Loufoque? Vous avez dit Loufoque? Chập điện? Bạn đã kêu Chập điện? là tên một vở hài kịch của Laure Mandraud diễn trong hí viện Charivari Théâtre tại Tours năm 2016. Loufoque mà tự điển dịch là “phát điên”, “crazy”, “zani” còn là một phong cách văn học. Có thể thêm “tang bồng”, “tưng tửng” vào trong nghĩa của từ này. Nhưng phong cách truyện Loufoque là như thế nào? Chỉ cần đọc Người Thuận Tai Trái..!

Trần Thị Ngh., tác giả chuyện tình mê đắm ẩm ướt mồ hôi trong không gian hẹp của Nhà Có Cửa Khóa Trái cống hiến một văn bản thoắt thoắt ý nghĩ, lùng bùng âm thanh mà chỉ một người đàn bà thông minh-ương ngạnh và thuận tai trái mới có thể nghe thấy… Một tuyệt phẩm của trào lộng. Trần Vũ

nguoi-thuan-tay-trai2

Sau khi tự tử vài lần vì tò mò, tôi quyết định thôi không chơi nữa, lấy chồng. Chàng là một quý tử, con trai duy nhất của một bà đỡ ở vậy nuôi con trong khi chồng theo cách mạng ra Bắc. Chàng là kỳ vọng, niềm hãnh diện, nguồn an ủi duy nhất của bà mẹ độc thân. Tôi gặp chàng ở Ðại Học trong khi cả hai đang theo khóa báo chí. Dễ thôi, mình sẽ “tút” nó lại, từ cách ăn mặc đến kiểu tóc cắt. Mình sẽ tập cho nó quen nghe thay vì nói. Nó hơi mập ư? Cũng dễ. Cho nó ăn chay một thời gian theo cái kiểu Ăn cơm ba chén lưng lưng, uống nước cầm chừng để bụng thương em. Tôi tự nhủ. Vậy là đám hỏi. Là sinh viên ở tỉnh, chàng trọ trên một căn gác nhỏ trong hẻm sâu của đường TMG. Vào mọi lúc trong ngày, mùi nước sông xộc lên tới óc. Trong khi tôi dị ứng với mọi loại mùi và màu của cuộc sống, chàng tỉnh bơ. Cha này ngon. Tôi thầm khen. Nhưng sau đám hỏi, ngoài giờ đi học chàng lảng vảng ngay trong nhà tôi, tối ở quên dìa. Phải có tôn ti trật tự chứ, mẹ tôi gầm lên. Chàng ngoan ngoãn nằm tòn teng trên cái võng treo ngay bên dưới phòng tôi. Ðêm nghe tiếng kẽo kẹt của dây võng cạ vào khoen sắt, tôi nổi điên. Vừa thôi cha. Chẳng những mùi, màu mà cả tiếng động nữa. Tôi dị ứng hầu như với tất cả những cái gọi là dấu hiệu của sự sống. Ðám cưới được quyết định sáu tháng sau đó. Hơi lâu so với mức chịu đựng tiếng võng kẽo kẹt. Chàng bắt đầu ở rể. Ngay đêm tân hôn chàng khóc. Sao vậy? Nhớ má. Tôi dỗ dành, ngủ đi mai tôi đưa ông về nhà trọ thăm bà già. Sau khi rước dâu về chính nhà cô dâu, bà cụ còn ở nấn ná chơi vài hôm, ở trọ trên căn gác thuê của chàng. Chắc hẳn đời chàng đang qua một khúc quanh. Còn đời tôi? Trước đó chúng tôi không có hẹn hò, sau đó không có tuần trăng mật. Ðời con gái đêm tân hôn phải dỗ nín đời trai. Tôi “tút” lại chàng như đã tự hứa. Một tí ria mép trên cái mặt có nước da quá trắng, cho có vẻ đàn ông; thêm ba phân tóc cho có vẻ nghệ sĩ. Tôi chọn mua vải quần tây, áo sơ mi, thêm cả giày vớ thắt lưng da và ví đựng tiền. Có một điều tôi không chỉnh lại được: chàng ngáy. Tôi thao thức đêm này sang đêm khác, mắt có quầng, da xanh lè, tay nổi gân. Chắc ốm nghén, mẹ tôi nhận xét. Không đâu, đời nào! Tôi chưa sẵn sàng để có con. Chàng ngáy như sấm và tôi nằm phân tích những tiết điệu trầm bổng nhặt khoan của tiếng ngáy, phối thành một bè cho đại hồ cầm, một bè cho vĩ cầm, có cả một bộ gõ cho tiếng nổ lóc bóc giữa hai bè. Ít lâu sau đám cưới, chúng tôi ra trường. Chàng quyết định đưa tôi về Trung giới thiệu với bà con bên họ nhà chồng, đồng thời hy vọng không khí miền biển sẽ giúp tôi hồi phục sức khỏe. Trong khi bạn bè người thân của tôi trầm trồ cái vẻ ngoài bắt mắt của chàng. Một D’Artagnan thứ thiệt sau khi đã được “tút” lại (chỉ thiếu ngựa và thanh kiếm) và chê tôi ốm đói suy kiệt như Cosette của Những Kẻ Khốn Khổ thì họ hàng phía bên gia đình chàng kêu thất thanh khi trông thấy bộ râu tóc bầy hầy của chàng. Họ cũng nhìn tôi như một kẻ có khả năng gây ra nạn tuyệt chủng. Tôi sống trong không khí hình sự của một tập thể tỉnh nhỏ, loay hoay không biết làm gì để đối phó với bối cảnh mới. Bao lâu? Chàng nói, cứ tập thích nghi đã. Chàng có vẻ tự tin hơn trong quần thể của chính chàng. Mùi. Mùi gió biển trộn lẫn trong mùi phân heo Yorkshire. Mùi nước giếng có lẫn cát. Mùi ruồi nhặng trên tấm thớt gỗ. Tôi mở hé cửa sổ nhìn mấy con heo đứng hàng dọc thò đầu ra từ các ô chuồng. Ðể đi ra nhà tắm ở cuối sân sau, phải len qua hàng chục cái mõm heo dài thòn, nghe tiếng thở hàm hồ của lũ mắc dịch. Tôi văng tục. Không còn lối nào để tránh. Lối đi nhỏ lót gạch tàu nằm giữa một vựa nước mắm và chuồng heo. Tôi nhịn tắm, nhịn đi vệ sinh trừ phi thật cần thiết. Mùa gieo giống, chàng trả tiền cho chủ một bầy heo nọc ở xóm bên. Con heo đực chạy xộc qua cổng, bon bon theo hẻm nhỏ bên hông nhà, da đỏ hừng hực, mép lòng thòng rớt rải trắng sẹt. Tôi rình. Nhưng bỏ cuộc. Tự nhiên nhớ tới những lúc ở nhà, thỉnh thoảng mẹ tôi mua nhầm thịt heo hôi, bà giải thích: heo nái hoặc heo nọc. Tại sao hôi? Ờ thì… Tôi ói một hơi. Một lũ heo con ra đời sau đó. Trông cũng loi nhoi, vui. Tôi thỏ thẻ hỏi xin. – Cho một con đi Chàng lừ mắt ngạc nhiên – Thích heo rồi ư? Tôi tha thiết – Cho một con đi mà. – Rồi ngập ngừng – để đá cho nó đã. Chàng nuốt đánh ực sự giận dữ. Mùi. Cá biển không biết từ đâu được đưa về đổ vào các thùng phuy trong vựa. Tanh trong dăm ba ngày rồi thối. Từng giọt, từng giọt cá tẩm muối nhỉ ra từ ống dẫn nhỏ, hổ phách đậm đặc. Xung quanh miệng thùng hứng, một lũ dòi. Tôi bỏ cơm một tuần. Chắc ốm nghén, mẹ chồng tôi nhận xét. Chưa đâu. Tôi chưa sẵn sàng mà. Tôi quơ tay đuổi lũ ruồi bu kín đen trên tấm thớt tròn, thè lưỡi lừa mấy hạt cát lẫn trong nước bọt, đưa mắt nhìn vòng vèo. Tại sao cái màn màu xanh da trời cài vô cái của màu vàng chanh? Tại sao cùng một lúc ba tấm lịch tháng cười toe toét ba mỹ nhân đứng ẹo, tay cầm hoa? Trong phòng khách tại sao có kê một cái giường? Tại sao hoa bụt đỏ trộn lộn với hoa vạn thọ màu cam? Tại sao D’Artagnan mặc áo sọc ca-rô trắng đen với quần tây màu gạch cua, mang dép cao su xanh? Tại sao cạo râu? Tôi lắng nghe tiếng dép chàng lẹt xẹt trên cái lối đi lót gạch tàu. D’Artagnan đang cho heo ăn. Tiếng gió lùa qua khe cửa lá sách đuổi đong đưa cái gàu múc nước bằng thiếc máng ẩu trên cái cần ngang trên miệng giếng. Tôi đếm những giọt nước mắm nhỉ lẫn trong tiếng thở phì phò của Yorkshire và tiếng ngáy của chàng Ngự-Lâm-Pháo-Thủ. – Bế dùm cái ống dẫn nước mắm được không; để mai cho nó chảy ào một lần luôn. Chàng gầm gừ.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

nguoi-thuan-tay-trai1

– Khùng hả? Ngủ đi cho rồi. Ngủ thì ngủ. Tôi nằm nghiêng ngó trừng trừng vào bóng tối. Trong quần thể này, tôi thua. Chàng hiện nguyên hình một nông dân có bằng cấp, một đứa con hiếu thảo, một tay chăn nuôi với quy mô lớn, một chàng tuổi trẻ thành đạt trong tỉnh nhỏ. Chàng kinh doanh nước mắm nhỉ và heo Yorkshire. Tôi nhớ màu trắng ngà trên phím đàn ở nhà hết sức. Nhớ muốn chết nốt Si điếc khi đánh Fugues của Bach. Chắc nó cũng còn điếc. Nhớ chính tôi với cái đầu niểng về bên phải lắng nghe tay trái bắt chéo đánh bè cao trong khi tay phải quần phần trầm thành một dòng nặng và buồn. Trước khi về Trung tôi có viết một bức thư dài cho Piano, bỏ trong thùng đàn hẹn ngày về. Nửa đêm tôi bật hát một làn khói trắng, ru đời vào quên lãng… Rồi ngồi dậy lần ra phòng khách hút thuốc, nhìn say đắm ba mỹ nhân trong ánh sáng nhá nhem của ngọn đèn đường tạt qua mấy cái bông gió trên đầu tường. Tại sao ẹo? Tại sao cầm hoa nylon? Chàng lần ra theo. Khùng hả? Chàng im lặng ngồi chờ, ngáp. Tôi quay trở vô giường nằm ép nghiêng phía bên phải lắng nghe những dấu hiệu của sự sống bằng lỗ tai còn lại. Lình xình một hồi, chàng quyết định đưa tôi về vườn. Một căn nhà lọt thỏm giữa vườn cây ăn trái. Một căn phòng nhỏ mới xây thêm cho tân lang và tân giai nhân. Nhà tắm ở đầu này vườn, bên cạnh một giếng nước. Lại nước giếng. Miền biển mà. Nhà vệ sinh ở đầu kia vườn. Trước nhà là một hồ cá hình chữ nhật có thành cao bằng xi măng, lớn bằng cái huyệt dành cho ba bốn người chôn tập thể. Tôi nghĩ, được, có nhiều màu xanh lá cây, không có hoa. Mẹ chàng ở một mình trong căn nhà này. Chàng rao: – Người này sợ heo, không ăn cá, cữ nước mắm. Bà mẹ chồng rượt bắt gà, nấu cháo cho con dâu ăn. Vẫn ruồi. Một tập đoàn ruồi quây quần bu kín tấm thớt tròn. Một cái quơ tay, đàn ruồi bay lên. Tôi ói cháo gà ở một gốc cây chuối. Họ tử tế thiệt. Trong quần thể này chàng quẫy như cá gặp nước, việc tôi quy hàng về Trung là một thắng lợi phía họ, bởi vậy họ vô cùng tử tế. Nhưng chắc phải vậy không? Những ngày hôm sau tôi luôn thấy bóng bà mẹ chồng ngoài cửa sổ. Hai con mắt lấp ló giữa những song sắt nằm ngang. Chẳng lẽ đóng luôn cửa sổ? Mỗi lần chàng vào phòng hơi lâu bà gọi. – Khâu ơi Khâu! (Chàng tên Khôi) Cứ như vậy, tôi luôn cảm thấy bị rình. Một bữa, loáng thoáng qua cành lá của vườn cây tôi nghĩ là mình thấy hai mẹ con D’Artagnan đang tắm chung bên cái giếng. Tự nhủ hoài là lầm, lầm. Họ xối nước cho nhau. Tiếng gàu va vào thành giếng, tiếng nước ào mạnh rồi chảy vòng theo cơ thể. Chắc là tưởng tượng thôi. Tôi không dám mon men đến gần, chỉ đứng thập thò sau cây dừa như ăn trộm. Tôi sẽ có con ư? Không biết. Nhưng tưởng tượng đứa nhỏ được sinh ra lớn lên trong khung cảnh này, cũng được. Trẻ con thành phố bây giờ đâu có biết cái thú làng quê. Nhưng cũng tưởng tượng coi, một bữa nào đó nó bập bẹ nói. – Bà nậu, hái cho tui trái ẩu! Rồi ba bốn người tắm chung. Chắc chết. Nó làm sao phát âm chuẩn vần ôi. Thử tưởng tượng một câu cảm thán.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

nguoi-thuan-tay-trai

– Âu! Lâu thâu quá! Tôi phá ra cười, chảy cả nước mắt. Cứ mỗi lần chàng ra cái nhà ở phố để chăm lũ heo, tôi khoái chí ngồi trong phòng nghĩ ngợi lung tung. Cũng tìm đôi mắt điệp viên qua mấy khe cửa. Không có. Tôi viết thư cho piano, hẹn: chờ nhé! Ban đầu nó chỉ hơi nghễnh ngãng rồi ít lâu sau điếc đặc. Tôi tự hỏi hay là tại mình thường nằm nghiêng bên phải. Bịt kín riết nó phải ù. Thật kỳ lạ. Hai lỗ tai giống hai cái loa trong máy cassette. Một bên toàn nghe trống ình ình cạch cạch, một bên thì nốt lõng, cao. Có bữa hai chúng tôi đã thay sẵn áo quần chuẩn bị ra chợ, chợt thấy bà mẹ chồng gào lên một câu gì đó, môi run giật, chắc là “tông” mí. Tôi hỏi. – Có chuyện gì vậy? Chàng hỏi trả. – Bộ điếc hả? Sau đó thì tôi biết là bà không bằng lòng cho D’Artagnan đưa vợ đi chợ khi đám dứa chưa được bứng xong. Lúc bà thở phì phì, khàn giọng, tôi nghe mồn một. – Ðồ con bất hiếu, coi vợ bằng bà. Tao sinh được mày thì tao cũng có quyền giết mày… Bà ngân chữ m…à…y…thêm ba nhịp nữa. Hàng nút áo sơ mi của chàng bị bà giật phăng. Hai người giằng co một hồi. Bà lên “tông” mắng ngắt quãng, hoặc là do tai tôi nghe vậy. Toàn là dấu huyền và dấu nặng. – Mày…vợ…nào…mày còn là…mầy… được quyền… Những dấu sắc, hỏi, ngã, không dấu đều lặn mất tăm vào tai phải. Tôi lẩn thẩn giải mã. – Mày nể vợ, lúc nào mày còn là con tao mày không được quyền…. Dám trúng lắm à. Bỗng nhiên hai người buông nhau ra, rồi D’Artagnan đi lừ lừ xuống bếp mang lên con dao phay. Bây giờ thì chàng ngự lâm chỉ còn thiếu con ngựa. Có hiếu thiệt. Bà cụ bảo lấy con dao cho bà đoạn chi tình mẫu tử. Không dám chém đâu. Nhưng không, bà hươi dao lên. Tôi nhảy bổ vào giữa, sau đó thấy mình bị xô ngược. Không biết đứa nào xô. Ðầu táng vào cây mận rồi khúc xạ vào thành xi măng của hồ cá. Một tay bịt tai, không nhớ tai nào, tay còn lại vuốt mặt thấy máu. Vẫn còn nghe rần rần. A thì ra đã bịt nhầm tai phải. Tôi bò vô phòng. Yên lặng một chút rồi nghe tiếng sụt sịt. Tôi rình qua tấm màn (cũng màu xanh da trời mắc lửng lơ trên khung cửa màu vàng chanh). Họ đang ôm nhau khóc, con dao nằm dưới đất. Ha! Tôi cười như hiệp sĩ sau khi tuốt kiếm. Mình là cái gì trong nhà này? Ðêm nằm tửng tửng, ban ngày đi ra đi vô chờ có bầu. – Âu! Lâu thâu quá! Tôi ở đây để duy trì dòng họ Nguyễn nhà chàng? Cho tuyệt chủng cho chết, tôi lầm bầm. Dạo sau này tôi hay chửi thề. Mình chửi mình nghe khỏi cần lỗ tai. Tôi cuốn gói dông về Nam. Chào piano! Sau một hồi ụa mửa không vì màu sắc, mùi vị hay  tiếng động nào, tôi biết mình có bầu. D’Artagnan vào Nam ra Trung theo đường con thoi, nhưng nhịp đi thưa dần. Chàng mệt. Tôi vượt cạn một mình. Một bé gái đẹp như mơ. Chắc là Tây thuần chủng rồi. D’Artagnan lấy Cosette mà. Tôi trở thành cá mập, chỉ bơi vòng quanh một đích nhắm. Khỏi thắc mắc người đi qua đời tôi không nhớ gì sao người. Tôi dạy đàn nuôi con, với cái xe nôi để sát chỗ ngồi dạy. Nó ngó niểng sang phía mẹ nghe đàn. Sợ con điếc tôi đẩy xe ra xa. Nó niểng theo. Tôi đổi vị trí xe để con nhỏ không phải niểng mãi một bên. Bốn tuổi nó đã phổ nhạc tiếng chó sủa Fa-Fa. Tiếng rao ve chai sol-si-sol. Chai bán hôn? Cũng có giọng rao xôi đô thăng, chè đậu mi giáng. Nó nhận biết hết. Lỗ tai cực kỳ âm nhạc. Tôi khoái hết biết. Nó bắt đầu học đàn khi chưa biết chữ. Dù chỉ còn tai trái, tôi nghe được hết trong đầu những bài nhạc nó chơi. Mozart nằm trên giường bệnh gần chầu trời vẫn nghe ra tiếng rầm rập của một đạo binh ma. Beethoven điếc đặc còn nghe được tiếng gõ cửa của định mệnh trong Hòa Tấu khúc số năm. Păm.pằm.pằm. Quá đã.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

TTNgh., tháng giêng 98

(*) Truyện ngắn này có bản in đầu tiên trên tập san Hợp Lưu 

(**) Tranh sơn dầu của Trần Thị Ngh với chân dung tác giả trên tạp chí Văn trước 75.