Alfred von Schlieffen, Hans von Seeckt và Mikhai Tukhachevsky đều đi vào lịch sử ở vị trí của những tướng tài, tuy không chiến thắng trên trận địa. Lý do, cả ba đều giữ những chức tổng tư lệnh vào thời bình không xảy ra chiến tranh. Công trạng của họ không ở mặt trận. Schlieffen rồi Seeckt tổ chức hiệu quả quân đội Đức. Trên mặt lý thuyết, Schlieffen đề ra kế hoạch đánh xuyên qua Bỉ để vây ép cạnh sườn quân Pháp trong trường hợp thế chiến. Seeckt, sau đình chiến, đề ra phương pháp đào tạo quân nhân phải đủ sức nắm giữ chức vụ cao hơn cấp bậc ít nhất 2 cấp. Chính đây là lý do vì sao tân quân đội Wehrmacht đã có thể tăng quân số nhanh chóng ngay khi Hitler lên cầm quyền. Thống chế Tukhachevsky của Hồng quân Sô-Viết cũng được xem lỗi lạc, vì đã phát thảo Nghệ thuật Hành binh (L’Art Opératif) chống lại tư duy của Clausewitz: Tấn công trên nhiều mặt trận cùng một lúc, nhằm phân tán và tiêu hao trừ bị của đối phương thay vì tập trung vào một trận đánh hủy diệt lớn, như cách Clausewitz giảng dạy. Tukhachevsky bị Stalin thanh trừng và hành quyết nên không chứng kiến Zhukov áp dụng Nghệ thuật Hành binh cho đến chiến thắng.

Sự kỳ tài, như thế, không nhất thiết ngoài chiến trường nhưng trong lý thuyết và tổ chức binh bị.

Trong ký sự Hào khí Trăm năm, Nxb Trẻ 2011, Trần Thái Bình viết về sự phi thường của Võ Nguyên Giáp: Tại sao ông lại làm được quá nhiều điều đến thế trong sự hữu hạn của đời người? Tại sao những điều ông đã làm được lại tỏ ra nghiệm đúng hơn cả trong sự vô hạn của những phương án? Kéo pháo vào rồi kéo pháo ra, lúc thì đánh chắc tiến chắc, lúc lại thần tốc, thần tốc hơn nữa, rồi xây dựng nền kinh tế tri thức làm then chốt bên cạnh chú trọng kinh tế biển đảo…”  Với những ai tìm hiểu, phương châm tiến chậm, tiến chắc, chắc thắng mới đánh” là bản sao của “Không bao giờ tác chiến nếu cơ may quá mỏng (Ne jamais se battre si les chances sont trop minces)” của tướng Thomas Jonathan Jackson trong nội chiến Nam-Bắc Mỹ. Còn “Thần tốc, táo bạo tiến công”? Trận Biên Giới kết thúc đầu tháng 10-1950, phải mất 3 tháng Võ Nguyên Giáp mới tiến xuống đồng bằng khai trận Vĩnh Yên đêm 13 tháng 1-1951, khi viện binh Pháp đã sang. Chính vì “chậm, chắc” mà không “thần tốc” và không “táo bạo” mà Vĩnh Yên là một thất trận đẫm máu của Việt Minh. “Thần tốc”, chỉ là khẩu ngữ cho diễn văn.

Đọc hết chương Xây dựng Bộ đội của Vu Hoá Thầm ghi lại công lao Vi Quốc Thanh đã ra sức xây dựng, tổ chức, huấn luyện, khái quát, thậm chí biên soạn các “Điều lệ chính quy”, “Chế độ nội quy thống nhất”, xuống đến “Điều lệnh chiến đấu”, “Điều lệnh kỷ luật”, “Điều lệnh nội vụ” cho Quân đội Nhân dân, người đọc không khỏi băn khoăn: đại tướng Võ Nguyên Giáp phụ trách gì? Có phải ông thừa hành? [Trần Vũ]

 ĐỒNG CHÍ VI QUỐC THANH TRONG VIỆN TRỢ VIỆT NAM ĐẤU TRANH CHNG PHÁP

Vu Hoá Thầm

bản dịch của DƯƠNG DANH DY

Xây dựng bộ đội

Chiến dịch Biên Giới tuy giành được thắng lợi quan trọng, nhưng cũng bộc lộ Quân đội Nhân dân Việt Nam còn có không ít nhược điểm là về số lượng hay chất lượng, đều không thích ứng với yêu cầu tác chiến vận động quy mô lớn. Vi Quốc Thanh cảm thấy sâu sắc rằng, đồng thời với việc giúp quân đội Việt Nam tổ chức chỉ huy tác chiến, cần phải giúp họ tăng cường xây dựng bộ đội. Đó cũng là một trong hai nhiệm vụ quan trọng mà các đồng chí lãnh đạo Trung ương giao cho Đoàn cố vấn. Vì vậy, trong thời gian sang Việt Nam gần một năm, Vi Quốc Thanh chú trọng giúp Việt Nam nắm mấy việc sau đây:

  1. Mở rộng bộ đội chủ lực, thống nhất biên chế trong trang bị. Chiến dịch Biên Giới vừa kết thúc, Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lập tức đưa ra chỉ tiêu cho đoàn cố vấn giúp quân đội Việt Nam xây dựng quân chính quy khoảng 50.000 người. Theo đó, Vi Quốc Thanh nêu ra kiến nghị tương ứng với Võ Nguyên Giáp. Tất nhiên Võ Nguyên Giáp rất phấn khởi
Xem thêm:   Trên lưng trời

Thế là Đoàn cố vấn giúp Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam vạch ra “phương án xây dựng bộ đội chủ lực” và kế hoạch biên chế trang bị, sau khi được Trung ương đảng Lao động Việt Nam phê chuẩn trên cơ sở các đạị đoàn 304, 308, 312 đã xây dựng, lại được Trung Quốc viện trợ trang bị, thành lập thêm đại đoàn bộ binh 316, 320, và đại đoàn công pháo 351 do 3 trung đoàn pháo binh và một trung đoàn công binh tổ thành. Sau đó thành lập đại đoàn bộ binh 325. Đến cuối năm 1951, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có một lực lượng vũ trang chính quy gồm 6 đại đoàn bộ binh và 1 đại đoàn công pháo được thay đổi trang bị, biên chế thống nhất.

  1. Tăng cường huấn luyện quân sự, nâng cao tố chất quân sự. Vi Quốc Thanh cho rằng, nâng cao tố chất quân sự của quân đội Việt Nam, một là phải dựa vào rèn luyện trong chiến đấu thực tế, hai là phải dựa vào huấn luyện quân sự. Vì thế, đồng chí triệu tập các cố vấn quân sự họp hội nghị bàn về công tác huấn luyện bộ đội. Đồng chí nói với các cố vấn đến dự hội nghị: Quân đội Nhân dân Việt Nam trước đây không đánh tiêu diệt chiến, khi đánh trận dàn hàng ngang mà tiến, pháo bắn thì phân tán tránh, như thế không được. Ở trong nước (tức ở Trung Quốc) chúng ta đánh thắng trận, dựa vào cái gì ? Dựa vào 10 nguyên tắc quân sự lớn của Mao Chủ tịch. Hạt nhân của 10 nguyên tắc quân sự lớn là cái gì ? Là đánh tiêu diệt chiến. Không đánh tiêu diệt chiến 9 nguyên tắc khác đều rỗng không. Chỉ cần đánh tốt tiêu diệt chiến thì đạt được mục đích tác chiến.

Các đồng chí trở về, phải lợi dụng thời gian nghỉ giữa hai chiến dịch, áp dụng biện pháp mở lớp huấn luyện luân phiên để chấn chỉnh rèn luyện bộ đội, tiến hành giáo dục quân sự cho bộ đội, làm cho mọi người đều nắm chắc tư tưởng đánh tiêu diệt chiến. Và phải dạy họ biết được các chiến thuật và động tác kỹ thuật cần thiết khi đánh tiêu diệt chiến. Làm không tốt việc này, thì chúng ta không thể nào đánh thắng trận được, cũng không thể nào ăn nói với Trung ương được ”.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Vi Quốc Thanh, tổ cố vấn quân sự Bộ Tổng Tham mưu và tổ cố vấn của mấy đại đoàn chủ lực giúp phía Việt Nam tổ chức nhiều lớp tập trung huấn luyện cho cán bộ, giúp bộ đội tiến hành nhiều đợt chỉnh huấn quân sự. Quân đội nhân dân lần lượt triển khai huấn luyện quân sự cho 11 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn pháo binh và 1 tiểu đoàn trinh sát. Thời gian mỗi lần chỉnh huấn khoảng một tháng. Đề cương và giáo tài huấn luyện đều do tổ cố vấn giúp biên soạn. Tổ cố vấn ở các đại đoàn giúp đào tạo cán bộ và tổ chức thực thi huấn luyện.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Trong huấn luyện quân sự, cố vấn cấp tiểu đoàn của các đơn vị đã phát huy tác dụng rất lớn. Các đồng chí ấy suốt ngày lăn lê bò toài với cán bộ chiến sĩ cơ sở, dạy họ động tác chiến thuật lợi dụng địa hình, ẩn nấp tiếp cận địch v.v… dạy họ năm kỹ thuật lớn là ném lựu đạn, nhất là tổ chức thực thi đánh bộc phá liên tục. Họ giảng đi giảng lại, làm mẫu nhiều lần, không sợ khổ, không sợ mệt, hết lòng hết sức làm tốt việc huấn luyện, đã thu được hiệu quả tương đối tốt.

  1. Tăng cường xây dựng chính quy hoá, khắc phục thói quen du kích. Quân đội nhân dân ở trong môi trường chiến tranh du kích lâu dài, có thói quen du kích khá nặng. Đồng thời bộ máy của các Tổng cục quá cồng kềnh, nặng nề, chức trách của các ban ngành không rõ, tồn tại chủ nghĩa giấy tờ phiền phức. Từ cơ quan đến đơn vị chưa có điều lệ, điều lệnh chính quy và chế độ nội quy thống nhất. Nếu tình hình đó không thay đổi thì không thể thích ứng với yêu cầu của vận động chiến, công kiên chiến. Vì vậy, Vi Quốc Thanh kiến nghị với Võ Nguyên Giáp tiến hành giáo dục chính quy hoá xây dựng các chế độ nội quy đối với cơ quan, bộ đội. Phía Việt Nam tiếp nhận kiến nghị này. Vì thế, dưới sự chủ trì của Mai Gia Sinh, tổ cố vấn quân sự giúp phía Việt Nam khởi thảo “Điều lệnh chiến đấu”, “Điều lệnh kỷ luật” và “Điều lệnh nội vụ”. Những điều lệnh này sau khi được Tổng Quân uỷ Quân đội Nhân dân Việt Nam thảo luận sửa đổi, thông qua, ban bố trong toàn quân chấp hành, làm cho việc xây dựng chính quy hoá của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến một bước dài. Các cố vấn còn giúp quân đội Việt Nam tổ chức lớp huấn luyện cán bộ tham mưu, bồi dưỡng cán bộ tham mưu của Bộ Tổng Tham mưu và của các đại đoàn chủ lực tăng cường xây dựng Bộ tư lệnh của Quân đội Nhân dân.
  2. Bồi dưỡng cán bộ huấn luyện, đề bạt cán bộ từ cơ sở. Trong chiến dịch Biên Giới, Vi Quốc Thanh tìm hiểu thấy đông đảo chiến sĩ và một số cán bộ cơ sở bộ đội quân đội Việt Nam trong chiến đấu thể hiện rất tốt, dũng cảm mưu trí, chịu thương chịu khó, tuân thủ kỷ luật, trong đó không thiếu nhân tài ưu tú, nhưng đã lâu không được đề bạt trọng dụng. Bởi vì Quân đội Nhân dân nói chung không đề bạt cán bộ từ trong chiến sĩ, mà là tuyển dụng học sinh thanh niên, được trường quân sự hoặc đợi huấn luyện tập huấn ngắn ngày, rồi phân phối về bộ đội làm cán bộ trung đội, đại đội. Một số cán bộ học sinh này biểu hiện rất tốt, nhưng cũng có không ít người không biết đánh giặc, không biết chỉ huy, ra trận nhút nhát, tham sống sợ chết. Đó là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sức chiến đấu của bộ đội. Trong cán bộ các cấp hiện có thành phần cũng khá phức tạp. Vi Quốc Thanh cho rằng, muốn giải quyết vấn đề nhức nhối này, cần phải bắt tay từ hai mặt :

– Một là luân phiên huấn luyện cán bộ hiện có, nâng cao tố chất quân sự và trình độ chính trị của họ. Vì vậy, tổ cố vấn chính trị do Đặng Dật Phàm chủ trì đã giúp phía Việt Nam mở lớp bồi dưỡng cán bộ phân kỳ chia đợt, luân lưu huấn luyện cán bộ đại đội trở lên. Trong lớp bồi dưỡng cán bộ, vừa học chính trị vừa học quân sự. Cố vấn đích thân giảng bài, hướng dẫn học viên độc lập suy nghĩ, dạy lẫn nhau học lẫn nhau; tự giác giải quyết tư tưởng. Lớp bồi dưỡng đợt đầu đã thu được kết quả rõ rệt, Hồ Chí Minh khen ngợi. Từ đợt thứ hai trở đi lãnh đạo đảng và quân đội Việt Nam Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và lãnh đạo các Tổng cục cũng lần lượt đến lớp huấn luyện giảng bài, thu được hiệu quả tốt hơn. Trong mấy năm về sau liên tục tổ chức được 8 đợt bồi dưỡng cán bộ, cán bộ đại đội trở lên của bộ đội Việt-Bắc về cơ bản luôn lưu huấn luyện được một lần, có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao tố chất cán bộ, tăng cường sức chiến đấu của quân đội.

Xem thêm:   Hang gấu

– Hai là coi trọng đề bạt cán bộ từ trong chiến sĩ, từng bước thay đổi thành phần của đội ngũ cán bộ. Công việc này được từng bước hướng dẫn và giúp đỡ phía Việt Nam tiến hành. Tổ cố vấn từ các Tổng cục đến các đại đoàn đều lợi dụng dịp tổng kết chiến dịch, hướng dẫn các chỉ huy cao cấp xuống cơ sở mở cuộc toạ đàm, nghe các chiến sĩ kể chuyện chiến đấu. Rất nhiều chiến sĩ kể chuyện rất sinh động hoạt bát, sự thật cụ thể, kinh nghiệm thiết thực. Các chỉ huy cao cấp dự toạ đàm cuối cùng nhận thức được trong chiến sĩ thực sự có nhân tài, nên đề bạt cán bộ từ trong chiến sĩ. Sau chiến dịch Biên Giới, Võ Nguyên Giáp đi cùng cố vấn pháo binh Đậu Kim Ba, xuống bộ đội mở ba cuộc chiến sĩ toạ đàm làm cho đồng chí cảm thấy rất nhiều bổ ích. Sau đó đồng chí nói với cố vấn: “Bộ đội cấp dưới có những nhân tài cầm quân đánh giặc. Ý kiến của các đồng chí đúng, phải tìm nhân tài có kinh nghiệm tác chiến từ cấp dưới, đưa lên vị trí lãnh đạo, mới có thể nâng cao sức chiến đấu”. Từ đó quân đội Việt Nam bắt đầu chú ý tuyển chọn đề bạt cán bộ từ trong chiến sĩ. Nhưng vấn đề, thuộc về đường lối cán bộ này mãi đến sau 1953, Đoàn cố vấn giúp quân đội Việt Nam chỉnh quân chính trị, mới được giải quyết tương đối tốt. Trong thời gian này, Đặng Dật Phàm dẫn đầu tổ cố vấn chính trị bắt tay giúp Việt Nam tăng cường chỉ đạo công tác chính trị thời chiến, tăng cường xây dựng toàn diện công tác chính trị. Mã Tây Phu dẫn đầu tổ cố vấn hậu cần lấy việc làm tốt bảo đảm hậu cần cho các chiến sĩ làm trọng tâm, dẫn dắt xây dựng toàn diện công tác hậu cần, làm cho nó từng bước thích ứng với nhu cầu của đánh vận động quy mô lớn.

Thế là, trải qua một năm công tác Quân đội nhân dân Việt Nam đều đạt được thành tích rõ rệt trên các mặt xây dựng quân sự, chính trị, hậu cần, thực hiện bước chuyển biến từ giai đoạn đánh du kích sang giai đoạn đánh vận động.

(Còn tiếp)

Vu Hoá Thầm

(đăng trong Thượng tướng phong vân lục
nxb Đại Bách Khoa toàn thư  năm 2000)

Ảnh Võ Nguyên Giáp trên trang vntinnhanh.vn

Tân binh VN tại trung tâm huấn luyện nhảy dù Đông Dương CITAPI (Centre d’Instruction des Troupes Aéroportées en Indochine) với súng cối nhẹ 50 ly.

Binh sĩ VN của tiểu đoàn 2 Nhảy dù Lê dương (2e BEP) trang bị trung liên BAR.

Thiếu sinh quân Vũng Tàu gia nhập binh chủng Lê Dương đội béret trắng với cầu vai truyền thống của binh chủng này. 

Lính VN của tiểu đoàn 8 Nhảy dù (8e CHOC) trang bị tiểu liên MAT-49 đạn 9 ly tầm xa 200 m.