Chiếc Bạch Hạc rời bến vào đầu tháng Mười, chở toàn rượu nho. Giá thuận buồm xuôi gió, chỉ trong vòng hai tháng là về đến Nữu Ước.

Nhưng năm đó thời tiết thay đổi bất thường, gió bão liên miên kéo dài cả tháng trời. Biển động dữ dội, sóng ngất trời, làm tàu suýt đắm mấy lần. Thuyền trưởng đã từng đi biển lâu năm, giàu kinh nghiệm hơn người mà cũng chẳng làm sao hơn được. Mấy chiếc cột gãy nát, bao nhiêu buồm rách mướp… Ðáy tàu rạn nứt, nước rỉ vào ngập tới gối.

Khoảng đầu tháng Chạp, gió giảm đi đôi chút, nhưng con tàu trôi dạt giữa biển khơi, không buồm lái, đã trở thành thứ đồ chơi của sóng nước… Không có cách gì điều khiển được, viên thuyền trưởng đành bó tay, phó mặc con tàu cho may rủi… Nhưng nếu chỉ có thế còn may, đằng này sau khi soát lại kho lương, ông tưởng chừng phát điên, vì thức ăn gần cạn nhẵn!

Thường thường bao giờ lương thực cũng dư dả. Bánh khô, nước ngọt chẳng bao giờ thiếu hụt, dù cho tàu có lênh đênh hàng tháng… Song chuyến này giông gió phá sườn tàu bị hư hại, nước biển ngấm vào làm mủn ra hàng tấn lương khô mất rồi!

Thế là trên tàu bắt đầu đói… Khẩu phần mọi người phải hạn chế.

Thỉnh thoảng tít đằng xa thấp thoáng có cánh buồm tàu buôn, nhưng chẳng có cách nào tới gần để cầu cứu được… Những dịp may ấy qua dần, cho đến ngày trên tàu chẳng còn miếng gì ăn.

Nhóm thủy thủ chỉ còn trông vào số rượu nho. Chúng dành cho thuyền trưởng hai thùng nước ngọt, mỗi thùng khoảng mươi lít: tất cả nước ngọt trên tàu có vậy là hết. Chúng uống rượu say mèm cho quên đói… Tình trạng này không kéo dài được lâu. Rượu không thay nổi bánh mì hay bích quy. Viên thuyền trưởng cũng biết vậy.

Súc vật trên tàu còn có một con mèo già và đôi chim bồ câu, nuôi lấy hên, lúc này cũng bị hy sinh. Loáng cái là hết nhẵn, mỗi người chỉ được vài miếng… Tuy vậy, mười bốn con người đói khát đó cũng còn nghĩ tới người thuyền trưởng già: họ dành cho ông ta cả cái đầu mèo.

Khi thuật lại chuyện này, ông Hà còn dân dấn nước mắt:

– Giá gặp lúc khác thì món ăn đó làm tôi phát lợm giọng, nhưng sao lúc ấy, tôi thấy cái đầu mèo ninh dừ lại là thứ đồ ăn ngon lành, thơm tho vô ngần… Tưởng chừng yến vua ban cũng không bằng!

Sau những con vật đó, đến lượt dầu đậu phụng để thắp đèn, rồi những miếng da bọc ghế nệm, rồi đèn cầy, mỡ bò… Thứ gì có thể nuốt được đều bị toán thủy thủ đói khát ăn bằng hết.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Từ bữa ấy cho tới đầu tháng Giêng, viên thuyền trưởng cũng chẳng hiểu họ làm sao mà sống được nữa. Ông ta vốn có chứng tê thấp, gặp dịp này bệnh kịch lên, phải nằm bẹp trong phòng.

Sáng mùng Năm, khoảng Mười giờ, cả đoàn thủy thủ kéo vào gặp ông; người phó thuyền trưởng thay mặt anh em bày tỏ hết nỗi cơ cực trên tàu và kết luận đã đến lúc phải hy sinh một người để cứu sống tất cả… Dù ông có thuận hay không cũng thế thôi, đằng nào cũng phải cần thịt tươi… Họ sẽ rút thăm ngay bây giờ.

Ông Hà rùng mình: ông vốn ngoan đạo lại đa cảm; chẳng bao giờ ông có thể chấp thuận một việc dã man như vậy. Ông gạt đi:

– Anh em đều là người cả, mà lại cùng sống một nghề, trên một con tàu… Từ trước tới nay, ta coi nhau như anh em, nay lòng nào ăn thịt nhau… Vả lại, món ăn kinh tởm đó cũng chỉ cầm hơi được một vài ngày là cùng, mà kỷ niệm đau thương này ám ảnh lương tâm anh em suốt đời…

Ông không nói thêm được lời nào nữa; chẳng ai thèm nghe. Họ nhao nhao phản đối. Viên phó thuyền trưởng nói thực to, gần như quát vào tai ông:

– Anh em tới đây không phải vì kính trọng hay xin phép ông… Trong những lúc không may này, chẳng còn ai có quyền hành nữa. Ai cũng như ai cả… Chúng tôi cho ông hay vì ông phải chịu số phận của mọi người. Nếu rút trúng tên ông, ông cũng bị ăn thịt…

Ông Hà thấy tai mình ù lên, ông lịm đi một lúc mới tỉnh lại. Ông biết họ định ăn thịt ai rồi: đó là người bếp da đen, chắc chắn như vậy.

Ông nghĩ không sai chút nào vì nhóm thủy thủ đã tính chuyện đó trước khi tới phòng ông rồi! Tuy họ có làm ra vẻ rút thăm để chọn người, nhưng thực ra, người đó đã được chọn sẵn.

Trong nháy mắt, người đầu bếp da đen bị đập chết bằng thanh gỗ lớn, chân tay được chặt rời ra… Một thủy thủ háu đói mổ vội bụng nạn nhân, vớ lấy buồng gan, ăn sống… Y nhai ngấu nghiến như con thú đói mồi.

Một đống lửa được nhóm lên tức thì… Mỗi người nhặt một xiên sắt, nướng thịt, ngồi ăn với nhau; bữa tiệc ghê rợn này kéo dài cho tới khi ai nấy no căng, chúi vào một chỗ nằm ngủ. Sàn tàu máu me bê bết. Chiếc sọ người chết chưa ai đụng tới, lăn lóc từ chỗ này qua chỗ khác theo nhịp nghiêng ngả của con tàu.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Sáng hôm sau, gã thủy thủ ăn gan sống bắt đầu nhuốm bệnh. Y ôm bụng rên rỉ, chân tay co quắp. Khoảng xế chiều, cơn đau trở nên kịch liệt… Y phát điên, la hét chán rồi lăn ra chết… Một số người bàn nên để xác y đó, dành cho khi hết “thức ăn”, nhưng vài người phản đối:

– Nó chết vì hóa dại… Ăn vào sợ lây chăng!

Có lẽ vì sợ lây, vả lại cũng còn no bụng, nên nhóm thủy thủ liệng xác chết xuống biển.

Viên thuyền trưởng ốm li bì… Ông nhất định khước từ những miếng ngon lành nhất họ dành cho ông. Cả tới bát súp thịt do một người chịu khó nấu lên đem lại, ông cũng không đụng tới. Thức ăn độc nhất của ông là nước lã có pha chút rượu. Ông còn giữ được cuốn sách bọc da, ngâm rượu cho mềm rồi nuốt cho dạ dày đỡ cồn cào thế thôi.

Thịt người đầu bếp da đen ăn được ba ngày thì hết nhẵn. Cái đói lại bắt đầu dằn vật nhóm thủy thủ… Họ nhịn thêm được ba ngày nữa là lại nghĩ tới chuyện rút thăm… Viên phó thuyền trưởng cũng tới mời thuyền trưởng hẳn hoi:

– Dù sao có mặt ông, sự lựa chọn sẽ công bằng hơn… Chúng ta đang ở trong tình thế đặc biệt, ông nên nhớ như vậy.

Biết không sao cưỡng lại được, viên thuyền trưởng đành cho viết vào nhiều mảnh giấy nhỏ tên của mỗi người. Ông gấp lại cho vào trong chiếc nón…

Trong khi ông sửa soạn, nhóm thủy thủ ngồi yên lặng, mắt chăm chú, miệng há hốc… Một vài kẻ nhát gan, mồ hôi toát ra như tắm.

Viên thuyền trưởng chọn người thủy thủ trẻ tuổi nhất:

– Bốp!… Anh hãy thay mặt cho số mệnh, chọn lấy một người để cứu các bạn…

Bốp, mặt nhợt nhạt, thở không ra hơi, cố gắng run rẩy nhặt trong lòng chiếc nón nỉ, một mảnh giấy gấp nhỏ. Y giơ cao cho mọi người cùng nhìn, rồi trao cho thuyền trưởng để ông này đọc to lên:

– Hoàng Lưu…

Lưu là tên viên thuyền phó. Y không tỏ vẻ gì sợ sệt nhưng khẩn khoản nói với mọi người:

– Tôi chỉ xin anh em làm ơn cho tôi được chết nhanh chóng như người bếp da đen…

Ðoạn y quay lại viên thủy thủ trưởng là người đã đập chết gã da đen bữa trước:

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

– Tôi nhờ anh đập một nhát thực mạnh vào gáy. Như vậy tôi không còn biết đau đớn nữa…

Nghe y nói, nhóm thủy thủ rưng rưng nước mắt. Họ đồng ý cho y sống tới bữa trưa mai. Tuy bị cái đói hành hạ, bắt phải ăn thịt lẫn nhau, nhưng trong thâm tâm họ vẫn còn sót lại chút tình nhân đạo.

Viên phó thuyền trưởng cũng được an ủi phần nào. Y chẳng hy vọng gì thoát chết nên thẫn thờ như người mất trí. Tới chiều, y lên cơn sốt… Cơ thể sắt thép của y chịu đựng đói khát hàng tháng trời không hề hấn gì, bỗng nhiên héo hắt nhanh chóng lạ lùng… Thấy y ngã bệnh, vài gã háu đói bàn nên giải thoát ngay cho y đỡ khổ, nhưng viên thuyền trưởng nhất định không nghe:

– Anh em đã quyết định rồi. Phải đợi lúc mặt trời đứng bóng ngày mai, mới được xả thịt!

Ngày hôm sau, khoảng Mười giờ, thủy thủ đã bảo nhau nhóm lửa sớm cho có nhiều than hồng, để khi nướng chả được ngon hơn… Họ làm công việc này một cách thản nhiên, cơn đói đã làm quên đi tình bạn, chỉ nghĩ đến bữa ăn ngon lành sắp hưởng, đến miếng mỡ miếng nạc sắp nuốt vào dạ dày lép kẹp…

Chợt từ phía ngoài xa, thấp thoáng có cánh buồm lướt tới… Gió thuận chiều, chỉ nửa giờ sau ai nấy đã thấy rõ cả thân tàu. Nhờ có đống lửa đốt cháy sẵn, nên chiếc tàu buôn Hải Âu nhận ra con tàu gặp nạn… Trời yên, biển lặng, tàu ghé tới không khó khăn gì.

Thuyền trưởng Hải Âu lại là bạn đồng khóa với ông Hà, thuyền trưởng chiếc Bạch Hạc. Tình trạng khốn khổ của con tàu trôi dạt làm ông xúc động tới ứa nước mắt.

Trong vòng một giờ đồng hồ, nào lương thực, thuốc men cho chí cột buồm, dây, nhợ được chuyển sang cho chiếc Bạch Hạc. Viên thuyền phó, thoát chết trong một may mắn đặc biệt, trước khi nhận miếng thịt ướp thơm tho, đã quỳ xuống sàn tàu, cảm tạ ơn trời… Dáng điệu thành khẩn của ông ta khiến bao người quỳ gối theo. Tiếng cầu nguyện vang lên…

oOo

Chiếc Bạch Hạc được tàu bạn giúp đỡ, sửa sang buồm lại, nên về được tới bến bình an. Tính ra lênh đênh đói khát mất bốn tháng trời ròng rã, nhưng may mắn chỉ thiệt mất có một thủy thủ với một đầu bếp. Ai cũng nói như vậy là may mắn lắm.

(Theo LAFFONT)

NTA phóng tác 

Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 5-2023