Đến khi mẹ em bước lên đấu, em thấy lòng tan nát đớn đau. Mẹ em cũng chỉ mặt bố em và dì Đỉnh: “Mày biết tao là ai không Đôn? Tao là con Thỏa. Về làm dâu nhà mày từ năm mười bốn tuổi.”

So với “Mày biết tao là ai không?” của đại úy công an Lê thị Hiền tại Tân Sơn Nhất gần đây làm dậy sóng mạng xã hội, câu nói của bà Thỏa với chồng trong Ác Mộng của Ngô Ngọc Bội khủng khiếp hơn rất nhiều. Chưa khi nào một phụ nữ Việt nói với chồng như vậy, nhưng đã xảy ra trong Đấu Tố.

Ra đời 1991 trong luồng gió Glasnost và Perestroika thổi đến từ Nga, Ác Mộng là tiểu thuyết rùng rợn nhất của Ngô Ngọc Bội. Không trong nghĩa kinh dị của hư cấu mà ở khía cạnh phi nhân tính của một xã hội toàn trị. Không hư cấu. Không hành văn. Nhưng tả thực. Ngô Ngọc Bội nhấn người đọc vào trong không khí của hãi hùng mà mỗi tiếng động là một đe dọa. Trích đoạn, chỉ là một chương trong tiểu thuyết này. Tính chứng nhân làm nên giá trị tác phẩm. [Trần Vũ]

2 kỳ – Kỳ 2

Hà Ðình Ðắc hiện là chủ tịch xã. Bố là Tâm, con là Ðắc. Trong làng người ta thường gọi là lão Tâm Ðắc, một tay cờ bạc chuyên nghiệp. Lẩn quất kiếm ăn chung quanh chợ Mỗ. Lúc cờ bạc, lúc dắt mối khách tậu trâu, mua đồ gian. Ðắc lớn lên không biết sống bằng nghề của cha, đi ở cho người chú họ. Trông anh ta cũng có vóc. Sau cách mạng đi học bình dân học vụ. Tính tình cũng chín chắn. Bồi dưỡng anh này cũng có thể làm việc được.

Nguyễn Văn Ðãng, trưởng công an xã, người từ dưới xuôi bị bán lên cho nhà Lý Sử làm con nuôi. Lý Sử lấy vợ, làm nhà cho. Nay Lý Sử là địa chủ cường hào. Anh này cũng chín chắn, được!

Hà Thị Nhỏ, bí thư phụ nữ xã, phó ban công an xã, một con bé đĩ rơi đĩ rụng từ lúc bắt đầu tuổi dậy thì. Nhỏ thấp, lùn, tròn như viên bi, được cái nước da trắng mọng, cái ngực chim gáy căng căng, cái mông tròn vo…

Ðội cải cách về bám rễ, được làm cốt cán, Nhỏ tố điêu suốt. Ông Chánh Tại gần chín mươi tuổi, bằng tuổi ông nội cô ta, Nhỏ cũng vu cho: “ông già hiếp tôi ở gốc quéo trước cửa chùa Trung!”

– Em kể cho anh nghe người ta gán cho thầy những tội gì mà đem xử bắn?

– Em họp xóm đến tối thứ Ba thì nghe người ta kể khổ đến bố em. Tội thứ nhất: Bố em làm lý trưởng, được quan huyện giao quyền bán muối cho dân. Dì em căn cứ theo danh sách đong bằng cái ca gỗ do huyện phát. Lúc muối ướt dính vào đít ca dì em không vuốt đi, cứ thế đong tiếp. Khi gạt lại không thật tay, ai cũng thiếu mà không dám kêu. Khi phát muối xong nhà em còn thừa hàng tạ, dì em đem bán cho con mẹ Bình trên phố.

– Chuyện này có thật, hồi còn nhỏ anh cũng nghe dân chúng xì xào!

– Tội thứ hai do anh Hãn tố cáo. Anh Hãn ở với bố mẹ em ba năm không công.

Chuyện này cũng đúng. Hãn là cháu ruột mẹ vợ tôi. Bố mẹ chết. Hãn bơ vơ. Mẹ vợ tôi gọi về nuôi, dở người ở dở con nuôi. Khi hai bà vợ mâu thuẫn nhau, bà cả bỏ đi lang thang. Hãn bỏ nhà bố vợ tôi về ở với người chú họ. Bố mẹ vợ tôi không lo liệu cho Hãn chút gì.

– Tội thứ ba: Trong thời kỳ bố em làm lý trưởng đã bỏ tù bốn người ăn cắp trâu làng Tạ Yên. Bốn người đi tù đều chết mất tích.

Chuyện này tôi biết. Hồi đó khoảng năm 1939-1940, làng tôi có nổi lên bốn tên đầu trộm đuôi cướp. Vụ đó cùng xảy ra với vụ tri huyện Phạm Gia Khương bị Ký Tâm đâm chết ngay trước cổng huyện, vì Khương đã cướp mất đề-pô rượu Phông-ten của Tâm. Tình hình trong huyện có vẻ lộn xộn nặng. Nguyễn Bằng và Cung Ðình Vận khét tiếng đàn áp cách mạng trên Lạng Sơn, Cao Bằng lập tức được cử về trị nhậm xứ Phú Thọ đang nổi loạn. Cung Ðình Vận làm tuần phủ, Nguyễn Bằng làm tri huyện Khe Gấm, nơi đất dữ từ thời Ðề Kiều, Ðốc Ngữ, Nguyễn Quang Bích tới nay. Nguyễn Bằng thẳng tay đàn áp bọn gian phi, không hiểu tại sao bốn tên tù đều mất tích.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Tội nguy hiểm nhất và dẫn tới việc thầy Lê Ðôn là do cái buồng dầy lèn những sách. Năm 1949 địch từ Tam Nông, Hưng Hóa tấn công lên, chúng đóng lại hai ngày. Khi đó bố vợ tôi đi công tác xa. Tên quan ba Pháp đóng ngay nhà thầy Lê Ðôn, khi rút đi chúng không hề tơ hào phá phách một tí gì. Cải cách ruộng đất, thằng Ðảo lên tố cáo rằng: “Khi nó chạy tản cư, gia đình còn sót lại một ít của cải, tối đến quay về lấy nốt thì thấy bố vợ tôi và ông Nhiêu Ðặng đang thịt lợn, thổi xôi tiếp Tây!”. Một cái tội hoàn toàn bịa đặt dẫn tới thầy Ðôn bị xử tử. Cả làng đều thấy đó là một sự vu cáo trắng trợn mà không ai dám hé răng!

– Việc xử tội bố diễn ra thế nào?

– Sau cái đêm người ta tố cáo bố, cả nhà mình bị đuổi ra khỏi cuộc họp. Coi là đối tượng của nông dân. Bố đang làm bí thư ở huyện dưới, bị bắt giam ở đâu không ai biết. Sáng hôm sau nông dân vác cờ, biểu ngữ đến cắm trước sân. Rồi họ kiểm kê niêm phong tịch thu tài sản. Bộ áo cưới của em hồi ấy cũng bị người ta lấy mất. Của cải trong nhà không còn gì. Thóc lúa không, nồi niêu gà lợn không. Chỉ còn ít đồ thờ và con trâu già vừa bằng tuổi em, sừng dài một sải tay và hàm răng đã mòn hết. Em bị họ gọi đến truy hỏi vàng bạc! Dì Ðỉnh cũng bị tra hỏi nhiều lần, cuối cùng người ta bóc cả cái kiềng bạc từ ngày bà nội em sắm cho em. Những đứa độc miệng nó nói: “Bố em là phần tử phản động luồn vào đảng, nắm được chính sách nên đã phân tán hết của cải!”

Một hôm từ phía đầu làng có tiếng trống ếch và khẩu hiệu hô dậy đất:

“Ðả đảo địa chủ cường hào đại gian đại ác Lê Ðôn bóc lột giết hại nông dân!” Em tưởng như bị sét đánh, chân tay run bần bật. Ðám biểu tình diễu qua trước cổng, thằng Nhẫn nhà mình chạy ra xem. Nó mới hơn hai tuổi mà đã sôi động, táo tợn. Nó trân trân vênh cái trán dô, đôi mắt thô lố ra nhìn, vỗ tay reo. Thằng Ðảo thấy, liền giơ kiếm trừng mắt hét: “Con cháu địa chủ, phú nông đây, diệt cho hết!” Nhẫn không sợ, chửi lại “Bố mày!” Em ngồi trong nhà theo dõi, vừa sợ vừa hả lòng. Tối đến, chị dâu anh – Bà Mãng – chua cay hét từ bên nhà ra lệnh: “Con Mẫn sáng mai ra Gò Gành mà dự xử tội thằng Ðôn! Không được vắng mặt đâu nha!”

Sáng hôm sau họ lùa cả nhà ra Gò Gành. Người ta bắt em ngồi một chỗ với thằng Vang con Vọng, lại có du kích vác súng ngồi canh giữ. Trước mặt là cái bục cao, kết bằng lá si trên có kê bàn ghế. Trước bục đào một cái hố nông, khoảng ngang gối, to bằng nửa chiếc chiếu, lấy đất đắp lên thành cái nấm ngay bên cạnh. Phía bên trái bục khoảng một trăm bước chân lại thấy đào một cái hố khác nữa, không biết nông sâu thế nào. Ðất đào lên đắp thành mô phía trước như cái mả, trên mô đất chôn cái cọc bằng tre dài vút đầu người. Dân các xóm rầm rập kéo đến, đi thành hai hàng dọc. Khẩu hiệu, biểu ngữ giương cao, cầm ở tay hoặc dán trên nón. Thường là “Bần cố trung nông đoàn kết quyết đánh đổ giai cấp địa chủ, giải phóng nông dân!”; “Có khổ nói khổ, nông dân vùng lên!”; “Ðả đảo tên địa chủ cường hào đại gian đại ác Lê Ðôn giết hại nông dân!” Người ta tuyên bố phiên tòa bắt đầu. Hà Thị Nhỏ, cố nông, ngồi ghế chánh án. Tào Lao, bần nông, và Nguyễn Văn Ðăng, trung nông làm dự thẩm. Thêm một người trong đội cải cách. Người ấy lùn tịt, môi dày, miệng chành, đầu húi móng ngựa, đeo kính trắng. Tào Lao tuyên bố: “Ðây là tòa án nhân dân đặc biệt xử tội Lê Ðôn”. Lệnh cho du kích dẫn bố và dì Ðỉnh ra. Ôi, em hồi hộp quá, trống ngực đánh thình thình, hết nhìn bố lại nhìn dì. Bố vẫn mạnh khỏe, nét mặt bình thản kiên nghị, áo sơ mi bỏ ngoài quần trông lấm láp bẩn thỉu. Chắc hàng tháng nay người ta không cho bố tắm. Dì Ðỉnh gầy xọp hẳn đi.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Vẫn ôm cái Khánh bên nách, vì lúc ấy nó mới được bốn tháng, thằng Ðỉnh lằng nhằng bám theo sau mẹ. Dẫn đến trước bục, người ta thét cởi trói và chỉ hai người xuống đứng dưới cái hố mới đào. Thằng Ðỉnh cũng lăn xuống hố. Du kích xách nó vứt lên bờ. Nó khóc thét. Em vùng dậy, định chạy lại đón thằng Ðỉnh, bị thằng Phong cầm súng đứng gác trừng mắt không cho em nhúc nhích. Nó lại lôi thằng Ðỉnh vất vào chỗ em và thằng Vang con Vọng ngồi. Thằng Vang con Vọng giương mắt nhìn bố và dì, nước mắt đầm đìa. Không thấy mẹ em ngồi cùng với chúng em. Cũng không thấy đứng vào chỗ bố và dì. Ngơ ngác, mãi em mới thấy mẹ em ngồi lẫn với đám anh Hãn, thằng Ðảo, mấy người xóm Trung, xóm Dốc và vợ con mấy tên đi ăn cướp, tù mất tích. Bọn này đứa nào trên đầu cũng chít vuông vải trắng. Ðám người ngồi đấy gọi là “các khổ chủ”. Mẹ em cũng là khổ chủ của bố.

Người lên đấu đầu tiên là anh Hãn, tố khổ ba năm bị bóc lột, anh ta đi ở không công. Rồi đến đám xóm Trung, xóm Dốc, tố chuyện bán muối và thiếu thuế bị bắt gà, bắt lợn. Người thứ tư lên đấu là thằng Ðảo. Vì những lời vu oan giáng họa của nó mà bố bị ghép vào tội chết. Không biết bây giờ lương tâm nó bị cắn rứt không. Vu khống đưa người ta đến chỗ chết không phải là chuyện bình thường. “Lời nói dọi máu”. Tiếp đến là Hà Thị Nhỏ. Nó vu cho bố em hiếp nó ở bờ ruộng. Nó vừa nói vừa khóc lu loa như con điên. Bố em là người có học, cao thượng từ bé, không thể làm cái trò nhơ bẩn như thế. Nhưng đã là ác bá người ta phải gán cho bố đủ bốn tội: bóc lột, chiếm đoạt, nợ máu và hiếp dâm.

Ðến khi mẹ em bước lên đấu, em thấy lòng tan nát đớn đau. Mẹ em cũng chỉ mặt bố em và dì Ðỉnh: “Mày biết tao là ai không Ðôn? Tao là con Thỏa. Về làm dâu nhà mày từ năm mười bốn tuổi, hơn ba mươi năm lao động nuôi mày ăn học nên người, lo cho nhà mày giỗ Tết, khao vọng… Mày trở thành cao sang quyền quý. Mày yêu con vợ hai của mày là con Tính kia, mày ruồng rẫy tao”. Chuyện mâu thuẫn vợ cả vợ lẽ xưa nay cũng là chuyện thường tình, nhưng tại sao mẹ em, người đàn bà xưa nay hiền lành, lại dám lên tố chồng vô đạo như thế? Lúc này trông mẹ em thấy xa lạ quá đi.

– Phát ngôn quần chúng mà em! Nó không bắt em lên tố bố là may đấy!

– Cũng có đứa cốt cán đến phát động em, nhưng em không nghe. Em bảo: “Bố tôi đẻ ra tôi, tôi không làm điều vô luân như thế!”

Rồi đến vợ con bốn tên ăn cướp, chúng đứng lên một loạt, khăn tang trắng toát mặc dù bố chúng chết cách đây mười ba năm. Chúng kêu khóc ầm ĩ đòi trả nợ máu. Tào Lao cũng đứng lên nắm tay hô: “Có nợ máu phải trả bằng máu!” Quần chúng lẻ tẻ hô theo. Cuộc đấu tố bố em kéo dài hơn hai tiếng. Bọn ngồi trên bục không đứa nào đọc nổi bản án. Người ở đội cải cách – cái người thấp lùn đeo kính trắng ấy – đứng lên đọc thay, quy vào điều này điều khác. Thế rồi Thị Nhỏ danh nghĩa là chánh án tuyên bố, lại nói vấp đi vấp lại hai ba lần: “Lê Ðôn chịu án tử hình. Thị Tính mười năm tù ngồi!” Một toán du kích vào lôi dì Ðỉnh và cái Khánh đi. Một toán lôi bố em lại chỗ cái cọc chôn sẵn, sấn vào bịt mắt. Bố lắc đầu không cho bịt, và bấy giờ em mới biết họ chôn cái cọc ấy là để trói bố vào bắn!

– Xử án không có thầy cãi?

– Không!

– Không được tự thanh minh?

– Không!

– Không cho treo án mười lăm ngày để phạm nhân kháng án?

– Không!

– Bố láo thật!

– Gọi là “Tóa án nhân dân đặc biệt” xử đầu sỏ để trấn áp địch, phát động nông dân, người ta cần bắn ngay trước mặt mọi người kia mà.

Xem thêm:   Hang gấu

Một tên đội phó trong đội cải cách ra chỉ huy hành hình bố. Ba du kích vác súng đứng hàng ngang. Không tưởng tượng ba người ấy đều là học trò cũ của thầy! Thằng Hưng, thằng Thẩm, thằng Huấn, đều đi bộ đội về. Tên chỉ huy hô: “Số một ngắm, bắn!” Súng nổ. Bố nẩy vai trái lên! Tưởng đạn đã bắn vào người, nhưng chưa. Nẩy vai lên hình như bố hô khẩu hiệu. “Số hai ngắm, bắn!” Bố lại nẩy vai lần nữa, đạn vẫn không vào người.

Trong quần chúng lúc này đã ồn ào: “Bắn oan người ta, thần linh cản đạn không cho trúng người!” “Số ba, bắn!” Bố lại nẩy vai trái. Người vẫn đứng trơ trơ, mắt giương trừng. Cột chôn đã lung lay. Giẻ nhét ở miệng tuột ra lòng thòng. Hết phát thứ ba, không trúng, cả ba chúng em lao lên. Nhiều người cũng xúm xít lại. Ba du kích bắn không trúng bỏ súng trốn. Em hô hào mọi người cứu bố em! Lúc đó không khí nhộn nhạo như vỡ chợ.

Đấu tố. anhxua.com

Tên đội phó mặt tái nhợt, mím chặt môi xông lên. Em đã kịp níu tay nó. Nó hất em ra, rút phựt con dao từ trong bọc xuyên phập qua cổ bố từ trái sang phải. Bố nhào qua cái cọc lao đầu xuống cái hố đã đào sẵn, máu phun phì phì. Thằng Vang con Vọng lăn đùng ra đất, em cũng ngất xỉu luôn. Anh em họ hàng nhà anh xúm lại khiêng em về nhà này. Em ốm liệt giường. Mấy ngày sau mới tỉnh lại, ngơ ngác. Không biết mẹ em tố bố xong rồi đi đâu, em ốm cũng không thấy đến. Thằng Vang con Vọng đi đằng nào, thằng Ðỉnh, cái Khánh ai trông? Tan đàn sểnh nghé. Em khổ quá, lúc ấy đã có ý tự tử. Nhưng vì còn anh, còn thằng Nhẫn, chết đi ai nuôi?

Thế là suốt đêm vợ chồng tôi không ngủ. Trời đã sáng rõ. Thằng Nhẫn thức dậy giương mắt nhìn bố. Mẹ nó ghé nhỏ vào tai con: “Bố Bảo con về tối hôm qua đấy, con lại với bố đi!” Nó đến ngồi lên lòng tôi, tôi lấy kẹo cho con. Hai mươi hai tháng, nó có vẻ khôn trước tuổi. Vừa nhai kẹo nó vừa giương mắt kể: “Hôm qua con thấy con bay lên giời” – “Con bay lên giời làm gì thế?” – “Con lấy quả ổi ngoài cửa sổ ấy!” – “Thế mà phải bay lên giời kia à?”… Con tôi đang thỏ thẻ thì bà chị dâu xấc xược ra lệnh trống không: “Vợ chồng phú nông Lẫm sáng nay đi khiêng gỗ từ Gò Ðình ra Cống Bún!” Tim tôi nhói lên, lặng đi mấy phút.

– Con mẹ ấy bây giờ nó ghê gớm quá thế kia à, em?

– Còn phải nói, nó không giết được tất cả nhà này, nó phải chịu.

– Nhưng vì cái gì mà nó căm thù nhà này khiếp thế?

– Chắc là ngày xưa khi còn ở chung, bố mua được đôi mâm thu với cái nồi mười, khi chị ta ra ở riêng bố không chia cho. Bố bảo đấy là của chung gia đình, để thỉnh thoảng giỗ Tết có mà dùng.

– Thế thì nay quăng trả cho nó một chiếc, làm cái gì thứ ấy. Bố mẹ cũng có máu tham. Tham cả với con cái, với cả tôi nữa kia. Ở nhà tôi lao động như thế, đi công tác chả có gì dùng, mua chịu của lão Kha Tìm cái chăn vải thô, tôi đi vắng lão ấy lên đòi tiền, bố chửi tôi vung lên. Mai tôi bảo bố vứt trả cho con mẹ Mãng chiếc mâm.

– Bây giờ làm thế không được, nó sẽ đi tố cáo: “Phú nông đút lót của cải cho nông dân!” Khéo vừa mất mâm lại vừa phải giam chuồng trâu!” Thị Mãng ra lệnh, bố mẹ tôi lục tục đeo dao vác đòn khiêng đội nón ra đi. Vợ tôi để con lại cho tôi, gánh gánh cọ xuống chợ Trò xa tám cây số bán lần gạo cho cả nhà. Thằng Sử em út tôi thấy tôi ở nhà trông thằng Nhẫn, nó cưỡi trâu đi thả từ sáng sớm. Khi biết mẹ con mụ Mãng đi vắng cả, tôi mới dám mạnh dạn hú hí với con tôi. […]

NNB, 1991

(Trích tiểu thuyết)

(*) Ảnh chụp tại sân đấu tố của nhiếp ảnh gia Sô-Viết Dimitri Baltermants năm 1955.

Nguồn ảnh: vpef.net

Trần Vũ đánh máy lại tháng 10-2019, từ bản in trên Hợp Lưu số 1 phát hành tháng 10-1991, từ trang 85 đến 92.