Anh là người bạn trai đầu đời của tôi, chúng tôi quen nhau khi tôi vừa tròn nửa ngày tuổi. Mẹ kể hôm sanh tôi ra được vài tiếng thì bác Hương tay cầm gà mên cơm thịt thăn kho tiêu, tay kia dắt anh lúc đó được 5 tuổi khệ nệ ôm bó hồng đỏ thắm đến bịnh viện thăm. Bác bảo mới sanh xong phải ăn tiêu kho thịt cho ấm bụng, gọi như thế vì tiêu nhiều hơn thịt ăn vô không những ấm bụng mà là phỏng bụng. Còn bó hồng đỏ thắm anh đang vác thì dĩ nhiên tặng “cô Bắc kỳ nho nhỏ” vừa mở mắt chào đời rồi. Thấy anh trợn tròn đôi mắt hột me nhìn tôi không chớp cô y tá cười bảo:

– Cháu để hoa lên bàn đi, lại đây cô cho bế em bé nào.

Vừa nói cô vừa gí em bé vào tay anh, dĩ nhiên là cô vẫn bế chỉ cho anh đụng tí cho có lệ thôi. Anh rụt tay lại hét to lên:

– Không bế, em bé bẩn, em bé bẩn.

Vì tôi sinh hơi thiếu tháng nên nhỏ xíu da dẻ nhăn nheo đen đúa như con chuột cống, chỉ 2 kilo 5. Cô y tá càng sấn tới thì anh càng thụt lùi và hét toáng lên, trời ơi phải chi có trái chanh là tôi đã thảy vào miệng cho anh tắt đài rồi. Phút đầu gặp em tạo cho anh ấn tượng rất tệ nên từ đấy mỗi lần anh ngang bướng không nghe lời bác Hương lấy tôi ra dọa:

– Con không nghe lời Mẹ không nuôi nữa đem cho cô Ngọc để ở chung với bé Thỏ.

the-la-du-roi

Thắm Nguyễn

Chỉ thế thôi là anh hồn phi phách tán ngoan ngoãn đâu vào đấy, nhưng cũng chỉ được vài ngày khi hình bóng bé Thỏ mờ dần theo năm tháng thì chứng nào vẫn tật nấy. Hai nhà chung vách, hai bà mẹ lại là bạn cùng lớp nên thân nhau như chị em nhưng tôi và anh thì ngược lại như hai kẻ thù không đội trời chung. Anh chơi với tất cả các trẻ nhỏ trong xóm, trừ tôi. Mỗi lần thấy anh chơi vui tôi mon men lại gần xin nhập bọn anh đều bảo :

– Con gái biết gì mà đòi chơi.

– Chị Gà cũng là con gái, sao được chơi?

– Chị ấy lớn rồi chơi được.

– Vài bữa nữa Thỏ cũng lớn.

– Vậy chờ đi khi nào lớn rồi cho chơi.

Những lúc anh chơi thả diều tôi chỉ được chạy theo và ngỏng cổ nhìn con diều đang chao đảo bay lượn, vài lần tôi xin cầm cuộn dây anh bảo :

– Thỏ nhẹ tênh con diều kéo lên trời ở chung với chú cuội thì đừng khóc nha.

– Ráng ăn nhiều cho mau lớn, nặng bằng con chó Nicky thì anh cho cầm.

Thế là bữa cơm nào tôi cũng cố ngốn một bụng rồi hỏi:

– Mẹ ơi con nặng bằng con chó Nicky chưa?

Khổ nỗi con chó Nicky lúc đó đã to lớn gần 30 kilo, tôi thì chỉ mới gần 5 tuổi ăn gì để nặng bằng nó đây? Rồi những trưa hè anh nằm đong đưa trên võng coi truyện tranh, tôi mon men lại gần liếc liếc anh lấy tay che lại:

– Biết chữ không mà đòi đọc sách?

– Thỏ chỉ coi hình.

– Sách là để dạy người ta đọc chứ không phải để người mù chữ coi hình rồi đoán mò.

– Mai mốt 5 tuổi Thỏ đi học rồi sẽ biết đọc.

– Vậy chờ khi đọc được rồi coi nha.

Những lần bị vậy tôi khóc rống thảm thiết chạy vô nhà mách Mẹ rồi lao thẳng qua nhà anh mách bác Hương. Thế là anh bị triệu hồi về và quỳ gối góc phòng vì bắt nạt em nhỏ. Những lúc đó tôi sung sướng lắm nhưng cũng không đến nỗi cười ngặt nghẽo chảy nước mắt như Mẹ và bác Hương. Lần nào tôi cũng nghe hai bà Mẹ lẩm bẩm:

– Hai đứa này xung khắc như nước với lửa, như gái lấy chung một chồng.

Nhưng một con người xấu xa, ích kỷ, thế mà chỉ quỳ gối 15 phút thì quá dễ dãi cho hắn rồi tôi phải tự nghĩ cách trừng phạt riêng chứ không trông mong gì hai bà Mẹ được.

Mẹ tôi hay nói nắng tháng tư chó già lè lưỡi nhưng hôm nay đã qua tháng 7 rồi mà con chó của ông Tư nước đá cứ lè lưỡi đi qua đi lại trước dãy nhà chúng tôi. Trưa hè nắng gắt một mình tôi ngồi chơi banh đũa trước thềm. Bỗng anh từ trong nhà mặc mỗi chiếc xà lỏn chạy vụt ra gốc khế. Bị giật mình phản xạ tự nhiên tôi chọi con chó bằng trái banh lông đang cầm trên tay. Con chó đang le lưỡi đi qua đi lại tìm vần thơ bị chọi đau điếng quay lại thấy anh chạy vụt qua, phóng tới tạp ngay một phát. Một tiếng la thất thanh và cái giò heo của anh máu tuôn như suối. Ai cũng bảo nóng quá con chó phát điên nhưng chỉ mình tôi biết con chó không điên. Ha ha ha kỳ đó bác sĩ tặng anh cả chục vết khâu và khuyến mãi thuốc chích ngừa chó dại. Ông Tư nước đá ray rứt lắm trưa nào cũng pha một bình nước chanh, nước xí muội, nước hột é vào uỷ lạo bịnh nhân. Mỗi lần nhận quà bác Hương cũng réo tôi qua và chia 1 ly.

Thù vừa trả xong gia đình tôi chia tay xóm nhỏ về Vũng Tàu. Ngày chia tay nhìn anh chống nạng nhảy tưng tưng đưa tiễn xe ra tận đầu ngõ tôi rơm rớm nước mắt định thú tội thì anh đến xoa đầu bảo:

– Năm tuổi rồi ráng học cho giỏi để đọc truyện nhe.

Nhắc lại mối thù xưa, ghét không thèm thú tội.

Ra đến Vũng Tàu được vài năm, học vừa hết bậc tiểu học bố tôi lại được chuyển về Sài Gòn. Ổn định xong xuôi cuộc sống mới Mẹ tôi thuê xích lô về xóm cũ, hai căn nhà thân thương với gốc khế chua vẫn còn đó nhưng gia đình anh cũng dọn sau chúng tôi vài năm không ai biết tin tức.

o O o

Sáng nay nhìn xấp hồ sơ bịnh lý dầy như quyển niên giám trên bàn tôi mở ra đọc sơ trước khi đi thăm bịnh. Hầu hết là các quân nhân được chuyển về từ chiến trường, tôi vội vã đi nhanh lên các phòng. Bịnh nhân nằm chật kín người băng chân, kẻ băng tay. Tôi khám và hỏi han an ủi từng người ai cũng rất mệt nên chỉ trả lời nhát gừng gật và lắc, tôi vừa dứt lời quay lưng đi là họ đã ngáy khò. Bịnh nhân cuối phòng và cũng là cuối cùng của tôi hôm nay hơi đặc biệt. Anh ta bị băng gần như toàn thân, chỉ trừ đôi mắt để nhìn, lỗ mũi để thở và cái miệng để nói.

– Chào ông, tôi là bác sĩ Nguyễn Như Ngọc. Tôi sẽ khám và theo dõi tình hình bịnh lý của khu A này.

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

– Tôi chưa có cháu nội ngoại gì hết sao gọi tôi là ông?

– Dạ xin lỗi chào bác.

– Tôi không có anh em nên cũng không có cháu gọi bằng bác.

– Dạ chào chú.

– Ba cô có em trai hay là cô có em trai?

Tôi bắt đầu hết kiên nhẫn.

– Dạ chào anh thương binh.

– Ờ vậy đi, chào cô bác sĩ.

Ngày thứ hai anh như tỉnh táo hơn cứ nhìn tôi chăm chăm và khi tôi chào anh đáp lại bằng nụ cười bí hiểm:

– Này anh thương binh, anh cứ nhìn tôi kiểu đó làm sao tôi khám cho anh được.

– Này cô bác sĩ, cô không cho tôi nhìn thì cô lấy băng bịt kín con mắt tôi lại đi. Chứ có mắt mà không cho nhìn thì….

– Thì sao?

– Thì sao cũng được, nhưng mà này cô bác sĩ cô còn nhỏ quá mà sao xưng tôi với anh thương binh vậy? Xưng em hay xưng tên đi.

– Mà nhà cô ở đâu, cha mẹ cô tên gì, cô có anh chị em gì không vậy?

– Yêu cầu anh thương binh không nói nhảm nữa để bác sĩ khám.

Mỗi ngày một trò khỉ khác nhau, tôi thật vất vả với anh nhưng hôm nào đi ngang phòng thấy chiếc giường trống cũng hơi hoảng hốt chạy ngay về văn phòng xem anh được chuyển đi đâu. Một tháng dưỡng bịnh trôi qua mau, ngày anh xuất viện tôi ngồi trong văn phòng nhìn qua song cửa sổ thấy bước chân anh như chùng lại như không muốn bước. Còn tôi tự trách mình sao chữa người ta mau lành bịnh thế !!!!!!!

Không có người chọc ghẹo, công việc hôm nay trôi chảy thuận lợi tôi làm luôn việc của y tá, y công làm như cái máy không… hồn. Lững thững đẩy xe ra khỏi cổng bịnh viện, tôi nghĩ chắc về nhà tắm rửa rồi lên giường ngủ một giấc chứ hình như cái đầu gần bể tung ra rồi.

– Cô bác sĩ.

– Anh thương binh.

– Tôi khoẻ rồi không còn là thương binh, gọi anh thương thôi là được rồi.

– Anh khoẻ rồi tôi không còn chữa bịnh cho anh nữa, đừng gọi tôi là cô bác sĩ. Gọi cô bác thôi là được rồi.

– Anh thương không có xe, cô bác cho anh quá giang nhé.

– Chúng ta không cùng đường.

– Tới quán kem đầu đường thì anh xuống. Làm ơn đi mà chỉ quá giang hôm nay thôi, mai anh ra đơn vị mới rồi.

Trời ơi chưa kịp mừng hội ngộ đã sầu chia tay, tôi không nói gì cứ lầm lũi dắt xe, anh đi theo bên cạnh.

Trở về đơn vị mới anh viết thư cám ơn sự kiên nhẫn và chăm sóc đặc biệt của tôi, gửi về bịnh viện nhờ chuyển lại. Tôi cũng khách sáo trả lời “Không có chi, đó chỉ là bổn phận người y sĩ. Chúc anh luôn bình an vì tôi hoàn toàn không mong đợi gặp lại anh lần thứ hai trong khuôn viên bịnh viện”. Rồi không hiểu sao ở góc trái phong thư tôi viết địa chỉ nhà thay vì địa chỉ bịnh viện.

Hai năm trời  thư từ qua lại, anh kể về đời quân ngũ, tình đồng đội, kể về những đêm vịn vai nhau băng rừng, lội suối. Còn tôi hồi âm anh những vui buồn của nghề cứu người, những thay đổi của thành phố. Có một lần anh bảo tôi kể kỷ niệm thời ấu thơ. Kỳ đó tôi viết những 5 trang giấy kể chuyện con chó nhà ông Tư nước đá và niềm vui khi xa rời xóm cũ, xa rời con người xấu xa nhỏ nhen ích kỷ. Thư trả lời chỉ là khuôn mặt cười và ba chữ hi hi hi.

Lần về phép đầu tiên anh không báo trước, mặc bộ quân phục đứng trước cổng nhà tôi lắc nhẹ cánh cửa. Mẹ tôi nheo mắt nhìn rồi reo lên:

– Thằng Heo con.

Mẹ lính quýnh mở cửa kéo anh vào nhà, ấn ngồi xuống chiếc ghế hỏi han líu lo mọi chuyện từ ngày chúng tôi dọn ra Vũng Tàu đến nay. Tình hình và sức khỏe hai bác Hương và mọi người trong xóm. Tôi như từ trên trời rớt cái bịch xuống trần gian, thì ra anh ta là Heo con vẫn thường bắt nạt tôi ngày xưa. Vậy mà hai năm qua tôi bỏ biết bao nhiêu thời gian đọc đi đọc lại những lá thư anh viết rồi còn hồi âm và bây giờ còn phải pha trà, rót nước, gọt trái cây mời Heo con. Sau khi xơi một bụng no nê anh đứng lên cáo từ lúc đó Bố Mẹ tôi mới hỏi:

– Mà sao con biết cô chú ở đây mà tìm đến thăm?

Anh cười cười không trả lời tay vân vê chiếc ba lô nặng trĩu, còn tôi bước vội ra mở cổng ý là “xin mời đi ngay cho” vì trong tích tắc những đối xử của anh với tôi thuở bé đang trở về. Mà ức nhất cái vụ so sánh tôi thua cả con chó Nicky, và gạt cho tôi kể ra vụ con chó tạp cái giò heo.

Vui mừng vì không tìm mà gặp hàng xóm cũ, và cảm động trước việc Heo con ghé thăm mình trước cả khi về thăm cha mẹ nên Bố tôi dắt chiếc Honda ra nhất định chở anh về. Khi chiếc xe nhảy chồm lên định vọt bỗng Mẹ tôi la lớn:

– Heo con có phải con tên NVH, KBC ….. không?

Thì ra mỗi tuần nhận thư  Mẹ tôi đều liếc nhìn đến thuộc lòng tên người gửi.

Những ngày sau đó hai bà Mẹ cứ như hai con chim sơn ca ríu ra ríu rít, chạy qua chạy lại bàn tính tới khuya lắc vẫn chưa hết ý. Còn tôi mỗi lần anh qua nhà lòng vẫn thấy vui vui, nhưng cứ nghĩ đến chuyện xưa thì lại muốn “trả thù”. Trước ngày anh hết phép Bố Mẹ tôi trân trọng thông báo Thứ Bảy cuối tuần nhà bác Hương sẽ qua làm lễ dạm ngõ và đám hỏi cho hai đứa với trăm ngàn ca tụng. Nào là thanh mai trúc mã, duyên số trời định lạc nhau mấy chục năm mà vẫn gặp lại v.v…

Ðám hỏi xong anh trở về đơn vị, tôi thì lời được gần chục hộp bánh tây gia đình anh đem qua, giấu trên gác xép mỗi tối lấy ra nhâm nhi. Hai bà Mẹ vẫn bận rộn với những bàn tính, hẹn hò nhau mỗi ngày với hai tờ giấy bé tí ghi ngày sanh tháng đẻ hai chúng tôi trên tay, tung tăng tìm thầy bói coi ngày lành tháng tốt để làm đám cưới. Không phải coi một thầy mà là cả chục cả tá luôn, mấy tờ báo như Chính Luận, Sóng Thần, Phụ Nữ, Công Luận bỗng nhiên có thêm một khách hàng vì mẹ tôi mua để tìm đọc mục quảng cáo các thầy chiêm tinh gia. Có hôm hai bà Mẹ còn thuê xe đi lên tận Củ Chi để xem nữa chứ. Càng ngày Mẹ tôi càng trở nên khó tính hay thở dài và gắt gỏng mỗi khi Bố tôi hỏi đến chuyện cưới xin. Và đến một ngày bà bảo tôi:

Xem thêm:   Arkhom

– Không cưới xin gì nữa, quên Heo con đi.

Bố con tôi bàng hoàng không tin những lời vừa nghe được, Bố gặng hỏi cả đêm sau cùng Mẹ tôi mới kể:

– Coi cả chục thầy, ai cũng nói số Heo con hai vợ. Còn Bé Thỏ nhà mình thì sẽ có 1 con gái nhưng một mình nuôi con. Nên Mẹ và bác Hương không muốn hai đứa lấy nhau. Bác Hương chỉ có một con trai, mà con chỉ sinh con gái thì lấy ai nối dõi tông đường. Còn về phần con một mình nuôi con để cho Heo con cưới vợ lần 2 thì lấy nó làm gì cho khổ thân?

– Bà nói tôi nghe ông thầy nào nói nhảm nhí, tôi đến tận nhà đập vỡ tráp hắn ra cho bỏ tật láo khoét.

– Tôi coi cả chục ông, ông nào cũng nói thế.

– Họ nói là bà tin hả, thế họ bảo bà bỏ tôi thì bà cũng bỏ hả?

Bố Mẹ tôi cãi nhau cả đêm, còn tôi lấy 2 cục bông gòn nhét lỗ tai lên gác khóc và viết thư cho anh Heo con. Anh trả lời sẽ thuyết phục hai gia đình. Ban đầu hai bà Mẹ nhất định cấm nhưng hai ông Bố và chúng tôi thuyết phục mãi hai bà nói lẫy:

– Muốn làm gì thì làm.

Ngày đám cưới hai Bố con anh ngồi trên 2 chiếc xích lô qua rước dâu. Bên này Bố dắt tôi ra trao cho chú rể rồi 4 người chễm chệ trên 3 chiếc xích lô tiễn tôi về nhà mới.

Không có cổng hoa, không có pháo nổ, không có lễ bái đường, không có đãi tiệc họ hàng bè bạn chỉ có nước mắt và nước mắt. Tôi khóc vì biết hai bà Mẹ đau lòng lắm khi hai đứa con cưng như báu vật sắp sửa bước vào con đường đầy chông gai như các ông thầy bói tiên đoán.

Về nhà chồng trong khu gia binh được vài tháng hai ông Bố thì thầm lén lút mua tặng chúng tôi căn nhà nhỏ nhưng đẹp nhất khu vực nhờ giàn hoa Tigôn trước cổng. Hai bà Mẹ thấy chúng tôi hạnh phúc cũng vui lây và lời tiên đoán của thầy bói dần dần đi vào quên lãng. Lúc này anh được chuyển về làm thành phố nên 2,4,6 Mẹ tôi nấu cơm chúng tôi và Bố Mẹ chồng qua ăn chung. Ngược lại 3,5,7 thì Mẹ chồng nấu Bố Mẹ tôi qua ăn lại. Chủ Nhật thì rửa ruột ăn thanh tịnh vì tới phiên tôi nấu, bao nhiêu năm cũng chỉ là bắp cải luộc chấm trứng và giò chả cắt khoanh.

Lúc tôi mang bầu 2 bà Mẹ cứ rình xem tôi thèm chua hay ngọt. Nhưng hình như em bé giống tôi tánh tham ăn hay sao ấy, chua ngọt gì tôi cũng xơi tuốt. Rình mãi cũng mệt hai bà Mẹ chuyển sang đếm ngày, mỗi ngày đánh 1 dấu trên tờ lịch tháng.

Ngày tôi sanh bé Kiến cũng là ngày mất nước, cuộc sống đảo lộn mọi người ngơ ngác hoảng loạn. Không còn những bữa cơm 6 người, nhà ai nấy ở thậm chí Mẹ tôi qua thăm cháu cũng thậm thà thậm thụt trời vừa tắt nắng vội ra về kẻo công an khu vực hỏi giấy tạm trú. Buồn cười nhất là ngày lên phường trình diện để học tập cải tạo chồng tôi chỉ vác 1 ổ bánh mì dài ngoằng, 1 nải chuối và chục gói mì ăn liền hiệu “em bé mang guốc” y như đi cắm trại vì ai cũng nghĩ chỉ 5 ngày.

Năm ngày, năm tháng rồi năm năm người đi cắm trại vẫn chưa về. Mỗi lần thăm nuôi chúng tôi im lặng ngồi nhìn nhau, anh cầm tay tôi lén viết đi viết lại chữ USA trong lòng bàn tay tôi bằng ngón tay chai cứng. Lúc này phong trào vượt biên lên cao thiên hạ lùng sục bác sĩ cho đi miễn phí để lo về sức khỏe cho những người trên tàu nên tôi cũng được vài người rủ rê tham dự. Một ngày mùa hè không kịp từ giã Bố Mẹ hai bên tôi bế con, đội nón lá lụp xụp che mặt, theo người dẫn đường lên tàu vượt biên.

Hành trình vượt biên cũng chông gai, trắc trở, đói khát, cướp bóc nhưng cuối cùng cả tàu cũng được đặt chân lên bờ biển Thái Lan. Vì có con nhỏ nên phái đoàn nào cũng cho Mẹ con tôi cơ hội định cư nhưng tôi nhất quyết từ chối chờ phái đoàn Mỹ theo đúng lời anh dặn. Vì sợ đi nước khác anh biết đâu mà tìm? Từ đấy ai hỏi thăm

Mẹ chồng tôi cũng bảo:

– Theo trai làm đĩ rồi.

Bố Mẹ tôi xấu hổ và buồn người bạn thân như ruột thịt cũng bán nhà về lại Vũng Tàu tìm đường vượt biên. Hai gia đình một lần nữa bặt tin nhau. Sau vài lần thất bại Bố Mẹ tôi cũng thoát khỏi thiên đường.

Gia đình bé nhỏ 4 người chúng tôi lại đoàn tụ trên đất Mỹ. Mỗi tháng tôi viết thư về thăm hỏi và gửi hình bé Kiến nhưng chưa bao giờ có hồi âm. Sau 2 năm trời vừa học vừa chăm sóc gia đình, mùa xuân năm nay tôi hơi dư dả mua vội ít quà gửi về, lần này tôi nhận được thư trả lời chỉ vỏn vẹn vài chữ “Cô đừng gửi quà nữa, để dành tiền cho bé Kiến đi học cho nên người. Ðừng giống như cô”. Bức thư không chữ ký nhưng nhìn nét chữ tôi biết tên tác giả.

oOo

Cả tháng nay tôi chả thể nào sống yên với con bạn cùng trường vừa mới vô tình gặp lại trong khu chợ VN. Vừa mới nhận được nhau nó móc ví lấy điện thoại bắt tôi đọc số của tôi rồi reng inh ỏi tức thì, còn nháy mắt bảo trả lời đi cho chắc ăn là đúng số. Chưa hết nó còn lôi thêm một phong bì trắng gí vào tay tôi với hiệu lệnh:

– Nhất định phải đến nhé.

– Gì thế?

– Thiệp mời đám cưới con tui tiện thể kỷ niệm 25 năm mất nước.

– Tui không hứa đâu để về coi có bận gì không đã.

– 25 năm bà dành cho công việc rồi, bây giờ cho tui xin 1 ngày thôi mà.

– OK.

– Ði mấy người?

– Một.

– Chồng đâu?

– Ế?

– Ha ha ha bye.

Thế rồi ngày nào nó cũng gọi huyên thuyên kể chương trình ngày đám cưới, về cuộc tình của hai trẻ nhỏ.

– Ðể hôm đó tui giới thiệu “con xui” cho bà quen biết. Nó cũng dễ thương lắm tụi tui rất hợp nhau.

Xem thêm:   Má Mi Deborah

– Con xui là con gì vậy?

– Mẹ của cô dâu.

– Trời ơi sao gọi là con xui lỡ người ta nghe được con bà mất vợ như chơi.

– Nó nhỏ tuổi hơn mình sao gọi bằng chị được, vả lại trước giờ mày tao quen rồi.

– Hồi trước khác bây giờ khác sửa miệng đi. Không gọi chị thì gọi bà như tui với bà nè.

– Ừ thì sửa, từ giờ đến hôm đó nhất định sẽ sửa.

Thiệp mời 7 giờ mà 4 giờ nó đã gọi hỏi tôi sửa soạn chưa nhanh tay lên đừng đi trễ. Tôi nghĩ thầm cũng may mình cũng thoát được nó một thời gian dài 25 năm chứ nếu không chắc giờ này không lủng màng nhĩ cũng á khẩu vì nghe và trả lời điện thoại. Bảy giờ đúng tôi có mặt trước cửa nhà hàng, vắng như chùa bà Ðanh chỉ có gia đình hai bên đang tranh thủ chụp hình chung với cô dâu chú rể. Thấy tôi đúng giờ nhỏ bạn mừng lắm lôi vào chụp hình rồi bảo:

– Ðể tui giới thiệu đây là con …. bà xui của tui.

Tôi gật đầu chào và lẩm bẩm nhỏ:

– Bà nói vậy nghe như chửi thề.

xui nhanh miệng:

– Không sao đâu chị ấy quen miệng gọi em là con, nay sửa thành bà hơi ngọng miệng.

Ðến 9 giờ thì quan khách dần dần xuất hiện,  bạn bè thời trung học của tôi rất đông từ khắp nơi đổ về. Gặp nhau tay bắt mặt mừng hỏi han huyên thuyên nhưng chẳng ai nghe được câu trả lời vì quá ồn. Nghe nói mời tổng cộng 50 bàn, vợ thì mời bạn học, bạn hàng xóm, chồng thì mời bạn quân ngũ, bạn cùng sở. Tôi được xếp ngồi cạnh ông thầy giáo của bé Kiến nên cũng nhiều đề tài để nói. Ông kể tôi nghe về việc học, về các sinh hoạt ngoài giờ và các thành tích của Kiến trong những năm qua. Tôi thì nói xấu con gái ở nhà bắt nạt ông bà ngoại và tôi thế nào. Cứ bắt ông bà ngoại mỗi tối phải chu mỏ hôn nhau và nói “good night” trước khi ngủ. Cứ bắt bẻ ông ngoại sao vái ông Phật xin trái cây xuống mà không nói “thank you”. Cứ cằn nhằn tôi lần nào đi nghe con trình diễn đàn piano cũng ngủ gục …v.v. Thầy bảo con bé trông hiền mà đáo để nhỉ chắc giống Mẹ. Chúng tôi cười vang.

Các bàn bên cạnh cũng náo nhiệt không kém, các quân nhân cứ dzô liên tục. Hết “em mời ông thầy 1 ly” đến “tui mời mấy chú em 1 ly” mời đến hết rượu phải chạy qua bàn các bà chôm chỉa. Các bà không vừa la réo ỏm tỏi, bắt phải hát 1 bài thì cho 1 chai. Trời ơi lần đầu tiên trong đời tôi nghe một ban hợp ca gồm mấy trăm ca sĩ mà… dở đến như vậy. Hát xong còn tự vỗ tay nữa chứ.

Trời về khuya khách bàn tôi đã về quá nửa, tôi quay qua định nói câu giã từ thì đằng sau một giọng nghe rất quen:

– Chào ông bà.

Vừa nói anh vừa  bắt tay ông thầy giáo và tự giới thiệu:

– Tôi tên NVH là bạn đồng đội của gia chủ đến từ Houston.

Tôi giật mình quay lại, luống cuống làm rơi cái ví nhỏ đang cầm trên tay. Thầy giáo cúi xuống nhặt và đặt vào bàn tay lạnh buốt của tôi. Chẳng cho chúng tôi nói một lời anh tiếp:

– Trưa mai tôi muốn mời ông bà bữa cơm trước khi tôi về lại Houston. Ðây là địa chỉ nhà hàng, rất mong gặp lại.

Thầy giáo nhìn tôi ấp a ấp úng mặt xanh như tàu lá nhanh nhẹn trả lời:

– Vâng, chúng tôi sẽ đến. Hẹn gặp lại.

Họ bắt tay nhau, tôi chào anh và cùng thầy giáo ra bãi đậu xe. Trước khi lên xe thầy giáo nhét địa chỉ nhà hàng vào tay tôi và bảo:

– Cô nhớ đúng giờ, đừng để ông ta chờ nhé. Cáo bịnh giùm tôi, bịnh thay mặt người khác quyết định nhận lời ha ha ha.

Cả đêm tôi không ngủ được cứ nghĩ ngày mai gặp nhau nói gì, hỏi gì và giải quyết ra sao v.v. Mới 9 giờ tôi đã đến nhà hàng mặc dầu anh nói mời buổi trưa, mặc kệ đối với mình có nắng và nóng là buổi trưa. Cùng lắm kêu ly cafe nhâm nhi trong lúc chờ đợi cho tỉnh người. Tuy sớm nhưng tôi không phải là người khách đầu tiên, chỉ là người thứ hai. Anh ngồi nhắm mắt với ly cafe cạn gần đáy trước mặt, vậy là không phải chỉ mình tôi mất ngủ.

– Sao em đi một mình, ông xã đâu?

– Hôm qua say quá nên giờ này chưa thức được, ảnh nói xin lỗi anh.

Tôi cũng kêu ly cafe và ngồi đối diện im lặng nhìn.

Anh hỏi tôi đi vượt biên năm nào, bố mẹ và bé Kiến có đi chung không? Có chuyện gì xảy ra mà bao nhiêu năm qua không gửi thư liên lạc. Anh ra tù tìm hỏi thăm tin tức vợ con khắp nơi mà không ai biết, sau đó anh cùng bố mẹ vượt biên qua Mỹ. Lại tìm kiếm suốt 20 năm, cách đây 5 năm bố mẹ giục mãi anh lập gia đình với con gái ông bà bảo trợ và có đứa con gái 2 tuổi.

– Còn em thì sao, có hạnh phúc không?

– Em hạnh phúc. Bé Kiến học y khoa sắp ra trường. Ðây là hình chụp mới nhất của Kiến. Nếu anh muốn nhìn con thì chờ mùa hè năm sau khi con làm lễ tốt nghiệp anh hãy đến. Bây giờ để yên cho nó học.

Ngập ngừng một lát anh hỏi:

– Thế Kiến có em kế không?

– Không.

– Vậy anh ấy có tốt với Kiến không?

– Rất tốt.

Trả lời thế cho anh yên lòng chứ tôi cũng chả biết anh ấy là anh nào, chắc anh đang tưởng ông thầy giáo là anh ấy, thôi kệ cho thầy giáo lãnh đạn oan cho chừa tật tài lanh. Rồi chúng tôi hỏi han nhau về cuộc sống hiện tại, về sức khoẻ của hai bên bố mẹ, về dự tính khi nào về hưu … v.v.  như hai người bạn thân. Tôi không hề kể mỗi tháng gửi thư và hình bé Kiến về trong suốt hai năm liền và lá thư trả lời đầu tiên cũng là cuối cùng không chữ ký người viết. Tôi hiểu mẹ anh làm vậy để anh quên tôi, lấy vợ mới sanh con trai nối dõi tông đường. Lòng tôi bình thản như đã bình thản sống 25 năm nay, không giận hờn Mẹ anh, chỉ giận ông thầy bói “Biết thì cứ im đi, nói ra chi vậy?”.

Tới giờ ra phi trường anh tặng tôi sợi dây chuyền vàng có mặt trái tim:

– Giữ nó làm kỷ niệm mối tình đầu của chúng ta. Tình này anh nhớ mãi trong tim.

LK