Nhật Bản rơi vào biển lửa của hàng vạn pháo đài bay liên tục trải thảm mà các chiến đấu cơ Mitsubishi A6M Zéro không còn đủ sức nghênh cản khi các đoàn oanh tạc cơ này được hàng đoàn khu trục Grumman F6F Hellcat tối tân, bay nhanh hơn, đông đảo hộ tống. Nhật Bản không còn chọn lựa nào khác ngoài tử chiến đến cùng. Riêng Sakai, sau 11 năm quân ngũ và sau sống sót trở về từ Iwo Jima thăng chức Kaigun Shoi là Hải quân Thiếu úy. [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 31

Chương 28

Lực lượng đặc nhiệm của Hoa Kỳ không cho chúng tôi nghiền ngẫm vận xấu của mình. Từ nhiệm vụ không may trở về vào ngày hôm trước, ngay hôm sau chúng tôi được 16 chiến hạm địch tiến sát vô hòn đảo và nổi đại pháo chào mừng.

Tách khỏi thành phần chánh của hạm đội, tám tuần dương hạm và tám khu trục hạm nhàn nhã hướng đến Iwo jima. Sau một vài quả đạn thăm dò, mười sáu chiến hạm di chuyển vào tầm trực xạ.

Suốt hai ngày, chúng tôi sống chui rúc như chuột, cố vùi mình xuống bụi cát của núi lửa càng sâu càng tốt. Suốt 48 tiếng đồng hồ, mười sáu chiến hạm chậm rãi chạy lui chạy tới, hai bên hông ánh lửa loà sáng, tuôn ra những khối thép kêu gào, làm rung chuyển từ đầu đến cuối hòn đảo.

Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bất lực và nhỏ nhoi như tôi đã sống trong hai ngày này. Chúng tôi bó tay, không biết cách nào để chống trả. Mọi thứ trên đảo đều bị xé nát thành những mảnh nhỏ. Không một ngôi nhà nào còn đứng vững. Không một căn lều nào thoát khỏi. Cả bốn chiến đấu cơ vừa trở về từ phi xuất cuối cùng cũng bị đại bác địch nghiền nát.

Nhiều trăm binh sĩ bộ binh và hải quân thiệt mạng. Con số bị thương gấp đôi. Iwo nằm bất tỉnh. Mọi người đều ù tai nhức óc dưới hàng nhiều ngàn quả đạn pháo rớt không ngưng nghỉ lên hải đảo nhỏ bé. Binh sĩ phòng thủ trở nên đần độn, ngù ngờ bởi cuộc pháo kích khủng khiếp phải chịu đựng. Ðầu óc họ rối loạn, ăn nói không đâu vô đâu.

Riêng nhóm phi công nhỏ nhoi còn tồn tại đã gây sửng sốt không kém gì trận mưa pháo. Một nhúm, nhưng nhóm phi công không có phi cơ chúng tôi quyết tâm bảo vệ hòn đảo, chống lại cuộc đổ bộ mà mọi người đều tin sắp xảy ra không chóng thì chầy. Chúng tôi tổ chức thành “Ðại đội Thủy quân Iwo Jima” thề nguyền đâu lưng với những binh sĩ bộ binh chiến đấu cho đến người cuối cùng. Chúng tôi nhận võ khí và đạn dược. Chắc chắn chúng tôi sẽ bị tiêu diệt cấp kỳ. Nếu Mỹ chiếm Saipan (việc này hình như đã xảy ra rồi), nếu họ nắm ưu thế tuyệt đối trên không, nếu các tàu chiến của họ khinh thường hạm đội của chúng tôi, chạy qua chạy lại sát Iwo Jima một cách ngạo mạn, thì thử hỏi làm sao họ không nuốt trôi hệ thống phòng thủ le ngoe của chúng tôi?

Truyền tin Iwo Jima kêu gọi Yokosuka gởi viện binh liên hồi. Chúng tôi xin thêm chiến đấu cơ. Chúng tôi xin bất cứ thứ gì giúp chúng tôi bay được! Không đoàn Yokosuka không còn gì hết. Ba mươi chiếc Zéro theo chúng tôi đến Iwo là những chiếc khả dụng cuối cùng. Không hơn nữa! Rối loạn ngự trị ngay tại Bộ Tư Lịnh Tối Cao ở Ðông Kinh.

Tiếng la hân hoan, tiếng thét vui mừng đánh thức chúng tôi vào một buổi sáng, không lâu sau cuộc pháo kích tàn khốc. Hải quân không quên chúng tôi. Nhiều quân vận hạm xuất hiện ở chân trời, hướng về hòn đảo. Chúng tôi chạy xuống bờ biển vừa la hét vừa cười đùa vừa nhìn các dương vận hạm phụt lên những tia lửa và nước, chìm ngay trước mắt chúng tôi! Tàu ngầm Mỹ đã tiên đoán một cuộc tiếp vận như vậy và chờ đợi để ra tay!

Thảm hoạ cuối cùng này đem đến tuyệt vọng. Nói lên điều hiển nhiên là chúng tôi đang hấp hối, hoi hóp, rằng trong vòng một hoặc hai giờ sau đổ bộ, Hoa Kỳ sẽ kiểm soát Iwo dễ dàng. Chúng tôi tin chỉ còn sống sót một đôi ngày.

Không có tấn công! Hết giờ này sang giờ khác, các quan sát viên trên những vọng canh từ đầu đảo đến cuối đảo chăm chăm nhìn ra biển, tìm kiếm hạm đội đổ bộ. Hết lần này đến lần khác, một quan sát viên vì quá căng thẳng tưởng như nhìn thấy một vật gì đó trên mặt biển nên vội vã báo động. Chuông, tù và, trống, phèng la hay bất cứ thứ gì có thể gây ra tiếng động phá tan sự yên tĩnh với một âm thanh khiếp hãi. Chúng tôi lăn ra khỏi giường, mặt mày đanh lại, ghìm võ khí, tra đạn, xếp sẵn lựu đạn chung quanh vị trí, sẵn sàng chiến đấu. Nhưng không có gì xảy ra.

Dĩ nhiên, chúng tôi không biết Mc Arthur đã quay hướng sang Phi Luật Tân, và cho mãi đến tám tháng sau  mới quày lại Iwo Jima. Trong suốt tám tháng này, Trung tướng Tadamichi Kuribayashi đã đặt chân lên hòn đảo, mang theo 17,500 binh sĩ bộ binh và gần 6,000 thủy binh. Ông biến Iwo Jima thành một pháo đài kiên cố, với những công sự nổi và hệ thống hầm ngầm mạnh mẽ. Ông đổ vũ khí cho đến khi hòn đảo không còn chỗ để chứa.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

(Sau này, nhiều tư lịnh Nhựt cho rằng cuộc chiến sẽ kết thúc sớm hơn nếu Mc Arthur tấn công Iwo Jima vào tháng 7-1944, thay vì chần chờ cho đến tám tháng sau. Theo những tướng lĩnh này, cuộc đổ bộ lên Phi là một cuộc đổ bộ đắt giá, rất thành công đối với Mc Arthur, nhưng lại là một mặt trận vô nghĩa, gây trì trệ sự chiến bại đã nhìn thấy trước mắt của Nhựt.

Cuối cùng, cuộc đổ bộ được phỏng đoán từ lâu đã đến vào ngày 19 tháng 2 năm 1945, quy tụ một sức mạnh quân sự vĩ đại. Theo hải quân Hoa Kỳ, lực lượng đổ bộ gồm 495 chiến hạm, trong đó có 17 hàng không mẫu hạm. Tin tức chánh thức của chính phủ Hoa Kỳ cho biết thêm về con số phi cơ không thể tưởng tượng đã yểm trợ cho cuộc đổ quân: 1,170 máy bay.

Tổng số 75,144 binh sĩ Hoa Kỳ đã tham dự vào mặt trận gay go nhứt của toàn thể cuộc chiến này. Khi các trận đánh trên hòn đảo chấm dứt: 5,324 Thủy quân Lục chiến Mỹ thiệt mạng và 16,000 bị thương. Cho mãi đến ngày 16 tháng 3, Hoa Kỳ mới công bố đã kiểm soát được hòn đảo hoàn toàn, khi lính Nhựt cuối cùng bị giết.

Sau nhiều lần báo động đổ bộ hụt, một công điện từ Yokosuka đã gây kinh ngạc cho chúng tôi. Bộ Tư Lịnh Không đoàn Thủ đô thông báo cho chúng tôi biết tất cả sĩ quan tham mưu và phi công được rút về Nhựt bằng phi cơ. Những vận tải cơ này đang trên đường đến Iwo Jima.

Việc bất ngờ này gây hưng phấn cho bọn phi công chúng tôi. Chúng tôi đã chuẩn bị chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trên mặt đất… và bây giờ … mạng sống của chúng tôi được phục hồi! Chúng tôi buông súng và chạy ùa ra phi đạo chánh tiếp tay với các cơ khí viên và bộ binh để lấp hàng nhiều trăm lỗ hủng do đại pháo địch gây ra.

Chúng tôi không hy vọng một phép lạ nào xảy ra do đó không ai nghĩ đến việc sửa chữa phi đạo sau cuộc pháo kích ngày 4 tháng 7. Tôi nằm trong số những phi công biến thành cu li, làm việc sốt sắng và hăng say. Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi người đều vui vẻ. Còn những người phải ở lại. Chẳng hạn như các nhân viên bảo trì cũng như đơn vị bộ binh phòng ngự. Những người này, không ai thốt một lời phản kháng quyết định bỏ họ lại, nhưng có thể nhìn thấy sự đố kỵ và phẫn uất trên nét mặt của họ.

Quá trưa ngày hôm đó, những phi cơ đầu tiên đáp xuống. Ðó là những oanh tạc cơ phế thải, lần lượt sà sát mặt nước để tránh radar trên các chiến hạm địch quanh quẩn trong khu vực, phát giác. Thật may cho chúng tôi, trong suốt thời gian phi cơ đáp xuống và cất cánh, không có một chiến đấu cơ nào của Hoa Kỳ xuất hiện. Có tất cả 7 oanh tạc cơ hai máy đến chở những người được chọn trở về Nhựt. Ngay cả hệ thống quân giai chặt chẽ đã từng áp dụng cũng trở thành vô hiệu trong tình cảnh tuyệt vọng của chúng tôi ở đây.

Mỗi người được di tản lần lượt lên phi cơ theo thứ tự xếp hàng mà không theo cấp bực…

Nhóm của tôi gồm 11 hạ sĩ quan và binh sĩ phải ở lại vì không đủ chỗ. Chúng tôi nhìn đăm đăm theo chiếc phi cơ cuối cùng lướt trên không trung trực chỉ về Nhựt. Máy bay đã biến mất nhưng chúng tôi vẫn cứ nhìn theo.

Ngày hôm sau, một máy bay duy nhứt quày lại Iwo để đón chúng tôi. Tôi mất tin tưởng khi nhìn thấy chiếc phi cơ lảo đảo trên phi đạo. Không chỉ là một chiếc phi cơ phế thải, nhưng còn tồi tệ hơn đến nỗi khó thể tưởng nó có thể bay được. Với 11 người chúng tôi chất lên, chiếc phi cơ xiên xẹo ì ạch ra phi đạo. Nó không thể nào đạt đủ tốc lực để cất cánh, và vì rú hết ga, một động cơ bốc khói cuồn cuộn. Viên phi công buộc phải quay lại, và các cơ khí viên bắt tay sửa chữa ròng rã hai tiếng đồng hồ. Hai giờ bằng hai tuần đối với chúng tôi. Chúng tôi cứ dõi mắt lên trời, lo ngại chiến đấu cơ Hellcat xuất hiện rót đạn vô chiếc oanh tạc cơ già nua này. Chỉ cần một chiếc Hellcat cũng đủ chôn chân chúng tôi trên đảo.

Cuối cùng công việc sửa chữa hoàn tất. Khi chúng tôi bước lên phi cơ, nhân viên dưới mặt đất nhìn theo với đầy tuyệt vọng thảm thiết,  đến nỗi tôi phải quay lại nói với họ: “Chúng tôi sẽ sớm trở lại. Và sẽ trở lại với những chiến đấu cơ mới!”

Không ai trong số những người ở lại dám mơ tưởng rằng Iwo Jima sẽ được địch quân bỏ quên gần tám tháng ròng rã.

Khi chúng tôi bay được mười phút, chiếc phi cơ lắc lư mạnh mẽ. Tôi nhìn ra cửa sổ. Ðộng cơ bên phải của máy bay càng lúc càng lung lay dữ dội. Thân máy bay chòng chành run bần bật. Ðống sắt vụn này làm sao nuốt trôi 650 dặm để đưa chúng tôi về Nhựt?

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Phi công phụ, một thanh niên khoảng hai mươi tuổi, bước vô phòng lái, lắp bắp: “Chuẩn úy Sakai? Thưa chuẩn úy, chuẩn úy có thể bước vô phòng lái để giúp chúng tôi không?” Mặt hắn tái xanh và run còn hơn chiếc phi cơ.

Ðoán biết hắn muốn gì, tôi đáp trước khi hắn dứt lời. “Quày lại! Với động cơ như vầy chúng ta không thể về tới Nhựt đâu. Các anh phải quày phi cơ lại để sửa chữa nữa.”

Phi hành đoàn vâng lời lập tức. Trở lại Iwo, lui cui sửa chữa, và phi cơ lại cất cánh. Một giờ sau, chúng tôi chui vô một trận mưa bão cuồng nộ. Mưa đập liên hồi và quật phừn phựt lên hai cánh máy bay. Từ nóc máy bay dột nát, nước chảy xuống giống như một cái rây. Viên phi công phụ lại quày ra, van xin tôi vô phòng lái.

Viên phi công trưởng khoảng hai mươi hai tuổi, hỏi tôi:

“Thưa chuẩn úy, chúng ta nên bay phía trên hay phía dưới lớp mây?”

“Phía dưới!” Tôi ra lịnh.

Mưa bão vẫn tiếp tục, mù mịt đến nỗi nhiều lần mắt chúng tôi như bị bịt kín. Cơn bão này dữ dội hơn cơn bão mà tôi đã gặp mấy ngày trước, lúc tôi còn cố tìm kiếm lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ ở gần Saipan. Chiếc oanh tạc cơ trồi lên hụp xuống, và rơi thấp dần cho đến khi bay hớt trên đầu ngọn sóng. Trong cơn tuyệt vọng, phi công trưởng quay khuôn mặt tái mét sang tôi và hỏi một câu thật bi ai. “Bây giờ, chúng ta đương ở đâu? Phải bay theo hướng nào, thưa chuẩn úy?”

Ðó là một câu hỏi đần độn nhứt trong đời mà tôi được nghe từ miệng một viên phi công. Tôi sửng sốt mất vài giây, không thốt nên lời. Làm sao một phi công có thể đặt một câu hỏi xuẩn ngốc đến như thế?

“Xuống đi! Tôi lái cho!”. Tôi hét.

Hắn không phí thời giờ, rời khỏi ghế ngồi trao ngay tay lái cho tôi.

Gần chín mươi phút tôi bay như kẻ đui mù, cố đưa chiếc phi cơ què quặt ra khỏi cơn mưa bão. Cuối cùng, bán đảo quen thuộc phía Nam vịnh Ðông Kinh hiện ra trong tầm mắt.

Tiếng kêu mừng rỡ của phi hành đoàn và hành khách làm rung chuyển chiếc oanh tạc cơ. Chúng tôi đáp xuống căn cứ Kisarazu, nằm phía bên kia vịnh, đối diện Yokosuka. Tôi đảo mắt quanh phi trường rộng lớn. Nhựt Bổn! Tôi lại đặt chân lên quê hương! Ðã bao lần tôi tưởng không bao giờ nhìn thấy lại xứ sở. Chỉ một đôi giờ bay mà giữa nơi đây và Iwo Jima khác biệt xiết bao! Ðối với tôi, và mười người khác vừa rời bỏ đỉnh núi diêm sinh Suribachi, nước trong lành ngọt ngào ở Nhựt là vật quý nhứt trên thế gian này. Nước ở đây không có mùi tro than dễ sợ như mưa hứng ở Iwo Jima. Tất cả chúng tôi chạy băng qua sân để đến một tháp chứa nước. Chúng tôi mở vòi cho nước mát lạnh bắn phun ra. Tôi uống lấy uống để, thưởng thức cảm giác và mùi vị cùng tận của nước chảy ngọt lịm xuống cổ họng mình.

Nhưng Iwo Jima quá gần phía sau tôi. Muto và tôi đã cùng chung ý nghĩ, nên bỗng nhiên chúng tôi không thể nào uống thêm được nữa. Cả hai cùng nghĩ đến những đồng đội, những người đã chết chỉ một đôi ngày trước đây do thương tích của đạn pháo gây ra, kêu gào trong cơn hấp hối: “Nước! Nước!” Họ xin nước, nhưng không ai còn một giọt nào cả. Chỉ còn cặn nước đục ngầu nồng nặc mùi lưu huỳnh vàng quánh dưới đáy phuy sắt rỉ sét.

Một tháng sau khi tôi trở về Yokosuka, tôi được thăng cấp Thiếu úy. Sau mười một năm, tôi tiến lên địa vị của một sĩ quan thực thụ. Ðó là một thành tích vượt bực trong binh chủng hải quân.

Có nhiều quân nhân tham dự trận tấn công bằng tiềm thủy đĩnh vô Trân Châu Cảng đã được thăng đến hai cấp, và trong số đó có người bước ngay lên hàng ngũ sĩ quan, mười năm sau khi họ nhập ngũ. Tuy nhiên, việc thăng thưởng của họ giữ đúng truyền thống là thăng cấp sau khi qua đời. Tôi là binh sĩ đầu tiên, từ bậc thấp nhứt là Binh Tứ  lên cấp bậc sĩ quan chánh thức trong vòng 11 năm mà vẫn còn sống sót.

Muto và tôi được tái bổ nhiệm phục vụ ở Không đoàn Yokosuka. Chúng tôi không bị gởi trở lại Iwo Jima. Bộ Tư Lịnh Tối Cao bắt buộc phải bỏ trống không phận hòn đảo trong nhiều tháng vì lý do thiếu phi công và phi cơ.

Hiện thời cuộc đổ bộ của địch quân ở Phi Luật Tân đã nhìn thấy rõ rệt, do đó bao nhiêu phi công và phi cơ đều đổ sang để bao che cho lực lượng Nhựt trên quần đảo này. Chúng tôi gặp lại Trung tá Nakajima trước khi ông lên đường sang Cebu bên Phi.

So với những cú đấm bi thảm mà chúng tôi chịu đựng ở Iwo Jima, nhiệm vụ mới của tôi là một sự thay đổi lớn. Công tác mới bao gồm việc huấn luyện tân phi công và thí nghiệm phi cơ. Bộ Tư Lịnh Tối Cao ra lịnh sản xuất hàng loạt khu trục cơ mới để thay thế loại Zéro. Ngay cả những sĩ quan cố chấp nhứt cũng không thể nào phủ nhận loại Zéro, có lần được xem là mạnh nhứt, hiện thời đã mất khả năng không chiến. Họ cũng phải công nhận các loại máy bay mới của đối phương trên chân các loại phi cơ cũ của chúng tôi nhiều. Ở quần đảo Mariana và ở các cuộc đụng độ khác, chiến đấu cơ Hellcat đã chứng tỏ ưu thế đáng nể về mọi mặt.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Nhiều báo cáo từ Nam Thái Bình Dương cho biết loại Lockheed P38 Lightning có những cải tiến lớn, vượt hẳn loại P38 cùng loại đã lâm trận hồi cuối năm 1942. Loại P38 mới nầy có tốc lực nhanh, bay cao hơn chiếc Zéro rất xa, nhứt là khả năng chúi xuống và vượt lên cũng mau lẹ hơn. Phi công P38 bay ở cao độ cao có thể chọn lựa thời gian và không gian để đánh… với kết quả đầy bi thảm cho phi công của chúng tôi.

Cũng không thể hồ nghi khả năng của loại chiến đấu cơ F4U Corsair của Hải quân Hoa Kỳ, hầu hết đều hoạt động từ các căn cứ trên đất liền. Nhanh nhẹn không bằng loại Hellcat, tuy nhiên loại Corsair có tốc lực nhanh hơn chiếc Zéro nhiều, và có tốc độ bổ nhào khủng khiếp.

Các phi công Lục quân của chúng tôi ở Miến Ðiện đã báo cáo đụng độ với loại North American P51 Mustang, vượt trội chiếc Zéro về tầm hoạt động xa. P51 Mustang ra mắt lần đầu tiên khi hộ tống các oanh tạc cơ B24 Liberator bốn máy dội bom lãnh thổ Nhựt hồi tháng 11 -1943. Và điều hiển nhiên là Nhựt hoàn toàn không chuẩn bị để ứng phó với siêu pháo đài bay B29 xuất phát từ các phi trường ở Trung Hoa tấn công Cửu Châu. Những chiến đấu cơ Ki-43 Hayabusa của Lục quân Nhựt đã bó tay trước loại oanh tạc cơ bay mau, trang bị hùng hậu và bọc giáp này. Nếu pháo đài bay B17 đã từng là một đối thủ phi thường thì siêu pháo đài bay B29 này là một đối thủ không thể nào thắng nổi.

Các ý niệm phòng thủ thích nghi của Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt được đưa ra quá muộn, và cũng quá khiếm khuyết. Ða số chiến đấu cơ của chúng tôi là loại Zéro, tỏ ra hữu hiệu trong thế công vào những ngày đầu của cuộc chiến, nhưng tỏ ra vô dụng khi chống lại B29. Hầu hết phi công oanh tạc cơ Nhựt vẫn còn bay loại Mitsubishi Betty, hiện thời quá cũ kỹ, quá chậm chạp, và chỉ còn lại đặc điểm duy nhứt là biến thành ngọn đuốc trước hoả lực của đối phương.

Sự thất thủ của Saipan đã thúc đẩy việc phá vỡ bất ngờ những mạng nhện nằm trong kế hoạch của Nhựt, Bộ Tư Lịnh Tối Cao kêu gào chiến đấu cơ mới, vượt trội hơn loại Zéro.

Vào tháng 11, tôi bắt đầu bay thử hai loại máy bay mới. Ðầu tiên là loại Shiden (Cường Phong), phía Mỹ gọi là George, nặng nề và tầm hoạt động kém hơn loại Zéro, nhưng tốc lực mau hơn và được trang bị đến bốn khẩu đại bác 20 ly. Shiden kiến trúc vững chắc, võ bọc sắt an toàn cho phi công. Tôi đã phải kinh ngạc về sự nhanh nhẹn trong thân thể nặng nề của loại phi cơ này.

Không may, đặc tính của chiếc Shiden là hay giở chứng đòi hỏi phải có một phi công dầy kinh nghiệm. Nhiều người đã có dịp bay thử với Shiden, nhưng không có dịp sống sót để lâm trận với nó. Loại tiêm kích mới thứ hai là Raiden (Lôi Ðiện), phía Mỹ gọi là Jack, trù tính chống lại oanh tạc cơ hạng nặng như B29 chẳng hạn. Vì mục đích này, Raiden được chế tạo rất hoàn hảo, và nhiều phi công Nhựt so sánh nó với loại chiến đấu cơ to khỏe Focke Wulf 190 của Ðức. Bốn đại bác 20 ly đem tới cho Raiden một quả đấm hiệu quả trong việc chống lại các pháo đài bay, và với tốc lực hơn 640 cây số giờ được coi là phi thường lúc đó, nó vượt xa loại Zéro. Ngay với trang bị và thân bọc thép dày của Raiden, chiếc Zéro đã không bì kịp rồi.

Raiden rất thích hợp để tấn công B29, nhưng giống như loại Shiden, nó đòi hỏi tài ba của người lái. Bởi lẽ chỉ chú trọng đến tốc lực và trang bị, nên sự xoay trở lanh lẹ của Raiden rất yếu; trên phương diện này so với chiếc Zéro, Raiden giống như một chiếc xe hơi.

Chúng tôi chịu đựng sự mất mát đáng sợ trong khi huấn luyện vì tai nạn xảy ra hàng ngày. Sau này, khi những chiếc Hellcat và Mustang gầm thét trên không phận Nhựt, những phi công lái Raiden đụng độ với đối phương mới nhận thấy sự xoay trở yếu kém của nó, nhưng tất cả đều quá muộn.

Tuần sau: Chương 29

Giận dữ của Hatsuyo

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin,

New York 1956, Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn

của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa War Thunder