Bốn tháng sau phi vụ – không trở về – của Sakai, Phi Đội Tấn Công Đặc Biệt Thần Phong mới chính thức ra đời, do Phó Đô đốc Onishi thiết lập ở Phi Luật Tân. Trước khi tung ra các phi cơ tự sát, Onishi đã hội ý với các phi công dưới quyền để nhận một sự đảm bảo toàn phần rằng họ sẽ hy sinh mạng sống để bảo vệ xứ sở. Các cuộc tấn công cảm tử trước khi được tung ra phải trải qua nhiều sắp xếp phức tạp, như những phi cơ thi hành nhiệm vụ phải còn trong tình trạng khả dụng và chất đầy bom, cũng như được các chiến đấu cơ hộ tống đến tận mục tiêu. Các phi công hộ tống nhận chỉ thị đặc biệt phải quay về căn cứ để báo cáo kết quả cuộc tấn công do chính mắt họ trông thấy. Ở Iwo Jima, sự việc diễn ra khác hẳn. Các phi công hộ tống như Sakai nhận chỉ thị cùng chúi xuống hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ sau khi mở đường máu cho các oanh tạc cơ lao xuống. Các máy bay Zéro cất cánh từ  Iwo Jima để thi hành nhiệm vụ thì hầu như đã đến kỳ phế thải. Phi vụ tháng 7-1944 của Sakai là phi vụ tự sát bắt buộc đầu tiên, tuy chưa chánh thức mang danh hiệu Kamikaze. Đại tá Miura, ban tử lịnh cho Sakai, sẽ chết ở Okinawa về sau; còn Phó Đô đốc Onishi sẽ cam tâm mổ bụng sau cuộc đầu hàng của Nhật Bản. Chương 26 trong hồi ký của Sakai, là một giằng co dữ dội giữa sống và chết. Giữa tình yêu và sứ mạng.  [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 29

Chương 26

Một giờ sau, tất cả các phi công được chọn lựa thực hiện nhiệm vụ tấn công – không trở lại này – xếp hàng ngay ngắn trước Bộ Chỉ Huy. Phía sau căn lều, là một cây cột cao có treo một lá cờ đuôi nheo màu trắng rộng lớn. Trên nền trắng của lá cờ có kẻ một hàng chữ cổ: “Namu Hachiman Daibosatsu”. Có nghĩa là: “Chúng tôi tin tưởng vào vị thần chiến tranh quảng đại.”. Ðây là lá cờ phỏng theo hiệu kỳ của một chiến tướng Nhựt ở thế kỷ 16, trong thời kỳ xảy ra hàng loạt nội chiến liên tục khiến cho nước Nhựt rối loạn cùng cực.

Khi còn ở Lae, chúng tôi không bao giờ chống đỡ tinh thần bằng những “cây nạn” tâm lý như thế này. Ðối với tôi, sự phô trương có vẻ kinh tởm này là dấu hiệu của sự yếu đuối, không có ý nghĩa gì khác hơn. Nó chứng tỏ đầu óc thoái hoá của các sĩ quan cao cấp, những kẻ cố làm nổi bật họ lên bằng ánh lửa và sự dũng mãnh của những thời xa xưa, thời mà hầu hết các cuộc chiến đều được quyết định bởi tài ba và lòng dũng cảm cá nhân.

Nhưng đó chỉ là thời xa xưa. Tôi không phải là một sĩ quan tham mưu, tôi không tham dự vào bất kỳ việc soạn thảo kế hoạch mặt trận nào, tôi cũng không phải là một chiến lược gia tập sự, nhưng tôi biết chắc chắn những gì mà các sĩ quan của chúng tôi đang làm không còn phù hợp nữa. Các tướng tá của chúng tôi đang làm công việc của một loại phù thủy mới. Họ khua chiêng đánh trống để cổ võ lòng yêu nước, để cố thuyết phục không chỉ riêng thuộc cấp mà còn chính họ nữa. Ðiều này giống như chúng tôi bù đắp những thiệt hại khủng khiếp bằng cách phô trương và đe doạ “bọn Mỹ khốn nạn” bằng những lá cờ thiêng… Tại sao những sĩ quan cao cấp lại từ chối công nhận sự thật? Làm cách nào để họ ý thức rằng loại chiến đấu cơ Zéro của chúng tôi, mà từ lâu họ đinh ninh là tốt nhứt thế giới, bây giờ lỗi thời về mọi phương diện so với loại chiến đấu cơ Hellcat, cũng như nhiều loại phi cơ mới khác của đối phương mà tôi chưa thấy qua.

Tôi nhìn lá cờ. Nó hiện diện ở đó biết bao ngày rồi, nhưng hôm nay, lần đầu tiên, tôi mới thực sự nhìn thấy nó. Có thể nào chúng tôi đặt niềm tin của mình vào một vật tượng trưng cho sức mạnh siêu phàm này? Nó sẽ giúp chúng tôi gặt hái chiến thắng? Nó sẽ chận đứng những tia đạn do cả trăm chiếc Hellcat bắn ra?
Là một phi công chiến đấu, tôi nhận thấy tốt hơn hết là tin vào sức mạnh của động cơ và sự khéo léo của chính mình để thoát khỏi cái chết sẽ xảy ra trong gang tấc. Tôi chỉ có thể tin vào các phi công bên cánh và nhận sự bảo vệ hỗ tương của các đồng đội khác. Nếu tôi lâm trận bằng cách chỉ la lớn những câu chữ cổ lỗ ấy, tôi đã chết mục xương từ lâu rồi.

Nhưng tất cả đã biến đổi ở hiện tại. Sự khéo léo, tài ba đã từng cứu tôi nhiều lần cũng đang trở thành vô nghĩa… Không một người nào trong số 17 phi công đang đứng nghiêm trước Bộ Chỉ Huy có một mảy may hy vọng nào nhìn thấy lại người thân.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Tôi yêu xứ sở của tôi tha thiết, và tôi sẽ không bao giờ ngần ngại một phút giây nào khi phải đổi mạng sống để bảo vệ quê hương. Nhưng giữa việc bảo vệ quê hương đến hơi thở cuối cùng và việc hoang phí mạng sống khác nhau xa lắm.

“Namu Ami Dabutsu!”, “Nam Mô A Di Ðà Phật”… Là lời thì thầm của những người hấp hối để tìm sự khuây khoả và yên ổn tâm hồn khi sắp ra đi. Tôi tin vào nước Nhựt, tôi không tin cái gọi là vị thần chiến tranh khoan dung, quảng đại. Tôi muốn chết cho xứ sở của tôi nhưng chỉ chết với niềm tin của mình, với truyền thống Samurai, như là một con người, như là một chiến sĩ với tâm niệm Bushido.

Sự suy tư xoa dịu nỗi tức giận trong lòng tôi. Vào lúc Ðại tá Miura bước ra khỏi căn lều, tôi hoàn toàn vô cảm. Vị đại tá leo lên một cái bục xếp bằng những thùng đựng bia. Chầm chậm, ông nhìn khắp lượt, có vẻ buồn bã, như nhìn mặt chúng tôi lần cuối cùng.

“Các anh sẽ đánh trả đối phương,” ông cất tiếng, “Những trận đánh tự vệ chấm dứt từ đây trở về sau. Các anh là những phi công chọn lọc của Không đoàn Yokosuka, những phi công danh tiếng nhứt của Nhựt Bản. Tôi tin rằng hành động của các anh hôm nay sẽ gầy thêm tên tuổi và bồi đắp truyền thống vẻ vang của Không đoàn.”

Ông lưỡng lự một lúc. “Ðể cho danh dự vốn sẵn có của các anh trở nên bất diệt, các anh phải chấp nhận nhiệm vụ mà sĩ quan chỉ huy của các anh đã giao phó cho các anh. Các anh không thể, tôi lặp lại, các anh không thể hy vọng sống sót. Trong đầu của các anh chỉ có hai tiếng “Tấn công!” và “Tấn công!”. Hôm nay, các anh sẽ đâu mặt với một hạm đội địch được bảo vệ, dĩ nhiên bằng hàng nhiều trăm chiến đấu cơ.
“Do đó, tấn công cá nhân phải được quên đi. Các anh không thể tấn công vô các mục tiêu từng người một. Các anh phải luôn luôn kết hợp thành một nhóm duy nhứt. Các anh phải đánh mở đường xuyên qua những phi cơ lên nghinh chiến của địch quân và…” Ðại tá Miura lấy tư thế đứng thật thẳng. “Các anh phải chúi xuống các hàng không mẫu hạm của địch cùng một lúc. Chúi xuống! Cùng với thủy lôi, đời sống và linh hồn của các anh!”

Tai tôi lùng bùng. Ông ta đang nói gì? Tôi có nghe đúng không? “…một cuộc tấn công thông thường sẽ là vô ích. Ngay cả nếu các anh thành công trong việc thoát khỏi màn lưới chiến đấu cơ của Hoa Kỳ, các anh cũng sẽ bị truy sát và bị bắn rơi trên đường trở về hòn đảo này. Cái chết của các anh sẽ không lợi ích gì cho xứ sở. Ðời sống của các anh sẽ bị hoang phí. Chúng ta không cho phép việc này xảy ra.”

Tiếng nói của ông làm chúng tôi chấn động. “Khi tiến đến mục tiêu, các phi công chiến đấu cơ sẽ né tránh đánh nhau với phi cơ địch. Không một phi công phóng pháo cơ nào sẽ phóng thủy lôi từ trên không xuống. Những gì xảy ra không cần biết, các anh cứ giữ phi cơ của các anh chung nhóm. Cánh sát cánh! Không một trở ngại nào có thể chận đứng các anh thi hành nhiệm vụ. Các anh phải làm sao bổ nhào xuống cùng lúc, để gặt hái sự hữu hiệu. Tôi biết những gì mà tôi nói với các anh không phải dễ làm, nếu không nói là khó thể làm được. Nhưng tôi tin các anh có thể làm được, và các anh sẽ phải làm. Ðó là, tất cả mọi người cùng chúi xuống một hàng không mẫu hạm địch cùng lúc và đánh chìm nó.”

Ông ta nhìn chúng tôi một lát rồi nói mau. “Các anh đã nhận lịnh xong.”

Tôi đứng như trời trồng! Trước đây, chúng tôi đã từng được giao phó những nhiệm vụ ít có cơ may sống sót để trở về. Nhưng ít ra chúng tôi có cơ hội tranh đấu cho chính sự sống còn của mình! Rõ ràng, đây là lần đầu tiên, một phi công Nhựt nhận được lịnh tạo ra một cuộc tấn công tự sát.

Trong hải quân chúng tôi có một quy luật bất thành văn. Theo đó, viên phi công có thể bổ nhào xuống một chiến hạm địch một khi chiếc phi cơ của hắn què quặt trên biển cả bao la, không thể nào trở về căn cứ nữa. Không chỉ có phi công Nhựt, những phi công Hoa Kỳ, Anh, Ðức … cũng làm như vậy …và sẽ luôn luôn làm như vậy bao lâu mà con người còn bay và còn chiến đấu. Nhưng chưa từng có một vị Chỉ Huy Trưởng Không quân Nhựt nào nói với các phi công của ông ta: “Hãy ra đi và tự sát!”.

Xem thêm:   Hang gấu

Những lời nói của Miura đã gây sự xúc động dữ dội cho các phi công đứng tập họp. Trường hợp những người hy sinh đời sống của họ với sự cân nhắc, thì lời nói, dáng vẻ, sự dũng cảm phi thường cũng như kinh nghiệm chiến đấu của Ðại tá Miura sẽ gây phấn khởi tinh thần cho họ. Nhưng hiện tại lại khác hẳn. Hiện tại, họ biết rằng họ sẽ ra đi không bao giờ trở lại, những người lên không trung lần cuối. Tư tưởng tôi hỗn độn. Tôi không phẫn nộ mà cũng không tuyệt vọng. Tim tôi, trí óc tôi có thể nói là đã đông lạnh. Tôi nhớ lại câu: “Một Samurai đã sống một đời sống như vậy, hắn phải luôn luôn chuẩn bị để chết.” Tuy nhiên, giáo điều Samurai không bao giờ đòi hỏi một người chuẩn bị liên tục để tự hủy. Có sự khác biệt rất xa giữa sự tự hủy và việc bước vào cuộc chiến đấu với một ý chí chấp nhận tất cả mọi thách thức và gian nan. Trường hợp sau này, cái chết được chấp nhận và, có thể, không hối tiếc. Con người sống với chiếc đầu ngẩng cao, hắn có thể chết với dáng vẻ ấy. Hắn không chôn vùi danh dự của chính mình cũng như xứ sở, và hắn mãn nguyện khi trao cho xứ sở tất cả những gì tốt đẹp nhứt mà hắn có. Bất chấp dầu sôi lửa bỏng, bất chấp kẻ thù vượt trội, hắn vẫn chiến đấu khi cần thiết, hắn tấn công khi bị áp lực. Tất cả những điều này đã hình thành đời sống của một chiến sĩ.

Nhưng làm sao một người có thể giữ được trầm tĩnh và khách quan để ra đi tìm tự hủy trong vòng một đôi giờ?

Tuy nhiên, lịnh vừa ban ra nhắc nhở chúng tôi biết rằng chúng tôi vẫn còn ở trong hải quân, nơi mà lịnh vẫn là lịnh.

Một sự yên lặng trùm lấp khi đại tá Miura dứt lời.

Chúng tôi đưa tay chào. Ông ta quay lưng, và các phi công tụ tập thành nhiều nhóm nhỏ.

Tôi nói với hai phi công bên cánh của mình: “Các anh đã thấu hiểu lịnh của đại tá?” Họ gật đầu. “Tôi tin các anh đã sẵn sàng chuẩn bị cho những gì mà chúng ta phải làm. Ðây là chỉ thị của tôi: phải sát cánh với phi cơ của tôi cho đến khi chúng ta đến mục tiêu. Không bao giờ được phá vỡ đội hình. Những gì xảy ra chung quanh không cần biết, cứ đeo dính lấy phi cơ của tôi.”

Muto và hai phi công bên cánh đến nhập bọn với chúng tôi. Muto nhe răng cười và nói đùa: “Này, còn một vài giờ nữa chúng ta đi chết, chúng ta phải nhìn mặt nhau cái đã. Tôi muốn nhớ mấy khuôn mặt quen thuộc một cách chắc ăn.” Hắn phá vỡ sự căng thẳng, chúng tôi cười và ngồi bẹp trên mặt đất. Muto không ngớt cười đùa. Tuy nhiên, một vài phút sau, tiếng cười trở nên ngập ngừng và những lời nói đùa trở nên gượng gạo.

Nhiều phi công không có tên trong danh sách thi hành nhiệm vụ đến gặp chúng tôi. Họ mang cho chúng tôi thuốc hút, kẹo và nước ngọt. Dĩ nhiên, họ muốn làm cho chúng tôi vui vẻ, họ nói rằng họ rất tiếc đã không được chọn để ra đi với chúng tôi. Những đôi mắt mở rộng và buồn bã ấy nói thêm những lời mà họ không thể nói được. Muto thôi đùa giỡn. Hắn ngồi lặng lẽ, suy tư. Nỗi căng thẳng lại hiện ra. Ðã đến giờ cất cánh lần cuối cùng.

Ba phi công khác bước ra khỏi căn lều, và tất cả chúng tôi đi ra các chiến đấu cơ. Ðứng bên cạnh phi cơ, tôi nhìn túi dù của mình. Thế rồi, khi một người quăng túi dù của hắn xuống đất, chín phi công khác đều làm theo.

Phi cơ của tôi máy móc không được tốt vì đã bay chiến đấu ròng rã hai ngày, và năng lực thiết yếu đòi hỏi của các trận không chiến làm cho động cơ muốn rệu của nó gần cháy. Thông thường tôi không bao giờ gượng gạo cất cánh với một chiếc phi cơ trong tình trạng này. Nhưng hiện thời? Tôi lấy làm khó nghĩ. Tôi nhìn các chiến đấu cơ khác. Cơ khí viên đang sửa chữa ít nhứt 4 trong số 8 chiếc phi cơ sắp sửa thực hiện nhiệm vụ. Không phải một mình tôi gặp khó khăn.

Nhưng ai lại đi đòi hỏi một chiếc phi cơ hoàn hảo cho nhiệm vụ không-khứ-hồi này? Hãy nhớ, Sakai, đây là phi xuất một chiều. Anh chỉ cần nó lết được 450 dặm, không phải 900 dặm. Anh không trở về từ nhiệm vụ này đâu. Tám phóng pháo cơ Thiên Sơn Nakajima B6N phóng ngư lôi chạy ra phi đạo. Chiếc Zéro đầu tiên nằm trong vị thế cất cánh. Tôi chạy chầm chậm theo sau, tiếp đó là hai phi công bên cánh của tôi.
Dọc theo hai bên phi đạo, các cơ khí viên và phi công khác đứng nghiêm chỉnh đầu trần, vẫy khăn vĩnh biệt khi chúng tôi lướt trên phi đạo và cất cánh. Chúng tôi bay dọc theo đội hình chữ V, và xoay hướng trực chỉ về phía hạm đội của địch quân.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Tôi quay đầu, Iwo Jima đã là một chấm nhỏ ở chân trời, càng lúc càng nhỏ hơn, cho đến khi chỉ còn là một mũi kim trên mặt đại dương bao la.

Tôi nhìn lại một lần nữa, khó thể thấy Iwo ở đâu. Chân trời lờ mờ và gợn sóng trước mắt tôi. Tôi cảm thấy váng vất.

Khuôn mặt của má tôi thấp thoáng khắp nơi trên bầu trời. Một ảo ảnh, nhưng rõ rệt quá đỗi. Bà mỉm cười với tôi. Bà không biết rằng tôi sắp chết bằng cách tự giết mình. Tôi nhìn mặt má tôi trừng trừng. Khuôn trang Hatsuyo lại hiện ra nhưng khác với má tôi vô tư, gương mặt Hatsuyo tư lự trên mỗi lượn sóng đang nhấp nhô và làm như mặt đại dương làm căng dãn nỗi lo lắng hốt hoảng ở chuôi mắt Hatsuyo, dưới vầng trán của nàng hai hàng mày nhăn nhíu cùng cực như đang phản đối tột cùng… Ảo ảnh tan dần và biến mất.

Một nỗi cô đơn vây phủ lấy tôi. Tôi như tan hẳn vào trong biển cả vô tận. Khắp nơi chỉ là trời nước mênh mông.

Tôi nhìn những chiến đấu cơ bay phía trước tôi, các phóng pháo cơ bay phía trước nữa và thấp hơn một chút. Chúng hình như không chuyển động, đứng một chỗ giữa không gian, lung lay nhè nhẹ, lên xuống rập rình trên một tấm đệm không khí căng phồng. Mọi thứ có thật không?

Tôi lắc đầu để xua đuổi sự mù mịt trước mắt. Nhạc! Hãy lắng nghe! Tiếng dương cầm. “Khúc nhạc dưới trăng”… Hatsuyo một lần đã đàn cho tôi nghe.

Hatsuyo! Khuôn mặt nàng lại hiện ra… một ảo ảnh? Tiếng nhạc lúc đầu phảng phất, rồi dần dần lớn hơn, phá vỡ hai lỗ tai tôi. Chính là bản đàn của đêm nàng đã nói: “Saburo, em muốn dạo một khúc nhạc khác, cho riêng anh. Hãy lắng nghe. Khúc nhạc ấy sẽ nói với anh những gì mà chính em không thể thốt nên lời.”

Tôi chưa bao giờ nói với nàng. “Hatsuyo, anh yêu em”. Tôi hét lớn. “Hatsuyo, anh yêu em!” Không ai hết. Chỉ một mình tôi. Tiếng hét của tôi thống thiết hãy còn dội trong buồng lái kín bưng. Tôi nghĩ về nàng… Tại sao tôi đã không nói với Hatsuyo? Tại sao? Tôi xoay lại nhìn Iwo Jima. Tôi chỉ thấy biển cả vô tận. Ðại dương bất tận không một đường ranh, không một ý niệm, trôi đều đặn.

Bầu trời trong xanh trở lại. Tiếng động cánh quạt quay vù vù đập mạnh vào tai tôi. Mấy chiếc Zéro giữ vững đội hình hoàn hảo, chuẩn xác, cùng nhau lướt về phía định mạng của máu và lửa. Niềm cô đơn đã tan hẳn. Chỉ còn những lời tự trách. Anh quá bi ai, Sakai! Anh là một phi công chiến đấu. Một Samurai! Nhiệm vụ… hãy làm những gì mà anh phải làm!

Tôi cố gắng sắp xếp kế hoạch cho những phút giây cuối cùng trong không gian, phương pháp nào để chúi xuống một hàng không mẫu hạm hữu hiệu nhứt. Chỗ nào yếu nhứt trên chiếc tàu? Ống khói! Chui xuống ống khói. Hay ba chiến Zéro hè nhau đâm vô lớp vỏ mỏng ở ngay mực nước? Hy vọng trên sàn tàu có nhiều dãy phi cơ, bình của chúng chứa đầy xăng, bên trong chứa đầy bom. Chúi xuống những chiếc phi cơ, bom sẽ nổ, xăng sẽ cháy, biến chiếc tàu thành một địa ngục với hàng ngàn người đẫm trong máu, vang dậy tiếng la hét và ngập tràn sự kinh khiếp.

Ðại dương trôi lướt phía dưới tôi. Chớp mắt, nhiều phút trôi qua và tôi nhìn thấy, xa về bên phải, một cột khói lả theo chiều gió, trôi chầm chậm trên mặt nước. Ðó là hòn đảo Pagan, nổi trên mặt biển khoảng 90 thước, với một nhóm núi lửa ngầm, toả hơi nghi ngút qua sức nóng lan rộng và luồn sâu dưới nước. Nó nhắc tôi, nhớ lại những hình ảnh a tỳ trong kinh Phật mà tôi từng coi qua lúc còn nhỏ. Mỉa mai thay, mảnh đất cuối cùng mà tôi được nhìn thấy là một mảnh đất lờ mờ, sôi sục, bốc lửa và gớm ghiếc.

Bốn mươi phút sau, nhiều đám mây đen xuất hiện ở chân trời, phía trước chúng tôi, cách mặt nước hàng ngàn bộ. Những đám mây ấy đang trút cuồng phong và mưa lũ xuống mặt biển phía dưới. Tôi nhìn bản đồ. Lực lượng đặc nhiệm Task Force của địch, do trinh sát cơ chỉ điểm, nằm ở một nơi nào đó dưới cơn mưa bão dữ dằn này.

Tuần sau: Chương 27

Mở Đường Máu

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956,

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa minh tinh Koyuki Kato trong phim The Last Samurai