Trước khi rời Việt Nam, tôi đã dự kiến một trong những khó khăn lớn nhất, cũng là một trong những vấn đề quan trọng nhất, tôi phải đối mặt ngay tức khắc đó là: tiếng Pháp sống.

stjustinmartyr.org

Mặc dù đã tự học và được học, nhưng tôi biết khả năng tiếng Pháp của tôi còn rất hạn chế, nhất là nghe và nói. Nếu cho khả năng tiếng Pháp đọc của tôi là 10 thì khả năng nói của tôi chỉ là 4, khả năng nghe chỉ là 3 hoặc 2. Chưa kể tôi còn bị một tật rất không thuận cho học ngoại ngữ: tôi mắc nói lắp từ lúc 12 tuổi. Nay, với cái tuổi ngoài 50, chắc chắn bộ não của tôi không còn ở trong những điều kiện tốt nhất để hấp thụ một ngoại ngữ. Tuy nhiên đổ cho, hay chấp nhận, hoàn cảnh thì chẳng nên bàn luận hay kỳ vọng gì nữa. Qua kinh nghiệm bản thân và qua các nghiên cứu, kinh nghiệm của nhiều người khác, tôi xác định rằng điều quan trọng nhất để có thể sử dụng được ngôn ngữ sống (nghe và nói) là phải thực hành, tức phải làm sao nói và nghe càng nhiều càng tốt, làm cho não bộ của ta không coi, hay ít coi, cái tiếng, cái âm đó là “ngoại”, là “lạ” nữa.

Khi đặt chân lên máy bay sang Pháp, tôi tự cho rằng mình bây giờ là một “thằng trẻ con” trong việc trau dồi Pháp ngữ và nhiều vấn đề khác. Trẻ con bao giờ cũng hấp thụ rất dễ dàng ngôn ngữ ngoại; trẻ con thường chẳng biết xấu hổ khi nói sai, cũng không biết ngượng ngùng khi hỏi lại những gì chúng nghe không rõ hoặc không hiểu, không biết. Ðó là những điểm tôi cho là rất quan trọng trong việc học ngoại ngữ. Tôi sẽ phải theo đúng phương châm này. Tôi cảm thấy vui, háo hức vì nhìn ra xung quanh, từ trong gia đình cho tới ngoài xã hội sắp tới, tôi luôn luôn có những người thầy giỏi ở bên mình và, quan trọng hơn, được ngụp lặn trong tiếng Pháp đích thực và miễn phí – một trong những ngôn ngữ của tự do, của thi ca, khoa học và triết học.

Xem thêm:   Chu Trầm Nguyên Minh

Ngoài ra, vì không phải là “trẻ con”, tôi tự đặt ra cho mình cũng phải rèn luyện thêm kỹ năng viết, đọc – rất hữu ích cho nói và nghe. Tôi tự nhủ, ngày nào cũng phải tìm cách để gặp và nói chuyện với người Pháp, dù chỉ là vài câu hoặc có khi chỉ được nói và được nghe một câu chào “Bonjour!” để cái não, cái miệng của mình được cọ xát, nhào nặn với tiếng Pháp.

Vừa đến nơi trú ngụ đầu tiên trên đất Pháp, tôi thấy ngay một món quà rất tuyệt vời: chiếc radio. Vừa rẻ, vừa tiện, có thể làm mọi việc khác nhưng vẫn luyện nghe tiếng Pháp và lại có thể biết thêm tin tức. Tôi hăm hở lao vào công cuộc chinh phục Pháp ngữ như dự kiến.

Song, thực tế có những điều không hoàn toàn suôn sẻ hay dễ chịu. Khi tiếp cận với cuộc sống thực, với những đòi hỏi cụ thể thực tế, tôi nhận ra khả năng nghe của tôi còn thấp hơn những gì tôi tưởng. Có những câu, những từ, nếu là trên văn bản thì chắc chắn tôi phải “ăn” được ngay. Nhưng cái tai của tôi, không, đúng ra, cái não của tôi không “ăn” được những câu, những từ đó khi nghe người ta nói. Ðáng bực mình hơn nữa, có những câu họ nói tôi hiểu ngay nhưng việc đáp lại thì không “ngon lành”, thậm chí bị tắc; và câu trả lời chuẩn chỉ đến sau vài giây, thậm chí vài phần của một giây. Nhưng chỉ thế là đủ quá muộn, đủ làm hỏng cả một cuộc trao đổi. Ngoài ra, đã tự nhủ phải mạnh dạn, mạnh bạo để hỏi, hỏi lại những gì mình không rõ, không biết, song không phải lúc nào tôi cũng dũng mãnh, cũng can đảm được như mong muốn. Hoặc, có lúc chỉ hơi do dự một chút là cơ hội để cho mình hỏi, cho mình tiếp tục câu chuyện, vụt qua mất vì đây là cuộc sống thật với những tốc độ, dòng chảy riêng tự động của nó; nó không phải là một lớp học tiếng Pháp để cho mình có thời gian chuẩn bị, do dự, làm lại. Những trúc trắc như thế nó gây cho tôi những hậu quả nặng về tâm lý, về ý chí nhiều hơn là những thiệt hại hữu hình. Ðáng mừng là mình tự biết được sự yếu kém của mình. Song, có lẽ cũng không có gì đáng buồn hơn khi nhận ra cái trình độ, cái giới hạn của mình vẫn ở một mức thấp.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/07/2024)

Ðến nay tôi đã sống trên đất Pháp được gần 2 năm. Tôi vẫn tiếp tục công cuộc đầy khó khăn về tiếng Pháp. Vẫn chưa thể hài lòng dù đã có những tiến bộ có nền là những kém cỏi. Tôi phải tiếp tục vì tôi hiểu, với cái tuổi sinh học của mình, chẳng còn cách nào khác là phải kiên trì “mưa lâu thấm dần” nếu còn muốn vươn lên.

Tiếp tục với phương châm tôi cho là đúng đắn, tôi không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để được tự mình đi làm, đi tiếp xúc với người Pháp. Lớp học tiếng Pháp miễn phí, lớp học phải trả tiền; đi chợ; làm giấy tờ ở Tòa Thị Chính; đến sở thuế; học lái xe với người Pháp; tham gia vào các hoạt động xã hội; thực hiện các giao dịch thuê-mua-bán v.v. Thậm chí tôi luôn trông chờ máy điện thoại cố định đổ chuông để được nghe, được thực hành Pháp ngữ với những người quảng cáo, chào mời sản phẩm, dịch vụ. Tôi luôn cố tìm ra những cách thức mới để duy trì tinh thần và tăng cường cơ hội học Pháp ngữ.

Một lần tôi vội vã ra bưu điện để gửi gấp phong bì hồ sơ đã đóng gói. Trên đường, tôi chợt phân vân không rõ tôi đã viết đúng (bằng chữ) số 5 hay không. Chỉ có “q” hay có cả “qu”, hay là “que”? Chợt thoáng thấy một phụ nữ trẻ vừa qua đường sang bên phía tôi, ý nghĩ lóe lên trong đầu “Thầy đây rồi”. Tôi chủ động tiến đến gần cô gái và ngỏ lời rất nhanh: “Xin lỗi, cô có thể cho tôi biết số 5 viết thế nào không ạ? ” Nhưng có lẽ thấy dáng dấp, ngoại hình và câu hỏi của tôi quá lạ và đường đột, cô gái hốt hoảng: “Không, tôi không biết gì hết!” (Non, je ne le sais pas du tout !). Tôi phân trần ngay: “Xin lỗi cô, tôi mới tới Pháp, tôi đang phải học tiếng Pháp và tôi quên mất số 5 được viết là: CINQ hay CINQU.” Chắc cô gái hiểu ra vấn đề và trả lời rành rọt: “C-I-N-Q”. Tôi cảm ơn trong khi chân vẫn bước vội về phía bưu điện. Nhưng tôi kịp nói: “Rất xin lỗi cô, tôi đã làm cho cô sợ.” – “Không, không sao.” – cô gái đáp lại và cười. Còn trong lòng tôi, không chỉ là nụ cười mà là một niềm vui vì tôi thấy những gì tôi vừa phát ra khỏi miệng rất tự động – không còn là chu trình “dịch” Việt-Pháp nữa.

Xem thêm:   Một chút cảm nhận

Tôi biết, con đường phía trước của tôi vẫn còn rất dài, giống như rất nhiều người Việt Nam khác có hoàn cảnh tương tự. Chính đây là lý do tôi muốn viết ra bài này để tự động viên và chia sẻ với những đồng bào cùng cảnh ngộ nơi xứ người.

PHS

(08/10/2019)