Năm 2020 sắp sửa đi qua, chậm thế nào, dai dẳng thế nào rồi cũng sẽ đến lúc chấm dứt. Năm nay quả là một năm đầy biến động, người người bất an, lo lắng nên thời gian hình như trôi chậm rãi, ì ạch, mãi mới hết một ngày, rồi một tuần, rồi một tháng.

Biến cố lớn nhất, có ảnh hưởng rộng lớn, sâu đậm và lâu dài nhất có lẽ là trận đại dịch Vũ Hán, đã kéo dài từ cuối tháng Giêng đến hôm nay, khoảng 1.5 triệu người thế giới đã tử vong và cả trăm ngàn con người khác còn đang vật vã với căn bệnh. Tuy dứt cơn cấp tính, Covid-19 vẫn để lại ít nhiều hậu chứng mà con người còn đang tìm hiểu và tìm cách chữa trị. Ánh sáng hy vọng vừa le lói khi bản tin về thuốc chủng ngừa đang được cấp bách chứng thực để cư dân sử dụng. Thuốc chủng ngừa của Moderna xuất phát từ phòng thí nghiệm tại Hoa Kỳ, lại được NIH tiếp tay phát triển qua các chương trình thử nghiệm nên mọi dữ kiện được cập nhật nhanh chóng và được xem là con ngựa đua về đích đầu tiên.

Trận đại dịch ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của cư dân từ y tế, giáo dục đến kinh tế; mọi sinh hoạt xã hội đều trì trệ trừ y tế và các ngành liên quan.
Bệnh viện, chuyên viên y tế… đều làm việc trên mức bình thường để đáp ứng với nhu cầu chữa trị bệnh nhân cấp thiết. Lá thư ngắn của một đồng nghiệp trẻ khiến Dế Mèn băn khoăn, buồn bã cả mấy ngày. Lá thư nặng một nỗi sợ hãi và cảm xúc đơn độc của cô ấy và bạn bè
Em sợ lắm, sợ bị nhiễm bệnh rồi mang bệnh tật về cho gia đình, thân quyến. Sợ cả số bệnh nhân vào bệnh viện mỗi ngày một đông mà em không thể cáng đáng nổi. Sợ mất mát bạn bè đồng nghiệp vì họ vướng bệnh. Sợ không có đủ phương tiện dụng cụ để tự bảo vệ. Ngày nào em cũng hít thở đủ 10 tiếng không khí bệnh hoạn ấy. Hôm nọ, một đồng nghiệp qua đời, trong lúc người đứng quanh thì thầm lời vĩnh biệt, một cô điều dưỡng khá trẻ đã òa khóc nức nở. Tiếng khóc ấy khiến mọi người đều xúc động rồi kinh hoảng. Không biết lúc nào thì đến phiên mình. Em sợ quá, cô ơi!
Khi bớt sợ hãi thì em lại gặp cảm giác buồn rầu vì bị
lập. Em tự cô lập vì không dám đến gần người thân rất thèm ăn uống trò chuyện với họ, chỉ dùng điện thoại vì em ở riêng một căn phòng trong nhà. Ði làm về rồi rút vào phòng, ngủ rồi sáng hôm sau lại tiếp tục đi làm. Ngày nào cũng thế chắc em phát điên vì mệt mỏi và sợ hãi…

Phe ta nhìn quanh, xem những khúc phim thời sự về việc bá tánh tiếp tục ra đường, hàng quán tấp nập, phi trường chen chúc… Trận đại dịch kéo dài quá lâu nên con người mệt mỏi và trở nên tê liệt trước những hình ảnh thương tâm? Không ai chịu nổi sự cô lập kéo dài cả năm như thế? Người xã hội chẳng còn muốn nghe những câu năn nỉ ta ở nhà, cấm cung, chịu đeo mặt nạ để tiết giảm việc truyền nhiễm?
Gần gũi nhất là việc một nhóm bạn trẻ, tổ chức ăn mừng ngày ra trường tại nhà, bốn năm miệt mài mới học hành xong mà không được tiệc tùng chi thì buồn quá? Thế là họ party, hậu quả là 12 người trong nhóm bác sĩ mới keng kia nhiễm bệnh. Trách cứ chán rồi thì Dế Mèn đề nghị việc chuộc lỗi và họ đã hiến tặng plasma (huyết tương?) để trị bệnh cho những người đau ốm mê mệt.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Trường học thu gọn vào những buổi học trên liên mạng. Công việc bàn giấy lớn nhỏ cũng xoay quanh tại nhà riêng và chỉ tiếp xúc qua liên mạng. Từ đó mà nhu liệu Zoom phát triển mạnh mẽ, người người dùng Zoom để học hỏi, để làm việc và cũng để thăm viếng bạn bè, thân nhân.

Bị cách ly xã hội nên các nhu liệu liên quan đến liên mạng, máy điện toán đều được phát triển tối đa và sử dụng mạnh mẽ. Người già, em nhỏ đều “dính” liền với chiếc điện thoại di động, để nói chuyện, để đọc báo, theo dõi tin tức bạn bè, người quen, xem phim cũng như chơi các trò chơi.
Ngành Truyền Thông và các kỹ nghệ liên quan do đó được thời làm ăn dồn dập hơn. Công ty Trái Táo Sứt đang sửa soạn cho iPhone đời thứ 12, hai kiểu lớn nhỏ chưa kể các món phụ tùng đi kèm. Các công ty phát triển nhu liệu cũng rầm rộ không kém, cứ vài ba tuần lại có một “app” mới ra đời, để chụp hình, để nghe nhạc, xem phim, để nói chuyện, gửi tin nhanh chóng hơn, riêng tư hơn…

Và con người hình như trong thời đại dịch trở nên cô lập hơn bao giờ hết, cô lập vì sợ dịch bệnh đã đành nhưng cô lập vì có những vật dụng để tiêu xài thời giờ tối đa mà không phải… làm gì cả về mặt cá nhân. Như tiếp xúc với con người, ta phải hành xử theo một mẫu mực nào đó để tiếp tục duy trì tình thân. Như nuôi thú cưng, ta phải dành thời giờ chăm sóc bầu bạn với chúng để con vật “quen” chủ mà quấn quýt. Với máy móc thì ta không cần gì cả, chỉ dành đủ tiền mua vật dụng rồi từ đó mà “quấn quýt” sử dụng ngày đêm. Phe ta nhìn ngắm sự việc diễn ra chung quanh mà băn khoăn lắm, không biết sau đại dịch thì cách sinh hoạt của con người có thay đổi không hoặc sẽ tiếp tục tự cô lập mà dành thời giờ cho vật dụng như chiếc điện thoại thông minh, tài năng đủ thập bát ban võ nghệ đáp ứng mọi nhu cầu bất kể ngày giờ?

dreamstime.com

Từ đại dịch, con người ráo riết tìm kiếm và việc tìm kiếm vì cấp bách nên trở nên nhanh chóng hơn, cho kết quả sớm hơn bình thường. Ngành nghiên cứu và phát triển dược phẩm tiến hóa nhanh không ngờ. Và đây là một điều tốt đẹp. Cũng chuyện phát triển dược phẩm mà Dế Mèn nhận ra một vài điều khác. Như việc ganh đua dẫn đến các phát minh sáng chế mới mẻ, nhưng các thứ mới mẻ ấy lại chỉ thu hẹp trong khuôn khổ giàu nghèo.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Thuốc men được phân phối ở những vùng đất khá giả trước tiên. Sản phẩm của Moderna-NIH (hoàn toàn của Hoa Kỳ) và Pfizer-BioNTech (Hoa Kỳ-Ðức) đang được sửa soạn cho thị trường Hoa Kỳ, và với mức độ sản xuất hết tốc lực, hai công ty này cũng chỉ có thể cung cấp đủ cho cư dân Hoa Kỳ vào cuối mùa Xuân 2021. Sau đó mới đến các vùng đất khác?

Chỉ ngắm nhìn cách hai công ty kể trên nộp đơn xin chứng thực với cơ quan y tế FDA mà chưa nhắc chi đến EMA (Liên Âu) ta có thể tạm đoán rằng không đủ thuốc dùng, xin chứng thực làm chi ở Liên Âu cho bá tánh chửi tắt bếp? Tại Anh, AstraZeneca đã được chứng thực và đem ra sử dụng tại đất nước này; công ty dược phẩm ấy gốc Anh & Thụy Ðiển, không biết có chịu áp lực mà phải gấp rút xin chứng thực tại Liên Âu hay không?

Kinh tế xuống dốc và số cư dân cần trợ giúp, nhất là về thực phẩm, lên khá cao, con số 16-20 triệu gia đình là một con số chóng mặt và đáng lo âu. Trong khi ấy, cái rủi ro xuống dốc của kỹ nghệ du lịch, khách sạn, tiệm ăn quán rượu, hí viện… lại là những may mắn của kỹ nghệ chế tạo sản phẩm “an toàn cá nhân” như mặt nạ, găng tay, áo khoác ngoài, máy trợ thở… kỹ nghệ “giao hàng” (delivery), chuyên chở, buôn qua bán lại như lớn nhỏ Amazon, Etsy, UPS, UberEats, Door Dash đều ăn nên làm ra, thu bạc quá xá.

Cuộc bầu cử lớn nhất tại Huê Kỳ cũng đã chấm dứt dù các xáo trộn liên quan đến kết quả vẫn đang tiếp diện, người vui kẻ buồn cũng lắm nhưng thể nào nào rồi các xáo trộn, bất ổn ấy cũng sẽ rơi vào quên lãng?!

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Ấy là vài nét vui buồn, buồn nhiều hơn vui, của năm 2020 đang qua, còn năm 2021 sắp tới thì   sao?
Dế Mèn nhìn tấm lịch với chương trình giảng huấn của lục cá nguyệt sắp tới mà hy vọng. Trường học sắp xếp giờ dạy với ý định “in-person”, học trò và thầy cô sẽ được nhìn mặt nhau mà thảo luận. Sinh viên cũng như thầy cô sẽ phải thử nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường và ký túc xá để mọi người an tâm hơn. Và có lẽ sau mùa Hè thì niên khóa 2021-2022 sẽ trở lại sinh hoạt như trước?
Sau đại dịch, từ các dữ kiện thu góp được ta có cơ hội tìm hiểu mức hiệu quả của cách giảng dạy qua liên mạng cũng như thẩm định sự trưởng thành của những người trẻ học hành tại nhà, ít được giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa chung quanh?

Ðắm chìm trong trận đại dịch nên ta khó lòng nhìn ra những bước tiến trong ngành y tế công cộng, từ việc chăm sóc sức khỏe cư dân đến việc truyền tải các tin tức cần thiết để phòng bệnh và trị bệnh. May ra khi trận dịch chấm dứt, những người mong muốn đều được chủng ngừa đầy đủ thì bá tánh sẽ tin tưởng vào ngành y tế hơn?

Khỏe mạnh rồi thì con người sẽ yêu đời và tin tưởng vào tương lai rồi hoạch định các chương trình sắp tới? Dế Mèn nhìn ngắm danh sách du lịch của mình mà khấp khởi hy vọng. Chuyến đi Ai Cập [sau khi bị hoãn lại lần thứ nhì] sẽ xảy ra vào tháng Năm năm tới? Quá tam ba bận, may ra lần này phe ta sẽ được xuôi dòng sông Nile mà nhìn ngắm các công trình xây cất của những Pharaoh xa xưa?
Mấy chuyến đi nội địa bị tạm thời trì hoãn cũng sẽ được tiếp tục? Dế Mèn sẽ được về thăm bà mẹ già và rong chơi New York City, thở lại cái không khí ầm ĩ, nhộn nhịp của thành phố rực rỡ ánh đèn? Sẽ được nhìn mặt mấy cô em gái và đứa cháu nhỏ mà cả năm chưa gặp? Vùng New York và phe ta “ruột thịt” như thế mà bấy lâu nay không thấy nhau thì nhớ nhung lắm! Ðây cũng là cơ hội để Dế Mèn “đóng góp” với mấy công ty hàng không, “giúp” họ làm ăn trở lại?

Ôi chao, nhìn ngắm tấm lịch ghi chép ngày tháng của năm 2021 thì Dế Mèn có bao nhiêu thứ để làm, bao nhiêu việc để tiếp tục sau 9-10 tháng trì hoãn vì đại dịch. Năm 2021 sẽ là một năm đầy hy vọng; tươi sáng hơn để ta hoan hỷ mà chia tay tống tiễn năm cũ?

TLL