Nhiều phi cơ in bóng lên nền trời Thế chiến. Như khu trục cơ Messerschmitt Bf-109 hay Focke-Wulf FW-190 của Không quân Luftwaffe Đức, Spitfire của Hoàng gia Anh hoặc P-47 Thunderbolt và Lockheed P-38 Lightning của US Air Force. Phía Nhật Bản, Mitsubishi A6M Zéro đi vào lịch sử ở vị trí một chiến đấu cơ tinh hảo cho đến khi thành vỏ tàu cho những phi vụ cảm tử. Thần phong Kamikaze là định mệnh oan khiên của máy bay Zéro. Tuy nhiên vào năm 1941, chiếc Zéro tỏa sáng ưu điểm: rất nhẹ 1680 kg, khá nhanh 533 km/h và đặc biệt tầm bay 3150 km vượt xa các khu trục cơ khác thời ấy. Máy bay Zéro sẽ giúp Sakai trở thành sát tinh của Không quân Đồng Minh.  [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 6

Chương 6

Với tâm trạng đen tối, tôi quay về căn cứ Omura thuộc thủ phủ Nagasaki. Cuộc không kích tàn phá phi trường Hán Khẩu làm mất đi một số đồng đội, cái chết của Mikiko, và các vết thương của tôi, tất cả khiến tôi rủn chí. Hơn nữa, mặc dù căn cứ gần sát bên nhà, tôi không được phép về thăm gia đình cho đến khi các vết thương của mình hoàn toàn lành lặn.

Trước tiên tôi đến gặp vị Chỉ huy trưởng căn cứ  với tất cả sự e dè. Khi tôi được chỉ định về phục vụ tại căn cứ này vào năm trước đây, thái độ khinh bỉ không thiện cảm của ông đối với tất cả các phi công mới ra trường thật đáng buồn. Thái độ ấy làm tôi lo âu. Nhưng tôi đã kinh ngạc xiết bao khi vị chỉ huy mỉm cười rạng rỡ lúc tôi đứng nghiêm trước bàn giấy của ông. Ông nhìn tôi trong giây lát, ngắm nhìn bộ quân phục, mặt mày, và đôi mắt của tôi đang nhìn thẳng về phía trước. Dần dà tôi hiểu thái độ hiện thời của ông. Tin tức về việc tôi đơn độc chống lại 12 phóng pháo cơ địch, mặc dù kết quả không rõ ràng đã bay trước bước chân tôi trở về Nhựt Bản. Thái độ khinh thường trước đây của ông đã chuyển hướng, vị chỉ huy báo cho tôi biết, tôi có thể nghỉ ngơi nhàn nhã ở Omura và trong thời gian này tôi sẽ khỏi phải thi hành một công tác nào cả. Việc này thật đáng kinh ngạc. Những tay lính mới chưa hề được đối xử như thế bao giờ.

Xuống phòng ăn, tôi biết các phi vụ ở Trung Hoa của tôi, với việc hạ 1 chiến đấu cơ và tấn công 12 phóng pháo cơ địch, được thêm mắm giặm muối rất nhiều khiến tôi trở thành một vị anh hùng nho nhỏ đối với các phi công ở đây. Họ bao lấy tôi, nôn nóng nghe câu chuyện không chiến trên lục địa Trung Hoa.

Suốt một tuần lễ, tôi ăn ngủ thoả thích và nhìn các phi công khác thực tập các phi vụ huấn luyện của họ. Sau đó, tôi nhận được lá thơ của cô gái tôi chưa từng quen biết tên là Fujiko Niori. Nàng viết: “Tôi là chị của Mikiko, và tôi muốn nhân cơ hội này để chân thành cảm ơn bức thơ của anh đã gởi cho má tôi, cùng những lời lẽ tử tế và lưu tâm mà anh đã dành cho em gái của tôi. Bức thơ của anh là một tia nắng ấm chiếu rọi vào nỗi tuyệt vọng đang trùm lấp gia đình tôi sau cái chết của Mikiko. Tất cả chúng tôi đều than van rằng Mikiko đã rời bỏ chúng tôi trong lúc nó đang hạnh phúc nhất, tôi không hổ thẹn để nói với anh như vậy. Tôi phải thú nhận, trước khi nhận thơ của anh, tôi luôn mang cảm tưởng rằng tất cả các phi công chiến đấu chỉ thích đánh nhau, họ thiếu tình cảm và sự xúc động. Dĩ nhiên, bức thơ của anh đã làm tôi thay đổi ý kiến. Tôi thành thật ước muốn được kết bạn với anh, nếu anh cho phép, nhứt là nhân danh em gái của tôi. Nỗi vui mừng của tôi sẽ trọn vẹn nếu anh phúc đáp bức thơ này.” Trong phong bì kèm theo một tấm hình của Fujiko. Cô gái 18 tuổi này còn đẹp hơn cô em nàng. Tôi lập tức viết thơ trả lời. Nói cho nàng biết tôi chỉ bị thương nhẹ ở Trung Hoa và hiện thời đã trở về Nhựt để chữa trị cho lành hẳn. Tôi nói với nàng theo lời các bác sĩ cho biết, tôi sẽ sớm được bay trở lại và, ngay khi bình phục, tôi hy vọng sẽ gặp mặt nàng.

Bức thơ thứ nhì Fujiko kể cho tôi nghe nhiều về đời sống của nàng và những việc xảy ra hàng ngày trong thành phố Tokushima trên đảo Shikoku. Tháng kế đó, ít việc ở căn cứ, nên tôi bỏ nhiều thì giờ viết thơ cho Fujiko và đọc đi đọc lại những bức thơ nàng đã gởi cho tôi.

Vào tháng 11 năm 1939, tôi nhận được 24 giờ phép đầu tiên trong năm. Với các vết thương đã hoàn toàn bình phục, tôi nôn nóng trở về nhà. Từ Omura về nhà tôi không quá 1 giờ xe lửa. Mùa gặt đã qua rồi, đồng ruộng quạnh hiu khi mùa Ðông đến, nhưng quang cảnh này không làm tôi chú ý mấy. So với quang cảnh lục địa Trung Hoa đầy buồn chán, tỉnh nhà của tôi không khác nào một vườn hoa và khi xe lửa hướng về ngôi làng, tôi ngắm nhìn dãy núi Kyushu vươn cao trên bầu trời, với màu xanh thẳm của những cánh rừng dày bịt, những dòng suối sáng lóng lánh dưới ánh nắng ban trưa. Khi bước xuống con đường dẫn vô ngôi nhà nhỏ bé, cũ kỹ, tôi không còn tin vào đôi mắt của mình nữa. Một đám đông đang tụ họp trong sân, đứng tràn ra ngoài đường, cùng cất tiếng chào mừng tôi. Tôi ngạc nhiên khi thấy má tôi cùng đi với xã trưởng và nhiều viên chức khác trong làng bước ra đón tôi. Vị xã trưởng cất cao giọng: “Mừng anh trở về, Saburo, vị anh hùng của ngôi làng nghèo khó của chúng ta!”. Tôi bẽn lẽn, tôi chưa bao giờ mơ tưởng sự việc như vầy có thể xảy ra. Tôi ấp úng mãi mới nói cho vị xã trưởng biết tôi không có gì gọi là anh hùng cả, tôi chỉ là một hạ sĩ quan bắn rơi được 1 chiến đấu cơ duy nhứt của địch. Ông ta ngắt lời: “Tánh khiêm nhường rất tốt, nhưng tất cả chúng tôi đều biết anh đoạt được cái đồng hồ bằng bạc của Thiên hoàng ở trường phi công hải quân, và điều này có nghĩa là anh được chọn làm phi công nhiều hứa hẹn nhứt của đất nước chúng ta!” Tôi lặng yên. Những hình ảnh của 5 năm về trước chiếu rọi lại trong trí tôi, lúc tôi bước xuống cùng con đường này, với tâm trạng của một kẻ gây tủi nhục cho gia đình làng xã, với những bạn bè hồi còn để chỏm quay mặt ngượng ngùng. Nếu những người này biết tôi đã vụng về, hầu như chết sững trong buồng lái phi cơ khi đụng trận lần đầu tiên ra sao, hoặc nếu họ biết hành vi của tôi khiến cho vị đại úy phi đoàn trưởng phẫn nộ đến nỗi tức nghẹn không thốt ra lời như thế nào..! Và hiện thời… những tiếp đón long trọng này! Thật là quá mức!

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Sau đó, một con heo to tướng được quay ngay trong sân. Hàng đống thức ăn, rượu sakê và rượu nếp. Tôi vẫn còn đứng ngơ ngác trước quang cảnh đón tiếp không ngờ này cho đến khi má tôi gọi lại bên cạnh khẽ nói: “Tất cả mọi người đều tốt với con. Các thức ăn này do họ góp lại để mừng ngày trở về của con. Ðừng nhăn mày nhíu mặt nữa. Hãy vui lên.” Mọi người đều muốn nghe đủ chuyện ở Trung Hoa, và thường ngắt lời tôi để hỏi rõ nhiều chi tiết liên quan đến trận không chiến, và việc tôi đã tấn công nhóm phóng pháo cơ địch ra sao. Ai ai cũng tỏ vẻ kính nể. Ðôi mắt má tôi sáng long lanh, trong niềm hãnh diện. Ba anh chị tôi, mặc quần áo mới, ngồi mỉm cười, mặt mày rạng rỡ! Khi thực khách ra về, tôi sớm tìm hiểu và biết gia đình tôi vẫn nghèo khổ, như lúc tôi bước chân vô hải quân. Má tôi trấn an tôi, cho biết cả làng giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều và khó kiếm ra hàng xóm tử tế bằng.

Trong thời gian ở Trung Hoa, tôi đã gởi hơn phân nửa tiền lương về nhà, vì tiền bạc bên ấy không tiêu dùng nhiều. Tôi không bao giờ uống rượu và, quả thật tôi không giao du với bất cứ cô gái nào. “Saburo,” má tôi tiếp, “cả nhà cám ơn con đã gởi đều đặn hết số lương của con về. Nhưng hiện thời má không muốn con gởi nữa. Con phải để dành mà tiêu dùng, đã đến lúc con phải nghĩ đến con, và bắt đầu dành dụm để một ngày nào đó còn lập gia đình.” Tôi phản đối mạnh mẽ. Tôi có dành dụm chút ít tiền, nhưng không hề dự định gì vào những năm sắp tới. Nhưng bỗng nhiên tôi nhớ đến Fujiko. Tôi hiểu rõ, nếu tôi vẫn ở trong làng này thay vì gia nhập hải quân để trở thành một phi công, gia thế của nàng sẽ không cho phép nàng giao du với tôi.

Trở về Omura, vị Chỉ huy trưởng trả lại nghiệp bay cho tôi, và tôi bắt đầu thực hiện một loạt phi vụ tập luyện để lấy lại phong độ. Ðầu tuần lễ thứ hai của tháng Giêng năm 1940, tôi nhìn thấy tên tôi trên bảng thông cáo. Theo đó, tôi được chọn với nhiều phi công khác để bay biểu diễn trên thành phố kỹ nghệ rộng lớn Osaka vào ngày 11 tháng 1 năm 1940, ngày quốc khánh của chúng tôi.

Tôi vội vã gởi thơ cho Fujiko, báo cho nàng biết chuyến đi của tôi. Trong thơ phúc đáp, nàng hỏi tôi sẽ ở đâu tại Osaka, vì “ba má và tôi muốn gặp anh tại Osaka vào ngày này.” Cả gia đình này đều có mặt! Quả thật đó là một danh dự đối với tôi. Muốn đi, gia đình nàng phải mất trọn một ngày từ Tokushima xuyên qua biển Nhựt Bản để đến Osaka.

Phi vụ biểu diễn không có gì khó khăn. Quá trưa hôm đó, sau khi phi vụ hoàn tất, chúng tôi vô ngụ trong một khách sạn ở Osaka. Khi tôi đang cạo râu và thay bộ quân phục mới, một trong những hạ sĩ quan chạy ùa vô phòng hả họng rống lên:

“Phi công Sakai! Mau lên! Vị hôn thê của anh đang chờ gặp anh dưới lầu!”

Mọi người cười ồ. Tôi đỏ mặt và vội vã đi ra ngoài.

Fujiko đang bối rối. Tôi ngừng lại trên thang lầu và nhìn nàng. Trong chiếc Kimono khép nép xinh xắn, Fujiko cùng với cha mẹ đứng chờ tôi ngoài hành lang. Tôi khom mình chào họ.

Ðêm đó tôi được gia đình Fujiko mời ăn cơm tại một trong những nhà hàng danh tiếng nhất ở Osaka. Tôi chưa bao giờ đặt chân vô một nhà hàng như vậy trước đây. Song thân của Fujiko thật phi thường đối với tôi. Cả hai đã làm mọi cách để tạo cho tôi sự thoải mái. Nhưng tôi không tránh khỏi ké né, vì hiển nhiên tôi nghĩ mình đang bị xăm xoi, ngắm nghía như một chàng rể tương lai của họ. Ðiều làm tôi rụt rè hơn nữa khi tôi biết được gia đình Niori là một trong những gia đình tiếng tăm nhứt ở Nhựt Bản, xuất thân từ một giòng họ Samurai xuất sắc trong xứ, và thân phụ của Fujiko hiện thời là giáo sư đại học, một địa vị đầy danh vọng thời ấy. Trong bữa ăn, tôi đã từ chối ly sakê do ông Niori tự tay rót cho tôi. Ông cười và thúc giục tôi uống mãi, cuối cùng tôi phải nói cho ông biết tôi không uống rượu, vì tôi là một phi công chiến đấu. Câu đáp của tôi rõ ràng đã làm cho cả gia đình nàng hài lòng.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Ðêm hết quá mau và những lời từ giã được trao đổi, tuy nhiên lời cầu hôn của tôi chưa thốt ra. Trở về Omura, tôi vùi đầu trong công việc huấn luyện bổ túc từ sáng sớm cho đến tối mịt. Mùa Xuân lướt qua rồi mùa Hạ đến và đi. Tôi vẫn ở Omura, vẫn miệt mài với chương trình huấn luyện. Những gì làm cho tinh thần tôi phấn chấn chính là những bức thơ đều đặn của Fujiko. Những bức thơ dâng niềm hy vọng và mộng mơ trong tôi. Nhưng tôi trở nên nôn nao. Nhiều bức thơ tôi nhận được từ mấy người bạn phi công vẫn còn bay ở Trung Hoa kể lại những chiến công mà họ đã gặt hái được từ tuần này qua tuần khác. Hầu hết mấy người bạn này đều đã hạ trên 10 phi cơ địch, gây thất điên bát đảo cho kẻ thù trên không phận Trung Hoa. Tin lành sau cùng cũng đến, tôi được lịnh thuyên chuyển đến căn cứ không quân Cao Hùng (Kaohsiung) ở Ðài Loan. Từ Trung Hoa trở về nước đúng 1 năm, và bây giờ tôi lại được gần gũi với cuộc chiến. Hiện thời Cao Hùng trở thành căn cứ không quân hải ngoại chánh yếu của Nhựt Bản, và sự thuyên chuyển này có nghĩa là tôi sẽ lâm trận ngay sau đó.

Trước khi lên đường tôi đi mua ngay một vật mà tôi đã ao ước suốt năm nay. Ðó là chiếc máy chụp hình hiệu Leica, thấu kính 2.0 Sonar, lúc đó được xem là máy chụp hình tốt nhất thế giới. Giá chiếc máy này hơn 3 tháng lương, và tôi đã vét hết số tiền dành dụm. Các chiến đấu cơ của chúng tôi không được trang bị loại máy chụp hình tự động như máy bay Mỹ, và chiếc máy Leica thích hợp để chụp không ảnh từ phòng lái.

Ðến Cao Hùng, tôi sững sốt tột cùng. Trên phi đạo, tôi nhìn thấy nhiều chiến đấu cơ loại mới, xa lạ, khác hẳn loại 96 Claude. Ðây là loại chiến đấu cơ Zéro Mitsubishi A6M vừa chế tạo, trơn bóng và tối tân. Chiếc máy bay đã gây cho tôi sự thích thú chưa từng thấy. Phòng lái của loại phi cơ này có nắp che, động cơ cực mạnh và bộ phận hạ cánh có thể rút vào thân. Thay vì chỉ có 2 khẩu đại liên hạng nhẹ như loại 96 Claude, loại chiến đấu cơ Zéro được trang bị đến 2 đại liên 7 ly 7 và 2 đại bác tự động 20 ly.

Chưa hết. Vận tốc và tầm hoạt động của chiếc Zéro gần gấp đôi chiếc Claude. Các cơ phận điều khiển tuyệt hảo, chỉ cần ấn nhẹ cần là lập tức động cơ phản ứng tức thì. Ðộ nhạy của chiếc Zéro vượt lên trên tất cả các loại máy bay tôi từng lái. Chiếc Zéro đáp ứng giấc mơ của mọi phi công, làm chúng tôi thêm nôn nóng thử nghiệm nó trong không chiến.

Chúng tôi mang ra thử lần đầu tiên trong cuộc xâm chiếm Ðông Dương thuộc Pháp. Nhiệm vụ là bao che cho các đơn vị lục quân đánh chiếm những vị trí then chốt trên mặt đất. Ðiều này có nghĩa là phải bay không ngừng nghỉ suốt 800 hải lý (1,482 km) từ Cao Hùng đến đảo Hải Nam. Ðó là một khoảng cách không thể nuốt trôi đối với các loại chiến đấu cơ trước đây, nhứt là phi trình phần lớn trên mặt đại dương. So với Claude tầm ngắn, chiếc Zéro như một kỳ quan đối với chúng tôi.

Tuy nhiên, khi tiến vô Ðông Dương chúng tôi không gặp một sự chống đối nào ngoại trừ một vài cuộc đụng độ nhỏ sát biên giới, gây ra bởi một số đơn vị Pháp không kịp thông báo. Cuộc xâm chiếm xúc tiến một cách “hoà dịu” sau thoả hiệp với chính quyền Bảo hộ, tránh được sự lan rộng của chiến tranh.

Tôi vẫn chưa nếm mùi chiến đấu với loại khu trục cơ Zéro cho đến khi được bổ nhiệm trở lại ở Liên Phi đoàn Hán Khẩu vào tháng 5-1941. Tôi nhận thấy phi công địch mất hẳn tinh thần chiến đấu. Sự hùng hổ của phi công Nga-Sô trong trận không chiến đầu tiên của tôi không còn nhìn thấy ở đối phương nữa. Các phi công địch tìm mọi cách để tránh né chúng tôi, và họ chỉ chấp nhận đụng độ khi nào chiếm được ưu thế, lao từ trên mây xuống đánh úp chúng tôi. Thái độ co đầu rụt cổ này bắt buộc chúng tôi càng lúc càng tiến sâu vô nội địa, dồn họ vào thế phải chấp nhận đánh nhau.

Tôi được chỉ định một nhiệm vụ như vậy vào ngày 11 tháng 8 năm 1941, với mục đích ép buộc đối phương lâm trận. Ðó là một phi vụ 1,500 km bay không ngừng nghỉ từ Nghi Xương (Ichang) tỉnh Hồ Bắc đến Thành Ðô (Chengtu) tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan).

Khu vực này quen thuộc, phía trên Nghi Xương, bấy giờ nằm trong tay địch quân, mà tôi đã từng đối đầu với 12 phóng pháo cơ Nga-Sô trước đây. Trong phi vụ xâm nhập này, chúng tôi có thêm nhiệm vụ hộ tống 7 oanh tạc cơ loại Mitsubishi G4M hai máy, phía Mỹ gọi là Betty. Quá nửa đêm, các oanh tạc cơ cất cánh từ Hán Khẩu và được chúng tôi hộ tống đến Nghi Xương. Sau đó, chúng tôi tiếp tục hướng đến phi trường Thành Quan (Wenkiang). Chúng tôi ở trên mục tiêu trước bình minh và bay quần chầm chậm chờ ngày lên hẳn. Chúng tôi nhìn chiếc Zéro dẫn đầu, nghiêng cánh và chúi xuống. Ðó là ám hiệu khai hoả. Từng chiếc một, chúng tôi túa xuống phi trường địch, nơi tôi nhìn thấy nhiều chiến đấu cơ Nga-Sô chạy trên phi đạo, chuẩn bị cất cánh. Nhân viên dưới đất chạy túa mọi nơi, hướng đến hầm trú ẩn. Tôi sà thật thấp, lướt đến phía sau một chiến đấu cơ Polikarpov I-16 của địch vừa cất đầu lên khỏi mặt đất. Ðó là một mục tiêu ngon ăn, và chỉ một viên đại bác tầm ngắn đã biến chiếc phi cơ thành cây đuốc. Tôi xẹt ngang qua phi đạo, đảo sang phải thật ngặt và vượt thẳng lên để quành lại kiếm ăn nữa. Súng phòng không địch vây tôi mọi mặt, nhưng tốc lực của chiếc Zéro mau không thể tưởng, khiến xạ thủ địch bó tay. Nhiều chiếc Zéro khác bổ nhào xuống, cày nát sân bay. Một số chiến đấu cơ Nga phát hoả hoặc vỡ tan. Tôi lại đâm đầu xuống để chụp một chiếc phi cơ khác trong tầm ngắm. Một viên đại bác thứ hai, rồi là trái cầu lửa hình nấm phồng lên. Không còn gì để xạ kích nữa. Cuộc tấn công của chúng tôi đã dọn sạch phi cơ địch trên phi đạo, không một chiếc nào ngốc đầu lên nổi. Ða số bốc cháy hoặc nổ tung. Trở lên cao 7000 bộ (2100m), chúng tôi nhận thấy nhiều nhà chứa phi cơ và các cơ sở bao trùm trong lửa đỏ. Nhiệm vụ trơn tru từ đầu đến cuối. Chúng tôi thất vọng vì thiếu màn đánh nhau trên không, nên tiếp tục đảo vòng, hy vọng các cột khói sẽ lôi cuốn phi cơ địch từ nơi khác.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Thình lình 3 chiếc Zéro tách khỏi đội hình và chúi xuống. Xa xa phía dưới, tôi nhìn thấy một phi cơ cánh đôi sơn màu sáng chói đang bay sà sát mặt đất. Trong nháy mắt 3 chiến đấu cơ Nhựt nhảy xổ vào phi cơ địch, tung ra hàng loạt đạn đại liên và đại bác nhưng không có kết quả, vì viên phi công địch lộn nhào tránh né tài tình. Cả 3 chiến đấu cơ Nhựt bay vượt qua chiếc phi cơ cánh đôi. Bây giờ đến lượt tôi. Tôi chúi xuống và tìm cách cho phi cơ địch vào tầm súng, tôi siết cò. Phi cơ địch đảo thật ngặt về phía trái và thoát khỏi. Một chiếc Zéro khác nhập cuộc, và cả 5 chúng tôi hùa nhau đuổi bắt chiếc phi cơ quỷ quái đó. Tài tránh né của phi công địch quả đáng bực thầy. Chiếc phi cơ cánh đôi như hồn ma bóng quế. Nó lộn nhào, rơi xuống theo hình trôn ốc, xoáy vượt lên cao và xoay ngang xoay dọc tài tình đến nỗi khó thể tin vào mắt. Chúng tôi không thể nào nhắm chiếc phi cơ ấy một cách chính xác.

Sau đó, bất ngờ chúng tôi bay đến gần đỉnh của một ngọn đồi thấp phía Tây Thành Ðô. Viên phi công địch thay vì tránh né, đã bay vượt lên ngọn đồi, và khi vượt lên hắn xoay vòng chậm chạp. Ðó là một lỗi lầm chết người mà không phi công nào dám để mắc phải. Bụng hắn loé sáng trước mắt tôi, và những viên đạn đại bác của tôi xé rách, xuyên thấu tận buồng lái. Ðang lúc chiếc phi cơ cánh đôi rơi xuống như một chiếc chong chóng thì một chiến đấu cơ Zéro khác bồi thêm một loạt đạn vô ích vào thân xác chết. Nó chạm vô sườn đồi và nổ tung.

Tôi ghi hai điểm, và đây là chiến thắng đầu tiên với chiếc Zéro.

Ðó là phi vụ chiến đấu cuối cùng của chúng tôi ở mặt trận Trung Hoa. Không lâu sau đó chúng tôi nới tầm hoạt động lên Vận Thành (Yungcheung), là một thị trấn nhỏ ở mãi tận sông Hoàng Hà. Suốt nhiều tuần lễ, các phi vụ tuần thám của chúng tôi thất bại trong việc khám phá ra phi cơ địch. Ðầu tháng chín, các phi công phải trở về Hán Khẩu, nơi phó đô đốc Eikichi Katagiri, tư lịnh Không Hải đoàn Nhựt (1) ở Trung Hoa, bất ngờ xuất hiện. Vị phó đô đốc cho biết tất cả chúng tôi sẽ thuyên chuyển về Ðài Loan, ở đó chúng tôi sẽ lĩnh một sứ mạng quan trọng nhứt. Ông không tiết lộ nhưng tất cả chúng tôi đều biết rõ Nhựt Bản sắp khai chiến với các cường quốc phương Tây.

Giữa tháng chín, chúng tôi quay về Ðài Loan. Sau đó, toàn thể 150 phi công chiến đấu cơ với con số phi công oanh tạc cơ tương đương di chuyển từ Cao Hùng đến Ðài Nam để gia nhập Tân Không đoàn Ðài Nam (Tainan).

Cuộc chiến Thái Bình Dương trên đà bùng nổ.

Kỳ sau: Chương 7

Tấn Công Phi Luật Tân

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957.

(1) Không Hải đoàn (Aéronavale) Nhật tương đương với

Naval Aviation của US NAVY. 

Minh họa: Japanese Girl From Between the 1930s and 1940s và AirCraft of The Aces