1.

Tháng 4 vừa rồi là kỷ niệm 10 năm từ ngày mẹ tôi và tôi rời Việt Nam. Thế là nghĩ, cuối cùng đâu là nhà? Anh không phải là nhà, dù mẹ tôi ở đây, bạn trai tôi ở đây, sắp tới tôi cũng sẽ ở lại đây, vì tôi chỉ mới sang Anh chưa tới 3 năm. Na Uy không phải là nhà, dù có quốc tịch và ở đó 7 năm. Nhưng Việt Nam có còn là nhà không, khi 10 năm rồi tôi không về Việt Nam và cũng sẽ không về sống nữa?

Với những người Việt tha hương, đất nước mới và quê hương cũ đều là nhà, hay nơi nào cũng không thực sự của mình?

Nhưng cũng có thể khái niệm nhà, cũng như khái niệm quê hương và quốc gia, không còn quan trọng. Câu “Quê hương mỗi người chỉ một” cũng không còn đúng, trong thời đại toàn cầu. Trong lớp tôi có một người, cha người Pháp, mẹ người Mỹ gốc Hoa, bản thân sinh ở Pháp, lớn lên ở Nhật, sau đó cùng gia đình sang Brazil, nói tiếng Pháp và tiếng Anh giọng Mỹ, chưa bao giờ tới Mỹ, và bây giờ sang Anh học, thế thì nhà ở đâu?

2.

Mặt khác, trong khi nhà là khái niệm linh hoạt, có thể hiểu nhiều cách khác nhau, quê hương là cái không thể thay đổi. Quay trở lại người bạn trong lớp tôi, câu hỏi quê hương ở đâu có thể không dễ trả lời (Pháp? Mỹ? Cả 2?), nhưng với người Việt đến nhập cư hoặc tỵ nạn ở nước khác, quê hương tất nhiên là Việt Nam.

Có một nhà báo, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, cách nghĩ trong nhiều chuyện vẫn còn đậm đặc Khổng giáo, sống nhiều năm ở Ba Lan sau đó sang Mỹ được 6 năm có quốc tịch, bảo mình không còn là người Việt, quê hương bây giờ là Mỹ. Nhưng làm sao có thể gọi Mỹ là quê hương khi không sinh ra và lớn lên ở Mỹ, không có cha mẹ hoặc gốc gác từ Mỹ, tiếng Anh chưa đạt tới ngôn ngữ thứ nhất (không bằng tiếng Việt), và chưa chắc đã thực sự thấm nhuần văn hóa và cách sống của Mỹ?

Việt Nam có thể không có nhiều thứ để tự hào, nhưng tại sao phải chối bỏ quê hương? Tôi vẫn nói tôi là người Việt.

3.

Khi tôi học IB ở Na Uy, trong lớp có một con nhỏ sinh ra lớn lên ở Na Uy, nói chung là người Na Uy gốc Việt. Với người Việt như tôi thì nó ra vẻ ta đây là Na Uy – ví dụ khi tôi hỏi nó dùng cờ đỏ hay cờ vàng, nó trả lời là dùng cờ Na Uy. Nhưng với người Na Uy thì nó lại ra vẻ ta đây là dân Châu Á, ta đây đặc biệt, nói được vài thứ tiếng, sống giữa vài nền văn hóa.

Tôi quan sát thấy ở Na Uy, dân Hồi giáo thường ý thức được rất rõ quyền lợi của mình, và biết mình được luật pháp bảo vệ, khi là công dân mình có quyền ngang bằng với mọi công dân Na Uy. Trong khi đó rất nhiều người Việt, dù đã có quốc tịch, dù đã sống rất lâu ở Na Uy và dùng ngôn ngữ gần như tiếng Việt, vẫn mang tâm lý đang ở nhờ, ở trọ, được cưu mang, không dám đòi hỏi, thậm chí khi biểu tình chống Tàu cũng sợ nhà nước Na Uy không vừa lòng.

Không phải ai cũng vậy, đây là khuynh hướng tôi thấy khá nhiều – cùng người Việt với nhau thì hống hách, kỳ thị, tự phân biệt chính đồng bào mình, nhưng với dân bản xứ thì rụt rè khép nép, không dám hó hé. Cách đây không lâu, tôi nói chuyện với vài người Việt, chỉ mới ở Mỹ được vài năm, tiếng Anh không rành, quốc tịch chưa có, nhưng đã nói “nước Mỹ chúng tôi”, “tôi là người Mỹ”… Tôi tin chắc những người này chỉ hống hách được với người Việt ở xa, chứ không bao giờ dám nói với dân Mỹ da trắng là “I am American”, càng không bao giờ dám đứng lên bảo vệ quyền lợi căn bản cho chính mình.

4.

Ngược lại với suy nghĩ “quê hương mỗi người chỉ một”, sau này có khái niệm công dân toàn cầu.

Tôi có một người bạn người Việt, tự nhận mình là công dân toàn cầu. Người bạn này ở Việt Nam, mang một quốc tịch Việt Nam, chỉ nói tiếng Việt và biết tiếng Anh, đi du lịch nhiều nhưng chưa bao giờ sống ở nước khác, và hình như cũng không tham gia những hoạt động toàn cầu như tình nguyện ở nước khác – như thế có phải là công dân toàn cầu không?

Tôi không biết nhiều về tình hình và cách nghĩ nói chung ở Việt Nam, nhưng google là thấy rất nhiều bài viết nói về công dân toàn cầu, làm thế nào để trở thành công dân toàn cầu. Ðiều này với tôi khá lạ, vì ở Na Uy và Anh tôi gần như không bao giờ nghe ai dùng đến cụm từ global citizen.

Nếu đây là phong trào, tại sao ở Việt Nam sau này lại có phong trào muốn trở thành công dân toàn cầu?

Bảo Huân

DN