Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Tổng Thống VNCH 1972

Minh họa trực thăng võ trang Cobra trang Weapons and warfare 

Trương Duy Hy

TỬ THỦ CĂN CỨ HỎA LỰC 30 (Tiếp theo)

Tại hướng Tây, ven vị trí, Đại Úy Vẹn tác xạ ngay trên vòng rào kẽm gai ngoài cùng, đã có lúc tung xác Việt cộng. Các binh sĩ Dù án ngữ mặt đó khẩn báo cáo cho BCH/TĐ 2 Dù… tôi theo dõi kịp và chuyển ngay cho Đại Úy Vẹn giữ yếu tố sửa chữa, bắn rải đạn dọc hàng rào.

Từ đây, tôi nhờ Thiếu Úy Kim liên lạc với Thiếu Tá Hằng và thỉnh thoảng đổi tần số để theo dõi hoạt động của phi cơ soi sáng.

Mặt Nam vị trí, Đại Đội 1 của Tiểu Đoàn 21 BĐQ bị kẹt, tá túc xen kẻ với anh em Dù rải dài từ bên ngoài BCH/TĐ 2 Dù đến tuyến thứ nhì với một quân số còn lại gần 100 người. Nhờ thế, lực lượng phòng thủ được trải khắp giao thông hào, không còn một khoảng trống nào…

Kết quả, tôi đã giữ vững được nhiệm vụ điều chỉnh chính xác. Không một quả đại bác nào lọt vào đồn.

Tiếng nổ đinh tai nhức óc của đại bác trực xạ phút chốc xé tan bầu không khí yên lặng bao trùm căn cứ.

…Tiền đồn báo cáo tiếp, tiếng nói thật nhỏ, như e sợ Cộng quân có thể nghe được:

– Địch đã cố gắng… leo lên… đồi rồi!…

Vẫn giọng đanh thép của Trung Tá Thạch dằn từng tiếng:

– Các anh em bình tĩnh, bình tĩnh và nhắm ngay vào nó… cứ thi hành theo đúng kế hoạch tôi đã dặn.

Ấm!… Ấm!… Khẩu 4 trực xạ trúng ngay một chiếc.

Tôi nghe rõ tiếng nói của phi hành đoàn phi cơ soi sáng qua vô tuyến:

– Pháo binh bắn cháy được một chiến xa địch rồi! Bắn cháy rồi! Chiếc kế tiếp đang cố gắng vượt lên.

Mừng quá, tôi gác máy cùng Kim nhảy lên miệng hầm hét to về phía Khẩu 4:

– Mình trực xạ cháy một chiến xa địch rồi! …Chiếc thứ hai đang tìm đường tiến lên… Phi cơ soi sáng vừa báo đấy… Anh em tiếp tục trực xạ thật kỹ… Cẩn thận mà bắn…

Cùng lúc, Lân hét lớn đáp lại tôi:

– Cháy thiết giáp! Cháy thiết giáp địch!

Vừa hồi hộp, tôi lại mừng thầm với ý tưởng: nếu chận được chiến xa địch bên ngoài tiền đồn, hy vọng phi yểm can thiệp kịp, có thể cứu vãn được tình thế lắm!

Kim nhìn tôi mĩm cười để lộ hai cái răng khểnh “duyên dáng” bên mép:

– Có thời rồi đó thầy!! May ra chận đứng được chiến xa bên ngoài tiền đồn thì mình mới chắc ăn…

– Tôi hy vọng thành công. Tôi nghĩ, bây giờ anh em lên tinh thần quá xá rồi. Nhất là anh em bên tiền đồn.

Nỗi vui mừng biểu lộ hẳn ra lời nói và cử chỉ của tôi. Tôi không thể giấu được. Tôi bảo Kim:

– Tôi cầm Pháo Đội chỉ huy và bây giờ Pháo Đội tác xạ — tính ra đã hai năm, chưa hề bị rủi ro chết lính bao giờ. Vừa rồi thiệt một mạng là mạng đầu tiên đấy! Có lẽ mình mát tay chăng?

Sau vài lời tâm sự với Kim, phi cơ soi sáng báo tiếp:

– Thêm một chiến xa địch bị cháy!… Thêm một chiến xa địch bị cháy!… Bọn chúng đang tìm cách lôi hai chiến xa xuống đồi. Có lẽ chúng tiến chưa được vì không có đường. Hai chiến xa bị cháy không nhúc nhích được nữa! Tôi thấy rõ lắm!… Pháo binh bắn tiếp đi.

– Xin anh theo dõi cẩn thận cho, chúng tôi ở dưới này vẫn nỗ lực trực xạ liên tục. Thành thật cám ơn anh nhiều lắm.

– OK!… Số chiến xa còn lại, nếu có rục rịch, tôi sẽ báo ngay…

Chắn chắn những lời đối thoại giữa tôi và nhân viên phi hành trên phi cơ soi sáng đêm nay hẳn có nhiều đài bạn bắt được. Tôi vội chạy ra Khẩu 4 báo tin mừng, trao đổi vài lời với Lân và khích lệ anh em tiếp tục trực xạ…

Bây giờ đúng 01g00 ngày 27-2-1971.

Tất cả những diễn tiến trên xảy ra cùng lúc, nối tiếp và liên tục.

Khoảng 15 phút sau, Đại Úy Trần Công Hạnh Trưởng Ban 3 TĐ 2 Dù liên lạc trực tiếp với tôi và Đại Úy Nguyễn Bá Trí (Pháo đội trưởng Pháo Đội C/TĐ 3 PB Dù):

– Check fire! Check fire! Phi cơ oanh kích vào vùng rồi… Check fire! Check fire!

Tôi và Trí lặp lại:

– Check fire! Check fire!…

Kế đó, tôi liên lạc với căn cứ A Lưới, Phú Lộc, Lao Bảo xin ngưng tác xạ để không yểm hoạt động.

Niềm hân hoan phút chốc tràn ngập trong tâm tư mọi người. Ý nghĩ chận đứng cuộc tiến công của địch tiến chiếm căn cứ chúng tôi bằng không yểm, giờ đây bắt đầu thực hiện và chắc chắn — Tôi tin thế, chúng tôi sẽ thành công.

Tôi mĩm cười thầm nghĩ: Thượng cấp hẳn không thể chấp nhận số phận căn cứ Hỏa Lực 30 như căn cứ Hỏa Lực 31 trước đây 34 tiếng đồng hồ! Do đó, tôi hy vọng tràn trề, tin tưởng tuyệt đối những chiến thắng sẽ đến với chúng tôi bằng những trận mưa bom và rocket của đoàn Cobra và Jet (1)…

Xem thêm:   Con gấu ngựa

[(1) Cobra: Trực thăng võ trang. Jet: Khu trục phản lực.]

Lân, Ngân rời vị trí Khẩu vào lại hầm, cùng tôi và Kim thuật lại việc trực xạ vừa qua để rút kinh nghiệm. Chúng tôi không quên nhắc đến lệnh của “Ông 11” với lòng biết ơn sâu xa mà chúng tôi chắc rằng ông ta quả đã có nhiều kinh nghiệm. Chính nhờ thi hành theo lệnh ông ta, bắn với đầu nổ SQ, nạp 7, chúng tôi thành công hạ được 2 chiến xa địch trong tầm dưới 1000 thước và cách tiền đồn của Tiểu Đoàn 2 Dù không quá 500 thước.

Tôi ngỏ lời với Lân trước mặt Ngân và Kim:

– Với sự chịu đựng gian khổ, nguy hiểm và chiến tích như thế này, lúc về lại Việt Nam, tôi hứa với anh – nếu may mắn Pháo Đội được tưởng thưởng một cấp bậc mới cho một sĩ quan – chắc chắn tôi đề nghị cho anh lên Đại Úy ngay.

Lân đáp:

– Cám ơn Đại Úy. Đại Úy nói thế tôi đủ mang ơn lắm rồi.

…Đại Úy Hạnh dùng danh hiệu Hotel để liên lạc trực tiếp với phi công Hoa Kỳ chỉ định mục tiêu oanh kích…

Bấy giờ có lẽ không thể thực hiện được ý định dùng chiến xa tấn công vào căn cứ Hỏa Lực 30 vì địa thế khó khăn và thiệt hại do ta trực xạ… Cộng quân quay ra dùng chiến thuật biển người cố tràn vào vị trí.

Dưới sự điều khiển vô cùng khéo léo của Đại Úy Hạnh, Jet oanh kích các mục tiêu cách căn cứ từ 500 thước đến 1000 thước, Cobra phóng rocket gần hơn, trong khoảng từ chân rào phòng thủ ra xa vài trăm thước.

Tiếng bom hòa lẫn với rocket đổ xuống mục tiêu tạo nên những tiếng nổ kinh hoàng, nối tiếp những vũng lửa tung lên quanh căn cứ…

Minh họa Phantom F4 trang Weapons and warfare

Lần đầu tiên trong đời binh nghiệp, tôi được nhìn tận mắt một cuộc oanh kích khủng khiếp của Cobra, Jet quá gần. Phi hành đoàn thật dạn dĩ — mặc cho đủ loại súng phòng không, thượng liên, AK đan một lưới đạn dày dặc trên không phận chúng tôi — cuộc oanh kích vẫn được thi hành liên tục với tầm bay thật thấp để hiệu quả đạt được mức chính xác tối đa. Lòng gan dạ phi thường của phi hành đoàn Jet, Cobra đã lưu lại cho chúng tôi lòng khâm phục không tả xiết.

Không thể trân người hứng chịu những thiệt hại quá nặng nề, địch xử dụng đủ loại súng ồ ạt lao mình qua hàng rào kẽm gai, concertina tấn công lên bãi đáp… Đồng thời chúng rót 92 ly vào giữa vị trí chúng tôi để cố tình khóa chặt các khẩu đại bác đang trực xạ lai rai ven đồi.

Bãi mìn đặt ngay tại bãi đáp, một phần đã bị nổ vì pháo kích nhất là mìn claymore tự động, một phần vì binh sĩ Dù liên tục bắn… tiếng nổ và xác Việt cộng gục ngã hòa lẫn với tiếng xung phong khát máu của chúng, phút chốc làm dậy cả vị trí.

Tại hầm chỉ huy của BCH/TĐ 2 Dù, Đại Úy Hạnh điều chỉnh oanh kích gần vào vị trí hơn. Thành thật, chúng tôi khâm phục tài điều chỉnh qua giọng nói Anh ngữ thông thạo của Đại Úy Hạnh chẳng khác nào chúng tôi đang có một cố vấn Hoa Kỳ bên cạnh, để sửa chữa hướng oanh kích của Jet và Cobra đang thi hành công tác sát địch quanh vị trí.

Chúng tôi ghi nhận sự khó khăn về việc nhận định nhanh chóng các yếu tố để các Đại Đội bảo vệ Căn cứ Hỏa Lực 30 của các vị Đại Đội Trưởng, Trung Đội Trưởng báo cáo, hầu cấp thời suy đoán những sửa chữa chính xác hơn, điều chỉnh tức khắc với phi hành đoàn Jet, Cobra,… nhưng những việc đó, Đại Úy Hạnh đã chu toàn một cách viên mãn. Nhiều lúc, tôi không phân biệt được giọng nói trong vô tuyến là của Đại Úy Hạnh hay của phi công Hoa Kỳ! Nếu chúng tôi không biết chút ít Anh ngữ.

Hiệu quả nhất là cuộc oanh kích ven rào ở hướng Bắc, trải dài từ Tây sang Đông. Chính các binh sĩ Dù ở tuyến này đã xác nhận và báo cáo cho Đại Úy Hạnh là anh em đã nhìn thấy xác địch tung lên tại vòng rào phòng thủ sau những lần Cobra bắn rocket.

…Nhìn ra hướng bãi đáp trực thăng, dưới ánh sáng hỏa châu, chúng tôi thấy địch lom khom tràn lên nấp sau đống lưới câu đạn và móc hậu nước..! Tôi nghĩ nhanh: Thế là lủng tuyến thứ nhất rồi còn gì? Tuyến thứ 1? — Nơi đó, chính mắt tôi thấy anh em Dù đã ra công làm 4 công sự liên tiếp nhau, bên trên lắp PSP dày và phủ đất có đến 4, 5 tấc. Chỉ thủng tuyến thứ 1 Cộng quân mới có thể tràn vào bãi đáp được như thế. Tôi hoảng hốt nhảy xuống hầm bốc máy liên lạc với Trung Tá Thạch:

Xem thêm:   Hang gấu

– Kính Trung Tá, Trung Tá có rải quân giữ tuyến thứ 1 ở ven bãi đáp phía ngoài không?

– Anh yên trí, tôi lo khi chiều rồi, một Đại Đội… giữ ở đó.

– Sao Việt cộng lại tràn được lên bãi đáp mà tôi không nghe phản ứng ở tuyến đó?

– Thật không?… Anh xem kỹ chưa?… Vô lý!… Vô lý!

– Thôi được, để tôi hỏi lại xem “con cái” tôi ở đó ra sao.

Thế là tôi sang máy PRC-25 theo dõi. Kết quả đúng như tôi lo, tuyến ấy đã bị bỏ trống — vì khi chiều, lúc triệt thoái tiền đồn về trấn giữ thì toán đó đã tự ý dời vào đóng ở tuyến thứ nhì — Có lẽ anh em đã nhầm lẫn khi nhận lệnh chẳng? Giữa tuyến thứ nhất và tuyến thứ nhì cách nhau chỉ khoảng 50 thước. Nơi đó là bãi trực thăng. Từ tuyến thứ nhì tới Đài Tác xạ của Pháo Đội và hầm ngủ của tôi không quá 50 thước!

Trung Tá giận vô cùng, ông quát ầm trong máy… Tôi đoán Trung Tá cũng có nỗi âu lo như tôi.

Bây giờ binh sĩ Dù ở tuyến thứ nhì xử dụng toàn mìn claymore bấm, lựu đạn và M79…

Trên không phận Căn cứ Hỏa Lực 30, các phi vụ không yểm chấm dứt, chỉ còn phi cơ soi sáng tiếp tục thả hỏa châu. Thỉnh thoảng một vài tràng đại liên do phi cơ này bắn xối xả xuống phía Bắc và các vị trí cách khoảng 400 thước, vẽ nên những đường lửa xiêu vẹo…

Tiếp theo, chúng tôi được nhân viên phi hành báo:

– Súng cối địch đặt cách các anh 400 thước ở phía Bắc… Hãy trực xạ ra đó mà hủy đi. Tôi thấy rõ ánh lửa rồi, tôi sẽ tăng cường cho các anh…

Chờ phi cơ đánh một vòng rồi trở lại hướng Bắc, chúng tôi nhìn rõ làn lửa thoát khỏi phi cơ lao xuống mục tiêu…

Kết quả, nhân viên phi hành cho biết loạt đạn đại liên của anh em lần này đã tiêu diệt được chúng rồi. Sau đấy, quả thật chúng tôi không còn nghe tiếng “départ” của súng cối ở hướng ấy nữa.

Đại bác của chúng tôi cũng không có loại đạn tổ ong chống biển người, trong lúc đại bác 105 ly của Trí thì thừa loại đạn này! Nhưng ngặt nỗi, vị trí súng của Trí đóng về hướng Tây, muốn tác xạ ra hướng Đông, phải bắn qua đầu chúng tôi. Đã vậy, đại bác của tôi cao to dềnh dàng, án ngữ thành một vòng cung từ Bắc xuống Nam, các khẩu đại bác của Trí vừa nhỏ lại vừa thấp, cho dầu có muốn trực xạ ra bãi đáp cũng không cách nào thực hiện được.

Cuối cùng, Pháo Đội C/3 Dù chỉ trực xạ nửa vòng tròn từ Bắc sang Tây xuống Nam mà thôi. Riêng vị trí của tôi rất thuận tiện cho việc trực xạ, nhưng kẹt không có đạn, làm cho anh em chúng tôi ấm ức, tức tối!

…Nhờ hỏa châu soi sáng liên tục, chúng tôi quan sát chiến trường rất rõ.

Tại bãi đáp, nhìn từ vị trí Pháo Đội, từ bên trái, bên ngoài tuyến thứ nhì, chiếc xe ủi đất với chiếc xẻng bằng thép vừa to vừa dài nằm ngang theo thế “ủi đất” xoay vào căn cứ, đối diện và cách tuyến thứ nhì không quá 25 thước, phía sau xẻng là xe ủi đất, lù lù làm thành một chướng ngại vật ẩn nấp lý tưởng cho Cộng quân. Bên cạnh xe, một trực thăng ngộ nạn của Hoa Kỳ chưa kịp triệt thoái về Khe Sanh.

Trước tiên, khi Cộng quân chiếm được công sự ở tuyến thứ nhất chúng tràn nhanh lên bãi đáp, dùng thủ pháo ném vào trực thăng… Một tiếng nổ dữ dội đốt cháy trực thăng, tức khắc, hai tên cảm tử này gục ngã giữa bãi đáp, do M79 của các chiến sĩ Dù trong công sự tuyến thứ nhì phản ứng.

“Cây đuốc” trực thăng soi sáng khắp bãi đáp… phừng phừng tỏa hơi nóng vào tận phòng tuyến… Cộng quân được dịp lao mình ào lên bãi đáp, bất chấp cả mìn claymore, nhào đến nấp sau xẻng ủi đất.

Chúng tôi nom rõ, có tên hì hục đào hầm ngay. Nhờ khoảng cách giữa chúng và tôi không quá 75 thước, tất cả hành động của chúng không còn che giấu nữa. Tôi có cảm tưởng — bọn chúng quả thật là những con thiêu thân “điếc không sợ súng”!

…Từ tuyến thứ nhì, binh sĩ Dù xử dụng tối đa lựu đạn và M79 thổi ra hướng xe ủi đất. Tiếng nổ của đạn ta hòa lẫn với tiếng AK của Cộng quân dường như không dứt… nhưng chiếc xẻng ủi đất, trước sau là một “khắc tinh” đối với chúng tôi! Nó trở thành một bình phong bảo vệ cho địch một cách vững chắc nhất. Ngặt nỗi, nó lại chỉ cách tuyến thứ nhì không quá 20 đến 25 thước! Bao nhiêu lựu đạn, M79, M72 vẫn không sao tiêu diệt được những tên đang ẩn nấp phía sau xẻng.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Tôi lo ngại hết sức! Không còn cách nào hơn, tôi nhảy xuống hầm, bốc máy liên lạc với Trung Tá Thạch:

– Bây giờ Việt cộng chúng nấp sau cái xẻng xe ủi đất khá đông, tôi quan sát thấy anh em bắn M79, M72 và ném cả lựu đạn nhưng vẫn không ăn nhằm gì. Nếu Trung Tá chấp thuận, tôi sẽ bắn bay luôn xe ủi đất thì may ra mới sát hại được chúng…

Một tí im lặng, Trung Tá Thạch quyết định:

– OK, anh bắn đi…

– Thưa Trung Tá, nhưng nó gần tuyến thứ nhì, tôi e nguy hiểm đến tính mạng của anh em binh sĩ ta. Còn nếu đề nghị với Trung Tá di chuyển anh em dang ra hai bên, tôi ngại Việt cộng nó tràn vào… thì đến ngay tôi… cũng chết!…

– Anh đừng ngại gì cả, tôi sẽ bảo con cái tôi đội nón sắt ngồi hẳn xuống hầm… Dù có rủi ro cũng không sao… miễn anh cố gắng bắn tan xe ủi đất đi.

– Cám ơn Trung Tá, khi nào bắn tôi sẽ báo ngay.

– Ừ! Nhanh lên!

Thoáng một ý nghĩ qua nhanh trong trí tôi, hẳn là “con cái” của Trung Tá đã báo cáo tường tận những nguy hiểm tạo ra bởi chiếc xẻng của xe ủi đất — mà chính anh em không thể nào hủy diệt được.

Tôi lại rời hầm tiến đến Khẩu 4 bàn với Lân và Ngân. Kết quả tôi quyết định quay Khẩu 4 nhắm ngay nòng vào giữa xẻng, nhưng hơi cao hơn xẻng một tí thôi để đạn vừa lướt qua khỏi xẻng, húc vào máy xe ủi đất nổ ngay — và tôi nghĩ — bắn như vậy mới sát hại được những tên nấp sau xẻng. Tôi giao Lân và Ngân thi hành tác xạ. Xong, tôi khom người chạy nhanh về hầm ngồi đợi, đồng thời báo cáo những diễn tiến vừa xảy ra cho Thiếu Tá Hằng.

Tại Khẩu 4, nhân viên vô cùng vất vả xeo nạy móng càng để quay súng, nòng thì hạ thấp, thật thấp, hết cả vòng tay quay. Lân báo cáo tôi:

– Khẩu 4 sẵn sàng tác xạ…

Tôi ló đầu ra khỏi hầm, tay vẫn giữ ống nói vô tuyến:

– Khẩu 4 – Nạp 3 – Đầu nổ SQ… trực xạ theo lệnh tôi…

Lân lặp lại:

– Khẩu 4 – Nạp 3 – Đầu nổ SQ – Sẵn sàng trực xạ…

(Thật ra, đó là một khẩu lệnh không có dạy trong sách vở! Vì đương nhiên dùng đầu nổ để theo vị thế SQ thì không bao giờ hô trong khẩu lệnh. Nhưng tình thế quá nguy ngập, ý tôi muốn chắc chắn việc thi hành tác xạ này phải hoàn toàn đúng lệnh tôi — và, thật tình tôi e ngại còn sót quả đạn nào — mà lúc nảy, anh em đã lỡ đặt hỏa pháo ở vị thế Delay chăng!)

Liền khi đó, tôi bóp ống nói, liên lạc với Trung Tá Thạch:

– Xin Trung Tá cho anh em chuẩn bị, tôi sắp bắn.

– Tốt lắm, bắn đi!

Tuy nghe Trung Tá chỉ thị cho toàn thể binh sĩ Dù như vậy, song tôi vẫn chờ ở đầu máy PRC-25 theo dõi việc thi hành chỉ thị trên của anh em ở tuyến thứ nhì, xong mới hô cho Khẩu 4:

– Bắn!

Lập tức nhân viên giật cò. Sau tiếng nổ, quả đạn rời khỏi nòng súng, xé không khí gây nên một tràng tiếng động kỳ quái “…X..èo…x..è..o…” như muốn rơi đánh bịch xuống đất trước khi đến mục tiêu! Tôi nín lặng cả người, tim đập mạnh trong sự lo âu tột độ! Nhưng cái lo của tôi qua nhanh… vì quả đạn đã vượt qua khỏi tuyến thứ nhì, tống ngay vào xe ủi đất, đúng vào chỗ tôi đã chỉ thị cho Lân…

Ầm!… Như một quả bom phát nổ, xe ủi đất nẩy bật lên rồi rơi xuống cháy tức khắc. Tiêu diệt sạch Cộng quân tại chỗ.

Tiếng hoan hô vang dậy từ tuyến thứ nhì dội vào vị trí:

– Hoan hô Pháo Binh! Hoan hô Pháo Binh!… Bắn nữa đi! Bắn đi!…

Tiếng hoan hô bỗng dưng biến thành liều thuốc an thần hiệu quả cho tất cả chiến hữu và pháo thủ…

Cùng lúc, tiếng báo cáo chuyển đến Trung Tá Thạch rang rảng trong máy:

– Đích thân! Đích thân! Pháo binh bắn hay lắm!… Hay lắm!… Xe ủi đất bị tiêu hủy và đã giết sạch bọn Việt cộng sau xẻng rồi!… (Còn tiếp)

TDH, 1971

Kỳ sau: TỬ THỦ CĂN CỨ HỎA LỰC 30 (Tiếp theo)

(*) Trần Vũ đánh máy lại tháng 12-2018 từ bản in của Nxb Đại Nam 1980. 

 (**) Lexique: Tiểu Đoàn (TĐ), Bộ Chỉ Huy (BCH), Pháo Binh (PB), Pháo đội C (PĐC), Trung Sĩ Nhất (TSI), Trung Sĩ (TS), Hạ Sĩ Nhất (HSI), Hạ Sĩ (HS).

(***) Ảnh minh họa sưu tập từ Beaufort County Now, Dòng Sông Cũ, Hoàng Sa, Pinterest, Cherrieswriter, vuhmai.blogspot, Getty Images, Militaria, Nam magazine và vnaf.

Phóng đồ Căn cứ Hỏa lực 30 do chính tay đại úy Trương Duy Hy vẽ theo không ảnh và quan sát tại chỗ cuộc tấn công của Bắc-Việt lúc 0 giờ 30 ngày 27-2-1971, in trong hồi ký.