Con Sóng là một truyện tình vui nhộn và tràn đầy băn khoăn giữa một tăng lữ và một sinh viên. Với hấp lực của thân thể qua giọng văn “quậy” của Cao Bình Minh. Đánh máy lại cho mùa Valentine. [Trần Vũ]

Trong lá thư gởi cho Phong tôi viết: “…Cuối tuần Hội có tổ chức picnic, nếu được ông về đi với em cho vui…” Phong trả lời không hứa chắc nhưng sẽ ráng thu xếp vì thời gian này ở hãng đang có quá nhiều công việc. Dù vậy lúc ghi tên và đóng trại phí tôi vẫn ghi và đóng cho anh. Hôm họp để phân công, tôi đưa tay tình nguyện vào nhóm “ẩm thực” -do chị Lan cầm đầu- kéo theo luôn hai đứa: Tâm và Mộc Lan. Tôi còn đề nghị món BBQ lần này thay vì sườn heo hay thịt bò nên thay bằng món đùi vịt ướp sả rồi nhận phụ trách món này. Mộc Lan nói nhỏ:

– Ủa, con này sao kỳ này lại hăng dữ vậy… Coi chừng có bão lớn đa…

Tôi chỉ cười chứ không nói, làm tỉnh. Sức mấy mà tụi nó hiểu được -cho dù là bạn chí thân của tôi- chẳng qua đây là món Phong rất hạp khẩu nên tôi mới hăng hái như vậy. Còn nữa, lúc nhóm ẩm thực kéo nhau đi chợ, tới phần mua trái cây đem theo tráng miệng ngoài các thứ cam, bôm, nho… tôi còn rinh thêm bốn trái dưa hấu cỡ lớn vì đây là món trái cây ruột của Phong -nghe đâu anh chàng sinh đẻ ở miệt Tân Châu hay Hồng Ngự. Mấy đứa kia la bài hãi vì sợ ôm không nổi nhưng tôi nhứt định và chị Lan cũng chiều theo.

Chiều thứ Năm, ngồi băm sả trộn với gia vị ướp đùi vịt mà tôi cứ liếc chừng cái điện thoại mắc trên tường -gần tủ lạnh- chờ nghe tiếng chuông reng của Phong. Nhưng cho tới khi công việc xong xuôi, tôi vừa rửa tay dọn dẹp vừa vặn người vì ngồi lâu mỏi -phải ướp tới hơn 6 “pao” đùi- cái điện thoại vẫn im thin thít, chẳng có tiếng tăm Phong đâu hết. Tôi về phòng lấy quần áo sửa soạn tắm thì bất ngờ chuông ré lên. Mừng muốn chết nhưng không phải Phong mà là con quỷ Tâm kêu tôi để hỏi cách pha dầu giấm trộn xà-lách. Món rau trộn này do cô ả chịu trách nhiệm. Nó ngạc nhiên:

– Có chuyện gì mà lúc bắt ống lên giọng mày mừng dữ vậy?

Tôi chối:

– Có gì đâu mậy…

Tâm nghi ngờ:

– Rõ ràng… à, chắc mày tưởng thằng cha Phong gọi về chứ gì…

Minh họa: minh tinh Tao Okamoto 

Tôi làm bộ lớn tiếng để che lấp:

– Vừa thôi… Mày chỉ giỏi tật tò mò và tưởng tượng… Có mỗi món pha dầu trộn xà-lách mà cũng phải hỏi đi hỏi lại cả trăm bận. Sau này thế nào cũng bị bà già chồng cho ăn đũa bếp.

Tâm không vừa:

– Sức mấy… Mà cũng tại mày… Tại mày nổi hứng ẩu tả chứ ai vô đây… báo hại luôn tao với con Mộc Lan… Giờ còn bày đặt xài xể nữa hả…

Lên giường tôi còn cố liếc con số 11:30 chói đỏ nơi mặt cái đồng hồ điện để chỗ bàn học, ráng an ủi chắc Phong đã về tới nhưng thấy trễ, thấy đã khuya nên không gọi tới sợ làm phiền trong nhà. Cũng may hì hục với mấy cái đùi vịt nguyên cả buổi tối đã thấm mệt nên tôi ngủ ngay không phải lăn trở, trằn trọc.

Tâm và Mộc Lan ghé rước tôi. Nó kể ơn:

– Dù có rọi đèn pha giữa sáng mày cũng không moi ra được ở đâu một tình bạn ngon lành như tao nghe An.

Tôi trề:

– Phải hôn đó… hay mày sợ bị mất món đùi vịt ướp sả. Tao rành mày quá mà.

Tới parking của trường -dùng làm điểm tập trung để đi- vừa quẹo vô đã thấy thằng Trung chạy tới đón, miệng bô bô:

– Ê.. ê.. chị An.. chị An có tin mừng cho chị.. tin bất ngờ -tôi giựt mình- kỳ này có thầy Nghiêm tham dự nữa.

Vô duyên! Tôi nổi quạu vì bị mừng hụt:

– Có ổng thì mắc mớ gì ta mà phải mừng chớ.

Trung nháy mắt muốn nói gì đó nhưng Tâm đã nhăn nhó ngắt ngang:

– Trời ơi, ổng theo bất thình lình như vậy rồi lấy gì cho ổng ăn đây? Không lẽ cũng ăn mặn như tụi mình?

Trung phát tay:

– Không lo chuyện này, thiền sư có nải theo lương chay để độ nhựt không phải làm phiền các nữ thí chủ.

Tôi rảo mắt quanh đám đông đứng ngồi lố nhố hy vọng thấy Phong vì có thể anh muốn làm cho tôi bất ngờ chơi. Không có. Thầy Nghiêm đứng nói chuyện với anh Thành -hội trưởng- và chị Lan, ngó tôi cười gật đầu. Hôm nay thầy không mặc áo nhà chùa mà mặc quần jeans xanh và áo sơ-mi ngắn tay màu lam. Ðầu thầy đội các-kết xanh lợt có thêu chữ Angel trắng của thằng Trung.

Thằng mắc dịch lo bô lô ba la với mấy đứa con gái năn nỉ tôi điểm danh giùm. Khi tới tên Phong tôi lướt qua vậy mà cũng phát nghẹn. Mọi người chia nhau lên xe theo sự sắp xếp của anh Thành. Tôi ngồi chung xe với con Tâm, Mộc Lan do thằng Trung cầm lái. Nó dụi dụi điếu thuốc vô cái gạt tàn -vì Tâm nhăn nhó chê nghẹt thở- hỏi tôi ủa sao chị không réo ông Phong về đi cho có đôi…? Tôi nói tại thấy ghét cái bản mặt của you đó… Trung cười hí hí rồi hát: “Lãng du khắp nơi.. anh ước mơ được hôn em trong giấc nồng.. lãng du.. lãng du.. xin cánh tay nàng kề êm êm dưới gối…” Mộc Lan cười rúc rích nói đúng là du ca chi bảo. Tôi ngó lui phía sau hy vọng sẽ thấy chiếc Honda Civic màu đen của Phong đang rượt theo.

Khoảng nửa giờ thì tới địa điểm. Tất cả ăn tạm bánh mì thịt nguội xong anh Thành phân công cho các ông dựng lều còn các nàng thì sắp xếp đồ đạc, sau đó mọi người được tự do cho tới khoảng bốn giờ tập hợp ăn chiều và sửa soạn đốt lửa trại. Chị Lan điểm mặt tụi tôi:

– Ba cô nương này muốn đi đâu thì đi nhưng phải về trước ba giờ phụ với tui lo bếp núc nghe không!

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Tâm đề nghị:

– Tụi mình làm bộ tới nịnh thằng Trung với ông Nghiêm để dành lều tốt. Sau đó đi lại chỗ bán đồ lưu niệm chơi.

Ba đứa kéo nhau tới chỗ thầy Nghiêm và thằng Trung đang hì hục căng lều. Cả hai đều cởi trần mình mẩy bóng mồ hôi. Con Mộc Lan nói nhỏ:

– Ê, ngó thầy Nghiêm coi. Ổng giống Lưu Gia Huy trong bộ phim “Thiếu Lâm Trường Hận” không… Thân hình ổng cũng nở nang võ sĩ quá chớ.

Tâm trề môi:

– Tao chỉ ngó mớ lông ngực của ổng thấy ổng giống Lỗ Trí Thâm hơn.

Tự nhiên tôi bênh vực:

– Mày nói bậy bạ không. Lỗ Trí Thâm trong phim bụng phệ, vú chảy, râu rìa, chân mày chổi chà, làm sao thầy giống ông sư lửa đó được…

Lúc đó hai người thấy tụi tôi nên ngừng tay mỉm cười. Tôi nghĩ con Mộc Lan nhận xét quá đúng, thầy Nghiêm có những nét hao hao giống như anh tài tử Tàu đóng vai chánh trong bộ phim về chùa Thiếu Lâm.

Thằng Trung quát:

– Ba bà này rảnh rỗi dữ vậy ta, trong khi tôi với thiền sư làm muốn tắt thở.

Mộc Lan chớp chớp mắt -con này có tật chớp mắt lia khi nói chuyện với đàn ông, con trai:

– Thì Mộc tới phụ đây nè. Thầy Nghiêm có gì cho tụi em làm phụ với.

Thầy Nghiêm lắc đầu, cười:

– Ðã xong rồi. Lều này là của Trung dành cho cô Lan, Mộc Lan, Tâm với … An đó.

Tôi hơi bối rối ngó xuống khi chạm trúng cái nhìn của thầy. Còn Tâm thì hớn hở:

– Vậy là tụi này có thể yên bụng đi chơi một vòng. Cám ơn thầy Nghiêm lắm lắm…

Trung thảy cái búa xuống cát rống lên:

– Một mình ông sư thôi à? Còn thằng này thì bỏ cho cá rỉa sao? Nhưng thôi tui không cần ơn nghĩa bằng miệng mà phải bằng vật cụ thể. Ði đâu đó mua cái gì về đền ơn là được… -nó quay sang tôi- …nhớ mua gì đền ơn cho thiền sư nghe chị An!

Tôi chưa kịp trả lời thì Trung với cái áo thun vừa lau mồ hôi vừa ngâm nga:

– …Ba cô đội gạo lên chùa… Một cô áo đỏ bỏ bùa cho sư…

Tôi nạt vừa thôi nghe khi nhận ra mình đang mặc áo thun đỏ có sọc ngang đen. Thầy Nghiêm cũng cú nhẹ lên đầu nó nói thằng khỉ này. Trung cười khì khì:

– OK, không chịu nghe thơ thì nghe nhạc… Ba bà đi bán lợn sề… Ba nàng đi bán lợn sề…

Tâm kéo tôi và Mộc Lan đi vừa nguýt:

– Ðồ đàn ông con trai gì miệng ong óng như bạn hàng tôm hàng cá.. miệng như cái loa bể.. như cái thùng lủng đít…

Tôi ngó lui cười gật đầu với thầy Nghiêm. Thầy cũng cười đưa tay lên tỏ dấu chào. Nắng và mồ hôi làm thân hình thầy bóng mượt thật đẹp. Tự nhiên tôi hơi rùng mình nhẹ và thấy cả người như mọc gai.

Ba đứa kéo nhau đi lòng vòng hết mấy tiệm bán những quà tặng, những món đồ lưu niệm, săm soi ngắm nghía mấy cái đèn ngủ, những con búp bê, những con thú, những món trang sức… được chế ra từ những vỏ ốc, vỏ sò, vỏ trai, những vỏ san hô. Tâm mua mấy xâu chuỗi và hai cái áo thun trắng có in hình mấy vết chân trên cát nơi ngực. Mộc Lan le lưỡi:

– Mắc dữ, tới mười đồng một cái. Thứ này tao mua ở chợ trời có hai đồng rưỡi.

Tâm nói dĩ nhiên rồi vì ở đây họ dụ khị bán cho du khách mà. Tôi chọn cho Phong một khối thủy tinh màu biển trong có một cái vỏ sò nhỏ, hai viên ngọc trai và mấy nhánh rong khô, dùng để chận giấy tờ trên bàn làm việc. Mộc Lan khen đẹp nói một đáy biển thu nhỏ lại. Tâm lắc đầu con bà cô này lúc nào cũng thơ với mộng… văn với chương… Rồi nó lôi hai đứa tôi qua quán giải khát đối diện vì thấy khát nước.

– Chắc tại món thịt nguội của bà Lan làm hơi mặn mà… chăng? Nó cười nói.

Tôi đòi ngồi nơi cái bàn tròn thấp để dưới bóng cây dù trắng có những lằn vạch đỏ. Tâm kêu một ly nước trái cây cỡ bự, còn tôi và Mộc Lan ăn kem. Mộc Lan thở khì nói:

– Thiệt xong xuôi cái Mid-term đi xả hơi mới thấy nhẹ mình nhẹ mẩy. Tuần rồi ngày nào tao cũng phải uống thuốc nhức đầu vì mấy thứ toán, hóa học, tâm lý học…

Tâm lấy muỗng vít kem ở ly tôi chép chép:

– Thôi đừng nhắc tới mấy của nợ đó nữa để đi chơi cho vui trọn… Ê… kem ở đây mùi vị cũng giống kem Casino-Westwood đó chớ.

Ngó miệng Tâm tôi chợt nhớ bài giới thiệu chủ đề Thu đêm cà phê nhạc năm rồi do con Kim Oanh đọc.

Minh họa: minh tinh Tao Okamoto

Bài văn cũng do con nhỏ viết luôn được cả ban chấp hành của Hội khen nức nở. Kim Oanh viết về nỗi nhớ thương những mùa Thu cũ nơi quê nhà, những mùa Thu của tình yêu, của những hẹn hò công viên ghế đá, những quán nước tiệm kem… Một đoạn tôi chợt nhớ -khi ngó nhỏ Tâm thử kem- như sau: “Ðêm mùa Thu trong một quán nước, nơi một góc bàn nào đó có những giọt cà-phê rơi thong thả, có màu sắc ngọt ngào của từng muỗng kem của môi cười e ấp…” Lần cà-phê nhạc đó có Phong và anh phê bình: “Văn của Kim Oanh ướt át lắm… phơi hết nắng mùa hè chưa chắc đã khô. Ðó là mầm non để thay thế lớp lá vàng Quỳnh Dao, Dung Sàigòn… đó”.

Còn chương trình nhạc thì Phong nói: “Bao nhiêu người lên hát với bao nhiêu đó nhạc phẩm nhưng chỉ chấm được một bài “Ông trăng xuống chơi của cô văn sĩ của Hội hát thôi. Chỉ có bài này nghe vui trẻ, khỏe mạnh, yêu đời dù cô ca sĩ đôi khi diễn tả sự thơ ngây có hơi nặng tay một chút. Mấy bài khác nghe trời sầu đất thảm quá”. Tôi hơi giận: “Thì chủ đề Thu mà… Nhạc Thu có bài nào vui đâu…” Phong hỏi: “Tại sao lại chọn chủ đề Thu? Sao không chọn những chủ đề khác để có thể hát những bản nhạc vui, những bản nhạc mạnh, nhạc hùng, nhạc đấu tranh?” Tôi mỉa mai: “Hát nhạc đấu tranh? Hát như đã có một thời ông đã hát phải không? Hát cho dân tôi nghe hay hát từ đồng hoang hay hát cho những xác người? Hát kêu gọi bỏ vũ khí… kêu gọi đào ngũ… Hát cho cây rừng được xanh lá… Hát tự nguyện làm hướng dương làm mây hồng rồi cuối cùng thì hát chào đón người về thành phố từ non từ rừng từ trong bưng ra… phải không?”

Xem thêm:   Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng

Phong lắc đầu: “Ðó là thời kỳ u minh lẫn lộn nên tụi anh dễ bị lầm, bị gạt, bị lôi kéo… Và cũng đã trả giá cho sự ngu muội đó của mình bằng một giá cắt cổ, bằng một giá máu rồi nên đáng được tội nghiệp… đáng được tha thứ…” Tôi muốn nói làm cho hăng, cho sướng rồi cứ nhận lỗi đòi được tha… Có vô số người đâu có làm, đâu có vay đâu tại sao bắt họ cũng phải trả… Nhưng không dám, chỉ hỏi: “Vậy sao ông vẫn chưa chịu nguội máu đấu tranh, chưa chịu dịu máu phản kháng?”. Phong ngó tôi: “Giờ chánh tà đã rõ ràng, đã phân biệt như dầu với nước thì làm sao có sự nhầm lẫn nữa chứ?”. Tôi đuối lý nhưng ráng: “Thì hát nhạc thương nhớ quê hương không phải là…” Phong cười nhẹ nhàng: “…Cứ ngồi yên ổn một chỗ mà chặm nước mắt mà hỉ mũi để than thở mùa Thu ở đây buồn hơn mùa Thu Sàigòn… nắng ở đây kém tươi hơn nắng bên nhà… Rồi khóc Sàigòn bị mất tên… đường phố bên nhà bị đổi họ… Than khóc cho nhiều nước mắt cũng đâu thể cuốn sạch được tụi ác ôn đó… hay nước mắt cũng đâu đủ trôi mình trở về được Việt Nam đâu…”

Tâm đập vai tôi:

– Ê An… từ sáng tới giờ sao tao thấy mày như bị mất vía, như bị phun bùa… Bộ đang nhớ thằng cha Phong hay sao?

Mộc Lan cũng gật đầu:

– À há, sao lần này anh Phong không về đi trại với mày hả An?

Miếng kem tôi nuốt lạnh ngắt:

– Ờ, ở…lúc này công việc hãng nhiều quá nên ảnh về không được.

Mộc Lan cười:

– Tính khi nào mới cưới đây?

Tôi lắc đầu:

– Còn xa vời quá cái chuyện chung thân khổ sai đó. Tao còn học chưa xong với lại chưa muốn mất tự do sớm.

Tâm quỷ quái:

– Miệng thì biết nói vậy mà hồn thì cứ ngẩn ngơ nhớ nhớ thương thương thằng chả hoài. Thấy mà phát đau lòng giùm mày… -rồi nó đổi giọng ngâm như rên- Ôi…ôi… chàng ở đầu sông thiếp cuối sông… đôi ta cùng uống nước chung dòng… nước sông là lệ người trinh nữ…

Tôi chửi đồ vô duyên… thôi đi về để bà Lan chửi tắt bếp. Gần ba giờ rưỡi rồi đó. Tâm tỉnh khô kệ cho bả la… đợi tao vô restroom cái đã…

Buổi sáng thay áo xuống bãi nhưng tôi đổi ý không tắm chỉ ngồi ngó mọi người lặn hụp vùng vẫy. Thằng Trung chạy tới hét:

– Chị An… Chị An… chịu khó thay áo tắm, chịu khó ra đây mà lại không tắm. Bộ chưa xin phép ông Phong nên không dám… Bộ chị sợ ngâm nước mặn rồi nắng ăn đen da, sợ ông Phong chê hả?

Tôi hất mặt:

– Ờ đó, có sao không?

Trung nói không có sao nhưng thấy hơi chướng… Ði biển mà không tắm thì có vẻ chướng và có vẻ bất bình thường… Không được thăng bằng lắm… Tôi rủa đồ quỷ rồi chọi nắm cát vô ngực nó rồi nói thằng này càng ngày càng hỗn càng ăn nói lờn mặt. Trung phủi phủi ngực ngó tôi không cười; lúc nào chị cũng tưởng tượng mình lớn hơn thiên hạ và nhỏ hơn thằng cha Phong hết. Tôi chưa có phản ứng thì Trung bỏ đi xuống chỗ đám con trai đang ồn ào chơi banh. Cái quần tắm bằng thun bó sát cặp mông vun chùn của nó chói lọi màu đỏ và màu xanh lông két đan nhau chằng chịt. Thằng này thân hình coi cũng đẹp chỉ cái tội hơi thấp một chút.

Tôi chợt nhớ lời phê bình của con Tâm: “Cái thằng đàn ông con trai gì mà đầu đít có một tấc rưỡi hèn chi khó chịu còn hơn đàn bà con gái”. Khi đó tôi chọc: “Ai không biết nó là male mà mày phải nhấn mạnh thằng rồi còn thêm đàn ông con trai vô nữa. Coi bộ mày ghét nó dữ nhưng coi chừng đã có câu ‘ghét của nào trời trao của đó’…nghe em”. Tâm trề môi: “Làm gì có chuyện đó. Dù trời có muốn trao duyên cũng không xong vì nó có khoái tao đâu… Nó chỉ khoái mày thôi. Mày không thấy là nó để ý mày một cách đặc biệt sao An?” Tôi cự nự cho rằng Tâm tưởng tượng, xuyên tạc dù trong bụng phải nhận là con nhỏ thấy đúng. Trung hay dòm ngó tôi từ cách ăn mặc, quần áo tóc tai, cách trang điểm cho tới chuyện học hành sinh hoạt hàng ngày và luôn cả những buồn vui trong vấn đề tình cảm. Lúc vừa thân -học chung lớp nhiệm ý- nó đã hỏi tôi: “Tại sao chị lại học ngành này, chọn ngành này? Nó đâu phải là ngành thích hợp với chị đâu”. Tôi thiệt tình: “Thì đâu phải tui chọn đâu. Anh Phong chọn cho tui đó chớ”. Trung hỏi: “…Phong… Có phải nhân vật bự con mặt có vẻ xấc xấc hay ngồi với chị dưới cafeteria và hay đón chị -thời đó Phong chưa đi San Jose- đó phải không?” Tôi gật đầu ngạc nhiên: “Ừ, anh Phong đó, nhưng sao lại nói ảnh xấc?”. Trung không trả lời cái thắc mắc của tôi mà chỉ nhún vai lắc đầu: “Chị dở lắm…” Tôi càng ngạc nhiên hơn: “Tại sao chớ?” Trung nói như gắt nhỏ: “Còn sao nữa? Chuyện học hành của chị mà chị không thể tự mình quyết định, phải đi theo sự chọn lựa dẫn dắt của kẻ khác. Vậy chắc là còn nhiều thứ khác trong đời sống mỗi ngày chị cũng theo sự chỉ định của ổng… Ðúng không?”.

Rồi lần khác -về sau này- nó lại trắng trợn hơn: “Ê chị An… Bộ đồ chị đang mặc có phải của ông Phong mua tặng không? Chị không được tròn trịa lắm mà mặc thứ đồ thun ôm sát chân cẳng như vậy không thấy là khó coi hay sao?” Tôi hơi mắc cỡ tới nổi sùng: “Vừa thôi ông con, ông đâu phải má chồng ta đâu mà cứ theo hạch sách ta đủ chuyện giờ còn phê bình lối ăn mặc của ta nữa. Ta với ông đâu có mắc mớ gì nhau mà theo ám hoài vậy chớ?” Trung hơi xụ mặt: “Tui chỉ muốn xây dựng”. Tôi gắt: “Không cần, con nít ranh biết chi mà phê bình mà góp ý. Ý kiến của ông tui coi như nước nhểu lá… môn thôi biết chưa?”

Xem thêm:   Oscar 2024

Trung trợn mắt: “À, như vậy… Biết rồi, biết rồi chị chỉ nghe theo lời khuyên dạy của ông Phong thôi”. Tôi càng giận hơn: “Nè Trung… nói năng lại cho kỹ lưỡng một chút nếu còn muốn nói với…tui. Tại sao lại dùng chữ ‘khuyên dạy’… Cậu cho ông Phong là gì của tui chớ?”. Trung hơi im một chút rồi khịt khịt mũi nói: “Thôi cũng được… Xin lỗi chị đó. Nhưng câu chị vừa hỏi, tui nghi là chị thấy và biết rõ hơn hết mà”.

Nghĩ lại tôi thấy giận mình nhiều lúc cao hứng đâm ra dễ dãi có tâm sự gì cũng đem ra trút nên bị nó ngó thấu ruột gan tim phổi nên tuôn câu nào ra là trúng y câu đó làm mình phải cứng họng. Rồi nghĩ thêm tôi lại thắc mắc không hiểu sao Trung hay để ý chuyện của tôi, đời sống của tôi. Cái thắc mắc này tôi nghĩ không ra tìm chẳng được câu giải thích. Tôi không tin là Trung “mê” tôi như lời chọc ghẹo của con Tâm. Nó nhỏ hơn tôi tới bốn tuổi -vừa vô năm đầu của Ðại học- và chuyện đàn em thương đàn chị -tôi nghĩ- chỉ là loại chuyện tình có thể xảy ra được trong mấy cuốn tiểu thuyết chứ không thể nào có ngoài đời. Với lại Trung cũng chưa hề tỏ một thái độ, một cử chỉ gì để có thể nghĩ là nó muốn… yêu tôi hết ngoài chuyện cứ vặn vẹo dòm ngó tới mọi chuyện của tôi. Còn một điều nữa là nó tỏ vẻ không ưa Phong nhưng chỉ tỏ riêng cho một mình tôi biết bằng những câu phê bình những lời chỉ trích có lúc hơi nặng tay. Tôi cảm thấy điều làm Trung ghét nhứt là Phong đã ảnh hưởng lớn ở tôi đã bao trùm che phủ hết cả tôi -theo nó nghĩ. Và nó đang cố phá những điều này bằng mọi cách -tôi thấy như vậy.

Tối qua trong lúc sinh hoạt lửa trại, thầy Nghiêm vừa đàn vừa hát “Ðạo ca”. Giọng thầy thật ấm. Trung bò lại bên tôi nói nhỏ:

– Ê chị An, chị có biết tại sao thiền sư hát bài “Pháp thân” không?

Tôi vô tình:

– Thì thiền sư phải hát đạo ca chứ sao?

Trung không chịu:

– Nhưng sao ông không hát “Chắp tay hoa” hay “Quán Thế Âm” mà lại chọn bài số một?

Tôi hơi bực:

– Ai mà biết đâu. Có thể tại ổng thích bài một…

Trung khịt khịt mũi cười:

– Cái gì chị cũng không biết hết… Có thiệt là chị không biết không… hay là cả cái nhìn của chị cũng phải do ông Phong chọn lựa và chỉ định nữa?

– Nữa lại kiếm chuyện nữa…

Tôi nói và nhăn mặt ngó Trung. Nó ngó lại tôi rồi bỏ trở về chỗ cũ. Lúc đó thầy Nghiêm vừa ca dứt và mọi người vỗ tay rùm beng đòi phải thêm một bài nữa. Thầy cười nói -bắt chước giọng của mấy ca sĩ thứ thiệt:

– Xin chân thành cảm tạ tấm thịnh tình của quý vị. Sau đây tôi xin trình bày nhạc phẩm “Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng” tức Ðạo Ca 3.

Tôi ngó Trung nhướng mắt như muốn nói đó thấy chưa ông con? Trung lại có vẻ đắc thắng hất hàm kiểu chị thấy là tui nói có sai đâu. Tôi hơi ngẩn ra. Phải rồi bài ca nói chuyện một ông tráng sĩ cỡi ngựa đi tìm người yêu và cuối cùng nàng chính là con ngựa chàng đang cỡi. Nhưng tôi lắc đầu gạt mấy lời của Trung ra khỏi suy nghĩ. Hai bản nhạc phổ từ những lời thơ của một nhà sư chắc có nhiều ẩn dụ trong đó chứ không chỉ giản dị như lời khi đọc hay hát lên như Trung đã tưởng để rồi suy ra như vậy đâu. Thằng quỷ con này lại muốn lôi tôi vô một cái rắc rối mới đây mà.

Nhưng dù không muốn thắc mắc tại sao thầy Nghiêm lại chọn hai bài đó để hát, tôi cũng không thể không nghĩ đến câu nó đã nói “…cái nhìn của chị cũng phải do ông Phong chọn lựa và chỉ định nữa…” Có thật là Phong đã trở thành một ảnh hưởng lớn, đã bao trùm hết cả tôi như vậy không? Có thật là tôi đã hoàn toàn lệ thuộc vào anh, hoàn toàn sống theo sự chỉ định chọn lựa của anh không? Tôi ngồi ôm gối ngó trân ngọn lửa cháy bùng bùng không còn chú ý nghe thầy Nghiêm hát nữa cho tới khi thầy dứt và mọi người vỗ tay hò hét mới giựt mình. Tới phiên chị Lan bị lôi ra. Chị làm bộ cự nự đã hầu quý vị ăn giờ phải hầu hát nữa hay sao… Rồi cuối cùng “xin” hát bài “Cơn mê chiều”. Bài hát không hợp chút nào với không khí lửa trại và giọng chị Lan thiệt là sướt mướt, tôi nghĩ. Bỗng tôi hơi giựt mình… đây không phải là ý nghĩ của tôi mà chính là lời phê bình của Phong! Phải rồi, chính Phong đã nói như vậy trong lần dự đêm cà phê nhạc năm rồi. Phong chê giọng chị Lan nghe nhểu nhão như vừa ca vừa khóc. “Nghe chị ca xong kẻ đang chán đời sẽ mạnh dạn xông lên chùa để xuống tóc. Kẻ đang bị phụ tình sẽ mạnh dạn nuốt trọn hai vỉ Sudafed liền không ngần ngại. Ðúng là giọng ca nản lòng ba quân tướng sĩ, giọng ca chưa đánh đã đầu hàng”. Lúc đó tôi bực mình nên nói móc: “Ừ, chị Lan ca tới mất nước bởi giọng ủy mị đồi trụy đó còn ông ca bằng giọng hùng giọng đấu tranh mà cũng làm mất nước tan nhà luôn đó”. Giờ tôi lại nghĩ về giọng chị Lan y như Phong đã nghĩ. Rõ ràng tôi đã bị anh ảnh hưởng đến độ đã suy nghĩ đã kết luận mọi chuyện bằng những kết luận của Phong. Không lẽ thằng Trung đã nói đúng.

(Còn tiếp 1 kỳ)

(*) Trần Vũ đánh máy lại tháng 1-2022 từ báo Độc Lập số tháng 10-1988