã kém bớt rất nhiều nỗi hối hả của Lũy. Do đó, Kim vẫn đi theo vợ chồng người chị họ và sự sắp đặt vô tình của tổ chức bảo trợ đã chia cách hai người tới trên một ngàn dặm. Hồi mới đến nơi định cư Lũy hầu như mỗi ngày viết thư cho Kim để than vãn vì xa cách và nỗi heo hút của thị trấn nhỏ. Những lời thư hồi âm của Kim đằm thắm nhưng bình tĩnh đã khiến Lũy từ bực tức ban đầu đổi qua quyết tâm chiều theo ý Kim, hãy mọc rễ tại chỗ rồi sẽ xây dựng sau. Sở năng về cơ khí của Lũy đạt được hồi tại ngũ đã giúp Lũy trở thành chuyên viên sửa xe hơi thành thạo sau hai khóa huấn luyện. Từ bốn năm tháng nay ông chủ trạm xăng kiêm xưởng sửa xe bên xa lộ ở cách thị trấn già nửa dặm đã gần như giao phó hẳn mọi công việc cho chàng phụ tá trẻ tuổi. Khách hàng cũng đòi hỏi được Lũy chăm sóc chiếc xe của mình thay vì ông chủ già chậm chạp và hay nói. Từ sáng tới tối Lũy hết chạy đi kéo xe hư lại lụi hụi sửa chữa. Ông chủ thành ra giữ vai trò trước kia của Lũy, chuyên một việc bơm xăng cho khách hàng. Nhờ lây thái độ thận trọng từng bước của Kim bây giờ Lũy đã bén rễ thật sự tại nơi định cư. Bắt chước Kim, và Lũy cũng muốn chọc lại Kim cho bõ với hơn một năm trường Kim bắt phải thận trọng chậm chạp, Lũy không rủ Kim xuống đây chung sống, còn bày đặt mời Kim hãy thử xuống chơi và xem xét đời sống mà Lũy sắp đặt cho Kim có hợp với Kim hay không. Bày đặt như vậy nhưng Kim chậm tới Lũy đã sốt ruột phải năm lần thúc giục trong vòng hai tháng.

Ngạc nhiên đến với Kim như một đụng chạm thật mạnh. Tên thị trấn nơi xe ghé cho Kim xuống vừa đọc thấy trên tấm bảng dựng bên đường thì xe đã đậu ở trạm. Trên hè trước của trạm có hai người đàn ông đứng dưới nắng chói chang. Kim ghé tới sát bên tấm kính cửa để ngó cho kỹ: Một ông Mỹ già cao lớn, áo sơ-mi kẻ ô vuông với chiếc nón rộng vành đặc biệt miền Nam và một người trẻ tuổi với bộ đồ thợ máy màu xanh và chiếc nón két đồng màu đội hất ngược ra sau gáy. Ý hẳn người trẻ tuổi nhận rõ gương mặt Kim kề sát tấm kính cửa bèn nở một miệng cười, khi đó Kim mới nhìn ra Lũy. Kim ngạc nhiên đến độ không kịp đáp lại miệng cười chào đón mừng rỡ của Lũy. Nhân viên trên xe phải nhắc Kim mới chợt nhớ và hối hả chuẩn bị để xuống.

Xem thêm:   Hang gấu

Sáng sớm, khi lên máy bay, Kim đọc thấy ở phi trường ghi 22 độ đã tự nhủ rằng mình sắp đi vào mùa Xuân thật sự vì Lũy có cho biết trong thư nhiệt độ ở miền Nam lên tới 65. Từ mùa Ðông đột ngột bước sang mùa Xuân thật sự trong vòng có mấy tiếng đồng hồ đó là một thay đổi lý thú, đang háo hức chờ đợi. Chiều hôm qua từ sở làm đi bộ về nhà Kim thấy bao nhiêu cây cối bên đường đều trơ trụi lá trong không khí lạnh lẽo mùa Ðông. Sáng nay, khi ra tới công viên trước phi trường miền Nam, Kim đã tưởng như chói mắt trước những hàng cây táo nở hoa màu hồng rực rỡ. Tới trạm đáp xe bus Kim lại tần ngần đứng ngắm mãi mấy rặng lê hoa trắng, chen lẫn những gốc mộc lan trổ bông ửng một màu tím hồng. Dọc đường Kim không ngớt ngó ra bên ngoài để ngắm những cây sồi, cây du lộc non tưng bừng. Và tới đây, trên tay lề mề mang nào xách tay nào áo ngự hàn, trong khi nhân viên hãng xe lớn tiếng gọi nhận hành lý và Lũy hớn hở chạy tới đón, Kim còn bận ngơ ngác trong nắng ấm mong nhớ đã bao lâu, trước khung cảnh chung quanh tươi rói những thủy tiên, mẫu đơn, vạn thọ nhiều màu sắc.

Lũy phải nắm lấy hai vai Kim lắc mạnh, Kim mới bàng hoàng thốt một tiếng “Anh!”. Rồi vội tiếp để giải nét ngơ ngác trên mặt bạn: “Anh ơi! Em đang say… Say cảnh sắc miền Nam của anh. Em tưởng như mình là con bướm vừa ra khỏi kén. Trong sáng quá! Tưng bừng quá!”. Lũy vẫn không rời hai tay nắm vai Kim, đáp: “Ðây mới là mùa Xuân. Mấy tháng nữa em sẽ biết nắng ấm miền Nam như thế nào, những ngày oi nồng ở Sài-Gòn cũng chưa thấm!”. Kim không bắt lấy câu nói dè chừng của bạn, đẩy Lũy ra xa một chút để ngó từ đầu tới chân. Gần hai năm trời một mình trải qua hai mùa Ðông miền Bắc, Kim đã chịu được thì cái nóng miền Nam có ghê gớm đến đâu Kim chẳng ngại. Lũy chịu được thì Kim cũng chịu được, lo gì. Nhưng quả thật Lũy của Kim đã thay đổi hẳn sau thời gian xa cách. Kim soi mói từ đầu tới chân Lũy thấy chẳng còn chút gì trong hình ảnh chàng trai ở trại tạm cư. Từ phục sức tới điệu bộ Lũy đã lẫn vào đám đông mà Kim thường gặp. Với bộ đồ xanh lem vết dầu, cái nón kết hất ngược ra sau gáy, Kim thấy Lũy giống hệt những người thợ máy Kim trông thấy ở trạm xăng hay xưởng chữa xe. Kim gật đầu, nói ra ý nghĩ vừa qua trong trí. “Bằng lòng lắm!”

Lũy ngạc nhiên hỏi lại: “Bằng lòng lắm?” Kim đáp liền: “Vâng, em bảo trông thấy anh em bằng lòng lắm, và em cũng yên tâm nữa”. Lũy dẫn Kim tới trước mặt ông Mỹ già vẫn đứng đó đợi từ nãy với miệng cười không tắt: “Kim, fiancée của tôi, cô ấy bảo rằng tới nơi trông thấy tôi cô ấy bằng lòng lắm và cũng thấy yên tâm nữa”. Ông Mỹ già Ben được Lũy giới thiệu với Kim, ôm hôn Kim trên hai má rồi nói: “Ai ở đây cũng bằng lòng Lũy như cô, cô thấy yên tâm là đúng, cô có thể tin hai vai của Lũy có đủ sức vác gánh nặng cô trao cho Lũy”.

Ba người chia nhau mớ hành lý của Kim từ trạm đậu xe đi bộ lại quán xăng. Lũy nói với Kim: “Ðây là nơi làm việc của anh, ông bà chủ ở đây, còn anh ở mãi trong kia, thị trấn ở cách xa lộ chừng nửa dặm”. Bữa ăn trưa đã được chuẩn bị sẵn để đón Kim. Sau khi ôm hôn Kim, bà chủ Mary đẫy đà tươi tắn nói ra cảm tưởng đặc biệt của mình: “Tôi rất thích phụ nữ Việt-Nam, hầu hết bé nhỏ như búp bê, lọt thỏm trong vòng tay”. Rồi dắt Kim tới trước chiếc quầy vuông gắn liền với lò bếp kê giữa phòng. Bốn người quây quần trong căn bếp rộng kiêm phòng ăn thường ngày. Ngó qua một lượt những phụ tùng bày trên mặt quầy đã đoán ra món ăn trưa bà chủ dự tính đãi mình. Sống trên đất Mỹ đã gần hai năm, Kim chưa hề có dịp nào đủ can đảm thử nếm món ăn rất phổ thông này chỉ vì bản tính kín đáo nhỏ nhẹ. Cứ tưởng tượng hai mảnh bánh mì tròn to bằng nắm tay và chồng chất kẹp ở giữa những xà lách, đồ chua, nhiều cà tô mát, phô-mai, dưa chuột, với một, có khi hai, khoanh thịt bò bằm nướng nóng hổi, bấy nhiêu thứ kẹp lại mà phải cắn từng miếng sao cho đủ vị, cứ tưởng tượng Kim đã thấy ngán. Ngán không phải vì miếng ăn quá lớn mà bởi Kim không thể nghĩ rằng mình có thể há miệng đủ rộng để cắn một miếng và tưởng tượng phải há miệng như vậy chắc xấu lắm. Kim đưa mắt tinh quái ngó Lũy khi bà chủ cho biết hamburger là món Lũy rất thích, hầu như mỗi trưa Lũy đều tự tay làm lấy một cái hamburger thật bự.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Lũy mỉm cười đáp lại con mắt bạn trong khi Ben giới thiệu món ăn quốc túy: “Dự tính sống tại đây cô cần làm quen với món ăn này như Lũy. Nguồn gốc món thịt bò bằm ở mãi bên Bắc Âu từ trước thời Napoléon, sau lần xuống tới Ðông Ðức. Thủy thủ tàu buôn Ðức đưa tới New York và Louisiana vào khoảng đầu thế kỷ này. Lâu dần thành món ăn phổ thông của người Mỹ. Có hơn ba trăm kiểu ăn thịt bò bằm mang tên hải cảng Hamburg, kiểu ăn này phổ thông nhất.

Người Mỹ dễ chấp nhận những món ăn từ hải ngoại đưa tới, nhưng chế biến thành món Mỹ. Có nhiều người Mỹ ở Việt-Nam về rất thích món chả giò nhưng chả giò Việt-Nam bây giờ đang biến dạng, trở thành món egg-roll, giản dị hơn, rau sống không ăn kèm ở ngoài như kiểu Việt-Nam, mà chui vô trong, nhân bên trong cũng khác và khỏi cần nước chấm. Chả giò gốc Việt-Nam nhưng Mỹ hóa và bán ở tiệm Tàu, quán ăn Tàu ở đây có dọn món đó”. Ben vốn hay nói, mọi người khỏi cần chú ý, vừa nghe vừa lo sắp đặt cái hamburger của mình trên dĩa. Kim gần như hoảng kinh thấy Lũy giúp mình chồng chất đủ thứ bên dưới và bên trên khoanh thịt bò, đến khi úp nửa chiếc bánh mì lên cũng thành cái núi cao ngất! Lũy khẽ trấn an Kim: “Ðừng ngại, có đủ thứ mới ngon. Rồi em sẽ ăn quen, với lại ai cũng lo thưởng thức, chẳng bận tâm ngó cái big mouth của người khác đâu mà lo”.

Lũy đỡ lời Kim, nói với Greg: “Viết cho Kim tôi chưa đề cập đến sáng kiến đại lượng của ông. Tôi sẽ trình bày vấn đề với Kim, với những con số, tôi tin rằng sẽ thuyết phục được Kim cùng thực hiện sáng kiến của ông. Bây giờ tôi đưa Kim đi một vòng thị trấn. Bảy giờ chúng ta sẽ ăn bữa tối nhé?” “Ðồng ý, tôi phải vô bếp ngay mới kịp. Nấu một món đặc biệt miền Nam để đãi cô khách quý”.

Lũy đưa Kim đi vòng qua mé sau nhà qua khu vườn rộng đầy cây trái, mở cổng rào bước qua một cánh rừng thưa. Lũy nói với Kim: “Anh đưa Kim đi mua đường một chút nhưng thơ mộng hơn, cũng đỡ phải chào hỏi nhiều người khi qua khu phố da đen, Kim sẽ có đủ thì giờ để làm quen với họ. Vì Kim tới trễ nhằm đúng sinh nhật của ông Greg cho nên anh phải vội trình bày mọi chuyện cho Kim khỏi bỡ ngỡ. Như anh đã nói, và chắc Kim cũng đã nhận thấy trên gương mặt ông Greg, Greg là một người rất buồn, hoàn toàn cô độc. Greg có con cũng như không, còn khổ hơn không con vì biết chắc chúng đã bỏ rơi mình. Greg rất kín đáo nhưng Ben biết rõ hết. Từ ngày gặp Greg tỏ ra thương anh lắm, không một cử chỉ nào lộ liễu quá đáng nhưng anh biết Greg muốn coi anh như con, kín đáo lo tương lai cho anh. Tuy chẳng chờ đợi một tình thương như vậy anh cũng phải động lòng trước sự thành khẩn của một người già thiếu tình thương. Giải pháp giúp đỡ anh do Greg đề ra anh thấy chấp nhận được vì không đụng tới tự do cá nhân của anh. Chúng ta sẽ đem cố gắng và cần kiệm ra đánh đổi lòng tốt của Greg. Mọi chi tiết anh đã thu xếp xong với Ben. Bây giờ chỉ còn chờ em quyết định, chương trình lập nghiệp của anh có thành hay không là do em, có em anh mới cần sắp đặt lâu dài”.

Bước đi bên Lũy, bàn tay trái nắm cánh tay phải của Lũy, Kim lẳng lặng nghe. Nắng chiều vẫn chan hòa sáng khi hai người ra khỏi cánh rừng tới bên sông. Kim bóp mạnh cánh tay Lũy, nói: “Anh, cám ơn anh đã trình bày cặn kẽ cho em biết. Nhưng em có thể nói, em chẳng đòi một lời giãi bày nào của anh hết, cứ nguyên quyết định xuống đây hôm nay với anh đủ trả lời anh. Em yêu anh, em tin anh, nói vậy đã đủ chưa?”.

(còn tiếp 1 kỳ)

Trần Vũ đánh máy lại tháng 12-2019 từ bản in trong Tuyển tập Thơ Văn 90 Tác giả VN Hải ngoại 75-81 trang 235 đến 251, Nxb Văn Hữu 1982.

(*) Tranh minh họa của Loui Jover và bìa sách Folio.