Trong Summer of 42, Jennifer O’Neill say đắm mối tình cấm với thiếu niên Gary Grimes trên đảo Nantucket êm đềm nắng…

The summer smiles the summer knows

And un-ashamed, she sheds her clothes

The summer smoothes the restless sky

And lovingly she warms the sand on which you lie

The summer knows the summer’s wise

She sees the doubts within your eyes

And so she takes here summer time

Tell the moon to wait and the sun to linger…

Mùa Hè 42 đến với Sakai khác hẳn, vẫn là những trận không chiến ác liệt bên trên New Guinea. Đời sống của Sakai thâu vào việc nhào lộn trên không, bay và bắn. Chương hồi ký cho thấy thêm khía cạnh khác: Nhật Bản cứng rắn trong việc tưởng thưởng binh sĩ; và các phi công Samurai không mang dù vì khinh thường cái chết. “The Death is lighter than a feather”…

Mặt tổ chức, Không lực Nhật phân chia làm Không Hạm đội (Air Fleet), Không đoàn (Wing), Liên Phi đoàn (Group), Phi đoàn (Squadron), Phi đội (Flight), Phi tuần (Section) và Phi vụ (Mission)…

Song, xuyên qua hồi ký của Sakai, tuy 1 phi đoàn Nhật lên đến 80 máy bay, người đọc hiếm khi thấy Phi đoàn Lae thực hiện các phi vụ đông hơn 20 chiếc Zéro. Lý do: ¼ phải bảo trì, ¼ sửa chữa vì hư hại sau đụng độ, ¼ huấn luyện và phòng vệ căn cứ, chỉ còn lại ¼ tham gia tấn công. Quá ít máy bay là nguyên nhân bầu trời chuyển dần sang tay Đồng Minh.

Vào cuối tháng 5, mùa Hè 42 hãy còn rực rỡ xanh lơ với Sakai vừa bắn rơi 4 chiến đấu cơ Hoa Kỳ trong cùng một ngày. Thời khắc huy hoàng sớm ngắn ngủi, vì tin thất trận Midway ập xuống như một trừng phạt.

Lúc này Sakai đã thăng từ Nito-heiso là Trung sĩ Nhất lên Itto-heiso là Thượng sĩ. Chỉ sau 6 tháng tham gia Thế chiến. Một kỷ lục trong Không Hải đoàn Nhật Bản (Naval Aviation) cứng nhắc và ngạch trật. [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 15

Chương 15

 

Trước đó, vào ngày 20 tháng 5-1942, chúng tôi đối đầu với đối phương trong một trận không chiến cao nhứt lịch sử khi chỉ huy trưởng phi đoàn hướng dẫn 15 chiến đấu cơ từ Lae bay đến Moresby ở cao độ 30,000 bộ (9,200m) trong suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Chúng tôi duy trì cao độ này để lấy yếu tố bất ngờ, và chúng tôi cũng đã bất ngờ khi đụng đầu với một đội hình địch quân cũng bay cùng một cao độ như chúng tôi.

Tôi đã hồ nghi khả năng chiến đấu của phi cơ Zéro ở cao độ này. Riêng tôi có thể đạt đến cao độ 37,720 bộ (11,500m) với chiếc Zéro, nhưng phải mang mặt nạ dưỡng khí và áo ấm. Ở cao độ đó, cần điều khiển của phi cơ rất nặng nề và không thể nhích độ cao lên một tấc nào được nữa. Bởi vậy chiến đấu với một chiếc Zéro ở độ cao 30,000 bộ hình như không được khôn ngoan cho lắm.

Có 10 chiến đấu cơ địch, loại P39 kiểu mới. Tôi dẫn đầu cuộc tấn công và xáp chiến tức khắc. 14 chiếc Zéro khác đối đầu với nhóm phi cơ còn lại. Cần kiểm soát nặng nề và chậm chạp trong không khí loãng, hình như mọi cử động của tôi đều trì trệ. Lồng ngực của tôi như muốn rạn nứt và mặt nạ dưỡng khí tuột ra khỏi càm tôi. Dường như khi một người đã tập trung tất cả sức mạnh vào một hành động quyết định, ngay cả khi ngộp thở vì thiếu dưỡng khí cũng không thể nào ngăn nổi hành động của hắn. Giữa lúc tôi như bất tỉnh, tôi cảm thấy tay tôi vẫn nắm chặt cần lái và giữ cho phi cơ chúi xuống trong vòng xoáy trôn ốc. Khi đầu óc tôi đã tỉnh táo và nhìn rõ trở lại, phi cơ đã xuống dưới 20,000 bộ (6,000m). Tôi xoay mình tức khắc, vì phi cơ địch vẫn bám sát theo sau và đang chuẩn bị hoả lực.

Nhưng phi công địch cũng gặp rắc rối. Có lẽ hắn xoay theo tôi quá ngặt hay có thể hắn cũng mất dưỡng khí như tôi, cho nên ở cùng cao độ 20,000 bộ nhưng phi cơ của hắn xoáy theo hình trôn ốc chầm chậm. Không bỏ lỡ dịp may, tôi xông tới ngay khi chiếc P39 có vẻ lấy lại thăng bằng, cánh hơi ngước lên với các họng súng rực lửa hướng về phía tôi. Tôi lảng ra nhanh như chớp, bấy giờ chiếc P39 đang ở bên trên về phía bên phải, tôi ấn cò đại bác. Một viên 20 ly cắt đứt phi cơ địch ra làm hai. Ngoài tôi ra, chỉ có Ota bắn hạ được một chiếc P39 khác vào ngày hôm đó.

Hôm sau, đầu tiên tôi hạ một chiến đấu cơ địch mà không cần bắn một phát súng nào, trong một trận không chiến căng thẳng cực độ. Khác hơn lần trước, lần này ngày 26 tháng 5, chúng tôi đụng nhau ở một cao độ rất thấp, là sát trên ngọn cây. Một nhóm 16 chiếc Zéro chạm trán một đội hình đối phương kỳ lạ. 4 oanh tạc cơ B17 bay trong đội hình hàng dọc với khoảng 20 chiến đấu cơ P39 chia thành từng nhóm nhỏ hai hoặc ba chiếc bao xung quanh các pháo đài bay này. Chúng tôi ở phía dưới đối phương và tấn công bằng cách vượt thẳng đứng lên mà họ không hay biết. Tôi đốt ngay một chiếc P39, và bầu trời như nổ tung trong một trận hỗn chiến.

Hầu hết chiến đấu cơ địch đều thối lui và lảng xa các chiến đấu cơ của chúng tôi. Tôi bám sát đuôi của một chiếc P39 đang chúi xuống khu rừng. Viên phi công tỏ ra sợ hãi, hắn bay có vẻ như quét trên ngọn cây và giống như cắt cỏ khi hắn xoay thân, vượt lên, chúi xuống với tôi đeo dính sau đuôi. Mỗi lần hắn vượt lên, xoay ngang hoặc lăn tròn, tôi cắt thẳng vào thân phi cơ của hắn. Tôi thụt ngay một viên đại bác khi chiếc Airacobra lảng ra bằng cách lăn tròn về phía trái. Phi công Mỹ chúi xuống ngay và lao về phía đầy cây cối, xung quanh toàn là dốc đá cao chớn chở.

Trước khi tôi nhận biết sự nguy hiểm, tôi đã lọt vô một hẻm núi, đeo dính một bên đuôi của chiếc P39. Không có thời giờ để tập trung hoả lực, tất cả những gì mà tôi có thể làm là tránh né các mỏm đá gie ra, san sát và khít khao trong đường tơ kẽ tóc. Hiểm nguy chết người khiến tôi quên hẳn mục đích chánh của mình. Mồ hôi đổ ra như tắm. Tiếng động cơ máy bay vang vang từ hai vách núi như sấm động.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Bỗng nhiên phía trước, một gộp đá treo lơ lửng án mất lối đi của chúng tôi. Lập tức viên phi công địch dựng đứng mũi phi cơ để vượt lên, nhưng quá muộn. Cánh chạm vào đá, chiếc phi cơ lộn nhào, và một tiếng nổ khủng khiếp vang lên phía dưới hố sâu. Tôi kéo hết cần điều khiển về phía sau với tất cả sức lực của đôi tay và giữ thật chặt. Cần kiểm soát rung rần rật. Chiếc Zéro quất ngược đầu lên thật dữ đội, và chỉ trong vòng một cái nháy mắt nhưng dài dằng dặc, chiếc phi cơ lướt lên khỏi gộp đá, có thể nói là chỉ trong gang tấc.

Tôi mất vài phút mới lấy lại bình tĩnh. Mệt lả vừa đưa tay vuốt mồ hôi đổ tháo như tắm trên mặt, tôi gia tăng tốc lực và vượt lên cao từ từ. Ðó là chiến thắng thứ 37 của tôi, mặc dù tôi không đích thân tiêu diệt chiếc phi cơ này, nhưng trận không chiến vừa qua là một trong những trận không chiến tổn sức nhất trong đời tôi.

Sau đó, tôi được biết Nishizawa và Ota cũng lâm vào tình trạng chiến đấu không khác gì tôi. Họ rượt đuổi 2 chiếc P39 xuống một triền núi và hầu như lâm hiểm trong lúc vượt lên khi hai đối thủ phía trước của họ vỡ tan. Ðêm đó, doanh trại của chúng tôi ồn ào nỗi vui qua những biến cố trong ngày.

Suốt tuần lễ cuối cùng của tháng 5, Phi đoàn Lae tung hết sức mạnh càn quét khu vực Moresby, và trong vòng ba ngày của cuộc không chiến dữ dội, chúng tôi đã thâu đạt được những thành quả không thể tưởng tượng được. Qua chiều hướng này, Moresby được xét đoán đã đến lúc nhận lãnh một cú đấm dứt khoát. Vào ngày 1 tháng 6, 18 oanh tạc cơ Betty cất cánh từ Rabaul, hộ tống bởi 30 chiếc Zéro của Lae và 11 chiếc khác của Rabaul, cố gắng san bằng pháo đài huyết mạch của địch quân lần cuối. Chúng tôi đã tin tưởng một cách chắc chắn rằng Ðồng Minh không thể đưa ra một sự chống đối mạnh mẽ sau các trận đánh liên tục. Chúng tôi đã sai lầm! 20 chiến đấu cơ địch đã gầm thét xông vào lực lượng to lớn của Nhựt. Một lần nữa, một trận đánh “xáp lá cà” xảy ra. 7 phi cơ địch rớt trong lửa đỏ, một chiếc do súng của tôi gây ra. Nhưng đối phương đã đạt mục đích: phân tán lực lượng oanh tạc cơ của chúng tôi và bẻ gãy sự chính xác của cuộc không tập.

Trên đường trở về Lae, một oanh tạc cơ của chúng tôi rớt khỏi đội hình, bay lạng quạng trong không khí. Tôi và năm chiến đấu cơ khác phải bay tụt lại để bao che. Chiếc oanh tạc cơ lê thân chậm chạp. Những lỗ đạn đại bác lỗ chỗ trên cánh và thân phi cơ, coi không khác nào một cái rây. Chiếc phi cơ vẫn còn bay được, là một phép lạ.
Phi công trưởng và phụ nằm dài trên ghế trong những vũng máu. Tôi không thể nhìn thấy bốn người khác thuộc phi hành đoàn. Chỉ có chuyên viên cơ khí vật lộn với cần điều khiển, cố giữ cho phi cơ thăng bằng. Hiển nhiên hắn không bị thương, còn những người khác có thể đã chết hoặc bị thương nặng.

Bằng mọi cách, chuyên viên cơ khí đã đưa được chiếc phi cơ lảo đảo như người say rượu về tới phi trường Lae. Hắn đã làm được một việc đáng nể phục. Rõ ràng hắn bay với kiến thức học lóm. Việc này đã đành là khó khăn đối với những người chưa được huấn luyện lái phi cơ, nhưng còn khó khăn hơn nữa khi lái một chiếc phi cơ bị hư hại trầm trọng. Lúc ấy chiếc oanh tạc cơ đã tiến vào không phận Lae và anh cơ khí viên không còn biết phải làm gì thêm nữa. Hắn có thể giữ cho phi cơ bay, nhưng đáp xuống là cả một vấn đề.

Chiếc phi cơ què quặt đảo chầm chậm trên phi trường hết vòng này đến vòng khác, và anh cơ khí viên ngắm nghía phi đạo nhỏ hẹp phía dưới. Không có cách nào khác để giúp đỡ con người bồn chồn này. Chúng tôi bay sát hơn và cố chỉ cách cho hắn đáp xuống, nhưng một khi hắn rời tay khỏi cần điều khiển, chiếc phi cơ chao đi chao lại một cách nguy hiểm. Dần dần hắn giảm được tốc độ và bắt đầu hạ thấp xuống. Chiếc phi cơ bay vòng ra ngoài biển, và hạ thấp quá mau khi xoay lại để hướng đến phi đạo. Tôi nín thở. Chiếc phi cơ xốc dữ dội và bắt đầu rơi tuồn tuột. Nó sẽ tan tành trong nháy mắt.

Một phép lạ xảy ra! Viên phi công gượng ngồi dậy, gương mặt trắng bệch lốm đốm máu. Hắn tựa một cách nặng nhọc vào vai của anh cơ khí viên. Chỉ một giây sinh tử, hắn ấn nút bộ phận đáp bật ra, phi cơ lấy lại tốc lực và bánh xe chạm trên mặt phi đạo. Trong nháy mắt, nó va vào hai chiếc Zéro đang đậu vỡ tan, rồi bật nhào nửa vòng và đứt làm hai đoạn.

Chúng tôi đáp lập tức sau đó, cán trên các mảnh vụn nhưng lạ lùng là không có chiếc phi cơ nào bốc cháy. Phi công chánh của chiếc oanh tạc cơ chỉ gượng đứng dậy được một phút rồi ngã ra bất tỉnh. Phi công phụ tử thương. Cơ khí viên bị thương trầm trọng ở giò, phải khiêng ra bằng cáng. Tất cả nhân viên khác thuộc phi hành đoàn đều mang thương tích nặng.

Nhát chổi chiến đấu cơ vẫn tiếp tục quét, và suốt hai ngày kế tiếp chúng tôi bắn rơi thêm ba chiến đấu cơ địch. Nhưng không một người nào ở Lae biết được các chiến thắng liên tục của chúng tôi trái ngược một trời một vực với cuộc chiến bại đầy bi thảm của một lực lượng đặc nhiệm Nhựt Bản to lớn ở Midway vào ngày 5 tháng 6. Ðông-Kinh tuyên bố Hạm đội Hỗn hợp Ðặc nhiệm của chúng tôi đạt được chiến thắng quan trọng. Bộ Tư Lịnh Hoàng Gia đã giảm thiểu sự mất mát của chúng tôi xuống một mức độ vô nghĩa. Tuy nhiên, lần đầu tiên chúng tôi hồ nghi sự chính xác của các tin tức. Lý do dễ hiểu là chúng tôi biết Midway bị địch quân đổ bộ và chiếm đóng. Nếu hạm đội của chúng tôi rút lui mà không đẩy bật được cuộc chiếm đóng đó, không cần nhìn thấy cũng biết những gì đã xảy ra.
Sau này chúng tôi mới được biết bốn trong số các hàng không mẫu hạm mạnh nhứt và lớn nhứt của chúng tôi, đã làm nên chiến thắng Trân Châu Cảng, cùng với 248 phi cơ và hầu hết phi công cũng như hàng mấy ngàn thủy thủ, đã bị chôn vùi xuống đáy biển.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Từ ngày 5 đến 15 tháng 5, một sự yên tĩnh kỳ lạ trên mặt trận New Guinea. Sự yên tĩnh này chỉ bị phá vỡ bởi một cuộc không kích duy nhất ở Lae vào ngày 9. Ðiểm thắng của tôi ghi thêm hai oanh tạc cơ B26 Marauder.
Vào ngày 16 tháng 5, cuộc chiến trên không bùng nổ dữ dội trở lại. Ðó là một ngày chiến đấu cơ của chúng tôi làm chủ chiến trường, khi 21 chiếc Zéro vồ ba nhóm phi cơ lơ đãng của địch quân. Chúng tôi đụng với nhóm 12 chiến đấu cơ đầu tiên của địch bằng cách bổ nhào xuống một lượt, phá tan đội ngũ của địch quân. Tôi bắn rơi một chiếc, và năm phi công khác mỗi người ghi một điểm. Sáu chiến đấu cơ địch còn lại chúi mũi chạy thoát.

Trở lên cao độ cũ, chúng tôi nhào ra khỏi ánh mặt trời đâm thẳng vô nhóm 12 chiến đấu cơ thứ hai. Với cách đánh bất thần được lặp lại này, chúng tôi hạ thêm ba chiến đấu cơ địch. Tôi lại ghi thêm một điểm. Ðợt phi cơ thứ ba, gồm khoảng 10 chiếc lướt đến ngay khi chúng tôi vừa dọn dẹp xong nhóm thứ hai. Chúng tôi chia ra làm hai nhóm, một nhóm 11 chiếc Zero vượt lên cao để đánh xuống, một nhóm gồm 10 chiếc vẫn giữ độ cao như cũ. Các đội hình toả rộng trên khắp bầu trời Moresby. Phi cơ địch là loại P39 mới, bay mau lẹ hơn loại cũ nhiều. Tôi nhảy vô một đối thủ, và hắn đã làm cho tôi ngạc nhiên qua lối vung thật lẹ ra khỏi hướng bay mỗi lần tôi khai hoả. Chúng tôi rượt đuổi nhau vòng quanh. Viên phi công của chiếc Airacobra này vừa chạy vừa xoay tít, lộn nhào, vượt lên, chúi xuống, xoắn vòng, rớt theo hình trôn ốc, và nhiều cách khác. Tài nghệ của hắn tuyệt luân. Với một chiếc phi cơ tốt hơn, đáng lẽ hắn đã lấy mạng tôi từ lâu, nhưng tôi không để hắn hở tay. Tôi cứ đeo dính cách phía sau đuôi hắn không đầy 20 thước. Cuối cùng tôi lăn về phía trái một vòng, tung ra hai viên đại bác tầm ngắn, và chiếc P39 biến thành cây đuốc.

Ðó là chiến thắng thứ ba trong ngày. Chiến thắng thứ tư hầu như tiếp ngay sau đó và dễ dàng một cách đáng buồn cười. Một chiếc P39 xẹt đến trước mặt tôi và chỉ lo chú ý đến một chiếc Zéro khác đang truy đuổi ráo riết phía sau. Chờ cho chiếc phi cơ đến đúng tầm súng, tôi rót ngay 200 viên đại liên vô mũi. Nó lộn nhào như chớp để tránh né. Tôi bồi thêm loạt đại liên thứ hai vô bụng. Nó vẫn chưa chịu rớt. Một loạt đại liên thứ ba chụp trúng buồng lái của chiếc phi cơ đang còn lộn nhào. Kiếng che gió vỡ tan, và tôi thấy viên phi công gục về phía trước. Chiếc P39 xoay tít như chong chóng, và nổ tan trong khu rừng phía dưới.

Hạ bốn chiến đấu cơ địch trong một ngày. Ðó là thành tích của riêng tôi, đóng góp vào thành tích chiến thắng vĩ đại nhứt chỉ trong vòng một ngày hoạt động của Phi đoàn Lae, với tổng số 19 chiến đấu cơ địch bị tiêu diệt thực sự.
Chiến thắng như vậy vẫn chưa đủ. 10 oanh tạc cơ B26 lại mò đến căn cứ của chúng tôi. Ðịch đã chọn giờ xấu, vì 19 chiếc Zéro đã rời khỏi mặt đất trước khi chúng đến. Chúng tôi không hạ được chiếc nào, nhưng gây hư hại hầu hết và phá hỏng kế hoạch oanh tạc của địch quân. Trên đường truy đuổi, chúng tôi đụng đầu với 10 chiếc P39. Hiển nhiên 10 phi cơ này đáp lại lời kêu cứu của các oanh tạc cơ. Chúng tôi đốt một chiếc.

Căn cứ Lae tưng bừng với chiến thắng đêm đó. Tất cả các phi công được phát thuốc hút thả giàn. Chuyên viên cơ khí bu quanh chúng tôi để chia sẻ niềm vui. Chúng tôi còn được tin sẽ có 5 ngày phép ở Rabaul. Tin này khiến tôi khoan khoái hơn hết.

Không những tôi quá mệt mỏi sau những ngày chiến đấu liên miên, nhưng các chuyên viên cơ khí muốn có thời giờ để sửa chữa chiếc Zéro của tôi. Họ gọi tôi ra để chỉ cho coi nhiều lỗ đạn trên cánh và trên thân phi cơ, và tôi đã thót ruột khi nhìn thấy những lỗ đạn chạm thành một hàng phía sau phòng lái, cách đầu tôi không đầy hai phân.

Hồi năm 1942, không có một phi công nào của Nhựt bận áo giáp, và phi cơ cũng không được chế tạo với những chỗ bọc thép để chống đạn như phi cơ của Hoa Kỳ. Nếu đối phương sớm khám phá điều này, chỉ cần một viên đại liên 50 bắn vô thùng chứa xăng, chiếc Zéro làm bằng hợp kim nhôm sẽ biến thành ngọn đuốc lập tức. Tuy biết như vậy, trong thời gian này không có một phi công nào của chúng tôi mang dù khi bay. Vấn đề này Tây Phương đã diễn dịch sai lầm khi cho rằng cấp lãnh đạo Nhựt đã coi rẻ mạng sống của chúng tôi, rằng tất cả các phi công Nhựt bị vắt chanh bỏ vỏ và bị coi như những món đồ vật hơn là con người. Diễn dịch quá nhiều tưởng tượng. Tất cả các phi công chúng tôi đều được phát một cây dù khi bay, còn dùng hay không là quyết định riêng của chúng tôi, không có bộ chỉ huy nào ra lịnh không xài dù. Thực ra, chúng tôi được giới chỉ huy cao cấp thúc giục, tuy nhiên không ra lịnh hẳn hoi là phải mang dù khi chiến đấu, tuy cũng có những vị chỉ huy bắt buộc. Gặp trường hợp sau, phi công đem theo dù nhưng chỉ để trong phòng lái hoặc dùng làm nệm lót để ngồi.

Mục đích khiến chúng tôi không mang dù là nhằm tránh vướng víu tay chân. Vả lại đa số các trận không chiến của chúng tôi đều xảy ra trên đất địch, nếu có nhảy dù xuống an toàn thì cũng sẽ bị bắt giữ. Trong các điều luật của quân đội và trong các điều tâm niệm của võ sĩ đạo, không có giòng nào ghi hai chữ “Tù binh” hết. “Không làm tù binh”. Một kẻ ra trận hoặc là chết hoặc là trở về. Không có phi công chiến đấu nào gọi là can đảm mà lại để cho địch quân bắt giữ bao giờ. Việc này hoàn toàn không được nghĩ đến. Tuy nhiên, quả thật là khó chịu vô cùng khi nhìn thấy một hàng lỗ đạn chỉ cách đầu mình có mấy phân.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Ðêm đó tôi được Bộ Tư Lịnh Hải quân xác nhận con số bốn nạn nhân trong ngày của tôi. Ðây không phải là trường hợp duy nhất của Hải quân Hoàng gia. Tôi biết có nhiều phi công hải quân khác đã lập được thành tích này hoặc nhiều hơn nữa. Tính đến hiện tại, tổng số phi cơ bị tôi hạ là 43 chiếc.

Nishizawa sẽ trở thành phi công đại tài nhất với tổng số 103 phi cơ địch bị bắn rơi, và thành tích tột cùng của hắn lập được vào ngày 5 tháng 8 ở Guadalcanal là khi hắn hạ một lúc sáu chiến đấu cơ của Hải quân Hoa Kỳ, còn Trung sĩ Kenji Okabe hạ một lúc bốn chiếc F4F Wildcat, TBF Avenger và SBD Dauntless qua một loạt trận không chiến trong cùng ngày ở Rabaul. Okabe đã đáp xuống ba lần để lấy nhiên liệu và đạn dược trong suốt cuộc chiến đấu của ngày hôm đó, lập được thành tích vô song này.

Tuy nhiên, hầu như tất cả những phi công đạt được chiến công trên đều bị thiệt mạng không lâu sau đó trong lúc chiến đấu. Có hai trường hợp ngoại lệ, đó là trường hợp của chính tôi và Nishizawa. Nhưng mỉa mai thay, Nishizawa lại bị thiệt mạng vào tháng 9 năm 1944 trên không phận Cebu ở Phi Luật Tân, mà không bắn được phát súng tự vệ nào. Nhiều chiến đấu cơ H6F Hellcat đã túm được hắn trong một vận tải cơ không hộ tống và không võ trang. Chiếc vận tải cơ bị bắn cháy và chấm dứt cuộc đời của viên phi công vĩ đại nhất của Nhựt Bản một cách tăm tối.

Ðêm đó tôi được lịnh trình diện Chỉ huy trưởng căn cứ, một việc hiếm xảy ra. Trong văn phòng của Ðại tá Saito, tôi thấy có mặt Ðại úy Sasai và Chỉ huy trưởng Phi đoàn, Trung tá Nakajima. Cả hai vị sĩ quan cấp tá đều có vẻ buồn bã.

Ðại tá Saito nói: “Tôi muốn báo cho anh biết tin này và tôi làm như vậy là lời yêu cầu của Trung tá Nakajima. Ðây là một việc không mấy gì vui vẻ đối với tôi. Hồi đầu tháng này, tôi có yêu cầu Tổng Hành Dinh Ðông-Kinh ân thưởng cho Ðại úy Sasai về tài ba chỉ huy phi đội trong chiến đấu. Ðồng thời tôi cũng yêu cầu Ðông-Kinh công khai thừa nhận các thành quả phi thường mà anh, Sakai, đã đạt được trên mặt trận. Những thành quả này, theo chúng tôi biết, đã khiến anh trở thành phi công hàng đầu của toàn thể phi công Hải quân Hoàng gia. Tuy nhiên, những lời yêu cầu này đã bị bác bỏ. Ðông-Kinh nhận thấy không thích hợp cho việc phá bỏ tiền lệ. Lịch sử chúng ta chưa bao giờ có một vị anh hùng nào còn sống bao giờ,” Saito gằn giọng, “và hiển nhiên Ðông-Kinh không muốn có sự thay đổi nào trong thời gian này. Họ đã từ chối,” ông nói thêm với giọng buồn bã “ngay cả ân thưởng một huy chương hoặc thăng cấp cho các anh cũng không.”

Ông kết luận: “Tôi không muốn tiết lộ các chi tiết này cho các anh, e rằng các anh sẽ bàn tán này nọ về hành động của Bộ Tư Lịnh Tối Cao. Nhưng có điều quan trọng không kém đối với tôi là tôi muốn cả hai anh biết rằng tôi, trong tư cách thượng cấp của các anh, tôi hoàn toàn công nhận lòng nhiệt thành và sự cố gắng không lúc nào ngưng nghỉ của các anh.”

Trung tá Nakajima lên tiếng: “Truyền thống của Hải quân là chỉ ân thưởng huân chương hoặc thăng cấp tại mặt trận cho người đã chết, chúng tôi không biết là đúng hoặc sai. Dĩ nhiên truyền thống này thật là bất lợi cho các anh trong hoàn cảnh này. Tôi cảm thấy cần phải nói cho các anh biết rằng Ðại tá Saito cũng đã yêu cầu thăng một cấp cho Ðại úy Sasai, và thăng cấp Thiếu úy cho Thượng sĩ Sakai.”

Sasai đáp rằng: “Tôi không biết cách nào để bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với sự ưu ái của cấp trên. Tuy nhiên, tôi cần phải nói thêm rằng cả tôi lẫn Sakai không ai bất mãn trước sự quyết định của Ðông-Kinh. Tôi không thấy có lý do nào để chúng tôi bất mãn. Theo thiển ý của tôi, và tôi chắc Sakai cũng vậy, những thành quả và những chiến thắng trên không của chúng tôi không phải là một mình chúng tôi có thể đạt được. Nếu không có những phi công bên cánh đã bao che cho chúng tôi, nếu không có sự tận tâm của các nhân viên dưới mặt đất, chúng tôi sẽ không thể làm gì được cả. Tôi hài lòng về công tác có tính cách đồng đội của chúng tôi, và tôi không cảm thấy sự ân thưởng hoặc thăng cấp cá nhân là cần thiết, mặc dù những gì mà nhị vị đã làm khiến cho chúng tôi rất lấy làm vinh dự.”

Sasai đã nói lên tất cả những gì tôi muốn nói, và tôi chỉ biết gật đầu đồng ý.

Chính sách không tuyên dương công trạng cá nhân của Hải quân vẫn được giữ triệt để cho đến cuối cuộc chiến. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 1945 có một sự phá lệ đặc biệt trong chính sách này khi Ðô đốc Soemu Toyoda, Tư Lịnh Hạm Ðội Hỗn Hợp, thốt lên lời khen ngợi các chiến công phi thường của Trung sĩ Shoichi Sugita và tôi, bấy giờ là một thiếu úy. Nhưng lúc ấy sự khen ngợi này đã trở thành vô nghĩa. Những phi công vĩ đại của Hải quân như Nishizawa, Ota, Sasai và nhiều người khác, đã không còn nữa.

Tuần sau: Chương 16

Chôn sống

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles, Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa từ trang War Thunder và Heritage Auctions