Thế giới rộng lớn, còn vũ trụ cá nhân thu hẹp. Sống, là tìm tự do trong sự hạn hẹp ấy. Là tiêu điểm chính của Hai Bên Sông. Một truyện ngắn đậm đặc khí hậu. Không duy nhất một chuyện tình mà còn chập chờn lằn ranh vô hình Quốc-Cộng. Ở giữa, tuổi trẻ tự tìm kiếm. Vượt qua, là tự hủy. Ở lại, một bế tắc. Trên nền sũng mưa của một miền Nam vừa Đảo chánh và Chỉnh lý. Rất khó để diễn tả vừa tình yêu, vừa thời đại, vừa thao thức chỉ với vỏn vẹn hai ngàn bốn trăm chữ. Thái Lãng thành công khi hòa tan người đọc vào trong câu chuyện vô cùng tự nhiên.  

Khác điếu văn sầm uất dành cho Tô Thùy Yên với Du Tử Lê, Thái Lãng mất tháng 9-2019 không tiếng động. Đánh máy lại Hai Bên Sông để tiễn một nhà văn.  Trần Vũ

THÁI LÃNG tên thật Nguyễn Thái Lãng, sinh vào mùa Thu 1940 tại Hà Nội. Thời thơ ấu chạy loạn với gia đình về sống tại làng Thịnh Quang, Thái Bình. Học Tiểu học tại Hà Nội, Trung học tại Sài Gòn và Đại học Đà Lạt.

Từ ba năm nay không viết gì thêm và chuyển sang ngành hội họa.

Hiện đang sống với vợ (là một giáo sư hội họa) và các con tại Đà Lạt.

Công việc chính lúc này: vẽ tranh.

Đã hợp tác với các báo Văn, Văn Học, Bách Khoa, Hành Trình, Thái Độ, Đất Nước.

Đã in: Sương Mù Xám, Nhật Ký của Người Chứng, Trong Một Ngày…

Quan niệm về truyện ngắn

Truyện ngắn trước nhất không phải là truyện dài viết ngắn lại. Truyện ngắn hay phải cô đọng và tạo được những rung cảm cả trong khi đọc và sau khi đọc.

Về truyện ngắn “hai bên sông”

Truyện Hai Bên Sông này viết đã lâu, thời còn đi học – Đó là những ý nghĩ của tuổi trẻ mà đến nay vẫn còn giữ lại trong tôi phần nào.

[Tiểu Sử Thái Lãng ghi trong tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, do Nguyễn Đông Ngạc tuyển chọn, Nxb Sóng, in tại Sàigòn 1974]

Thái Lãng

Tôi hẹn Thư bốn giờ ở bến đò sang bên kia sông, bốn giờ hơn Thư lại. Bầu trời lúc đó cao và trong, không có nắng, gió thổi mạnh. Thư đứng ở bên kia đường đợi cho những xe đi qua. Quần áo và tóc nàng thổi lật ra sau. Trông Thư như đang đứng trên một cái bè ngược gió. Xe vẫn còn đông, Thư vẫn còn đứng đấy, những người đàn ông ngồi trên xe khi qua mặt nàng đều quay đầu lại. Một lúc sau Thư sang, dáng đi còn trẻ. Tôi nghĩ, Thư còn trẻ lắm.

– Anh đợi lâu chưa? Em có thể đến đúng giờ hay sớm hơn nhưng em vẫn muốn đến thật trễ để anh đợi.

– …….

– Có phải lúc chờ đợi như thế anh đã nghĩ trọn vẹn đến em không?

– ……..

Tôi lấy thuốc ra hút, Thư không nói gì thêm. Nàng đứng cạnh tôi, nắm một tay tôi, chúng tôi nhìn thẳng sang bên kia sông đợi chuyến phà. Nước sông đục và bẩn hình như đang rút đi. Những chiếc thuyền nan và những ngọn sóng nhỏ, những tàu chiến và những con chim, tất cả xa lạ nhau và tất cả làm tôi không thích.

Phà đến, tôi đỡ một tay để Thư bước lên, rồi dắt nàng ra đứng ở lan can phía cuối. Thư tỳ tay nhìn ra ngoài sông. Nàng bắt đầu nói đến những kỷ niệm có thuyền bè sông nước mà nàng cho là đẹp. Tôi nghe lơ đãng và không trả lời. Em đâu phải chạy loạn, em đâu phải tản cư, còn tôi, mới ba tuổi đã phải bám chặt lấy đầu gối mẹ ngồi chen chúc trên một cái bè, nước chảy cuộn như thác đổ và chúng nó ở trên đê bắn xuống như điên. Những tràng liên thanh, những tiếng rú, mẹ tôi run cầm cập còn tôi khóc thét lên. Em đâu biết súng “tắc-boọp” là gì, em hơn tuổi tôi nhưng em còn trẻ lắm. Những tiếng súng đâu có đến tai em hồi nhỏ, những kỳ thi đâu có dằn vặt em khi lớn lên và bây giờ, cuộc sống vẫn chiều đãi em. Còn tôi, chiến tranh thi cử học hành và cuộc sống lúc nào cũng vây lấy tôi, phủ kín tôi, bóp nghẹt tôi… làm tôi khổ. Thư nắm chặt tay tôi lắc nhẹ.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

– Nghĩ gì thế anh?

Tôi hất đầu ra trước, nàng nhìn theo về phía người đàn ông đang há mồm nghe vọng cổ từ cái radio cắp ở tay. Thư nhìn thật lâu rồi không hiểu sao nàng cười thành tiếng. Người đàn ông cũng quay lại phía chúng tôi toác miệng cười theo, rồi Thư cười to hơn nữa. Tôi không thấy gì lạ, mồm hắn méo mó đầy răng vàng thế thôi. Họ sung sướng nên dễ cười thật.

Phà ghé bến, tôi dắt Thư bước lên cầu, những người phu xe chạy đến mời chào rối rít. Thư mở ví lấy tiền cho ăn mày, tôi không nói gì. Ngày trước tôi ghét kẻ ăn xin và ghét luôn cả những người cho tiền họ, tôi theo sách vở để nói cho ăn mày là sỉ nhục họ. Sỉ nhục cái gì? Bây giờ tôi nghĩ khác. Họ nghèo khổ quá, tàn tật quá, cuộc sống lại xô đẩy và thờ ơ với họ như thế, biết làm sao?

Chúng tôi đi thẳng vào con đường lớn. Khung cảnh này, những căn nhà lá xiêu vẹo, những cây dừa ngả nghiêng, những đứa trẻ rách rưới, những chiếc xe lôi và những bãi cứt trâu cùng những cặp mắt giương to làm tôi thấy mình bị lạc. Quần áo và khuôn mặt chúng tôi không hòa được vào đây. Chúng tôi cứ đi, đi mãi qua một cổng lớn có chòi canh và người lính áo đen ôm súng gác. Cánh cổng mở rộng. Tôi đưa Thư vào con đường mòn nhỏ hẹp, hai bên là ruộng. Gió thổi mạnh, mùi lúa non đưa lên, tất cả đều êm ả.

Thư ngồi xuống bãi cỏ nhìn ra ngoài sông. Tôi lấy thuốc hút và đi thật chậm xung quanh nàng. Những cây xấu hổ nằm rạp dưới chân, có tiếng Thư gọi lướt đi trong gió.

– Lại đây, lại đây với em.

Tôi chống một tay nằm xuống cạnh Thư. Gió thổi từ phía nàng sang tôi, mùi thơm da thịt lẫn vào cỏ làm tôi ngây ngất. Thư nói một câu gì thật nhỏ. Tôi nhìn sát mặt nàng, môi hở ra và răng sáng lấp lánh ở trong, gió thổi tóc bay dạt một bên. Tự nhiên tôi thấy yêu khuôn mặt đó. Tôi ngồi dậy gỡ nhẹ tóc nàng, tôi ôm chặt đầu nàng. Chúng tôi hôn nhau. Thư choàng tay qua vai tôi, những ngón mềm vuốt nhẹ vào gáy vào tóc vào lưng. Tất cả nhột nhạt thôi thúc. Sức nặng tôi đổ dồn về phía trước, thân thể nàng ngả theo, toàn thân tôi trườn mãi trên hơi thở dồn dập của Thư. Rồi Thư ghì chặt lấy tôi, cả hai rùng mình. Tôi thấy môi nàng chợt lạnh và dọc theo lưng tôi cũng lạnh toát rồi tan dần. Tôi rời khỏi môi Thư, úp mặt xuống tóc nàng. Thư vẫn nằm yên, hình như mắt nàng mở lớn nhưng không nhìn gì cả. Thư nói:

– Như vừa ngủ dậy, phải không anh?

– Ừ, như vừa ngủ dậy.

Tôi quay lại chống một tay qua người Thư, mắt nàng vẫn mở lớn nhưng không nhìn gì cả. Trời không nắng, mây xuống thấp dần, gió thổi mạnh hơn, khuôn mặt Thư bằng phẳng yên lặng. Tôi nhìn thật kỹ vào môi vào mắt, vào những chuyển động lên xuống trên ngực nàng. Hình như Thư nói một câu gì thật nhỏ và hình như đã có hạt mưa. Tôi cúi vội xuống, chúng tôi lại hôn nhau, hôn nhau mãi trong cơn mưa.

Tôi dắt Thư chạy theo bờ ruộng, nhảy qua mấy cái lạch nhỏ để vào một ngôi nhà chòi chất đầy rơm. Hơi ẩm mốc xông lên hăng hắc. Tôi lấy thuốc hút và Thư lấy lược chải đầu. Tôi quay sang thổi khói thuốc vào đầy tóc nàng. Thư lắc đầu cười. Mưa vẫn lớn, trời tối dần. Một ông lão vác cuốc chạy vào chòi, theo sau là đứa nhỏ. Họ rét run. Ðứa bé hai tay ôm ngực đứng chúi vào đống rơm như một con gà ướt. Ông lão vứt cuốc xuống chân moi thuốc ra cuốn. Thuốc ướt, giấy ẩm, tay run cuốn không được. Tôi không còn điếu nào để biếu ông ta. Tôi nhìn qua vai Thư để thấy hai bàn tay run cầm cập, những ngón tay khô cằn vụng dại, chiếc quần cụt sũng nước, hai cẳng chân gầy, hai đầu gối nhăn nheo đập vào nhau. Tôi thấy họ khổ, tôi thấy cuộc sống này khổ, sắp hết cuộc đời còn phải vác cuốc ra đồng, vẫn phải lội ruộng vẫn phải dầm mưa. Những công lao ông đã làm từ hồi còn trẻ còn khỏe bây giờ để đâu? Hay suốt mấy chục năm qua cuộc sống kéo dài, ngày nào làm đủ ăn ngày đó, không bao giờ thừa để bây giờ vẫn thế. Những buổi họp, những hoan hô, những đả đảo có giúp được gì cho cuộc sống này không? Tôi không biết, thật tôi không biết. Và tôi nghĩ lại những ngày học qua, những triết thuyết, những chứng minh giải thích, những con số, những danh từ thật quả chẳng ăn nhằm gì đến cuộc sống này, hay có chăng, còn xa lắm. Bao nhiêu năm nay không thay đổi và có thể còn tiếp tục kéo dài mãi nữa. Ðói và khổ. Mỗi người chỉ đủ lo cho mình, lo suốt đời. Tôi cũng thế, thật nản. Ông lão đã cuốn xong điếu thuốc từ lúc nào, hơi khói ấm và khét tạt sang phía chúng tôi. Tôi thấy Thư thở dài.

Xem thêm:   Hang gấu

Trời tối hẳn, mưa dứt, chúng tôi trở về con đường cũ, không ai nói với ai. Hết cánh đồng, qua cổng lớn. Những căn nhà lá hai bên lại hiện ra với ánh đèn dầu yếu ớt. Cuộc sống nhuộm toàn đen nham nhở. Buổi tối hết phà, tôi thuê một thuyền máy sang sông. Bên kia đèn sáng quá, những ống néon xanh đỏ lập lòe trên nóc nhà cao, những mui xe bóng loáng lướt đều. Lên đến bến tôi chợt nghe tiếng hát rú lên cuồng dại cùng tiếng nhạc trong phòng trà góc bên kia. Tôi vẫy một taxi mở cửa cho Thư vào. Nàng có vẻ buồn. Xe chạy tới nhưng ngừng lại ngay. Thư nói vọng ra:

– Vào đây ngồi với em một quãng.

Tôi vào, xe chạy qua khu phố đông. Tôi thấy nhiều quán rượu có tiếng nhạc ồn ào, có tiếng cười tiếng nói ngoại quốc và tiếng rú con gái Việt Nam.

– Tại sao anh chẳng nói gì với em?

Tôi cũng thấy nhiều bích chương biểu ngữ hoan hô đả đảo, những bích chương dán bên tường quán rượu, và biểu ngữ giăng ngang đường xe đi!

– Suốt buổi đi chơi anh chỉ nói với em vài tiếng. Em không chịu nổi đâu, chiều hôm nay chẳng thấy vui gì cả.

Tôi quàng tay qua vai Thư, đếm nhẩm những biểu ngữ trên đầu.

– Tại sao thế anh? Tại sao anh chẳng nói, anh đổi khác làm em sợ.

– Có gì đâu, có gì để nói nữa đâu. Tại sao em thấy anh đổi khác?

Tôi quay sang hôn nhẹ môi nàng và bảo người tài xế ngừng, Thư như muốn nói điều gì nhưng không kịp nữa. Tôi mở cửa xe rồi xuống thật nhanh

Buổi tối vừa tạnh mưa, phố đông và sạch. Tôi ra bến đợi xe buýt về nhà. Như thế là hết một buổi chiều rồi đấy, còn buổi tối thì sao? Ðã bao lâu nay, tôi sống dật dờ trống loãng. Tôi không thể học nhưng cũng không thể lao đầu vào bất cứ việc gì. Tôi chỉ có được những ý nghĩ suông, đúng thế, trong bao năm học hành chỉ cho tôi những ý nghĩ suông. Và rồi những ngày lại cứ qua đi trống loãng. Xe buýt tới, tôi định lên nhưng đã thấy Tiến bước xuống gọi tôi.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Chúng tôi lại vào một quán nước có nhạc. Bóng tối và nhạc twist buồn thê thảm. Tôi gọi bia và muốn uống thật say.

– Tao về phép được tám ngày, còn mày thì sao?

– Vẫn thế.

– Phải đi xa mới thấy nhớ thành phố này.

– . . . . . . . . . . . .

– Trông mày xìu quá, chán bỏ mẹ.

– Tao nản.

– Thi trượt à?

– Không.

– Trường Luật độ này ra sao?

– Cũng thế!

– Có đi lính mới nhớ thời rong chơi.

– Tao rong chơi quá nên ngán quá rồi.

– Thì chui vào lính.

– Chui vào lính thì quá dễ rồi, nhưng tao muốn một cái gì khác.

– Thì ra ngoài kia.

– Chỉ có hai cách đó thôi sao?

– Ðúng rồi, chỉ có hai cách đó.

– Tao không tin.

– Mày không tin nên mày cứ xìu mãi, chán bỏ mẹ. Với tao thì giản dị lắm, tao dễ tin những cái gì có thật, mà hiện thời chiến tranh có thật, nên chỉ có một cách là chui vào đấy, hoặc cho bên này hay bên kia, còn ngoài ra vô ích cả.

– Thôi uống đi, mày nói nhiều bỏ mẹ.

– Còn mày trông xìu bỏ mẹ.

Vỏ chai đã xếp đầy bàn. Chất đắng thấm vào người, hơi nóng bốc lên. Một lúc sau tôi thấy đầu nặng, những mạch máu hai bên thái dương căng lên giựt mạnh. Hình như Tiến lại nói về những chuyến trực thăng, những đụng độ và đàn bà. Tôi không còn nghe rõ được gì nữa, đầu tôi nặng như muốn rơi xuống mặt bàn, tôi cố giữ nhưng không được. Nó cứ rơi. Tôi thấy Tiến kéo tôi dậy, lôi tôi đi. Rồi những giòng nước lạnh dội xuống đầu xuống gáy xuống lưng. Tiến lại lôi tôi ra và có tiếng hắn gọi nước chanh. Tôi dựa lưng vào thành ghế duỗi thẳng tay chân. Mệt quá, mọi vật lơ mơ quá. Tôi ngủ thiếp đi. Rồi Tiến lại lay người tôi dậy, hắn cười bằng một giọng khàn. Tôi thấy tỉnh dần.

– Cậu xìu quá, chán bỏ mẹ.

Tôi theo Tiến ra khỏi quán, hắn gọi một xích lô và nhét tôi vào đấy. Chiếc xe lăn đi mệt nhọc. Tôi đã tỉnh hẳn rồi. Ông già đạp xe và ông lão trú mưa cũng chẳng khác gì nhau. Tuổi gầy sức yếu, thân thể còm mà kế sinh nhai chỉ có hai bàn chân với bắp thịt nhão. Tôi không thể nhìn ông ta lâu, không thể nghe mãi ông phàn nàn. Cho tôi xuống, xuống ngay tại đây. Tôi phải trốn, trốn vào đâu cho quên cảnh nghèo, quên đói khổ ở xung quanh.

Tôi rẽ sang một con đường vắng. Những bóng cây đổ xuống mặt đường như những lỗ huyệt. Tôi đi lần vào từng lỗ huyệt một. Tôi muốn nghĩ đến Thư, đến một cuốn phim, hay đến bất cứ truyện nào nhưng đừng có cảnh nghèo đừng có tiếng súng đừng có bom nổ đừng có tản cư. Tôi cố gắng nhưng không được, chỉ có Thư nhòa vào ông lão trú mưa, Tiến hiện ra trong tiếng súng, tiếng mìn và Mẹ tôi với cái bè vượt nước. Rồi xe hơi, đèn dầu, cứt trâu, biểu ngữ, tiếng hát, tiếng cười, tiếng máy trực thăng, những cái hôn, những cái chết. Tất cả hiện ra lộn xộn đằng sau mắt tôi. Tôi nhìn xuống mặt đường, bóng tôi đổ dài mãi ra rồi ngắn lại mất hút. Tôi đi vào ngõ tối, tôi đi vào xóm nghèo mà ngay đầu ngõ có biểu ngữ hoan hô, mà ngay vách lá cũng có bích chương đả đảo.

Tất cả như thế và tất cả cứ như thế mãi sao?

TL, 1965

Trần Vũ đánh máy lại tháng 11-2019

từ bản in trong Tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta,

NXB Sóng, Sàigòn 1974.

(*) Bìa nhạc Chuyến đò Không em của Hoài Linh & Anh Phong cùng hình ảnh miền Nam trước 75.