Turkmenistan là một trong năm quốc gia vùng Trung Á, đứng thứ nhì về diện tích (sau Kazakhstan) và vùng đất xa nhất về phía Nam.

Lăng mộ tổng thống số I và gia đình, chỉ được chụp bên ngoài. Photo: TLL/trẻ

2 Kỳ – kỳ 1

Turkmenistan là quốc gia thưa dân thứ nhì trong vùng Trung Á (sau Kazakhstan). Ðất đai rộng lớn nhưng 9/10 diện tích là sa mạc, không có nước để sinh hoạt nên cư dân Turkmenistan quây quần tại những ốc đảo dọc các con sông Amu Darya, Morghab, và Tejen.

Từ 1925 đến 1991, nước này mang tên Turkmen Soviet Socialist Republic, một chư hầu của khối Xô Viết. Turkmenistan tuyên bố độc lập ngày 27 tháng Mười năm 1991, thủ đô là Ashgabat, nằm trên biên giới phía nam của Iran.

nguồn: smartraveller.gov.au

Vùng Morghab có đủ nước để canh tác nên nổi tiếng về nghề trồnghoa vải, nuôi tằm dệt lụa, dệt thảm và chăn nuôi loài cừu Karakul. Giữa vùng Morghab và ốc đảo Tejen là sa mạc Karakum. Trước khi có kênh đào Karakum, Tejen chỉ có thể trồng ít lúa mì, barley và dưa; ngày nay việc canh tác đã phát triển hơn.

Sa mạc mênh mông tại Turkmenistan tuy không thể canh tác nhưng lại giàu tài nguyên thiên nhiên như khoáng chất và dầu thô. Chính vùng sa mạc này đem lại tiền bạc để Turkmenistan phát triển và trở thành giàu có nhất vùng Trung Á. Cư dân Turkmenistan bao gồm nhiều bộ tộc, bộ tộc lớn nhất là Tekke, Ersari, và Yomut; hầu hết sinh sống qua nghề du canh và làm quân lính cho các lãnh chúa Trung Á và Iran. Sử sách ghi chép sự hiện diện của các bộ tộc này tại Turkmenistan từ thế kỷ XI. Ngày nay, khoảng 80% dân số là người gốc Turkmen, 20% còn lại là người Nga, Uzbek, Kazakh, và Tatar. Họ dùng tiếng Oguz, một chi nhánh của ngôn ngữ Thổ. Do đó Turkmen gần gũi với người Thổ hơn là Uzbek hoặc Kazakh. Từ năm 1993, người Turkmenistan sử dụng mẫu tự La Tinh và bỏ dần tiếng Nga.

Independence Monument, xây cất theo kiểu mẫu của ngôi lều và mũ của trẻ em gái theo cổ tục. Ở giữa là tượng ông số I bằng vàng (?), chung quanh là các vĩ nhân khác (Dế Mèn đứng ké chụp hình). Photo: TLL/trẻ

Tôn giáo chính là Muslim, nhánh Sunni của trường phái Hanafi pha lẫn giáo lý Hồi giáo với các cổ tục địa phương.Chính quyền kiểm soát khá kỹ lưỡng các hoạt động tôn giáo, tránh việc Islam trở thành quốc giáo và các nhà tu trở thành lãnh đạo. Tôn giáo thứ nhì là Thiên Chúa Giáo, giáo hội Chính Thống (Russian Orthodox).

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Nhờ dầu thô mà Turkmenistan phát triển mạnh mẽ, chưa kể khoáng chất và nghề chăn nuôi.

Turkmenistan có mấy giống ngựa lẫy lừng thế giới về dai sức và đẹp mã như Akhal Teke và Yomut, chưa kể loài lạc đà một bướu Arabian dromedary khá phổ thông. Dầu thô của Turkmenistan có phẩm chất cao, dùng làm nhiên liệu và nguyên liệu chế tạo các sản phẩm chế biến từ hóa chất. Hệ thống ống dẫn mấy ngàn dặm đi qua sa mạc, xuyên qua lãnh thổ Kazakhstan và Uzbekistan để đưa khí đốt từ Turkmenistan qua Hoa Lục. Ðây là hệ thống dẫn khí thiên nhiên đầu tiên độc lập (“bỏ lờ”) với Nga Sô. Một hệ thống ống dẫn khác nối Turkmenistan với Iran, chưa kể việc họ đang xây cất hệ thống ống dẫn đến Afghanistan, Pakistan, và Ấn Ðộ, khởi công từ năm ngoái, 2018.

Kỹ nghệ dệt bao gồm cả se tơ tằm, dệt lụa, dệt vải cô tông, cũng phát triển khá mạnh mẽ, chưa kể nghề dệt thảm. Thảm Turkmenistan nổi tiếng về kiểu mẫu và sự bền bỉ, theo tên các bộ tộc sản xuất Tekke, Yomut, Salor, và Ersari, được xuất cảng khắp thế giới.

Về chính trị, hiến pháp Turkmenistan theo hệ thống tam phân: Hành pháp, lập pháp và tư pháp. Nhưng trên thực tế tổng thống, với hai nhiệm kỳ 5-năm liên tục, nắm hầu hết quyền hành. Vị tổng thống đầu tiên là ông Saparmurat Niyazov, tạm gọi là ông số I cho gọn, đã kéo dài nhiệm kỳ của ông ấy, định làm tổng thống muôn đời nhưng ông ta qua đời năm 2006. Kế vị là ông Gurbanguly Berdymukhammedov. Ông này cũng giữ ghế, đòi thay đổi hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ tổng thống đến 7 năm!

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Dưới thời Niyazov, ông tổng thống tuyên bố giữ ngôi suốt đời (mặc kệ hiến pháp) cho xây cất vô số các đền đài, dinh thự xa hoa, tráng lệ và đặt nền tảng cho các phe nhóm suy tôn ông ấy. Tại tượng đài Neutrality Arch ở thủ đô, một pho tượng bằng vàng đúc theo hình ảnh ông tổng thống được đặt giữa công viên để bá tánh chiêm ngưỡng. Ðặc biệt nhất là cuốn sách kể lể cuộc đời và ghi chép ý tưởng của ông tông tông, cuốn Rukhnama (“The Book of the Soul”) được tạc thành tượng, đặt giữa công trường thành phố và trở thành sách giáo khoa của trẻ em tại trường học! Ông số I còn xưng mình là “Turkmenbashi”  – “cha già dân tộc Turkmen”.

Đài tưởng niệm nạn nhân của trận động đất, Earthquake Monument, năm 1948. Cứ mỗi tiếng thì nhóm lính gác đổi phiên trực, phe ta được xem họ đi ắc ê theo đội hình khoảng 10 phút. Giữa công trường là tượng con trâu khiêng trái đất lưng và trên nóc địa cầu là đứa trẻ bằng vàng, nôm na là khi trâu chuyển mình thì trái đất rung rinh và trên đỉnh địa cầu là ông số I khi còn thơ ấu! Photo: TLL/trẻ

Nhà mồ được xây cất trước khi ông tông tông qua đời, ngôi mộ lớn nhất nằm giữa là của ông ta, rồi chung quanh là mộ chí của cha mẹ và anh em, toàn cẩm thạch chạm trổ hoa lá bằng vàng. Ngoài cổng có lính canh gác ngày đêm, với ngọn lửa vĩnh cửu luôn cháy sáng. Ði quanh thành phố, chỗ nào cũng có ông Niyazov, hẳn đây là một lãnh tụ vô cùng tự tôn, xếp hàng ngang ngửa với mấy tay trùm cộng sản?

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Sử gia ngày nay ước tính ông Niyazov đã tiêu xài trên 50% GDP của quốc gia vào việc xây cất dinh thự, đền đài, các chương trình suy tôn ông ấy và … thân nhân! Hậu quả là bệnh viện cũng như trường học công tại Turkmenistan còn nằm ở mức sơ khai, thiếu thốn đủ thứ. Người dẫn đường kể rằng ông ấy là bác sĩ, nhưng làm nghề thông dịch viên và hướng dẫn du khách kiếm sống thoải mái hơn. Lương bác sĩ (công chức) cỡ 500 Mỹ kim/ tháng, không đủ tiêu xài.

Ông Tổng thống thứ nhì, Berdymukhammedov, lên ngôi cũng hành xử tương tự dù chưa đến mức xa xỉ như người tiền nhiệm. Ông số II này đang xóa dần dấu vết của ông số I qua việc loại bỏ cuốn sách “giáo khoa” Rukhnama trong chương trình giáo dục.

Khi nói chuyện, người dẫn đường vô cùng dè dặt, tránh né các đề tài liên quan đến nhà cầm quyền, tình hình chính trị địa phương và một vài đề tài nóng bỏng khác như viễn ảnh về hạn hán, chiến tranh giành giựt vì thiếu nước! Tạm hiểu Turkmenistan không phải là nơi cư dân có thể tự do nói những điều họ nghĩ.

Công viên Lenin vẫn còn tượng ông trùm cộng sản đứng chỉ tay. Bá tánh kháo nhau rằng Lenin đang vẫy taxi hoặc chỉ về phía đông để phân chia thế giới với chú Sam: Huê Kỳ dẫn phương tây còn tui đây nắm phương đông (phe lờ Trung Cộng). Bức tượng đối mặt toàn những hình ảnh nhăn nhó, buồn rầu, không biết để mô tả cái chi trong thời Xô Viết mà lại được chính phủ cho phép duy trì đến ngày nay? Photo: TLL/trẻ

(còn tiếp)