“Trai mà chi, gái mà chi;

Sinh ra có ngãi có nghì thì hơn!”

Ca Dao

Câu chuyện bắt đầu bằng bức thư tuyệt mệnh của một bà mẹ Trung Quốc được đăng tải trên People’s Daily làm nhiều người rơi nước mắt, khóc cho hoàn cảnh của bà. Bà cụ năm nay đã 80 tuổi, sinh được 4 đứa con trai, không có con gái, và đã trải qua thời gian nuôi thêm 8 đứa cháu. Khi chồng qua đời, không có đứa con trai nào muốn đưa bà về nhà sống chung với chúng, và chúng chẳng hề nấu cho bà được một bữa cơm. Bà đếm đủ 1 năm 9 tháng, khoảng 630 ngày, bà được các con trai săn sóc, rồi sau đó chúng đến không có một lời chào, và đi cũng chẳng có một câu giã từ. Chúng như những người đang bước vào một khách sạn, lướt mắt qua một bà già xa lạ đang ngồi đó.

Bà cho biết bà chưa ăn của các con một bữa nào, không mặc quần áo của con, thậm chí không tiêu một xu của chúng, nhưng các con bà làm cho bà cảm thấy bà là một món nợ đối với chúng. Ngay cả khi bà trở nên lú lẫn, các con bà vẫn lặng lẽ bỏ về mỗi tối, không ai trở lại, để lại cho bà một sự cô đơn, trống vắng đáng sợ.

trai-ma-chi-gai-ma-chi1

Ảnh minh hoạ của People’s Daily.

Cuối thư bà cụ viết rằng: “Tôi bị đau tim. Tôi hiểu rằng ngày ấy đang đến, vì vậy tôi đã viết lá thư này. Tóc tôi bạc hết rồi, tôi thề với mái tóc trắng của tôi rằng, tôi thực sự đánh giá cao những gì các anh làm. Nhưng ngoài câu này, tôi còn có một điều nữa để nói: Tôi rất hối hận khi đẻ ra các anh, nếu có kiếp sau, tôi không muốn nhìn thấy các anh nữa!”

Người phụ nữ này đã qua đời lặng lẽ, trong tay còn cầm bức ảnh duy nhất của bà và chồng. Ðẻ ra toàn con trai, thiệt thòi đến nỗi một người mẹ phải thốt ra lời hối hận như thế hay sao?

Ngay ở Việt Nam thời phong kiến, chúng ta cũng đã nghe câu nói: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô! (một con trai gọi là có, nhưng mười con gái vẫn là không) thể hiện tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” trong Nho giáo. Theo đó, các gia đình hay dòng họ từ xưa (và thậm chí cả ngày nay) vẫn có tư tưởng coi trọng việc sinh con trai. Nếu không có con, cháu trai nối dõi vẫn bị xem là tuyệt tự, vì khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người thờ cúng. Trong trường hợp này, người chồng có quyền ly dị hoặc lấy thêm vợ.

Truyền thống trọng nam khinh nữ và chính sách một con ở Trung Quốc đã gây ra sự mất cân bằng giới tính trầm trọng. Các nhà nghiên cứu cho biết “nguy cơ nam giới trưởng thành độc thân” ở Trung Quốc đã xảy ra, và cho đến năm 2020, số “nam thặng dư”  ở Trung Quốc đại lục sẽ lên đến con số 2.4 triệu người. Một trong những nguyên nhân gây hệ quả đáng ngại này là do nhiều cặp vợ chồng ở Trung Quốc đã hủy bỏ những bào thai nữ, hay dìm chết chúng khi mới sinh ra đời.

Việt Nam cũng không tránh khỏi chuyện trọng nam khinh nữ; nếu chẳng may một người đàn bà không sinh được một đứa con trai sẽ bị chồng và gia đình chồng hất hủi, ghẻ lạnh, và dư luận sẵn sàng bỏ qua cho người đàn ông nếu anh ta lăng nhăng hay lấy thêm vợ, với mục đích là để kiếm cho được một thằng con trai nối dõi.

Tôi có một bà chị họ, lấy chồng, mấy năm sinh liên tiếp một loạt ba đứa con gái, coi bộ nhà chồng đã lạnh nhạt ra mặt. Nghe vợ sinh đến đứa con gái thứ ba ông chồng ở xa cũng chẳng buồn về thăm vợ. Ðến lúc sinh lần thứ tư, bà Mụ loan báo lần này là con trai. Bà chị yêu cầu dở tã cho bà sờ đúng là con chim, mới mỉm cười, hai hàng nước mắt chảy dài vì sung sướng.

Chuộng con trai đến như vậy, sao thời nay, cha mẹ già cuối đời sống với con gái được xem là thuận hơn là sống với con trai. Phải chăng đàn bà – mẹ chồng, nàng dâu – hay đụng nhau trong nhà bếp, còn ông rể thì vô tâm, bộc trực, ít quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt. Nhiều người cho rằng con gái thường quan tâm đến bố mẹ hơn là những cậu con trai. Mặt khác, đàn ông thường nghe và nể vợ, nể vợ rồi thì nể luôn cha mẹ vợ. Trái lại gặp con dâu lạnh nhạt với cha mẹ chồng, thì ở với con trai cũng khó. Ở Việt Nam ngày trước, phụ nữ thường thuần phục và lép vế hơn chồng, sang Mỹ đàn bà được coi trọng, ngang ngửa với chồng, nên đôi khi có phần lấn lướt.

trai-ma-chi-gai-ma-chi

Trung Quốc ngày nay: Gia đình họ Cao sinh 11 gái, được một trai cuối cùng mới ngưng.

Cái câu “dâu là con, rể là khách” ngày nay không còn đúng nữa! Tôi có người bạn, vợ qua đời, sau khi bán xong cái mobile home chia cho các con mỗi đứa một ít. Cậu con trai ngỏ ý mời cha về ở chung nhà, nhưng cô dâu coi bộ chẳng mặn mà, không hợp ý với cha chồng. Có lần 6 giờ sáng, cô dâu trở dậy, lấy cớ mắng mỏ con: “Mày không muốn ở đây, thì cút xéo đi đâu thì đi cho sớm, cho rảnh mắt tao!”

Ông cha tủi thân, lặng lẽ thu xếp chút quần áo, ra xe đò đi tiểu bang khác, về ở nhà con gái. Cô này đang gặp cảnh ở nhà thuê, nhưng bạn tôi thà kéo một cái màn trong phòng cháu trai, kê một cái ghế bố còn hơn ở với con trai trong một ngôi nhà mới có đến 4 phòng ngủ. Một cô dâu khác, đổi nhà từ 4 phòng xuống 3 phòng, lấy lý do con lớn cần phòng, mời cha mẹ chồng vui lòng kiếm chỗ khác ở.

Bà cụ trong câu chuyện trên báo People’s Daily ở Trung Quốc đã “xui rủi” có đến bốn đứa con trai!

Ngày nay, người ta bắt đầu biết có con gái là quý. Trước tình trạng dân số già, mất cân bằng giới tính, ở Hậu Giang Việt Nam thưởng cho những gia đình sinh hai con gái từ 390,000 đến 1.3 triệu đồng. Từ đầu năm 2019, tỉnh Hậu Giang sẽ thực hiện việc hỗ trợ chính sách dân số trên địa bàn. Theo đó, chính quyền các cấp sẽ khen thưởng, biểu dương những cặp vợ chồng sinh 2 con đều là gái.

Cụ thể, mức thưởng kèm bằng khen của chủ tịch tỉnh cho gia đình hai con bằng một lần mức lương cơ sở là 1.3 triệu đồng. UBND huyện cũng thưởng kèm theo giấy khen bằng 0.3 lần mức lương cơ sở là 390,000 đồng.

Nếu không có những ngoại lệ trên đời này, thì một ông bạn tôi ở Fort Worth Dallas là người may mắn nhất trong chuyện con trai, con gái ở Mỹ. Ðó là ông bạn Ðinh Tiến Dũng, thân phụ của ca sĩ Diễm Liên, có đến “Ngũ Long Công Chúa” mà không có mụn con trai nào!

HP

Orange County, CA