Ký ức dân Việt ghi lại hình ảnh dã man nhưng vô cùng kỷ luật của lính Nhật. Trên đường phố Sàigòn năm 1944-1945 là những người lính của Sư đoàn 2 Bộ chiến Sendai. Sư đoàn mang danh hiệu “Anh Dũng”, Isamu-Heidan 勇兵団. Sư đoàn thâm niên nhất của Lục quân Đế quốc Nhật, từ 1871 vang danh trên các chiến trường Cao Ly, Mãn Châu, Cáp-Nhĩ-Tân (Harbin), Phụng Thiên (Mukden) trước khi làm tổng trừ bị cho đạo quân Quan-Đông (Kwangtung Army). sao những người lính thiện chiến nhất, có khả năng nhịn đói nhiều ngày vẫn điền kinh nhiều mươi cây số không mệt mỏi, mang hỗn danh Daini-shidan 爱你实弹, “Ưa đạn thật”, lại đứng gác ở ngã ba Hai Bà Trưng-Trần Quang Khải-Yên Đỗ, ở góc đường Hàm Nghi, công trường Quách Thị Trang hay Ngã Sáu Phù Đổng Thiên Vương? Ngay cả khi tên đường khi ấy là tên Tây, vẫn là một bí mật. Division Sendai! Kiêu Dũng! Phụng sự Thiên Hoàng! …ra gác chợ Phú Nhuận.

Vì đã xảy ra Guadalcanal. Tháng 8-1942 Thủy sư Đô đốc Chester Nimitz tổng phản công. Giành lại quần đảo Solomon rồi từ đây với các sân bay tân tạo tái chiếm Santa Isabel, Boungainville Island, New Ireland, New Britain với thủ phủ Rabaul là trung tâm hành quân Nam Thái Bình Dương của Nhật Bản, trước khi vươn lên Saipan, Iwojima, Okinawa, là chiến lược “Nhảy Cóc”, Leapfrogging hay còn gọi “Nhảy đảo”, Island hopping, từ đảo này sang đảo khác mà không nhất thiết phải hành quân đất liền từ Miến Điện sang Đông Dương sang Trung Hoa… Guadalcanal là đảo lớn nhất của chuỗi đảo Solomon. Chiếm Guadalcanal là cắt đường tiến xuống cực Nam cùng lúc uy hiếp cạnh sườn của quân Nhật trên bán đảo Papua New Guinea, nơi Sakai đồn trú, đang muốn xuống Úc châu. Một lưỡi dao đâm ba sườn!

Thay thế Phó Đô đốc Tsukahara chỉ huy Không Hạm đội 11, Phó Đô đốc Kusaka phản ứng tức khắc. Tung Phi đoàn Lae của Sakai oanh kích hạm đội đổ bộ Hoa Kỳ của Đề đốc Kelly Turner. Kusaka quân viện Sư đoàn Sendai lên Guadalcanal với tiêu lệnh: “Dìm lính Mỹ xuống biển!” Trung đoàn 4 của Trung tá Kiyonao Ichiki quyết chiếm phi trường Henderson. Trận đánh mũi Tenaru đi vào lịch sử: Các sĩ quan Nhật tuốt trần kiếm với bộ binh tuốt sáng lưỡi lê xung phong bất chấp hoả lực của Sư đoàn 1 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Tenaru! Banzai! Là chiến tích của The first US Marine Division. Trung tá Ichiki để lại 800 xác và bắn vào miệng tự sát. Guadalcanal là trận chiến kéo dài 5 tháng với riêng Sư đoàn Sendai thiệt hại 7,000 tử thương mà không hất được lính Mỹ xuống biển, khiến bị Bộ Tổng Tham mưu Nhật khinh miệt và phải sang Đông Dương gác cầu Thị Nghè, Sàigòn.

Là dưới đất. Còn trên mây, Guadalcanal sẽ là không chiến nguy hiểm nhất binh nghiệp Sakai. Lần đầu tiên đối mặt các phi công Hải quân Hoa Kỳ trên các máy bay F4F Wildcat, SBD Dauntless và Grumman TBF Avenger, Sakai vẫn lập chiến công nhưng lần đầu tiên anh bị bắn trọng thương với cockpit vỡ nát, ghim hai mảnh đạn đại liên trong đầu và một mắt thui chột. Là chương XVIII và các tuần sắp đến. [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 18

Chương 18

Ngày 3 tháng 8-1942, Rabaul gọi về hầu hết những phi công được chỉ định đến Lae trước đây. Việc thuyên chuyển này khiến chúng tôi hân hoan, vì nó hứa hẹn thoát khỏi các phi vụ tuần tiễu ở Buna và thoát khỏi cảnh bị oanh tạc hàng đêm. Chúng tôi không mang theo vật dụng gì, vì tin rằng sẽ sớm trở về. Chúng tôi sai lầm, bốn ngày đầu tiên ở Rabaul, chúng tôi phải thực hiện những phi vụ càn quét ở Rabi, phía Bắc Fiji. Màn lưới chiến đấu cơ đã được đối phương thiết lập nhanh chóng trên hòn đảo này, có thể so sánh với căn cứ Moresby.

Ngày 8 tháng 8, sau khi nhận lịnh tuần thám của Bộ Chỉ Huy, chúng tôi bước ngang qua phi đạo để tiến đến các chiến đấu cơ của chúng tôi. Lúc hầu hết 18 phi công đều ngồi trong phòng lái, nhiều liên lạc viên chạy ra la lớn rằng phi vụ bị bãi bỏ. Chúng tôi lập tức trở lại Bộ Chỉ Huy. Nơi đây đang lên cơn sốt. Liên lạc viên đưa tin chạy tới chạy lui. Các sĩ quan lướt qua chúng tôi với vẻ mặt đầy khẩn cấp. Trung tá Nakajima, cầm đầu phi vụ hôm nay, bước ra khỏi văn phòng của Phó Ðô đốc Kusaka, nói lớn với chúng tôi với vẻ tức tối: “Phi vụ bị bãi bỏ. Chúng ta sẽ đi nơi khác.” Ông chỉ một nhân viên đưa tin: “Anh, lấy cho tôi một bản đồ coi, mau lên!”.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Ông trải bản đồ lên một cái bàn rộng và bắt đầu vạch một đường thẳng với một chiếc compas. Ông cúi gằm trên bản đồ, không mảy may lưu ý đến bọn phi công chúng tôi. Tôi hỏi Ðại úy Sasai xem ông có biết việc gì xảy ra không. Sasai hỏi Nakajima và chỉ nhận mấy câu càu nhàu, rồi vị chỉ huy trưởng phi đoàn ba chân bốn cẳng vô văn phòng của Ðô đốc. Vài phút sau ông trở ra, và ra dấu cho các phi công tụ họp quanh ông. Những tiếng nói của ông không khác nào một trái bom: “Vào lúc 5 giờ 20 phút sáng nay, một lực lượng địch vô cùng mạnh mẽ bắt đầu đổ bộ lên Lunga, ở cuối bãi phía Nam của đảo Guadalcanal. Theo các báo cáo sơ khởi của chúng ta, quân Mỹ đã ném lên hòn đảo này một khối lượng người và trang bị khủng khiếp. Cùng lúc, họ cũng mở ra các cuộc tấn công ở Tulagi, trên đảo Florida. Tất cả thủy phi cơ của chúng ta tiêu hết không còn một chiếc. Khi Ðô đốc tư lịnh thảo xong kế hoạch, chúng ta sẽ cất cánh lập tức hướng đến Guadalcanal để tấn công các lực lượng địch trên bãi biển.”

Liên lạc viên phát bản đồ cho mỗi phi công. Chúng tôi xem xét và nghiên cứu hòn đảo còn xa lạ đó, nhưng bỗng nhiên trở nên quan trọng này. Nhiều người bàn tán: “Ở đâu lại hiện ra hòn đảo trời đánh này?” Một phi công nổi nóng la lên: “Ai đã từng nghe đến tên của một nơi chó chết như vậy chưa?”

Chúng tôi tính khoảng cách từ Rabaul đến Guadalcanal. Không tin nổi. Xa đến 1,040 cây số! Chúng tôi sẽ phải bay đi tấn công các đầu cầu đổ bộ của địch quân và trở về với khoảng cách đó. Khoảng cách chưa từng nghe nói đến. Ðiều này nghĩa là đường bay khứ hồi dài hơn 2,000 km, đó là không kể trường hợp gặp bão hoặc đụng độ giữa đường.

Như vậy cũng đủ để mọi suy luận ngưng lại. Chúng tôi lặng yên để nghe vị chỉ huy trưởng đưa ra lịnh mới. Vừa lúc ấy một liên lạc viên chạy ùa vô văn phòng Phó Ðô đốc Kusaka rồi trở ra với những báo cáo mới đưa về từ mặt trận. Chúng tôi nghe một binh sĩ đưa tin nói với Nakajima rằng tất cả liên lạc với Tulagi đều bị cắt đứt, và quân phòng ngự ở đó đã hy sinh đến người cuối cùng.

Nghe tin, mặt Sasai tái đi. Tôi phải hỏi năm lần bảy lượt xem có phải ông đau ốm hay không. Cuối cùng nhìn đăm đăm về phía trước, Sasai thì thầm: “Anh rể tôi chiến đấu ở Tulagi.” Nếu Tulagi bị địch quân chiếm đóng, anh rể của Ðại úy Sasai, Thiếu tá Yoshiro Tashiro không thể nào sống sót được. Ông ta sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. (Cái chết của Thiếu tá Tashiro được xác nhận sau đó).

Trung tá Nakajima ban lịnh: “Các anh sắp thực hiện một phi vụ chiến đấu dài nhất trong lịch sử.”, ông thông báo cho chúng tôi. “Ðừng trông chờ may mắn nào ngày hôm nay. Hãy hành động đúng theo lịnh đưa ra và quan trọng nhứt, đừng bay một cách liều mạng và phí phạm xăng nhớt của các anh. Phi công nào hết xăng trên đường từ Guadalcanal quay về, phải đáp xuống đảo Buka. Lực lượng Nhựt trên đảo này đã được chỉ thị phải theo dõi các phi cơ của chúng ta. Hiện tại, để bay đến Guadalcanal và trở về Buka có nghĩa là chúng ta sẽ thực hiện một không trình khứ hồi dài bằng không trình từ Ðài Loan đến phi trường Clark ở Phi Luật Tân trước đây. Tôi chắc chắn chúng ta có thể bay suốt khoảng cách này mà không gặp rắc rối. Nhưng sẽ có những chuyện bất ngờ, do đó tôi lặp lại lời cảnh cáo: Ðừng phí phạm nhiên liệu!”

Tại Ðông-Kinh sau chiến tranh, Trung tá Nakajima có nói với tôi rằng Phó Ðô đốc Jinichi Kusaka thay thế
Phó Ðô đốc Nishizo Tsukahara chỉ huy Không Hạm đội 11, muốn ông đưa hết chiến đấu cơ khả dụng ở Rabaul đến Guadalcanal vào ngày 7 tháng Tám. Nakajima phản đối, ông cho rằng chỉ nên mang theo mười hai phi công tài ba nhứt bên cánh của ông mà thôi. Bởi lẽ ông phỏng đoán phải mất ít nhứt phân nửa số phi công trong nhiệm vụ quá xa như vậy. Hai người thảo luận giằng   co cho đến khi đạt được sự đồng ý với con số 18 chiến đấu cơ.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Ngay khi nhận lịnh, các phi công chia ra thành từng tổ ba người. Tôi nói với Yonekawa và Hatori, hai phi công bên cánh của tôi: “Các anh sẽ đụng phi công Hải quân Hoa Kỳ lần đầu tiên trong ngày hôm nay. Họ nắm hẳn ưu thế do khoảng cách mà chúng ta phải bay. Hai anh phải luôn luôn cẩn trọng trong mọi chuyển động của mình. Tốt hơn hết là các anh đừng bao giờ rời xa khỏi tôi. Mặc kệ những gì xảy ra, bất kể diễn biến xung quanh chúng ta như thế nào, cứ bám chặt lấy phi cơ của tôi được chừng nào hay chừng nấy. Hãy nhớ, đừng có bay ra xa.”

Chúng tôi chạy ra phi cơ và chờ phi đạo trống. 27 oanh tạc cơ Betty cất cánh trước chúng tôi. Trung tá Nakajima đứng trên phòng lái của ông ngoắc tay. Lúc 8 giờ 30 sáng, tất cả chiến đấu cơ đều ở trên không. Nhân viên bảo trì và các phi công ở lại xếp hàng hai bên phi đạo vẫy nón chào và chúc chúng tôi may mắn.

Thời tiết đẹp, nhứt là ở Rabaul. Ngay cả núi lửa cũng im tiếng. Nó ngưng phun phún thạch từ tháng Bảy, và chỉ còn nhả ra một giòng khói mỏng lả ngọn về phía Tây.

Chúng tôi giữ vị trí hộ tống phía sau nhóm oanh tạc cơ. Tôi đã ngạc nhiên khi biết mấy chiếc Betty này mang bom thay vì thủy lôi, vũ khí thông thường để tấn công tàu chiến. Ðiều này khiến tôi lo lắng. Tôi biết rõ là vô cùng khó khăn khi phải tấn công các mục tiêu di chuyển trên mặt biển từ trên cao độ. Hồi ở Buna, mặc dù các oanh tạc cơ B17 địch có tiếng là oanh tạc chính xác, nhưng chúng đã phí hầu hết số lượng bom thả xuống các tàu chiến Nhựt.


Ghi chú Quân sự

Khu trục cơ Grumman F4F Wildcat

hỗn danh “Mèo Hoang”

Dài: 8.8 m, Cao: 2.8 m, Cánh: 11.6 m

Trọng lượng võ trang: 3,610 kg

Động cơ 1,200 mã lực

Tốc độ tối đa: 515 km/g

Đường kính: 1,240 km

Trần bay: 12,000 m

4 đại liên 12 ly 7, 2 bom 45 kg

Tuy bay chậm hơn chiếc Zéro và gia tốc vượt lên thấp hơn (9.9m/s so với 15.7 m/s), F4F Wildcat bọc thép dầy với thùng xăng hàn kín có khả năng chịu đạn gây kinh ngạc cho phi công Nhật.


Chúng tôi gia tăng cao độ lên 3,900 thước rồi bay về phía Ðông đến đảo Buka. Ðây là hòn đảo xinh đẹp đặc biệt, cách Rabaul khoảng 60 dặm. Màu xanh tươi sáng, và giống như hình móng ngựa, hòn đảo san hô này có cái tên ghi trên bản đồ là Ðảo Xanh. Tôi không bao giờ nghĩ rằng quang cảnh đầy màu sắc và hấp dẫn phía dưới sẽ cứu mạng tôi sau này.

Trên không phận Buka, đội hình hợp đoàn xoay về hướng Nam, dọc theo bờ biển phía Tây đảo Bougainville. Mặt trời chiếu xuyên qua mây. Sự oi bức khiến tôi khát nước, và đây cũng là hiện tượng mà chúng tôi thỉnh thoảng cảm thấy khi tiến vô đất địch. Tôi lấy một chai sô-đa trong hộp thức ăn và, không suy nghĩ, tôi mở nút. Tôi quên khuấy độ cao. Ngay khi nút chai vừa bật, nước sô-đa vọt lên dữ dội, áp lực thoát ra trong không khí hiếm hoi. Trong nhiều giây, nước sô-đa bao phủ hết mọi thứ trước mắt tôi. Chất đường trong nước có ga khô lại trên kiếng đeo mắt khiến tôi không nhìn thấy gì nữa. Tôi chửi toang cho sự ngu đần của mình. Mất hết 40 phút tôi mới lau sạch hết mọi thứ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy lố bịch hơn. May thay các huấn luyện viên của trường phi hành Tsuchiura không nhìn thấy! Cũng may là các đồng ngũ và cả Ðại úy Sasai không nhìn thấy… nếu không họ sẽ cười nhạo đến tối. Tôi tự hứa sẽ không kể với ai chuyện này, trừ ra với Hatsuyo. Chắc là Hatsuyo sẽ cười khúc khích. Cô em họ của tôi đã lớn, đã trở thành một thiếu nữ khả ái và kỳ lạ là tôi hay nhớ đến Hatsuyo tuy vẫn nhận thư của Fujiko đều đặn. Tôi sẽ không kể chuyện sô-đa với Fujiko vì cần giữ thể diện, nhưng với Hatsuyo, chung huyết thống, tôi thấy gần gũi. Tôi lau kiếng như một bà nội trợ lau bếp, cho đến lúc tôi có thể nhìn thấy mọi hướng, chúng tôi đã bên trên đảo Vella Lavella, nằm giữa đường Rabaul và Guadalcanal.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Bay ngang New Georgia, chúng tôi gia tăng độ cao và lướt qua Russell trên 6,000 thước. Cách năm mươi dặm trước mặt chúng tôi, Guadalcanal hiện ra lờ mờ trên mặt nước. Ngay cả ở khoảng cách xa này, chúng tôi cũng nhìn thấy ánh lửa vàng hực nổi bật lên nền trời xanh bên trên hòn đảo đang tranh chấp. Hiển nhiên các trận đụng độ đã xảy ra giữa những chiến đấu cơ Nhựt đến từ các căn cứ khác Rabaul với phi cơ bao che của địch quân. Tôi nhìn xuống bờ biển phía Bắc Guadalcanal. Trong eo biển nằm giữa Guadalcanal và Florida, hàng mấy trăm vệt trắng chạy ngang dọc trên mặt nước, là tàu chiến của địch. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều chiến hạm và dương vận hạm cùng một lúc như vầy.

Ðây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một cuộc hành quân không-thủy-bộ hỗn hợp của Hoa Kỳ. Một cuộc hành quân to tát không thể nào tin nổi. Có ít nhứt 70 chiến hạm đang tiến vào các bãi biển, hàng chục khu trục hạm bao quanh, và nhiều chiến hạm ẩn hiện phía chân trời, khoảng cách quá xa khó có thể phân biệt hoặc đếm được.

Lúc ấy các oanh tạc cơ Betty chầm chậm vung rộng ra để thả bom. Ngay phía trên các phi cơ này là những đám mây nhỏ treo lơ lửng ở cao độ 4,000 m. Phía bên phải và ở trên cao, mặt trời chói loà xoá nhoà mọi thứ trước mắt. Tôi cảm thấy bất an, vì chúng tôi không thể nào nhìn thấy được chiến đấu cơ Mỹ nhào xuống từ góc đó. Ðiều lo sợ của tôi đã sớm thành sự thật. Không một dấu hiệu nào báo trước, 6 máy bay địch thình lình nhô ra khỏi ánh sáng loé mắt. Chỉ cần liếc qua, tôi thấy ngay những phi cơ này to lớn hơn mọi loại chiến đấu cơ Mỹ mà chúng tôi thường chạm trán. Tất cả đều sơn màu ô liu, chỉ phía dưới cánh là sơn màu trắng. Ðó là loại chiến đấu cơ Wildcat, Grumman F4F lần đầu tiên tôi đụng độ.

Mấy chiếc Wildcat, không biết có sự hiện diện của các chiến đấu cơ Zéro, chúi xuống tấn công các oanh tạc cơ Nhựt. Nhiều chiến đấu cơ của chúng tôi xông tới, và một số khai hoả ngoài tầm, hy vọng xua đuổi phi cơ địch. 6 chiếc Wildcat cùng lộn nhào tức thì và chúi xuống biến mất. Phía trên mặt nước cạnh đảo Savo, các oanh tạc cơ bắt đầu thả bom xuống nhóm chuyển vận hạm to lớn của địch quân. Tôi nhìn theo hướng bom rớt. Những cột nước dâng cao khỏi mặt biển, nhưng chiến hạm địch vẫn lướt tới, không hề rối loạn.

Hiển nhiên, cố gắng thả bom cho trúng các chiến hạm đang chạy từ độ cao 6,000 thước là một việc làm ngu dại. Tôi không thể nào hiểu được tại sao không sử dụng thủy lôi đã từng chứng tỏ sự hữu hiệu trong quá khứ. (Ngày hôm sau các oanh tạc cơ này quày lại, lần này mang theo thủy lôi để tấn công ở cao độ thấp. Nhưng bấy giờ thì đã trễ. Chiến đấu cơ địch đông như kiến bu quanh và nhiều chiếc Betty bị nhận đầu xuống biển trước khi tiến đến gần mục tiêu…) Sau khi trút hết bom, các oanh tạc cơ hai máy lạng qua trái và gia tăng tốc lực để trở về Rabaul. Chúng tôi hộ tống các oanh tạc cơ qua khỏi đảo Russell, ra ngoài tầm hoạt động của máy bay địch, và quày lại Guadalcanal. Lúc ấy khoảng 1 giờ 30 chiều. Chúng tôi lướt qua Lunga, tất cả 18 chiếc Zéro đều chuẩn bị lâm trận. Một lần nữa, trong ánh mặt trời chói chang gây mù loà, mấy chiếc Wildcat nhào xuống nhóm phi cơ của chúng tôi. Tôi là phi công duy nhứt phát hiện cuộc tấn công và lập tức, tôi chĩa mũi chiếc phi cơ của tôi thẳng đứng lên với những chiếc Zéro khác tiếp sau. Mấy chiếc Wildcat lại phân tán và chúi xuống theo nhiều hướng khác nhau. Chiến thuật lẩn tránh của đối phương không có vẻ rối loạn, và lối lẩn tránh này khá lạ. Có vẻ như phi công Mỹ không có ý định quyết chiến hoặc đang muốn dụ chúng tôi vào bẫy.

Kỳ sau: Chương 18 (tiếp theo)

Tử chiến

Không trung

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa từ trang War Thunder và elgrancapitan.org