Hiroyoshi Nishizawa là sát thủ kỳ vỹ nhất của Không quân Nhật, đã bắn rơi 103 máy bay Úc-Hoa Kỳ và đi vào lịch sử với hỗn danh “The Demon of Rabaul”. Binh nghiệp ngắn ngủi của Nishizawa mang sự phi lý của chiến tranh: Nishizawa không tử nạn ở vị trí phi công khu trục mà ở vị trí hành khách trong một vận tải cơ cũ kỹ và chậm chạp. Trong chương 11, Sakai phác họa căn cứ Lae và khắc họa chân dung của Nishizawa, cùng với Toshio Ota, là thành viên của “Bộ 3 Quét sạch” lừng danh. The famed “Cleanup Trio”…  [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 11

Chương 11

Ðầu tháng Tư, 30 phi công trong nhóm chúng tôi, thuộc Không đoàn Ðài Nam, được thuyên chuyển đến một căn cứ mới vừa đánh chiếm ở Lae, nằm trên bờ biển phía Ðông New Guinea, chỉ cách quân cảng Úc Port Moresby 300 cây số. Ðại tá Masahisa Saito trách nhiệm căn cứ mới này.

Vào ngày 8 tháng 4-1942, với 8 phi công khác, tôi bay đến Lae. Khi bay quần trên phi trường, tôi không nhìn thấy đâu là nhà chứa phi cơ, cơ xưởng bảo trì, đài kiểm soát. Tất cả chỉ là một đường băng nhỏ bé, dơ bẩn, và giống như sàn đáp trên một chiếc hàng không mẫu hạm. Ba mặt của phi đạo bao quanh bởi dãy núi chớn chở của bán đảo Papua. Mặt thứ tư, tức mặt tôi đang tiến đến, là đại dương bao la. Hai mươi mốt phi công khác đã đến đây trước, đứng chờ chúng tôi ở cuối phi đạo. Honda và Yonekawa, hai đồng đội bên cánh của tôi ở mặt trận Java, đón tiếp nồng hậu: “Chào mừng anh đến Lae! Sakai! Căn cứ lộng lẫy nhất thế giới vui sướng tiếp nhận các anh!” Tôi nhìn cả hai, hồ nghi. Theo thói quen, họ bỡn cợt thích thú. Tôi thán phục óc hài hước của họ trong ổ chuột đầy bùn ở chốn tận cùng thế giới này. Phi đạo dài chưa đến 900 thước, chạy từ góc phải của sườn núi xuống tận mé biển. Ngay cạnh bãi biển là một phân xưởng sửa chữa nhỏ, lỗ chỗ đạn và đầy mảnh bom. Ba vận tải cơ Úc nằm bừa bãi bên trong, và dụng cụ bị phá hủy rải rác khắp nơi. Ðây là vết tích do phi cơ chúng tôi gây ra trong cuộc đổ bộ một tháng trước đây. Phi trường Lae được Úc thiết lập sát núi để không vận đồ tiếp tế và quặng vàng lấy được ở mỏ Kokoda, nằm sâu bên trong dãy Owen-Stanley. Vì không cách chi vào đến mỏ bằng đường bộ, do phải băng qua rừng núi ẩm thấp với nhiều vực sâu. Máy bay là phương tiện duy nhứt giúp tải vàng ra.

Hải cảng ở đây cũng hoang tàn không kém sân bay. Một chiếc tàu buôn 500 tấn của Úc nằm gí trong bùn, gần cầu tàu, chỉ có cột buồm ló lên khỏi mặt nước đặc sệt đục lờ lợ. Tôi nhận thấy phi trường Lae còn tồi tệ hơn phi trường Rabaul hoặc ngay cả những phi trường tiền phương ở Trung Hoa.

Tuy nhiên không có gì có thể cầm nỗi vui sướng của Trung sĩ Honda. “Tin đi, Saburo! Anh đang ở vùng đất săn tuyệt vời nhất trên trái đất! Ðừng chú ý đến rừng rậm và dáng dấp sơ sài của căn cứ. Tôi nói thực, không nơi nào bằng chốn này, giúp chúng ta ghi thêm bàn thắng vì máy bay địch ở đây rất đông!” Honda cười tươi rói. Hắn nói với giọng nghiêm trang không đùa bỡn. Honda hài lòng thực sự, hắn kể lại các hoạt động của những ngày trước khi chúng tôi đến. Vào ngày 5 tháng 4-1942, 4 chiếc Zéro cất cánh từ Lae, hộ tống 7 oanh tạc cơ Betty tấn công quân cảng Moresby và bắn rơi 2 chiến đấu cơ địch. Ðổi lại, một chiếc Zéro bị mất. Vào ngày kế đó, cùng một số Zéro đó cất cánh, nhưng lần này bắn rơi đến 5 phi cơ địch. Ngày hôm sau, 7 tháng 4, hai chiếc Zéro nghinh chiến 3 oanh tạc cơ địch trên không phận Salamaua và rượt theo bắn rơi hai chiếc. Các xạ thủ địch hạ một chiếc Zéro của chúng tôi. Quả là hào hứng!

Ðối với Honda, phi vụ là quan trọng nhứt trong cuộc sống. Kể cả phải sống trong hang chuột, miễn sao có thể bay và bắn. Chiều hôm đó, chúng tôi tập họp trong Bộ chỉ huy Phi đoàn để nghe thuyết trình. Tôi sử dụng mấy tiếng “Bộ chỉ huy” có vẻ hơi lớn lối để chỉ một căn nhà không có vách tường. Vách, màn che và mấy cánh cửa đều bằng chiếu. Căn phòng chỉ vừa đủ để nhét 30 phi công, chính giữa là chiếc bàn to lớn, đơn sơ, làm bằng cây thông. Vài cây đèn cầy và một cây đèn dầu soi sáng căn phòng. Ðiện thoại chạy bằng pin.

Sau khi nghe Ðại tá Saito thuyết trình, chúng tôi về chỗ ở. Trên đường đi, Trung sĩ Yonekawa chỉ cho tôi những cơ sở của căn cứ. Có tổng cộng 3 chiếc xe hơi, 1 chiếc Ford rỉ sét, 1 xe vận tải cũ nát và 1 xe bồn chứa xăng… Ba món đồ cổ ấy là tất cả phương tiện “nặng” của Lae. Không có lấy một nhà chứa máy bay. Cũng không có đài kiểm soát không lưu. Nỗi thất vọng sâu xa của tôi không hề làm giảm nét mặt rạng rỡ của Honda và Yonekawa. Honda vác túi ba-lô cho tôi, vừa đi vừa hát, trong lúc Yonekawa tiếp tục giảng giải: Có hai trăm thủy binh đảm trách các vị trí phòng không tọa lạc phía bên kia phi đạo. Ðó là lực lượng trú phòng cho cả nơi này, cộng thêm 200 cơ khí viên với nhân viên bảo trì và 30 phi công.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Trong suốt thời gian chúng tôi ở đây và cho đến khi Lae bị Ðồng Minh tái chiếm vào năm 1943, không một dự tính nào nhằm cải thiện tiện nghi cho chúng tôi, và cũng không có lực lượng tăng viện nào khác được đưa đến. Chỗ ở của chúng tôi và sĩ quan không khác gì nhau. Chỉ huy trưởng căn cứ, chỉ huy phó và một phụ tá ở chung trong một căn nhà nhỏ nối liền với cư xá sĩ quan. Trong khi căn cứ Rabaul mướn một số dân địa phương làm tạp dịch, ở căn cứ Lae không có chuyện này. Làng gần nhứt cách đây hai dặm. Không thể bắt dân làng phơi lưng dưới họng súng của phi cơ địch đến tấn công hầu như mỗi ngày.

23 hạ sĩ quan phi công cư trú trong một doanh trại rộng 6 thước và dài 10 thước. Chính giữa là một mặt phản lớn dùng làm bàn tiện ích cho mọi chuyện, từ cơm nước cho đến đọc sách và viết thơ. Chung quanh là những dãy giường từng chồng chất. Vài ngọn bạch lạp cho ánh sáng leo lét vào ban đêm. Tòa nhà xây cất theo kiểu nhà sàn nhiệt đới với sàn gỗ cao 1 thước rưỡi trên mặt đất ẩm ướt. Một cầu thang lung lay để leo lên. Phía sau là bồn trữ nước. Chúng tôi cấp tốc cưa một phuy xăng rỗng để làm buồng tắm. Như thế, ít nhất chúng tôi cũng cần kiệm theo đúng cung cách tiết chế truyền thống của quốc gia. Các hộp sắt đựng xăng trong cánh máy bay cũng giúp chúng tôi tân tạo thành tô chén và nồi niêu dã chiến. Chúng tôi hoàn toàn thiếu mọi vật dụng.

Một tà lọt phụ trách hỏa đầu quân. Một nhiệm vụ khó khăn vì phải chuẩn bị 70 suất ăn cho ba buổi sáng, trưa, chiều vào mỗi ngày. Chuyện giặt giũ thì mỗi người tự lo lấy. Cho đến những tuần lễ chót cùng khi chúng tôi ở Lae, ngay cả với cường độ không chiến khốc liệt, tất cả các phi công đều tâm niệm giặt quần áo và đồ lót của mình hàng ngày. Chúng tôi chấp nhận sinh sống dưới đáy phuy hèn mọn nhưng không ai muốn mình trở nên cáu bẩn.

Cạnh dãy phụ tùng tái chế, chúng tôi đào một hầm trú bom. Mỗi khi máy bay địch xuất hiện bất thình lình, căn hầm khiêm nhường ấy vụt chen chúc đủ hạng người chạy vội vàng từ khắp nơi, từ nhà ngủ, nhà tắm, thậm chí nhà xí để chui xuống trú ẩn!

Doanh trại chúng tôi nằm cách phi đạo 500 thước về phía Ðông và để ra sân bay, chúng tôi phải cuốc bộ hoặc chạy khi khẩn cấp. Chỉ có các phi công được chỉ định trực chiến, phải cất cánh tức thời khi có báo động là có xe đưa rước. Là chiếc Ford cũ mèm có ống pô bể kêu inh ỏi!

Cư xá sĩ quan nằm phía Ðông Bắc sân bay, cùng khoảng cách và cùng một kiểu nhà sàn không khác mấy với doanh trại chúng tôi. Tiện nghi duy nhất, so với phía hạ sĩ quan, là cấp số sĩ quan không quá mười người nên rộng rãi hơn. Riêng chỉ huy trưởng căn cứ, chỉ huy phó và trưởng ban quân thư thì trú trong một căn nhỏ sát bên cư xá sĩ quan.

Ðó là căn cứ Lae, tiền đồn của Hải quân Hoàng gia Nhựt. Ðiều kiện sống không có gì mỹ mãn. Thức ăn tồi tệ, công việc hàng ngày nặng nhọc và đơn điệu. Chúng tôi không có câu lạc bộ quân đội, không có bất cứ một giải trí nào khác. Ðàn bà? Ở Lae, mọi người đều hỏi: “Ðàn bà là sinh vật ra sao?”

Tuy nhiên, tinh thần của chúng tôi rất cao. Chắc chắn chúng tôi thiếu tiện nghi và vật chất, ngay cả một số tiện nghi thiết yếu nhứt, trong đời sống hàng ngày, nhưng chúng tôi không lấy đó làm phàn nàn. Chúng tôi không có một đòi hỏi riêng tư nào ngoài đòi hỏi được chiến đấu. Phi công ở Lae không giống như phi công ở những căn cứ khác. Mỗi chúng tôi đều là thành phần chọn lọc của Không lực Hải quân. Các sĩ quan của chúng tôi cũng được chọn trong số những người “chỉ thích ấn tay vào cò súng” trên một chiếc Zéro.

Vào ngày 11 tháng 4, tôi va chạm trở lại với thực tế chiến trường. Một ngày may mắn, vì tôi hạ 2 máy bay địch trong cùng một ngày. Sau gần hai tháng bắt buộc nằm lì trên mặt đất, được bay trở lại làm tôi phấn kích. Ngày hôm trước, 10 tháng 4, tôi không được sắp xếp ứng chiến nên phải ở lại mặt đất trong khi những phi công khác vui hưởng một ngày chiến đấu. Sáu chiếc Zéro hộ tống bảy oanh tạc cơ Betty bay đến Moresby, đã bắn rơi hai oanh tạc cơ địch đang cố cất cánh để rời phi trường ở đó. Cùng ngày, ba chiếc Zéro khác cũng trực chỉ Salamaua và bắn rơi một oanh tạc cơ địch, cùng gây hư hại cho nhiều chiếc khác.

Phi vụ của tôi vào ngày 11 là một phi vụ thám thính. Cùng với 8 chiến đấu cơ Zéro khác mới vừa đến Lae, chúng tôi cất cánh và bay thành nhóm theo đội hình chữ V hướng về Port Moresby. Sau đó, dãy núi Owen-Stanley sừng sững trước mặt chúng tôi, cao hơn mặt biển 4,000 thước. Mặc dù dãy núi cao chớn chở như vậy, trên đỉnh không có một đám mây nào vướng vất, và dốc thẳng đứng giống như những bức tường vĩ đại mọc đầy cây cối. Không một vết tuyết.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Bay cao độ 5,000 thước, chúng tôi vượt ngang qua đỉnh núi và lập tức bước vào một thế giới mới: thế giới của địch quân. Không một chiếc tàu nào neo trên mặt đại dương xanh sẫm của biển San Hô. Nước biển nhìn như một mặt bàn đá cẩm thạch dài ra đến tận chân trời. Sườn núi ít thẳng đứng hơn phía chúng tôi đến. Ngoại trừ khác biệt ấy, thiên nhiên không khác lắm.

Bốn mươi phút sau khi cất cánh từ Lae, căn cứ Moresby đã nằm phía dưới chúng tôi. Tôi có thể nhìn thấy nhiều phi cơ đủ loại trên mặt đất. Nhân viên địch chạy tán loạn vào các hầm trú ẩn. Súng phòng không im tiếng vì dĩ nhiên chúng tôi bay quá tầm hoả lực cao xạ của đối phương. Chúng tôi có thể đạt được kết quả nếu tấn công ngay vào các phi cơ đậu trên mặt đất. Nhưng theo chỉ thị, đây chỉ là một phi vụ thám thính, ngoại trừ không chiến chúng tôi không được phép tấn kích.

Chúng tôi lướt qua Moresby và vòng ra biển San Hô sau đó quay lại lối cũ một lần nữa, lướt ngang qua căn cứ địch. Chúng tôi ngạc nhiên khi nhận thấy hình như các xạ thủ cao xạ và phi công địch không hay biết có sự hiện diện của chúng tôi, nên họ không đưa ra một kháng cự nào.

Chúng tôi lướt qua phi trường. Lần này mặt trời ập đến từ phía sau lưng. Lúc bay thật chậm, chúng tôi phát hiện bốn chiến đấu cơ P39, loại Airacobra mà tôi gặp lần đầu tiên. Bốn phi cơ này hầu như bay cách ngay phía trước chúng tôi 3 dặm, và đang tiến thẳng đến, nhưng chúng tôi không hiểu có bị phát hiện hay chưa. Tôi quăng bình xăng phụ và tăng gia tốc, với hai đồng đội bay sát cánh. Tôi lướt dọc theo phi cơ chỉ huy, báo hiệu cho Ðại úy Sasai biết sự phát hiện địch của mình và yêu cầu che cho chúng tôi tấn công. Ông nắm tay đưa về phía trước. “Tiến! Chúng tôi sẽ che cho anh.” Tuy nhiên chưa thấy động tĩnh của mấy chiếc Airacobra. May mắn cho chúng tôi, lúc ấy mặt trời chiếu thẳng vô phi cơ địch nên các phi công Mỹ không nhìn thấy chúng tôi bay đến. Phi cơ địch chia làm hai cặp, bay trước và bay sau, cách khoảng 300 thước.

Tôi để Honda bay phía sau và trên tôi, trong khi Yonekawa ít kinh nghiệm hơn bay ngay phía dưới tôi. Bây giờ, chúng tôi chỉ còn cách phi cơ địch 500 thước, chếch về bên trái một chút. Chúng tôi sẵn sàng đánh trong vài giây nữa. Nếu phi công địch vẫn bị mặt trời làm cho mù loà, chúng tôi có thể hạ gục họ trước khi họ kịp nhận ra chúng tôi. Thay vì tiến sát lại và chúi xuống để tấn công, chúng tôi hạ thấp rồi xoay trở lại thật ngặt. Honda và Yonekawa theo sát tôi bên cánh.

Hai chiến đấu cơ địch bay sau chót bây giờ ở ngay trên đầu tôi, vẫn không biết có sự hiện diện của chúng tôi. Tôi nâng khoảng cách gần lại, rồi còn chừng 50 thước, tôi nghiêng thân và bấm cò đại bác, quy tất cả hoả lực vào thân phi cơ địch. Những mảnh kim khí vỡ ra, bể tan và bay túa trên không, một dòng khói và lửa kéo thành vệt dài về phía sau.

Tôi quay các họng súng về phía chiếc P39 thứ nhì. Một lần nữa, những viên đạn soi thủng thân phi cơ, nổ bên trong và xé chiếc phi cơ thành từng mảnh. Cả hai chiếc P39 cùng rớt thẳng đứng, ngay tràng đạn đầu.

Tôi lướt ra ngoài và xoay ngay lại, chuẩn bị khai hoả trực tiếp vào hai chiếc P39 dẫn đầu. Nhưng trận đánh đã kết thúc! Cả hai chiếc P39 còn lại lảo đảo chúi xuống mặt đất, kéo dài hai vệt lửa với khói dày đặc. Phi tuần Zéro theo sau tôi đã mau tay hơn tôi tưởng. Tôi nhìn thấy chiếc Zéro của Hiroyoshi Nishizawa đang lấy đà vượt lên. Chiếc Zéro  thứ hai hạ đối thủ với chỉ một viên đại bác, do Toshio Ota lái, vừa lấy lại thăng bằng sau khi lướt thẳng lên để trở lại đội hình như cũ. Nhanh nhẹn và khéo léo.

Không ngờ trận đánh chấm dứt chỉ trong vòng năm giây, với bốn chiếc Airacobra trở thành bốn mảnh vụn trên mặt đất phía dưới kia. Ðiều đáng ghi nhận là cả hai đồng đội vừa ghi điểm của tôi: Nishizawa, 23 tuổi và Ota chỉ mới 20 tuổi. Như đã nói trước đây, các phi công ở Lae đều là thành phần chọn lọc. Ðể được lựa chọn, tài năng phi hành của họ phải vượt bực. Ða số chúng tôi đều là phi công kỳ cựu. Nishizawa và Ota chỉ là những người chân ướt chân ráo, cần phải học hỏi thêm nhiều, tuy nhiên họ sớm trở thành những phi công hàng đầu của phi đoàn Lae, hạ trên nhiều mươi phi cơ địch. Chúng tôi thường bay chung với nhau, và được các phi công khác gọi là “Bộ ba quét sạch”.


Ghi chú Quân sự: 

Khu trục cơ Bell P39 Airacobra trang bị động cơ 1,200 mã lực, vận tốc tối đa 539 km/h, hỏa lực: 1 đại bác 37 ly 4 đại liên 12 ly 7. Cao độ tối đa 9,784 m. Đường kính hoạt động: 1,111 km. 230 kg bom dưới cánh.

P39 và phiên bản cải tiến P63 Airacobra về sau trang bị cho Không đoàn Chiến thuật Bắc phần GATAC-Nord của Không quân Pháp tại Việt Nam được sử dụng như phóng pháo cơ yểm trợ bộ binh. Tuy nhiên trọng lượng bom quá ít đã không thể ngăn các tấn công biển người của Việt Minh.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Không nên nhầm lẫn P39 Airacobra với khu trục cơ Curtiss P40 Warhawk đầu cá mập. P40 có vận tốc 585 km/h bay nhanh hơn P39 nhưng hỏa lực yếu hơn.


Ðối với tôi, Nishizawa và Ota có năng khiếu thiên bẩm. Cả hai không lái máy bay mà sống với phi cơ của họ, giống như chính thân thể của họ đã nhập một với khối kim loại, làm thành một tập hợp cơ khí vừa biết suy nghĩ. Cả hai sẽ thành những phi công tài ba lập nhiều chiến công của Nhựt Bản. Với họ, đời sống chỉ có ý nghĩa một khi có những phi vụ và mọi thứ phải phục vụ cho không chiến. Tài năng của cả hai sẽ giúp cho họ trở nên dũng mãnh ngay cả sau này khi phải đối đầu với những khu trục cơ tối tân hơn của kẻ thù, như chúng tôi sẽ chạm trán, họ vẫn đủ sức chiến thắng cho dù địch thủ đông hơn.

Hiroyoshi Nishizawa nhanh chóng trở nên Sát tinh tài giỏi nhứt, tuy hắn không có dáng vẻ anh hùng. Nhìn hắn, cảm giác đầu tiên là chừng như hắn vừa rời khỏi giường bịnh. So với dân Nhựt, chiều cao của hắn là quá khổ, 1 thước 75, nhưng hắn lại gầy đét vì chỉ cân nặng 64 ký. Ba sườn hắn lòi ra ngoài và rất thường xuyên hắn hay bị các chứng biểu bì nhiệt đới với sốt rét hành. Hầu như lúc nào gương mặt hắn cũng xanh tái. Mặc dầu được các đồng đội tôn sùng nhưng Nishizawa lại ít bạn thân. Hắn ẩn núp sau lớp vỏ kín đáo lạnh lùng gần như không cho ai xâm nhập. Hắn có thể không nói một câu nào trong nhiều ngày liền và cũng không màng đối đáp với những ai mở lời thăm hỏi, cho dù là những người sống ngay cạnh cùng bay với hắn. Chúng tôi đành chấp nhận nhìn hắn đi lững thững đơn độc, im lặng xa xăm như một kẻ chịu ruồng rẫy đang mất hút vào trong khoảng sâu tối riêng rẽ của mình, tuy ngoài đời hắn được tôn thờ như một thần tượng. Nishizawa là một phi công toàn phần, hắn chỉ sống và thở để bay bổng và cất cánh vì hai lý do: chiếm hữu lấy cảm giác vui sướng kỳ lạ khi du hành lên vương quốc của những vì sao và thỏa mãn đam mê không chiến. Ngay khi bay lên khỏi mặt đất, cá tánh lãnh đạm kỳ quặc của hắn biến đổi tức thì. Sự im lặng khép kín, xem thường đồng loại của hắn biến hóa như đêm vụt trở thành ngày. Với các phi công bay chung phi tuần, hắn trở thành “Ác quỷ”.  Trên không, những quyết định của hắn khó dự báo. Hắn trở nên một thi sĩ tài hoa, một thiên tài biết khởi động cỗ máy như một món đồ chơi; chỉ cần hắn vuốt nhẹ cần lái. Tôi chưa từng thấy một phi công nào bay lượn như Nishizawa. Nhịp điệu đáng kinh ngạc của hắn, vừa chính xác, hoàn toàn bất ngờ và vừa gây sợ hãi cho ai chiêm ngưỡng. Ðôi khi hắn thực hiện những pha lộn nhào không thể tin vào mắt. Một loài chim ưng thật sự mà không bất kỳ loài chim trời nào có thể bắt chước.

Thị giác của hắn cũng thực phi thường. Trong lúc mọi chúng tôi chỉ thấy bầu trời trống rỗng, Nishizawa, với trực quan siêu phàm nhận ra những chấm đen xa tít là phi cơ địch. Trong suốt binh nghiệp Nishizawa chưa từng để bị tấn công bất ngờ lần nào. Hắn xứng với danh “Ác quỷ”. Một Satan vạn năng giữa trời mây xanh ngắt, làm cho những phi công khác, kể cả tôi, phải ao ước thèm muốn thiên bẩm của hắn.

Toshio Ota ngược lại, là phản đề sống động của Nishizawa. Trẻ trung, sáng láng và vui nhộn, hắn luôn sẵn sàng tham gia các trò chơi của nhóm; bỡn cợt phá bĩnh nhưng vẫn chu đáo trợ giúp những ai cần đến hắn, trên không cũng như dưới đất. Cao to và cân nặng hơn tôi, Ota chưa nhiều kinh nghiệm trận mạc khi mới đến Lae và mặc dù sự phấn chấn với dáng dấp tương phản hẳn với Nishizawa, tài năng phi hành của Ota nhanh chóng được trọng dụng. Mỗi khi phi đoàn trưởng xuất kích, hắn luôn được chọn làm phi công bảo vệ bên cánh.

Ota không giống hình ảnh những anh hùng cổ điển. Cười đùa dễ dãi, kết bạn nhanh chóng… Hào quang của một vị thần sớm được sùng bái không đi với hắn. Tôi chắc mẩm chốn thích hợp cho hắn phải là những tửu lầu sang cả về đêm thay vì căn cứ Lae khốn khổ! Tuy nhiên, sự thân mật với các đồng đội không ngăn Ota được toàn phi đoàn nể phục, nhờ vào tài không chiến ngoại hạng của hắn. Ngay cả những phi công thô ráp như Trung sĩ Honda cũng kính trọng Ota, trong lúc Honda và Yonekawa đều cùng e dè và hay tìm cách né “Ác quỷ”.

Kỳ sau: Chương 12

Pháo đài Port Moresby

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957.

Minh họa từ trang War Thunder và Squadron Signal Publications.