Không phải chạy được ra tới nước Úc nầy đây tui mới làm thân lưu lạc, mà ngay hồi trong nước là tui đã lưu lạc triền miên rồi.

Vì lẽ thân phụ tôi làm công chức ngành Bưu Ðiện. Cứ bổ đồng hai năm lên một trật, là đổi đi từ Ty Bưu Ðiện nầy tới Ty Bưu Ðiện khác.

Ở một chỗ mới vừa hơi âm ấm, là cả gia đình phải bồng bế nhau đi thì không gọi là lưu lạc sao được hè?

Lưu lạc rày đây mai đó tưởng đã quen. Ngờ đâu giờ đây trôi nổi tận quê người. Hơn hai mấy năm rồi chưa trở lại dù lòng vẫn ngóng trông về quê cũ.

Ðêm nay, rót tràn ly rượu đỏ, trước bàn phím vừa gõ cóc cóc viết bài vừa nghe ca sĩ Hoàng Oanh ngâm thơ: “Ôi cố hương xa nửa địa cầu… Nghìn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau… Ðêm nay ta đốt sầu lưu lạc… Trong khói men nồng hạnh phúc xưa …”

Tui lim dim thả hồn về ngày xưa quê cũ…Tui nghe tiếng còi xe lửa còn đọng lại ở đâu đây.

o O o

Cuối thế kỷ 19, ông bà mình muốn đi đây đi đó trên bờ, gần thì cuốc bộ, xa hơn một chút thì đi xe bò, xe ngựa.

Xuống sông gần thì đi xuồng ba lá, xa hơn một chút thì ghe tam bản. Xa hơn nữa thì ghe bầu.

Rồi Tây tới, nền văn minh cơ khí ăn đứt nền văn minh nông nghiệp, (con trâu đi trước, cái cày theo sau) vì: “Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo/ Mây tuôn đen kịt khói tàu bay.”

Khói tàu bay là vì từ thuyền chạy bằng buồm giờ chạy bằng máy hơi nước nên thực dân Anh, Pháp, Tây Ban Nha… xua quân đi khắp thế giới chiếm nước người ta để làm thuộc địa, để cướp tài nguyên. Tài nguyên là chiến lợi phẩm phải được chuyên chở càng nhanh càng tốt. Vậy là hệ thống giao thông, đường bộ và đường hỏa xa ra đời.

Giữa năm 1881, thực dân tính đem vật liệu từ Pháp sang để làm đường rầy xe lửa từ Sài Gòn đến Vĩnh Long, sau đó sẽ nối với Nam Vang, thủ đô của Campuchia (cũng là thuộc địa của Tây). Dự chi khoảng 12 triệu Phật lăng (franc).

Sếp công trình là kỹ sư công chánh, sĩ quan Công binh của Pháp. Cu li là người Việt bản xứ lên tới 11 ngàn người.

Xem thêm:   Hùm Xám Cai Lậy.

Ðường rầy chạy qua vùng đất yếu, vốn là phù sa của dòng Cửu Long bồi đắp, nên phải tới ngày 20 tháng Bảy 1885, đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho dài 71 cây số, khổ đường rầy bề ngang 1m mới xong.

Từ Sài Gòn tới Mỹ Tho sông rạch chằng chịt chắn ngang. Do vậy, hãng Eiffel cùng lúc chế tạo nên 2 cây cầu gồm cầu sắt bắc qua sông Vàm Cỏ Ðông ở Bến Lức dài 550m và bắc qua sông Vàm Cỏ Tây ở Tân An dài 133m để cho xe lửa qua sông.

Thế nhưng 4 năm sau, đường rầy làm xong mà cầu vẫn chưa có. Vậy là các toa tàu đã được tạm tách rời để đưa lên phà qua sông; sau đó lại được nối vào rồi cho chạy tiếp.

Mãi đến tháng Năm, năm 1886, sau khi 2 cầu sắt được hoàn thành thì xe lửa có thể đi một mạch từ Sài Gòn đến Mỹ Tho.

Từ Sài Gòn về Mỹ Tho đường rầy xe lửa chủ yếu nằm phía trái, thỉnh thoảng có đoạn nằm bên phải của quốc lộ 4.

Rồi đôi khi từ bên trái quốc lộ quẹo sang phải là phải cắt ngang đường. Xe mô tô chạy không cẩn thận, đang trên đường nhựa bon bon bỗng lên trên hai đường rầy trơn lùi, là văng xuống sông Bảo Ðịnh như đã từng xảy ra ở Cua Ðạo Ngạn gần nhà tui ở, trước khi vào tới Mỹ Tho.

Rồi cũng vào năm 1963, lúc học đệ thất trường Petrus Ký, mỗi chiều tan học được anh chở sau “bọt ba ga” xe đạp.

Qua đoạn đường rầy từ đường Phạm Viết  Chánh vào bùng binh Ngã Bảy Cộng Hòa, bao giờ anh cũng kêu: “Ê xuống đi mậy!” Rồi ảnh dắt xe qua đường rầy rồi mới leo lên yên chạy tiếp.

Vì sợ đường rầy sau mưa trơn trợt làm xe ngã thì thằng nhỏ, tức là tui té u đầu, là về bị má quánh với cái tội hổng thương em.

Hu hu! Tội nghiệp cho thằng anh của tui quá xá!

o O o

Chuyến xe lửa đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn nằm ở đầu đường Lê Lai gần chợ Bến Thành, theo các đường: Cống Quỳnh – Phạm Viết Chánh – Hùng Vương – Hồng Bàng – Kinh Dương Vương – Ngã ba An Lạc rồi ra Quốc lộ 4.

Xem thêm:   Khăn choàng tắm?!

Trên Quốc lộ 4, xe lửa dừng lại ở các ga, bổ đồng cách nhau. 4, 5 cây số như: Bình Ðiền, Bình Chánh, Gò Ðen, Bến Lức, Cầu Voi, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Trung Lương và kết thúc tại ga Mỹ Tho.

Ga Mỹ Tho là ga chót ở cuối đường Gia Long, đầu đường Trưng Trắc, gần vườn hoa Lạc Hồng, có cây da cũ bến đò xưa và một hàng dương dọc theo sông Tiền.

Hồi nhỏ được ba má dắt đi Sài Gòn vô Sở Thú coi khỉ có giống tui hông.Về lại Mỹ Tho, lúc đó đã có autorail, tối tân hơn, tiếng còi kêu “pin, pin”
Chớ hồi xưa nghe má tui kể lại khi xe lửa chạy bằng hơi nước thì tiếng còi nó kêu “hoét, hoét”!.

Từ Mỹ Tho lên, sản vật miệt vườn như mận hồng đào Trung Lương, dừa Bến Tre, chôm chôm mít, mãng cầu, sầu riêng miệt Vĩnh Long hay cá mắm từ miền Tây đi bằng tàu tới Mỹ Tho cũng lên xe lửa rồi đi tiếp về Sài Gòn, Biên Hòa.

Mới đầu nhà thầu tư nhân Joret đã thuê tàu biển chở được ba đầu máy 14 toa hành khách và 70 toa hàng. Sau làm ăn khá quá, lời khẳm chở qua thêm hai cái nữa. Ngày chạy lên xuống 5 chuyến cả thảy.

Năm 1896, tiền lời là 3.22 triệu francs, đến năm 1912, còn cao hơn đến 4 triệu francs nhờ hành khách lên đến vài ngàn người mỗi ngày.

Hình ảnh chiếc xe lửa dài ngoằng chạy “xì khói” ầm ầm trên 2 thanh sắt đã là “kỳ quan” đối với người dân miệt ruộng, miệt vườn.

Cũng nhờ có tuyến đường sắt này mà Mỹ Tho trội hơn so với các nơi khác ở Miền Tây, kể cả Cần Thơ.

Tieng-Coi-Xe-Lua

                                              Bảo Huân

o O o

Thực dân Pháp đứa nào làm lớn cũng khoái nịnh và được nịnh như Mông xừ Charles Le Myre de Vilers (1833 – 1918) làm Thống đốc Nam Kỳ từ 1899 tới năm 1882.

Ông Tây mũi lõ nầy là người chấp thuận dự án xây đường sắt Sài Gòn Mỹ Tho vào năm 1881 nên được đặt tên cho một trong những đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước đầu tiên.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Học giả Vương Hồng Sển, người Sóc Trăng chắc đã từng đi tàu khách tới Mỹ Tho rồi lên xe lửa tới Sài Gòn đèn ngọn xanh ngọn đỏ, chọc quê rằng: “Mỗi lần chạy, đầu xe lửa Le Myre de Villers vừa ho vừa khạc ra khói, vừa thét ra lửa, mà có khi không đủ trớn lên dốc cầu Tân An và cầu Bến Lức, trèo lên tụt xuống, lên dốc không nổi… trối kể, xe cặp bến cũng còi, cũng “xả hơi” ồn ào oai vệ khiếp”.

Không có gì hài hước, xỏ xiên một cách thâm trầm khi so sánh hình ảnh một đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước với một tay Thực dân hạng nặng làm tới chức Thống đốc Nam Kỳ như vậy.

o O o

Nhưng đến thập kỷ 50 của thế kỷ 20, xe hơi phát triển cùng hệ thống đường bộ Sài Gòn – Mỹ Tho được đầu tư gần như xa lộ nên người ta chuyển sang đi đường bộ. Có những ngày cả đoàn tàu chỉ có vài chục người.

Xe hàng xe đò chạy nhanh hơn nên tiện lợi hơn cho hàng hóa và hành khách không phải chờ chực đến ga. Phần hỏa xa cũng thiếu tiền đầu tư thêm. Hậu quả đương nhiên là sập tiệm. Chuyến xe lửa cuối cùng từ Mỹ Tho lên Sài Gòn vào ngày 30 tháng Sáu năm 1958.

Ðường rầy xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho hưởng thọ được 73 năm rồi vĩnh biệt cõi đời trong sự thương tiếc của biết bao người dân xứ Mỹ (Tho).

Lúc đó tui mới 7 tuổi, học lớp Tư (tức lớp Hai bây giờ) từ trường tiểu học Trung Anh đi bộ dọc theo đường sắt về nhà mà mãi mãi không còn được nghe tiếng còi tàu, tiếng ‘síp lê’ như con quái vật buồn chơi huýt gió nên tui cũng buồn thôi hết biết.

Có những điều trong tâm tưởng mình bao giờ cũng nghĩ là chắc chắn như tình em xứ Mỹ (Tho) vì dại khờ nghe em thề bán mạng rằng “Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành; Tàu Tây kia liệt máy em mới đành xa anh!”

Nào ngờ thời thế đổi thay, vành xe lửa bằng thép cứng ngắc mà còn bung thì lời thề hẹn của em xứ Mỹ (Tho) cũng banh xà rông, thì ngu sao mà sầu chi hở bạn?

DXT – Melbourne