Liên trận Đông Khê-Cốc Xá là một chiến thắng sấm sét. Trong vòng 1 tuần lễ Việt Minh “giải phóng” toàn khu biên giới, đánh tan 8 tiểu đoàn quân viễn chinh. Câu hỏi đặt ra: Vì sao Võ Nguyên Giáp đã không tiến xuống Tiên Yên vây quân Pháp vào chiếc rọ Móng Cái? Khả năng “giải phóng” tỉnh Quảng Ninh là khả dĩ.

Bộ chỉ huy Bắc phần của tướng Alessandri không còn trừ bị chiến thuật, 2 tiểu đoàn Nhảy dù duy nhất đã tan hàng trên đường số 4. Khu vực An Châu-Tiên Yên-Bình Liêu chỉ còn mỗi tiểu đoàn 3 của trung đoàn 21 Bộ binh Thuộc địa phân tán mỏng khắp 18 đồn canh. Tại Móng Cái, tiểu đoàn 2 của trung đoàn 5 Lê dương mất liên lạc với đại tá Constans, vì bộ tư lệnh Khu Biên Thùy Đông Bắc hấp tấp triệt thoái khỏi Lạng Sơn không kịp phá hủy 940 đại liên, 1200 trung liên, 8000 súng trường, 125 súng cối đủ trang bị cho 2 sư đoàn Việt Minh… Trước tình trạng mất tinh thần phía Pháp, Võ Nguyên Giáp đã dừng lại. Trong hồi ức Đường Tới Điện Biên Phủ, đại tướng thanh minh: “Trước đà đổ vỡ của toàn bộ Khu Biên thùy và tình hình hoảng loạn của quân địch, tôi định ra lệnh cho bộ đội tiếp tục truy kích tới Tiên Yên. Nhưng đồng chí Trần Canh góp ý kiến là không nên. Vì Tiên Yên ở xa, chiến dịch đã thành công lớn, ta cần một chiến thắng trọn vẹn.  Trần Canh đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn nên có kinh nghiệm về vấn đề này”. Nếu đây là một lỗi lầm thực sự của Trần Canh, thì lỗi lầm này càng cho thấy rõ chính cố vấn Trung Cộng ra quyết định sau cùng mà không phải Võ Nguyên Giáp. Thứ bậc giữa cả hai còn hiện ra trong chi tiết “Trần Canh dập máy xuống” khi đang nói chuyện với Võ Nguyên Giáp qua ghi chép của Vu Hóa Thầm.  [Trần Vũ]

 ĐỒNG CHÍ VI QUỐC THANH TRONG VIỆN TRỢ VIỆT NAM ĐẤU TRANH CHNG PHÁP

Vu Hoá Thầm

bản dịch của DƯƠNG DANH DY

[…]

Lúc ấy, Hồ Chí Minh đã từ hậu phương lên tiền tuyến. Người đã phê chuẩn kế hoạch tác chiến chiến dịch biên giới và chỉ rõ: “Chiến dịch này chỉ được thắng, không được thua ”. Người vô cùng tín nhiệm yêu cầu Trần Canh bảo đảm thắng lợi của chiến dịch này. Trần Canh nói: “Tôi nhất định dốc sức giúp đánh tốt trận này, nhưng đánh trận chủ yếu còn dựa vào cán bộ chỉ huy bộ đội và quần chúng nhân dân Việt Nam”. Để quán triệt thực thi kế hoạch tác chiến nói trên, Vi Quốc Thanh khẩn trương bận rộn tiến hành các công việc. Đồng chí luôn luôn liên hệ với các tổ cố vấn bộ đội tham chiến, tìm hiểu tình hình, giải đáp vấn đề, bố trí công tác; kịp thời bàn bạc với Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm và cố vấn hậu cần Mã Tây Phu, giúp cơ quan các Tổng cục Quân đội nhân dân Việt Nam làm tốt các công tác chuẩn bị chiến dịch. Dưới sự giúp đỡ hết mình của các tổ cố vấn, các công tác chuẩn bị cho cuộc vận động chiến quy mô lớn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào thượng tuần tháng 9 đã cơ bản hoàn tất. Ngày 16/9, chiến dịch Biên Giới bắt đầu. Đêm 16/9, Trung đoàn 174 bộ đội chủ công được pháo binh phối hợp, mở cuộc tấn công quân địch ở Đông Khê. Dưới sự yểm trợ của các loại hoả lực, Quân đội Nhân dân Việt Nam lần lượt chiếm lĩnh một số cứ điểm ngoại vi Đông Khê, nhưng triến triển chậm chạp sau khi tiến gần tới trung tâm phòng ngự của địch. Sáng sớm ngày 17, địch phản kích dưới sự yểm trợ của máy bay. Do Quân đội Nhân dân Việt Nam thiếu kinh nghiệm, chỉ huy không kịp thời, nên rút lui khỏi trận địa đã chiếm lĩnh.

Sau khi Trần Canh và Vi Quốc Thanh biết được tình hình này hết sức lo lắng, lập tức đến bộ chỉ huy tiền tuyến Quân đội Nhân dân, gặp Võ Nguyên Giáp, cùng nghiên cứu nguyên nhân tấn công bị thất bại, ra lệnh cho bộ đội điều chỉnh sự bố trí, bao vây chặt, đề phòng địch phá vây, đến tối sẽ tấn công lại.

Tối 17, do bộ đội tuyến trước không hành động theo bố trí đã định trước, chỉ tấn công từ một phía, làm cho địch tập trung được hoả lực ngoan cố chống cự. Đến nửa đêm, tấn công vẫn chưa đạt hiệu quả, bộ đội thương vong khá lớn, lại chuẩn bị rút khỏi cuộc lui chiến đấu. Sau khi Trần Canh và Vi Quốc Thanh chăm chú theo dõi phát triển của trận đánh biết được tình hình này đã lập tức khẩn cấp kiến nghị với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp: “ Ra lệnh cho bộ đội tiếp tục kiên trì không tiếc bất cứ giá nào, đồng thời điều chỉnh lại bố trí, đổi thành tiến công cả bốn phía, trọng điểm nhằm vào phía Bắc và phía Nam ”. Phía Việt Nam chấp nhận kiến nghị này. Vi Quốc Thanh lập tức điện thoại cho Trương Chí Thiện cố vấn trung đoàn 174 biết ý đồ này ; ra lệnh cho Trương giúp người chỉ huy trung đoàn này nhanh chóng điều chỉnh bố trí, chuẩn bị tốt cho việc đánh tiếp. Trước khi trời hừng sáng, tấn công lại lần nữa, kịch chiến đến 8g ngày 18, cuối cùng tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Sau khi cuộc chiến đấu kết thúc điều tra ra, quân địch đóng giữ Đông Khê chỉ có hơn 2 đại đội, không đến 400 tên, quân đội Việt Nam với binh lực 7000 người, tấn công hai đêm, thương vong 500 người mới thắng. Mặc dù cái giá rất lớn, nhưng mục tiêu bước đầu của chiến dịch đã đạt được, tức là một thắng lợi không nhỏ. Quân đội Việt Nam đánh được Đông Khê làm cho Vi Quốc Thanh mấy ngày qua căng thẳng tinh thần cao độ thở phào. Nhưng súc khoẻ của đồng chí không trụ nổi. Trong hoàn cảnh chiến tranh lâu dài, đồng chí mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính và thần kinh suy nhược. Sau này ở Bắc Kinh lại viêm ruột thừa, chuyển sang viêm màng ổ bụng, sau khi ra viện bận việc tổ chức Đoàn cố vấn, sức khoẻ chưa được phục hồi tốt. Sau khi vào Việt Nam chưa được mấy ngày, đồng chí lại mắc bệnh dạ dày, đau bụng đi lỏng, liên tục uống thuốc không khỏi. Đồng chí nổi nóng cáu gắt với quân y đi theo cũng chẳng được gì. Sức khoẻ đồng chí ngày càng gầy yếu, vẫn kiên trì công tác khẩn trương.

Sau tấn công Đông Khê, Trần Canh và Mai Gia Sinh, Đặc Dật Phàm khuyên bảo, đồng chí mới về điều trị ở bệnh viện lục quân tại Long Châu, Quảng Tây. Theo kế hoạch chiến dịch dự định, sau khi lấy được Đông Khê, nếu địch ở Thất Khê không ra chi viện, thì thừa thắng tấn công tiêu diệt địch ở Thất Khê. Nhưng lúc này Trần Canh biết được, lính địch đóng giữ ở Thất Khê tăng lên 4 tiểu đoàn. Theo kinh nghiệm của trận Đông Khê, nếu với lực lượng hiện có của quân đội Việt Nam tấn công tiêu diệt địch ở Thất Khê là rất khó khăn. Sau khi Trần Canh cùng Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp nghiên cứu, thay đổi kế hoạch ra lệnh cho đại đoàn 308 tiếp tục mai phục ở nam Đông Khê, chờ thời cơ tiêu diệt địch.

Trong 10 ngày sau đó, quân địch ở Thất Khê vẫn không động tĩnh. Lúc này một số cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam nảy sinh tư tưởng nôn nóng và oán trách. Có người nói, đánh Đông Khê là sai lầm, tiêu hao lực lượng của mình, lại không có viện binh để đánh, cũng tiêu mất thời cơ có lợi đánh Cao Băng. Có người nói địch ở Thất Khê không xuất quân chi viện, chi bằng đưa quân lên phía bắc đánh Cao Bằng. Có người chủ trương rút quân về bảo vệ Thái Nguyên. Bởi vì lúc này quân Pháp đã tập trung binh lực mấy tiểu đoàn, đang tấn công vào vùng Thái Nguyên trụ sở cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, quân đội Việt Nam.

Trần Canh không dao động trước những lời bàn tán đó. Đồng chí tin chắc bộ chỉ huy quân Pháp sẽ không bỏ mặc hơn 1000 quân ở Cao Bằng. Theo phán đoán bố trí của quân Pháp đã làm, nhất định còn chuyện tiếp. Đồng chí kiến nghị với Võ Nguyên Giáp, thuyết phục cán bộ, nhẫn nại kiên trì, bình tĩnh chờ đợi hành động tới của quân địch, nắm bắt thời cơ tiêu diệt địch. Trần Canh còn cho rằng địch tấn công Thái Nguyên là kế điệu hổ ly sơn. Để đánh lừa quân địch, đề nghị bộ chỉ huy tiền tuyến Quân đội Nhân dân cho trung đoàn 174 vờ di chuyển về phía nam Thất Khê. Hành động này quả nhiên có hiệu quả. Bọn địch nhầm tưởng chủ lực quân đội nhân dân Việt Nam quay xuống phía nam bảo vệ Thái Nguyên, vẫn thực hiện kế hoạch chi viện dự định của họ, rơi vào thòng lọng do Trần Canh giăng sẵn.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Đêm 30/9, binh đoàn Lepage của Pháp tiến vào bắc Thất Khê, hòng chiếm lại Đông Khê, để tiếp ứng cho binh đoàn Charton sẽ rút khỏi nam Cao Bằng. Sau khi bị trung đoàn 209 quân đội Việt Nam chặn đánh, quân Pháp buộc phải triển khai bộ đội chiếm đóng một số điểm cao nam Đông Khê, không vào được Đông Khê. Biết được tình hình này, Trần Canh rất phấn khởi, cho rằng thời cơ tiêu diệt địch đã đến. Nhưng lúc này vì bộ đội thiếu lương thực, đại đoàn 308 có trên một nửa chiến sĩ lên hướng Thuỷ Khẩu Trung Quốc vác gạo. Điều đó làm cho Trần Canh rất lo lắng. Đồng chí một mặt kiến nghị khẩn cấp với Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho bộ đội nhanh chóng tập trung đón địch, mặt khác điện thoại cho Vương Thạc Tuyền cố vấn đại đoàn 308, yêu cầu đồng chí đôn đốc phía Việt Nam cấp tốc tập trung bộ đội để bao vây, tấn công địch, được một tiểu đoàn xuất phát một tiểu đoàn, được một đại đội xuất phát một đại đội, không chậm trễ một phút.

Dưới sự chỉ huy quyết đoán của Trần Canh, nói chung là tóm được kẻ địch. Nhưng do tổ chức không chặt, hiệp đồng cũng không tốt, dẫn đến phần lớn cuộc tấn công chưa đạt hiệu quả. Ngày 3/10, binh đoàn Charton từ Cao Bằng bỏ chạy xuống phía nam, nhưng bị bộ đội địa phương Việt Nam chặn đánh, nên tiến quân chậm chạp. Đêm hôm đó, binh đoàn Lepage lợi dụng thời cơ ban đêm quân đội Việt Nam ngừng tấn công, lén lút luồn qua núi Cốc Xá, ở tây quốc lộ 4, tây nam Đông Khê 7 km, chiếm lĩnh địa hình có lợi, chờ Charton tiếp ứng binh đoàn cùng chạy về phía nam. Ngày hôm sau, binh đoàn Charton được biết binh đoàn Lepage chưa chiếm được Đông Khê, mà chỉ vào núi Cốc Xá, nên không dám tiến theo quốc lộ 4 nữa, phá ôtô, đại bác và quân nhu, đi lối tắt đến điểm cao 477 gần núi Cốc Xá, hòng gặp binh đoàn Lepage, rồi cướp đường chạy về Thất Khê.

Trần Canh cho rằng, tình thế địch ta hiện nay rất có lợi cho ta, cơ hội tiêu diệt địch khó có, cần phải trước hết cần kiên quyết, nhanh chóng tiêu diệt binh đoàn Lepage sau đó di chuyển binh lực tiêu diệt binh đoàn Charton, quyết không cho chúng tập họp chạy về phía nam.

Ngày 4, quân đội Việt Nam truy đuổi về hướng vùng núi Cốc Xá, và liên tục triển khai tấn công quân địch chiếm núi Cốc Xá. Cuộc chiến đấu khá quyết liệt, tuy giết chiết làm bị thương một số quân địch, nhưng chưa có tiến triển rất lớn, bộ đội ta cũng có không ít thương vong, có một số cán bộ bắt đầu kêu khổ.

Tối ngày 4, Bộ chỉ huy Tiền phương Quân đội Việt Nam ra lệnh cho bộ đội tạm ngừng tấn công để nghỉ ngơi chỉnh đốn. Đồng thời Võ Nguyên Giáp gọi điện thoại cho Trần Canh nói: “Căn cứ phán đoán tình hình địch, hai cánh quân địch sẽ có thể nhanh chóng gặp nhau, lực lượng sẽ được tăng cường. Bộ đội đã đánh liên tiếp 3 ngày liền, tương đối mệt nên chăng rút về nghỉ ngơi chỉnh đốn?

Trần Canh nghe thế vội nói ngay : “ Một trận như thế này mà không đánh nữa thì không có trận nào nữa đâu ”. Võ Nguyên Giáp vẫn kiên trì ý kiến của mình: “ Bộ đội quá mệt, tôi thấy rất khó tiến công…”

Nhìn thấy thời cơ rất tốt sắp bỏ qua, Trần Canh cũng không nhẫn nhịn được nữa, nói to trước ống nghe : “Nếu trận này không đánh nữa thì tôi xin cuốn gói chuồn! ”. Ngừng một lát, Trần Canh lại nói : “Vào giờ phút then chốt này, bộ chỉ huy mà dao động thì chôn vùi thời cơ rất tốt để chiến dịch thắng lợi ”. Trần Canh dập máy xung.

Trần Canh suy nghĩ một lát để bình tâm trở lại rồi lập tức cầm bút viết thư cho Hồ Chí Minh kiến nghị Người ra mệnh lệnh và cổ vũ bộ đội tiền tuyến không sợ hy sinh, anh dũng chiến đấu, nhanh chóng tiêu diệt binh đoàn Lepage, sau thắng lợi lập tức di chuyển binh lực tiêu diệt binh đoàn Charton. Đồng chí Trần Canh cũng điện báo kế hoạch này cho Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Hồ Chí Minh tiếp nhận kiến nghị của Trần Canh, lập tức ra chỉ thị cho bộ đội tiền tuyến.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Ngày 6/10, Mao Trạch Đông điện trả lời Trần Canh, nêu rõ : “Các đồng chí phải nhanh chóng, kiên quyết, triệt để tiêu diệt quân địch ở tây nam Đông Khê, cho dù thương vong tương đối lớn cũng không nên quá lo, không nên dao động (phải tính đến trong cán bộ có thể có tình hình đó), ngoài ra, phải bám chặt bọn địch trốn khỏi Cao Bằng, không để chúng chạy thoát. Và phải có bố trí trước việc quân địch ở Lạng Sơn có thể đưa quân chi viện. Chỉ cần ba việc trên được xử lý xác đáng thì thắng lợi thuộc về các đồng chí ”.

Trần Canh xem điện trả lời của Mao Trạch Đông rất phấn khởi, lập tức báo cáo với Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh cũng rất phấn khởi. Quân đội Việt Nam được Hồ Chí Minh cổ vũ tinh thần phấn chấn hẳn lên. Trải qua chiến đấu quyết liệt, binh đoàn Lepage đã không chống cự nổi. Chiều ngày 6, Lepage dẫn tàn binh bại tướng lùi về trong hang Dơi cố thủ. Sáng ngày 7, tiểu đoàn 130 quân đội Việt Nam bao vây hang này, người phó của Lepage vừa ra cửa hang, bị một tràng đạn của quân đội Việt Nam bắn chết. Lepage và viên tham mưu đành phải nộp súng đầu hàng quân đội Việt Nam.

Thắng lợi tiêu diệt toàn bộ binh đoàn Lepage cổ vũ rất lớn tinh thần binh lính quân đội Việt Nam, làm lung lay dữ dội lòng quân của binh đoàn Charton. Đại đoàn 308 lập tức chuyển quân tấn công tiêu diệt binh đoàn Charton. Chiều cùng ngày binh đoàn Charton cũng bị tiêu diệt hoàn toàn. Đại tá Charton và tỉnh trưởng nguỵ quyền Cao Bằng đều bị bắt sống. Hai binh đoàn Lepage và Charton bị tiêu diệt làm cho quân Pháp trên phòng tuyến quốc lộ 4 hết sức kinh hoàng, lũ lượt tháo chạy, từ Thất Khê, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập cho đến vùng phụ cận Tiên Yên ven biển. Phòng tuyến quốc lộ 4 mà quân Pháp ra công xây dựng ba năm bị sụp đổ hoàn toàn. Đến đây kết thúc thắng lợi chiến dịch Biên Giới.

Chiến dịch này tiêu diệt tất cả 8 tiểu đoàn hoàn chỉnh, hơn 8000 tên địch bị chết, bị thương, bị bắt làm tù binh, thu được rất nhiều vũ khí đạn được, giải phóng 18 thành phố, thị trấn và và khu vực có 350.000 dân, khai thông tuyến giao thông biên giới Trung – Việt, làm cho vùng giải phóng Việt Bắc mở rộng và củng cố, thay đổi rất lớn tình thế chiến lược địch ta trên chiến trường Bắc Bộ. Vi Quốc Thanh điều trị tại bệnh viện lục quân Long Châu, thân tại bệnh viện, tâm tại tiền tuyến, luôn luôn quan tâm theo dõi cuộc chiến phát triển. Bệnh tình có chuyển biến tốt, đồng chí vội ra viện, cùng với Trần Canh, có Võ Nguyên Giáp cùng đi, thị sát Lạng Sơn mà mới lấy lại. Sau đó về đến chỗ ở Nam Sơn. Ngày 10/10, Vi Quốc Thanh đưa ra kiến nghị bằng văn bản với Võ Nguyên Giáp về làm tốt công tác tổng kết chiến dịch, và đích thân chỉ đạo các tổ cố vấn giúp Việt Nam làm công tác tổng kết chiến dịch.

Sau khi nhận lời phát biểu tổng kết chiến dịch suốt 4 ngày ròng tràn đầy nhiệt tình với cán bộ từ cấp tiểu đoàn trở lên của bộ đội tham gia chiến dịch, ngày 29/10 Trần Canh gửi điện cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc : “ Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ công tác ở Việt Nam, năng lực đoàn cố vấn rất mạnh, không cần thiết lưu lại ở đây, xin về Bắc Kinh báo cáo công tác ”.

Ngày 30, Trung ương phúc đáp điện đồng ý Trần Canh về nước. Vì thế ngày 1/11 Trần Canh rời Nam Sơn, Việt Bắc trở về tổ quốc, Vi Quốc Thanh cử thư ký Nghiêm Dục Sinh đi tiễn.

(Còn tiếp)

Vu Hoá Thầm

(đăng trong Thượng tướng phong vân lục nxb Đại Bách Khoa toàn thư  năm 2000)

Trung tá Lepage và trung tá Charton thời gian “cải tạo” từ 1950 đến 1954.

Lính sơn cước Marốc của tiểu đoàn 1 Tabor.

Nhảy dù Lê dương với trung liên FM

Lính VN của tiểu đoàn 3 Biệt Cách Nhảy Dù Thuộc địa (3e BCCP)

Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù Lê Dương (1er BEP) với áo saut ngụy trang da beo.