Kỳ trước: Trần Thị, sau này là vợ của Trần Độ, bắt đầu cuộc hôn nhân như một con nai trước nanh vuốt của con hổ. Trần Độ cưỡng dâm Trần Thị ngay cả trước mắt  Gia sư của mình.

Kỳ 3

Tâm Sự Thiếu Đế

UÐào đi ở cho dòng họ tôi, từ lâu lắm. Mỗi sáng u thường hay quẩn quơ trước bàn thờ, chữa lại hương án, rót nước, châm trà, rồi lau khắp lượt những mặt người quá vãng, từ tổ phụ, cố nội, bà, cho đến chú tôi mà ánh mắt cứ mỗi ngày một nhạt phai trên bức vẽ. Không có ai trên các bức họa mà u không biết. Từ cố có chiếc bình điếu bằng ngà khi làm đến chức Thái Sư có người dâng cây gậy bằng vàng lúc chết chôn theo, đến ông tôi từng đăng quang ở điện Thiên An, khi ông khuất chính u là người tự tay khâm liệm. Còn bà tôi theo lời u kể, chạy tản cư giặc Nguyên từ kinh sư về tới phủ Thiên Trường dọc đường trúng tên mà mất. Phút lâm chung bà không ngớt kêu tên cố. Tại sao lại kêu tên cố mà không là ông? U Ðào không bao giờ giải thích cho tôi rõ.

U Ðào như thế, đã ở với từng ấy người của họ Trần. Bây giờ trong bức vẽ nhìn ra, không biết họ có còn trông thấy u? Từ thuở tấm bé, tôi đã trông thấy chiếc bóng của u vật vờ, dật dờ, làm như u đã ở cho tộc Trần suốt nhiều kỷ. Không rõ từ khi nào, nhưng chiếc bóng của u đã ăn sâu lắm, chạm khảm vào trong trí não tôi như thể u chính là sự hiện diện của gian nhà thờ từ đời này qua đến đời khác, hết thế hệ này xuyên suốt thế hệ khác, luôn luôn ở đó bất di bất dịch.

Dạo ấy, mỗi sáng, qua khe hở của hai tấm ván ghép rời, lập lòe soi đỏ một tim đèn cầy thắp đêm ngày cạnh hương án, tôi đều trông thấy u Ðào nhặt nhạnh từng cánh hoa tàn rụng rơi, vương vãi dưới gốc chân nhang. U quét tước tro hương, xếp lại những quả na, bày biện thêm những quả xoài cống từ đất Chiêm Thành vàng ửng màu cát. U không biết chữ, lại không có thì giờ đi nghe giảng kinh, nên đối với u dọn dẹp bàn thờ là một hành động hướng thượng. U rất chăm làm, ngày xưa Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung gọi u là sự tôi luyện của thời gian. Thời gian phơi trên mấy ngón tay trắng trẻo trẻ trung của u lúc vào ở cho tộc Trần, cần mẫn sắp xếp hai thếp nhang, đôi nến trắng, một cho khám thờ Phật và một đặt trước bài vị gia tiên. Vẫn động tác đó, nhưng thời gian đã bào mòn, ăn nhấm vào từng đầu ngón tay, khiến lớp da nhão nhoẹt nhăn nheo như thứ da bị ngâm nước lâu ngày chỉ chực lột để lộ xương. Nhưng hình như u không để ý mấy tới việc thịt da của mình bị tàn phá. U vẫn cẩn trọng quét dọn bàn thờ. Xong xuôi tươm tất đâu đó rồi u mới lẳng lặng, lặng lẽ lên gác mời tôi:

– Mời Thiếu Ðế xuống lễ.

Chiếc bóng tôi đi trước, chiếc bóng u già cỗi theo sau. Trẻ thơ, song tôi sớm có ý nghĩ: U Ðào chỉ là một chiếc bóng mờ câm sẵn sàng tan biến nhập hẳn vào từng thớ gỗ, trộn lẫn vào cùng với mối mọt ở đà nhà mình. Chiếc bóng im lìm không động đậy nơi bức vách. Nếu không phải là gia tộc Trần thì cũng là gia tộc khác. U sinh ra chỉ để đi ở, chấp nhận và bất lực.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Tôi thắp nhang, van vái, rồi thỉnh một tiếng chuông rước thầy, cố, cùng các nội tổ về.

Quay lại trông thấy u, tôi lại tự hỏi: Tại sao gia phả của dòng họ Trần không thấy chép tên của u Ðào? Dù u đã ở với chúng tôi nhiều kỷ. Cả một kiếp người, vậy mà u cũng chỉ giống giọt nước rỏ từ mái hiên điện xuống chậu kiểng, giọt nước kêu thánh thót hay rơi đánh tạch trên tàu lá rồi chảy xuống đất vô tâm tích. Nếu nhìn từ toàn cảnh, tôi chính là cái chậu kiểng tiếp tục hứng giọt nước nhỏ mọn ấy chảy từ thân u Ðào. Tôi, thái tử Ân — Trần Thiếu Ðế — đứa trẻ được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chăm sóc, chăm bón, để mong nối dõi cơ nghiệp của tộc Trần.

Tôi lên ngôi năm Mậu Dần. Sang năm Kỷ Mão triều Trần đã bạc nhược lắm. Thượng hoàng Thuận Tông bị Quý Ly chuyên quyền đày ra ở Ngọc Thanh Quán huyện Ðông Triều. Tôi cũng phải rời cung Bảo Thanh về ở phủ Thiên Trường, tuy giữ triện Thiếu Ðế mà không có quyền bính. Kẻ ăn, người ở trong nhà chỉ còn mỗi u Ðào và bõ Phúc. Bõ Phúc cũng già lắm, lúc xưa là con của thầy đồ, được nội tổ Trần Hấp rước về dạy chữ cho cụ cố Thủ Ðộ. Thầy đồ qua đời, con trai ở lại giúp việc rồi thành bõ. Lúc tôi bước ra sân, nắng rơi lác đác trên những tờ giấy chép chữ Thánh Hiền. Bõ Phúc đang ngồi lom khom phơi kinh sử, mặt bõ ngơ ngác, nói cười như mếu:

– Bẩm Thiếu Ðế ra sân chầu?

– Ðạo đã nát, chữ đã nhòe mực, bõ còn phơi làm chi?

Bõ nhướng mắt ngạc nhiên, những xấp kinh Luận Ngữ của Khổng Tử nhầu nát trong tay bõ. Những tấm giấy đen đủi chép Ðạo Ðức Kinh của Lão Tử ố vàng, thấm nước mềm ủng như bún. Bõ Phúc không hiểu tôi nói gì, lại cúi xuống chăm chỉ xếp từng tờ một, ngay ngắn, thẳng hàng. Những ngón tay già héo của bõ chậm chạp vuốt lại những trang Nam Hoa Kinh rồi bày trên mặt đá. Một cơn gió thổi bất ngờ làm chữ nghĩa bay tán loạn, bõ Phúc hối hả tất tả chạy đuổi theo cho tới lúc cả chiếc bóng bõ cùng những tờ giấy mất hút. Sân đá lạnh câm. Không chiêng, không trống, không cờ hiệu, không cả tiếng hát của cung nga, tôi đứng trơ trọi một mình. Phủ Thiên Trường lúc xưa là nơi khởi phát của tộc Trần, về sau là nơi các thượng hoàng sau khi truyền ngôi cho thái tử về dưỡng lão. Chiếc nôi của triều đại mỗi ngày một cũ mục, suy tàn. Tiếng gió lay lắt mấy tấm rèm cửa.

Mãi đến chiều bõ Phúc mới lượm được hết chữ Thánh Hiền trở về. Mặt mũi bõ phờ phạc, thở mệt nhọc. Trông bõ tội nghiệp. Tôi lại đứng xem bõ nhẫn nại phơi kinh sử. Tôi muốn tìm người hiến kế, nhưng không có ai khác, đành hỏi bõ:

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

– Quý Ly muốn soán ngôi, tôi còn nhỏ dại, phải làm sao?

Bõ Phúc đang ngồi xổm, lấy đá lèn giấy, nghe tôi hỏi bỗng ngửng phắt lên chỉ tay xuống ao quát:

– Ðầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo! Trận này không phá giặc thề không trở lại khúc sông này nữa!

Vẻ mặt bõ Phúc đột ngột hùng dũng, quả quyết. Tiếng nói đanh thép của người bõ già làm tôi muốn khóc, không ngờ trong lúc lâm nguy của gia tộc hãy còn người trung. Tôi ôm chầm lấy bõ Phúc, quỳ vội xuống đỡ bõ đứng dậy. Tôi vái sống bõ Phúc hai vái:

– Trời ơi! Mệnh trời chưa hết mới xui bõ về đây, thiên mệnh nhà Trần chưa hết, mai này về được kinh sư tôi nguyện không quên ơn cứu giúp! Vậy bõ có kế chi?

Bõ Phúc cũng xúc động lắm, hai vai run run, đưa tay vấn lại khăn nhiễu. Mặt bõ băn khoăn, hết quấn khăn lại vuốt vạt áo thâm, mãi mới ấp úng:

– Nhổ cỏ thì phải nhổ cả cái rễ nó đi…

Tôi sửng người chưa hiểu bõ Phúc muốn nói gì. Thấy bõ do dự, tôi gặng hỏi:

– Cỏ nào? Ở đâu?

Lúc ấy, tự nhiên mặt bõ Phúc mất hết thần khí, chỉ còn trơ lại thân xác khô vắt của một kẻ già. Nhìn vào đôi mắt bõ trống rỗng, ngơ ngác, hai đồng tử bạc phếch, lờ đờ, tôi chợt hiểu. Hai cha con bõ Phúc theo hầu nội tổ Thái sư Thủ Ðộ và họ Trần đã quá lâu, về già chẳng còn biết gì nữa; chỉ lặp lại những điều được rao truyền, nghe thấy. Tôi muốn dở cười, dở khóc, đâm giận mình thiếu lý trí, kế giữ ngôi báu không ai hỏi kẻ ở đợ trong nhà.

Lúc tôi quay trở vào trong, hàng liễu rũ đứng dưới sắc trời chiều chạng vạng, vẩn vơ chiếc bóng của bõ Phúc hãy còn ngồi lom khom ngờ nghệch phơi ủ chữ Thánh Hiền.

Ðêm đó, sau bữa cơm, tôi hỏi u Ðào:

– Tộc Trần chỉ còn mỗi mình tôi ư?

– Bẩm Thiếu Ðế còn đông lắm…

U mỉm cười, hàm răng nhuộm đen huyền làm vẻ mặt u thêm trắng. U nói u không bao giờ lớn, trước tôi không tin, bay giờ nhìn u đứng trong bóng tối, vóc vạc nhỏ nhắn, hai tay xuôi mềm, hai chân bé bỏng, sau lớp da nhăn còn giữ dáng dấp thiếu nữ, tôi mới nhận ra u hãy còn rất trẻ. U bưng khay trà, rót vào chung kính cẩn mời:

– Bẩm Thiếu Ðế ngự.

– U nói sao, tôi không hiểu. Ðông là những ai?

– Bẩm tất cả…

U lại nhìn tôi do dự. Có điều gì bí ẩn u muốn giấu. Tôi nắm tay u, u run se sẽ, tôi cảm nhận rõ ràng mạch máu ấm giữa lòng tay u chảy mạnh. Có lẽ u chưa bao giờ biết đàn ông.

– U còn thương tộc Trần thì dẫn tôi đi gặp.

Ðôi mắt u buồn lắm. Ðôi mắt u nhìn kỹ trong veo như đáy sông Thao, phảng phất tia nhìn của Linh Từ Quốc Mẫu. Tôi ôm u vào lòng và u bật khóc. U Ðào khóc nức nở, nước mắt u đầm đìa, những giọt nước mắt của bao nhiêu năm câm nín, cam chịu, của nhẫn nhục cô đơn. U nuôi tôi từ tấm bé, nhưng chưa bao giờ tôi thấy u khóc nhiều và thành thật như tối đó. Tôi biết u không thể nói, nên u phải khóc. Tôi cũng khóc, vì gia phả tộc Trần xuống tới đời tôi là hết. Quý Ly đã sai Phạm Khả Vĩnh đi giết thượng hoàng Thuận Tông, như ngày xưa nội tổ Thủ Ðộ sai thắt cổ Lý Huệ Tông chồng Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung ở chùa Chân Giáo. Vài hôm nữa chắc Quý Ly cũng cho người đến bắt ép tôi uống độc dược tự tử. Tôi úp mặt vào ngực u thổn thức. Nhưng u Ðào đã lặng lẽ lạnh lẽo gỡ tay. Những giọt nước mắt của u sao mau cạn? Tôi đâm ngờ u không khóc cho tộc Trần.

Xem thêm:   Hang gấu

– Bẩm Thiếu Ðế đã đến tuần.

U đốt đèn lồng dẫn tôi vào sân trong. Khoảng sân lưa thưa gió, tối ám, nước rỉ hai bên vách tường lâu năm bám ẩm rêu. Khói nhang từ lư hương với vàng mã đốt liên tục cay nồng nặc. Bõ Phúc đứng đợi kéo ngai cho tôi ngồi. U Ðào đốt thêm nhang đèn vàng mã. Tiếng nước nhểu xuống vại nước nghe rõ mồn một. Cả một bức tường khổng lồ soi ánh trăng sáng như một trụ tháp ngà dát bạc. Bức tường sừng sững vĩ đại, bên trên khắc chi chít tên tuổi của những người trong tộc Trần, cùng những chiến công lừng lẫy từ trận Tây Kết, đến Hàm Tử Quan, Vân Ðồn, Bạch Ðằng, Hội nghị Bình Than, Diên Hồng… Nghi tục của các vua Trần về ở phủ Thiên Trường là mỗi tối phải mặc niệm trước bức tường đã ghi chép chiến tích. Tôi cũng không thoát ra khỏi tập quán đó.

U Ðào với bõ Phúc xá lạy rồi bước ra.

Chỉ còn tôi với chiếc ngai và bức tường mỗi lúc một sáng lộng lẫy. Ban đầu tôi tưởng là sáng trăng, song cứ mỗi lúc ánh sáng càng rực rỡ chiếu phát như bức tường là cả một khối ngọc khi ửng đỏ lúc long lanh ngời ngời. Ánh sáng huyễn hoặc thu hút đến độ tôi không sao rời mắt đi được. Người tôi mụ đi, chả trách bao nhiêu đời vua Trần đều say mê chiêm ngưỡng bức tường. Ánh sáng từ vách đá thấm vào người tôi tới đâu tê mê tới đó, máu như thông chảy trong cơ thể, sảng khoái, rã rượi, ngọt lịm như say, toàn thân tôi vẫn ngồi yên trong ngai mà như đang ân ái với nhiều cung nữ, với Chiêu Thánh, với Thuận Thiên, với Linh Từ Quốc Mẫu, với cả u Ðào. Ánh sáng cứ một lúc một mãnh liệt từng vòng từng vòng lớn mãi. Ánh sáng chỉ thoi thóp tắt dần khi trời ửng sáng. Nhiều đêm, nhiều tháng sau, mỗi tối tôi đều đến với bức tường. Cho đến lúc tinh khí kiệt quệ, tôi mới hiểu thứ ánh sáng huyễn mộng đó đến từ hào quang của quá khứ. (Hết)

TV

Paris 1992, in lại trong tập Phép Tính Của Một Nho Sĩ

(*) Tranh sơn dầu của Lu Jian Jun và ảnh Lưu Diệc Phi cùng hình tài liệu quan triều Huế ở Vinh.