Giáng sinh 1941 toàn quyền Sir Mark Aitchison Young đầu hàng Nhật Bản. Sau 99 năm kể từ Hòa ước Nam Kinh 1842, nhượng địa Hương Cảng quay về với châu Á. Một quay về thảm khốc vì thảm sát đã xảy ra và đi vào lịch sử dưới tên Black Christmas.

Đặc điểm của sự quay trở về bắt buộc ấy không nằm trong tài thao lược của các tướng lĩnh Nhật, nhưng ở sức kháng cự can đảm của thanh niên Hương Cảng đã thành lập Chí Nguyện Đoàn chống trả trong suốt 17 ngày đêm. Không phải đến hôm nay, với phong trào Dù Vàng, tuổi trẻ Hương Cảng mới chứng minh với thế giới sự bất khuất của chính họ, ngay cả khi chung cuộc vẫn là tù đày và hành quyết. Giáng Sinh xưa, nửa vạn thanh niên tử vong và một vạn phụ nữ Hương Cảng bị hãm hiếp. Giáng Sinh nay, trách nhiệm còn trên vai Anh và Hoa Kỳ.

Cuối thế kỷ 20, biến động rình rập khi Liên Hiệp Anh trao trả bán đảo Cửu Long (Kowloon) cho Bắc Kinh. Cuối thế kỷ 19, biến động xuất hiện khi Hải quân Hoàng gia Nhật đánh chìm Hạm đội Bắc dương của Từ Hy tại Hoàng Hải vào năm 1894. Cách nhau đúng một thế kỷ và mang cùng dáng dấp của đe dọa tiềm ẩn. Cuối thế kỷ 19 với Thủ tướng Primrose, Thiên hoàng đã hoàn tất hiện đại hóa quân đội nhưng vẫn còn là đối tác với các hiệp ước hỗ tương. Cuối thế kỷ 20 với Thủ tướng Thatcher, Đặng Tiểu Bình đã bắt đầu Tứ hiện đại nhưng vẫn còn là đối tác với nhiều ký kết thương mãi. Phải đến chiến thắng Đối Mã-Tsushima của Đô đốc Togo tiêu hủy toàn bộ hạm đội của Nga Hoàng, Tây phương mới thức giấc: Nhật Bản đã thành đối thủ. Phải đến triều Tập Cận Bình, Tây phương mới thức tỉnh. Trong cả hai bận, số phận Hương Cảng đều như mành treo chuông. Lần thứ nhất, mành kết bằng vải của lá cờ Union Jack.

Trần Vũ

Chết vì Dantzig? Mourrir pour Dantzig? Trên trang nhất của tuần san cánh tả L’OEUVRE ra ngày 4 tháng 5-1939, gương mặt phản chiến khét tiếng Marcel Déat viết xã luận công kích thái độ can thiệp của Tây Âu vào Dantzig, một hành lang hẹp nối Ba Lan với Bắc Hải mà Ðức muốn sát nhập. Chưa đầy hai năm sau Thủ tướng Winston Churchill lặp lại cùng công thức: Who die for Hong Kong? Trong câu hỏi, đã hàm chứa câu trả lời: Không ai hết. Vì sẽ khó khăn huy động dân Tân Tây Lan, Ái Nhĩ Lan, Nam Phi, Úc, Gia Nã Ðại trong khối Commonwealth xả thân cho Hương Cảng. Ðối với Churchill, Hương Cảng là một tiền đồn xa xôi khó phòng thủ. Churchill dùng chữ Fortress khi nói về Tân Gia Ba và Outpost cho Hương Cảng. Trong cách dùng chữ đã có sự phân biệt nói lên ý niệm chiến lược. Pháo đài hay Fortress là một vị trí bất khả xâm phạm giúp cố thủ. Tiền đồn – Outpost là một vị trí tiền tiêu không nhất thiết phải phòng thủ với bất cứ giá nào. Trước đây VNCH từng được xem là tiền đồn chống Cộng, toàn miền Nam chỉ nhìn thấy tầm quan trọng cùng vinh quang của thuật ngữ này mà không hiểu hết ý nghĩa sâu xa phía sau: Tiền đồn là một vị trí có thể bỏ. Hương Cảng cũng bị xem là tiền đồn.

Trong hồi ký viết sau chiến tranh, đoạt giải Nobel 1953, Churchill trình bày kế hoạch phòng ngự khi ấy: Trường hợp bị tấn công, không giao tranh trên tuyến Ma Cao – Hương Cảng mà lui về phía Nam tử thủ trên tuyến Tân Gia Ba – Mã Lai – Nam Dương với lưng tựa vào Miến Ðiện và Ấn Ðộ. Một cách vắn tắt: Vương triều Anh phó thác nhượng địa cho số mệnh.

Trước phản đối của toàn quyền Young: “Không thể cuốn cờ và bỏ mặc…”, Churchill trấn an: Hạm đội Hoa Kỳ trú đóng tại Trân Châu Cảng cùng các pháo đài bay B-17 xuất phát từ căn cứ Clark Field Phi Luật Tân là tấm khiên chắn vững chắc.

Fleet in Being là một khái niệm chiến lược ám chỉ sự hiện diện của một hạm đội hùng hậu, đóng tại một quân cảng, ngay cả khi không hải hành, vẫn khiến kẻ thù phải kiêng dè, luôn phải tập trung thuyền chiến canh chừng và đối phó, do đó, không thể khiển dụng số thuyền chiến ấy cho những mục tiêu khác. Fleet in Being triệt tiêu khả năng uy hiếp của kẻ thù.

Nhìn lên bảng so sánh, bất lợi của Ðồng Minh nằm ở tổng số 3 hàng không mẫu hạm trong lúc Nhật Bản sở hữu 10. Tuy nhiên, Far East Air Force của Hoa Kỳ tại Clark Air Base tái lập – trên lý thuyết – cán cân này.

Tin vào Fleet in Being nên Churchill không tăng viện cho Hương Cảng. 2 tiểu đoàn Ấn Ðộ của Trung đoàn Rajput Regiment và Punjab Regiment, cùng với 2 tiểu đoàn Gia Nã Ðại Royal Rifles of Canada và Winnipeg Grenadiers gửi đến phút cuối cùng, quá ít và quá muộn, không thay đổi tình thế đã quá bi đát. Quân đoàn 23 Biên trấn của Trung tướng Takashi Sakai, với 4 sư đoàn bộ binh và 3 lữ đoàn độc lập, tổng số quân lên đến 53,000 binh sĩ, đã vây bán đảo Cửu Long từ cuối tháng 11.

Xem thêm:   Hang gấu

Phía Liên Hiệp Anh vỏn vẹn 14,564 binh lính, tính luôn y tá, với phân nửa là dân quân Hương Cảng: Chí Nguyện đoàn Thanh niên (Hong Kong Voluntary Defence Corps), Phụ Lực quân (Auxiliary Defence Units), Ðoàn Dân Sự Chiến đấu (The Civil Defence Corps) và Ðịa Phương quân (Local Colonial).

Lá chắn Fleet in Being của Churchill bất ngờ chìm xuống vịnh Trân Châu. Far East Air Force bị Không đoàn Ðài Nam của Nhật Bản hủy diệt trên phi đạo Clark Air Base. Sử gia John Toland trong tập Tiếng thét Banzai! ghi lại những giờ hấp hối của Hương Cảng.

[…]

7 tháng Chạp

Cách Tân-Gia-Ba 1,650 dặm về hướng Ðông Bắc, Hương Cảng là chiến lũy thứ nhất của Hoàng gia Anh. Ðêm 7 tháng 12, bán đảo trong tình trạng ứng chiến. Trên dải đất Cửu Long, cách Hoa lục vài sải tay, Thiếu tướng Christopher Michael Maltby, Quân trấn trưởng, đã ban bố tình trạng báo động.

Ðến nửa đêm, chỉ còn nhìn thấy trên bến cảng bức khảm thông thường của những thuyền buôn, tàu buồm và ghe chài. Suốt đêm tuần cảnh đã vào các lữ quán để tìm kiếm thủy thủ cùng những sĩ quan hàng hải để chuyển lệnh cho họ trở lại tàu lập tức. Vì sự xuất hiện của các hải vận hạm Nhật trong vịnh Xiêm-La chỉ có một giải thích: Chiến tranh đã bùng phát. Tuy bên trong những khu phố sầm uất, niềm lạc quan vào tương lai vẫn ngự trị.

Từ Hoa Thịnh Ðốn đến Hương Cảng, từ Los Angeles đến Tân-Gia-Ba, xuyên qua Thái Bình dương mênh mông và vào đến tận những biên cảnh xa xôi của châu Á, tất cả đều biết Nhật Bản sẽ xuống tay trước tiên. Tất cả tin tất cả đã “sẵn sàng”. Nhưng với hầu hết, niềm tin ấy trống rỗng. Hiếm ai đã thực sự chuẩn bị hứng sức khốc liệt của chiến tranh và không một ai ngờ kế hoạch táo bạo của Nhật Bản ngay vào giây phút ấy, đã bắt đầu, với sự chính xác toán học.

13 tháng Chạp

Buổi sáng ngày Thánh Joyce, từng đoàn lính Ấn Ðộ, Tô-Cách-Lan và Gia Nã Ðại rời tuyến phòng thủ bên kia lục địa để rút về Hương Cảng xuyên qua vịnh biển hẹp. Nét mặt của những người lính bại trận gây ra khởi đầu của hoảng loạn. Không một ai dự báo tình trạng sẽ trở nên tuyệt vọng chỉ trong vòng một tuần. Suốt tuần lễ, từ đêm Trân Châu Cảng bị oanh kích, đời sống vẫn tiếp diễn với hàng quán tiếp tục mở cửa, những chuyến xe bus tiếp tục qua lại và mỗi đêm các tiệm nhảy vẫn nêm chật khách.

9 giờ sáng, một khinh tốc đĩnh Nhật cắm cờ trắng lướt qua vịnh và cặp bến Victoria. Trung tá Tokuchi Tada mang thư của Trung tướng Takashi Sakai trao cho toàn quyền Anh. Bức thư phân tích: Ðầu hàng là động thái nhân đạo, sẽ cứu sống dân vô tội. Trường hợp ngoan cố, Nhật Bản sẽ cày nát bằng phi pháo.

Toàn quyền Young từ chối nhã nhặn nhưng quyết liệt. Trận chiến trên mỏm đá nhỏ là Hương Cảng, sắp bắt đầu.

Giờ thì tất cả đều đã biết hết chi tiết về sự sụp đổ của tuyến phòng thủ trên lục địa, mang tên khôi hài “The Gin Drinkers Line”. Công sự chính, đồn Shingmum, bị một toán lính Nhật đi giày vải chiếm bất ngờ. Sau khi leo lên nóc lô-cốt trên núi, toán biệt kích đã ném lựu đạn vào trong những lỗ thông hơi.

14 tháng Chạp

Mười ngàn quân nhân trên đảo nhận thông điệp trợ lực của Churchill gửi cho toàn quyền Young và các binh sĩ:

“Hoàng gia theo dõi từng ngày và từng giờ cuộc đề kháng bền bỉ của pháo đài Hương Cảng. Các bạn đang bảo vệ gạch nối giữa Ðông và Tây. Chúng tôi tin sự chống trả của pháo đài trước tấn công man rợ sẽ thêm một chương sáng ngời cho lịch sử Anh quốc. Chúng tôi sát cánh bên cạnh các bạn trong thử thách lớn lao này. Mỗi ngày tử thủ mang chúng ta đến gần hơn chiến thắng.” Winston Churchill.

Lần đầu tiên, các chiến binh hay biết vị trí họ đang chống giữ là một pháo đài, tuy chỉ mới tháng trước hai chữ thành-trì hãy còn là câu chuyện đùa.

15 tháng Chạp

Tinh thần dân chúng lên cao khi các nhật trình thuộc địa loan tin Ðệ Thất Lộ quân của Tưởng Giới Thạch chỉ còn cách bán đảo 50 km và sẽ giải vây. Ðêm đó quân Nhật vượt qua Vịnh và đổ bộ thầm lặng. Trung đoàn Bộ chiến Tô-Cách-Lan bắn chìm 4 xuồng và kẻ địch tháo lui.

18 tháng Chạp

Tình hình vô cùng căng thẳng. Khi chiều buông, “sự chờ đợi chết chóc” đứt phựt vì đại bác Nhật đồng loạt khai hỏa xuống cạnh sườn phía Ðông-Bắc đảo. Cùng lúc, hàng trăm thuyền và ghe xuồng chia làm ba mũi tiến công. Nền trời ám với trần mây thấp cùng những trận mưa bất thình lình che khuất mục tiêu. Ngay khi xuồng đổ bộ áp sát, pháo binh Nhật bắn cháy kho xăng dự trữ. Từng cuồn khói đen lan dọc hải ngạn khiến binh sĩ trú phòng không nhìn thấy địch. Trong vài phút, toàn cạnh sườn Ðông-Bắc tràn ngập lính Nhật. Cuộc đổ quân mập mờ và im lặng đến mức ở phòng tuyến Anh không ai biết đã bị xâm nhập. Chỉ trong một giờ, gần trọn ngọn đồi Lyemum rơi vào tay Nhật; trong khi cách ngay 100 thước, lính vẫn báo cáo: Nothing to report! Bất ngờ lúc 10 giờ đêm, vang lên tiếng hét: “Quân đội Thiên Hoàng đã chiếm lĩnh đồi Saiwan. Kháng cự vô ích!”

Xem thêm:   Trên lưng trời

Rạng đông, tình thế trở nên tuyệt vọng. Thiếu tướng Maltby nhận ra phân nửa đảo sắp bị cắt đôi, vội vã ra lệnh cho pháo binh nặng phá hủy đại bác và tháo lui. Các pháo thủ hốt hoảng chạy theo đường núi dẫn xuống phố; bỏ lại tất cả kho đạn, chocolat, vật dụng với rượu gin và cả bánh pudding Giáng sinh.

11 giờ rưỡi đêm, toàn quyền Young gặp tướng Maltby dưới hầm chỉ huy. Tuy dao động vì những chiến thắng cấp kỳ của quân Nhật, toàn quyền vẫn ra lệnh chiến đấu đến cùng, bất kể tình hình tồi tệ đến mức nào. Thêm một ngày, là thêm sức cho chính quốc.

19 tháng Chạp

Ðến trưa lính Nhật đã chiếm hết phân nửa đảo và đã tiến xuống đến tận hải ngạn phía Nam. Tuy nhiên tướng Takashi Sakai với Tham mưu trưởng Tadamichi Kuribayashi vẫn giận dữ. Trong tính toán, lính Anh phải đầu hàng ngay khi Nhật giẫm chân lên đảo, ngược lại, quân trú phòng và đặc biệt dân quân Hương Cảng đã chiến đấu hung tợn trên mỗi thước đất. Tướng Maltby trông cậy vào 60,000 quân Tưởng Giới Thạch không xa Vịnh. Maltby cho phát thanh thông tin và kêu gọi: “Mỗi cá nhân phải kháng cự tại chỗ với bất cứ giá nào; chỉ phải nỗ lực thêm vài ngày nữa; quân Trung hoa Quốc gia sắp giải vây.” Nhưng đến 4 giờ chiều, tham tán của chính phủ Trùng Khánh thông báo qua radio là phản công của quân Tưởng khó sớm hơn Tết Tây. Ngay cả những kẻ lạc quan nhất cũng hiểu số phận Hương Cảng đã an bài, sẽ kết liễu trong vài giờ.

24 tháng Chạp

Ðêm Thánh lễ biến thành ác mộng. Quân Nhật chiếm 3/4 trên tổng diện tích 83 cây số vuông của đảo núi và cắt đôi Liên quân Anh. Phía Nam, 2,500 lính Anh-Ấn-Hoa chui rúc trong doi đất nhỏ Stanley. 5,000 lính còn lại dồn vào vùng Tây-Bắc với thủ phủ Victoria. Không còn pháo binh, không hải pháo, không cao xạ và thiếu không yểm, các tuyến phòng thủ bị chọc thủng khắp nơi. Ðạn dược bắt đầu khan hiếm, thậm chí nước uống vì các bồn chứa đã rơi vào tay Nhật. Binh sĩ mệt lả. 3 tiểu đoàn Tô-Cách-Lan triệt thoái từ Hoa lục không ngừng tác chiến và rút lui từ hai tuần nay. Các đơn vị Gia Nã Ðại ít kinh nghiệm thiệt hại nặng. Ở các tiểu đoàn Sơn Cước Ấn Ðộ, niềm tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm. Riêng Chí Nguyện đoàn Thanh niên Hương Cảng chiến đấu suốt ba ngày liền, không ngơi nghỉ và không lương thực. Ít ai ngờ trên gương mặt những thanh niên Hoa, hôm qua hãy còn mờ nhạt, hôm nay bật lên sức sống dữ dội. Nhưng vì sao lui điều không thể tránh và phải hy sinh thêm nhiều sinh mạng chỉ để thêm vài giờ nữa?

Trên tiểu đảo trần trụi và đổ nát, cuộc kháng cự của quân dân vẫn bền bỉ, nhờ vào tấm lòng hy sinh dũng cảm của tuổi trẻ Hương Cảng. 1,750 sinh viên học sinh không quân phục, không nón sắt, chỉ với súng trường cấp phát vội vã, đã cầm chân lính Nhật của đạo quân Quan Ðông. Trước đây, Chí Nguyện đoàn vẫn thường xuyên bị lính chính quy Anh chế giễu là “lính sân khấu”; nhưng những thanh thiếu niên nam nữ tình nguyện bảo vệ Hương Cảng này đã đánh trả quân Nhật với tất cả dũng mãnh ngang ngửa lính nhà nghề. Thậm chí nhiều cấp chỉ huy Hoàng gia đã tin chính quyết tâm của tuổi trẻ Hương Cảng, sẵn sàng chết cho thành phố của họ, đã truyền điện cho binh sĩ Liên Hiệp Anh. Chính lính Nhật cũng ngạc nhiên vì sức đề kháng này, mà theo họ, vô nghĩa, do không lối thoát.

Nhưng đến nửa đêm, mà bình thường phải là lễ Thánh giữa khuya của đêm Giáng sinh, toàn quyền Young và tướng Maltby biết phút cuối đã đến. Quân Nhật đã chiếm nhà máy điện lực, không còn rau cải tươi hay thịt cá. 1,750,000 dân của thủ phủ Victoria bắt đầu thiếu thốn. Vài giọt nước mặn còn chảy không đủ tắm rửa. Khắp nơi cầu tiêu nghẹt cứng vì thiếu nước; ngay đến các khách sạn sang trọng cũng hôi thối. Vào 1 giờ sáng ngôi trường trung học St. Stephen, dùng làm bệnh viện dã chiến, trở thành tuyến đầu. Cáng thương Cruz, gốc Bồ Ðào Nha, kinh hoảng chứng kiến quân Nhật với lưỡi lê xăm xăm tiến đến nhà thương.

– Phải làm gì, trung úy? Cruz quay lại thượng cấp.

– Mạnh ai nấy chạy!

Viên trung úy biến mất nhưng Cruz và các cáng thương khác cầm lấy súng trong lúc bên ngoài cổng lính Nhật thét: Banzai! Banzai! 

– Ðừng! Vất súng đi! Các anh đeo băng Hồng Thập Tự. Một kẻ la lên. Chúng ta là quân y!

Trong đại sảnh lớn của bệnh viện, tỏa ánh sáng duy nhất từ chiếc đèn bão, 65 thương binh sợ hãi trùm kín chăn, như một cách ẩn núp. Thương binh Jones được khiêng đến ban chiều, hôn thê là y tá hấp tấp lôi Jones cùng trốn dưới gầm giường. Cruz và các cáng thương khác bỏ chạy lên tầng trên ngay lúc lính Nhật phá cửa thô bạo. Những toán lính bẩn thỉu, râu ria với ánh mắt dữ tợn lao vào sảnh. Cruz kinh hoàng chứng kiến lính Nhật xọc lưỡi lê vào các thương binh, có thể họ nhìn thấy súng trường và tiểu liên Sten xếp trong góc nên nghĩ không phải thương binh mà là lính trốn dưới chăn mền.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Y sĩ trung tá Black, giám đốc bệnh viện, la lớn:

– Ngừng tay tức khắc! Các anh không thể hành động như vậy!

Y sĩ phụ tá, đại úy quân y Whitney đi sau, cố gắng đóng cửa. Cả hai bị bắn chết tức thì và bị đâm lê nhiều nhát. Lính Nhật tiếp tục đâm điên cuồng các dãy giường kê dọc cho đến lúc sĩ quan Nhật xuất hiện, ra lệnh dừng.

Trên tầng trên, Cruz và 5 đồng đội trốn trong một buồng. Họ nghe những tiếng van xin thảm thiết và tiếng kêu đau đớn kinh hoàng cùng những tiếng rú chiến thắng. Cửa buồng bị đạp toang. Một lính Nhật cầm tiểu liên Nambu nhào đến. Cruz lập tức đưa hai tay lên cao, các đồng đội anh làm theo. Lính Nhật dộng báng súng đẩy họ sang buồng bên cạnh, 40 người khác bị đẩy vào sau rồi cửa khóa.

Hai giờ sau, toán xung kích Nhật quay lại bệnh viện. Lính Nhật mở cửa buồng nhốt 7 nữ y tá Anh và 4 nữ y tá Hoa, lôi từng nữ y tá mang băng Hồng Thập Tự ra hãm hiếp trong buồng kế bên. Trong số các nữ y tá trẻ có hôn thê của thương binh Jones. Cruz và các đồng đội bịt tai trước những tiếng rú gào kêu la. Cửa buồng bật mở:

– Ðồ xuẩn! Chúng mày nên đầu hàng! Chúng tao sẽ hành quyết từng thằng một…

Sĩ quan Nhật nói tiếng Anh. Vài phút sau, nhiều tiếng rên hấp hối đứt quãng bên buồng bên cạnh. Cruz không biết khi nào đến phiên mình.

25 tháng Chạp

Liên quân Anh bị tràn ngập ở thủ phủ Victoria. Quân Nhật xâm nhập vào khu ngoại ô. Ðến 9 giờ sáng, tù binh Thiếu tá Manners tiến ra từ phòng tuyến quân Nhật với cờ trắng. Manners giải thích với tướng Maltby là tiếp tục vô ích. Nhật cho 3 tiếng đồng hồ để suy nghĩ. Maltby triệu tập bộ chỉ huy. Cho dù tình hình vô vọng, các cấp đều không muốn buông súng. Ðến trưa khi hưu chiến 3 giờ chấm dứt, pháo binh Nhật bắt đầu tác xạ. 3 giờ 15 phút chiều, tướng Maltby thông báo cho toàn quyền Young là phải kết thúc và ra lệnh cho binh sĩ đầu hàng. Tin nhanh chóng loan truyền.

Trong bệnh xá, Cruz với 40 người khác chờ đến lượt bị xử giảo. Mặc dù những tiếng rên hấp hối vẫn còn vọng lên từ buồng bên, đã thành buồng tra tấn, vẫn chưa đến phiên họ. Nhưng tất cả cùng biết sắp đến lúc. Khi cửa bật mở lúc 5 rưỡi chiều, tất cả tin giờ chết đã điểm. Một sĩ quan Nhật bước vào nói:

– Hương Cảng đã đầu hàng, không cần lấy đầu các anh nữa!

Các tù binh nhận lệnh lau rửa buồng bên. Cruz hãi hùng khi bước vô, anh xém ói mửa khi nhìn thấy sàn nhà ngập máu và các tấm đệm với chăn gối ướt sũng một chất nhờn tím bầm sền sệt, như bông bọt biển để lau nhà tắm đã nhúng quá nhiều nước. Không còn nữ y tá nào.

Trở xuống sảnh, các tù binh lội trong máu mang giường đệm quăng ra sân. Họ khiêng các xác bị đâm lê trên cáng, có vài xác bị cắt mất lỗ tai, rồi đốt đống nệm và chất xác chết lên bên trên. Lửa cháy cao rất lâu trong đêm Giáng sinh, vẽ những chiếc bóng vằn vệt quái đản cho đến lúc tử thi cuối cùng của 70 nạn nhân trong bệnh viện cháy thành than.

Sáng hôm sau, thương binh Jones vẫn còn đi kiếm hôn thê nhưng không một ai nhìn thấy dấu vết của nữ y tá. Một sĩ quan Nhật, Ðại úy Kawai, bất chợt thương hại Jones sắp hóa điên vì đau khổ, giúp tìm kiếm. Một lúc sau, y trỏ ngón tay chỉ cho Jones thấy một đống cao nghệu phủ quần áo. Jones lo lắng giở từng chiếc áo choàng, 3 nữ y tá nằm sõng soài bên dưới, hôn thê của Jones là một trong ba xác đó. […]

(Trích John Toland, Banzai!, Nxb Calmann-Lévy, 1963, Trần Vũ chuyển ngữ)

Giáng sinh 2019

Câu chuyện của Hương Cảng là câu chuyện của một quả chuông vàng, vì là trung tâm tài chánh Viễn Ðông và gạch nối Ðông-Tây, như trong ngôn ngữ của Churchill. Nhìn kỹ, là câu chuyện của những mành chuông. Chiếc mành kết bằng vải cờ Union Jack đã đứt, thay bằng mành làm bằng vải cờ Hoa Kỳ, The Star Spangled banner cũng mong manh. Giáng sinh 2019 Hương Cảng không có gì khác ngoài hy vọng vào một sự mong manh.

TV

Buena Park, 4 tháng 12-2019

Sách Tham khảo

John Toland, Banzai!, Nxb Calmann-Lévy, 1963

Nicolas Bernard, La Guerre du Pacifique, Nxb Tallandier, 2016

Ronald Spector, La Guerre du Pacifique, Nxb Albin Michel, 1987

Bernard Millot, Le Déferlement Japonais, Nxb Robert Laffont, 1968

Winston Churchill, La Deuxième Guerre Mondiale, Tome 6, Nxb Le Cercle du Bibliophile, 1965

(*) Nguồn ảnh: Hong Kong 1941, Imperial War Museum