Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Tổng Thống VNCH 1972

Trương Duy Hy

BY NGÀY PHÉP

 Mười tám giờ ba mươi, tôi lách mình qua cổng. Vợ con, cả ông bà nhạc gia… chạy vội ra ôm chầm lấy tôi oà khóc sướt mướt!

Năm đứa con tôi tranh nhau níu lấy áo quần tôi, như muốn để chúng xác nhận rằng, ba nó quả thật còn sống bằng xương bằng thịt. Đứa lớn nhất, nhìn vào ống chân trái bị rách của tôi, vừa khóc vừa hỏi:

– Ba bị thương ở chân hả ba?

– Ba bị thương xoàng thôi, rách sơ tí thịt thôi! Không can gì, lành rồi.

Thật ra, mọi người những tưởng tôi đã gởi xương tại Hạ Lào, nhất là khi đọc báo thấy có đăng tin một Đại Úy Pháo Binh hy sinh tại trận địa, nhưng không ghi rõ tên mà chỉ ghi: “…Đại Úy H, Pháo Đội Trưởng Pháo Đội C…”. Sau này tôi mới biết đó là Đại Úy Nguyễn-Văn-Hồ, PĐT/PĐC thuộc Tiểu Đoàn 20 Pháo Binh của Thiếu Tá Hào. Anh là người bạn chí thân của tôi, từng làm việc chung tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 21 Pháo Binh ở Quảng Ngãi trong mấy năm liền trước đây – và, tháng 7 năm ngoái, Hồ cùng tôi thụ huấn khóa Pháo Đội Trưởng tại trường Pháo Binh QLVNCH Dục Mỹ. Lúc bấy giờ, anh cùng tôi nằm chung một giường hai từng. Tất cả tật xấu cùng nết tốt, chúng tôi không giấu nhau tí nào. Nghe tin anh tử trận, thật tình tôi đã khóc!… Tôi cũng không ngờ nhà tôi lại biết tin trước cả tôi! Tôi đâm sửng sốt khi nghe nhà tôi thuật lại:

– Mấy đứa bạn em xem báo, thấy có Đại Úy H., Pháo Đội Trưởng Pháo Đội C… Tờ báo ác hại, lại không ghi rõ Tiểu Đoàn, nên cả đám bạn em cứ đề quyết là anh. Em lo quá, chạy vội lên hậu cứ Tiểu Đoàn hỏi thăm và các ông Trung Sĩ trên đồn thì nói anh vẫn bình an ở Lào. Em không tin, lo rứt cả ruột gan… Hôm kia, nghe tin đồn là anh đã về Khe Sanh, cả nhà trông anh ngắn cổ, vẫn không thấy thư từ gì cả làm em sinh nghi… Chắc anh bị thương… bị… nên Tiểu Đoàn họ giấu chăng? Tối lại, nhiều người bạn anh lại hỏi thăm tin tức anh. Ai cũng nghi là anh chết! Em cùng các bà trong Hội Bảo Trợ Gia Đình Binh Sĩ vùng I đi cầu nguyện cho các anh luôn…

Bây giờ tôi mới thấm thía thế nào là tình gia đình! Suốt trong cuộc chiến, tôi đã quên đi để dối tâm lo lắng cho những pháo thủ đã cùng tôi tử thủ Căn cứ Hỏa Lực 30.

Thằng Bách Chiến cố gắng vác khẩu AK47, anh nó đội cái nón, chị nó xách cái mặt nạ – chiến lợi phẩm của tôi mang về – săm se cả buổi. Hẳn những vết máu còn dính trên cây súng tạo cho chúng những tưởng tượng ghê gớm về cuộc chiến.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

…Vào nhà, tôi ngã mình trên salon, đảo mắt nhìn khắp các đồ vật trang trí tại phòng khách với một cảm tưởng lâng lâng khó tả.

Bức hình chung của nhà tôi và tôi chụp sau cuộc hành quân tháng 4-1964 treo trên tường – lúc tôi còn là Chuẩn Úy với kiếp Tiền Sát Viên – đập vào mắt tôi… Bỗng dưng những kỷ niệm xa xưa cách nay 7, 8 năm hiện lên trong trí tôi. Tôi không bao giờ quên cuộc hành quân gian khổ dạo ấy. Chứng tích còn lại là bộ râu, sau hơn một tháng trời di chuyển từ Kontum lên Tân Cảnh, vượt Toumorong, xuyên rừng núi về hướng Đông… Cuối cùng là nút chặn tại Mang-Bút để tiêu diệt đám tàn quân Việt cộng chạy loạn vì cuộc hành quân Đỗ Xá. Bấy giờ, lực lượng ta tấn công phía Tây Quảng Ngãi lên miền Sơn Cước… Nó còn nhắc cho tôi nhớ lại cảnh đói khát hai ngày, cùng với một Tiểu đoàn Bộ binh, chúng tôi đều phải dùng rau má, cải tàu bay rừng thay cơm!…

Giờ đây, dưới cằm, râu tôi cũng lại mọc dài, nhưng nó là chứng tích của những ngày tử thủ Căn cứ Hỏa Lực 30 trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 vượt biên, tấn công sào huyệt của Cộng quân ở Hạ Lào… Có lẽ, vì cuộc hành quân quy mô có tính cách chiến lược với quá nhiều nguy hiểm xảy đến cho tôi và đồng đội, nên bộ râu của tôi tự nó có một ý nghĩa khác trước! Nó được dính trên khuôn mặt hốc hác hơn, gầy gò hơn, thể hiện sự lo âu bởi trách nhiệm nặng nề hơn…

…Không để tôi yên, các con tôi bâu quanh lấy tôi, hết đứa này hỏi đến đứa khác hỏi, chúng bắt tôi phải trở về với thực tại. Chúng đặt không biết bao nhiêu câu hỏi, đến nỗi tôi không còn biết trả lời câu nào trước, câu nào sau!… Bà ngoại chúng thấy vậy phải hét to:

– Chứ bọn bây không ra sân chơi, để ba bây nghỉ à? Đi, đi chỗ khác chơi…

Cụt hứng, chúng lủi thủi mang chiến lợi phẩm của tôi ra hàng hiên ngồi kháu chuyện…

Sau đấy, tôi đưa gia đình đến hiệu ảnh chụp một tấm hình lưu niệm trước khi “hạ” bộ râu.

…Để có điều kiện săn sóc cho tôi, nhà tôi phải nghỉ ở sở một tuần. Nhân tiện chúng tôi đưa nhau đến Tổng Y Viện Duy Tân để ủy lạo cho các pháo thủ Pháo Đội C đang điều trị tại đây, nhưng tôi thất vọng vì chỉ được gặp vài người: HS Đình, HS Vốn, BI Một và BI Quốc… Các pháo thủ này cho tôi biết, số còn lại nằm ở Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Trong đó, chỉ có Thiếu Úy Thiện bị cưa chân phải lên tận đầu gối!

Nghe Thiện bị cưa chân, tôi buồn không thốt nên lời. Vết thương của Thiện ở chân đâu có nặng bằng ở mông, vậy mà Thiện bị cưa mất một chân! Tại sao có thể thế được?!…

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Sau khi giúp đỡ một ít tiền cho các pháo thủ, chúng tôi tìm nhà Thiện. Nơi đây, vợ Thiện vừa lên xe đò ra Huế để nuôi Thiện. Người anh của Thiện thuật lại cho tôi:

– Thưa Đại Úy, hôm đưa Thiện từ Khe Sanh về bệnh viện, vì thương binh quá đông, nên các bác sĩ xem không kỹ, cứ cho là bị thương xoàng, không ngờ để quá 4 ngày, thối lây qua xương! Vì vậy, lúc ở Huế, bác sĩ bảo phải cưa chứ không còn cách nào khác.

Hai hôm sau, có tin Thiện di tản về Tổng Y Viện Duy Tân, vợ chồng tôi vội vả lên thăm ngay.

Khỏi cần phải hỏi, chúng tôi tiến vào phòng thương binh dành riêng cho các Sĩ quan tham dự cuộc Hành Quân Lam Sơn 719.

Thiện nằm nghiêng, toàn thâm đắp một tấm drap trắng.

Tôi chạy vội lại giường Thiện, ôm chầm lấy Thiện, nghẹn ngào không thốt nên lời!… Mặt Thiện tái nhợt vì mất máu, thân hình gầy gò khẳng khiu. Thiện gượng ngồi dậy nhưng không ngồi được. Tôi biết ý, bảo Thiện cứ tự nhiên nằm cho khỏe.

Qua hai hàng nước mắt đọng quanh mi, Thiện bảo tôi:

– Tôi tức quá Đại Úy ơi! Bị rủi ro phải về trước, không được cùng Đại Úy, các bạn chiến đấu… Lúc tôi nhập viện, nếu ít thương binh, may ra tôi được săn sóc kỹ hơn và hy vọng không đến nỗi phải cưa giò như thế này!… Thưa thật với Đại Úy, nằm bệnh viện mà lòng tôi chẳng yên tí nào, cứ nghĩ đến Đại Úy và anh em trong Pháo Đội hoài! Sau khi cưa chân, họ chuyển tôi ra khu ngoại thương. Gặp ai về bệnh viện tôi cũng hỏi thăm tin tức Đại Úy, nhưng chẳng có ai biết. Hôm rồi một số anh em bị thương của Pháo Đội về điều trị ở Huế, nhưng chúng cũng không biết gì về Đại Úy cả. Có đứa bảo Đại Úy bị lạc làm tôi lo quá, nhất là nghĩ đến sức khỏe của Đại Úy… chắc không chịu nổi khí hậu ở rừng… nguy quá!

– Em bị thương, anh xem như chính anh bị gãy cánh tay mặt! Sau khi đưa em về, tình hình trên Căn cứ trầm trọng không kể xiết. Mỗi ngày chúng pháo kích có đến hàng ngàn đạn đủ loại… chiến xa tấn công… Bọn chúng tràn lên cả bãi đáp trực thăng, nơi em bị thương… Nhưng nhờ bọn mình có thời, bắn cháy được hai chiến xa chúng. Rồi nhờ địa thế căn cứ mình khá cao, nên sau đấy chúng chỉ xung phong bằng bộ binh… đủ cho Dù với mình trực xạ tiêu diệt!

Tôi thuật sơ qua những phút hãi hùng khủng khiếp nhất cho Thiện nghe, trong lúc vợ tôi đứng cạnh tôi bùi ngùi nhìn cái chân cụt của Thiện, thỉnh thoảng run lên vì nhức!

Cuối cùng tôi bảo Thiện:

– Thôi em yên tâm nằm điều trị tại đây, anh sẽ cho một đứa đến săn sóc và để cho em sai vặt… Vừa rồi, anh những tưởng không được gặp em tại đây trước khi ra lại Khe Sanh, nên anh và chị có đến nhà gởi người anh của em để chuyển lại em ít tiền mọn của Pháo Đội… Em hãy xem đó như là chân tình của toàn thể quân nhân Pháo Đội C tưởng nhớ đến em, mà vui lòng không từ chối.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Vẫn với nước mắt đoanh tròng, Thiện tiếp:

– Thành thật tôi cám ơn Đại Úy và anh em trong Pháo Đội. Kính nhờ Đại Úy chuyển lời cầu chúc của tôi đến các bạn được bình an trong cuộc Hành Quân này.

…Từ giả Thiện, trên đường về, tôi rộn lên bao niềm suy tư chua xót trước hoàn cảnh gia đình Thiện! Gương hy sinh, tình đồng đội của Thiện hiện lên rõ trong trí tôi! Ngoài Thiện còn biết bao cảnh thương tâm khác quyện vào nhau, ám ảnh và như thúc giục tôi – một thằng người còn toàn vẹn –  ý thức lấy trách nhiệm, sớm trở lại chiến trường để cùng chia xẻ với các chiến hữu trong thiên chức bảo vệ Miền Nam Tự Do này, trong đó có gia đình, họ hàng và bè bạn của chính tôi, không muốn để cho họa Cộng sản tràn xuống mũi Cà Mau. Dù rằng, tôi chỉ là một trong muôn vàn hột cát trên bãi sa mạc, chẳng có nghĩa gì đối với sự hy sinh cao cả của các chiến hữu đàn anh.

7 ngày phép trôi qua nhanh! Tôi từ giã gia đình với tất cả sự bịn rịn của vợ con, những tiếng khóc nức nở của bé Chiến, bé Hảo, của người vợ biết nuông chìu lo lắng cho chồng!… Trước mặt tôi phút này là tất cả những gì trói buộc, giữ chặt tôi trong mái nhà êm ấm đầy đủ tiện nghi… Nhưng khuất sau dãy núi Ái Vân, hình ảnh chiến đấu của các chiến hữu gan dạ là một thanh gươm vô hình nhưng sắc bén, đã cắt đứt tất cả những lưu luyến đang vây quanh tôi, khích động tôi thản nhiên hướng về bổn phận, nhiệm vụ, mà giờ đây các pháo thủ đang chờ đợi tôi trong cuộc hành trình dang dở…

…Đông Hà bắt đầu mưa lại. Qua một đêm tạm trú với Thiếu Tá Thanh, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 48 Pháo Binh, tôi xin được trực thăng lên lại Khe Sanh… (Còn tiếp)

TDH, 1971

Kỳ sau: TRỞ LẠI KHE SANH TIẾP TỤC CHIẾN ĐẤU 

 (*) Trần Vũ đánh máy lại tháng 2-2019 từ bản in của Nxb Đại Nam 1980. 

(**) Lexique: Tiểu Đoàn (TĐ), Bộ Chỉ Huy (BCH), Pháo Binh (PB), Pháo đội C (PĐC), Trung Sĩ Nhất (TSI), Trung Sĩ (TS), Hạ Sĩ Nhất (HSI), Hạ Sĩ (HS), BI (Binh nhất), B2 (Binh nhì).

(***) Ảnh minh họa sưu tập từ Beaufort County Now, Dòng Sông Cũ, Hoàng Sa, Pinterest, Cherrieswriter, vuhmai.blogspot, Getty Images, Militaria, Nam magazine và vnaf.