Ngay từ 1940 The British Royal Air Force (RAF) và The German Air Force (Luftwaffe) đã sáng chế ra Radar nhằm phát hiện máy bay đối phương. Phía Hoa Kỳ thử nghiệm thành công radar CXAM trên Thiết giáp hạm USS New York vào cuối 1938. Ngược lại Nhật Bản hoàn toàn tụt hậu trong lĩnh vực này. Cho đến lúc bại trận, radar Nhật vẫn thô sơ. Chính vì thiếu hệ thống Mắt Thần mà căn cứ Lae của Sakai thường xuyên bị tập kích bất ngờ.

 [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 16

Chương 16

Trong suốt tháng Sáu, chúng tôi chạm trán với một số lượng chiến đấu cơ và oanh tạc cơ đối phương đông đảo chưa từng thấy. Chúng tôi được thông báo rằng đối phương đang gầy dựng lại một sức mạnh không lực quan trọng trong khu vực, và rằng từ đây chúng tôi phải dốc toàn lực cho những nhát chổi quét sạch bầu trời của chúng tôi. Ðiều này có nghĩa là chúng tôi phải tận dụng tất cả chiến đấu cơ Zéro hiện có trong tay. Ðối phương đã thiết lập thêm nhiều phi trường bên ngoài những cánh rừng trùng điệp trên khắp khu vực Port Moresby.

Các cuộc oanh tạc của chúng tôi cũng gia tăng đều đặn về số lượng, và các chiến đấu cơ địch đối đầu với chúng tôi cũng quyết tâm hơn. Vào ngày 17 tháng 6-1942, 12 chiến đấu cơ Zéro hộ tống 18 oanh tạc cơ Betty, bay đến dội bom hải cảng Moresby, đã đánh bật bảy chiến đấu cơ nghinh chiến của địch quân. Cuộc oanh tạc này đã gây cho khu vực bến tàu Moresby hư hại nặng và đánh chìm một chiếc tàu chở hàng 8,000 tấn đang buông neo trong cảng. Khu trục cơ Mỹ tấn công máy bay chúng tôi trong suốt phi trình từ Moresby về mũi Ward Hunt, nhưng không gây thiệt hại. Ngày hôm sau, 9 oanh tạc cơ Betty và 9 chiến đấu cơ Zéro khác không tập Kido, nằm gần vịnh Rescar, một căn cứ mới của địch quân ở phía Bắc Moresby. 10 chiến đấu cơ địch đụng độ với 18 phi cơ Nhật, chúng tôi hạ hai chiếc mà không bị tổn thất nào.

Vào ngày 24 tháng Sáu, tôi trở về Lae sau khi nghỉ phép ở Rabaul, và cất cánh sáng hôm sau, nằm trong một lực lượng gồm 21 chiến đấu cơ tấn công Moresby. Tôi hạ được một trong số 11 chiến đấu cơ địch nghinh chiến. Sáng kế đó, Rabaul gởi 17 oanh tạc cơ trở lại Moresby với 11 chiến đấu cơ hộ tống. 12 chiến đấu cơ địch lên nghinh chiến và chúng tôi hạ thêm hai chiếc. Những thiệt hại liên tiếp của Ðồng Minh không ngăn họ tái võ trang Moresby.

Ðó là cuộc tấn công cuối cùng của tháng Sáu. Ngày hôm sau, mưa trút ồ ạt xuống khu vực Papua New Guinea. Mưa không chỉ trói chân chúng tôi mà còn trói chân cả Ðồng Minh. Mây che kín bầu trời hầu như suốt mỗi buổi trưa, và ban đêm cuồng phong quét ngang khu vực thật dữ dội. Chúng tôi yên lòng nhắm mắt tới sáng.

Tháng Bảy thời tiết bỗng thay đổi bất ngờ. Ngày thì mưa gió nhưng ban đêm bầu trời lại sáng dạ quang. Oanh tạc cơ địch bay đến hàng đàn hầu như mỗi đêm và trút bom xuống không ngừng nghỉ. Chúng tôi bó tay. Ngay cho dù phi đạo đủ rộng, thích hợp cho các hoạt động đêm, khả năng dạ chiến của chiến đấu cơ Zéro rất đáng nghi ngờ. Do đó, chúng tôi vẫn ở trên mặt đất, chui vô hầm trú ẩn và chửi rủa bọn Mỹ.

Bình minh ngày 2 tháng Bảy, chúng tôi đối đầu với một cuộc oanh tạc quy mô. Tiếng còi báo động rú lên, đánh thức giấc ngủ về sáng của chúng tôi. Chúng tôi gấp gáp mặc đồ bay và chạy túa ra phi đạo. Nhưng không ai chạy tới phi cơ được vì tiếng động cơ máy bay địch đã gầm thét trên đầu. Các phi công hối hả chạy vô hầm trú ẩn gần nhất.
Chúng tôi có thể nhìn thấy các oanh tạc cơ địch nổi bật trên nền trời đầy sao. Ðó là loại B25 Mitchell và B26 Marauder bay không cao hơn 600 bộ. Là chưa đến 200 thước

Sau khi thả hết bom, các oanh tạc cơ sà thấp trên ngọn cây bắn phá phi đạo và tất cả các cơ sở nằm trong tầm mắt. Ðạn địch rải lên phi đạo giống như mưa đá. Lúc lộp bộp cuốc đất lúc rôm rốp như ném liệng một chùm gạch đá. Cày xới tứ tung. Chỗ tôi nấp không an toàn, tôi bỏ chạy vào vị trí đặt súng. Tôi đẩy một xạ thủ ra khỏi súng máy và nói với hắn để tôi thay thế. Hắn đeo dính khẩu súng, và từ chối bỏ vị trí. Tôi không để mất thì giờ, đạp hắn một đạp ra khỏi chỗ ngồi. Hắn đứng dậy chửi rủa om sòm, nhưng một phi công khác đã chạy vô phía sau tôi nắm cổ xô hắn ra ngoài và lượm các băng đạn lên. Trọng liên Shiki kiểu 92 không tiếp đạn bằng dây mà từng thanh sắt nhồi 30 viên. Tôi nạp đạn. Ðợt xạ kích thứ hai của 6 chiếc Marauder đang lướt đến, tôi kéo cơ bẩm và ghìm súng chờ đợi. Một chiếc Marauder bay ngang trên đầu, tôi ria một tràng đạn từ mũi đến đuôi, nhưng không trúng. Chiếc oanh tạc cơ B26 quành lại, chúi ngay xuống vị trí đặt súng cao xạ, xạ thủ trước mũi của nó đáp trả hoả lực của tôi. Ðạn đại liên từ mũi chiếc B26 cày vạch tung tóe mặt đất. Ðây là kinh nghiệm đầu tiên của tôi trên mặt đất với một chiếc phi cơ tiến thẳng đến trước mặt. Hình ảnh những trái bom xoáy xuống và nổ bùng trên vị trí đặt súng khiến tôi kinh hoảng. Tôi vụt bỏ chạy như giông như gió đến hầm trú ẩn xây bằng bao cát phía sau. Một vài giây ngồi trong đó, tôi cảm thấy như một tên hèn nhát ngù ngờ và vô lý. Chiếc oanh tạc cơ gầm thét trên đầu, lướt qua nhưng không thả bom. Tôi tự rủa thầm và quay lại khẩu súng mà tôi vừa bỏ chạy. Dần dần tôi lấy lại bình tĩnh và quyết không làm thỏ đế nữa.
Mấy chiếc oanh tạc cơ quày lại, tiếng cánh quạt vang vang như sấm động, cách mặt đất chỉ 150 bộ, tròm trèm 45 thước, các họng súng rực lửa. Tôi rót lên một tràng trọng liên nhắm chiếc phi cơ bay sau. Tôi rót liên thanh cho đến hết đạn. Một giòng khói túa ra, nhưng chiếc phi cơ này vẫn bay như thường và rồi biến mất vào chân trời.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Ngày lên hẳn, sau một giờ dội bom và bắn phá, các oanh tạc cơ địch ra đi an toàn. Không một chiếc nào bị hạ cho dù các khẩu cao xạ của chúng tôi bắn hết đạn. Bọn phi công chúng tôi mất tinh thần đến nỗi loạt bom cuối cùng vừa dứt mà không ai dám chạy ra phi cơ cất cánh truy đuổi, như chúng tôi thường làm trước đây.

Hầu hết cơ sở của căn cứ đều bốc cháy. Phi đạo đầy dẫy mảnh sắt vụn, phi cơ không thể cất cánh được dù có cố gắng cách mấy đi nữa. Một việc khó thể tin, nhưng có thật, là 20 chiến đấu cơ Zéro đang đậu cạnh phi đạo hầu như an toàn, chỉ bị đạn và mảnh bom khoét lỗ. Chúng tôi tập trung vô bộ chỉ huy để nhận lịnh, trong lúc 200 binh sĩ công binh dọn dẹp khẩn cấp phi đạo. Hải quân Thiếu úy Mitsuo Sonitsu, vừa mới thuyên chuyển về Lae, giận dữ la hét, thề sẽ đâm thẳng vào oanh tạc cơ B26 bằng máy bay của hắn, ngay chuyến sau. Chúng tôi không chú ý lắm đến cơn thịnh nộ của hắn. Thình lình nhiều liên lạc viên chạy vô Bộ Chỉ Huy cho biết một cuộc tấn công nữa sắp xảy ra. “Hơn 100 phi cơ địch đang bay tới căn cứ!” Một trăm phi cơ! Một con số khó thể tin nổi! Cả trăm phi cơ, một con số khổng lồ. Chúng tôi chưa từng nghe nói đến một cuộc tấn công nào dữ dội như vậy. Các sĩ quan tham mưu có vẻ xao xuyến và ra lịnh cho mọi phi cơ cất cánh tức khắc. Chúng tôi chạy túa ra các chiến đấu cơ Zéro, rồ máy chạy ra phi đạo lúc ấy vừa mới dọn dẹp xong, rồi chờ đợi trong vị thế sẵn sàng. Sau đó, chúng tôi được báo cáo: “Một trăm chiến đấu cơ địch biến thành một trăm con cào cào”… Mọi người đều cười ồ.

Chúng tôi ăn trưa quanh Bộ Chỉ Huy, vẫn trong tư thế sẵn sàng cất cánh. Lúc chúng tôi còn đang nhai, các liên lạc viên chạy vô cho biết Salamaua báo cáo có 6 pháo đài bay B17 trên đường hướng đến căn cứ chúng tôi. Không ai phí một giây nào. Chúng tôi bỏ ăn, chạy như bay ra phi cơ. Căn cứ Salamaua chỉ cách Lae mấy phút bay. Các phi công khác đã cho phi cơ rồ máy ra phi đạo trong khi tôi vẫn nguyền rủa và loay hoay bên chiếc Zéro bất động của mình. Cố gắng cách mấy động cơ cũng không chạy. Tôi rồ máy đủ cách, cánh quạt vẫn không quay. Tôi leo xuống phi cơ, thiểu não, vì các chiến đấu cơ khác đã ở trên không rồi.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Tôi chạy băng ngang qua phi đạo hướng đến các hầm trú ẩn. Trung tá Nakajima từ một miệng hầm đưa tay vẫy gọi tôi rối rít và tiếng rít của một trái bom, hú ran giống như một lưỡi dao khổng lồ bửa xuống. Chém phạt với hết sức mạnh. Gió hất tôi bổ chúi vô hầm, đè trên lưng nhiều người nằm sẵn trong đó. Tức khắc, thế giới nổ tung. Tôi cảm thấy một áp lực cực mạnh chụp từ mọi phía đè thúc lên thân thể mình; một áp lực khủng khiếp đè gí lấy cơ thể và ghị tôi xuống sát đất, rồi tất cả biến thành màu đen. Tôi không thấy, không nghe gì nữa, như tôi đã rời xa hẳn thế giới quanh mình. Tôi cố cử động chân tay nhưng vô ích, tôi đã đông cứng. Có thể nhiều giây hoặc nhiều phút, tôi nghe tiếng gọi văng vẳng của Trung tá Nakajima. “Sakai! Sakai!”… Tôi cố gào lên để la “Tôi đây..” Tôi nghĩ rằng tôi la lớn lắm, nhưng lạ thay tôi không nghe thấy tiếng kêu của chính mình. Mũi miệng tôi cứng đờ. Có một cái gì chèn nặng lên trên ngực, lên thực quản và chặn ngang cằm. Tôi vùng mà chân tay không nhúc nhích. Giống tôi không có tay, không có chân. Không có cả thân mình. Tiếng nói của Trung tá Nakajima lại văng vẳng: “Hắn bị chôn vùi rồi! Tìm kiếm đi! Ðào lên mau!” Trung tá Nakajima có giọng nói bình thường sang sảng mà lúc này nghe xa xôi.

Bị chôn? Dĩ nhiên! Tôi nằm dưới đá và cát. Tôi cố gắng mở mắt. Tối đen. Cơn sợ hãi ùa đến. Tiếng nói của Trung tá Nakajima lần này lớn hơn: “Gặp cái gì đào cái nấy! Mau lên! Dùng cây khượi lên! Cả tay và móng nếu các anh không có vật gì để đào! Mau lên!”.


Ghi chú quân sự:

Trọng liên Shiki 92 Heavy Machine Gun

Nặng 55 kg chưa tính chân.

Đạn 7 ly 7, vận tốc 732m/s.

Nhịp bắn 450 viên/phút.

Tầm xa tối đa 4500 m.

Tầm xa hiệu quả 800 m.

Trong hình là phiên bản bộ binh.

Oanh tạc cơ hạng trung North American B25 Mitchell

Phi hành đoàn 6 nhân viên và hoa tiêu.

Chiều dài 16 m. Chiều cao 4.8 m. Sải cánh 20.6 m.

Trọng lượng tối đa 19,000 kg.

2 X động cơ 1,850 mã lực (2 x 1380 kw).

Vận tốc tối đa 442 km/h.

Bán kính khứ hồi 2,170 km (tầm xa 4,300 km).

Võ trang 12 đại liên 12 ly 7 và 2,700 kg bom.

Oanh tạc cơ hạng trung Martin B26 Marauder

Xem chi tiết kỹ thuật trong chương X đã đăng.


Rồi những âm thanh lao xao vang lên, tiếng xẻng đào trong cát. Tiếng xúc, tôi chờ, cố gắng không cựa quậy. Cuối cùng một bàn tay phẩy phẩy đất trên mặt tôi, rồi cát trên mũi tôi vẹt ra. Ánh sáng bỗng nhiên tràn ngập. Ùa đến như có cả chục chiếc đèn pha rinh tới trước mắt. Tôi khạc nhổ trong lúc chói mắt. Nhiều bàn tay nhấc tôi lên. Không phải một mình tôi mà ít ra cũng hàng chục người nữa bị chôn vùi lúc trái bom nổ. Nhưng không có một ai bị thương. Bộ Chỉ Huy tan nát. Mái sập và hầu hết số phi cơ còn đậu trên phi đạo trở thành những đống sắt vụn, thùng chứa xăng của nhiều chiếc đang bốc cháy. Khói đen bốc phừng phừng. Một hố bom toang hoác sát cạnh như chứng tích của một may mắn là Bộ Chỉ Huy không bị đánh trúng bằng một cú “direct”.

Gần một giờ sau, các chiến đấu cơ đã cất cánh trở về căn cứ. Bọn phi công tiu nghỉu. Sáu pháo đài bay Hoa Kỳ đều bay thoát.

Chúng tôi phải bỏ ra hai ngày để sửa sang căn cứ Lae sau cuộc tấn công ngày 2 tháng 7. Và ngày 4, chúng tôi sẵn sàng mở trận phục thù trên phi trường Moresby. Hãy còn là ngày 3 do lệch múi giờ phía Hoa Kỳ, nhưng chúng tôi tin rất phù hợp cho chúng tôi tham dự Lễ Ðộc lập Hoa Kỳ với pháo bông bắn thẳng từ họng đại bác của chúng tôi.

21 chiến đấu cơ Zéro gặp một ủy ban chào đón bao gồm 20 chiến đấu cơ địch trên không phận Moresby. Chúng tôi ra tay trong lúc chủ nhân vẫn còn tiếp khách bằng cách chúi xuống. Chín chiến đấu cơ địch chánh thức bị hạ, và còn thêm ba chiếc nữa què quặt.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Trên đường quay về, còn cách Lae nhiều dặm tôi đã nghe mùi khói phảng phất trong gió. Khi nhìn thấy căn cứ, chúng tôi mới biết khói đó bốc lên từ các cơ sở nằm cạnh phi đạo đang bốc cháy. Những cột lửa dâng cao, toả khói đen nghịt trên khắp khu rừng và bãi biển. Trong lúc chúng tôi vắng mặt, nhiều oanh tạc cơ địch bâu đến oanh tạc những kho chứa dầu.

Khi chúng tôi còn đang lượn vòng để đáp xuống, bảy chiếc B26 Marauder gầm thét trên cánh rừng phía dưới. Khi chúng tôi phát hiện, các oanh tạc cơ địch đã đến phi trường và những trái bom được thả xuống làm tung đất cát lên không. Lúc chúng tôi chúi xuống để truy đuổi địch, nhiều chiếc Zéro khác đã rời khỏi phi đạo, và chúng tôi bắt đầu một cuộc rượt đuổi 7 oanh tạc cơ địch như điên cuồng. Nhiều lần chúng tôi suýt đụng nhau trên không, chỉ tránh khỏi trong vòng gang tấc.

Một chiếc Zéro khác vừa cất cánh từ Lae bay bứt ra khỏi nhóm chánh, vượt qua mặt các oanh tạc cơ địch và vung trở trong một vòng xoay 180 độ rồi đâm thẳng góc vào chiếc oanh tạc cơ dẫn đầu, có vẻ như muốn tự sát. Viên phi công không bắn một phát súng nào, chiếc phi cơ lướt đến như một cái bóng, với một tốc độ gần 600 cây số giờ, rồi lách phía dưới chong chóng bên phải của chiếc Marauder, bay dọc theo thân và hơi nghiêng cánh một chút. Chiếc cánh như lưỡi dao cạo của chiếc Zéro tiện đứt lìa bánh lái của chiếc Marauder. Chiếc Zéro vẫn tiếp tục bay thẳng và lướt lên cao, có vẻ như không bị tổn hại, nhưng sau đó chiếc phi cơ bắt đầu một loạt lộn nhào chầm chậm, dần dần mất cao độ và chúi xuống biển hết tốc lực. Chính là Thiếu úy Mitsuo Sonitsu. Vài giây sau đó, chiếc B26 mất đuôi xiên vẹo và lộn nhào liên hồi, phơi bụng lên trên và chúi xuống nước với một tiếng nổ đinh tai nhức óc. Lập tức, sáu chiến đấu cơ Zéro xông tới rót đạn đại bác và đại liên như mưa rào vào thân cánh các oanh tạc cơ Hoa Kỳ còn lại, chôn ngay một chiếc nữa xuống biển. Năm oanh tạc cơ khác chạy thoát.

Chúng tôi lại đánh Moresby vào ngày 6 tháng Bảy, với 15 chiến đấu cơ Zéro hộ tống 21 oanh tạc cơ Betty. Chúng tôi dứt điểm 3 chiến đấu cơ địch nữa.

Từ ngày 7 đến ngày 10 tháng Bảy, tới phiên đối phương đánh chúng tôi. Ba đêm liên tiếp, chúng tôi co rút như lũ chuột trong các hầm trú ẩn. Lae trở thành một cơn ác mộng của tiếng bom rền rền hàng loạt từ đầu sân bay đến cuối sân bay, những bựng khói và lửa, của những căn nhà đổ vỡ, của hàng ngàn mảnh bom bay tua tủa. Chắc chắn, đối phương dự định nghiền nát Lae ra như cám. Tuy nhiên họ không bao giờ đạt được mục đích này, chúng tôi vẫn còn chiến đấu cơ khả dụng để bay.

Ngày 11 tháng Bảy, chúng tôi vét hết lực lượng oanh tạc cơ để đánh Moresby một lần nữa. Mười hai chiến đấu cơ Zéro hộ tống 21 oanh tạc cơ Betty cất cánh từ Rabaul. Trên đường đi, Ðại úy Sasai phát hiện sáu chiếc B17 trực chỉ đến phi trường của chúng tôi. Ông tách ra khỏi nhóm hộ tống cùng với năm chiến đấu cơ khác, trong đó có tôi, Nishizawa và Ota. Chúng tôi gây hư hại cho ba pháo đài bay B17, nhưng không hạ được chiếc nào. Trái lại, một chiếc Zéro bị bắn cháy và các chiến đấu cơ khác kể cả tôi lãnh nhiều vết đạn.

Với chỉ sáu chiến đấu cơ hộ tống, đội hình của các oanh tạc cơ của chúng tôi bị chiến đấu cơ địch phá rối lúc đến mục tiêu, vì vậy bom thả không chính xác, gây thiệt hại cho địch không bao nhiêu. Việc này khiến cho Sasai bị khiển trách nặng nề. Thật sự Ðại úy Sasai đã vi phạm quy luật căn bản của chiến đấu cơ khi hộ tống: không bao giờ rời bỏ việc phòng vệ các oanh tạc cơ.

Tuần sau: Chương 17

Tấn công Buna

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin,

New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm,

Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn

của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa từ trang War Thunder và Squadron Signal Publications