Giải thưởng của Ủy ban Nông nghiệp Trung ương 1976 cho tiểu thuyết Ao Làng, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, tiểu sử nhà văn Ngô Ngọc Bội ghi: sinh 7 tháng 1 năm 1929, quê xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia Thanh niên Cứu quốc 1945, cán sự huyện đội 1948, cán bộ Thông tin Tuyên truyền tỉnh Hòa Bình 1949, cán bộ ty Văn hóa tỉnh Vĩnh Phú 1957, trưởng ban Văn của tuần báo Văn Nghệ Hội Nhà Văn từ 1968 đến 1993, mất tháng 5-2018.

Ngô Ngọc Bội, như thế sinh hoạt trong guồng máy và hẳn nhiên rất am tường chế độ ngay từ khi còn mang tên Việt Minh. Ngoài nước biết đến cao trào Văn học Đổi Mới 1986-1991 với các tên tuổi Nguyễn Minh Châu (Phiên Chợ Giác), Nguyễn Huy Thiệp (Không Có Vua), Phạm Thị Hoài (Thiên Sứ), Bảo Ninh (Nỗi Buồn Chiến Tranh), Dương Thu Hương (Những Thiên Đường Mù), Nguyễn Khắc Trường (Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma), Dương Hướng (Bến Không Chồng), Nhật Tuấn (Đi Về Nơi Hoang Dã), Nguyễn Quang Thân (Vũ Điệu Của Cái Bô), Tạ Duy Anh (Bước Qua Lời Nguyền)… nhưng lại ít biết đến Ác Mộng của Ngô Ngọc Bội. Lý do: chính trong nước, với răn đe của Ban Tuyên giáo, cũng tránh nhắc đến, không phân tích, không phê bình, vì tác phẩm viết về Đấu tố trong Cải cách Ruộng đất.

Ra đời 1991 trong luồng gió Glasnost và Perestroika thổi đến từ Nga, Ác Mộng là tiểu thuyết rùng rợn nhất của Ngô Ngọc Bội. Không trong nghĩa kinh dị của hư cấu mà ở khía cạnh phi nhân tính của một xã hội toàn trị. Ba thập niên sau đọc lại, người đọc vẫn bàng hoàng tự hỏi: Làm sao có thể sống trong một xã hội như vậy? Của dối trá và bạo lực? Không hư cấu. Không hành văn nhưng tả thực, Ngô Ngọc Bội nhấn người đọc vào trong không khí của hãi hùng mà mỗi tiếng động, là một đe dọa. Trích đoạn, chỉ là một chương trong quyển tiểu thuyết này, một tiểu tuyết thật sự hiện thực XHCN. Chính tính chất khủng khiếp của một chính quyền biến con người thành vật tế thần hoặc công cụ xử giảo, ở mặt chứng nhân, làm nên giá trị tác phẩm. Trích đoạn dài phân 2 kỳ, kỳ 1 chỉ mới là riềng mối. [Trần Vũ]

2 kỳ – Kỳ 1

Ngô Ngọc Bội

Năm 1952, cuộc chỉnh đảng chỉnh huấn cán bộ, tôi đã nghe loáng thoáng về đợt cải cách ruộng đất thí điểm ở Thái Nguyên, xử tử địa chủ Nguyễn Thị Năm. Lúc đó tôi đang phục vụ chỉnh đảng, chỉnh huấn ở một tỉnh miền núi. Hai khóa đầu chỉnh đảng, nội dung chủ yếu “chống tư tưởng tiểu tư sản”. Cụ thể chống hủ hóa và tham ô. Tham ô lúc đó chưa có của cải gì, cuối cùng là truy nhau về hủ hóa; bản tổng kiểm thảo nào cũng buộc phải có vài sự việc về “lăng nhăng”. Nếu không nhận thì phải truy cho tới cùng, bao giờ có nhận mới là “gục”. Cố nhiên nhiều anh đã tự bịa ra những tình huống hủ hóa khá ly kỳ hấp dẫn. Các cô cán bộ trẻ thực sự chưa có hủ hóa thì phải nhận là “có tư tưởng”. Thế mà rồi cũng khóc sướt mướt, căm thù…

Khóa thứ hai, không may cho tôi, có Ðinh Thị Bin, một nữ đảng viên, người dân tộc Mường gần Chợ Bờ, đi cải cách ruộng đất thí điểm ở Thái Nguyên về cùng dự. Bin ngang tuổi tôi, năm 1947-1948 Tây chiếm đóng ở vùng gần Chợ Bờ, Bin đã vận động được vài anh lính ngụy người Mường của cái gọi là “xứ Mường tự trị” bỏ hàng ngũ địch vác súng ra hàng ta. Bin đi làm cải cách ruộng đất được tặng cả huân chương. Thấy Bin về học, tôi đã chờn chợn. Những ngày giờ còn học tập lý luận, Bin hồn nhiên. Sang “tổng kiểm thảo” thấy Bin biến sắc mặt. Nước da xanh tái, hố mắt thâm quầng. Một hôm Bin nháy tôi ra chỗ vắng, hấp tấp nói nho nhỏ: “Kỳ này là em bộc lộ cái chuyện ngày xưa đấy!”. Tôi thấy tóc gáy dựng lên, ậm ực nuốt nước bọt hai ba lần rồi mới trả lời: “Ðấy là tùy em! Chúng ta suốt đời trung thành…”.

“Cái chuyện ngày xưa” đầu đuôi thế này. Sau khi giải tán đội tuyên truyền lưu động, tôi được phân công xuống xã Bin công tác, giúp đỡ xây dựng phong trào. Xã Bin có bảy đảng viên. Bin là người tích cực nhất. Trong chiến tranh, các bản Mường đều tản cư vào trong các ngách núi. Mỗi nhà chiếm một khoảnh đất, dựng một cái lán nhỏ. Nhà Bin chỉ có hai mẹ con, bà mế đã ngoài bảy chục tuổi. Lán của Bin bé tí tẹo, chỉ khoảng tám mét vuông. Lán dựng trên bốn cái cọc gỗ chôn cả cây, lợp phồng phồng mấy phên tranh. Giát sàn phập phồng. Trên sàn, một cái bếp chiếm khoảng ba mét, còn lại phía trong bếp vài cái bồ đựng tư trang. Kế đến, là chỗ mẹ con Bin ngủ. Cách khoảng sải chân, phía trên là cửa “voóng”, phía dưới ban ngày làm chỗ tiếp khách, đêm thì bỏ trống. Ra phía ngoài còn lại sải chân nữa, khách khứa về thường ngủ tại đây. Tôi về công tác thường xuyên ăn ngủ ở nhà Bin. Bin từng dạy tôi cắn đít ốc suối – những con ốc vừa bằng cái đinh năm phân – để tập hút ruột, và động viên tôi ăn rêu đá nấu với mẻ. Ban ngày tôi ra văn phòng xã hoặc đi làm với dân. Tối về cùng xuống xóm sinh hoạt. Một hôm chúng tôi rủ nhau sang xóm Um bên kia sông Ðà. Chiến tranh, dân bỏ chạy vào đồi, bãi đất bỏ hoang hóa từ lâu, cây cối lau lách mọc um tùm. Ít lâu nay đã có đôi ba nhà về dựng lán phá hoang. Chúng tôi muốn gặp dân để động viên. Ban ngày sợ máy bay không dám qua sông. Trăng sáng vằng vặc, bầu trời không gợn một nét mây, mà lại lạnh như xé da xé thịt. Bin bơi thuyền độc mộc hai người cùng sang. Bin không đẹp, nét mặt hơi thô, nhưng có cái dáng cao, mềm mại. Bin là con nhà lang dạo (*) chứ không phải con nhà dân thường. [(*) Chế độ lang dạo ở Hòa Bình có hai cấp bậc lang. Lang Cun cai quản một vùng lớn có thể cả huyện. Lang dạo ở các Mường dưới quyền lang Cun.]

Tôi rất quý mến Bin, vì đây là thứ hiếm quý của phong trào. Chúng tôi đến với nhau vô cùng trong sáng. Hôm ấy, họp xong đêm đã khá khuya, chúng tôi không dám bơi thuyền về. Cái túp nhà ông trưởng xóm mới kịp lợp có ba mái, còn một mái trăng soi vằng vặc, bốn bề chưa kịp che chắn gì. Họp xong, ông trưởng xóm vác súng kíp lên nương. Bà trưởng xóm nằm ngủ phía giáp bếp, đắp nửa cái chăn tả rách, mốc xỉn, rồi đến đứa con. Bin nằm ghé ngoài đứa trẻ, còn tôi lúng túng. Bin chững chạc nhắc: “Anh nằm xuống đây còn mong ngóng cái gì!”.

Xem thêm:   2 người thợ săn

“Nằm xuống đây” có nghĩa là nằm phía ngoài Bin. Thấy cũng không có cách gì khác, trời rét quá! Suốt đêm Bin quay mặt vào trong, tôi quay mặt ra ngoài, hai cái lưng sát vào nhau như chữ ích-xì, cứ thế ngủ đến sáng, chúng tôi lại bơi thuyền sang sông.

Thế rồi sau đấy vài hôm, tôi đi vắng quay về nhà Bin đêm đã khá khuya, chỗ nằm cũ của tôi năm sáu hòm đạn của huyện đội đã xếp kín. Tôi lại lúng túng, Bin lại nhắc:

– Anh nằm xuống đây mà ngủ.

Tức là nằm xuống cái ô trống một sải chân đến chỗ Bin nằm. Tôi rón rén thu xếp nằm thẳng đuột không dám căng màn. Bin lại hạch:

– Sao anh không căng màn?

Trăng muộn đã lên, trăng mờ mờ sáng. Bin dậy, lôi bật cái màn cá nhân của tôi đang gối đầu, quỳ gối ngay sát đầu tôi, vươn tay buộc dây màn. Cạp váy của Bin tuột xuống, vạt áo cóm ngắn cũn cỡn, trước mũi tôi là hai bầu vú tròn vo, lập lờ. Vươn người buộc dây màn phía bên kia, cả cái bụng nóng hổi của Bin đè lên mặt tôi. Tôi sực tỉnh. “Ðây là cố tình chứ không phải vô tình”. Bin buông người xuống, quờ tay sang nắm tay tôi đặt lên ngực mình, ghé sát sang tôi thở hổn hển:

– Xuống dưới “voóng” đi anh!

Chúng tôi nắm tay nhau dò dẫm xuống cầu thang. Dưới ánh trăng, cái sân nhỏ bé bóng lá loang lổ. Suối Chê dạt dào réo chảy. Con xạch sành thỉnh thoảng cất lên “xạch sành, xạch sàn”. Chúng tôi âu yếm nhau nhưng vẫn trong giới hạn. Thỉnh thoảng Bin ôm lấy tôi và dọa: “Ngày mai em sẽ báo cáo với anh Hồng!”. Hồng tức là phó bí thư huyện ủy Mai Dà.

Chuyện xảy ra đêm hôm ấy, sáng hôm sau không ai nhắc đến, coi như một giấc mơ. Và qua đi, mãi cho đến hôm nay, sau gần ba năm, vì tỏ sự trung thành, Bin lại định bộc lộ trong “tổng kiểm thảo”. Xin tùy sự giác ngộ của em, tôi không có quyền ngăn.

Sang khóa thứ ba không còn gọi là chỉnh đảng nữa mà đổi là chỉnh huấn. Thời gian kéo dài thêm, chương trình uốn nắn lại: Trước chống tư tưởng “tiểu tư sản”, nay chống tư tưởng “tư sản phong kiến, đế quốc bóc lột”. Lý luận tập trung vào quan điểm lập trường giai cấp. Thế nào là lập trường giai cấp? Thế nào là lập trường giai cấp công nhân? Trên bài giảng và cả trong học tập thảo luận diễn ra rất viển vông, mơ hồ. Những thắc mắc mới xuất hiện rầm rầm. Về đế quốc thì lũ “mũi lõ tóc quăn” ai cũng nhìn thấy, còn tư sản, địa chủ là thế nào? Là những ai? Tư sản và địa chủ Việt Nam xưa nay có yêu nước và chống ngoại xâm đế quốc không? Thế nào là bóc lột? Những người có trình độ, hiểu biết công việc, biết tổ chức bày vẽ cho hàng trăm con người dốt nát có công ăn việc làm nuôi sống vợ con, nuôi sống xã hội như thế sao lại bảo người ta bóc lột? Những người giàu có đi tham gia kháng chiến nay đã là đảng viên có thay đổi thành phần được không? Nghĩa là trăm ngàn thắc mắc tập trung cao từ trí tuệ tập thể và ý thức độc lập của dân tộc mà có. Bí thư hiệu ủy, một anh chàng mặt còn bấm ra sữa, luôn lên gân lên cốt, đã đi dự tập huấn, chỉnh huấn ở trung ương, rất thích kể chuyện phim Trung Quốc cho học viên nghe, như phim Bạch Mao Nữ, Cờ Hồng Trên Núi Thúy, trước thắc mắc của học viên anh cũng mặt “ngay cán tàn”. Ðành phải cử một hiệu phó hỏa tốc đạp xe lên Thái Nguyên thỉnh thị cấp trên, và phải chờ cố vấn giải đáp giúp. Khi về truyền đạt lại, có cái cũng thông, có cái còn ấm ức, nhưng rồi ai cũng tự an ủi: “Cố vấn người ta đã giải đáp là đúng”. Cuối lớp, học viên được phổ biến luật cải cách ruộng đất của Ban chấp hành Trung ương đã được Quốc Hội thông qua.

Xem thêm:   Hang gấu

Mẫn đẻ, bảy tháng sau tôi mới có dịp về thăm con. Quê tôi đã làm xong giảm tô giảm tức, sắp bước sang cải cách ruộng đất. Tôi chỉ ở nhà ít ngày. Ít lâu sau nghe tin sét đánh: Bố vợ tôi – Thầy Lê Ðôn, đang làm bí thư huyện ủy – đã bị lôi về bắn bỏ!.. Thế là tôi không dám về thăm vợ con nữa.

Tỉnh Hòa Bình chủ yếu gồm có dân tộc ít người nên không tiến hành cải cách ruộng đất, do tin tức không nhiều, chỉ nghe bập bõm: Tỉnh này có đấu tố, tỉnh kia có xử tử. Những nơi làm cải cách đợt hai, đợt ba nay tiến hành “phúc tra”. Hòa Bình chỉ xảy ra việc thỉnh thoảng có du kích dưới xuôi đem lệnh lên bắt cán bộ đang công tác về đấu tố, rồi không thấy trở lại. Hơn một năm tôi không nhận được thư của vợ, chẳng biết tình hình ra sao? Tôi cũng ngấm ngầm lo: Bố vợ đã bị bắn, biết đâu có kẻ tố điêu, mình cũng sẽ bị xích tay lôi cổ về bắn bỏ. Nhưng tôi đã có phương án: đến bắt tôi là tôi trốn, chứ không chịu cái cảnh cá nằm trên thớt.

Tính từ ngày Mẫn đẻ đã hai mươi hai tháng. Không khí ở quê có vẻ như lắng dịu. Tôi tìm đường lần về thăm vợ con. Ði bộ bốn ngày tới quê, tôi phải nấn ná thăm dò, lảng vảng phía đường Hai Mươi Bốn, tối thật mới dám lần về nhà. Làng vắng ngắt, tối om. Ở nông thôn hẻo lánh, thiếu đèn dầu, chập tối là đóng cửa đi ngủ. Tôi đứng khá lâu ngoài hiên nghe ngóng, thấy bố ho mới dám khe khẽ gõ cửa. Tôi gõ đến lần thứ ba, cửa mở hé, tôi vội vàng lên tiếng:

– Bố!

– Mày về!

– Cả nhà khỏe chứ bố?

Vừa nghe tiếng tôi, thằng em út mười hai tuổi nhào dậy ôm chầm lấy tôi. Tôi níu nó lại phản. Nó ghé tai tôi thì thầm. Biết vợ con vẫn ở đây, tôi mừng quá, vội hỏi bố tôi:

– Không có dầu đốt đèn à, bố?

– Diêm cũng chẳng có, dầu cũng không. Mà có dám đốt đèn đâu. Cốt cán họ rình mò đầy ngoài vườn ấy!

– Phú nông mà cũng gay go thế kia à, bố?

– Hết địa chủ thì đến phú nông, con ạ!

Mẹ tôi thấy tôi về, lần ra. Bà vừa ngáp vừa hỏi:

– Bố Nhẫn về đấy à?

– Mẹ! Mẹ có khỏe không?

– Ôi chào ôi, kh…ỏ…e…!

Tôi lần mò ve vuốt, sờ nắn thằng em. Nó đã lớn. Nó cứ dúi đầu vào tôi, thì thầm:

– Cho em lên chỗ anh với, anh Bảo!

– Thế mày không đi học à?

– Không có trường cho con địa chủ, phú nông học!

– Thế ban ngày mày làm gì?

– Chỉ đi thả trâu thôi!

– Còn mấy con trâu?

– Vẫn một mẹ một con. Lần này đóng thuế nông nghiệp khéo bố phải bán đi một con.

Tôi hỏi han mọi chuyện, biết thêm từ ngày cải cách ruộng đất tới nay con cái địa chủ, phú nông không dám đến chơi nhà bố mẹ, thậm thụt mà cốt cán bắt được sẽ bị gọi ra trụ sở trấn áp, bị quy kết là liên quan, bị khai trừ khỏi nông hội. Hai anh tôi và em gái tôi lâu nay không dám đến thăm bố mẹ. Nhất là anh thứ hai giữ vững lập trường đã để vợ lộng hành giày vò bố mẹ tôi đến điều! Chị ta là người họ Ðặng. Ðặng thị Mãng. Chồng đi bộ đội vắng, chị ta ở với bố mẹ tôi vài ba năm. Sau ra ở riêng, ngay cạnh nhà. Cải cách ruộng đất, chị ta được “xâu” là chuỗi. Thằng Ðảo người dòng tông với chị ta, được “bắt” là rễ, có trách nhiệm lên bám với chị ta, theo dõi gia đình tôi. Chị ta tố khổ bố mẹ tôi bóc lột. Ðội cải cách đôn bố mẹ tôi lên làm địa chủ nhưng không nổi. Bây giờ gặp bố mẹ tôi, chị ta không chào hỏi, gọi buông suông một câu là “phú nông Lẫm”. Cải cách xong, giờ chị ta làm nhiệm vụ theo dõi cái cụm “gia đình lớp trên” ở xóm này, và thông báo các công việc xã bắt phú nông địa chủ làm.

Tôi lần lên buồng thượng với vợ con. Dưới nhà lại chìm vào thinh không. Mẫn đã biết tôi về. Vừa lần đến sạp gác, vợ tôi đã lên tiếng:

– Anh về à?

– Anh về. Con có khỏe không? Sao không có tí ánh sáng nào thế này?

– Hai năm nay có còn cần đến ánh sáng nữa đâu!

– Thế nhỡ con ỉa đêm thì làm sao?

Tôi sà xuống giường lần tìm thằng con. Nó nằm tênh hênh. Sờ từ đầu xuống chân, chân tay nó mum múp, chắc như khúc giò.

– Em cũng không có diêm à?

– Có!

– Ðánh lên cho anh nhìn con một tí!

Xem thêm:   Trên lưng trời

Vợ tôi lúng túng mãi mới moi nổi bao diêm đút tận trong hòm. Ðưa bao diêm cho tôi, Mẫn vớ cái mẹt che vào phía cửa sổ. Bên kia ao, nhà bố mẹ vợ tôi cũ, đang có tiệc tùng gì, đèn măng-sông sáng trưng! Tiếng hét lác om sòm. Ðánh diêm lên, thằng con vẫn thin thít. Gương mặt nó y hệt mặt tôi. Ðánh que diêm thứ hai, tôi nhìn sang vợ tôi. Trời ơi! Vợ tôi xọp hẳn đi, da xanh tái. Mới hai mươi ba tuổi mà như người ba mươi.

– Em gầy quá!

– Còn sống lại đây được cũng là lạ đấy, anh ạ!

– Khổ cực quá lắm à, em?

– Còn biết thế nào mà nói nữa?

Tôi vin vợ tôi vào lòng, vợ tôi vụt đứng lên. Tôi ngạc nhiên:

– Tại sao thế, em?

Vợ tôi ngập ngừng:

– Những ngày qua tôi cố gắng nuôi con cho anh, chờ anh về. Nay anh về rồi thì mang nó đi mà nuôi.

– Sao lại phải thế, em?

– Tôi không biết. Chắc chắn là phải như thế thôi!

Thấy vợ tôi ngập ngừng, lại xưng tôi, chắc đang có khúc mắc gì to lớn lắm. Vợ tôi loay hoay trải chiếc chiếu sang một góc buồng định nằm riêng. Tôi ôm vợ, níu lại giường, vợ tôi ngồi bệt xuống sạp, chống lại quyết liệt. Thấy động, thằng con tỉnh dậy gọi “Mẹ ơi”. Vợ tôi lao lại với con “Mẹ đây!”. Thằng bé lại lăn ra ngủ. Vợ tôi vỗ vỗ nhẹ vào mông nó. Tôi áp bên vai vợ, ghé sát má vỗ về:

– Em bình tĩnh! Anh không phải loài vô nhân bạc nghĩa đâu!

Vợ tôi bình tĩnh dần, né né xuống góc giường. Tôi kéo vào âu yếm. Vợ tôi ngập ngừng thăm dò:

– Anh không bỏ em à?

– Sao em hỏi lạ thế?

– Làng này người nào lấy phải con cái địa chủ đều bỏ cả. Anh là đảng viên, lại là cán bộ, đời nào anh lại dám lấy con gái địa chủ!

Tôi giả cáu:

– Những đứa ngu như bò mới bỏ con địa chủ. Con địa chủ mới xinh đẹp, khỏe mạnh, mới hiểu biết, mới giỏi lo toan làm ăn. Theo anh địa chủ của ta hầu hết là người biết ăn, biết làm, biết lo toan gia đình nền nếp, giàu lòng yêu nước, nhiệt thành cách mạng.

– Anh sẽ bị liên quan suốt đời, làm sao mà mọc mũi sủi tăm lên được!

Tôi ôm rịt lấy vợ tôi:

– Thôi, không nói những chuyện vớ vẩn ấy nữa. Bên phía nhà thầy người ta đang làm gì mà đông thế?

– Nhà ấy người ta tịch thu làm trụ sở xã, ngày nào đêm nào chả ồn ào như thế!

– Thế cái buồng sách của thầy bây giờ ra sao?

– Người ta đốt tất ngay hôm đốt văn tự rồi!

– Trời đất ôi! “Ðốt thư tịch, chôn kẻ sĩ!”

Tôi lắng nghe những tiếng kêu gào vọng sang. Toàn giọng của những đứa nốc nhiều rượu: “Cứ lôi cổ nó vào đây, nhốt chuồng trâu năm ngày cho tiệt cái giống địa chủ bóc lột, phản ứng giai cấp đi!”. Tôi chợt nhận ra tiếng Tào Lao, liền hỏi Mẫn:

– Cái thằng kêu gào to nhất có phải Tào Lao không em?

– Nó đấy!

– Mẹ kiếp, “nhờ ơn nước ngập chó leo giường thờ!” Nó làm cái gì?

– Bí thư chi bộ.

– Ðược kết nạp trong cải cách ruộng đất à?

– Vâng!

Tôi nao nao buồn. Thằng Tào Lao làm bí thư chi bộ còn ra cái thể thống gì nữa!

– Nó hò hét giam cầm ai thế?

– Chắc lại một địa chủ nào đấy. Hôm nào chúng nó chả bắt người, giam người, rồi ăn uống hò hét như lũ mất trí.

Tôi thở dài. Ðau xót thay cho Ðảng giờ lại dung nạp cả những loại như thằng Tào Lao. Ðó là tên vô lại, dốt nát, lười biếng, lưu manh. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, tên này không hề biết tiếng súng, không hề đi dân công, không một hạt thóc đóng nghĩa vụ. Cho rằng tên này bị bóc lột mà nghèo khổ thì hoàn toàn nhầm to! Còn bị bóc lột, phải làm nô lệ cho đế quốc thì cả dân tộc này, chẳng riêng gì ai. Thằng Tào Lao, bố tên là Tạo, nó tên là Lai. Vì lười biếng và ăn nói lỗ mãng, việc làm chẳng đâu vào đâu, dân làng mới gọi chệch sang là Tào Lao. Ðời ông hắn tôi không được biết, đời bố hắn tôi rõ ngọn ngành. Tôi lớn lên, cha con Tào Lao không hề biết cày cuốc. Nghe bố tôi nói, hồi trẻ ông Tạo có ít ruộng đất, rồi rượu chè cờ bạc bán sạch. Ông Tạo ngày xưa có chút chữ nghĩa. Vợ chết, cha con dắt nhau vào miền núi, thấy bảo ngồi dạy học cho người Mường. Mấy năm về, hai bàn tay trắng, chỉ xách về được hai cái bụng báng to bằng cái dó mẹ. Bố chết, Lai hăm nhăm hăm sáu tuổi, không ai lấy, đi lang thang. Lúc thì mang ít mắm tôm, cá khô, thuốc lào vào miền núi đổi chác, rồi lại đem ra con gà, chó con, vỏ quạch… và nay là bí thư chi bộ xã!

(còn tiếp)

(*) Ảnh chụp tại sân đấu tố của nhiếp ảnh gia Sô-Viết Dimitri Baltermants năm 1955.

Nguồn ảnh: vpef.net

Trần Vũ đánh máy lại tháng 10-2019, từ bản in trên Hợp Lưu số 1 phát hành tháng 10-1991, từ trang 85 đến 92.