Kỳ 1

“Luôn bắt đầu bằng một hình ảnh. Ðiểm xuất phát phải là một hình ảnh trong đầu mà tôi muốn người đọc nhìn thấy.Hình ảnh ấy mang một xúc động, một cảm giác mà tôi cố gắng tường thuật trên giấy. Tôi chưa rõ nội dung khi bắt đầu viết, tôi không biết liệu sẽ tạo ra một câu chuyện hai trang hay một trăm năm mươi trang, hay cuối cùng sẽ không thành gì hết – chỉ một đoản thiên rồi không đi đến đâu, không khai mở điều gì…”

Eduardo Halfon, cách đây nhiều năm kể về cách hình thành văn bản của chính mình. Halfon chuyên truy lùng căn cước di dân qua trôi giạt rồi tìm về cội nguồn bị áp bức. Có gì giống giữa Trương Vũ với Halfon, một nhà văn Do Thái Hoa Kỳ sinh tại Guatemala?

Giống ở sự trôi giạt. Sự ly tán gia đình. Nhìn cách này, Trương Vũ gần với Halfon: “Nhiều thứ đã đi vào quá khứ nhưng vẫn để lại những dấu vết sâu đậm trong tim mình. Tôi muốn nói về một câu chuyện thật, được kể lại để làm nền cho tác phẩm The Bridge on the Drina (Chiếc Cầu trên sông Drina) của nhà văn Nam Tư (Yugoslavia) Ivo Andric’, người đoạt giải thưởng văn chương Nobel 1961. Tác phẩm lấy bối cảnh của thành phố Visegrad của Bosnia từ thế kỷ 16 trở về sau. Ðây là nơi thường xuyên chứng kiến những tranh chấp tàn bạo giữa hai đế chế Thổ và Áo-Hung, và cũng là tranh chấp giữa Hồi Giáo với Thiên Chúa Giáo (gồm Công Giáo và Chính Thống Giáo) liên tục suốt 400 năm. Ðể ngăn chận sự phát triển của Thiên Chúa Giáo, người Thổ tổ chức bắt cóc những đứa con nít thuộc gia đình Thiên Chúa Giáo, thường là những gia đình nghèo, đưa sang vùng cai trị của Thổ, bên kia sông Drina. Những đứa bé này được cải sang đạo Hồi và lớn lên như người Thổ. Rất nhiều bà mẹ đưa con đi chợ với mình, quay nhìn lại không thấy con đâu, rượt theo kẻ cướp cho đến bờ sông Drina, dừng lại, ngơ ngác nhìn theo chiếc phà chở con qua sông. Lúc đó, phà là phương tiện duy nhất để qua sông. Bên kia là vùng cai trị của đế quốc Thổ.

Thời gian đầu ở Mỹ, cả gia đình tôi còn lại Việt Nam. Hình ảnh những bà mẹ đứng ngơ ngác bên này sông Drina luôn ám ảnh. Có nhiều đêm, tôi nằm mơ thấy dẫn các con đi chơi, đang ngồi ăn uống vui vẻ, chợt nhìn lại không thấy con mình đâu.” [Trương Vũ/ Mưa Ướt Vị Thành]

Trương Vũ

Halfon không khác, trong sự phát tán: “Bốn ông bà tôi sinh ra: một ở Liban, một ở Ba Lan, một ở Ai Cập và một ở Syrie. Tình cờ tất cả đều đến Guatemala vào giữa thế kỷ 20, bằng lang thang du mục không có gì khác ngoài Do Thái giáo. Nhưng tôn giáo không đủ lấp mất mát và ngơ ngác. Họ đánh mất người thân trên các lục địa khác. Ðánh mất vì nhiều lý do mà tôi chưa biết hết. Khổ đau và cô độc thì tôi đã nhìn thấy trong mắt họ.”

Eduardo Halfon và Trương Vũ còn chung cách hình thành văn bản từ một hình ảnh. Ở Halfon, là trận nắng: “Khi viết Tu Viện, hình ảnh mà tôi có trong đầu là cảm giác khó chịu của một ngày về đến Israel, không muốn về, nhưng bị thúc đẩy bởi một thứ bổn phận đầy phiền toái bắt buộc tham dự đám cưới của chị mình. Bên trong tấm ảnh ký ức còn tất cả sức nóng ngột ngạt của sân bay Tel Aviv. Là hình ảnh đầu tiên khi tôi đặt bút viết.” [Eduardo Halfon/ La Fiction m’aide à passer de l’Individuel à l’Universel].

Ở Trương Vũ, là trận mưa: “Tôi nhớ những cơn mưa ở Việt Nam, Nha Trang hay Sài Gòn. Mưa Sàigòn thường đến ào một cái rồi ngưng. Mưa Nha Trang kéo dài lâu hơn, nhiều khi dầm dề, và cái cảm giác ướt át lành lạnh nó để lại thường dai dẳng. Tôi nhớ những buổi tối, ở xa về, tôi lang thang trên bãi biển dưới mưa, nhiều đêm mưa tầm tã vẫn không muốn về. Tôi nhớ những ngày còn ở trung học, ngồi trên thềm nhà đọc sách, nước mưa rơi xuống từ mái hiên, thỉnh thoảng những giọt mưa tạt nhẹ vào người. Tôi nhớ những đêm mưa tôi dạy học trong một lớp luyện thi. Học trò từ nhiều trường khác nhau, Lê Quý Ðôn, Võ Tánh, Nữ Trung Học… Lớp học mượn của đình Phương Câu, trống một bên. Khi gió lớn, cả thầy lẫn trò đều ướt. Bốn mươi lăm năm đã qua rồi, tôi vẫn còn nhớ rất rõ nét mặt một số học trò trong lớp đó. Tôi còn cảm nhận được cái lành lạnh của nước và mường tượng âm vang tiếng cười giòn của các em khi cố lách mình tránh mưa.” [Trương Vũ/ Những Cơn Mưa Ngày Cũ].

Xem thêm:   Hang gấu

Ðến đây chấm dứt sự giống nhau, vì Halfon truy tìm nguồn gốc của thảm kịch, còn Trương Vũ tìm sự lạc quan sau bi kịch. Trận nắng của Halfon là trận nắng của thực tại bực bõ khi về quê. Cơn mưa của Trương Vũ không phải mưa bi lụy hay tình nhân mà mưa qua lớp học, với học trò. Halfon xây cất tiểu thuyết trên sân phi đạo Tel Aviv của một Do Thái kiều hồi hương, Trương Vũ xây cất tiểu luận trên nền gạch ướt mưa của sân trường cũ. Hai tâm thức. Hai hướng đến.

o O o

Tháng 5-1979 tôi đạp xe vào ngôi hẻm trên đường Hiền Vương. Ngôi hẻm có hiệu phở đầu ngõ trông sang cây xăng dẫn vào đường Duy Tân. Tôi đến chào thầy Lâm Ngọc Oánh. Tôi nói với thầy: “Em đến chào thầy.” Hai chữ vượt biên không thốt ra. Thầy Lâm Ngọc Oánh nhìn tôi đăm đăm, thầy không một lần hỏi vì sao, không một lần phát âm hai chữ vượt biên. Tháng 5-1979 là cao trào của vượt biên bán chánh thức, các học trò của thầy thay nhau biến mất. Thầy hiểu nên không cần hỏi và ban lời duy nhất: “Em đừng làm gì để bản thân, gia đình và dân tộc bị khinh.” Tôi không gặp lại thầy nữa.

Tháng 5-2019 tôi nhận sách tặng của một người thầy khác; thầy Trương Hồng Sơn, bút danh Trương Vũ. Tôi không học với thầy Sơn nhưng thầy Oánh và thầy Sơn đối với tôi không khác lắm, cả hai là sản phẩm của miền Nam, những giáo chức tận tụy và nhận lại ở học sinh lòng kính trọng cùng thương mến. Khác biệt là thầy Oánh ở lại và thầy Sơn ra đi. Chính nhờ ra đi mà thầy Trương Hồng Sơn trở thành khoa học gia rồi nhà văn, họa sĩ Trương Vũ. Nhưng thầy Sơn trở về và cho xuất bản Ðuổi Bóng Hoàng Hôn.

Vì sao tựa này?

Ðuổi theo chiếc bóng tuổi trẻ của chính mình khi bóng xế chiều tà hay xô đuổi ánh chạng vạng để thấy mặt trời phía sau bóng tối? Ðọc hết tập sách, tôi có câu trả lời: cả hai. Chính ý nghĩa của cả hai: Mặt trời đã sau lưng vì tuổi già ập đến nhưng vẫn còn phía trước, phía sau hoàng hôn cho một tuổi trẻ khác. Ý nghĩa này là tựa sách. Một mặt trời của quá khứ và tương lai; từ một điểm nhìn là sân trường Việt.

Trương Vũ trong ngày ra mắt sách tại DC tháng 5-2019

Vị trí ấy giải thích vì sao Ðuổi Bóng Hoàng Hôn là một tập tiểu luận pha tùy bút. Vì sao Trương Vũ chọn lối văn tâm tình ngay cả trong những chương thuần tiểu luận. Không hành văn hàn lâm, không phương pháp luận giải đại học mặc dù tác giả rất am tường. Vì là lời khuyên và trình bày của một thầy giáo. Nếu, vẫn còn chút ít chất sư phạm mà Trương Vũ thừa nhận: “nghề dạy học, với thêm chút tự phụ, dần biến tôi thành một người mô phạm trong cái nghĩa nghiêm túc và nghiêm khắc.”… thì ưu điểm nằm trong cách trao đổi thẳng thắn với các học sinh mà Trương Vũ xem đã trưởng thành, ngang hàng. Ðuổi Bóng Hoàng Hôn phải nhìn ở góc độ này: 2/3 được viết cho học trò cũ và tuổi trẻ ngày mai, 1/3 còn lại cho các bạn cũ. Trong tổng thể, vẫn là cho tuổi trẻ.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Thể tiểu luận khá hiếm trong ngành xuất bản tiếng Việt. Vì ít bán chạy. Khô khan. Ðuổi Bóng Hoàng Hôn không vậy. Nhờ vào tính chất trữ tình của giọng văn. Nhờ vào điều Trương Vũ tự nhận xét: “Sau này lên dạy đại học, tôi càng trở nên nghiêm khắc hơn với học trò mình, với nhiều người xung quanh nhưng lại ít nghiêm khắc với chính mình hơn.” Chính sự thiếu nghiêm khắc đó cho chúng ta những chương Mưa Ướt Vị Thành, Nói Với Chàng Siêu, Lá Mùa Thu, Nắng vàng Trong Rừng Khô, Ðất Còn Thơm Mãi Mùi Hương, Về Lại Sorrento.

Nhưng trung tâm điểm của Ðuổi Bóng Hoàng Hôn vẫn là những ngôi trường. Giáo Dục Việt Nam: Những Vấn Ðề Căn Bản là chương quan trọng. Trương Vũ là nhà văn tỵ nạn đầu tiên đặt vấn đề cải cách giáo dục quê nhà, ở vào thời điểm chưa ai bàn đến và chưa nhiều sự kiện tha hóa. Khi biết những kiến nghị, đề nghị, hay đề xuất ngay cả của những nhân sĩ thậm chí của các công thần khai quốc “phục viên” vẫn không được Ðảng đương quyền liếc mắt, càng thấy sự tha thiết của một giáo chức miền Nam, là thầy Trương Hồng Sơn. Vĩ tuyến 17 còn hay mất? Thắng trận hay bại trận? Không trầm trọng. Trầm trọng là tương lai. Chức năng của một giáo sư là đào tạo và chuẩn bị cho học sinh bước vào tương lai. Trương Vũ, tức thầy Trương Hồng Sơn không quên điều này. Chương 7 của tập sách là tâm huyết của thầy.

Bỏ ra nhiều công sức thâu thập tổ chức học đường của các quốc gia Á châu, cập nhật với giáo dục Hoa Kỳ và phóng chiếu ngược vào học đường miền Nam, Trương Vũ so sánh từng quốc gia, chỉ ra bất cập căn bản của hệ thống XHCN và đề xuất cải cách. Ba suy nghĩ chính của Trương Vũ là Ðại học tự trị, Ðãi ngộ giáo chức và Sự Tự do bình đẳng giữa sinh viên với giáo sư trên lĩnh vực tư duy và phát kiến. Không mới với phương Tây, nhưng là hy vọng của một thầy giáo vẫn nghĩ còn trách nhiệm với tuổi trẻ quê cũ.

“Ðiều cần ghi nhận trong giáo dục toàn diện, không riêng gì cho Singapore, là phần đức dục phải bao hàm tính trung thực, trong sáng, hồn nhiên; phần trí dục phải bao hàm khả năng suy tư độc lập và tôn trọng sự khác biệt; phần mỹ dục phải bao hàm khả năng sáng tạo và khả năng làm đẹp cuộc đời; và phần giáo dục tính xã hội phải bao hàm khả năng biết tôn trọng tính đa dạng của cộng đồng và xã hội. […] Một nền giáo dục thực sự phát triển con người toàn diện không thể là một nền giáo dục nhằm phục vụ một chế độ, một quan điểm chính trị, một tập thể lãnh đạo, một giai cấp, một tôn giáo,v.v. Lỗi lầm quan trọng nhất trong giáo dục Việt Nam lại nằm ở điểm này. Ở miền Bắc trước khi chiến tranh chấm dứt, và ở cả nước trong khoảng gần 20 năm tiếp theo đó, nó là một nền giáo dục của xã hội chủ nghĩa, nó không chấp nhận những mô hình xã hội khác, những tư duy khác. Bên cạnh đó nó là một nền giáo dục mang tính giai cấp, dành đặc quyền giáo dục cho một thành phần của xã hội. Ngày nay, tính giai cấp quả thật đã giảm đi nhiều. Riêng về các môn học như Triết học Mác-Lê-nin, Chủ nghĩa khoa học xã hội, Lịch sử Ðảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh, v.v. dù thực tế cho thấy sự thất bại không thể chối cãi của mô hình xã hội chủ nghĩa, chúng vẫn còn là những môn học bắt buộc và chiếm một thời lượng không nhỏ trong chương trình học và cả trong thi cử. Dù rằng, không phải đến bây giờ mà đã hơn mười năm trước đây, các môn học này đã được xem là những môn mà “thầy không muốn dạy, trò không muốn học”. Sự bắt buộc này kéo theo một vấn nạn khác của giáo dục: buộc học trò chấp nhận và sống với sự giả dối và bất công. Nhất là bất công với những triết thuyết khác, những đóng góp trí tuệ khác trong suốt quá trình phát triển của nhân loại. Theo Quốc Việt, “Việc đưa lịch sử đảng cộng sản, chứ không phải lịch sử quốc gia và dân tộc thành một môn học bắt buộc là một việc không những đi ngược lại với yêu cầu của xã hội mà còn phản lịch sử, phản dân tộc, và phản tiến bộ.” […]

Giáo dục Việt Nam cần giảm bớt mô thức giảng dạy áp đặt và tăng cường mô thức gợi ý.

Cần giảm thiểu sự mệt mỏi của học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học. Ðặc biệt, nên giảm bớt lượng kiến thức hay thông tin trong chương trình học. Nhắm đến một hành trình lâu dài hơn của con người. Không nên để họ gục ngã sớm về đầu óc.

Ðặt nặng vào việc đào tạo giáo chức và dành những đãi ngộ đặc biệt cho họ. Trong trường hợp các nước đang phát triển như Việt Nam, giáo chức phải được tuyển chọn từ thành phần ưu tú nhất của đất nước. Trong thực tế, một thanh niên ở tuổi 18 mới bước chân vào đại học chưa có ý niệm gì về những vấn đề như yêu trẻ, như hết lòng đào tạo tốt những thế hệ tương lai của đất nước. Chỉ có lòng tự hào, sự đãi ngộ và vị trí xã hội mới lôi kéo được các sinh viên ưu tú nhất vào các trường sư phạm, gần giống như cái cách mà nước Pháp đã dành cho sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm của họ, hay chính sách của Ðại Hàn như đã trình bày trên đây. Ðiều này đòi hỏi một chính sách ưu đãi từ phía chính quyền và một thái độ yểm trợ tinh thần từ xã hội.

Ðối với các trường đại học, ngoài việc áp dụng chương trình giảng dạy theo mô hình của các quốc gia tiên tiến Tây phương, quyền tự trị đại học cần được ban hành cho đại học Việt Nam. Thiếu sự tự trị, đại học Việt Nam khó thể hoàn tất vai trò đào tạo trí thức của nó. Ðây có thể là một liều thuốc đắng nếu chính trị xem đại học như một lực lượng đối kháng nguy hiểm. Nhưng, đây lại là một điểm chuyển hướng quan trọng để những thành phần tốt nghiệp đại học trong tương lai không mang mặc cảm nào với những đồng nghiệp ở các nước tiên tiến, đặc biệt ở các nước Á châu vốn trước đây có cùng điều kiện văn hóa, giáo dục, kinh tế với Việt Nam, như Ðại Hàn và Ðài Loan. Từ điểm chuyển hướng đó, họ mới có thể đóng góp cho đất nước bằng tất cả sức mạnh tinh thần, lòng hăng say, và niềm kiêu hãnh của họ. Ðừng nên quên một thực tế này, một sinh viên Việt Nam nếu bằng cách nào đó ra khỏi nước, vào học các trường đại học của Tây phương, khi trở về (ngay cả khi  quyết định ở lại ngoài nước) thường được coi trọng hơn là nếu anh ta chọn ở lại với trường đại học trên quê hương. Sự kính trọng đó phát sinh từ những điều kiện về giáo dục mà sinh viên đó được hưởng ở nước ngoài, bao gồm những điều kiện mà anh ta hoàn toàn bị từ chối nếu chọn ở lại trên quê hương. Ðây là một bất công rất khó giải thích.

Ðề nghị sau cùng, và có lẽ là đề nghị quan trọng nhất, là nhà nước Việt Nam nên xem phát triển giáo dục toàn diện là ưu tiên hàng đầu của quốc gia, xem nguồn nhân lực được đào tạo qua giáo dục là tài nguyên quý giá nhất của đất nước. Và, khi làm chính sách giáo dục đặt trọng tâm vào những mục tiêu lớn như đào tạo con người trung thực, có sáng tạo, có tư duy độc lập, biết tôn trọng sự khác biệt, v.v. bên trên sự chuyển giao tri thức.  Và, quên đi những gì thực sự không còn giá trị nữa.[Trương Vũ/ Giáo Dục Việt Nam: Những Vấn Đề Căn Bản]

Xem thêm:   Trên lưng trời

Những điều trên, thầy Trương Hồng Sơn viết đã hai thập niên, còn nguyên giá trị.

(còn tiếp 1 kỳ)

TV, Cali tháng 6-2019