Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Tổng Thống VNCH 1972 

Trương Duy Hy

HAI LẦN TRIỆT THOÁI – HAI LẦN ĐÌNH HOÃN

Sáng 1 tháng 3-1971, Trung Tá Thạch mời tôi và Trí qua họp tại BCH/TĐ2 Dù.

Với đoạn đường không quá 50 thước từ hầm tôi đến chỗ họp, song tôi có cảm tưởng đó là đoạn đường tử thần! Muốn vượt qua phải chạy thật nhanh, chuyền từ hầm này đến hầm kế tiếp mới mong tránh được pháo kích. Tôi thường lấy Đài Tác Xạ của Trí làm trạm dừng chân, rồi cùng Trí chạy sang BCH/TĐ2 Dù.

Tại đấy, có cả Thiếu Tá Lê Văn Mạnh, Tiểu Đoàn Phó TĐ2 Dù mới ở tiền đồn về, cùng Đại Úy Trần Công Hạnh và Thiếu úy sĩ quan liên lạc Pháo binh 320 đang ngồi đợi chúng tôi.

Trung Tá Thạch chỉ thị:

– Bây giờ các anh về lo thu xếp đồ đạc gọn gàng, các vật liệu cần thiết thì mang theo, cái gì không cần cho phá hủy tại chỗ. Chốc nữa, trực thăng sẽ đến triệt thoái… Ngay bây giờ các anh phải chuẩn bị sẵn sàng… Giờ trực thăng đến tôi báo sau…

Đại Úy Hạnh tiếp:

– Để giữ trật tự, các anh phải sắp hàng tại bãi đáp thứ 3 (1), phân ra từng toán nhỏ trước khi lên phi cơ, chứ đừng tranh nhau, bọn phi công sẽ bỏ lại hết.

[(1) Bãi trực thăng số 3: Mới thiết lập tầm tối hôm trước, nằm về phía Nam BCH/TĐ2 Dù – Vì bãi trực thăng số 2 đã bị Cộng quân điều chỉnh súng cối 82 ly bắn vào rất chính xác.]

Tôi và Trí nêu thắc mắc:

– Thưa Trung Tá, vậy chúng tôi có phá đại bác không? Bây giờ thì Trung Tá là Chỉ Huy Trưởng trực tiếp của chúng tôi, chúng tôi chỉ còn biết thi hành theo lệnh của Trung Tá thôi chứ chẳng còn liên lạc được với ai. Tất cả ăng-ten của chúng tôi đều bị gãy nát vì pháo kích. Nếu có lệnh của Trung Tá, bọn tôi sẽ phá súng trước khi rút… Tôi có đủ lựu đạn cháy…

Suy nghĩ một chút, Thiếu Tá Mạnh hỏi tôi:

– Ngoài việc phá súng bằng lựu đạn cháy, anh còn có cách gì làm cho súng bất khiển dụng mà khỏi phá hủy không?

– Thưa Thiếu Tá, cái đó là nghề của bọn tôi. Chúng tôi có thể tháo chốt một vài cơ phận cần thiết hoặc siết chặt một con ốc cũng đủ biến khẩu đại bác thành khối sắt vô dụng… nhưng không biết Thiếu Tá có cho lệnh không?

Thiếu Tá Mạnh thoáng nhìn qua Trung Tá Thạch hội ý.

Trung Tá bảo:

– Lệnh phá súng chúng tôi không được Thượng cấp đề cập đến. Nhưng thôi, nếu các anh tháo cơ phận chôn giấu thì càng hay. Như vậy chúng ta dự phòng được vào phút chót, lỡ có lệnh gì thay đổi mình có thể xử dụng lại được.

– Thưa Trung Tá, vậy chúng tôi sẽ chôn giấu khối kích hỏa và cần vận dụng… thiếu một trong hai món này, súng bọn tôi chỉ là khối sắt không hơn không kém.

– Thôi các anh về chuẩn bị…

Theo Đại Úy Trí, tôi vào Đài Tác Xạ Pháo Đội C3 Dù trao đổi vài ý kiến với Trí. Sau đó, tôi phóng vội về vị trí, họp tất cả Khẩu Trưởng và Trưởng Ban bàn việc triệt thoái.

Tôi chỉ thị cho các Khẩu Trưởng tháo gỡ cần vận dụng và bắt buộc phải đem về nộp cho BCH/TĐ44 PB khi đến Khe Sanh, để chứng minh súng đã thật sự bất khiển dụng, khối kích hỏa thì đem chôn giấu. Riêng một máy nhắm còn tốt, tôi giao TS Thìn cất giữ.

Lân ngồi cạnh tôi ghi danh sách từng toán, đồng thời tôi lưu ý đặc biệt các Khẩu Trưởng về bổn phận giữ trật tự nhân viên trong Khẩu đội, khi lên phi cơ trực thăng. Tôi chỉ thị rành rẽ cho từng Ban phải mang những máy móc truyền tin, dụng cụ tác xạ cần thiết đem về hết. Những vật dụng khác, tôi ra lệnh tập trung ngay tại Đài Tác Xạ — để toán cuối cùng của Trung Úy Lân tiêu hủy khi rời vị trí.

Xem thêm:   Hang gấu

Bên ngoài, đạn pháo kích vẫn đều đều rơi hết chỗ này đến chỗ khác. Có lúc rơi sát mặt hầm, tung bụi đất tràn vào bên trong.

10g00 đoàn trực thăng khoảng 10 chiếc từ Khe Sanh đến bốc Đại Đội tiền đồn Đông Nam căn cứ đưa về Khe Sanh. Cộng quân tức khắc xử dụng súng cối bắn lên tiền đồn. Những đóm khói tung ra sau tiếng nổ hiện rõ trước mắt chúng tôi. Từ căn cứ nhìn sang, chúng tôi quan sát rõ nỗi khó khăn, nguy hiểm của phi hành, đâm lo ngại cho trường hợp của mình sắp đến. Có những quả 82 ly rơi ngay bên dưới chân trực thăng, làm cho trực thăng chòng chành đến mất thăng bằng!

…Tôi hướng dẫn một nửa quân số Pháo đội, di chuyển qua BCH/TĐ2 Dù. Số nhân viên còn lại tôi giao cho Lân và Ngân chỉ huy, tiếp tục đi sau, sau khi kiểm soát xong việc tháo gỡ đại bác và đợi lệnh tôi ngay tại vị trí — nếu việc triệt thoái toán đầu tiên do tôi chỉ huy không trở ngại, toán của Lân và Ngân mới tiếp tục rời bãi đáp.

Gặp Đại Úy Hạnh ngay cửa hầm của BCH/TĐ2 Dù, Đại Úy chỉ thị cho tôi đưa anh em xuống bãi trực thăng số 3. Trông Đại Úy có vẻ lo lắng cho chúng tôi lắm — có lẽ vì Đại Úy hiểu rõ khả năng chiến đấu của chúng tôi trong tình thế bây giờ.

Từ ven rào phòng thủ căn cứ, tôi đi sâu xuống phía Nam, lần đến một khoảng đất bằng nhưng đầy lau lách. Tôi suýt ngã mấy lần vì dốc quá đứng. Cỏ lau tuy cao đến cổ, nhưng tại chỗ này nhìn quanh thấy trống trải quá! Nơi đây chưa có hầm hố gì cả! Giá như địch pháo kích thì lãnh đủ!

Bên tiền đồn, việc triệt thoái đành phải bỏ dở vì địch pháo kích mỗi lúc một gắt gao. Một số binh sĩ còn lại phải gồng mình tự vệ để đợi lệnh mới…

Chúng tôi đứng ngóng đợi cả giờ đồng hồ vẫn không thấy máy bay đến…

Đại Úy Hạnh gọi vô tuyến cho tôi:

– Lệnh triệt thoái đã hủy bỏ rồi, anh đưa anh em trở về vị trí chiến đấu như cũ!

Trời nắng gắt, hai chân tôi như sụm lại, tôi mệt lả muốn ngất. Cố gắng hết mình, tôi leo dần lên khỏi dốc và nằm ngửa trên đất thở hào hển, mặc cho đạn pháo kích phủ cả vị trí và bãi đáp số 2, tôi không còn biết tránh trớ gì nữa. Sau đó, tôi bảo anh em về lắp lại các cơ phận vào súng và trực xạ xuống ven đồi ngay, khẩu nào bắn cũng được, miễn có tiếng nổ… Xong, tôi bước vào hầm Đại Úy Hạnh.

Vừa nhìn thấy tôi, Đại Úy Hạnh trách:

– Tôi bảo các ông trật tự cho mà cũng không làm được! Xuống bãi đáp ào ào như thế, bọn nó thấy, nó pháo kích chết cả đám!

Thật oan cho tôi. Tôi lấy khăn thấm những giọt mồ hôi nhầy nhụa trên mặt, trên cổ… tôi đáp lại:

– Không biết ai đã vô kỷ luật, chứ Pháo Đội tôi rất kỷ luật. Chính tôi đích thân dẫn nửa Pháo Đội xuống bãi đáp. Số còn lại do Trung Úy Lân hướng dẫn đi sau. Nhưng đến phút này, Lân vẫn chưa rời vị trí. Như vậy quân số tôi không quá 35 người, làm sao có thể tạo ra cảnh hỗn loạn, nhất là có mặt tôi tại chỗ? Vả lại, ngoài chúng tôi còn có binh sĩ Dù của Đại Úy, Pháo thủ Dù của Đại Úy Trí, một số binh sĩ Biệt Động Quân (1) nữa…

Xem thêm:   2 người thợ săn

[(1) Một số binh sĩ BĐQ: Mặc dầu đã có 2 lần triệt thoái Tiểu Đoàn 21 BĐQ về Căn cứ Phú Lộc, nhưng vẫn còn sót lại khoảng chục quân nhân nữa gồm có Thượng Sĩ Ra, TSI Chiếu, TS Hóa, HSI Châu, HSI Thư, HSI Tây, BI Hoàng… của Đại Đội 1/TĐ21 BĐQ]

Trí đứng cạnh tôi im lặng.

Thiếu Tá Mạnh tiếp:

– Thôi, bây giờ không có trực thăng thì khỏi có đi đâu nữa. Trật chìa cả đám! Truyền tin dịch công điện cũng sai mẹ đi… Nó nhận một lần 4 chữ “T” (TT/TT) là “tiếp tục tiếp tế” thành “túc trực triệt thoái”… Làm ăn thế có chết người không?… Thôi các anh về lo lắp lại các đại bác mà chiến đấu!

Trở lại vị trí, tôi ngả mình trên ghế bố thở dốc. Tôi đâm chán ngán “lệnh” với “lạc”! Hai chân tôi bỗng dưng nặng như hai cái cùm. Bệnh rhumatisme tái phát. Tôi uống vội vài viên Anacine để dịu cơn nhức, giao cho Trung Úy Lân điều hành mọi việc.

Nằm trong hầm, tôi đếm đúng ba tiếng nổ của ba quả đạn 155 ly bắn báo hiệu cho Cộng quân hiểu rằng: Chúng tôi còn sức chiến đấu tử thủ Căn cứ Hỏa Lực 30 này… Nhưng sau đó, tất cả lại vào hầm, vì địch nghe Pháo Binh của ta hoạt động lại, chúng tập trung pháo kích dữ dội vào căn cứ.

Hình ảnh triệt thoái Đại Đội tiền đồn quá khó khăn lại hiện đến với tôi. Tôi lo ngại số phận của số anh em Dù ở trên đồn ấy còn quá ít, không biết có đủ sức chống trả các cuộc tấn công, đột kích của địch trong đêm nay chăng? Cảnh tượng chiến đấu thiếu hụt quân số — (vì trực thăng đã hốt được một phần Đại Đội này di chuyển về Khe Sanh rồi) — làm cho tôi thầm lo lắng. Hẳn anh em bên ấy phải gồng mình lắm mới cố thủ nổi, nhất là trận chiến ác liệt tại đây, không ai có thể tiên đoán những gì sẽ xảy ra trong phút tới!

Chiều lại, Cộng quân tái tấn công căn cứ chúng tôi. Súng nổ ran quanh vị trí hòa lẫn với tiếng hô “xung phong”.. “xung phong”.. ven đồi, cố áp đảo lực lượng phòng thủ… Phản lực cơ được gởi đến ngay. Đại Úy Hạnh hướng dẫn trực thăng OV2 đánh dấu mục tiêu bằng đạn khói cho Jet dội bom và xạ kích ngay hướng Đông căn cứ, trông rất ngoạn mục.

Điểm đặc biệt mà chúng tôi ghi nhận là Jet thường đi oanh kích 2 chiếc, trong lúc B-52 luôn luôn có 3 chiếc. Khi đến mục tiêu, phi công trưởng đánh một vòng rộng thật cao để chờ cho phi cơ quan sát OV2 ghi dấu bằng lựu đạn khói màu… Sau đó, lập tức OV2 vượt ra khỏi không phận mục tiêu, nhường chỗ cho Jet hoạt động.

Hầu như các cuộc oanh kích của Jet cũng theo thứ tự: bom nổ, bom bi, bom xăng đặc, cuối cùng xạ kích bằng đại liên. Loại bom bi được thả cao hơn hai loại bom kia, khi rơi xuống lưng chừng, bom nổ tại điểm vài đóm khói trắng trên không, rồi tung ra hàng trăm quả lựu đạn… Khi lựu đạn chạm mặt đất, nổ thêm một lần nữa, gây nên tràng tiếng nổ, nối tiếp ầm ầm như giông, đồng thời bụi đất tung lên mù mịt cả một vùng! Loại bom này vô cùng lợi hại, có khả năng tiêu diệt được Cộng quân nấp trong các hầm “ếch” hoặc các giao thông hào chữ “chi”.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Lúc Jet thi hành xạ kích với cao độ vừa phải, Cộng quân dùng mọi cỡ súng bắn lên xối xả. Nhưng nhờ tốc độ nhanh, chúng không gây một thiệt hại nào cho phi cơ.

Thi hành xong nhiệm vụ, cả Jet và OV2 trực chỉ bay về hướng Đông, trả lại chiến trường cho chúng tôi quần thảo với địch.

Khoảng 16g30, bỗng có 2 chiếc Jet bay từ hướng Tây lại, không biết phi hành đoàn thực hiện công tác tại đâu, nhưng khi bay ngang qua căn cứ, phi công lại liên lạc với Đại Úy Hạnh và hỏi Đại Úy có cần oanh tạc không? Vì trên Jet còn bom!…

Cùng lúc ấy Cộng quân đang pháo kích vào vị trí bằng đại bác. Đại Úy Hạnh lập tức nhờ phi công quan sát hướng Bắc căn cứ để tiêu diệt. May mắn phi công trả lời:

– Chúng tôi nhìn thấy khói ở vị trí súng địch pháo kích các anh… đúng hướng Bắc… Ok! Chúng tôi oanh tạc bây giờ…

Thế rồi, sau khi mở một vòng rộng trên không phận mục tiêu, hai chiếc Jet nhào xuống trút bom, mỗi chiếc 2 quả. Xong bay thẳng… không liên lạc gì với Đại Úy Hạnh nữa.

Tiếp theo tiếng nổ của bom, một cột khói lớn vụt lên không, kèm theo những tiếng nổ kinh khủng… thỉnh thoảng điểm một cột lửa bùng cao trong đám khói đen… Cứ thế, khói lửa và tiếng nổ ầm vang đến 19g00 mới dứt.

Chúng tôi chắc mẫm bom đã phá hủy trọn kho đạn Pháo binh địch và ít ra cũng làm cho địch im hơi lặng tiếng một thời gian! Nhưng không, sau đó, chúng cũng pháo kích tôi từ hướng ấy.

Tôi gọi vô tuyến hỏi Đại Úy Hạnh:

– Sao Đại Úy không báo cho phi công biết kết quả để họ giúp nữa. Bom thả trúng đích, tôi chắc kho đạn của chúng bị hủy diệt… tại đây, tôi nhìn rõ khói lửa bốc ở mục tiêu và tiếng nổ dữ lắm!…

– Tôi liên lạc rồi. Nhưng mấy ông phi công tắt mẹ máy, làm sao báo kết quả và xin họ giúp được!

Nghĩ lại tôi quá tiếc dịp may hiếm có và ngắn ngủi ấy!

Tại căn cứ, không vì kết quả của trận dội “bom thừa” này mà Cộng quân ngừng uy hiếp. Chúng vẫn tiếp tục kéo dài quấy phá chúng tôi đến tối. Dù vậy, chúng vẫn không thể nào chọc thủng một lổ nhỏ nào quanh tuyến phòng thủ. Bấy giờ, lực lượng vị trí không còn e sợ chiến xa địch nữa. Với bãi mìn đã gài sẵn, mọi người đều tin tưởng có thể đẩy lui các cuộc tấn công bằng chiến xa địch, nhất là với Căn cứ Hỏa Lực 30 còn có một lợi điểm: cao độ 727 thước chung quanh toàn là dốc đứng.

Đêm nay, có phi cơ soi sáng đến thả hỏa châu dọc theo tuyến phòng thủ ven căn cứ, tiếng nổ ì ầm của lựu đạn, M79 nối nhau không dứt từ sau 22g00. Tiếng nổ tạo bởi vũ khí của ta và địch hòa lẫn với tiếng “xung phong” ở chân đồi vọng lên phá tan bầu không khí yên tĩnh của núi rừng… Chúng tôi chia nhau ôm súng cá nhân ra các công sự chiến đấu.  (Còn tiếp)

TDH, 1971

Kỳ sau: HAI LẦN TRIỆT THOÁI – HAI LẦN ĐÌNH HOÃN (Tiếp theo)

(*) Trần Vũ đánh máy lại tháng 1-2019 từ bản in của Nxb Đại Nam 1980.  

(**) Lexique: Tiểu Đoàn (TĐ), Bộ Chỉ Huy (BCH), Pháo Binh (PB), Pháo đội C (PĐC), Trung Sĩ Nhất (TSI), Trung Sĩ (TS), Hạ Sĩ Nhất (HSI), Hạ Sĩ (HS), BI (Binh nhất), B2 (Binh nhì).

(***) Ảnh minh họa sưu tập từ Beaufort County Now, Dòng Sông Cũ, Hoàng Sa, Pinterest, Cherrieswriter, vuhmai.blogspot, Getty Images, Militaria, Nam magazine và vnaf.