Trong suốt binh nghiệp của đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời kỳ trước Tết Tân Mão đến đầu Hè 1951 là thời kỳ quan trọng nhất. Vì là quãng thời gian duy nhất đại tướng có thể hành binh khác với tư duy quân sự của cố vấn Tàu. Võ Nguyên Giáp thuyết phục được Vi Quốc Thanh chấp nhận hướng chiến lược do Tổng Quân ủy Trung ương Việt Minh đề xuất. Bối cảnh: Sau chiến thắng Biên giới cố vấn Trung cộng muốn đánh lên Tây-Bắc, tức đánh lên miền thượng du Bắc-Việt nơi Pháp ít quân, tức áp dụng binh pháp Tôn Tử “đánh vào khoảng trống”. Ngược lại, đối với Hồ Chí Minh, tuy tín nhiệm Vi Quốc Thanh, mục đích của chiến tranh giải phóng là sắc tộc Kinh sinh sống trong vùng đồng bằng nơi cung cấp lúa gạo, dân công và bắt lính. Các tài liệu Pháp đều ghi: trước khai trận, radio Việt Minh loan tin “Tết Tân Mão Hồ chủ tịch vào thủ đô ăn Tết cùng đồng bào.” Lý do: Một chiến thắng ngay giữa châu thổ sông Hồng giúp tiến về Hà Nội, trong mắt Hồ Chí Minh quan trọng hơn hẵn so với “công cuộc giải phóng” các sắc tộc Thái, Mèo, Mán, Nùng, Thổ. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh thuận cho Võ Nguyên Giáp tiến về đồng bằng. Liên tiếp trong 6 tháng đầu năm 1951 là 3 trận đánh lớn: Vĩnh Yên, Mao Trạch-Mạo Khê, Sông Đáy. Cả 3 đều kết thúc bằng những thất trận đẫm máu của Việt Minh. Khiến kể từ đây về sau, từ mùa Thu 1951, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp bắt buộc phải tuân thủ sách lược của cố vấn Tàu. Có nghĩa đánh lên miền cao với những địa danh Nghĩa Lộ, Gia Hội, Tú Lệ, Nà Sản, Điện Biên Phủ.

1951 trong quân sử Pháp, là năm “thiên tài quân sự” Võ Nguyên Giáp làm tăng uy danh cho hổ tướng Jean de Lattre. Pháp quốc trao cho De Lattre phẩm hàm thống chế vì những chiến thắng đồng bằng này.  [Trần Vũ]

 ĐỒNG CHÍ VI QUỐC THANH TRONG VIỆN TRỢ VIỆT NAM ĐẤU TRANH CHNG PHÁP

Vu Hoá Thầm

bản dịch của DƯƠNG DANH DY

Tác chiến đồng bằng

Sau chiến thắng lớn biên giới, phát triển thắng lợi như thế nào là vấn đề Vi Quốc Thanh suy nghĩ trước tiên. Ở Bắc Bộ Việt Nam, có hai chiến trường có thể lựa chọn. Một là vùng đồng bằng sông Hồng, ở đây dân cư đông đúc của cải dồi dào, giao thông thuận tiện, là khu vực phòng thủ trọng điểm của quân Pháp. Một là vùng Tây Bắc, núi cao rừng rậm, dân cư thưa thớt, giao thông bất tiện quân Pháp phòng ngự tương đối yếu. Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm đều cho rằng: mở chiến trường Tây Bắc, đánh mấy chiến dịch, giành lấy vùng Tây Bắc làm cho nó liền một dải với căn cứ địa ViệtBắc, tiến có thể công thoái có thể thủ, tương đối có lợi. Nhưng kiến nghị này không được phía Việt Nam chấp nhận.

Lúc này, quân đội Việt Nam từ trên xuống dưới đều nhằm vào vùng đồng bằng sông Hồng. Kiên trì muốn tác chiến ở đồng bằng, trực tiếp uy hiếp Hà Nội, thực hiện tổng phản công. Vi Quốc Thanh qua phân tích cho rằng cứ điểm quân Pháp ở vùng đồng bằng dày đặc, địa hình thoáng rộng, giao thông thuận tiện có lợi cho quân địch nhanh chóng tăng viện, cũng tiện cho việc phát huy hoả lực của pháo và không quân, điều đó rất bất lợi cho quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng cũng có điều kiện có lợi, cư dân phần lớn là dân tộc Kinh, cơ sở quần chúng khá tốt, có sự phối hợp của đội du kích. Địch hậu lại là vùng lương thực có thể cung cấp tại chỗ. Vi Quốc Thanh cảm thấy phía Việt Nam kiên trì tác chiến vùng đồng bằng cũng có đạo lý nhất định. Nhất là đồng chí nhớ tới lời dặn của các đồng chí lãnh đạo Trung ương luôn luôn nhấn mạnh đoàn kết tốt với đồng chí Việt Nam, nên đồng ý với ý kiến của Việt Nam. Vì thế trong thời gian nửa năm từ tháng 12/1950 đến tháng 6/1951, quân đội Việt Nam liên tiếp mở ba chiến dịch ở vùng ven đồng bằng sông Hồng.

Sau khi Vi Quốc Thanh và Võ Nguyên Giáp nghiên cứu, trước tiên chĩa mũi tấn công vào vùng trung du sông Hồng. Phương án tác chiến Vi Quốc Thanh đưa ra được phía Việt Nam tiếp nhận là: sử dụng sư 308 và hai trung đoàn của sư 312 vừa thành lập, áp dụng cách đánh bôn tập đường xa, bao vây cứ điểm, đánh chặn chi viện, lấy tiêu diệt 3-5 tiểu đoàn giành lấy một phần vùng sản xuất lương thực làm mục tiêu chiến dịch. Thời gian bắt đầu chiến dịch dự định vào hạ tuần tháng 12. Kế hoạch tác chiến này được Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phê chuẩn sau khi thảo luận. Đồng thời Vi Quốc Thanh báo cáo Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được đồng ý.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Chiến trường của chiến dịch trung du ở vùng Vĩnh Phú cách Hà Nội vài chục kilomét về phía tây bắc, là vùng ven tây bắc của đồng bằng sông Hồng. Trung tuần tháng 12, Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh dẫn nhân viên Ban chỉ huy Đoàn cố vấn theo Bộ chỉ huy tiền tuyến quân đội Việt Nam ra tiền tuyến. Bộ chỉ huy tiền tuyến quân đội Việt Nam đóng trên núi Tam Đảo, nơi nghỉ mát nổi tiếng ở miền bắc Việt Nam. Núi này cao 1590 mét, từ trên núi có thể nhìn xuống đồng bằng sông Hồng. Phía nam núi có đường ôtô chạy thẳng lên núi, nơi đó là vùng địch chiếm. Phía bắc núi sát vùng giải phóng Việt Bắc có đường mòn dốc đứng lên thẳng đỉnh núi. Vi Quốc Thanh năm đó 37 tuổi bỏ ngựa đi bộ, bước chân chắc nịch, sau hai ba giờ leo núi là cùng nhân viên Ban chỉ huy lên tới đỉnh. Trên núi rải rác bảy tám ngôi nhà tây kiểu biệt thự, cửa hư hỏng, trong nhà trống trơn. Những ngôi nhà này thành chỗ ở của Bộ chỉ huy tiền phương quân đội Việt Nam và Đoàn cố vấn.

Chiến dịch trung du nổ súng vào ngày 25/12, đại đoàn 308 đầu tiên tấn công cụm phòng tuyến lô cốt ngầm của địch ở giáp ranh hai tỉnh Vĩnh Phú và Bắc Ninh, cách Hà Nội hơn 30 km về phía bắc, đột kích bất ngờ, tốc chiến tốc thắng, một lúc công phá 5 cứ điểm địch, tiêu diệt khoảng 5 đại đội địch. Trung đoàn 209, sư 312 ngày 27 chạm trán với một tiểu đoàn nước ngoài của quân Pháp, qua hai giờ chiến đấu quyết liệt, cơ bản tiêu diệt tiểu đoàn này. Kết thúc thắng lợi tác chiến đợt 1.

Trận đầu thắng lợi, sở chỉ huy tiền tuyến quân đội Việt Nam tràn ngập không khí vui mừng. Năm mới đến Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái (Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân) mang rượu sâm banh Pháp lấy được của địch đến chỗ ở của Đoàn cố vấn thăm hỏi và liên hoan. Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái dẫn đầu mời Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh và đồng chí Trung Quốc khác cùng nhảy điệu múa Sạp. Trong buổi liên hoan, khách chủ liên tục nâng cốc chúc mừng thắng lợi, chúc mừng xuân mới.

Quân đội Việt Nam sau khi nghỉ ngơi, chỉnh đốn và chuẩn bị, ngày 13/1 bắt đầu tác chiến đợt 2 chiến dịch Trung Du. Một bộ phận sư 308 và sư 312 lần lượt tấn công hai cứ điểm Bảo Chúc và Ba Huyên phía bắc Kim Anh. Chủ lực của 2 sư đoàn mai phục ở hương bắc và đông bắc Kim Anh, chuẩn bị đánh chặn viện. Ngày 13 và suốt ngày đêm 14, quân đội Việt Nam liên tiếp tấn công hai cứ điểm trên, diệt hàng trăm quân địch. Quân Pháp đóng giữ Kim Anh đưa quân chi viện bị quân đội nhân dân phục kích, tiêu diệt một tiểu đoàn địch gốc Phi. Số còn lại rút lui, Quân đội Nhân dân truy kích, triển khai cuộc chiến đấu giành giật điểm cao với quân Pháp tiếp tục tăng viện ở vùng Hữu Thủ. Quân đội Nhân dân có lúc ở vào tình thế có lợi, nhưng quân địch tiếp viện từ Hà Nội đến nhanh, tổng binh lực của địch tăng lên hơn 10.000 tên. Ngày 16 và 17, quân Pháp lợi dụng địa hình trống trải, cho máy bay và đại bác ném bom bắn phá điên cuồng, quân đội Việt Nam thương vong tương đối lớn. Do thiếu lực lượng hậu bị, quân đội Việt Nam rút lui chiến đấu, kết thúc chiến dịch. Chiến dịch này tiêu diệt tất cả hơn 2000 tên địch, quân đội Việt Nam cũng trả giá gần 1000 người thương vong.

Sau chiến dịch Trung Du, Vi Quốc Thanh đề xuất với Việt Nam, kết quả của chiến dịch Trung Du cho thấy, tác chiến với quân Pháp ở vùng đồng bằng có rất nhiều điều bất lợi, không dễ đánh tiêu diệt chiến, chi bằng chuyển sang vùng Tây Bắc, mở chiến trường Tây Bắc. Ý kiến của Vi Quốc Thanh vẫn không được phía Việt Nam chấp nhận. Sau hai tháng nghỉ ngơi chỉnh đốn, quân đội Việt Nam lại mở chiến dịch Đông Bắc vào hạ tuần tháng 3. Lựa chọn chiến trường chính của chiến dịch Đông Bắc là vùng phụ cận Uông Bí trên quốc lộ 18 cách Hải Phòng hơn 30 km về phía bắc. Sau khi nghiên cứu hệ thống phòng ngự trên tuyến quốc lộ 18 của quân Pháp, Vi Quốc Thanh cảm thấy binh lực của địch ở vùng gần Uông Bí quả là tương đối mỏng yếu, cùng phía Việt Nam nghiên cứu và xác định bố trí tác chiến: sử dụng mỗi sư đoàn 2 trung đoàn của ba sư đoàn 308, 312, 316, tất cả binh lực là 7 trung đoàn, vẫn áp dụng cách đánh tấn công các cứ điểm, đánh chặn viện, lấy tiêu diệt một số tiểu đoàn địch và giải phóng một số vùng làm mục tiêu tác chiến.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Trung tuần tháng 3, Vi Quốc Thanh cùng Mai Gia Sinh và Đặng Dật Phàm dẫn nhân viên Ban chỉ huy Đoàn cố vấn theo Bộ chỉ huy tiền phương quân đội Việt Nam ra tiền tuyến. Bắt đầu từ ngày 23/3 quân đội Việt Nam tấn công liên tiếp vào bốn cứ điểm lan tháp v.v.. dụ quân Pháp tăng viện. Nhưng quân Pháp sau khi bị động trong chiến dịch Trung Du, trở nên thận trọng, không đưa quân chi viện. Sau ba ngày quân đội Việt Nam lại đánh lấy hai cứ điểm là Bí Tắc, Trường Bạch, quân Pháp vẫn không chi viện. Quân Pháp tăng cường binh lực ở vùng chúng bị đe doạ, dựa vào công sự cố thủ, đồng thời dùng đại bác ở căn cứ lân cận sát thương quân đội Việt Nam. Đêm 29 đến ngày 30, quân đội Việt Nam tấn công hai cứ điểm thị trấn Mạo Khê và và ở mỏ than Mạo Khê đều không thuận lợi, bộ đội thương vong tương đối lớn. Đêm mồng 4 và ngày 5/4, quân đội Việt Nam liên tục tấn công các cứ điểm Tân Đáp, Bãi, Thảo Hoàng chiếm vu lại không thành công. Do thời gian kéo dài đã lâu, quân đội Việt Nam không còn lương thực không thể chiến đấu nữa nữa nên lui quân. Chiến dịch này tiêu diệt hơn 1100 tên đich, còn quân đội Việt Nam thương vong hơn 1700 người, không đạt mục đích chiến dịch.

Trên đường trở về đại đoàn, Vương Thạc Tuyên cố vấn đại đoàn 308 khi gặp Vi Quốc Thanh nói: “Chúng tôi đã đánh hai trận ở đồng bằng đều không lý tưởng, sau này không nên đánh như thế nữa”. Vi Quốc Thanh giải thích: “Trung ương cử chúng ta đến đây là để hết sức giúp đỡ quân đội Việt Nam. Hai bên có ý kiến khác nhau đối với kế hoạch chiến dịch sẽ thường xuyên xảy ra. Chúng ta nên nhẫn nại, không nên sốt ruột đối với vấn đề này. Chúng ta sẽ rút kinh nghiệm, tin rằng Việt Nam cũng sẽ rút kinh nghiệm trong thực tiễn chiến đấu ”.

Trước khi mùa mưa đến, quân đội Việt Nam lại mở chiến dịch Ninh Bình. Vùng Ninh Bình ở góc tây nam của châu thổ sông Hồng. Ở hướng chủ công, quân đội Việt Nam sử dụng đại đoàn 308 và 304 đóng ở tỉnh Thanh Hoá, tất cả binh lực có 6 trung đoàn. Ý đồ tác chiến là trước tiên tấn công một số cứ điểm của quân Pháp, phục kích bộ đội tăng viện của quân Pháp, nếu địch không xuất quân chi viện thì mở rộng chiếm đóng một số vùng dân cư đông đúc, thu thập nhanh lương thực. Vi Quốc Thanh lại dẫn Ban chỉ huy theo Bộ chỉ huy tiền phương quân đội Việt Nam ra tiền tuyến giúp chỉ huy chiến dịch.

Ngày 28-5, chiến dịch Ninh Bình mở màn, tác chiến đợt 1, quân đội Việt Nam luồn sâu tập kích Ninh Bình và cứ điểm địch dọc tuyến quốc lộ 1. Qua hai đêm chiến đấu, quân đội Việt Nam tấn công tỉnh lỵ Ninh Bình và hơn 10 cứ điểm ở nam, đông nam Ninh Bình, tiêu diệt hơn 600 tên đich. Trung úy Bernard de Lattre de Tassigny, con trai Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, chỉ huy ở cứ điểm Âu Ni cũng bị quân đội Việt Nam bắn chết. Chiến dịch mở đầu tương đối thuận lợi.

Tác chiến đợt 2 do địch tăng cường lực lượng phòng thủ, Quân đội Nhân dân tuy hạ được một số cứ điểm tiêu diệt một số địch nhưng có những cứ điểm không công phá nổi, đánh chặn viện cũng không được thuận lợi, bộ đội thương vong tương đối lớn, phải rút khỏi chiến đấu. Ngày 20/6 kết thúc chiến dịch. Chiến dịch này công phá được 22 cứ điểm, tiêu diệt hơn 3.100 địch.

Ba lần tác chiến ở vùng Trung Du, Đông Bắc, Ninh Bình là ba chiến dịch quân đội Việt Nam tấn công phòng tuyến kiên cố của địch trong đó quy mô vùng ven đồng bằng Bắc Bộ. Đều là mở đầu tương đối tốt, đột kích bất ngờ, công phá một số cứ điểm, tiêu diệt một số địch. Sau đó, địch hoặc lợi dụng hoả lực của các cứ điểm chi viện cho nhau để cố thủ, hoặc lợi dụng điều kiện giao thông thuận tiện v.v.. nhanh chóng điều động binh lực, phát huy ưu thế không quân đại bác, sát thương nặng Quân đội Nhân dân, làm cho Quân đội Nhân dân rơi vào bị động, đành phải kết thúc chiến dịch. Điều đó làm cho Vi Quốc Thanh tỉnh táo nhận thức rằng, quân đội Việt Nam tiến hành tác chiến quy mô tương đối lớn ở vùng đồng bằng và kẻ địch có quân mạnh phòng thủ, thì thời cơ chưa chín muồi. Xem xét từ tình thế địch ta trên toàn Bắc Bộ, cần phải giúp phía Việt Nam có sự chỉ đạo chiến lược sát thực tế hơn để giành thắng lợi lớn hơn. Vì vậy, cần phải trình bày trực tiếp tình hình với Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, xin Trung ương đưa ra quyết đoán.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Lúc này, Vi Quốc Thanh sang Việt Nam đã gần một năm. Tình hình sức khoẻ của đồng chí rất xấu, ngoài bệnh dạ dày đường ruột thỉnh thoảng lên cơn đau, lại mắc bệnh chóng mặt, đau đầu. Đó là trước lúc chiến dịch Đông Bắc, đồng chí ngày đêm suy nghĩ để đánh tốt trận này. Bỗng một hôm, tự nhiên cảm thấy trời đất quay cuồng, đầu đau như búa bổ, toàn thân chao đảo, cảm thấy còn khó chịu hơn bị thương nặng trước đấy nhiều năm, nằm trên giường tre chốc chốc lại rên. Bác sĩ quân y theo đoàn không thể chẩn đoán chính xác, không dám cho thuốc. Võ Nguyên Giáp biết tin, cử tiến sĩ y học ở Pháp, bác sĩ riêng của đồng chí đến khám, xem xong nói là bị sốt rét. Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm chưa cho đồng chí uống thuốc, điện khẩn cho Lâm Quân Tài cố vấn quân y ở rất xa đến gấp để chẩn đoán bệnh. Sau khi Lâm hỏi rõ bệnh tình, chẩn đoán chính xác là lớp vỏ đại não mất cân đối vì động não quá mức gây ra. Sau khi cho thuốc an thần ngủ một đêm, bệnh tình mới khỏi. Nhưng sau đó, thỉnh thoảng nổi cơn chóng mặt, đau đầu.

Chiến dịch Ninh Bình kết thúc, mùa mưa đã đến, hai bên Việt – Pháp đều không có chiến sự lớn. Vi Quốc Thanh lại điện báo cáo cho Quân uỷ Trung ương, xin về nước để báo cáo tình hình và chữa bệnh. Trung ương trả lời đồng ý, thượng tuần tháng 7/1951, đồng chí rời nơi ở Việt Bắc trở về Bắc Kinh. Sau khi Vi Quốc Thanh về nước, quân đội Việt Nam lại mở chiến dịch Hoà Bình đập tan phản công của quân Pháp ở vùng đồng bằng. Sau khi quân Pháp bị thất bại thảm hại ở chiến dịch biên giới, Chính phủ Pháp bổ nhiệm Jean de Lattre de Tassigny, nguyên tư lệnh lục quân liên minh Tây Âu, làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương. De Lattre sau khi đón nhận nhiệm vụ, một mặt tích cực xây đắp công sự phòng ngự bằng bê tông cốt sắt xung quanh châu thổ sông Hồng, ra sức tạo ra vùng trống không có người để cắt đứt liên hệ với vùng giải phóng ; mặt khác ra sức phát triển nguỵ quân, tập trung bộ đội tinh nhuệ xây dựng binh đoàn cơ động, để đối phó tấn công của Quân đội Nhân dân và tăng cường “càn quét” vùng du kích. Trong thời gian một năm, quân Pháp đã phá huỷ 90% căn cứ địa du kích sau lưng địch của quân đội Nhân dân Việt Nam, từ đó đứng chắc chân. De Lattre cho rằng, thời cơ lấy lại quyền chủ động chiến trường Bắc Bộ đã đến. Thượng trung tuần tháng 11/1951, quân Pháp huy động 6 binh đoàn cơ động, có không quân, lính thiết giáp và hạm đội trên sông phối hợp dọc sông Đà và quốc lộ số 6, chia làm hai ngả tiến vào vùng giải phóng tây nam Hà Nội, chiếm đóng vùng Hoà Bình.

Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Tổng Quân uỷ QĐNDVN quyết định mở chiến dịch Hoà Bình. Phía Việt Nam tiếp nhận kiến nghị của La Quý Ba, Đoàn trưởng Đoàn cố vấn chính trị ; đưa bộ phận chủ lực vòng sau lưng địch, tấn công quân địch, phát triển chiến tranh du kích sau lưng địch. Bố trí cụ thể là, dùng hai đại đoàn chủ lực tấn công quân địch ở Hoà Bình, đem ba đại đoàn chủ lực lần lượt đi sâu vào sau lưng địch. Ở mặt trận Hoà Bình, quân đội Việt Nam công phá mấy cứ điểm, tiêu diệt 2 tiểu đoàn và một đội thuyền trên sông. Nhưng khi tấn công cứ điểm Phiêu không được, bộ đội thương vong tương đối lớn đã chuyển sang bao vây lâu dài quân địch ở Hoà Bình. Bộ đội chủ lực vào sau lưng địch phân tán xuất kích, đạp tan nguỵ quyền, phát triển chiến tranh du kích, không những khôi phục toàn bộ căn cứ địa du kích trước đây mà còn mở ra một vùng rộng lớn mới, trực tiếp đe doạ Hà Nội, làm cho quân Pháp bị bao vây bốn phía, khó bề xoay xở, đành phải rút khỏi vùng Hoà Bình vào hạ tuần tháng 2/1952, chiến dịch Hoà Bình kết thúc thắng lợi.

(Còn tiếp)

Vu Hoá Thầm

(đăng trong Thượng tướng phong vân lục nxb Đại Bách Khoa toàn thư  năm 2000)

Tiểu đoàn Mường tại phân khu Vĩnh Yên, phía sau là dẫy núi Đanh.

Tán binh Sénégalais mà một đại đội bị tràn ngập tại đồn Bảo Chúc cách Vĩnh Yên 12 km.

Các chiến dịch Đồng bằng của Việt Minh trong năm 1951

Tù binh Việt Minh

Tướng De Lattre trao phần thưởng tại trung học Chasseloup Laubat (trường Lê Quý Đôn sau này) 11 tháng 7-1951