Trong khi đa phần các ngành nghề đều bị đại dịch đánh xiểng liểng, lắm người thất nghiệp, nhiều cửa hàng sập tiệm… công nghệ làm đẹp lại phất lên vào mùa Covid.

Tỷ lệ gia tăng

Theo BBC, British Association of Aesthetic Plastic Surgeons (Hiệp hội bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ của Anh) cho biết bác sĩ của họ thấy yêu cầu tư vấn qua mạng tăng 70% trong mùa dịch. Tương tự, 64% bác sĩ của American Society of Plastic Surgeons (Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của Hoa Kỳ) cũng thấy yêu cầu gia tăng.

Từ khi bắt đầu lockdown, bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ khắp thế giới, từ Anh, Mỹ đến Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v. đều thấy số lượng booking tăng vọt—đó được gọi là Zoom Boom.

Theo tờ Daily Mail, Dan Marsh, một thành viên của Hiệp hội bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ của Anh, được book hẹn suốt 9 tháng vì nhu cầu tăng cao. Theo cùng bài viết, các phòng khám cho biết một số loại giải phẫu tăng 500%. Pall Mall Cosmetics cho biết yêu cầu cho liposuction (hút mỡ bụng) tăng gấp đôi, còn tummy tuck (căng da bụng) cũng tăng 40%. Nhưng không chỉ phụ nữ, đàn ông cũng tìm hiểu và muốn giải phẫu bỏ “man boobs” (ngực to do béo phì)—yêu cầu cho loại phẫu thuật này (gynaecomastia surgery) tăng 115%.

Pall Mall Cosmetics cho biết yêu cầu phẫu thuật giảm ngực tăng 520%, còn nâng ngực (breast augmentation) tăng 110%.

Trong khi đó, theo Hiệp hội của Hoa Kỳ, trích trên tờ ABC News, 55% bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ cho biết cái phổ biến nhất trong lúc lockdown là tiêm botox.

Tại sao tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ lại gia tăng mùa Covid?

Có nhiều lý do. Một trong những lý do chính là do lockdown, mọi người chuyển sang làm việc từ nhà và không phải đi làm xa, cũng không đi chơi và không gặp ai do mọi thứ đóng cửa, thế là có thêm thì giờ săm soi mặt mình—thấy cái này lệch, cái kia méo, cái nọ chẳng đẹp, thế là phải phẫu thuật để chỉnh lại.

Theo tờ The Guardian, Jacob Sedgh, một bác sĩ ở Nam California thấy một lượng lớn bệnh nhân trước đây chưa bao giờ qua dao kéo.

Quan trọng hơn, do lockdown và không phải đi đâu, người ta có thể băng bó mặt mũi một thời gian không bị ai thấy, và có thể ngồi nhà tịnh dưỡng và hồi phục sau phẫu thuật. Hoặc nếu có làm gì đó sơ sơ trên mặt như bơm môi thì có thể ngồi nhà, hoặc nếu ra đường cũng có cớ mang mặt nạ, không ai để ý nếu môi sưng hoặc nhìn kỳ kỳ ngay sau khi bơm.

Nỗi sợ Covid cũng không làm người ta ngần ngừ, vì ở đó bác sĩ và mọi người đều mang mặt nạ. Lockdown xét nhiều mặt là thời gian lý tưởng để thử qua dao kéo và làm đẹp mình. Hơn nữa, do không được đi du lịch hay đi ăn nhà hàng, người ta có thể dư tiền làm đẹp.

Bảo Huân

Zoom effect

Ngoài ra, các bài viết về nhu cầu chỉnh sửa ngoại hình tăng vọt còn nói tới cái gọi là Zoom effect, tức hiệu ứng của Zoom.

Khi chuyển sang làm việc ở nhà, mọi thứ đẩy lên online và meeting thay thế bằng video calls trên Zoom, thế là mọi người phải thấy mặt mình trên Zoom và bắt đầu săm soi, thấy mình xấu xí và trở thành thiếu tự tin mà quên mất hình ảnh thu bằng máy tính lúc nào cũng làm lệch lạc mặt mũi và người nào trên Zoom cũng xấu như nhau. Vì Zoom, nhiều phụ nữ thành băn khoăn, thấy mình có mũi to, hoặc có quầng mắt, hoặc đầy nếp nhăn, hoặc ám ảnh với cái không cân xứng nào đó trên khuôn mặt.

Theo tờ Financial Times, Zoom làm tăng vọt lượng khách hàng trên tuổi 35, vì đây là những người thông thường không chụp selfie (“hình tự sướng”) hoặc không dùng mạng xã hội nhiều, không quen thấy mình trên camera—chỉ tới khi bị bắt dùng Zoom và thấy mình trên đó mới hoảng hồn nghĩ “ôi trời, nhìn mình như thế à”.

Bởi vậy, những thứ như tiêm botox, fillers (chất làm đầy), hoặc các phương pháp chống nhăn có nhu cầu tăng lên trong mùa dịch. Các hình thức điều trị như neck rejuvenation (làm trẻ hóa cổ) và jawline contouring (tạo nét cho đường viền hàm) cũng tăng cao, vì đó là những khu vực người ta thường nhìn vào nếu có video call qua Zoom và để camera hướng từ dưới lên.

Ðó là phụ nữ. Ðàn ông cũng có nỗi ám ảnh khác—theo bác sĩ Munir Somji ở Dr MediSpa Clinic, số lượng nam giới muốn cấy tóc gia tăng trong mùa dịch. Khi nhìn mình trên Zoom, nhiều đàn ông có thể thấy mình hói hơn, dù làm bất kỳ cái gì, và khi tóc dài hơn do lockdown và không được cắt tóc, sẽ càng thấy tóc nhìn mỏng hơn.

Trong một cuộc gọi Zoom, người ta không chỉ chằm chằm nhìn mặt mình từ một góc duy nhất suốt vài tiếng đồng hồ mà còn thấy mặt người khác ngay bên cạnh và có thể so sánh và cảm thấy tự ti. Ngoài ra còn có những yếu tố tâm lý khác—thói quen thay đổi, nhiều thứ bị gián đoạn, không được gặp bạn bè người thân hoặc tham gia nhiều hoạt động trong thời gian lockdown, mọi người dễ dàng bị xuống tinh thần hoặc bị trầm cảm, từ đó càng có cách nhìn tiêu cực hơn về bản thân. Hình ảnh không đẹp trên Zoom càng có khả năng củng cố những suy nghĩ tiêu cực đó, khiến nhiều người muốn chỉnh sửa ngoại hình.

Tuy nhiên, cũng nhờ công nghệ làm đẹp, nhiều người kiếm được niềm vui và thấy tích cực hơn về bản thân trong khoảng thời gian đầy thử thách này.

DN

Nguồn:

https://www.bbc.com/worklife/article/20200909-why-plastic-surgery-demand-is-booming-amid-lockdown

https://www.dailymail.co.uk/news/article-9109607/Cosmetic-surgery-booms-lockdowns.html

https://abcnews.go.com/Health/demand-plastic-surgery-coronavirus/story?id=71773172

https://www.theguardian.com/lifeandstyle/2021/jan/06/plastic-surgery-pandemic-rise

https://www.ft.com/content/035b7843-e1e7-4ecf-a3cd-9d8d4869955a